Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Bà nội và...

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 489 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Bà nội và...
Đỗ Trí Dũng

Trời mùa đông. Hơn bốn giờ sáng, bóng đêm còn quánh đặc. Gió bấc luồn qua khe cót ép, rít lên như tiếng cạo cật ống dang.
Bà nội đang lúi húi thắp hương trên bàn thờ tổ nghề. Hôm nay, bà dậy sớm hơn mọi ngày, vì bữa nay là ngày học sinh của bà thi học kỳ. Bà sẽ lên lớp sớm để chỉ bảo học sinh cách hóa trang, và căn dặn những điều cần thiết cuối cùng, trước khi các học sinh của bà bước lên sân khấu biểu diễn báo cáo.
Bà nội tôi là một nghệ nhân sân khấu. Mọi người gọi bà là "nghệ nhân" chứ không phải "nghệ sĩ". Tôi không hiểu lắm sự phân biệt này. Hồi trẻ, chắc bà tôi phải là một đào có tiếng, cho nên bây giờ, khi đã về già, không còn đứng được trên sân khấu, bà được nhiều nơi mời dạy. Không chỉ dạy học sinh Trường Nghệ thuật sân khấu, bà còn dạy cả các diễn viên trẻ bên đoàn tuồng, đoàn chèo. Mà chả cứ diễn viên trẻ, thỉnh thoảng, tôi còn thấy cả những diễn viên, nghệ sĩ lớn tuổi, sang nhờ bà chỉ bảo.
Bà nội có ba người con. Bố tôi là cả, sau còn hai người, một trai, một gái. Tức là cô và chú tôi. Nhưng bà không ở với người nào. Bà chỉ sống với tôi, trong một căn phòng tập thể của Trường Nghệ thuật sân khấu. Căn phòng rộng hơn chục mét vuông, mặt trước và mặt trái là tường gạch, mặt sau và mặt phải bằng cót ép. Tôi ở với bà từ khi chưa đầy một tuổi. Bố mẹ tôi có ba người con, tôi là út. Chả hiểu vì lý do gì, sau khi tôi cai sữa được ít lâu, bà đón tôi về ở hẳn với bà.
Từ lúc lẫm chẫm biết đi, tôi đã theo bà lên lớp xem các cô chú học sinh, diễn viên diễn tập. Dù còn rất nhỏ, và không hiểu lắm về các trích đoạn tuồng chèo, nhưng tôi xem cứ mê mẩn. Thế giới tuổi thơ của tôi là những trích đoạn tuồng cổ, nào Đào Tam Xuân loạn trào, nào Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, nào Xuân Đào cắt thịt... Ban ngày thì xem, ban đêm, bà lại kể tôi nghe về các tích tuồng, bà kể và giải thích rất kỹ càng. Bà kể hay lắm. Những câu chuyện đầy hấp dẫn của bà, với tôi, giống như chuyện cổ tích hay những lời hát ru với những đứa trẻ khác. Được xem và nghe như vậy, nên tôi còn có thể phát hiện cô chú học sinh nào diễn chưa đạt hoặc làm sai.
Có lần tôi phát hiện cô học sinh tập vai Đào Tam Xuân làm sai, tôi liền bảo: "Cô diễn chỗ này chưa giống bà cháu". Nói rồi tôi thực hiện lại ngay đoạn đó. Cả bà tôi, cô học sinh kia, và cả lớp cùng trố mắt nhìn tôi kinh ngạc. Bởi lúc đó tôi mới hơn năm tuổi. Bà bảo: "Con diễn lại cho bà và các cô xem nào". Thế là tôi thả sức thể hiện. Lâu nay tôi say mê theo dõi rồi nhập tâm, giờ có dịp, tôi cứ thế say sưa diễn hết trích đoạn Đào Tam Xuân loạn trào. Khi tôi diễn xong, các cô chú học sinh hết lời khen tôi thì đã đành rồi, mà ngay cả bà tôi cũng khen. Bình thường, tôi thấy bà ít khi khen ai lắm. Trong nghề, bà có vẻ khắt khe. Được thể, tôi bảo bà: "Con còn diễn được nhiều vai khác cơ". Rồi tôi tiếp tục, hết Nguyệt Cô hóa cáo đến Mộc Quế Anh dâng cây, nếu bà không ngăn lại vì sợ tôi mệt, thì không biết tôi còn diễn đến bao giờ.
Từ hôm sau đó trở đi, các cô chú học sinh không bế ẵm, đùa nghịch với tôi như trước. Họ đứng cách xa, rồi túm tụm, xì xào, chỉ chỏ. Không hiểu tại sao lại thế, nên tôi hỏi bà. Bà cười bảo: "Các cô chú ấy phục con đấy mà". Tiếng đồn về tôi đến cả tai ông trưởng đoàn tuồng. Một hôm, ông ta xuống sàn tập, ngồi đó cả buổi, chờ bà tôi lên lớp xong, ông nói gì đó với bà. Bà bảo tôi diễn cho ông ta xem trích đoạn Đào Tam Xuân loạn trào. Xem tôi diễn xong, ông không nói gì, chỉ nhìn tôi một lúc rất lâu. Tôi thấy ông thì thào to nhỏ với bà tôi một lát rồi về, vẻ mặt vô cùng bí hiểm và căng thẳng. Tối hôm đó, tôi hỏi bà: "Bà ơi, hôm nay ông trưởng đoàn nói gì với bà thế". Bà bảo: "À, bác ấy muốn cho con làm diễn viên".  “Thật hả bà? Thế con cũng được bôi má phấn, môi son như các cô chú diễn viên thật à?". "Có chứ, nếu là diễn viên, con sẽ được son phấn, cả  phục trang nữa". "Thế thì thích lắm bà nhỉ! Thế bao giờ con được làm diễn viên hả bà?". "Bác ấy muốn cuối tuần này, con tham gia biểu diễn luôn, nhưng bà chưa đồng ý. Bà sợ con còn bé quá". "Ứ ừ, con không chịu đâu, bà cho con làm diễn viên ngay cơ. Bà nhé". Bà tôi không trả lời. Tôi thấy bà thở dài.
***
Cuối cùng mong ước trở thành diễn viên của tôi cũng thành sự thật. Sau lần xem tôi diễn, ông trưởng đoàn còn xuống sàn tập mấy lần nữa, chắc để thuyết phục bà tôi. Bố mẹ tôi khi biết chuyện thì hào hứng lắm. Có lẽ bố mẹ cũng thích chẳng kém gì tôi. Sau đó chừng một tháng, tôi đã biểu diễn buổi đầu tiên. Tôi diễn trích đoạn Đào Tam Xuân. Khán giả đông lắm, chật cứng rạp, nhưng tôi không để ý tới họ. Tôi được hóa trang, được mặc bộ giáp phục màu trắng bé tí xíu của nữ tướng Đào Tam Xuân, được đứng dưới đèn màu của một sân khấu nhà hát thật sự, thế là tôi sung sướng diễn một cách thật say mê. Kết thúc trích đoạn của tôi, khán giả hò hét, vỗ tay không ngớt. Nhưng với tôi lúc đó, tiếng vỗ tay chẳng quan trọng, chỉ cần được diễn, thế là tôi sung sướng.
Ngày hôm sau, báo chí đều đưa bài viết về tôi lên trang nhất. Cả Hà Nội xôn xao vì chuyện của tôi. Họ gọi tôi là thần đồng. Lúc đó tôi không có cảm xúc gì đặc biệt, chẳng biết thế nào là hào quang của sự nổi tiếng. Đó là lợi thế đặc biệt của trẻ thơ. Sau này, tôi nghĩ, khi đó thiên hạ tới xem tôi chắc vì lạ, như xem một cái gì quái dị, chứ không phải để xem trình độ biểu diễn của tôi. Nếu hồi đó tôi không diễn tuồng, mà mọc một cái đuôi dài ở đít, một cái sừng giữa trán có lẽ họ cũng xúm vào săm soi như thế.
Tóm lại, câu chuyện của tôi hồi đó gây xôn xao ghê gớm. Nhờ có tôi, đoàn tuồng tăng hẳn doanh số bán vé. Ông trưởng đoàn muốn tôi có mặt trong mọi buổi biểu diễn. Ngay cả bố mẹ tôi cũng muốn thế, vừa tự hào, vừa tăng thu nhập. Chỉ có bà là bình tĩnh hơn cả, chỉ cho phép tôi diễn hai tuần một buổi, mà chỉ diễn trong nội thành hoặc quanh quanh gần đó, chứ bà không đồng ý cho đoàn tuồng đưa tôi đi xa. Có thể, bà muốn tôi được lớn lên không quá khác những đứa trẻ bình thường.
Tôi làm "thần đồng" như thế trong vòng ba năm, lúc này thiên hạ đã bắt đầu chán tôi, hơn nữa, tôi đã đến tuổi đi học. Bà tôi để tôi nghỉ diễn hẳn, mặc cho ông trưởng đoàn vật nài, xin cho tôi vào hẳn đoàn ông, bà kiên quyết từ chối.
Từ khi đi học, tôi xoay qua mê mẩn thứ khác. Tôi mê đọc truyện. Ngoài thời gian học, tôi chỉ chúi mũi vào đọc. Tôi đọc ngày đêm, thời đó tối đến thường mất điện, nhưng tôi vẫn đọc, bằng đèn dầu. Bà là nguồn cung cấp sách, bà mua cũng có, mượn cũng có; mượn ở thư viện trường nghệ thuật và các văn nghệ sĩ khác. Tuy năng mang sách về cho tôi, nhưng bà vẫn luôn nhắc: "Đọc in ít thôi, nhất là đọc bằng đèn dầu, hại mắt, rồi cận thị thì bỏ bố con ạ. Con gái cận rồi khó lấy chồng". Tôi cười nũng nịu: "Con ứ thèm lấy chồng đâu, con ở với bà cơ". Bà lấy ngón tay dí vào trán tôi, chửi: "Cha bố cô, không khiến cô ở với tôi".
Thế rồi lời cảnh báo của bà hóa ra thành thật. Vì đọc dưới đèn dầu nhiều quá, tới năm lớp bảy tôi bị cận, phải đeo kính, 2,5 điốp. Nhưng việc phải đeo kính không khiến tôi khó chịu, ngược lại tôi thấy rất vui. Vì tôi được giống với thần tượng của mình. Thần tượng của tôi là anh Trương Tràng, anh mang kính tới 9 đi-ốp. Anh Tràng là nhân viên mới của Trường Nghệ thuật sân khấu, mới về được gần năm nay. Phòng anh ngay sát sau phòng bà cháu tôi, tức là về phía vách cót ép. Tôi đã biết anh từ trước đó rất lâu. Chả là từ khi còn học phổ thông, anh Tràng đã viết được một số truyện ngắn, được xuất bản trong một tuyển tập học sinh. Tôi đã đọc tập truyện này, đặc biệt thích truyện của anh. Cho tới giờ, tôi vẫn còn nhớ nhân vật của anh, một người có điệu cười không bắt đầu bằng chữ H.
***
Vì có ấn tượng từ trước, nên khi anh về trường, lại là hàng xóm, tôi và anh lập tức trở nên thân thiết. Với bà tôi, anh Tràng tỏ ra là một thư sinh, lễ phép, nên bà cũng rất quý anh. Anh Tràng là người Việt gốc Hoa. Thời kỳ xảy ra sự kiện người Hoa, anh đang học trong trường tổng hợp. Khi đó, cả nhà anh đã bỏ ra nước ngoài, nhưng anh không đi, anh đã ở lại, chấp nhận khó khăn, tiếp tục học tập, và anh đã vượt qua. Tuy là người Hoa, nhưng tôi thấy anh có một tâm hồn Việt còn hơn một số những người Việt chính cống khác. Nếu không thế sao anh có thể viết được những câu chuyện về con người và thiên nhiên Việt Nam xúc động đến vậy. Tôi vốn thích môn văn, từ khi được gần anh Tràng, được anh chỉ bảo thêm, tôi đạt được những tiến bộ rõ rệt trong việc học văn. Mối quan hệ giữa anh Tràng và bà cháu tôi ngày càng thân thiết. Bà tôi mỗi khi nấu món gì ngon, bao giờ bà cũng gọi anh Tràng, hoặc bảo tôi mang sang cho anh. Với riêng tôi, anh Tràng ngày càng dành cho tôi những tình cảm đặc biệt hơn. Nhiều lần, tôi bắt gặp anh nhìn tôi với ánh mắt đắm say, nhưng khi bất chợt gặp ánh mắt của tôi, anh thường nhìn lảng đi chỗ khác.
Tôi biết, anh Tràng đã yêu tôi. Và tôi cũng... yêu anh. Khi đó, tôi đang học lớp bảy. Tình yêu của tôi với anh, bắt nguồn từ lòng kính trọng. 
Hình như bà đã lờ mờ đoán ra chuyện của hai chúng tôi, bà để ý và dò xét tôi nhiều hơn. Rồi giữa chúng tôi xảy ra một chuyện. Chuyện này đã khiến cho mối tình của chúng tôi vừa bùng cháy đột nhiên tắt lịm.
***
Hôm đó, tôi sang phòng anh để xin ý kiến về một bài tập làm văn. Phòng anh cũng có diện tích bằng với phòng của bà. Góc phòng, nơi tiếp giáp với tấm vách cót ép ngăn cách với phòng bà, anh kê chiếc giường cá nhân. Đầu giường là cái tủ nhỏ đựng quần áo, trên tủ là chiếc giá chất đầy sách. Gần cửa ra vào là bộ bàn ghế rất xinh. Tôi ngồi ở giường để đọc bài văn, anh Tràng ngồi ở ghế, uống trà và nghe tôi đọc. Tôi đọc xong đã một lúc, vẫn chưa thấy anh có những nhận xét như mọi khi. Tôi im lặng chờ đợi.
Rồi anh đi đến chiếc giường, ngồi xuống bên tôi, đưa tay vuốt tóc tôi. Tim tôi đập thình thịch, người nóng ran... Tôi im lặng, chờ đợi, nhưng không phải chờ đợi lời nhận xét về bài văn. Vẫn im lặng, bất ngờ anh ôm choàng lấy tôi và đặt lên môi tôi một nụ hôn cuồng nhiệt. Tôi tiếp nhận nụ hôn của anh với cảm giác đê mê. Rồi anh đẩy tôi xuống giường và nằm đè lên tôi, môi chúng tôi vẫn gắn chặt vào nhau. Không hiểu vì lý do gì, tôi đột ngột mở mắt và hướng lên trần nhà, thấy bà đang thò đầu sang phía trên vách, nhìn chúng tôi trân trối.
Tôi hết hồn, tim như ngừng đập. Anh Tràng vẫn không hay biết gì vì đang nằm sấp, vẫn hôn tôi tới tấp. Tôi cố tránh những nụ hôn của anh và co chân lên. Thế là anh Tràng bật đứng dựng lên, ôm bụng nhăn nhó, thở hổn hển và ngồi bệt xuống đất. Một lúc lâu sau, không dám nhìn lên, nhưng tôi đoán bà đã thu đầu về. Tôi tới gần anh, ấp úng: "Lúc nãy... anh có... đau không? Cho em xin lỗi". Anh Tràng không nói gì, anh lấy gói mì cho vào tô, đổ nước sôi rồi nghiêm trang nhìn tô mì qua cặp kính dày.
***
Sáu tháng sau khi xảy ra sự việc trên, anh Tràng lấy vợ. Vợ anh rất xinh, theo đánh giá của tôi, chị xinh đẹp hơn tôi nhiều. Chị có vẻ giỏi giao tiếp, mới về khu tập thể có tuần lễ mà đã quen thân với hầu như tất cả hàng xóm. Và một điều nữa cũng rất quan trọng, chị là con gái Hàng Đào. Tôi nghĩ anh Tràng lấy chị là xứng đáng. Từ khi có mặt vợ anh Tràng, cái không gian yên ắng xưa kia đã trở nên sinh động hơn nhiều, bởi chị rất hay nói. Có hôm tôi thấy chị bình cả thơ. Chị đọc thơ Hồ Xuân Hương (chắc chị lấy trên giá sách của anh Tràng): "Lày lày chị bảo cho mà biết/Chốn ấy hang hùm chớ mó tay", rồi chị vừa bình vừa cười: "Hé...hé... hé ..., con mẹ lày quê đâu mà lói lăng máu nhể".
Vợ chồng anh Tràng không làm hàng xóm với bà cháu tôi lâu. Nửa năm sau khi cưới vợ, anh Tràng chuyển công tác. Chuyển cơ quan, cũng là chuyển chỗ ở. Tôi thầm mong, ở cơ quan mới, người ta sẽ phân cho anh căn hộ có bốn phía đều là tường gạch.
Dạo này bà tôi có vẻ buồn, tôi gặng hỏi mãi mới hiểu tâm sự của bà. Bà buồn vì từ khi nhà nước chủ trương phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, ưu tú, bà tin rằng mình sẽ là một trong những cái tên đầu tiên được chọn. Nếu xét về chuyên môn nghề nghiệp và sự cống hiến thì niềm tin của bà là hoàn toàn có cơ sở. Nhưng vì một lý do rất vớ vẩn mà bà tôi không được đưa vào xét.
Lý do đó là, bà tôi không ở trong biên chế. Mà lý do khiến bà tôi không được vào biên chế là vì chồng bà, tức ông nội tôi, cũng là một kép hát có tiếng, năm 1954 đã bỏ vào Nam. Ông tôi vào Nam không phải do có nhân tình, nhân ngãi, cũng chẳng phải chuyện theo ta, theo địch. Ông vào Nam theo tiếng gọi của thuốc phiện. Ông nghiện nặng. Giải phóng thủ đô, ông sợ không có thuốc nên bỏ đi. Đơn giản chỉ có thế. Theo bà kể thì hồi đó, tiệm hút mở công khai, giá cũng không đắt lắm. Vì thế, các ông văn nghệ sĩ cứ mười ông thì đến bảy, tám ông nghiện. Giải phóng về, ông nào gan dạ ở lại, thế là cai được. Còn ông nội tôi yếu bóng vía, nên vội chạy vào Nam. Tất nhiên, không phải văn nghệ sĩ nào chạy vào Nam cũng đều vì thuốc phiện như ông tôi. Có nhiều người ra đi bởi những lý do khác nữa. Nhưng có một thời, cụm từ "di cư vào Nam" đồng nghĩa với "phản động, theo địch".
Cũng chỉ vì ông nội tôi "phản động", mà bố tôi không được vào Đảng, dù đây là khát vọng của bố tôi và ông không ngừng phấn đấu để đạt ước mơ trở thành đảng viên. Có lần, tôi nghe bố nói chuyện với bà: "Từ hôm nay, con có thể yên tâm rồi. Con là một  đảng viên ngoài Đảng". Bà tôi hỏi: "Đảng viên ngoài Đảng là thế nào?". Bố tôi đáp: "Hôm nay, cơ quan con có đồng chí trên Ban Tư tưởng Trung ương về nói chuyện. Đồng chí ấy bảo, các đảng viên chúng ta, nên quan sát và học tập một số quần chúng. Những quần chúng này có phẩm chất và đạo đức cách mạng rất cao. Vì những lý do nào đó, các đồng chí ấy chưa được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tôi có thể gọi những đồng chí ấy là đảng viên ngoài Đảng... Con nghe thế, cứ mát cả ruột. Từ nay, con có thể tự hào mình là một đảng viên ngoài Đảng".
Vào những ngày đầu thế kỷ 21 này, bố tôi đã thành người thiên cổ. Ông đi vào cõi vĩnh hằng vẫn với nỗi khao khát khôn nguôi và cả niềm tin ngây thơ. Có lẽ chính vì vậy mà ánh mắt trong bức ảnh chân dung ông trên bàn thờ luôn buồn bã. Anh tôi gắn lên ngực ông cả mớ huân huy chương bằng kỹ thuật photoshop, với mong muốn làm đẹp lòng ông. Nhưng kết quả có vẻ như ngược lại. Tôi vẫn thấy mắt ông đượm buồn. Thậm chí buồn nhiều hơn trước. 
***
Sau giải phóng Sài Gòn, tôi được đi cùng bà vào thăm ông nội. Trông ông yếu lắm, yếu hơn cả bà. Ông sống một mình trong căn nhà nhỏ ở khu Đa Kao, gọi là lều thì đúng hơn. Trong nhà trống huếch trống hoác, không có thứ đồ đạc nào ra hồn. Gặp bà, ông chỉ khóc. Ông khóc nhiều lắm, suốt mấy ngày liền. Nếu im lặng thì không sao, nhưng cứ định nói gì là ông lại khóc. Bà tôi cũng khóc, nhưng ít hơn, chỉ mếu máo khi mới gặp thôi. Sau thì bà dọa ông: "Này, ông khóc ít thôi, còn nói chuyện chứ. Cứ khóc thế này là tôi bỏ về đấy". Nhưng bà dọa hay dỗ thì ông cũng cứ khóc.
Nhìn cảnh sống và tình cảm của ông, tôi tin, ông bỏ bà và xứ sở đúng là vì thuốc phiện. Tôi và bà ở chơi với ông hơn hai tháng thì về Hà Nội. Trước khi về, bà tháo đôi bông tai và cái nhẫn để lại cho ông. Thời mới giải phóng Sài Gòn, dân tình truyền nhau câu tục ngữ: "Miền Bắc nhận hàng miền Nam nhận họ", nhưng với gia đình tôi, có vẻ như ngược lại. Ấy là nói cho vui thôi. Tôi không sao quên được vẻ mặt ông nội khi nhận từ tay bà đôi bông, chiếc nhẫn và ít tiền. Buồn thê thảm.
Sau khi bà cháu tôi về, chưa đầy một năm sau thì ông mất. Bà bảo: "Tại ông con thiếu thuốc đấy. Nếu còn thuốc ông ấy chưa chết đâu". Sau tôi mới hiểu kỹ hơn, ông tôi dùng thuốc phiện đen, hút bằng bàn đèn. Những người nghiện kiểu này vẫn khỏe và sống dai, nếu có đủ thuốc.
Tôi bảo bà: "Việc gì bà phải buồn cho hại sức khỏe. Bà vẫn chẳng nói là hữu xạ tự nhiên hương là gì. Vả lại đã có quy chế, bà thiếu một tiêu chuẩn hành chính, chứ có ai nghĩ bà không phải nghệ sĩ đâu. Mà con thấy mấy ông nhà văn, biên kịch, có ai phong ưu tú hay nhân dân gì cho họ đâu. Các ông ấy chẳng phàn nàn gì, vẫn cười như tết. Nghệ sĩ là phải sĩ nặng bà ạ". Bà cười: "Ôi dào, các ông văn, kịch sĩ họ cười thế thôi, chứ đằng sau nụ cười các ông ấy thì có ma quỷ mới biết là những gì. Mà này, con đọc sách ít thôi. Học cũng vừa vừa thôi. Liền bà, con gái biết nhiều quá rồi khổ con ạ". Tôi giả vờ ngây thơ trêu bà: "Sao con gái biết nhiều lại khổ hả bà?". "Vì liền ông họ không thích liền bà thông minh, hiểu biết hơn họ". "Họ thích không quan trọng bằng con thích. Con sẽ lấy chồng chứ không phải chồng con lấy vợ". Bà âu yếm ôm tôi vào lòng và kết thúc câu chuyện bằng câu nói muôn thuở: "Cha tiên nhân bố cô. Lý luận lắm".
Dạo này bà yếu nhiều, có hôm phải chống gậy lên sàn tập. Mặc dù có tâm sự buồn, nhưng bà vẫn lên lớp đều, không bao giờ bỏ tiết. Cũng may, lịch dạy của các bộ môn sân khấu truyền thống ngày càng thưa. Học sinh vắng vẻ, không khí chểnh mảng. Nghệ thuật truyền thống ngày càng sa sút, tiêu điều. Các bộ môn nghệ thuật này cũng buồn bã và yếu ớt như bà vậy.
***
Tôi lấy chồng, chồng tôi làm nghề mổ lợn. Tôi và anh ấy tình cờ gặp nhau, anh ấy yêu tôi và tôi cũng yêu anh ấy. Tình yêu của chúng tôi chẳng vì cái nghề mổ lợn của anh mà kém lãng mạn hơn so với các mối tình khác. Hôm cưới, lúc lên xe rước dâu, bà nắm tay tôi, hai bà cháu nhìn nhau cùng rớm nước mắt. Không hiểu sao, lúc ấy trong tôi có cái cảm giác mà người ta hay gọi là cảm giác cô dâu về nhà chồng. Mặc dù tôi thừa biết, tất cả các thủ tục này chỉ là hình thức. Nếu muốn, ngay ngày mai tôi lại về ở với bà năm bữa, nửa tháng. Nhà chồng hay nhà bà, có gì khác nhau đâu. Biết thế, song tôi vẫn không khỏi bùi ngùi. Còn bà? Tôi không hiểu bà buồn vì điều gì.
Sau đám cưới, đều đặn thứ bảy nào vợ chồng tôi cũng về thăm bà. Hai tháng nay, bà yếu nhiều. Không bệnh tật gì cả, nhưng bà mệt, không ngồi dậy được mà cũng chẳng ăn được. Thời gian này, bố mẹ tôi ở hẳn với bà để chăm sóc.
Vào một tối thứ bảy, vợ chồng tôi lại về thăm bà. Chúng tôi xuống lúc sáu giờ tối. Cùng lúc, ông giám đốc đoàn chèo cũng sang. Ông khoe, đoàn đã dàn dựng xong vở Xác chết trước cổng thành của một tác giả Tây, tên rất dài và khó nhớ.
Tôi ngồi ở đầu giường bà. Bà không nói được, nhưng môi bà như luôn nở nụ cười trìu mến với tôi. Chín giờ, tôi định về, thì bà nắm tay tôi rất chặt, như có ý bảo tôi ở lại. Tôi ngồi lại thêm khoảng một tiếng. Tưởng bà đã ngủ, tôi khe khẽ rút tay để ra về. Nhưng thật kỳ lạ, như đọc được ý nghĩ của tôi, tay bà lại siết tay tôi, mặc dù mắt bà vẫn nhắm. Chồng tôi ngồi ngoài bàn trà, đã ngủ gà gật, nhểu cả dãi. Tôi khẽ bảo: "Thôi, anh về trước đi, hôm nay em ở lại với bà". Chồng tôi khẽ giật mình, lôi thuốc lá ra hút rồi khoát tay, tỏ ý muốn ở lại với tôi.
Hơn 12 giờ đêm hôm đó thì bà tôi mất. Đó là rạng sáng ngày mà đoàn chèo diễn báo cáo vở diễn mới với nhân vật châu Âu.
Bà tôi mất được ba tháng thì có quyết định phong tặng bà Nghệ sĩ Ưu tú. Trong số các học sinh của bà, giờ đã có người nắm giữ những trọng trách cao trên Bộ. Họ đã làm việc này từ trước khi bà mất, nhưng không hiểu do thủ tục thế nào mà bà tôi mất đã ba tháng mới có quyết định chính thức.
Hôm nhận tấm bằng Nghệ sĩ Ưu tú, cả nhà tôi, gồm bố mẹ và anh chị tôi mang tấm bằng xuống đài hóa thân để thắp hương cho bà. Sau đó, bố tôi mang tấm bằng về nhà treo lên chỗ trang trọng nhất. Tôi nghĩ, đáng nhẽ bố phải đốt đi, như đốt vàng mã rằm tháng bảy để gửi xuống cho bà. Của bà cơ mà. Nghĩ thế thôi, nhưng tôi không nói ra.
Bây giờ con gái đầu lòng của tôi đã lên sáu. Nó đã hơn tôi một tuổi lúc tôi làm "thần đồng". Nhưng nó ngây ngô lắm, chả biết gì. Ngay việc ăn cơm thôi, bố mẹ cứ phải đánh trống thổi kèn, hò hét đủ kiểu nó mới chịu ăn cho. Nhưng điều này khiến tôi vui nhiều hơn. Tôi hay ngắm con bé mỗi khi nó ngủ.
Những lúc ngắm con, tôi hay nhớ về thời thơ ấu. Mà mỗi khi nhớ về thời thơ ấu, tôi lại luôn nghĩ về bà nội.



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 857

Return to top