Người Mẫu
Bernard Malamud
Bernard Malamud (#1)
Sáng sớm ngày nọ, Ephraim Elihu bấm số điện thoại của ASL (#2) rồi hỏi nhờ người đàn bà ở văn phòng giúp ông tìm một người mẫu để vẽ tranh khỏa thân. Ông nói ông muốn mướn một cô người mẫu chừng ba mươi.
" Tôi không nhớ đã có thấy tên ông," người đàn bà ở ASL nói. " Xưa nay ông đã từng có quan hệ nghề nghiệp gì với chúng tôi không? Có sinh viên ở đây sẵn sàng làm người mẫu, nhưng chỉ cho những họa sĩ chúng tôi quen biết thôi." Ông Elihu nói không, ông chưa từng có quan hệ nghề nghiệp gì với trường cả. Ông chỉ muốn nói rõ rằng ông là một họa sĩ tài tử, lâu về trước có theo học một thời gian ngắn ở ASL.
" Ông có xưởng vẽ không?"
" Tôi có cái phòng khách khá rộng rãi và nhiều ánh sáng. Tôi không còn trẻ nhỏ gì đâu," ông Elihu phân trần, " nhưng sau nhiều năm không vẽ, tôi đã bắt đầu vẽ lại và tôi tin rằng vẽ một vài bức khỏa thân sẽ giúp tôi làm quen lại với hình tượng. Tôi không phải là một họa sĩ chuyên nghiệp nhưng tôi đến với hội họa một cách khá nghiêm chỉnh. Nếu bà muốn có người viết thư chứng nhận cho tư cách cá nhân của tôi, xin sẵn sàng cung cấp."
Ông Elihu hỏi chuyện giá cả. Người đàn bà ngập ngừng một tích tắc, rồi cho ông biết: " Sáu đô-la một giờ."
Ông Elihu bảo vậy tốt quá. Ông định nói chuyện lâu hơn, nhưng người đàn bà không có vẻ khuyến khích. Bà ghi tên và địa chỉ ông xong rồi nói bà có thể cho một người mẫu đến nhà ông ngày mốt. Ông Elihu cám ơn bà ta.
Đó là ngày thứ tự Sáng thứ sáu, người mẫu đến như đã hẹn. Cô ta gọi điện thoại hôm trước, và họ quyết định giờ giấc với nhau. Cô người mẫu bấm chuông mấy phút sau chín giờ và chủ nhân ra mở cửa ngaỵ Elihu là một ông già bảy mươi tuổi, tóc bạc xám, nhà là ngôi " brownstone" (#3) ở gần đại lộ Thứ Chín. Ông cảm thấy hứng khởi sắp được vẽ cô gái.
Cô người mẫu là một thiếu phụ trẻ, khoảng hăm sáu, hăm bảy, trông vầy vậy, không đẹp, không xấu. Nhìn cô, người họa sĩ già thấy ngay rằng cái nét hay nhất của cô là ở đôi mắt. Cô mặc chiếc áo mưa màu xanh mặc dù hôm ấy là một sáng mùa xuân tạnh ráo. Ông Elihu thấy có cảm tình với cô gái nhưng ông không nói ra. Còn cô người mẫu thì sau một cái liếc nhanh qua ông, bước vào nhà với những bước mạnh bạo, dứt khoát.
Ông nói, " Chào cô" , và cô trả lời, " Chào ông."
" Có vẻ như xuân đã trở về," ông già nói tiếp. " Chồi non, lá mới bung ra rồi cả đấy."
" Ông muốn tôi thay đồ ở đâu?" cô người mẫu hỏi.
Ông Elihu hỏi tên cô là gì, và cô nói, " Ms. Perrỵ" (#4)
" Cô có thể thay trong phòng tắm, Miss Perry (#4) ạ, hay nếu cô thích thì cô có thể thay trong phòng tôi hiện đang để trống đằng cuối hành lang kia kìa, ấm hơn phòng tắm đấy."
Cô người mẫu nói đâu cũng được, chẳng quan trọng, nhưng cô nghĩ thay đồ trong phòng tắm thì hơn.
" Tùy cô," ông già nói.
Cô người mẫu liếc vào phòng trong, rồi hỏi: " Bà nhà đâu rồi ông, tôi không thấy?"
" Bà xã tôi mất rồi. Tôi ở một mình."
Ông nói tiếp rằng ông có một người con gái nhưng nó cũng chết rồi, trong một tai nạn.
Cô người mẫu nói, " Tội nghiệp chưa!" rồi tiếp: " Tôi thay đồ rồi ra ngay"
Ông Elihu nói: " Không có gì vội cả," và thấy hân hoan sắp được vẽ cô gái.
Cô Perry bước vào phòng tắm, cởi bỏ áo váy trong đó, rồi bước ra. Cô tụt cái áo choàng ngoài khỏi người. Đầu, cổ và vai cô thanh cảnh, cân đối. Cô hỏi ông già muốn cô đứng ngồi ra sao. Ông Elihu đứng cạnh cái bàn mặt tráng men, thứ bàn thường thấy trong bếp, cạnh cửa sổ lớn. Trên mặt bàn, ông đã bóp ra hai ống sơn nhỏ và đang trộn chúng với nhau. Có ba ống sơn nữa nhưng ông không mó đến. Cô người mẫu rít một hơi dài rồi dụi mẩu thuốc lá lên cái nắp thiếc hộp cà phê.
" Tôi mong rằng ông không lấy làm phiền nếu thỉnh thoảng tôi rít vài hơi."
" Không, không có gì phiền cả. Cô cứ tự nhiên hút thuốc khi mình nghỉ tay"
" Ý tôi muốn nói vậy đó."
Cô người mẫu lặng lẽ quan sát ông già trộn màu.
Ông Elihu không nhìn ngay cô người mẫu lõa thể; ông chỉ nói ông muốn cô ngồi ở cái ghế cạnh cửa sổ. Ngoài kia là sân sau, có cây ailanthus vừa mới đâm chồi non.
" Ông muốn tôi ngồi sao? Vắt chân hay duỗi thẳng?"
" Tùy cô, sao cũng được. Cô cứ ngồi sao cho thoải mái là được."
Trong một thoáng, cô người mẫu có vẻ ngạc nhiên, nhưng rồi cô cũng ngồi xuống cái ghế vàng cạnh cửa sổ, và vắt một đùi lên đùi kia. Toàn thân cô trông gọn ghẽ cân đối.
" Thế này được không, ông?"
Ông Elihu gật đầu: " Được," " được quá."
Ông nhúng đầu cọ vào đống sơn ông đã trộn trên bàn, nhìn qua thân thể trần truồng của cô người mẫu một cái, rồi bắt đầu vẽ. Thỉnh thoảng, ông nhìn cô, nhưng cái nhìn của ông không đọng lại lâu, ông nhìn qua nơi khác ngay, như thể ông ngại thất thố với cô. Nét mặt ông có cái vẻ bình thản của người đang chú tâm vào đối tượng một cách khách quan. Điệu bộ ông đứng vẽ trông thành thạo, quen thuộc. Lâu lâu, ông đưa mắt nhìn cô người mẫu. Lâu lâu thôi, ông không nhìn cô nhiều. Còn cô gái thì có vẻ như không còn biết đến sự có mặt của ông nữa. Một lần, cô gái ngoái đầu ngắm cây ailanthus sau vườn, và ông Elihu nhìn cô một lúc lâu xem thử cô thấy được gì ở cái cây ấy.
Nhưng rồi cô người mẫu xoay qua quan sát người vẽ kỹ lưỡng hơn. Cô chăm chú nhìn mắt ông, tay ông. Ông già tự nhủ không biết mình có đang làm cái gì sai trái không. Một giờ đồng hồ trôi qua. Bỗng nhiên, cô người mẫu hấp tấp đứng dậy như thể không thể nào chịu đựng được lâu hơn nữa.
" Cô mệt há?" ông già hỏi.
" Không, không mệt," cô nói, " nhưng Trời Đất ơi, tôi muốn biết ông đang làm cái trò gì đó. Nói thật với ông, tôi thấy ông chẳng biết cái quái gì về hội họa cả!"
Ông già ngạc nhiên đến hoảng hốt. Ông tóm vội một cái khăn bông lớn, trùm kín lấy tấm bố ông đang vẽ.
Sau một lúc thật lâu, ông Elihu mới lên tiếng. Hơi thở ông ngắn, vội. Thè lưỡi liếm đôi môi khô, ông nói rằng ông có nhân danh nhân diếc một họa sĩ gì đâu. Ông bảo khi điện thoại đến trường ASL và nói chuyện với bà nào đó ở văn phòng ông đã nói rõ như vậy.
Rồi ông nói, " Có lẽ tôi đã lầm to khi tôi mời cô đến hôm naỵ Tôi nghĩ, đáng ra tôi phải tự thử thách một thời gian lâu hơn nữa, để đừng làm mất thì giờ người khác. Có lẽ tôi chưa chuẩn bị đầy đủ để làm những gì tôi muốn làm."
" Tôi không sá gì chuyện ông chuẩn bị hay không chuẩn bị," cô Perry nói. " Tôi thấy ông đâu có vẽ gì tôi. Nói trắng ra, ông đâu thật tâm có ý vẽ tôi. Tôi nghĩ rằng ông chỉ muốn để cho đôi mắt ông chạy lướt trên thân thể tôi vì những lý do riêng của ông. Tôi không biết ông muốn cái gì, ông cần cái gì, nhưng tôi chắc chắn rằng phần nhiều những cái ấy chẳng ăn nhằm gì với hội họa cả."
" Có lẽ tôi đã lầm to"
" Đúng vậy. Ông lầm to" Cô đã mặc áo choàng vào lại, và buộc chặt thắt lưng.
" Tôi là một họa sĩ," cô nói tiếp, " tôi làm người mẫu vì tôi không còn một xu dính túi, nhưng khi trông thấy đồ giả, tôi biết ngay"
Ông Elihu nói: " Bậy. Thật quá bậy. Đáng ra khi nói chuyện với cái bà ở ASL tôi phải cố hết sức trình bày mọi sự thật cặn kẽ. Thì đâu có chuyện đáng tiếc như hôm naỵ"
" Xin lỗi cô," ông Elihu nói, giọng khàn đặc. " Đáng ra, tôi phải suy tính thấu đáo hơn. Tôi năm nay đã bảy chục rồi. Cả đời, tôi yêu mến phái nữ, nhưng mấy năm sau này tôi đặc biệt thấm đau một mất mát lớn, trong khoảng đời này tôi không có được một người bạn nữ bên cạnh. Đó cũng là một trong những lý do tôi cầm cọ vẽ lại, mặc dù biết rằng mình chẳng có tài cán gì đáng kể. Chẳng những thế, tôi cũng đâu có ngờ rằng tôi đã quên đi biết bao nhiêu về cái vẽ. Và thân thể người đàn bà, tôi cũng đâu có ngờ tôi đã quên đi nhiều đến thế. Tôi không ngờ rằng nhìn cô, tôi đã xúc động như vậy, và nghĩ lại, tôi cũng bàng hoàng là cả một cuộc đời trôi qua cái vèo. Tôi đã mong rằng cầm cọ vẽ sẽ đem lại cho tôi một sức sống mới, một cái nhìn tươi mát hơn về cuộc đời. Thật đáng tiếc tôi đã làm phiền cô... "
" Phiền, cái đó khỏi lo. Tôi sẽ được trả tiền cho sự phiền hà ấy," cô người mẫu nói, " nhưng cái mà ông không đem tiền đền bù được là nỗi xúc phạm tôi phải chịu đựng ở đây, để cho mắt ông, cái nhìn của ông rờ rẫm bò khắp thân thể tôi."
" Tôi không có ý sỉ nhục cô"
" Tôi cảm thấy vậy đó, ông ơi."
Rồi cô Perry bảo ông Elihu cởi quần áo ra.
" Tôi? Cởi quần áo?" Ông hỏi, vô cùng ngạc nhiên. " Để làm gì?"
" Tôi muốn vẽ ông. Cởi quần, cởi áo ra, mau lên!"
Ông Elihu nói rằng thấy xuân về, ấm áp hơn, hôm nay ông mới rời bỏ bộ đồ lót mùa đông đấy, nhưng cô gái không nhếch được môi mà cười một cái.
Ông già cởi quần áo, trong lòng hổ thẹn vì phải phơi bày thân thể trần truồng trước mặt một người nữ trẻ măng, tuổi tác chưa bằng phần nửa đời ông.
Với những nét nhanh, gọn, cô Perry phác họa ông già. Thật ra, ông Elihu chỉ thấy tồi tệ trong lòng, chứ trông ông không đến nỗi như ông lo ngại.
Khi cô Perry vẽ xong phác họa, cô thọc cây cọ vào đống sơn đen cô bóp ra từ một ống màu, rồi quẹt bậy quẹt bạ lên mặt người trong tranh.
Đứng nhìn, Elihu đủ thấy cô người mẫu thù ghét ông đến mức nào, nhưng ông chỉ im lặng.
Cô Perry vất cây cọ vào sọt rác rồi đi vào phòng tắm để mặc áo quần.
Ông già viết cái chi phiếu, ghi số tiền họ đã đồng ý. Ông cảm thấy xấu hổ phải ký tên ông vào, nhưng ông vẫn ký. Cô Perry nhận lấy chi phiếu, dúi nó vào cái xắc lớn, rồi quay đi.
Ông Elihu nghĩ rằng, thật ra, cô người mẫu không phải là một người đàn bà không có nhan sắc. Cô chỉ thiếu cái duyên, cái dáng đó thôi. Rồi ông già tự hỏi: " Cuộc đời mình đến đây rồi không còn gì nữa à? Thế là hết đấy à?"
Câu trả lời có vẻ như là " đúng thế" , và Elihu khóc thầm trong lòng vì trong giây phút đó, bỗng nhiên ông cảm thấy mình già khọm đi.
Sau đó, ông kéo cái khăn bông trùm kín bức vải, và thử vẽ lại khuôn mặt cô gái, nhưng chỉ mới đấy mà ông đã quên nó mất tiêu rồi.
Chú thích:
(1-) The Model ,truyện thật ngắn của Bernard Malamud, từ Suđen Fiction, International edited by Robert Shapard & James Thomas. Introduction by Charles Baxter. W.W. Norton & Cọ, Inc., New York, 1989.
Chú thích
Bernard Malamud sinh năm 1914, một trong những nhà văn hiện đại có uy tín của Mỹ quốc, bắt đầu viết những năm 40. Truyện của ông, dài cũng như ngắn, thường lấy đề tài từ cuộc sống và tâm tư người di dân Do thái ở Tân thế giới, đặc biệt ở thành phố New York. Trên bình diện đó, ông gần với ỊB. Singer, nhưng ông có phong cách đặc thù của riêng mình. Truyện ông viết xuất hiện trên những tạp chí như Harper s Bazaar, Partisan Review, Commentarỵ Malamud dạy học tại Bennington College trong hơn hai mươi năm. Năm 1959, ông đoạt giải National Book Award với tập truyện The Magic Barrel, và năm 1967, đoạt cả hai giải National Book Award và Pulitzer Prize với cuốn tiểu thuyết The Fixer. Trong số tiểu thuyết của ông, phải kể The Natural và Dubin s Lives. Các tuyển tập khác gồm có Idiots First, Rembrandt s Hat, và The Stories of Bernard Malamud. Ông mất năm 1986 ở New York City.
(2-) ASL: Art Students Leaguẹ Không phải là một " liên minh" như tên gọi mà là một trường tư dạy mỹ thuật ở New York City, được thành lập từ tiền bán thế kỷ 19, có uy tín khắp nước. Nhiều danh họa từng dạy ở đó: Thomas Hart Benton, George Grosz, Yasuo Kuniyoshi,William Zorach...
(3-) Một thứ đá cứng, màu nâu đỏ, thường để xây nhà ở những thành phố lớn Hoa kỳ đầu thế kỷ 20.
(4-) Thập niên 60, phong trào nữ quyền tăng cường dữ dội ở Hoa kỳ và Ấu châu. Ở Mỹ, người ta không gọi một người nữ là Miss hay Mrs. nữa vì lý do người đó có chồng hay chưa là chuyện riêng, không mắc mớ tới ai cả. Và từ Ms. (đọc là Mì.z) ra đời. Khi cô người mẫu nói tôi là Ms. Perry, cô không cho biết mình là một Miss hay một Mrs. Ông Elihu lại gọi cô là Miss Perry vì thấy cô còn trẻ và có vẻ độc thân. Chưa gì đã có mầm xung đột!
Hết