"Thiền sinh Tokusan, chiều chiều thường vẫn đến nhà Sư Phụ là Thiền Sư Ryutan để vừa đàm đạo vừa nghe Thầy giảng dạy. Một đêm đã khuya lắm rồi mà Tokusan vẫn còn nhiều điều muốn hỏi Thầy..
Thiền Sư Ryutan bảo:
"Đêm đã xuống lâu rồi, sao ngươi không về ngủ đỉ"
Tokusan cúi đầu chào Thầy, vén màn cửa đi ra, nhìn bên ngoài rồi quay lại nói:
"Sư Phụ, bên ngoài trời tối đen như mực. "
"Thì ngươi cầm cây nến này!"
Thiền Sư Ryutan cho Tokusan một cây nến để thấy đường; nhưng Tokusan vừa cầm lấy cây nến thì Sư Ryutan thổi phụt tắt ngọn nến.
Ngay lúc ấy, Tokusan ngộ đạo."
Điều thứ nhất chúng ta cần hiểu cho thật minh bạch là chúng ta không thể nào nghiên cứu học hỏi về Thiền. Điều đó không thể nào được. Bạn có thể thâm nhập thiền, nhưng bạn không thể nghiên cứu thiền; vì thiền không phải là một vật thể, một đối tượng để nghiên cứu tìm tòi. Thiền là "đường lối sống, là phương pháp sống." Thiền là con đường đạo. Thiền tùy thuộc vào cách sống của bạn.
Bạn không thể nắm bắt được cốt tủy Thiền Tông qua phương tiện kinh điển, qua người khác. Không một ai có thể dạy cho bạn, và thiền cũng không thể mang ra giảng dạy như một môn học được. Thiền không phải là kiến thức được truyền trao từ người này sang người kia. Thiền là cuộc sống, là dòng đời dang trôi chảy không ngừng. Bạn bơi trong dòng sông đời, bạn uống cạn từng giọt nước; hít thở từng hương vị mà dòng sông cuộc sống trao cho bạn; bạn mở rộng cõi lòng ra đón nhận cuộc sống, đón nhận thiền - đó là những gì mà người đệ tử nên làm với Sư Phụ.
Câu truyện trên kể rằng "Tokusan đang học thiền". Ngay chính chỗ đó là chỗ sai lầm của Tokusan cũng như của mọi người chúng tạ Cũng như có vài đại học nêu bảng hiệu là "Đại Học Tôn Giáo". Không có một đại học nào có thể dạy đạo cho bạn được. Họ có thể nói., có thể giảng về tôn giáo, nhưng đó không phải là cốt lõi, là tinh túy, là hương thơm Tôn Giáo, không phải là Đạo. Có rất nhiều triết thuyết, có rất nhiều đạo thuyết, nhưng chung qui không phải là tôn giáo. Những giảng sư có thể giúp bạn học Kinh Koran, Thánh Kinh, Kinh Vệ Đà; họ có thể nói về Chúa, về Phật, về Krishna; bạn cũng có thể học hỏi thu thập được rất nhiều điều hay, mới mẻ, bổ ích; nhưng bạn sẽ không bao giờ nắm bắt được cái linh hồn của tôn giáo, bạn sẽ lạc mất đi cái cốt tủy của Đạo.
Tôi có nghe một câu truyện:
"Có một tu sĩ Thiên Chúa Giáo gởi một bộ Kinh Thánh cho người bạn. Vị linh mục gói Kinh Thánh lại thật kỹ, thật đẹp. Ông ta đi ra bưu điện gởi quà, và nhân viên bưu điện hỏi:
"Thưa Cha, có cái gì dễ vỡ trong này không ạ?"
Vị linh mục mỉm cười:
"Có, có Mười Điều Răn của Chúa!"
Tôn giáo thật tuyệt vời; thật mong manh dễ vỡ. Không một lớp vỏ nào có thể bao bọc, bảo vệ được tôn giáo. Ngay lúc mà bạn chuyên chở nó đi, nó đã héo úa rồi. Đạo sống trong con người. Đạo sống trong Đức Phật, trong một vị thiền sự Đức Phật hay vị thiền sư đó không thể trao truyền đạo, trao truyền cuộc sống cho bạn, mà chính bạn, bạn phải tự sống lấy, tự chiêm nghiệm lấy thiền. Mỗi chúng ta là một thế giới nhiệm mầu, không ai có thể sống hộ ta cả được.
Đạo giống như vầng thái dương ấm áp buổi sáng mùa xuân. Mặt trời không thể cho bông hoa sự sống, nhưng bông hoa có thể tự nó bung nở ra hướng về ánh sáng mặt trời và đón nhận sức sống chan hòa đó. Nếu bông hoa khép kín, mặt trời làm sao soi rọi xuống nó được? Mặt trời không đem ánh sáng tới riêng một nhà nào, tới riêng một người nào. Mặt trời chiếu soi lên vạn vật đồng đều, không phân biệt- nhưng với điều kiện là vạn vật phải mở cửa ra để đón nhận.
Một vị Phật đến với chúng ta nhưng chúng ta phải tự mở cửa lòng ra để đón nhận; nếu chúng ta khép kín cửa lại thì sẽ chẳng có điều nhiệm mầu nào xảy ra cả. Chính chúng ta phải tự chiêm nghiệm lấy cuộc sống.
Sự nghiên cứu học hỏi là một vật sơ cứng, đã chết. Vì nghiên cứu thuộc về lý trí, không thuộc về trái tim. Dòng đời như một dòng sông, không một sát na nào ngưng trôi chảy, nô lệ cho lý trí đơn thuần ham cắt xén thì chỉ thấy được cái ngưng đọng, cái chết (Doãn quốc Sỹ). Hãy nhìn những nhà học giả kia, họ như những con người máy biết cử động, nói năng, nhưng bạn hãy nhìn vào mắt họ - một cặp mắt vô hồn. Những viện đại học đầy ắp các nhà trí thức, bác học, đa văn, song họ như là những thi hài chưa được chôn cất. Họ không bao giờ sống thực cả. Họ tự nhốt họ chung thân trong nhà tù khái niệm; với mớ kiến thức, với những con số, những mẫu tự, họ đã tự tuyên án tử hình.
"Tokusan học đạo với Thiền Sư Ryutan. Chiều chiều Tokusan đến nhà Sư Phụ học thiền; một đêm kia, đã khuya lắm rồi mà Tokusan vẫn còn nhiều điều muốn hỏi Thầy... "
Đây chính là sự sai lạc cuả Tokusan. Bước đầu tiên đã sai, thì các bước sau đều sai hết. Hãy nhớ kỹ là phải cẩn thận bước đầu tiên cho vững chắc, cho thật chính xác. Nếu bước thứ nhất đúng, bạn chắc chắn sẽ đạt tới đích chuẩn xác. Thế cho nên, bạn đừng đến một vị thầy để tìm tòi nghiên cứu đạo, mà hãy đến với trái tim, với cõi lòng rộng mở như đất trời; hãy dẹp hết những khái niệm, con đẻ của lý trí để đón nhận luồng sinh khí tươi mát mới mẻ của suối thiền, hãy im lặng nhìn và quán chiếu. Đừng tìm cách giải thích thiền, tìm hiểu thiền qua lời nói, qua sách vở, kinh điển, nguy hiểm lắm, thật sự nguy hiểm. Thiền là siêu lý, là siêu lộ! Với mọi tiếng nói lý giải thiền, lập tức thiền khép cánh lại như lá hổ ngươi. Thiền khép cánh lại như vậy để ôm lấy niềm im lặng vô ngôn. Mà kỳ lạ thay, Vô Ngôn nhưng không tách rời thực tại. Chính vì vô ngôn mà cụ thể toàn diện. Chính trong niềm im lặng vô ngôn đó, những vang vọng, ý nghĩ, nhựa sống của ngôn từ, của hành động, của ý nghĩa càng tràn bờ để xóa bỏ mọi biên giới mà tắm gội, bao dung lấy hết thảy (Doãn quốc Sỹ trong Vào Thiền )... Đó là sự khác biệt giữa học thiền và tu thiền!
"Một đêm, đã khuya lắm rồi mà Tokusan cứ vẫn còn hỏi han Sư phụ đủ chuyện."
Thái độ người đi học đạo, học thiền là như vậy. Họ cố vơ vét, cố lượm mót cho thật nhiều kiến giải của người khác để lấp đầy khoảng trống của mình, rồi đi huênh hoang rao giảng lại những vụn vặt lượm mót đó để được mọi người kính nể ca tụng; nhưng thực ra, họ chỉ là những cái thùng rỗng kêu to mà thôi.
Người đi tu thiền lại khác. Người này chỉ có một câu hỏi dứt khoát, một hướng nhất định. Người này đi thẳng vào vấn đề, đi thẳng vào trung tâm, không vòng vo tam quốc gì cả. Câu hỏi Sanh Tử đó cũng không cần Sư Phụ trả lời bằng ngôn từ, mà chính bản thân người tu thiền sẽ tự trả lời bằng kinh nghiệm thể chứng tâm linh. Sư Phụ chỉ là người hướng dẫn, chỉ là trung gian giúp đệ tử tự ngộ.
"Tokusan hỏi rất nhiều, nhưng Sư Ryutan không trả lời câu nào cả. Sư chỉ nghe những câu hỏi và nói: "Đêm đã xuống lâu rồi! Sao ngươi không về ngủ đỉ"
"Sao ngươi không về ngủ đỉ" Đó chính là câu trả lời của Sư Ryutan.
Có hàng vạn, hàng triệu câu truyện thiền, nghe qua rất kỳ quặc. Bạn hỏi A và thiền sư trả lời B; chẳng ăn nhập vào đâu hết. Chúng ta không biết Tokusan hỏi gì. Chúng ta chỉ biết một điều là Thiền Sư Ryutan không trả lời các câu hỏi đó. Sư chỉ nói: "Đêm đã xuống lâu rồi, sao ngươi không về ngủ đỉ" Thiền là thế đó!
Có một giai thoại thiền khá lý thú:
"Có một người khách tới hỏi Thiền Sư Nan-In về thiền. Nhưng đáng lẽ đến để nghe thì ông khách cứ thao thao bất tuyệt, nói hoài nói mãi.
Lát sau, Sư Nan-In mời khách dùng trà. Sư rót trà vào chén của khách; chén đầy rồi mà Sư cứ tiếp tục rót mãi, rót mãi.. Trà đổ đầy ra bàn, chảy tràn xuống đất mà Sư cứ rót hoài. Sau cùng ông khách không giữ được kiên nhẫn nữa, nói lớn:
"Kià, Thiền Sư, chén trà đầy lắm rồi, không rót được thêm nữa đâu!"
Thiền Sư ngưng rót trà:
"Cũng vậy, này cư sĩ, cư sĩ cũng giống như cái chén trà đó, đầy ắp những tư kiến. Tôi còn biết hiến dâng gì về thiền nếu cư sĩ không cho tôi một cái chén rộng hơn."
Đó, vấn đề là ở chỗ đó. Thực là một thái độ ấu trĩ khi chúng ta hăm hở tìm hiểu thiền, định nghĩa thiền qua lý lẽ, qua tư kiến. Thiền không thể nào lý giải được qua ngôn từ, và chúng ta không thể lãnh hội thiền nếu đầu óc chúng ta sơ cứng vì quan niệm và kiến thức. Chúng ta đã lấy cái hạn hữu để đong cái vô hạn; chúng ta dã lấy cái thúng úp chụp lên bầu trời. Thật ấu trĩ, thật ngu xuẩn!
Con người luôn chạy về phía trước, rượt tìm tương lai mà lãng quên thực tại. Câu nói cuả Thiền Sư Ryutan thật xác đáng, ý nhị và thâm thúy xiết bao! "Đêm đã xuống lâu rồi, sao ngươi không về ngủ đỉ" Ngươi chưa cảm thấy là đầy đủ thỏa mãn sao? Ngươi không cảm thấy là đầu óc ngươi chuyên chở quá tải ư? Hãy buông bỏ gánh nặng tư kiến đó đi, hãy đặt để nó xuống thì ngươi mới hy vọng nhẹ bước vào cửa thiền. Đừng vác nó trên vai nữa. Chính cái kiến thức đó, chính lòng tham lam hiểu biết đó đã ngăn chận ngươi không cho ngươi thảnh thơi bơi lội giữa lòng trùng dương xanh thẫm. Với đầu óc nặng nề như vậy, ngươi giống như một tên mù đi trong đêm tối đen kia. Nhưng Tokusan không hiểu được ý Thầy; quả vậy, một người có quá nhiều câu hỏi thì đâu còn chỗ trống trong tâm để hiểu được câu trả lời.
Với lòng từ bi đại lượng, Sư Ryutan đã gợi ý giúp đệ tử nhưng đệ tử vẫn còn mù đặc. (Các nhà học giả cũng thường mù đặc như vậy).
Tokusan nghĩ gì? Anh ta nghĩ sao Thầy lại trả lời lãng nhách vậy? Đêm khuya thì có ăn nhập gì đến câu hỏi đạo của mình- nhưng anh ta vẫn đứng lên nhìn ra ngoài nói:
"Dạ vâng, đêm tối đen như mực."
"Sao ngươi không về ngủ đỉ"
"Dạ vâng, đêm tối quá, đến giờ con phải về ngủ rồi".
Các thiền sư không bao giờ nói về những hiện tượng bên ngoài, nhưng chúng ta thì luôn luôn chạy theo những cái bên ngoài. Tokusan cũng vậy.
Cái mà Sư Ryutan muốn nói là: "Sao ngươi không thức tỉnh đỉ" Đối với người liễu đạo, "Ngủ" có nghiã là đến lúc ta phải thức tỉnh khỏi cơn mộng đi, vứt bỏ mớ kiến thức rơm rác đi. Cái lý trí chật hẹp khô cứng đó là ngục tù, là cơn mê, là giấc ngủ đưa ta vào vô minh, vào quên lãng.
"Sư Ryutan đưa cho Tokusan một cây nến để thấy đường, nhưng Tokusan vừa cầm lấy cây nến thì Sư Ryutan thổi phụt tắt ngọn nến.
Ngay lúc ấy Tokusan ngộ đạo."
Ngọn đèn trong tâm chúng ta luôn luôn cháy. Ánh sáng nội tâm luôn có đó, nhưng chúng ta cứ mãi nhìn ra bên ngoài, không hề có giây phút nào quay ngược vào bên trong để quán chiếu. Sư Ryutan đã gợi ý cho Tokusan để có thể nhận chân được lý thiền, nhưng Tokusan vẫn chưa thấu đáo được nên Sư lại tạo thêm một tình huống khác, một tình huống lạ thường: Sư cho Tokusan một cây nến đã thắp sáng, có nghĩa là "Ngươi không nhìn vào bên trong nội tâm ngươi. Ngươi sống trong bóng tối vô minh của tâm hồn ngươi, nó tối đen như đêm tối ngoài kia. Ta nói cái bên trong tâm, ngươi lại đi nhìn cái bên ngoài. Thôi được, ta cho ngươi ngọn nến soi sáng đường ngươi đi nè." Nhưng vừa lúc Tokusan cầm lấy cây nến, Sư Ryutan thổi phụt tắt ngọn nến. Ánh sáng phụt tắt, Tokusan ngộ đạo. Ngay cái tích tắc giữa sáng và tối đó, người đệ tử trực nhận liền ngọn đèn trong tâm (Phật tánh, chân tâm) ta vẫn thường hằng sáng nhưng vì ta không chịu lau chùi bóng đèn nên bị bụi vô minh che lấp ánh sáng. Ngay lúc ánh sáng ngọn nến phụt tắt, Tokusan hiểu ý Sư Phụ là "tự ngươi phải thắp lên ánh sáng trong tâm ngươi, tự ngươi phải đi, tự ngươi phải phá vỡ bóng tối vô minh. Không ai có thể giúp ngươi được. Ngay chính chư Phật cũng chỉ là người dẫn đường mà thôi, tự ngươi phải bước, tự ngươi phải đi, phải tự nghiệm, phải tự thể chứng."
Giai thoại nhà thiền có ví dụ: "Khi một người chưa tu, thấy núi là núi là núi, sông là sông. Khi tu rồi lại thấy núi không phải là núi, sông không phải là sông. Khi đạt đạo rồi lại thấy núi là núi, sông là sông."
Rắc rối quá, lung tung quá, phải không?
Người tu thiền, liễu đạo thiền, sống cũng như một người bình thường- đói ăn, khát uống, mệt ngủ khì. Bề ngoài hai hạng người này không có gì khác nhau cả. Nhưng bên trong hoàn toàn sai biệt; đó là nội tâm sai khác nhau. Người liễu đạo sống trong cảnh đời thường nhưng tâm đã xả ly, không dính mắc sự vật. Người đó sống trong bùn nhưng không nhiễm mùi bùn, tâm thoát ly rỗng rang tự tại, phóng khoáng như đất trời bao lạ Người đó có thể làm bất cứ điều gì cần phải làm nhưng không bị ràng buộc- không bị ràng buộc và cũng không cần phải tháo gỡ gì cả. Đâu có gì ràng buộc mà cần phải tháo gỡ?
Có một người đến hỏi Phật:
"Bạch Đức Thế Tôn, con nghe nói giáo lý nhà Phật vô cùng thậm thâm vi diệu, khó nghĩ bàn, Thế Tôn có thể cho con biết vi diệu như thế nào không ạ?"
Phật trả lời:
"À, thì đói ăn khát uống, mệt ngủ khì."
"Úy, thế thì có khác gì người thường đâu?"
"Có chứ, khác nhiều chứ! Người thế tục khi ăn không biết mình đang ăn, uống không biết mình đang uống, ngủ trong mê man mộng mị; còn đệ tử Phật; ăn biết đang ăn, uống biết đang uống, làm bất cứ việc gì đều nhận thức rõ đang làm gì. Người đệ tử Phật sống thức tỉnh trong từng sát na, đề phòng vọng niệm khởi lên như tên giữ cửa thành; giờ phút nào cũng cẩn thận canh phòng địch quân xâm nhập. Thành trì dụ cho lục căn thanh tịnh, địch quân là lục trần, người giữ cửa thành luôn phải thức tỉnh không cho giặc lục trần xâm nhập quấy nhiễu lục căn. Đó, người tu khác người thường là ở chỗ đó."
Dòng vô minh chấm dứt, cõi tâm rộng mở,
Cõi tâm rộng mở, cửa Niết Bàn rộng mở,
Cửa Niết Bàn rộng mở, ta với Phật đồng nhau không khác.