Một diễn viên có tài
Béctôn Brếch
(Tác phẩm này của nhà viết kịch Đức vĩ đại được phát hiện một cách bất ngờ. Trong khi xem xét những tư liệu trong kho lưu trữ của ở Berlin người ta đã tìm thấy bốn trang đánh máy bằng tiếng Anh đã ngả mầu. Đó là một truyện ngắn của Brếch được viết dưới dạng hồi ký vào tháng 3 hoặc tháng 4 năm 1942 trong thời gian Brếch sống lưu vong ở Mỹ và lần đầu tiên được công bố trên tờ Spiegel. Thiên truyện kể lại cuộc gặp gỡ của nhà văn với Ađônphơ Hítle trong một tiệm cà phê ở Muyních. Brếch viết tác phẩm này bằng tiếng Anh cho tờ tạp chí Readers Digest (Sách tóm tắt cho bạn đọc) có số lượng in hàng triệu bản. Cũng như hai tác phẩm khác của Brếch viết về Hítle (vở kịch Bước hoạn lộ của Áctua Uy và thiên truyện Cuộc đời và thành tích của Giacômô Uy ở Pađui 1934 -1935), truyện ngắn này không được ra mắt bạn đọc khi tác giả còn sống và chỉ được công bố sau khi Brếch qua đời được 40 năm).
(Cuộc gặp gỡ với Hítle)
Tôi cùng với mấy nhà văn và mấy anh bạn trong nhóm nghệ sĩ ngồi ở quán cà phê trong công viên "Hốpgácten" tại Muyních. Những chiếc bàn đặt ở ngoài trời, lúc đó mới là tháng ba hoặc tháng tư, nhưng trời đã nóng. Ngồi ở bàn bên cạnh là một người bề ngoài chả có gì đặc sắc, trán bẹt, nước da mặt xám xịt và phong thái khó coi. Y đang trò chuyện với mấy gã đàn ông trông có vẻ như là các sĩ quan mặc thường phục. Người này là tuyên truyền viên sở tại, y vừa mới tổ chức một cuộc mít tinh bài Do Thái đại quy mô tại rạp xiếc ở vùng ngoại ô thành phố. Đó là Ađônphơ Hítle.
Một trong những nghệ sĩ với vẻ khoái trá cho chúng tôi biết rằng hiện nay Hítle đang học nghề diễn viên ở chỗ Badin vốn là người thường biểu diễn trong nhà hát Hoàng cung và y trả cho thầy 8 mác một giờ. Chúng tôi cười sảng khoái mà không mảy may e ngại là gã tuyên truyền viên ngồi bàn bên cạnh có thể nghe lỏm câu chuyện của chúng tôi.
Cái ông Badin là một diễn viên thuộc trường phái cổ và thường sắm vai người hùng hoa chân múa tay giống như một ca sĩ trong vở ca kịch của Vácne, và ông ta chỉ cảm thấy sảng khoái khi thao thao bất tuyệt tuôn ra những vần thơ của Sile. Còn Hítle vốn sinh trưởng trong một thành phố nhỏ ở Áo đã tỏ ra rất khôn ngoan khi theo học môn hùng biện và học cách nói giữ giọng. Nghe đồn khi đọc diễn văn, y thường gào rống lên đến khản đặc cả tiếng. Cái lạ là y đã chọn đúng người diễn viên hài kịch lão thành này làm thầy.
Như chúng tôi nghe nói, y đã học cách sử dụng đôi tay khi nói chuyện với ai đó hoặc khi đăng đàn diễn thuyết trước công chúng, đã học cách tạo cho mình một vẻ mặt quan trọng, những điệu bộ gây ấn tượng và cách đi đứng như thế nào - giơ cao chân mang bít tất dài mà không gập đầu gối. Dáng đi đứng như vậy có vẻ oai vệ, nhất là khi lại rụt đầu vào. Cần phải thừa nhận rằng sau này tất cả những cái đó không còn mang vẻ vui nhộn như thế nữa.
Một lần tôi đã dự buổi diễn thuyết như vậy và nhìn thấy y trong vai diễn giả. Giọng y cất lên một cách hùng hồn và oai phong đúng như là cần phải trông đợi ở một học trò của nhà nghệ sĩ lớn Badin. Y nói có phần nào thiếu kiềm chế, bằng cái giọng của kẻ bị buộc tội một cách bất công do sự hận thù thuần túy.
Tuy nhiên, như tôi đã nhận thấy, y còn học được ở Badin một cái gì khác nữa.
Y đã tập chia nhỏ các luận cứ và các dàn ý của mình trong các bài diễn văn tràng giang đại hải và đặt cho chúng các số hiệu "một là", "hai là", "ba là"... Tôi bỗng nhiên cảm thấy rằng ở y có cái không suôn sẻ. Chẳng hạn, có lần y nói "năm là" và tôi lờ mờ cảm thấy rằng "bốn là" ở y nói chung còn chưa thấy huống hồ...
Lần sau tôi cố tình theo dõi. Và lại bắt đầu "một là" rồi y ngừng một lát để truyền cảm. Hình như lần ấy y định chứng minh rằng nước Đức không phải nộp tiền bồi thường chiến tranh cho các đồng minh. Và y phát biểu đại thể như sau : "Một là, điều đó không đúng bởi vì nước Đức không kiếm đâu ra một số tiền lớn như thế. Xét theo quan điểm tài chính thì chúng ta bị bóp nặn một cách quá đáng". Y nói một cách mập mờ, không hề đưa ra những số liệu thống kê, nhưng cách nói khá gây được ấn tượng. Mục "hai là" đại loại như sau : "Bởi vì nước Đức không gây chiến". "Ba là", bởi vì những khoản bồi thường chiến tranh chỉ mang lại món lãi kếch xù cho bọn Do Thái mà thôi". "Bốn là" lại gồm một thứ lý lẽ nào đó, rồi tiếp theo, thật là kỳ quặc, đến ngay "sáu là"...
Tôi ngó chung quanh. Chúng tôi ngồi trong một quán bia rộng thênh thang. Trước mặt công chúng, chủ yếu là tầng lớp trung lưu và thợ thủ công cùng với vợ của họ, là những vại bia lớn. Ở đó có hàng nghìn người và tất cả đều chăm chú lắng nghe. Hítle đứng trên diễn đàn xa đến nỗi y trông bé tí xíu. Nhưng qua làn khói thuốc lá nhìn thấy rõ mớ tóc dính tịt vào cái trán đẫm mồ hôi của y. Y bắt đầu say sưa nói khiến người ta có cảm giác là vào bất cứ lúc nào y cũng có thể từ trên diễn đàn ngã nhào về phía trước. Y luôn nhấn mạnh "một là", "hai là", "ba là"... bằng cách giơ cao số ngón tay tương ứng.
Không ai trong quán bia để ý thấy rằng mục "năm là" nói chung không được nhắc tới.
Hítle đã đánh cắp của công chúng một bằng chứng về sự phi lý của những khoản bồi thường chiến tranh. Y đã trở thành một diễn viên có tài !
Nhưng sau đó còn hay hơn.
Khi tới "tám là" hoặc "chín là" thì y bắt đầu nói sang một vấn đề hoàn toàn khác mà không có bất cứ một sự chuyển tiếp nào, nhưng vẫn tiếp tục đánh số thứ tự. Trong cơn phấn khích cao độ, y tiếp tục đếm : "mười là, bởi vì trong phong trào dân tộc đã bị đàn áp" (y muốn nói tới đảng quốc xã của mình), "mười một là, bởi vì bọn Do Thái đã nhúng tay vào cuộc chơi"... Vô số những câu "bởi vì" vốn không có liên quan gì với sự phi lý của việc bồi thường. Tôi nghĩ rằng cứ như thế, y đã đi tới mục "hai mươi là".
Có thể giả định rằng tất cả những cái đó chỉ là việc sử dụng tùy tiện các con số theo kiểu con nít và chả có ý nghĩa quan trọng gì cả, song điều đó tất nhiên không phải là như vậy. Cùng với "hai mươi" chứng cớ nối tiếp nhau bằng một thứ "lôgíc" không gì phá vỡ nổi như những nhát búa. Hítle đã gây được một ấn tượng mạnh mẽ. Chính phủ của nền cộng hòa đã làm không dưới hai mươi điều ngu xuẩn và tội ác, và Hítle đã chứng minh điều đó.Y bác bỏ và tố cáo chế độ cộng hòa trên hai mươi mục. Do đó y đã làm tăng thêm tác động của bài nói của mình. Còn ở chỗ nào diễn giả không đủ bằng chứng thì y thể hiện những điệu bộ và cung cách của người có thừa những bằng chứng. Đó chính là mánh lới của y.
Y đóng vai người nắm vững lôgíc. Diễn xuất của y có sức thuyết phục. Tám mác mà y trả cho Badin trong một giờ té ra không phải là phí phạm !
Như tôi đã nhắc tới, vào ngày hôm đó trong quán cà phê ở công viên "Hốpgácten", tôi còn chưa biết điều này. Ngồi dưới ánh nắng xuân ngọt ngào, chúng tôi đã chế giễu những bài học về nghệ thuật diễn viên. Chúng tôi cho rằng quả thật điều đó rất cần thiết cho y.
Một tiếng đồng hồ mà chúng tôi nghỉ ngơi trong công viên "Hốpgácten" đã kết thúc một cách rất thú vị. Khi chúng tôi trả tiền và chuẩn bị ra về thì Lion Phâyvanghe, tác giả cuốn tiểu thuyết Anh chàng Do Thái Diút, định cầm chiếc áo khoác vắt trên lưng ghế. Nhưng Hítle đã bỏ dở câu chuyện, đứng phắt dậy cúi chào rồi đỡ lấy chiếc áo khoác từ tay Phâyvanghe vốn đang sửng sốt và ân cần giúp ông ta mặc vào người, miệng lẩm bẩm : "Ngài tiến sĩ, xin ngài cho phép".
Muốn đánh giá hết được tính khôi hài của tình huống này, cần phải biết rằng Hítle hay giao du với giới văn nghệ sĩ và biết rõ rằng Phâyvanghe là người Do Thái và là người ủng hộ chế độ cộng hòa. Mặc cảm thiếu tự tin trong cách ứng xử ngoài xã hội và ý đồ muốn tỏ ra mình là người lịch sự và sắm vai "một bậc thượng lưu" đã khiến y giúp "kẻ thù" mặc áo khoác. Những bạn bè của y cũng như chúng tôi đều rất ngạc nhiên.
Hiện thời y chưa thể suốt đêm ngày đóng vai một vị "quốc trưởng" sắt đá và có tư tưởng bài Do Thái, y cần thụ giáo ở Badin một số bài học nữa.
Đương nhiên đối với tôi, không phải sự việc đó trong quán cà phê ở công viên "Hốpgácten" vào năm 1922 đã làm cho Ađônphơ Hítle trở thành "một tính cách không thể nào quên". Y quan tâm đến chuyện ấy khi sắm vai "quốc trưởng" với một tài nghệ thường xuyên được trau chuốt và đã ép buộc Phâyvanghe và tôi cũng như vô số người khác phải sống lưu vong ở nước ngoài, còn toàn thế giới thì bị y xô đẩy vào một cuộc chiến tranh khủng khiếp.