Chết trong phẩm giá (*)
Ngô Thị Kim Cúc
Quyển sách chỉ nói một điều duy nhất và lớn nhất: quyền tự do cuối cùng của con người, quyền được chết theo ý mình. Không phải vì chán ghét cuộc sống, không phải vì sợ hãi hay trốn chạy. Đó là tình yêu hiến tặng cho chính mình và những người thân yêu của mình, một cách chủ động và mạnh mẽ, đầy tự trọng và trân trọng đối với tất cả những gì mình từng có, từng hưởng thụ và vẫn muốn tiếp tục được có, được hưởng thụ...
Mireille Jospin, một nữ hộ sinh đã dành trọn cuộc đời để hứng đỡ những đứa bé vào đời, không nề hà những nơi heo hút, bỏ qua niềm vui những đêm Giáng sinh, thức khi người khác ngủ, sang tận châu Phi để thực hiện trách nhiệm..., vào tuổi chín mươi hai, đã quyết định chấm dứt cuộc sống, công bố ngày chết của mình với con cái. Đối với bà, đó là sự lựa chọn tối thượng và không thể thay đổi, còn đối với con gái bà, Noelle Châtelet, là điều khó lòng chấp nhận, khi phải bắt đầu phép đếm ngược: "Con thấy nó khắp nơi. Mẹ không ngừng chết đi, không ngừng rơi xuống cùng với những tờ giấy trong cuốn sổ ghi hằng ngày của con, mãi không thôi". "Không, ngày mẹ mất sẽ không thể là, không được là một ngày kỷ niệm…, bởi ngày mẹ mất đi có thể phần nào là cái chết của con, dù mẹ có làm gì đi chăng nữa. Con đòi được có nỗi đau, được có niềm tuyệt vọng… Nỗi đau đớn này thuộc về con, chỉ riêng con thôi! Đó là tự do được đau khổ của con!".
Thế nhưng, trong khoảng thời gian ba tháng còn lại của người mẹ, bài học cuối cùng mà người mẹ chín mươi hai tuổi dạy đứa con gái sáu mươi tuổi dần dà đã giúp nó hiểu ra điều cần hiểu. Noelle Châtelet quen dần với nỗi đau, khám phá ra rằng mẹ mình đã sáng suốt hơn bất kỳ người già nào trong quyết định của bà: "Đôi mắt của con, mẹ nói, quá rộng lượng, quá bao dung. Chúng không muốn nhìn thấy cái mà mẹ thấy: sự tàn tạ, "rệu rã", đạt tới đỉnh điểm…". "Mọi thứ đã trở nên quá xa, quá nặng, quá cao, quá thấp, tóm lại là không thể với tới được, hoặc phải gắng gỏi quá sức, thành thử đầu óc mẹ, vẫn sống động và kiêu hãnh, không muốn nữa". "Có một ranh giới giữa phẩm giá và thiếu phẩm giá mà chỉ mình mẹ biết điểm phân định cuối cùng, chỉ mình mẹ biết vạch đường chính xác không nên vượt qua... Mẹ sẽ không đi quá ranh giới ấy, không chỉ nhân danh phẩm giá, mà vì sợ sự quá muộn, điều làm mẹ kinh hãi hơn cả cái chết".
Và hai mẹ con đã cùng nhau hoàn tất những thủ tục cần thiết trước ngày người mẹ thực hiện ý định. Những bữa ăn thấm đẫm nghĩa biệt ly, những kỷ vật chuẩn bị sẵn cho từng con cháu, những bức thư viết sẵn báo tin buồn cho người thân, những đồ dùng và những vật kỷ niệm được chuyển giao dần từ nhà mẹ sang nhà con... Món sò ưa thích. Những bím tóc trẻ thơ. Con gấu bông cũ nát. Nữ trang. Những bức ảnh kỷ niệm... Ngay cả chiếc áo sẽ mặc trong ngày ra đi của người mẹ. Một chiếc áo cũ, vá víu, với lá thư gài bên trong: "Chiếc áo cũ hỏng nhiều rồi. Tôi biết. Nhưng tôi thích nó". Không thể kỹ càng và mãnh liệt hơn được.
Người con ngày càng khám phá thêm phẩm chất lớn lao nơi người mẹ thần tượng của mình: "Giờ đây, không cần cố gắng, con thừa nhận mẹ mong muốn nhắm lại, không hổ thẹn, cặp mắt đã coi sóc thật chu đáo sự vận hành của cái thế giới nhỏ bé của mẹ, và của cả thế giới rộng lớn nữa". "Quyền được nhắm mắt, như người ta quyết định đi ngủ vì đã đến giờ, và nghĩa vụ với cuộc sống đã hoàn thành... Quyền được chết trong đường hoàng bởi vì mẹ đã chiến đấu rất nhiều chống lại thời gian, chống lại chính mình, cho đến những giới hạn của ước muốn của riêng mẹ".
Chọn lựa cách chết, nhìn thẳng vào cái chết đang tới, chia sẻ với con nỗi đau mà chúng sẽ trải qua, trong một nghiệm sinh đầy chất triết học khi kết hợp công việc đón con người đi vào cuộc sống với cách bước ra khỏi cuộc sống của chính mình, Mireille Jospin đạt đến sự tự do cao nhất của một con người. Là chủ thể trong một xã hội văn minh, bà cho phép mình không chỉ sống đúng nghĩa với cuộc sống, mà còn được quyền chết đúng cách mình muốn, xứng đáng với phẩm giá của mình.
Điều này càng có ý nghĩa hơn bởi Mireile Jospin chính là mẹ của Thủ tướng Pháp Lionel Jospin, và Noelle Châtelet là em gái con người quyền lực thứ hai của nước Pháp, khi câu chuyện xảy ra.
(*) Đọc Bài học cuối cùng của Noelle Châtelet, NXB Phụ Nữ, 2006.