Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Người đẹp Hà Tiên

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 465 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Người đẹp Hà Tiên
Nguyễn Đức Trọng & Thanh Đan

Ghi chú: Đây chỉ là một truyện tưởng tượng lồng trong những cảnh thực. Sự trùng tên, nếu có, chỉ là tình cờ ngoài ý muốn. Xin được tặng các bạn quê ở Hà Tiên.
                         ***
Thấy tôi lui cui sắp xếp quần áo bỏ vào túi, ba tôi hỏi:
- Sao, mầy định hôm nào đi?
- Thưa ba con định đi vào sáng mùng bốn.
- Vậy mai ăn sáng uống cà phê với ba rồi hẳn đi.

                        ***
Những buổi ăn sáng, uống cà phê là dịp duy nhất để ba tôi ngồi nói chuyện với tôi vì trong những ngày nghỉ, chẳng có bao giờ tôi ở nhà. Mới sáng đã có bạn đến réo đi ăn, đi ciné, dạo phố, đi nghe nhạc, uống cà phê đêm,...về đến nhà thì đã gần 12 giờ khuya, chỉ kịp đi ngủ. Suốt cả tuần đều như vậy! Cái Tết năm nay thật buồn và ảm đạm, chưa bao giờ tôi thấy mọi người đều như gượng gạo cho qua ba ngày Tết nên tôi đã chọn lên đường sớm hơn thay vì chờ đến mùng 6 tháng giêng.
          
Còi vừa hụ hết giờ giới nghiêm là tôi đã sẵn sàng mọi thứ để lên đường. Đem túi hành lý ra để gần cửa, tôi khẻ mở cửa để tránh làm mọi người trong nhà thức giấc và bước vội đến quán cà phê ông tàu phì lủ gần nhà. Nơi đó ba tôi đang ngồi nhâm nhi ly cà phê đen cố hữu cộng với điếu thuốc Basto xanh như không bao giờ rời trên tay. Chung quanh bàn là mấy ông già hàng xóm chẳng mấy khi là vắng mặt.
- Mầy về hồi nào mà sao không qua chú chơi?
- Dạ con về đã mấy ngày, nhưng cứ bận chuyện chẳng đi được tới đâu.
- Thôi ngồi đi rồi kể tao nghe công chuyện của mầy, ... rồi tính chừng nào cưới vợ đây?
Chưa trả lời hết câu của bác Ba Thâu, đã nghe chú Hai Cẩn nhào vô hỏi tiếp rồi. Nhìn quanh toàn là những khuôn mặt của hàng xóm từ mấy chục năm nay đã chia xẻ với tôi những kỷ niệm từ ngày còn thơ ấu. Tôi chỉ nói qua loa về chuyện học và những dự tính tương lai. Đã làm hết tô hủ tiếu mì, chú Năm Ngọc còn ép ăn thêm cái bánh bao cho vững bụng. Tôi đã uống cà phê ở quán ông tàu phì lủ (quán này có bảng hiệu đàng hoàng mà chẳng ai chịu xài, cứ đem cái sự phì nhiêu của ông tàu chủ quán ra mà gọi) từ những ngày còn nhỏ uống cà phê bằng dĩa, vừa thổi vừa uống cho bớt nóng. Bây giờ thì tôi đã chuyển qua món cà phê sữa, và cũng bắt chước phì phèo điếu thuốc trên môi, nhưng thay vì thuốc lá đen, lại là Capstan, hay President đầu lọc. Hai mươi năm qua đi trong chớp mắt, tôi không còn là một cậu bé mắc cở chỉ biết ngồi nghe người lớn nói chuyện.

   Cái bàn tròn càng lúc càng đông, tiếng ồn ào chẳng muốn dứt. Thấy đã đến giờ, tôi chào kiếu từ và đứng lên bắt tay từ giã mọi người. Ba tôi đi theo ra ngoài và dúi thêm cho một ít tiền vào túi, mặc dù tối qua bà già đã cho một mớ, "mầy cứ cầm thêm cho chắc ăn". Má tôi lúc nào cũng săn sóc và lo cho mọi đứa con, dù các con...   đã lớn, có đứa đã lập gia đình. Má tôi ít khi nào đưa tiển con cái mỗi lần con đi xa, vì biết rằng thế nào bà cũng khóc. Bà tâm niệm "Không nhìn thấy thì khỏi phải lo". Giơ tay ngoắc chiếc xích lô máy, ba tôi hỏi tiếp:
- Thế mầy đi bao lâu?
- Dạ, chắc khoảng một tuần.
- Ừ, nhớ đi đứng cẩn thận rồi về sớm.
- Dạ, ba nói má con đi.
- Cậu Hai đi đâu cậu Hai? Chú tài xích lô hỏi lớn trong tiếng máy nổ vang rền.
- Chú cho tôi ra bến xe miền Tây.
- Dạ, cậu cho ba trăm.
Tôi gật đầu đồng ý và bước lên sau khi nắm tay ba từ giã. Chiếc xe phóng chạy như bay tới bến xe lúc trời còn mờ sáng, kịp cho tôi bắt chuyến xe thứ nhì đi về Rạch Giá.
                             ***
    Cầm quyển sách trong tay, tôi nhắm mắt hồi tưởng lại do đâu mà có chuyến đi này. Vừa đi làm vừa đi học, tôi đã qua được ba năm ở trường Chánh Trị Kinh Doanh Dalạt. Năm nay là năm cuối cho học trình cử nhân, ngoài quyển khảo luận tập thể của nhóm, nhà trường còn đòi hỏi mỗi sinh viên phải hoàn tất một tập tiểu luận cá nhân, dài chừng 100 trang. Vì không có thời giờ đi kiếm các giáo sư, tôi đã lên thư viện kiếm Frère Kế Quản Thủ Thư Viện và nhờ Ngài đở đầu tập tiểu luận với tựa đề "Phát Triển Du Lịch tại Hà Tiên".
    Những ngày ở trung học và qua sách vở, lúc nào tôi cũng cảm thấy thu hút mỗi khi đọc các bài thơ, truyện hay tin tức dính líu đến Hà Tiên. Tôi có cảm giác ngất ngây, lơ lững, mơ màng với các tên của những thắng cảnh tại Hà Tiên như "Tiêu Tự Thần Chung", "Đông Hồ Ấn Nguyệt", "Giang Thành Dạ Cổ",... đây là tựa đề những bài thơ của Mạc Thiên Tích, nguyên soái của thi văn đoàn Chiêu Anh Các làm ra từ thời xa xưa, thời vua Lê, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Mỗi lần đọc lại những bài thơ, bài họa về Hà Tiên Thập Cảnh, lòng tôi lại càng thôi thúc nhiều hơn, thôi thúc trở lại tìm kiếm cảnh đào nguyên chăng?
     
     Chuyến đi này là để tôi có dịp quan sát, phỏng vấn, chụp hình tại chổ những thắng tích của Hà Tiên. Con đường Saigòn - Hà Tiên phải chia ra làm hai giai đoạn, ngày đầu từ Saigòn xuống Rạch Giá, hôm sau cởi thuyền buôn vào Hà Tiên. Hà Tiên chỉ cách Rạch Giá 150km đường bộ nhưng hầu như mọi sinh hoạt giữa Hà Tiên và Rạch Giá đều phải qua trung gian các ghe thuyền. Thay vì đi xe chừng hai tiếng, đi thuyền vòng ra biển phải mất đến tám tiếng, kể như hết một ngày.
     Kéo quyển sổ từ trong túi ra nhìn lại cho chắc ăn địa chỉ của bạn Hà Phương Toàn ở Rạch Giá , một đàn em sau tôi hai lớp, mà tôi dự tính ghé thăm và ở nhờ qua đêm trước khi xuống thuyền đi Hà Tiên. Hy vọng Toàn có mặt ở nhà khi tôi đến.
     Xe đò khởi hành lúc 7:30 sáng đi qua Ngã Ba Trung Lương, qua Bắc Mỹ Thuận trên Tiền Giang, Bắc Cần Thơ trên Hậu Giang, chạy ngang châu thành Vĩnh Long, Cần Thơ, Rạch Gỏi, Vị Thanh, ... rồi sau cùng cũng đến Rạch Giá lúc gần 3 giờ chiều. Nhìn những người ăn mày tại các bến phà, những ngôi nhà lá của nông dân, tôi ngậm ngùi cho đời sống người dân quê, nhứt là trong thời chiến tranh như hiện nay. Cũng nhà cũng xe như Saigòn nhưng sao thấy khác biệt quá.
    Khi ba má Toàn lục đục thức giấc thì tôi cũng dậy theo dù chưa đến 6 giờ. Tôi sắp xếp lại mùng mền cẩn thận để vào một góc căn gác. Trời chưa sáng mà đã nghe tiếng xe, tiếng người kêu ơi ới ngoài đường. Ba Toàn bắt tôi phải ngồi uống cà phê, ăn sáng với ông bà rồi mới được đi. Cái số tôi đúng là đi đâu cũng có người gọi cho ăn. Tưởng bà già làm ở nhà, không ngờ bà chạy qua tiệm hủ tiếu gần đó mua hằm bà lằng bánh bao, xíu mại, bánh tiêu, dầu cháo quảy ... và ba ly cà phê sữa nóng bày ra đầy một bàn.

     Ăn sáng xong, tôi cảm ơn và chia tay với ông bà. Bà căn dặn tôi là thế nào cũng ghé lại chơi khi từ Hà Tiên trở lại Rạch Giá. Thương bà già quá chừng! Tôi ngoắc chiếc xích lô đạp nhờ đưa ra bến tàu, chỉ chừng 15 phút là đến nơi. Ghe thuyền nơi đây rất ư là tấp nập, tàu đánh cá, tàu buôn, đủ cở đủ loại. Sau khi mua vé và biết đích xác con tàu mình sẽ đi, tôi dạo một vòng bến tàu để chụp hình. Chỉ dăm phút là xong!
 
     Thời gian như ngừng trôi. Ngồi hoài, uống đã hết ly cà phê, mà đồng hồ chỉ mới 7giờ30. Mùi thịt nướng của hàng cơm tấm trước cửa đã làm con tì con vị của tôi bừng bừng nổi dậy. Thế là tôi lại làm thêm một dĩa cơm sườn. Ăn xong, uống hết mấy tách trà mới thấy mấy người bán vé gọi lên tàu. Kêu tính tiền xong, tôi ghé vội hàng thuốc lá lấy thêm một gói thuốc rồi mới thong dong bước lên tàu, cầu thang có tay vịnh đàng hoàng. Lên tàu đã thấy bà con an vị gần hết. Những chỗ tốt trên boong có ghế ngồi và mái che đã bị chiếm giữ. Vào hầm tàu thì chỉ thấy toàn thùng hàng, mùi dầu nhớt trong lối đi đen kịt. Vòng trở lên boong, tôi ké được vào cái băng ghế dài ngoài trời. Thôi thế cũng còn may, tôi tự an ủi!

     Trong khi đi vòng quanh tàu, tôi chấm được một nơi có thể trú nắng lúc cần. Đó là cái mái hiên của phòng khách con tàu. Trong phòng khách có nhiều hàng ghế đã đầy nghẹt người. Lúc lăng xăng đi thám hiểm mọi nơi trên tàu tìm phòng vệ sinh, tôi mới phát hiện ra là phòng vệ sinh này có tình trạng như các nhà vệ sinh công cộng khác trong thành phố. Nghĩa là không có giấy vệ sinh, cầu lúc nào cũng nghẹt, mùi nước tiểu nực nồng,..., tôi còn đau khổ nhận ra thêm một chuyện nữa là tàu không có nơi bán nước hay trái cây gì hết. Từ sáng giờ tôi ăn uống đủ thứ, trời còn sớm nên chưa thấy khát, chứ chốc nữa trời nắng gắt thì tôi lấy gì mà cầm cự. Hồi nãy mấy đứa trẻ mời tôi mua mấy lon nước ngọt, tôi lại từ chối vì ngại xách nặng. Đúng là chết cả mấy cửa!
     Đứng tại chổ nhìn qua máy hình như tìm cảnh đẹp, tôi quan sát từng nhóm học sinh đi chung với nhau, các con buôn, ... Tôi đã tìm thấy người tôi có thể nhờ cậy. Đó là gia đình một bà cụ độ 60 vẻ mặt hiền từ, đi chung với một thiếu phụ độ 30 với nét mặt sắc sảo, và một cô gái chừng 20 có mái tóc búp bê. Ai cũng đeo kính mát nên tôi không rõ mặt cho lắm. Có lẻ quen thuộc chuyện đi tàu cho nên ngoài nước ngọt, trái cây, tôi thấy họ còn mang theo cả màn để che nắng. Tôi vờ đến gần bên chỗ bà cụ ngồi và hỏi thăm bâng quơ là cụ đi Hà Tiên về thăm gia đình hay thế nào. Có lẻ nhờ trông mặt mày tôi không ba trợn cho lắm, nên bà cụ vui vẻ trả lời các câu hỏi của tôi. Chỉ chờ bà cụ hỏi tôi là ai và đi Hà Tiên làm gì, là tôi mở máy cho bà cụ biết là mình đi tìm tài liệu để viết luận văn ra trường.
      Tôi kể bà nghe về đời sống sinh viên, đời sống gia đình, các chuyến du lịch của tôi, bà có vẻ thích thú lắm và... không ngần ngại giới thiệu cô con dâu ngồi kế bà và cô cháu họ. Cả ba về Rạch Giá ăn Tết với đại gia đình, nay trở lại Hà Tiên. Con trai bà là Phó Trưởng Ty Quan Thuế Hà Tiên, cô cháu là giáo sư Việt Văn Đệ Nhất Cấp. Có lẻ sợ tôi đứng mỏi chân, bà kêu hai cô gái ngồi gần lại với nhau hơn để bà nhích vào, nhường cho tôi một chỗ vừa đủ kê cái mông. Sau hơn hai tiếng chỉ đi và đứng, bây giờ được ngồi trong bóng mát, thật là sướng làm sao!
     Bà cụ, gia đình hai cô đều là người Rạch Giá lâu đời nên hiểu biết rất nhiều về Hà Tiên. Nhân dịp này tôi mới đưa ra vài điều thắc mắc nhờ bà và hai cô gái giải đáp, cũng là một dịp làm quen.
- Thưa bác, chữ Hà Tiên nghĩa là sao và do đâu mà có?
- Hà Tiên là do mượn cái tích nàng tiên hiện trên sông. Lúc trước Hà Tiên còn có tên là Phương Thành, Cảng Khâu. Hà Tiên có được như ngày nay là do công khai thác của Mạc Cửu, và công mở mang của Mạc Thiên Tứ, vào đời ông nầy đất Hà Tiên ăn xuống giáp biển Bạc Liêu.
Tôi nhanh nhẹn hỏi tiếp:
- Thế ngày còn trẻ bác đã đi thăm hết các thắng cảnh của Hà Tiên chưa ?!

     Bà già cười hớn hở như được gãi đúng chỗ ngứa:
- Ồ đi nhiều chứ cậu, và mấy cảnh đó tui còn nhớ nằm lòng. Mấy đứa này còn chưa chắc biết nhiều bằng tui vì sau này chiến tranh lan tràn, đi lại khó khăn.

    Hai cô gái thấy câu chuyện có vẻ hào hứng nên cũng nhảy vô góp chuyện:
- Vậy má thử kể sơ mấy cảnh đẹp má đã đi qua coi.
- Đúng đó dì Sáu, dì Sáu kể cho tụi con nghe đi.

     Bà già nghe hai cô hỏi, tôi đứng ngoài tâng thêm nên hắng giọng kể liền:
- Các cảnh đẹp của Hà Tiên thì nhiều lắm, nhiều hơn mười cảnh đẹp mà tụi con biết đến qua sách vở. Nhưng thôi mình hẳn tạm kể Hà Tiên Thập Cảnh mà Mạc Thiên Tích ca ngợi trong thơ văn trước đi.
     Tự nhiên được kể cho nghe chuyện cần biết, tôi vội vàng:
- Dạ bác chờ con lấy giấy bút ra ghi một chút.
    Bà già càng khoái chí vì có người chịu nghe mà còn ghi lại:
- Cậu đừng có lo, tui kể từ từ cho cậu chép. Có thể không theo thứ tự nhưng mười cảnh đó có tên là như vầy.
 
                             ***
     Cảnh thứ nhất là ĐÔNG HỒ ẤN NGUYỆT: Gọi là "hồ", nhưng nếu chúng ta đứng tại chợ Hà Tiên nhìn vào thì không giống như Hồ Hoàn Kiếm, hay Hồ Tây, vì phía trong có vàm Gianh Thanh, phía ngoài có cửa biển Kim Dự. Theo lẻ phải gọi là "phá" mới đúng. Nhưng nếu chúng ta lên mạn núi Ngũ Hổ nhìn xuống, núi Tô Châu như dính liền với rặng đồi Kim Dự và dãy núi Bình San thì không còn thấy cửa biển nữa. Nhìn như thế mới đúng là hồ. Muốn được xem cảnh "ấn nguyệt", trăng in xuống hồ, thì phải chờ đến đêm trăng.
    Cảnh thứ hai là BÌNH SAN ĐIỆP THÚY: Bình San là núi như tấm bình phong, điệp thúy là sắc xanh lớp lớp, cũng gọi là Núi Lăng, vì trên ấy còn di tích lăng tẩm của các mệnh phụ và triều thần họ Mạc.
 
    Càng nói bà như càng trở nên hứng khởi, say sưa! Mặc dù bà nhìn tôi, nhưng tôi có cảm tưởng như đôi mắt bà đang nhìn về một chốn xa xăm nào đó .... Hai cô gái ngồi kế bóc cam, bóc quít mời bà ăn cho thấm giọng. Dĩ nhiên là tôi cũng được ké theo. Để bà nghỉ mệt, tôi xin phép ra ngoài làm một điếu và đi bộ cho giãn gân. Tôi thầm nhủ, đúng là số mình may, vì có người chịu kể chuyện xưa cho nghe, mà lại là câu chuyện mình cần nữa chứ. Lúc quay lại thấy bà già như đang có ý mong đợi. Tôi chuyện trò, thăm hỏi thêm về gia đình, con cái của bà, bà có vẻ cảm động, kể tôi nghe đủ chuyện rồi xoay qua hỏi thăm chuyện tình cảm của tôi. Tuy ngồi nhìn nơi khác nhưng tôi biết là cô con dâu và cô cháu bà đều lắng nghe câu trả lời của tôi:
- Dạ cháu còn chưa tính chi. Phải đợi ra trường, rồi đi làm thì mới tính được thưa bác.
     Trời đã vào trưa, ánh nắng gay gắt rọi ngay trên đầu, ai nấy đều quạt phành phạch. May mà còn có gió trên boong, chứ những người trong hầm tàu thì nóng biết bao. Bà con chung quanh tôi bắt đầu đem bánh mì, xôi, bánh ngọt ra ăn. Hai cô gái lấy bánh tét, mứt ra mời bà già và tôi ăn cho đở đói. May mà tôi tấp vào gia đình này và được hưởng theo, chứ ngồi mắc cỡ chịu trận thì chỉ nội cái màn khát nước cũng đủ chết trong chuyến đi này.
     Đây là một loại thuyền cận duyên, đi ngoài biển nhưng gần bờ, chỉ cách bờ từ 1km đến 3km mà thôi. Nãy giờ tôi vẫn thấy thấp thoáng dáng bờ biển, cây cối, núi đá, nhà cửa ở xa xa. Lâu lâu thấy cảnh nào đẹp, tôi chụp vội một tấm. Tôi cũng xin được chụp hình bà cụ với mọi người trong thuyền, một tấm tổng quát và một tấm thật gần để có dịp nhìn cho thật rõ cô cháu gái của bà. Cô nàng đội khăn phủ gần hết đầu, rồi lại mang đôi kính mát che gần cả khuôn mặt. Tôi chỉ thấy được làn da trắng, hàm răng đều đặn, đôi môi vừa vặn, cặp má hồng, … cô giáo này trông dáng dấp xinh xắn và dể thương quá! Tôi thầm hy vọng dưới cặp kiếng mát ấy không phải là đôi mắt thích "đánh nhau", hay dưới tấm khăn che đầu là … "Mình chẳng có gì với người ta nhưng sao cứ vẫn cứ suy nghĩ vẫn vơ thế này hở trời!"

      Sau khi uống nước, ăn trái cây cho đỡ khát xong là bà tiếp tục giảng cho tôi nghe về Hà Tiên. Tôi được biết thêm rất nhiều điều ngoài sách vở đã học như nguồn gốc của Mạc Cửu, rồi những thành tích của con là Mạc Thiên Tích, những thay đổi của Hà Tiên, v.v. Nhờ buổi nói chuyện hào hứng này, tôi cảm thấy đoạn đường như ngắn lại. Thêm một điều thú vị cho tôi là thời giờ qua mau nhờ tôi luôn cố gắng tưởng tượng cho ra khuôn mặt thật của cô giáo dạy Việt Văn trẻ tuổi ngồi ở đầu bên kia chiếc chiếu, cách tôi những hai người.
Nhớ đến nhân vật Mạc Thiên Tích, tôi thắc mắc:
- Mạc Thiên Tích là con Mạc Cữu, nhưng trong nhiều sách lại thấy đề là Mạc Thiên Tứ, vậy tên thật của ông là gì, bác có biết không?
Bà cụ quay qua cô cháu dạy học:
- Con Điệp, mày có nhớ chuyện này không thì kể cho cậu đây nghe.
- Con cũng nhớ mang máng chứ hổng nhớ rõ. Cô e ấp che miệng nói.
- Ừa! Thì mày nhớ bao nhiêu nói bấy nhiêu cũng đủ rồi. Bà cụ khuyến khích.
Cô giáo quay hẳn qua tôi nói nhỏ vừa đủ nghe, dáng chừng như đang e thẹn lắm:
- Mạc Tông là con Mạc Cửu, ban đầu có tên là Mạc Thiên Tích, tự Sĩ Lân, sau lấy tên là Thiên Tứ nghĩa là chữ của vua ban. Mạc Thiên Tứ (1710-1780), kế nghiệp cha làm Tổng Binh Đô Đốc trấn thủ Hà Tiên, được quyền đúc tiền vì có công giúp Chúa Nguyễn. Năm 1777, ông chạy sang Xiêm La lánh nạn nhà Tây Sơn rồi bị kẹt và bị bức tử nơi ấy. Mạc Thiên Tứ là người văn võ song toàn. Khi còn ngồi trấn ở Hà Tiên, ông có công rất lớn với nền văn hóa. Ông đã lập ra Chiêu Anh Các, và họp với các văn nhân Hoa Việt cùng nhau xướng họa nhiều bài thi còn lưu truyền đến nay, đáng kể là bộ Hà Tiên Vịnh Tập.
 
     Tôi nhìn nàng mà như muốn uống lấy từng lời nói. Không biết có đọc được ý nghĩ của tôi hay không mà tôi thấy mặt nàng ửng đỏ lên và nàng cúi đầu nhìn xuống chân. Sợ nàng giận nên tôi lái câu chuyện qua với bà cụ:
- Thưa bác, vậy chớ bác có còn nhớ bài thơ nào nói về những cảnh đẹp của Hà Tiên không?
- Để tui đọc cậu nghe bài tui nhớ nhiều nhứt nghe. Bài này của ông nhà văn, nhà thơ Lâm Trác Chi sinh sống ở Hà Tiên. Ổng mê Hà Tiên đến nổi lấy một địa danh của Hà Tiên làm biệt hiệu của mình – Đông Hồ. Bài thơ của ổng như vầy nè:
          Hà Tiên Thập Cảnh
Mười cảnh Hà Tiên rất hữu tình
Non non nước nước gẫm thêm xinh
Đông Hồ, Lộc Trĩ luôn dòng chảy
Nam Phố, Lư Khê một mạch xanh
Tiêu Tự, Giang Thành, chuông trống ỏi
Châu Nham, Kim Dự, cá chim đoanh
Bình San, Thạch Động là rường cột
Sừng sững muôn năm vẫn để dành.
- Thưa Bác, con nghe mấy người lớn nói lại là Hà Tiên có khá nhiều cảnh đẹp, có thể so sánh với những danh thắng khác trong nước. Mà có thiệt vậy không Bác!
- Thiệt chớ cậu! Hồi ông nhà tui và tui còn trẻ, ổng có đưa tui đi xe lửa ra thăm Vịnh Hạ Long ngoài Bắc, Lạng Sơn, Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, ... trên đường về thăm miền sông Hương núi Ngự, Lăng Cô, Hội An, rồi bãi biển Nha Trang, v.v. Hà Tiên này đặc biệt có gần tất cả những gì tui đã được xem ở miền Trung và Bắc. Có Đông Hồ đối chiếu với Tây Hồ, sông Giang Thành và Bình San so với sông Hương và núi Ngự chốn Thần Kinh, cũng có bãi cát như Nha Trang, Long Hải, có hang sâu như các động ở Lạng Sơn, có khá nhiều ngọn đá nằm chơi vơi như ở Vịnh Hạ Long, Thạch Động để so với vùng Hương Tích với các ngôi chùa cổ. Đương nhiên là cảnh Hà Tiên không to lớn như cảnh thật ngoài kia, nhưng ở một nơi khuất nẻo như ở đây mà được như vậy là hay quá rồi! Để rồi mấy ngày tới cậu có dịp đi thăm rồi biết.
- Bác và hai chị ở Hà Tiên có biết người nào, nơi nào tổ chức các chuyến đi thăm các thắng cảnh và giảng nghĩa luôn không?
- Tui thì không biết, may ra mấy đứa nó biết.
- Con chưa nghe nói chuyện đó bao giờ. Cô con dâu thêm vào.
- Để con hỏi lại trong trường. Giọng nói trong trẻo của cô giáo.
- Hay là chiều tối nay cậu ghé chơi, rồi hỏi thăm thằng con trai tui coi có gì không?
Tôi nắm ngay cơ hội và nhận lời ngay:
- Dạ, vậy thì chiều tối nay con xin phép ghé thăm Bác và mấy anh chị. Bác và hai chị cho tôi xin địa chỉ để chút chiều tôi kiếm nhà cho dễ.
Bà cụ và hai cô cười "Nhà ở ngay trước bến tàu, chút nữa lên bờ là anh thấy liền". Thì ra bến tàu Hà Tiên nằm ngay trước mặt Ty Quan Thuế, Tòa Hành Chánh. Cạnh đó là ngôi chợ, ngó ra Đông Hồ.
- Mà rồi cậu ở đâu? Cậu có bà con, người quen ở Hà Tiên không?
- Thưa Bác không. Chút nữa lên bờ con xem có khách sạn nào gần đây thì thuê cũng được.
- Hình như trên đường Phương Thành có khách sạn Tô Châu, chút nữa anh ghé thử coi. Cô con dâu xen vào chỉ dẫn.
 
* * *
Nhờ vào một sự tình cờ, trường của nàng tổ chức đi ngoạn cảnh trước khi học sinh đi học lại, tôi được dịp tháp tùng theo nàng đi thăm các cảnh đẹp của Hà Tiên. Cứ sau mỗi lần viếng thăm một thắng cảnh, nàng lại đọc cho tôi nghe một bài thơ chữ Hán, của Mạc Thiên Tích, hay của các thi nhân trong Chiêu Anh Các, hay các bài dịch, họa của các thi sĩ Việt Nam. Tôi không ngờ mình lại có diễm phúc như vậy! Chuyện đã quá dài, và trang giấy thì có hạn, tôi không thể kể hết những chi tiết từng nơi tôi đã ghé thăm cùng nàng, cũng như những kỷ niệm êm đềm của những buổi ăn trưa chung với nhau, những chiều dạo xem ngư thuyền đổ bến ở Rạch Vượt hay lúc đi chân không nơi Bãi Ớt ngắm biển êm sóng lặng. Tôi chỉ nhắc lại cái cảm giác tựa như nửa mơ nửa thực, tựa như Từ Thức ngày xưa "lạc lối Đào Nguyên", được tiên nữ dẫn di thăm Thạch Động, núi Tô Châu, Hòn Chồng.
Buổi tối trước khi rời Hà Tiên, ngồi uống cà phê nói chuyện cùng nàng tại quán Viễn Xứ, tôi cầm tay nàng và hẹn lần tái ngộ vào mùa hè tới. Tôi hứa tôi sẽ về thăm lại Hà Tiên, sẽ tặng nàng một bản tiểu luận để kỷ niệm chuyến đi này, và biết đâu má tôi sẽ đi cùng với tôi xuống thăm má nàng.
      
    Nhưng quyển tiểu luận "Phát Triển Du Lịch tại Hà Tiên" chẳng bao giờ có cơ hội thực hiện, vì cơn hồng thủy lan tràn, xô đẩy tôi lưu lạc xứ người. Và tôi đâu có ngờ rằng mãi đến 25 năm sau tôi mới có dịp về thăm lại quê hương. Thời gian 25 năm thật ngắn với dòng đời, nhưng quá dài với đời sống một người. Biết bao nhiêu thay đổi. Tôi không có can đảm quay về Hà Tiên tìm lại người con gái năm xưa vì biết rằng mình không có khả năng quay ngược lại dòng thời gian. Mỗi lần nghe ai nhắc đến hai chữ Hà Tiên là tôi nhớ đến mùa xuân cuối của tôi trên quê hương với tập tiểu luận đang viết nửa chừng, cùng lời hẹn ước không thành ...
                   Nguyễn Đức Trọng & Thanh Đan
 



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 287

Return to top