Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tập Truyện ngắn >> Chùm truyện ngắn

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 4596 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chùm truyện ngắn
Khải Nguyên HT

Không đề

Vừa cầm tờ Văn Chương liếc qua , tim chàng đã đập rộn lên. Thi sĩ thấy tên mình ngay trang nhất.
-Có thế chứ! Bài “Không đề” gửi đi có dễ đến nửa năm giờ mới chịu đăng cho đây ... Ơ! Mình có viết như thế này đâu.
Đọc hết bài thơ, chàng thất vọng. Một bài thơ không thuộc tạng chàng. Đọc khó vào làm sao!
Có tiếng mở cổng, rồi tiếng dép quen thuộc.
-Anh đã nấu cơm chưa đấy? –Nàng vừa ló nửa người nơi cửa đã lên tiếng.


Nàng quán xuyến chuyện kinh tế gia đình nên chàng xắn tay đỡ nàng những việc vặt. Việc cơ quan, chàng rất linh động ; chàng có thể tạo cớ để lỉnh về sớm. Vô phúc cho khách công tác nào, dù là từ xa đến, nếu chẳng phải là khách sộp, có việc với chàng sau mười giờ, nhất là vào những hôm nàng đã có “dặn lời”.
-Anh đi nấu ngay đây. Anh đi nấu ngay đây.
Nói vậy nhưng chàng vẫn bần thần đứng nhìn trang báo. Nàng đang thay áo, không đoái đến bộ dạng chồng.
-Anh còn làm gì đấy?


Thi sĩ đưa tờ báo đến trước mặt vợ:  -Em xem đây này.


Nàng hững hờ nhón tờ báo: -Thôi, ông cứ đi làm việc của ông đi!
Nàng đọc lướt mấy dòng thơ đầu, nhưng rồi bị hút ngay vào. Một cái gì rất thoảng như hơi sương lướt qua tâm hồn nàng. Những tưởng ở tuổi nàng đâu còn những bâng khuâng, xao xuyến hay đợi chờ. Vậy mà có chút gì đó vừa lay nhẹ tâm can nàng, nàng chưa rõ ngay chuyện gì đã xảy ra, đã chợt đến. Bài thơ dường như viết cho riêng nàng, cho nỗi niềm trong tâm thức nàng. Có bóng dáng những mộng tưởng của nàng thuở nào. Nỗi khát khao một thời dường như vẫn náu mình đâu đó. Mà những thôi thúc của nhịp sống bung ra hiện tại hướng những giằng xé nội tâm ra nẻo khác.


Đã xa rồi cái thời cô nữ sinh Kiều Diễm ngây thơ và cuồng nhiệt dệt mộng đời qua những bài thơ chép đầy sổ tay, trong đó có những bài thơ đăng báo tỉnh lẻ của chàng thuở chàng tập tọng bước vào chiếu thơ. Nàng đã tự nguyện đến với chàng, phẩy tay trước những nghi kị, dèm pha, cấm đoán. Nàng đã tự hẹn sẽ không để chàng bận lòng với những chuyện “cơm áo không đùa với khách thơ”. Nhưng chính thơ lại đùa với chàng. Cái bóng của thơ, nó như rỡn, như vờn. Con người nhiều lúc nhẹ dạ, còn Nàng Thơ thì không. Ôi! Giá như nhân loại chỉ yêu nhau theo lối “ái nhi viễn chi”! Về sống chung, sau ba tháng, con người chàng đã nhợt hào quang; sau nửa năm, thơ chàng tuồng như chỉ là cái bẫy ngôn từ. Lỗi của cái eo sèo đời thưòng hay của sự vỡ mộng? Trong lĩnh vực tình cảm, phái đẹp dễ cực đoan hơn phái mạnh, đã yêu là thường mê đắm, mà đã chán thì có thể đẩy tới mức ghét khinh. Cũng may, những ràng buộc đời thường giúp cho người ta dễ chấp nhận thực tại hơn. Đến khi nàng phải đứng ra gánh việc nhà để cho chàng “ung dung khòm lưng mà ngồi gãi giấy”, như nàng nói, thì cơ hồ thơ chàng không còn ngả đi vào tâm hồn nàng. Chàng vẫn thường tự hào thơ mình đa dạng: trữ tình có, hùng ca có, triết luận có. Nàng tóm gọn ba “có” ấy vào một lời phán:“Đã câu rởm trữ tình tang, / (lại) Lời lời huyếch hoác, hàng hàng dở hơi”.


Song có lẽ hình ảnh nhà thơ của cô Kiều Diễm chỉ thực chết trong lòng nàng sau lần chàng đưa khoe một bài thơ vừa được đăng báo,-bài thơ tán tụng một chiến sĩ thi đua đang ngấp nghé danh hiệu anh hùng lao động. Ánh mắt nhìn của nàng hun rát má chàng: “Anh đã quên cái cảnh hắn ta ôm đôi gà trống thiến leo lên căn gác của lão phụ trách thi đua của sở rồi à?”. Căn gác ấy nằm ngay trước nhà, bên kia đường. Dẫu lúc ấy đã là hoàng hôn. (Của đáng tội, bài viết ấy như một thứ hàng đặt). Cái hèn phỉ báng thơ; cái khinh khép mắt tình yêu. Tuy nhiên, chắc hẳn “cái thuở ban đầu lưu luyến” và đứa con đã giữ nàng lại với chàng cùng... những cơn bộc phát dữ dằn. Chàng quen dần với những lời mắng mỏ thô lậu cũng như đã từng quen với những lời tán dương âu yếm thuở yêu đương.. Những cơn hung dữ đàn bà, -chàng âm thầm nhủ lòng- âu mụ cũng là một phụ nữ có bản sắc. Chàng vẫn giữ được cái đức riêng của mình: vẫn chỉn chu với vợ con, vẫn tỏ ra cần mẫn công tác và... vẫn làm thơ. Song, sự nín nhịn ở nhà thường phì ra nơi khác, cả trong thơ. Người ta cảm thông với lối nói băm bổ của chàng những lúc nào đó. Một chút lên gân bù trừ cũng chẳng sao.
Lúc này trong bếp, mắt cắm vào chảo cá rán nhưng óc chàng vẫn vương vít với bài thơ nọ. Thằng cha nào đội tên mình nhỉ? Hừm! Thiên hạ chỉ mới có người ăn cắp văn, nay lại thòi ra một kẻ ăn cắp bút hiệu. Cái tên Vọng Khê chẳng phải là cái cọng rác trên văn đàn. Bút danh này khá “độc”, chẳng thể có sự trùng. Ông sẽ chẳng để yên đâu. Chàng muốn xả nổi tức bực với ai đó, hiềm vì đang dở tay. Chàng lé mắt ngó nàng đang đứng trong phòng qua cửa bếp, chợt sững ra. Nàng đứng đó tựa vào tủ gương, đắm trong một nỗi khắc khoải mông lung. Chợt nàng ngửng lên bắt gặp cái nhìn của chàng. Chàng giật mình bối rối. Nhưng nàng đã mỉm cười với chàng, nhẹn bứoc đi vào bếp. “Anh để em nấu cho”. Tim chàng phồng lên biết ơn, mà miệng lại cười lỏn lẻn. Cũng đã lâu... vẻ mặt ấy, giọng nói ấy! Chàng hơi ngỡ ngàng.


Chàng sắp ngỏ nỗi tức bực kia thì nàng đã bảo, giọng rất êm:
-Sao chẳng thấy anh khoe bài thơ ấy trước với em? –Và với cái điệu đùa đùa trước nay nàng chưa hề có, như là nàng mới nhiễm được ở đâu đó- Anh “đổi mới” ghê quá! –Và cái giọng dọa yêu- Mà lại có thêm cái tật dấu vợ nhá.


Cứ để cô nàng nghĩ vậy.-Chàng tự nhủ- Chẳng nên vội làm cụt hứng. Khi người ta vỡ mộng thì cũng khó lường trước...


Sự hồi xuân tình cảm chàng được hưởng đúng hai tuần. Trên tờ Văn chương xuất hiện bài phê bình “Không đề”, một bài thơ có không ít vấn đề  của Võ Trí với lời phi lộ của toà soạn: “để rộng đường dư luận”, “đẩy mnh phê bình văn học”, “tôn trọng mọi tiếng nói”, v.v... Người viết tỏ ra có tay nghề, dùng lối nói bạo, pha chút châm biếm, phê phán nặng nề bài thơ về nghệ thuật và ý tưởng: “cưỡng ép ngôn từ”, “bông lông hoá thơ ca”, “chạy theo mốt tâm linh”, “đằng sau lớp hỏa mù ngôn từ và cấu trúc là những ý tưởng đáng ngờ”, vân vân...
-Em xem! Thằng cha nào làm xấu mặt anh. –Chàng chìa bài báo.
 Nàng lạnh mặt ngó chàng (chàng rất ớn điệu này). Nàng đọc rồi. Đọc kĩ. Võ Trí, người lâu lâu mới có một bài ở mục văn học trên một tờ báo nào đó, chàng coi dưới tầm, còn nàng thì...


  Con người ấy nàng đã gặp trong một buổi dạ hội tại nhà một cô bạn thân nơi thủ đô. Chẳng phải do bài thơ y đọc đã khơi dậy những khúc mắc tâm linh. Chẳng phải do phong thái vừa phóng khoáng vừa khinh bạc rất đàn ông của y. Chẳng phải do những lời y thủ thỉ với nàng bên bàn tiệc. Song, dường như do tất cả những cái ấy. Ai đó nói rằng tiếng sét ái tình không đến với những người đàn bà từng trải. Nàng cũng đã từng cho là vậy. Thật ra thì chưa hẳn đã là tiếng sét. Đơn giản là nàng đã tin cậy y ngay. –Nàng đã bao giờ tin cậy chồng chưa nhỉ? Có chứ! Không tin cậy sao yêu say mê lẫn tôn sùng? Nhưng chàng đã không nuôi dưỡng được sự tin cậy ấy. Chàng đã không biết hoặc không có khả năng khích lệ nàng. Y thì khác. Một lần, trong vòng tay y, nàng nói: “Trong tình yêu sự phản bội là một thứ vũ khí”. Y nghển người chăm chắm nhìn nàng, thốt lên: “Trời! Em vừa xuất thần một tứ thơ thật ‘siêu’. Sao em không làm thơ nhỉ?”. Nàng không làm thơ ư? Khi e ấp mối tình đầu nàng đã từng đưa khoe chàng bài thơ về biển mà nàng mới ngẫu hứng với hai câu mở đầu:  Mặt trời mọc gieo neo / Chim hải âu rồng rắn. Chàng đã khoan dung góp ý với nàng đến độ chẳng bao giờ chàng còn nghe nàng nói đến thơ nàng nữa. Dường như nàng cảm thấy bé bỏng trước lòng tự tin của chàng. Còn sau này thì... “tạng lão chẳng hiểu nổi”. Với Võ Trí, nàng đã mau mắn trao y cuốn sổ của nàng, cuốn sổ ghi riêng những bài thơ nàng làm từ thời còn miết quần trên ghế học trò. Y đã đọc một cách thích thú, khi tặc lưỡi, khi vỗ đùi. Cơn yêu của y như chắp cánh hồn thơ nàng. Có bài thơ nàng phóng bút làm một mạch. Y góp ý sửa chữa đôi chút rồi gửi tới một tờ báo quen của y. Nàng dùng một bút hiệu vừa khiêm nhường vừa thách đố. Chẳng bao giờ nàng phô với chàng chuyện này. Rồi chàng cũng biết, khi đó đã có bài viết tán tụng những câu thơ “lên cơn” của nàng. Đã quen nhẫn nhục với cái nết thất thường của vợ, chàng vẫn nhận ra nàng có khang khác. Nàng vốn có dáng dấp uyển chuyển. Xưa kia -ờ, xưa kia!- chàng hay vuốt má nàng thủ thỉ: “mèo con của anh”. (Võ Trí cũng thích gọi nàng: “Miu ơi!”). Sau này chàng thường cay đắng và hài hước nghĩ: “Thật nhu mì như con mèo! Con hổ cái lúc lim dim mắt cũng nhu mì đấy chứ”. Dẫu vậy, chàng vẫn ước ao nàng trở lại là con mèo với chàng, điều có lẽ chẳng bao giờ được nữa. Nhưng đúng là nàng có vẻ dễ tính hơn và nhẹ lời hơn. Chàng hầu như đã có thể thở ra nhẹ nhõm, những “cơn điên đời thường” đã trở nên hiếm hoi. Như là cái nanh nọc đàn bà náu mình cho hồn thơ tiềm ẩn nhắp cánh. Chàng khó mà biết vậy. Dẫu sao cũng đáng cảm tạ Phật, Trời. Song, tai vạ hình như lại muốn chọn hướng khác. Một lần, nàng vừa khịt mũi vừa đoc bài thơ chàng được đăng báo còn thơm mùi mực, vớ ngay lấy bút sổ toẹt mấy câu mà chàng tâm đắc: Anh dắt em / Mệt nhoài ra / Cuộc đời ngang trái, và viết vào bên cạnh: Sống và viết / Anh mệt nhoài / Sấp ngửa tình đời. Nàng bảo: “Viết thế còn có cái cho người ta đọc, và mới là anh” . Chàng gượng gạo cười: “Xem ra em còn máu hơn cả anh”. Nhưng thâm tâm, chàng coi đó là những “cơn điên nghệ thuật”. Nếu cơn điên nghệ thuật lại cũng thành thường lệ như những cơn điên đời thường trước đây thì, lạy Chúa tôi, đó còn hơn một mối lo, đó thật sự là một siêu bất hạnh.


Lần ấy, nàng cũng ngó chàng tựa lần này. Đang giơ bài báo của Võ Trí cho nàng, cái ngó của nàng suýt khiến chàng lùi lại. Lạy trời!  Đừng là cơn điên nghệ thuật! Sự thật thì nàng đang quan tâm tới chuyện khác. Sao anh ấy lại viết như vậy? Nếu quả là thực lòng phê bình thì trình độ thẩm thơ xoàng, nếu mượn cớ để hạ tác giả thì nhân cách xoàng. Nàng thấy tức mình. Vì cái gì? Và với ai? Chính nàng cũng khó nói rõ.
-Hử! -Nàng chỉ hơi đảo mắt phớt qua trang báo .
-Anh sẽ viết gửi toà soạn làm cho ra nhẽ. Phải cho tên Vọng Khê dỏm lòi mặt ra. Nó bôi xấu cái bút hiệu của người ta.
-Không phải thơ anh à? –Nàng những tưởng chàng phản ứng người viết bài phê bình.
-Anh đâu có làm thơ dớ dẩn thế.
 -Thôi đi! Thế mà tôi cứ tưởng... Tôi đã mừng cho anh.
 -Em chưa đọc bài chê bai của Võ Trí phải không?
  Nàng nín thinh. Y làm khó cho nàng, cái anh Võ Trí này!
  Hôm sau, nàng tức tốc đi thủ đô.
  “Tất nhiên là anh biết chẳng phải thơ chồng em làm. Thơ anh ta thì hơi đâu mà choảng”.
“Anh làm như thế để làm gì? Người ta bảo một tờ báo thiếu tự trọng mới đăng một bài như vậy. Khó xử cho cả em”
“Em yên tâm đi! Choảng chẳng phải bao giờ cũng gây hại. Có cái “choảng” để vùi xuống đất đen cho bõ tức chẳng hạn , nhưng cũng có cái lại “phong thánh” cơ đấy. Em cứ chờ xem!”
 Tuần sau, báo Văn Chương đăng một bài có hơi hướng luận chiến: “Không đề” của Vọng Khê -một bài thơ đáng gọi là một tác phẩm. Tên người viết lạ hoắc, nhưng bài viết thì gây sự chú ý lớn. Bài báo gián tiếp bác bỏ những lời chê bai của Võ Trí một cách điềm đạm mà có sức thuyết phục. Và chắc không ít nhà thơ cảm thông với câu kết này: “Trong tình hình lạm phát thơ hiện nay, ‘Không đề’ của Vọng Khê nhen lại uy tín cho thơ”.


  Bài báo khiến cả nàng, cả chàng phân vân. Song, mỗi người phân vân theo hướng riêng. Có điều chàng không còn nghĩ đến chuyện kiện kẻ dám đội tên mình.


  Bài báo này và  nhất là bài của Võ Trí làm dấy lên một cao trào phê bình văn học. Xoay quanh bài thơ Không đề rồi mở rộng ra những vấn đề thơ bức xúc: chất lượng thơ đương đại, đổi mới thơ,... Không chỉ trên các tờ báo chuyên văn chương, mà choán trang văn nghệ của hầu hết các báo lớn, nhỏ. Những cây bút lí luận sắp mốc ra được dịp múa lên. Những cây bút chuyên “ăn theo” được dịp tán dương hoặc chê bai “tháo khoán”. Cái ao lặng được phen khuấy động.


  Tờ Văn chương có lệ trao giải hằng năm cho tác phẩm xuất sắc nhất thuộc từng thể loại đăng tải trên báo đó. Toà soạn phát hai nghìn phiếu trưng cầu ý kiến bạn đọc và các nhà sáng tác, phê bình có uy tín. Và Không đề của Vọng Khê đã được chọn cho thể loại thơ.


Bạn bè chúc mừng chàng, chàng cười mủm mỉm, lúc lắc đầu, không ra gật, chẳng ra lắc, có cái dạng rất ư khiêm tốn, khá xa lạ với phong thái chàng. Ai vòi khao, chàng cười dễ dãi: “Khao thì... có gì đáng khao đâu. Nhưng chầu bia để chống sầu thì xong ngay”.


  Cuộc họp mặt đầu xuân để trao giải tại toà soạn báo Văn Chương lần ấy vắng mặt tác giả bài thơ được thưởng.


  Hà Nội đang vào những ngày đẹp nhất trong năm. Nàng xuống xe xăm xăm lần đến cái ngõ nhỏ khá thân thuộc gần hồ Tây. Trước khi gọi cửa ngôi nhà xinh xinh ấy, nàng linh cảm một cái gì không bình thường. Một người đàn bà trẻ lạ mặt mở cửa.
“Ông Trí không còn ở đây nữa. / Vâng, ông ấy đã bán nhà cho chúng tôi. / Ông ấy đi đâu thì tôi không được biết. / Chị là... ? / Chị ở... ? / Thế thì chị có thư đây. Ông Trí dặn trao tận tay chị. Ông ấy bảo nhất định chị sẽ đến”.
  Nàng cầm bì thư liếc qua, cảm ơn rồi đi ngay. Bước chân nàng vội vã và không đều, như là bất định. Hụt hẫng? Không hẳn! Bâng khuâng? Có lẽ. Đứng đây có thể bóc thư được rồi.
      Mỉu thương,
Anh đi đây. Có những trường hợp mà sự chia tay chẳng bao giờ là quá sớm.
Thơ và tình yêu đều lắm ảo vọng như ý hướng cuộc đời. Tìm - Lỗi duyên – Buông xuôi, hoặc tìm nữa. Anh chẳng đem lại gì cho em .Cái chính là em tìm ở chính mình.
Người ta có thể sống rất “đời”, nghĩ suy thường ngày rất “trần” mà văn chương lại muốn “siêu”. Siêu đời thường và siêu tâm linh. Từng có lúc anh muốn tụng “siêu em”. Quả là lố, khi đã đón nhận em rất thực.
Anh ít làm thơ, em hẳn đã biết, càng ít làm thơ đăng báo. “Không đề”, một lời gửi gắm? Một thứ suy ngẫm? Một lối phản tỉnh? Sao cũng được. Hãy coi đó là món quà tặng em, -và tặng V.K.



Vĩnh biệt. - V.T.


Không đề thì cũng không đề.

<< Mây núi Sapa | Lá thư không trọn >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 520

Return to top