Nhân tình
Đặng Quang Tình
Nhân tình
Mọi người đi cả rồi, bà Thìn vẫn chưa đi nằm. Bà vẫn đợi chồng phải theo ra đồn Công an hoàn chỉnh biên bản. Bà với ông Dần thường có ý kiến chênh nhau- chả Rồng với Hổ mà. Nhưng lần này bà thấy ông đúng, nhưng rồi vẫn áy náy... Ấy là chuyện hai anh em nhà kia thuê ở cái trái vảy đầu hồi. Ông thì bảo không cho ở nữa, lấy chỗ mở rộng bãi cho ông Lăng gửi ô-tô vừa có thêm tiền –mỗi tháng những hai triệu bạc chứ có ít đâu- lại khỏi thấp thỏm với những người không nghề nghiệp, đẩu đâu quê quán... Bà chỉ áy náy: rồi thì chúng ở đâu? Bà cũng không đồng ý với ông: chúng là những người thiếu tin cậy. Thằng anh thì quần quật phu hồ. Con em thì tuí bụi bới rác. Bươn chải cả ngày nhưng tối đến là con bé lăn ra học, học đến rõ khuya.Còn thằng anh thì hết việc nọ đến việc không cho con em mó tay vào việc gì, dành hết thì giờ mà học. Con bé lại còn sẵn sàng bảo học cho con cháu học cấp hai của bà... Mà con bé thật tài, văn toán và cả tiếng Anh nó cứ vanh vách giảng....Mà cũng khiếp... Người ta tìm thấy bọc tiền... Nó cứ khư khư dằng lại: “Tiền của chúng tôi! Tiền của chúng tôi...”
Ông Dần về, bà dồn dập hỏi. Ông lắc đầu:
-Con bé ghê thật! Cứ dằng lại gói tiền... Mà cũng lạ... Đồn trưởng nhắc nhắc, xem gói tiền rồi bảo mọi người cứ về, mai mới giải quyết... Lại càng lạ: kẻ cắp không bị đưa vào buồng tạm giam mà được vào phòng khách, màn quạt hẳn hoi.
-Ông không thấy tính tôn nghiêm của pháp luật à? Bà hỏi.
-Tôn nghiêm cái gì?
-Công dân chưa bị kết tội thì vẫn phải được tôn trọng.
-Lại còn chưa phạm pháp?... Tang chứng, vật chứng rành rành, quả tang như vậy..
-Quả tang mà con bé cứ quyết liệt dằng níu : “Của tôi, của tôi..” như vậy à? Có mà là con điên... Chú công an xử lý đúng đấy! Chưa phạm pháp thì chưa được giam cầm... Phải được đối xử là công dân.
-Chà, chà... Xem ra bà tinh thông pháp luật thật... Từ nay phải cẩn thận với bà, không có bà “pháp luật” cho thì bỏ xừ.
-Cứ phải là cẩn thận đấy! Nhất là pháp luật gia đình... Phạm là không có tha đâu... Nhưng đúng sẽ được khen thưởng...
-Nhớ lời nhá!... Rồi đừng có mà bai bải khất...
-Thôi đi, nỡm ạ...
x
Nửa buổi thì đồn trưởng dẫn hai anh em nhà kia về:
-Đây, tôi trả lại hai cháu... Tìm ra kẻ cắp rồi hai bác ạ!
-Sao? Tìm ra thủ phạm rồi à? Nó là ai? Thật may cho hai cháu có được các chú công an giỏi..
-Hai bác quá khen... Việc đơn giản thôi mà... Chỉ cần thực tâm, cầu thị... Cầm gói tiền, thấy thái độ của các cháu, nhất là con em khẳng định ngay là một triệu rưỡi, cháu biết đây không phải là thủ phạm ... Các bác ạ! Công an khu vực chúng cháu luôn nắm vững các đối tượng trong địa bàn nên có việc là định hướng xử lý được ngay. Khi kiểm tra gói : toàn tiền vụn một, hai ngàn, to nhất là mười ngàn nhưng được vuốt phẳng bó bện thứ nào ra thứ ấy; rõ ràng không phải là tiên chợ của nhà sẵn, càng không phải tiền hộp của nhà giàu: mệnh giá to mới cứng... Hơn nữa, giấy gói là một tờ báo địa phương đúng với quê hương các cháu đã khai, xuất bản đã cả nửa năm rồi... Nên cháu khẳng định đây không phải là tang vật... Kiểm tra hiện trường, không thấy dấu vết ngoại nhập. Công an khẳng định ngay được đối tựơng và đã đón lõng tìm được xếp tiền mệnh giá lớn, mới toanh...Thủ phạm đã phải thú nhận ngay.
-Thủ phạm là ai vậy? Nói cho chúng tôi biêt, còn đề phòng...
Thấy các cháu được thả về, hàng xóm kéo sang chật nhà hỏi han. Ông Lăng, người tìm lại được tiền cũng sang, đưa cho đồn trưởng một gói nhỏ:
-Cám ơn các chú...
-Ấy, bác đừng làm thế. Công an không nhận tiền thưởng được đâu.
-Chẳng dám thưởng thiếc gì đâu.... Thấy cái quạt trần của các chú long xòng xọc .... Gọi là tý chút góp sửa chữa....Chứ mà, chứ mà... nó rơi xuống đầu thì khốn....
-Cám ơn bác quan tâm.... Sửa chữa quạt, cơ quan có kinh phí.. Bác cất tiền đi..
-Có gì đáng kể đâu!... Chú cứ cầm cho tôi vui lòng... yên tâm...
-Bác cứ vui lòng... còn không có gì phải không yên tâm cả...
Mọi người càng vui khi biết gói tiền kia là tiền mẹ thu xếp bán mọi thứ, bà con chòm xóm mừng người đầu tiên của làng được đi học đại học tận Hà Nội . Mọi người càng cảm phục khi nghe người anh nói như vậy là đủ tiền đóng học kỳ một. Còn tiền ăn ở anh em sẽ hàng ngày kiếm thêm...Hiện mỗi ngày cũng đang kiếm được dăm chục, một trăm.. Còn ăn uống thì rau khoai gì cũng xong, tiền nhà cũng chỉ tháng mười lăm ngàn, không lo. Nhất định sẽ nuôi được em theo đủ sáu năm đại học y khoa.
Bà hàng cơm:
-Vừa học vừa đi bới rác chẳng dễ đâu, mà thu nhập cũng chẳng là bao... Hay là cháu thu xếp lấy ngày một buổi ra dọn dẹp hàng quán cho cô. Miếng ăn khỏi lo, cô đảm bảo cho cả hai anh em...
-Tiền nhà các cháu cũng không phải lo, bác không lấy đâu. Bà Thìn nói- ..À mà cháu bảo học thêm ngày một tiếng đồng hồ cho con cháu cấp hai của bác, bác sẽ trả cho cháu mỗi tháng một triệu...
- À..., hay đấy..-Bà hàng cơm nói- tôi cũng gửi một đứa . Tôi sẽ đưa sang hai cái bàn nhựa và vài cái ghế cho các cháu ngồi học.
Có tiếng lao xao của nhiều người: “Cho tôi gửi một đứa!”, “Cho tôi gửi một đứa!”, “Tôi cũng xin gửi một đứa! Đang tháng hè mà...”
Ông Lăng về nhà mang sang một cái bánh pi-da:
-Hai cháu ăn thử cái bánh Ý này xem... Người ta mới biếu ông đấy... Này cháu trai! Cháu có muốn làm bảo vệ cho công ty ông không? Nếu bằng lòng thì mai theo ông lên cơ quan nhận việc...
Trước khi ra về, ông lại nói với đồn trưởng: “Vậy là tôi yên tâm chứ?
Mọi người đi cả rồi, bà Thìn mới nói với ông Dần:
-Sao ông Lăng cứ gặng câu “ yên tâm” với chú đồn trưởng vậy? Hay là ông ấy ngại chuyện nhà ông ấy bị trộm, mất tiền ?
-Đúng vậy đấy! Chả là thủ phạm chính là con trai ông ấy. Tiền và cả vàng vẫn ở trong nhà, chỉ dịch từ tủ bố mẹ sang đáy tủ quý tử ... Khi kiểm tra hiện trường, không thấy dấu vết ngoại nhập, công an xác định được ngay đối tượng, tổ chức đón lõng quý tử đang vội vã dắt xe máy ra cổng có mấy đứa đang đợi. Trước mấy xấp tiền năm trăm ngàn mới cứng, cậu đành nhận tội. Tìm lại được tiền, ông Lăng tha thiết đề nghị đừng công bố thủ phạm. Chú đồn trưởng dặn tôi cũng đừng nói với ai.... cần tôn trong danh dự gia đình ông ấy và nhất là tạo điều kiên cho thủ phạm phấn đấu, chẳng nên làm nó mất mặt lao tiếp vào tội lỗi... Nó đã hứa với công an... Mà xét ra nó cũng mới bập vào đua đòi, chưa phải là đầu gấu lêu lổng... Cần giúp nó trở lại con đường ngay, đúng.
-Chà, chà, chú đồn trưởng này thật là tình nghĩa; mà cũng chính những nghĩa tình đã biến được cái khó khăn của các cháu thành cái thuận. Xem ra cái nghĩa tình, cái nhân tình giải quyết được mọi nhẽ, ông nhỉ....
-Đúng vậy!... Ơn phúc tiên tổ... thế thái vẫn ăm ắp nhân tình.