Buổi sớm mơi, bà Xã Cầm lục đục trong nhà với con Cát, ông Ba Tào đương lau bàn ghế, cô Thậm đi chợ mua thịt mua cá chưa về, mà ông Đốc Thắng ở trên Saigon ổng đã về tới, đương xăng xớm đi vô sân.
Bà Xã ngó thấy, bà bước ra cửa mà chờ. Chừng ông vô gần tới thềm bà vui vẻ nói:
- Cậu Đốc về sớm dữ! Vậy mà tôi tính cho cậu đi ít nào cũng mươi bữa cậu mới về.
- Kiếm được rồi nên về cho chị hay liền.
- Được rồi? Được hết hai mẹ con hay là được đứa nào?
- Được đủ hai mẹ con. Gặp mẹ nó trước, rồi mẹ nó dắt đi cho gặp nó.
- Ở riêng hay sao?
- Ở riêng. Mẹ con cách biệt nhau từ hồi thằng Càn mới giáp thôi nôi. Mẹ nó gởi nó cho họ nuôi, đi ra ngoài Huế rồi ra xứ mọi mà ở, mới trở về Saigon mấy tháng nay. Người lãnh nuôi thằng Càn chết. Thằng nhỏ mới tám chín tuổi không ai chăm nom, nó đi hoang rồi bặt tin. Mẹ nó đi kiếm dữ quá, mới kiếm được ít bữa, kế tôi lên tôi gặp hôm qua đó, gặp mẹ sớm mơi rồi buổi chiều gặp con.
- May quá, mời cậu vô, vô uống nước rồi thuật chuyện cho tôi nghe coi.
Bà Xã Cầm kêu con Cát chế một bình trà nóng đem ra. Bà mừng nên lăng xăng hỏi ông Đốc lót lòng rồi chưa, đặng bà sai bầy trẻ qua chợ mua đồ về dọn cho ông ăn. Ông nói hồi sáng dâu ông có mua đồ cho ông lót lòng, rồi ông mới ra xe mà về. Bà thấy cô Thậm đi chợ bưng rổ về, bà kêu và dặn coi con trẻ nấu cơm sớm, rồi dọn cho ông Đốc ăn đặng ở bên nầy nói chuyện trưa rồi sẽ về.
Thấy ông Đốc uống nước rồi bà mời kéo ghế ngồi ngay mặt ông mà hỏi:
- Cậu gặp đủ hai mẹ con, sao cậu không mướn xe mà rước hết về dưới nầy dùm cho tôi?
- Tôi nói hết sức mà mẹ cũng như con không ai chịu đi hết, tại như vậy nên tôi trở về một mình mà cho chị hay đây chớ.
- Sao mà không chịu đi?
- Cô Hưởng là một người đàn bà cao thượng lắm chị ơi. Thiệt tôi không dè sớm mơi hôm qua tôi gặp, tôi nói chuyện, tôi biết được tâm hồn của cô Hưởng, tôi cảm động cực điểm, tôi kính trọng cô hết sức. Người đàn bà như vậy ít có lắm chị ơi.
- Có chồng khác hay không?
- Đâu mà có. Tôi nói bà nghe, cô lánh mặt cậu Đường rồi lên vùng Cao Nguyên, vùi thân trong rừng núi ở với Mọi từ đó tới giờ. Tôi trách cô sao nỡ dứt tình yêu của cậu Đường mà đi, còn đẻ con sao không giao cho cậu Đường, cô làm cậu Đường thất tình, thất chí phải mang bịnh mà chết. Cô khóc mà cắt nghĩa cho tôi hiểu rằng cô với Đường vì đồng tâm đồng chí mà yêu nhau. Đường có vợ, mà mẹ cầm trầu cau mà cưới. Nếu ở đây mà có con thì Đường lân la tới hoài rồi gia đạo của Đường sẽ xào xáo, Đường bỏ vợ thì bất nghĩa, trái ý mẹ thì bất hiếu. Tại vậy nên thà cô đè nén ái tình, hy sinh sung sướng để cho Đường trọn hiếu trọn nghĩa.
- Tội nghiệp quá!
- Còn cô giao con cho Đường không được, là vì vợ Đường là một ác phụ, không biết thương chồng, thì làm sao mà thương con riêng của chồng cho được. Giao đứa nhỏ cho Đường, sợ nó phải chết vì tay cô Oanh. Nghĩ như vậy nên cô mới cậy người khác nuôi dùm, chừng nó khôn lớn rồi, như Đường không có con trai mà muốn có người phụng tự, thì cô sẽ chỉ cho Đường biết, nó đã đủ trí mà giữ mình hết lo ai ám hại được.
- Có nghĩa mà cũng có trí nữa. Cậu Đốc khen phải quá. Tôi cũng khen. Thứ dâu chua lét mà tôi phải khiêng mâm trầu chén rượu đến yêu cầu mà rước; còn dâu ngọt ngào như vầy mà tôi không dè, tôi bỏ nó ngoài xó hè, rồi bây giờ tôi cậy Cậu Đốc kiếm mà kêu nó, chắc nó phiền nên nó không chịu đi chớ gì.
- Không phải vậy. Cô có dám phiền chị đâu. Cô ngại là vì Đường chết rồi, mà cô có con trai, cô sợ người ta nói cô muốn chia gia tài cho con nên cô lết tới. Mà cô còn viện cái lý nầy càng cảm động hơn nữa, là cô xuống nhà chị, thì chị đem chuyện cũ ra mà nói, cô nhớ tới Đường, cô thấy bàn thờ của Đường, cô thêm đau lòng xót dạ chớ không ích gì. Vậy cô cậy tôi trao lời cô kính trọng chị, và cô cầu chúc chị mạnh giỏi vậy thôi.
- Đáng quá! Tôi ăn năn hối ngộ vô cùng. Tại thằng Đường cứ sợ tôi buồn, nó dấu tôi hết, nên mới ra nông nỗi nầy. Thiệt bậy quá. Tôi rất cám ơn cậu Đốc, rước không được, cậu trở về mà cho tôi hay liền. Cô đó tôi phải bổn thân lên mà mời cô mới đáng. Tôi phải đi. Tôi sắp đặt việc nhà, rồi sáng mai cậu Đốc dắt dùm tôi đi. Còn thằng cháu nội tôi, nó nói làm sao mà nó không chịu xuống.
- Ô! Cậu đó còn trắc trở hơn nữa! Cô Hưởng dắt tôi vô chùa đặng gặp cậu. Tôi tỏ nguồn cội của cậu cho cậu biết, rồi tôi xin rước cậu về đây, cho bà cháu biết mặt nhìn nhau. Tôi mướn xe hơi đem đậu sẵn trước cửa chùa cho cậu đi. Tôi hứa chừng nào cậu muốn về, cũng sẽ có xe hơi đưa cậu về. Cậu lắc đầu mà nói cậu đã xuất gia đầu Phật, cậu không muốn biết chuyện thế gian nữa.
- Trời đất ơi! Nó tu hay sao?
- Chớ sao. Làm thầy chùa, cạo đầu trọc lóc. Mẹ vô thăm mà cậu lơ láo, coi bộ không có tình mẹ con. Nghe nói bà nội, cậu càng lạt lẽo hơn nữa. Tôi khuyên cậu về ở dưới chị đặng phụng sự ông bà. Câụ nói thầy chùa biết tu niệm chớ không kể nối dòng. Tôi nói tới gia tài thì cậu nói hết mê trần tục, cậu đã dứt nợ đời rồi. Cậu khuyên chị nếu không biết để gia tài cho ai ăn, thì phân phát cho kẻ thiếu hụt, chị làm lành chị sẽ được phước báo.
- Rối quá! Tôi phải đi mới được. Sáng mai cậu Đốc đưa dùm tôi đi. Mà cháu nội tôi tu ở trong chùa nào, ở đâu?
- Ở tu tại chùa Nhơn Hòa trên Chí Hòa. Cô Hưởng nói theo lời ông Yết Ma, thì cậu Càn tu chính chắn lại thông kinh kệ lắm. Cậu là hy vọng của Phật giới.
- Tôi nhớ hôm trước người ta đồn chùa Nhơn Hòa có một ni cô tu đắc đạo nên thành bồ tát. Phải chùa nầy hay không?
- À! Chị nói tôi mới nhớ tới. Phải rồi! Chắc chùa nầy. Cảnh chùa đẹp lắm mà. Trong ngoài sắp đặt sạch sẽ, đàng hoàng, nguy nga, rực rỡ. Vô đó mắc lo thuyết phục cậu Càn, nên tôi quên. Tôi có kế làm cho cậu phải xiêu lòng bỏ tu để về dưới chị mà phụng tự ông bà rồi. Để mai lên trển rồi tôi sắp đặt với cô Hưởng.
- Cậu Càn bây giờ được bao lớn cậu?
- Mười tám tuổi, mà mạnh mẽ cứng cõi lắm. Tánh ý ôn hòa, mặt mày sáng rỡ, cha chả giống cậu Đường quá.
- Giống lắm sao?
- Giống lắm. Thấy thì biết con của cậu Đường liền. Để chị lên đó chị coi. Rước Càn không chịu đi, khi ra về tôi có nói cậu đứng trước hai ngả đường; một bên tu niệm để cầu phước cho riêng mình cậu, còn một bên thì phục vụ cho gia đình, phụng tự tổ tiên, duy trì cho cả tông môn. Tôi khuyên cậu hãy suy nghĩ rồi ít bữa tôi trở lên sẽ nói chuyện với nhau lại.
- Thiệt tôi mang ơn cậu Đốc lớn lắm. Cậu ráng giúp tôi đem mẹ con Càn về, tôi nuôi được thì ơn cậu đến chết tôi cũng không quên.
Rồi đó bà Xã mới xin ông Đốc thuật tỉ mỉ lại cho bà nghe, tại sao ông biết chỗ cô Hưởng ở mà kiếm, trót mười mấy năm cô đi làm việc ở đâu, nói lại cho kỹ một lần nữa, tại sao yêu Đường, mà cô có con rồi phải trốn tránh, không dám gần người yêu nữa, còn con thì cậy người ta nuôi dùm không dám giao cho Đường, chừng qua chùa gặp Càn thì thái độ Càn thế nào, Càn nói những lời gì thuật y lại cho bà nghe, không sót một mảy may.
Cơm chín rồi, cô Thậm dọn một mâm, cậy ông Ba Tào bưng lên cho bà Xã với ông Đốc ăn mà nói tiếp chuyện nữa.
Đến trưa ông Đốc Thắng mới về bên nhà mà nghỉ, hẹn với bà Xã sáng bữa sau ông chờ bà qua, rồi hiệp nhau lên xe đò mà đi Saigon.
Bà Xã Cầm nằm nghỉ trưa, bà nhớ những lời của Đường viết để lại bày tỏ tâm sự với bà, rồi nhớ tới câu chuyện của cô Hưởng mà ông Đốc Thắng mới thuật lại cho bà nghe hồi nãy, thì bà xúc động vô cùng. Chưa thấy mặt cô Hưởng mà bà đã đem lòng thương yêu cô rồi, thương người mang nặng tình yêu mà không quên hiếu nghĩa, thương dám hy sinh các vui sướng của mình đặng để cho người yêu được êm ấm gia đình, được tròn hiếu đạo với mẹ, mà còn thương biết lo xa cho người yêu, quyết đem tình yêu vùi lắp trong chốn núi rừng, không thể bồng con nhỏ theo được, mà biết dấu con để dành, phòng khi cha nó không có con trai khác, thì chỉ cho cha nó biết mà đem về cho khỏi tuyệt tộc.
Nhớ đức hy sinh, nhớ lòng hiếu nghĩa, nhớ trí minh mẫn của cô Hưởng, mà cái họa của nhà bà được chuyển thành cái phước, bà mất đứa con trai mà còn đứa cháu nội để nối dòng, bà mất đứa con dâu thất giáo, thì được đứa con dâu đầy đủ hiếu nghĩa tiết trinh.
Bà suy tới nghĩ lui, bà cảm, bà mừng rồi bà chẳng khỏi hối hận. Bà ăn năn về cách bà dạy con lỗi thời. Bà ung đúc cho con cái tâm hồn hiếu kính mà nhu nhược, dư thảo thuận ở trên, mà thiếu cương quyết ở dưới, bởi vậy con bà đến chết mà chưa tìm ra lối hạnh phúc gia đình. Con bà nó tỏ lòng uất ức rồi nó chết là phải lắm. Nó nhắm mắt theo ông theo bà, mà nó phải mang túi uất ức theo xuống Cửu Tuyền, là tại nó thiếu cương quyết, tại nó bị đạo thảo thuận mù quáng ngăn trở, không cho nó cởi cái áo chật hẹp của mẹ nó sắm mà quăng đi, rồi nó may cái áo khác mà bận cho vừa, nên đời nó mới hư hỏng. Mà vì mang nặng chữ hiếu nó không dám trách mẹ, chớ kỳ thiệt tội lỗi đều tại bà gây ra, tại bà dùng cách giáo dục mù quáng, cũ kỹ mà ung đúc tâm hồn cho con mới ra cớ sự như vậy.
Bà Xã hối ngộ, rồi bà ngó cái bàn bà dọn bên chái nhà để tưởng niệm vong linh của cậu Đường. Bà bước lại đó lấy tấm hình chụp chơn dung của con, chụp hồi 17 tuổi còn học trên Saigon, bà cầm lại ván ngồi mà nhìn, bà thương nhớ con nên rơi nước mắt. Bà tính phải đem tấm hình theo đặng lên Saigon bà nhìn coi Càn giống hay không. Bà mở cái khuông lấy tấm hình ra, rồi mở tủ để hình chung với giấy tờ của cậu Đường để lại đặng đem hết đi.
Bà kêu cô Thậm biểu lấy cho bà một cái giỏ mây nhỏ. Bà đem ra một bộ đồ mát để mặc ban đêm mà ngủ, với một cái áo dài cẩm nhung đen, và một quần lãnh mới đặng đem hờ theo cho có sẵn mà thay đổi. Bà biểu cô Thậm xếp hết áo quần đó, rồi lấy giấy gói chung lại mà để vô giỏ cho bà.
Bà được may mắn, bà vui lòng, bà muốn trong nhà ai cũng chung vui với bà, nên nhơn dịp mẹ con cô Thậm xẩn bẩn một bên bà, lo sửa soạn hành lý cho bà đi, bà mới nói cho cô Thậm hay ngày trước Đường tư tình với một cô giáo có sanh một đứa con trai. Thuở nay bà không hay. Bà mới nghe nói đây, nên bà cậy Cậu Đốc Thắng đi kiếm. Ông gặp được rồi. Mẹ con cô giáo đó đều ở trên Saigon. Vậy bà phải lên nói mà đem về, đặng cháu nội trai, năm nay đã 17 tuổi rồi, nó tập cho biết công việc ruộng vườn, sau đó nó nối nghiệp mà phụng tự ông bà cha mẹ. Bà phú các việc trong nhà cho mẹ con con Thậm coi, dặn đừng có đi đâu xa và giao một trăm đồng bạc để ở nhà, sai người nhà đi chợ mua cá thịt mà ăn. Bà nói bà đi ít bữa, hễ tính xong công việc thì bà về liền, chớ không biết đi mấy bữa mà nói trước được.
Thuở nay bà Xã Cầm chưa có khi nào bỏ nhà đi đâu đến đôi ba ngày, dầu hồi còn con dâu cũng vậy, bởi vậy hôm nay sửa soạn đi Saigon ít bữa mà rước cháu nội, phần thì mừng phần thi lo, bà rộn trí nên tối lại tính ngủ sớm mà bà ngủ không được. Bà lục đục đốt nhang cắm trên ba bàn thờ, vái ông bà, vái chồng giúp bà, nói cho cháu nội chịu về ở với bà, đặng có người phụng tự tổ tiên, rồi bà đi lại đằng chái nhà quét dọn bàn thờ của Đường sạch sẽ và cũng đốt nhang vái vong hồn của Đường, có thương mẹ thì xuôi khiến vợ con thuận tùng về ở với mẹ, đặng gia đình sum hiệp, trên dưới thuận hòa, vui vẻ một nhà lửa hương ấm áp.
Đến khuya cô Thậm kêu chị bếp dậy sớm nhúm lửa nấu cơm, còn cô nấu nước, sửa soạn cho bà Xã ăn uống rồi bà đi Saigon.
Bà Xã cũng thức dậy gỡ đầu, rửa mặt, thay mà bận áo quần mới rồi mở tủ sắt lấy một ngàn đồng bạc bỏ túi đem theo, và lấy trọn cái bao thơ của Đường để lại đó mà đem theo nữa. Bà khóa tủ kỹ lưỡng, để chìa khóa vào túi rồi cầm cái bao thơ ra ván ngồi dựa bên đèn mà soạn lại. Thấy còn đủ xấp giấy di ngôn của Đường viết với tờ khai sanh của Càn, và bổn sao án Tòa, lại cũng có tấm hình chụp của Đường bà mới để vô đó hôm qua nữa. Bà mới lấy một cái khăn mà gói lại rồi để vô giỏ dựa bên gói áo quần.
Bà uống nửa tách nước trà nóng cho ấm bụng. Chừng trời rạng đông, con Cát bưng mâm cơm lên, bà mới lại ăn một chén đặng đi xa cho khỏi đói.
Ăn uống xong rồi thì trời đã sáng. Bà dặn dò cô Thậm một lần nữa rồi biểu con Cát xách giỏ đưa bà qua chợ, bà hiệp với ông Đốc Thắng lại bến xe đò mà đi.
Xe lên tới Sai gòn đã quá 8 giờ. Ông Đốc kêu hai chiếc xích lô đặng lên Đất Hộ. Ông biết giờ nầy con trai con gái với rể ông đều mắc đi dạy học hết, không có ai ở nhà, duy có con dâu của ông là vợ thầy giáo Khoa, rảnh rang mà thôi, ông mới đem bà Xã lại đó cho bà nghỉ một lát rồi sẽ đi thăm cô Hưởng.
Vợ thầy Khoa mừng cha chồng, mừng bà Xã, lăng xăng lo nấu nước, chế trà, sai chị bếp đi chợ mua đồ ăn thêm đặng trưa đãi khách. Uống một chén nước trà, rồi bà Xã có ý muốn giáp mặt với cô Hưởng liền. Ông Đốc kêu hai chiếc xích lô. Bà Xã mở cái giỏ lấy cái gói giấy tờ của Đường đem theo cho Hưởng xem. Vợ thầy Khoa nói đi chơi rồi trưa trở về ăn cơm với vợ chồng cô. Ông Đốc ừ rồi lên xe đi với bà Xã.
Cô Thinh là chủ tiệm may, đã biết ông Đốc Thắng rồi, nên thấy ông vô tiệm thì chắc ông đến thăm cô Hưởng. Cô liền nói có cô Hưởng ở nhà, nên mời khách đi thẳng lên lầu.
Hồi trước cô Hưởng xuống Cần Giuộc dạy học gần hai năm, tuy cô không có dịp gặp và nói chuyện với bà Xã, song chừng kết tình với Đường rồi, thì khi nào bà Xã Cầm có qua chợ, thì vợ thầy Hiển chỉ nên cô biết mặt bà. Bởi vậy sớm mơi đó cô đương ngồi đọc báo, tình cờ thấy ông Đốc lên thang lầu, lại có bà Xã theo sau thì cô lật đật buông tờ báo đứng dậy mà chào khách.
Ông Đốc chỉ bà Xã mà nói với cô Hưởng :
- Bà đây là thân mẫu của cậu Đường.
Cô Hưởng liền chấp tay cúi đầu xá bà Xã. Bà xúc động nên bước tới nắm cánh tay cô vừa khóc vừa nói:
- Tội nghiệp quá! Con hết lòng thương yêu thằng Đường, mà con lại biết quý trọng gia đình của nó nữa. Bây giờ má mới biết được con đây. Mà thằng Đường có còn đâu, đặng vợ chồng sum hiệp!
Cô Hưởng cũng xúc động quá nên cô đứng trơ trơ, tuôn nước mắt dầm dề chớ không nói được một tiếng.
Ông Đốc lấy tờ nhựt báo cầm trong tay và nói:
- Tôi mời cô xuống thăm bà Xã, cô không chịu đi nên tôi phải dắt bà lên thăm cô đó.
Cô Hưởng nghe mấy lời ấy, cô sợ bà Xã tưởng cô tự cao tự trọng, bởi vậy cô chữa lỗi:
- Thưa bà, ông Đốc biểu con đi với ông xuống đặng gặp mặt bà, mà tỏ hết tâm sự hồi trước cho bà nghe. Con không đi là vì Cần Giuộc là chỗ con bị một vết thương tâm đau đớn hết sức. Xuống đó rồi nhắc chuyện cũ lại, và thấy bàn thờ anh Đường con càng thêm đau đớn nhiều hơn nữa. Con xin bà hiểu dùm tánh ý của con, chớ không phải con tự cao để cho bà phải lụm cụm lên đây.
Bà Xã nói:
- Ông Đốc nói chơi. Má hiểu hết. Ông Đốc về hôm qua, ông có thuật đủ mọi việc cho má nghe rồi. Con với thằng Đường thành thiệt yêu nhau mà phải chịu đau khổ, phải rời rả thảm thiết đó là lỗi tại nơi má. Má ăn năn hối ngộ lung lắm. Con ngồi đặng má nói chuyện cho con nghe.
Ông Đốc nhắc một cái ghế để gần cửa sổ ngồi đọc nhựt báo, có ý làm lơ cho mẹ chồng và nàng dâu thong thả mà phân trần tâm sự với nhau.
Cô Hưởng thấy bà Xã không đợi mời thỉnh, bà ngồi dựa cái bàn, đương mở cái khăn gói bà ôm theo đó ra, thì cô đi vô phía trong tính lấy tách với bình trà đem ra. Bà liền kêu mà nói:
- Lại đây con, lại ngồi một bên má đây, đặng má cho con coi cái nầy.
Cô Hưởng nói:
- Để con bưng trà cho bà uống.
Bà Xã nói lớn:
- Thôi, thôi má mới uống nước đằng nhà thầy giáo. Má với ông Đốc không khát đâu mà lo. Lại ngồi đây mà.
Bà lại nắm tay kéo cô trở lại cái bàn, vừa đi vừa nói:
- Con đừng có kêu má bằng bà nữa chớ. Đã hiểu biết nhau rồi thì là mẹ con. Con cứ kêu bằng má cho má vui một chút con. Mấy năm nay, Đường chết rồi, thì má sống như một cây khô héo đứng trơ trọi giữa trời nắng. May nhờ rể châm sâu xuống đất mát nên chưa chết. Con làm ơn tưới nước dùm, con sẽ được phước nhiều.
Bà ép cô ngồi cái ghế một bên bà. Bà vừa mở cái gói vừa nói:
- Để má cho con xem cái nầy. Con có làm cô giáo con biết đọc chữ, chớ má không biết. Bữa hổm, ông Đốc có qua có đọc cho má nghe rồi. Nhưng má muốn con đọc cho má nghe một lần nữa. Đây là đồ của Đường để lại, má mới gặp được mấy bữa rày đây. Con lấy mấy tờ nó viết ra mà đọc lớn cho má nghe với.
Bà đưa hết cái bao thơ cho cô Hưởng.
Cô mở ra, cô run tay, tái mặt, song gượng gạo lựa để qua một bên tấm hình của Đường, khai sanh của Càn và bổn sao án Tòa. Cô lấy xấp giấy của Đường viết mà đọc. Bà Xã lặng thinh chăm chú nghe. Ông Đốc cũng lóng tai nghe, không đọc báo nữa.
Cô Hưởng đọc tới cái đoạn Đường kể chuyện chàng kết tình với cô, thì cô tức tưởi ngập ngừng hoài, đến hồi cô có thai, bị vợ Đường sỉ nhục, thì cô khóc, cô phải ngừng mấy lần mà lau nước mắt. Đọc đến đoạn chót, là đoạn Đường hối hận về tánh nhu nhược nên lỗi thời, chàng tức giận mù quáng nên đi lạc đường, say mê tiểu tiết nên hư hỏng đại sự, thiệt thòi không biết tự cường, nên bỏ vuột hạnh phúc mà mang lấy tai họa, thì cô tội nghiệp cho chàng hết sức. Cô lại càng thấy rõ tâm hồn của chàng là tâm hồn chí hiếu, cứ trách mình chớ không dám phiền mẹ, mà cũng không giận vợ nhà, vì xem vợ như cái áo may không vừa, mà luân lý buộc phải ráng mà bận chớ không được bỏ, xem vợ như cái cối xay, ngặt nó không xay ra gạo, lại xay ra tai hại. Còn về hai đứa con chàng gọi là máu thịt của chàng bỏ rơi, chàng chỉ cho mẹ biết vậy thôi, chớ không dám ép mẹ phải nhìn, cứ để cho mẹ thong thả mà liệu định, cái đó làm cho cô không vừa lòng. Bởi vậy đọc dứt rồi cô mới nói:
- Anh Đường phải chịu đau khổ mười mấy năm, rồi ảnh mới thấy ảnh sái đường. Con cũng vậy, trong lúc ấy con cắn răng mà chịu đau khổ như ảnh. Gần chết, ảnh mới nhìn nhận ảnh cư xử lỗi thời, nên ảnh không trọn thảo với mẹ, và bỏ mất đứa con. Ảnh trách ảnh nhu nhược, ảnh làm cho con nghĩ lại, con thấy hồi đó con dại quá, con nhu nhược hơn ảnh nữa. Nếu con sáng suốt, biết tự cường, quyết chiến đấu mà tranh hạnh phúc chung, con yêu ảnh thì con phải hủy phá cái xấu, mà xây dựng cái tốt cho ảnh, con biết làm như vậy thì thân con đâu có phiêu lưu cực khổ, đứa con của ảnh đâu có lạc loài, ảnh đâu có đau khổ đến tuyệt mạng. Con nghĩ lại tại con nhu nhược quá, nên mới gây ra tai họa như vầy chớ không phải tại ảnh.
Bà Xã nói:
- Đường nói lỗi tại nó. Bây giờ con dành lỗi về con nữa. Không, không, con với Đường không có lỗi gì hết. Lỗi tại má đây mà thôi. Má mù quáng không biết kén chọn dâu hiền, má nuôi dâu dữ trong nhà mà không biết trừng trị; tại má dạy dỗ con má cứ ung đúc óc nó thảo thuận với mẹ, mà không rèn tập cho nó có tánh tự cường để đối phó với thiên hạ. Tại như vậy nên mới sanh tai họa. Hối ngộ thì đã trễ rồi. Thôi, tạm dẹp chuyện đã qua một bên đi, đặng lo việc sắp tới. Về dưới nhà rồi, má sẽ nói chuyện cũ cho con nghe. Bây giờ tính làm sao đặng mà rước cho được cháu nội của má về, để sau nó tiếp má phụng tự ông bà. Ông Đốc nói nó tu nên nó không chịu về. Con là mẹ nó, con ráng nói dùm cho nó nghĩ tới cha, biết thương bà nội, đặng sum hiệp một nhà cho má vui ít năm rồi chừng má nhắm mắt theo ông theo bà má khỏi ân hận.
Cô Hưởng nói:
- Thưa má, vì con có công sanh mà không có công dưỡng, bởi vậy nó không có tình nghĩa gì với con hết. Hôm trước con tìm gặp nó, con mừng mà nó lơ lãng quá. Hôm kia con đưa ông Đốc vô chùa đặng gặp nó, thì đối với con, nó cũng còn lơ là, có ông Đốc ngó thấy. Nó mê tu niệm quá nên không biết chuyện thế gian nữa, bởi vậy con xin phép rước nó về nhà đặng con nói nguồn gốc của nó cho nó biết, nó không chịu đi. Mà hôm kia ông Đốc với con mướn xe vô đậu hẳn tại chùa, đặng rước nó xuống cho má biết cháu, thì nó cũng từ chối nữa. Nó say đạo, không kể đời, nên khó nói quá.
Bà Xã nói:
- Không sao. Con dắt má vô chùa đặng má nói với nó. Má đưa đồ của cha nó để lại đó cho nó coi, chắc nó động lòng rồi thối lui trở về với gia đình.
Cô Hưởng nói:
- Để má nói thử coi như không được thì con cậy thế khác. Hôm qua cô Thịnh, chủ tiệm đây, nhắc con mới nhớ trong chùa Nhơn Hòa chỗ Càn tu có một ni cô tên Nga, tu đắc đạo mới được thành Phật, nên tín đồ đến chiêm bái nườm nượp. Vậy con tính mình nói mà Càn không chịu về, thì xin phép ông Yết Ma cho con với má bái vị Bồ tát mới thành Phật đó mà yêu cầu can thiệp dùm. Phật độ chúng sanh có lẽ nào không độ má.
Ông Đốc Thắng nghe nói tới chỗ đó ông bước lại gần mà nói, hôm qua về dưới bà Xã cũng nhắc chuyện ni cô đắc đạo đó ông mới nhớ. Vậy ông hiệp ý mà làm theo lời cô Hưởng nói đó. Ông Đốc hỏi tính chừng nào đi vô chùa.
Bà Xã nóng gặp cháu nội, nên bà muốn đi liền. Ông Đốc nói đã quá 11 giờ rồi, phải lo cơm nước đợi xế hả đi. Cô Hưởng mời ông Đốc và bà Xã ở đây ăn cơm với cô, có nhà hàng ở gần, để mượn người nhà đi mua về dọn ăn.
Ông Đốc từ chối, ông nói với bà Xã đã có hứa lỡ với dâu ông trưa về ăn cơm, nên không ở lại được. Cô Hưởng liền mời buổi chiều vô chùa rồi về ghé nhà hàng ăn cơm. Ông Đốc với bà Xã nhận lời. Cô Hưởng tỏ ý muốn mời luôn vợ chồng cô giáo Đào với vợ chồng thầy giáo Khoa, thì ông Đốc không cho, ông nói để ba bà con ăn đặng bàn tính mà sắp đặt việc nhà dùm cho bà Xã, không nên mời sắp con của ông đông quá nói chuyện không được.
Cô Hưởng mới mời bà Xã tối ở nhà cô mà nghỉ, chỗ rộng, vì cô ở một mình trên lầu, có một cái giường với một bộ ván nhỏ. Cô sẽ nhường cái giường cho bà Xã nghỉ, cô sẽ giăng mùng bên ngoài ván mà ngủ được. Bà Xã muốn ở đặng nói chuyện với cô nên bà chịu. Ông Đốc cũng muốn mẹ chồng với nàng dâu gần nhau cho quen nên ông xuôi thuận luôn.
Ông Đốc mời bà Xã về đặng ăn cơm kẻo dâu con ông trông.
Cô Hưởng xin bà Xã để hết giấy tờ của Đường cho cô mượn đặng cô đọc lại nữa.
Bà Xã nói:
- Ừ, con giữ dùm, rồi xế đem vô chùa cho Càn coi.
Cô Hưởng đưa khách xuống lầu, kêu xe cho khách đi rồi cô mới trở vô.