Vết Lăn Hai Đời
Quảng Diệu Trần Bảo Toàn
Hỡi ôi người phụ nữ gầy
Làm me thế giới cho đầy bát cơm
Phù sinh, số kiếp chẳng thơm
Áo quần biếng nải, rối bờm tóc tre
Thương người phụ nữ làm me!
(Đây là chuyện hoàn toàn hư cấu, không nhắm vào bất cứ cá nhân nào, nếu có sự trùng hợp, chỉ là tình cờ. QDTBT)
Mười tuổi, Mỵ bị gia đình quăng ra cuộc sống. Ba nàng, binh nhất, chết trận trong năm cuối cùng của cuộc chiến tương tàn Nam Bắc. Mẹ nàng bệnh hoạn quanh năm, vì trước khi lấy chồng, bà vốn vất vả bôn ba làm đủ nghề buôn thúng bán bưng. Đời bà đỡ vất vả hơn từ khi nhận bán bar cho quán Mỹ Go Go. Những anh lính Mỹ mới từ trận tuyến trở về, đôi giầy còn bết sình lầy, vết máu chiến trường, vào bar uống rượu cho quên đi những nỗi sợ hãi, uẩn ức còn vương lại nơi chiến địa. Họ hào sảng nhét vào ngực các cô gái bán bar từng tờ Đô La xanh còn thơm mùi thuốc súng. Nhiều cô nhận lãnh và trả ơn họ bằng những thứ họ cần. Mẹ của Mỵ cũng vậy. Bà đã tiếp hàng trăm người lính Mỹ, thân xác đã rã rời, tự đáy lòng bà vẫn mong một mái ấm gia đình, song tiếng Mỹ chỉ bập bẹ vài ba câu: Ok! No ok! No kiss! Yes... again!? Chẳng người quân nhân Hoa Kỳ nào tỏ ý cưới bà, một phần mục đích họ đến với nhau qua trung gian đồng tiền đã rõ, phần khác giá có người muốn cưới, tỏ tình thì bà cũng không bao giờ hiểu nổi. Nếu có người lính nào đó đối với bà nhẹ nhàng, ôm bà vào lòng nói những lời dịu dàng, thì bà cũng chỉ biết hỏi lại: Yes,... again???
Cho đến một buổi chiều, Tư Héo gặp bà trên đường về nhà, gã buông lời trêu chọc. Bà cũng chẳng chấp, thiếu gì những chàng Thủy Quân Lục Chiến Mỹ còn bợm trợn đối với bà gấp bội, bà chẳng chấp, huống hồ vài lời ong bướm của Tư Héo. Bà lại còn cảm thấy thú vị, vì lời của Tư Héo dù suồng sã, song bà còn hiểu trọn vẹn. Có lẽ đây là lời "tỏ tình" đầu tiên bà cảm nhận đầy đủ. Với nụ cười mời gọi đáp lại, bà ném cho Tư Héo bao thuốc Salem mà một người lính Mỹ đã trả công cho bà hồi sáng. Tư Héo không ngờ phản ứng của nàng Kiều lại như vậy. Gã lí nhí cảm ơn. Thời gian trôi qua, dường như ngày nào Tư Héo và bà cũng trao nhau đôi ba câu chuyện. Rồi họ yêu nhau, Tư Héo tỏ lời xin cưới bà. Bà thật thà kể chuyện "nghề nghiệp" của mình cho Tư Héo nghe. Song Tư Héo đã cả quyết: "Người xưa nói, thà lấy đĩ về làm vợ, còn hơn để vợ đi làm đĩ! Qua đã nhất quyết cưới em. Em đừng lo nghĩ gì nữa. Chỉ mong từ nay, em xa đám lính trận là được rồi!" Đám cưới tổ chức đơn sơ, song đầy đủ lễ nghi. Tư Héo được phần 8 công đất hương hỏa của ông bà để lại. Gã đã cùng vợ lập nên một gia đình êm ấm trên mảnh đất ấy. Rồi hai chị em Mỵ, Châu ra đời. Vợ chồng Tư Héo chăm chỉ làm ăn, an vui hạnh phúc. Cuộc đời của cô gái bán bar đã đi vào dĩ vãng, thay vào đó mẹ của Mỵ tần tảo ruộng nương, lo cho gia đình chồng con chu đáo. Tư Héo càng ngày càng tươi ra... Bà con làng xóm chỉ còn gọi là Anh Tư, thay vì Tư Héo như xưa. Nhưng một ngày kia, mặt anh Tư lại bỗng dưng héo úa, khi anh cầm sự vụ lệnh tổng động viên trong tay. Anh Tư từ biệt vợ con lên đường nhập ngũ. Sau ba tháng nơi quân trường thao dượt, anh được gửi ra chiến trường ác liệt. Trong những trận Hạ Lào, Quảng Trị, Mỹ Khê... đã nhiều lần anh Tư tưởng là không bao giờ về được với vợ con nữa. Nhưng anh thực sự đã đền nợ nước khi Buôn Mê Thuật thất thủ vào mùa Xuân 1975.
Ba mẹ con Mỵ đã khóc hết nước mắt, khi nghe tin anh Tư ngã xuống. Mẹ của Mỵ nằm liệt giường vì cơn sốc quá mạnh. Than ôi, người chồng tưởng đã cho bà chỗ dựa suốt đời, nay lại ra đi. Năm đó Mỵ mới gần 10 tuổi đầu. Con bé vừa phải lo cho mẹ ốm, vừa phải lo cho em nhỏ, vừa chịu sự chèn ép của chính quyền vì cái phốt con cái "Ngụy Quân". Nó vất vả bương trải tháng ngày, ruộng vườn rồi cũng từ từ mòn theo ngày tháng. Cầm cự bữa sắn bữa khoai, ba mẹ con không phải bán đi mảnh vườn và căn nhà tá túc gió mưa. Đến khi Mỵ 16 tuổi, đẹp xinh như mẹ hồi còn trẻ. Có người bạn của mẹ Mỵ thương tình mách bảo nên xin việc ở Đặc Khu Vũng Tàu, vì nơi đó có rất nhiều chuyên gia Nga sinh sống, làm việc trong công ty khai thác dầu khí. Mỵ không biết tiếng Nga, chẳng biết tiếng Anh, nhưng người bạn của mẹ Mỵ đã dạy cho Mỵ vài câu đối thoại thông thường: "Нет, все право, отсутствие поцелуя, да... снова?" (No, all right, no kiss, yes.... again?) Mẹ Mỵ đau lòng lắm, nhưng không thể cưỡng lại số mệnh, cho con đi hay cùng chết đói. Trước khi con bà lên đường đi Vũng Tàu xin việc, bà gọi con đến bên giường dặn bảo: "Con ơi, mẹ đau bịnh chẳng lo lắng được cho các con. Ba con thì đã ngã xuống vì nợ nước, cái chết của ba con đối với thời nay chẳng có công mà còn có tội. Thôi thì nay con đã lớn khôn, phải xa nhà bươn chải lo cho mẹ cho em, thôi con khá giữ lấy thân. Chẳng kẻ ngoại nhân nào thương xót chúng ta cả. Ngày xưa những quân nhân Hoa Kỳ cũng đến với mẹ để giải quyết vấn đề của họ, họ dày vò mẹ như thể mẹ là nữ biệt kính Việt Cộng vậy. Ngàn xưa quân Tàu Ô, Pháp, Nhật cũng đối với phụ nữ Việt Nam như thế... Khi những người con gái không còn gì để sống, phải bán thân xác cho ngoại nhân... đau đớn lắm con ơi!" Bà khóc ròng, nghĩ đến thân phận bọt bèo của đứa con gái mai sau. Khóc một hồi rồi bà tiếp: "Con ạ, người Mỹ họ còn nhân hậu, phóng khoáng vì họ giàu có và ăn bánh trả tiền. Mẹ nghe nói người Nga nghèo nàn, keo kiệt lắm. Tính khí lại cộc cằn thô lỗ, con cẩn thận nha con..." Bà ngừng lại khóc ngất. Mỵ cũng ôm mẹ khóc nức nở. Nàng thương mẹ, thương em và cũng thương cho bản thân của nàng nữa. Làm con nhà nghèo, sinh lại lỡ thời, có chút nhan sắc, chỉ tổ bạc phận mà thôi. Mẹ nàng lại rấm rứt: "Người ta dặn dò con gái khi lấy chồng, tôi lại dặn con... khi con tôi đi làm... nè trời!"
Mỵ ra Vũng Tàu, xin được chân bán giải khát phục vụ Chuyên Gia Hữu Nghị. Những ông Liên Xô to lớn dềnh dàng, người bệu rệu, ăn mặc bệ rạc vẫn hay đến giải khát. Hay bẹo má trêu chọc Mỵ. Song họ nghèo quá, chẳng có dư giả tiền bạc để vung vít chơi bời. Cho nên chữ tiếng Nga, Mỵ dùng thường nhất là Нет (no). Rồi đoàn chuyên gia của Ba Lan ghé đến Vũng Tàu, họ khá giả hơn, đồng tiền của họ cũng dễ dàng ra khỏi túi hơn. Trong vòng nửa năm họ ở đó, Mỵ đã có cơ hội phục vụ họ "trên tinh thần hữu nghị song phương: Một bên Tiền và một bên Tình" rất thắm nồng tính quốc tế. Đoàn chuyên gia Ba Lan về nước, đoàn chuyên gia Tiệp Khắc lại sang... cứ như thế, cuộc đời Mỵ đắng cay hơn cuộc đời mẹ nàng. Nàng chắt bóp gửi về nuôi mẹ nuôi em, vài công ruộng đã được mua lại, em nàng quán xuyến ruộng nương và viết thư khuyên Mỵ hãy nghĩ đến mình.
Mỵ cũng muốn tìm một người đàn ông Việt Nam khả dĩ có thể cưới nàng, song đàn ông Việt Nam quanh Mỵ chẳng có ai tên là Tư Héo. Họ dè bĩu tránh xa nàng. Mỵ để nỗi thao thức cứ theo tháng ngày với những giọt nước mắt vơi đầy. Cho tới buổi chiều cuối năm 83, một công nhân dầu khí trẻ tuổi người Nga, Panotski, bước vào trong quán giải khát chuyên gia. Chàng đã đắm đuối nhìn nàng, nàng cũng hồi hộp nhìn chàng. Anh chàng cao lớn, rắn rỏi, khoẻ mạnh với cặp mắt xanh màu nước biển, mái tóc vàng hung và gương mặt màu bánh mật (vì gió và nắng biển, chứ Panotski bổn dĩ là người da trắng), khiến anh chàng có nét phong trần, quyến rũ như anh chàng cao bồi Texas, mà Mỵ được coi chùa hôm chiếu phục vụ Chuyên Gia. Mỵ thấy trái tim tăng gia tốc, nàng cố gắng nói câu tiếng Nga mà nàng đắc ý nhất: "Могу я принести вам?" (Tôi có thể phục vụ (mang đến cho) ngài gì ạ?) Panotski cười lớn nói: "Вы, Tолько вы!" (Cô, chỉ có cô thôi!) Mỵ nghe lòng hừng lên tình cảm không tên, chưa bao giờ nàng có trong suốt thời gian phục vụ chuyên gia hữu nghị ở chốn này.
Hai người trở thành bạn tình của nhau. Panotski nói tiếng Việt rất giỏi. Chàng đã chiếm trọn trái tim còn lại của Mỵ. Anh chàng cũng chẳng giàu có gì hơn bạn bè đồng nghiệp xuất thân từ nước Liên Xô nghèo khó, song chàng cũng xoay xở tặng cho Mỵ những món quà nho nhỏ. Món quà mà Mỵ thích nhất, có lẽ là hai món mĩ phẩm mà Panotski đã chia lại của một chuyên gia từ Đông Đức mang qua. Đó là một hộp kem dưỡng da và một hộp kem thoa tay. Vâng đó là cái mốc để họ thuộc hẳn về nhau.
Mỵ từ chối tất cả mọi người đàn ông khác, nàng đã hồi hộp từ cơn khi nghe đài nha khí tượng báo tin có bão cấp 8 cấp 9. Panotski ở giàn khoan có bình an chăng. Ba ngày trôi qua từ khi có bão... Panotski trở về. Hai người đã ôm chầm lấy nhau, như đã mất rồi báu vật, nay lại may mắn tìm về. Panotski tìm môi Mỵ trong hơi thở, sau một cái hôn dài đắm đuối, chàng thủ thỉ bên tai:"Oh, мое дорогое, я думал я должно умереть и может никогда не видеть вас снова! Oh, мое дорогое, пожалуйста идет моим супругой!" (Ôi em yêu, anh tưởng rằng anh đã phải chết, và không bao giờ còn thấy được em nữa. Ôi, em yêu hãy trở thành người vợ của anh!" Và rồi họ cưới nhau.
Mỵ thôi bán quán giải khát, dọn ra theo chồng ở trên tàu dựng các dàn khoan, trong căn buồng chật chội, làm cấp dưỡng cho đội công nhân và chuyên viên ở đây. Họ lần lượt cho ra đời hai cô con gái.
Nhớ tới món quà kỷ niệm cột mốc mối tình, họ đặt tên cho các bé gái những cái tên rất đẹp....
Sau ngày Liên Xô sụp đổ, Panotski đã theo vợ ở lại Việt Nam, họ mở quán bán cơm Nga. Cuộc sống của họ được cải thiện, hai đứa con gái cũng được đi học tử tế đến hết phổ thông. Mang trong người hai dòng máu. Chúng đều đẹp, Mỵ thường van vái Trời Phật cho vết lăn quá khứ của bà ngoại và mẹ hai cô gái đương thì kia đừng bao giờ trở lại.