Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Cơn mưa hoa mận trắng

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 1550 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cơn mưa hoa mận trắng
Phạm Duy Nghĩa

P1

Từ ngày lên Kin Chu Phìn, Thuận luôn có cảm giác sống trong một thế giới bưng bít, biệt lập. Căn nhà lợp tranh bé nhỏ của chị nép mình cạnh rừng vầu. Gian ngủ liền vách với lớp học. Những đêm xuân, Thuận nằm nghe tiếng dúi gặm măng gồn gột sau nhà. Quanh năm, sương mù vón lại trên núi Rú. Ngọn núi xám ngắt tỏa khí lạnh buốt, nhô ra bức thành đá sứt sẹo, lởm chởm, phủ cây dại bùng nhùng. Lâu lâu, từ núi vọng về một âm thanh đục ngầu của đá lở. Gió rít lục ục trong rừng vầu đắng, rừng nứa ngộ, nghe như nghẽn lại trong tầng lá rầm rì. Những buổi chiều vào rừng nhặt củi, Thuận thấy loi nhoi trong sương một đôi bóng áo chàm. Các cô bé người Dao lúi húi chặt cây khô, cắt cỏ ngựa. Tí tuổi đầu mà chiếc lù cở sau lưng chất đầy những khúc củi to gộc, dài gấp đôi thân người. Trên lối về thôn, trong ánh tà xanh lam nhập nhoạng, các cô bé lầm lũi bước. Những khuôn mặt nhem nhuốc lúc nào cũng buồn…
Thuận từ trường chính lên dạy chữ cho trẻ em người Dao ở phân hiệu này đã ba năm. Được tắm táp bằng mây gió vùng cao, da thịt không còn tươi mởn nưã nhưng chị đang ở độ chín mọng, tràn trề của người đàn bà bước vào thời kỳ sung mãn. "Người gì mà mồ hôi tiết ra ngọt như nước trái vả. Nhìn vào thấy toàn những múi, những khe, gợi cho người ta những ý nghĩ không tiện nói" - hiệu trưởng Tiến, kém Thuận hai tuổi, một tay tợn mồm lại ưa bông phèng nói vậy. Ba năm sống cô độc ở Kin Chu Phìn, Thuận đã thấm thía nỗi sợ, nỗi buồn của người giáo viên cắm bản. Những lần vận động trẻ đến lớp, chị chống gậy đi trong mưa gió, sương mù, ngã dúi mặt xuống bùn lầy nhầy phân ngựa. Có dạo mưa lũ, con suối ngoài thôn mênh mông trắng nước, không xuống chợ mua gạo và cá khô được, chị phải bẫy chuột nướng ăn suốt một tuần. Đêm ngủ, có con rắn xanh lét bò vào nhà tránh mưa, trườn qua ngực chị. Chờ nó bòn sang gian lớp học, chị lật chăn định ngủ tiếp, lại thấy một con rắn trắng nhợt, mềm oặt, nhỏ bằng cái đũa ngo ngoe giữa chiếu. Khi nắng lên rừng rực, chị lại sợ cháy rừng. Năm kia, một người Dao đốt nương đã để lửa cháy lan liếm sạch một dải rừng dâu da trong núi Rú. Tàn lửa bay đến vùng thượng Kin Chu Phìn, suýt thiêu rụi một góc núi toàn nhà lợp tranh của người Hà Nhì. Ông Tẩn Phù Siểu, trưởng thôn Kin Chu Phìn vào tận núi Rú, vác về một con khỉ cái chết thiêu, lông cháy đen thui, hai mắt lòi trắng dã. Ông bảo: "Cho cô giáo đấy, có ăn thì ăn. Nhìn mặt nó giống cái mặt đàn bà, tôi không muốn ăn nữa rồi.". Thuận đánh liều làm thịt con khỉ, gọi đứa con gái ông Siểu sang ăn cùng. Nồi thịt bốc mùi tanh nhức óc. Ngay đêm đó, Thuận lên cơn kinh giật, người lạnh toát. Trong lúc mê sảng, Thuận thấy con khỉ hiện về, vẩy máu vào mặt chị. Nó ngồi ở đầu giường, kêu khóc thảm thiết như người. Nghe chuyện, một giáo viên lâu năm tên là Thanh bảo Thuận: "Ngày trước ở xã này có người đàn bà oán hận nhà chồng, đang đêm bỏ nhà đi vào núi Rú rồi mất tích ở đó. Về sau có người nhìn thấy chị ta ở trong núi, thoắt hiện lại biến mất, nhanh như vượn. Chưa biết chừng Thuận ăn nhầm phải thịt người rồi đấy". Sợ toát mồ hôi, Thuận tìm nhặt lại những giẻ xương, bọc trong một mảnh ni lông, chôn ở đầu con dốc trước nhà. Quanh nấm mộ này, cỏ ngại và tam thất rừng mọc xanh ngằn ngặt.
Đầu tháng sáu, Tiến dẫn Kiên lên nhận lớp dạy ở Kin Chu Phìn. Kiên vừa học xong năm thứ nhất ở trường sư phạm tỉnh, được điều động tham gia chiến dịch chống mù chữ sáu tháng tại vùng cao. Sự xuất hiện của cậu sinh viên trẻ trung, nhiệt tình như gió xuân thổi vào cuộc sống đầy sương mù của Thuận. Chị cùng Tiến chặt vầu, đóng thêm một chiếc giường. Trong gian buồng bé như ổ chuột, chỗ nằm của Thuận và người bạn mới chỉ cách nhau một sải tay. Tiến tặc lưỡi: "Ranh giới mong manh quá. Thôi, anh về. Chú mày giúp chị lấy củi, thổi cơm, nhớ đừng rình xem chị tắm".
Một hôm có người cán bộ trẻ của ngành giáo dục từ thị xã vào kiểm tra. Thấy cảnh ăn chung ở chạ của Thuận và Kiên, anh ta trợn mắt: "Nhét một nam một nữ vào một buồng, anh định xui họ làm gì hả?". "Thầy thông cảm, vùng cao mà" - Tiến nhồi thuốc lá vào cái nõ điếu, điềm tĩnh nói - "Dựng thêm một cái nhà, lại phải nhờ dân đóng góp công sức, gỗ lạt, cũng phiền. Tốt nhất là tận hưởng những gì đang có. Mà một trai một gái, nếu có tí dấm tí mẻ thì cũng vô hại. Cuộc sống càng lạc quan, hề hề…".
Sống với Kiên chưa được bao lâu, Thuận cảm thấy ở người thanh niên này có một cái gì là lạ không giống những người con trai khác. Những việc phải lăn lộn giữa bùn nước, phân tro, muỗi vắt như vượt suối băng rừng, giúp dân cấy gặt, thái cỏ ngựa, khuôn thồ thảo quả... Kiên chẳng nề hà. Cứ sục sôi, hùng hục, thích thú như thể đó là những trò khoái lạc. Nhưng hễ đặt mình xuống giường là hai mắt nhắm nghiền. Anh không mảy may để tâm đến những tiếng động cựa, tiếng thở đầy nhục cảm và đôi khi cả tiếng trút cởi sột soạt giữa đêm khuya ở chiếc giường bên cạnh. Có lần đang tắm trong ô buồng che chắn bằng phên nứa phía sau bếp, chị gọi Kiên mang giùm chiếc khăn mặt. Ngồi ở trong nhà, anh lờ đi như không nghe thấy. Vài lần, Thuận rủ Kiên ra con suối ven đồi cỏ tranh cuối dải rừng vầu rậm rạp. Chị thích tắm suối đêm. Trước kia chị vẫn thường ra suối tắm đêm một mình. trước khi cởi quần áo, lần nào chị cũng bảo Kiên: "Kiên ngồi ở gần đây thôi nhá. Vắng vẻ thế này, chị sợ...". Nhưng lần nào Kiên cũng bỏ ra xa. Anh để chị thoả sức ì oạp trong nước hàng giờ, thoả sức trồi hụp, mơn man, miết cọ và tận hưởng cảm giác rờn rợn, buồn buồn của sự giao tình giữa thịt da và nước. Rồi chị điềm nhiên bước lên bờ, phô ra ngồn ngộn giữa đêm mờ cái tươi trắng loã lồ, tràn trề sinh lực nguyên thuỷ. Xa lạ, trên mỏm đá đen sì trồi lên giữa bờ cỏ rậm, Kiên vẫn đứng nghiêm bất động như một người lính gác trung thành. Nhưng không một lần ngoái lại.
Sau những lần như thế, Thuận thấy bẽ bàng. Một người đà bà, dù vấn vít chồng con, dù gió trăng thừa thãi, vẫn thích một người con trai kém tuổi còn vụng dại để ý đến mình.
Một hôm, Kiên nhận được một lá thư. Phong thư vàng ố vì nước mưa, gửi kèm ảnh một cô gái còn rất trẻ đứng trong vườn mận. Mắt Kiên sáng rực, vì vui sướng. "Người yêu em đấy, xinh không chị?". "Học cùng lớp với Kiên à?". "Vâng. Đợt chống mù chữ này, Hà của em đi tận Cán Hồ". Trong thư còn kẹp dăm bông hoa nhỏ màu trắng đã nhàu nát, thâm lại. Kiên mang lá thư ra dưới nắng, giơ lên soi, đưa tay sờ vào từng chữ như muốn lần ra dấu vết gì đặc biệt. Ngày hôm sau, anh lang thang cả buổi trong rừng, mang về một đống lá úa của loài cây gì màu đỏ rực. Anh thức thâu đêm viết thư cho Hà, khuôn mặt nhàu nát vì suy tư, nghiền ngẫm. Mỗi lần xuống xã nhờ người chuyển thư ra huyện, anh không quên bỏ vào trong thư một chiếc lá đỏ có ba thuỳ.
Mùa thu này mưa nhiều. Cứ ào một cái, nghe ran ran trên rừng vầu, rừng nứa, ngoảnh lại đã thấy cả Kin Chu Phìn biến mất trong màn mưa trắng xoá. Ngôi nhà tranh ọp ẹp của Thuận oằn mình dưới sức nước xối, tưởng chừng như một trận mưa nữa, nó sẽ mủn nạt, mục ra, nhường chỗ cho những lùm cỏ ngải hung hăng thả sức trổ xanh rì.
Mưa tạnh, các khu rừng được rửa sạch, loáng ướt. Riêng ngọn núi Rú vẫn bị nhốt trong biển khói sương dày đặc. Những tràn ruộng bậc thang no ứ nước, sáng lấp lánh.
Buổi chiều, Kiên thấy mấy anh con trai nhà ông Siểu dong trâu ra đám ruộng trên sườn đồi cỏ tranh. Buổi sáng anh dạy họ học chữ, lúc này họ dạy anh cày bừa. Về nhà, mặt anh tươi rói, mình mẩy vàng khè như con chạch moi từ đáy ao lên. Thuận vừa xới cơm vừa nhìn chằm chằm vào bắp chân săn chắc của Kiên. Chị thấy nôn nao bởi cái mùi hôi vừa lạ lẫm vừa quen thuộc. Mùi bùn.
Cái mùi này làm xáo động một mảng ký ức đã ngủ quên trong thẳm sâu con người Thuận. Chị nhớ lại ngày còn là một đứa con gái chăn trâu, mò cua bắt ốc ở một miền thôn dã. Hồi ấy, tuy mới mười lăm, mười sáu, thân hình Thuận đã mẩy mang, căng nức như búp đa, búp gạo trên bãi chăn thả sau làng. Trong đám bạn chăn trâu của Thuận có Tốn. Tốn cưỡi con trâu cụt sừng, dáng oai vệ, cái mông bè bè, cái mồm lúc nào cũng nhai nhóp nhép. Côn trùng nướng là món khoái khẩu của Tốn. Đôi khi cảm hứng nguyên thuỷ trào dâng, Tốn ăn tươi nuốt sống một cách ngon lành. Có đứa đã nhìn thấy Tốn nhai rau ráu một con chuồn ớt đỏ tươi. Kinh dị hơn, có đứa thề độc đã nhìn thấy Tốn dùng gai bồ kết cắm phập vào thịt một con ốc sên còn sống nguyên, khều ra, đưa miếng thịt ngọ nguậy vào mồm, nuốt chửng. Con ốc sên đầy trứng lổn nhổn, phòi ruột xanh lè! Có lẽ thường xuyên tẩm bổ bằng món ăn nhiều đạm này nên người Tốn chắc nịch như viên gạch xỉ. Ăn như thuồng luồng mà tắm táp lại qua loa, bùn đóng vẩy ở khoeo chân Tốn sau một tuần vẫn không sạch vết. Vào một chiều hè nắng gắt, Thuận đang tìm trâu trên đồi cọ bỗng thấy mùi bùn sực nức và cái sừng trâu cụt ngỏng lên sau lùm cỏ chè vè. Huỵch một cái, một thân người lấm lem bùn đất từ đâu bất ngờ nhảy ra, dằn ngửa Thuận xuống tàu lá cọ. Thằng Tốn! Nó vừa cười he he vừa thọc tay vào chun quần Thuận. Con trâu cụt sừng đang ngoạm cỏ soàn soạt gần đó cũng nghếch mõm, nhăn răng cười. Chợt nghĩ đến cái mồm từng tắc lẻm cả con ốc sên bầy nhẩy, nhớt nhát, Thuận khiếp đảm dúi mặt vào đám cỏ. Đang quẫy đạp điên loạn, Thuận chợt cứng người. Từ đâu đó, xa xôi và bồng bềnh, có một mạch suối ngầm tươi mát tràn chảy giần giật. Nó làm tê liệt ý thức. Nó xoa đi ý niệm thiêng liêng. Cả sự ghê tởm. Khi chỉ còn lại một mình, Thuận ngôi ngây dại nhìn vũng nắng sáng chảy chan chan trong tàu lá cọ. Cô bé đang tuổi dậy thì không hiểu tại sao mình không chống cự. Mùi bùn xộc lên nồng nã. Lúc chiều tàn, đi qua bãi cỏ nát nhừ, Thuận thấy những giọt lờ nhờ màu tiết bồ câu đã cô lại thành nhựa trong kẽ tàu cọ rách, đỏ long lanh trong nắng quái chiều hè.

P2 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 739

Return to top