Chuyện cười ở làng "Đợi"
Nguyễn Văn Đệ
Đúng là ta đã thấy hết, tao đã biết hết. Tao theo dõi được từ đầu đến đuôi - mụ Hoạch, người đàn bà có khuôn mặt "phàm phu" và cũng là người nổi tiếng đanh đá ở làng Đợi đang thao thao giữa đám đông toàn phụ nữ. Họ ngồi trệt trên bãi cát, mắt lơ đãng nhìn những con thuyền vừa buông neo trên bến, tai dỏng lên nghe chuyện. Trời về chiều, một buổi chiều về hè oi ả và ngột ngạt; không gian loang một màu vàng nhạt, biển đỏ rực vì nắng úa. Thường thường vào những lúc này, khi trên biển chỉ còn vài cánh buồm chơi vơi ngoài tít tận khơi xa, những người đàn bà cụm lại sau buổi đón cá về. Bấy giờ thôi thì những chuyện trong làng, trong chợ, trong tất cả các xó xỉnh của làng Đợi cứ rộ lên như không bao giờ dừng lại.
- ... Tao để ý từng li, từng tí một nên tao mới bắt được! Chao ôi, dúng là cố gắng "nắm" mới bắt được quả tang - Mụ Hoạch tiếp tục - Mà càng theo dõi tao càng thấy "ní thú" ghê, bay ơi - Vừa nói mụ Hoạch vừa nheo mắt. Một phụ nữ có khuôn mặt gầy lườm mụ Hoạch một cái rồi lảng đi. Chị đến bên một người mẹ trẻ đang bế đứa con trai, đứa bé có con mắt trong veo, đen láy. Chị cù một cái làm nó cười toe toét.
- Mặc kệ - Chị nói với đứa bé - Cho mẹ hôn quả núi của mẹ nào. Chao ôi, ước gì mẹ có...
Mụ Hoạch quay sang chị:
- Còn cái con Chiến "phòng không kia nữa. Mau mau mà đi đền, đi chùa, thắp hương cho thành tâm, lạy Trời lạy Đất cho đứa nào chết vợ ngó tới mày, để kiếm lấy một tý, kẻo mà ở già đấy. Thời buổi này cái đám như mày có biết ăn tranh, lấy cướp mưói kiếm được chồng chứ dễ lắm à!
Chiến cũng không vừa, chị bữu môi:
- ừ, thời buổi này là thế đấy, nhưng mặc tôi, chả phải dạy. Đây này, bụng tôi è è ra rồi đây này. Mai tôi tổ chức ăn mừng đấy. Mụ có thưởng gì không?
- Có mà thưởng! - Mụ Hoạch giơ quả đấm lên nhứ nhứ vào phía Chiến - Không biết xấu...
Đoạn mụ lại tiếp tục:
- Đúng là tao đã thấy hết. Đêm qua sáng trăng, trời giá, tao đi vơ lá phi lao, tao quyết nẫng của đám con nít một gánh nước trước khi trời sáng. Thế là tao mải vơ. Lúc đống lá đã cao chất ngất, tao mới ngồi xếp lá vào quang. Bấy giờ đã gần sáng, trăng sắp lặn. Đột nhiên, đột nhiên tao nhìn thấy một cái bóng người từ biển đi vào, cái bóng ấy cao lớn lắm, nó cứ vòng vèo làm tao ợn người. Vùng này chúng mày biết không - có rất nhiều ma, toàn ma biển hết. Cái bóng ấy đi vào chỗ đầu cồn cát rồi biến vào rừng phi lao. Lát sau, tao lại nhìn thấy cái bóng như bóng người ấy hiện ra xa xa, chỗ mấy túp lều của mấy con đĩ ấy, rồi lại biến mất. Một lúc sau, tao thấy có con nào đó vừa động ngộ chạy ra biển vùng vẫy, và đã về. Chứ nào phải ma quỷ gì. Nghe nói hồi này trời nóng, cái bệnh "động cỡn" của cái đám ấy hay phát lắm. Chính vì vậy nên tao càng tò mò, tao muốn biết cái bóng ấy là đứa nào trong số chúng nó. Tao lại gần túp lều có ánh đèn. Một bóng người cao lớn lắm, cao lớn như chưa từng thấy một người nào cao lớn như vậy. Cái bóng ấy chạy vụt qua chỗ tao như một cơn gío ào ào. Tao gọi: ối bay ơi... ối bay ơi... nhưng không thấy ai trả lời, cái bóng ấy biến giữa ba hàng sóng...
Mụ Hoạch dừng lại, mụ lim dim đôi mắt lươn của mụ rồi quả quyết.
- Tao cam đoan rằng trong cái "đám ấy" cái "lũ chúng nó" ấy, có đứa đã ngủ với ma biển. Rồi mà coi, sẽ có đứa đẻ ra sứa. Tao thề đấy. Đúng là tao nhìn thấy hết, tao biết hết.
Nói rồi mụ Hoạch cười như nắc nẻ. Mọi người cười theo mụ. Người ta bảo: Khi mụ Hoạch kể chuyện, nếu ai đó không cười, sẽ bị mụ chửi rủa thậm tệ.
Mụ Hoạch kết thúc câu chuyện:
- Vậy là hôm nay biển không được, chúng mày không mua được cá. Nhưng tao đã bán chịu cho chúng mày được một câu chuyện bí mật. Ngày mai tao buôn lại cá của chúng mày với giá rẻ để trừ tiền thưởng "kể chuyện" đấy.
Và mụ lại cười ngất, hồn nhiên.
Làng đợi là một làng cá, nằm ngang bên bờ biển với mấy chục mái nhà núp dưới rặng dừa cái bãi cát trắng phau. Phía trước làng, rừng phi lao như bức bình phong che chở. Cách bờ biển vài trăm hàng sóng, có một hòn đá lớn nhô lên khỏi mặt biển mà dân ở đây quen gọi là đảo Cô Đơn. Người ta bảo đặt tên như vậy là có lý, bởi vì hòn đá này chưa bao giờ có người ở, ngay cả trong chiến tranh, đảo Cô Đơn không có chỗ để đặt một cái chốt cho những trung đội săn máy bay. Trên đảo, ngoài những cây sim mọc như dán vào đá, thỉnh thoảng mới có những con chim bói cá mỏi cánh sà xuống đậu quanh đảo trông xa như những bông hoa mới nở xoè trên những nhành cây mới lạ.
ở làng Đợi, đảo Cô Đơn bị coi như một thứ "trái khoáy". Bởi vì hàng ngày , những chiếc thuyền phải vòng vèo tránh nó mới ra khơi được và những con thuyền cũng phải lựa lèo mới cập bến được. Chính vì thế, mọi người tỏ ra bực bội với nó. Ngay cả sóng biển, đêm cũng như ngày, ầm ĩ cãi nhau với đảo. Và ở làng Đợi, một cô gái trái tính trái nết thường bị quở mắng: "Mày có mà lấy ông đảo Cô Đơn làm chồng".
ở làng Đợi không chỉ riêng mụ Hoạch biết kể " truyện cười" mà rất nhiều người thường túm năm tụm ba kháo nhau một chuyện "rất tức cười". Đó là chuyện anh chàng Thục, bí thư chi bộ xin ra khỏi Đảng, việc xin ra khỏi Đảng của Thục đã điều làm nhiều người ngạc nhiên, càng ngạc nhiên khi thấy Thục bỏ làng đi biệt tích một thời gian. Thế rồi bất ngờ một hôm, người ta phát hiện thấy bóng Thục trên đảo Cô Đơn. Và sau này, khi biết Thục đã làm một túp lều để ở trên hòn đảo đó thì người làng Đợi có thêm một "truyện cười" mới.
Thục năm nay chừng ba lăm tuổi, vốn người rất to lớn khoẻ mạnh. Ngay từ tời còn rất trẻ , Thục nổi tiếng trong các cuộc thi thể thao ở làng. Nhất là về chạy dài, nhảy cao bơi lội. Có một thời khi anh đang ở quân đội, trong một trận đánh giáp lá cà, người ta từng tận mắt thấy anh quật ngã hai tên lính Mỹ bằng hai bàn tay cứng như thép của mình. Sau chiến tranh, Thục phục viên. Mọi người đều cam đoan rằng thời gian về làng anh có gầy đi chút ít, có lẽ cũng là do điều kiện kinh tế, điều kiện sinh hoạt không được thuận lợi và nhất là do những biến động sâu sắc trong gia đình. Bố mẹ anh đã mất khi anh đang trên đường từ Nam ra Bắc. Và ngay cả đối với người yêu của anh, cô ấy đã cưới chồng vào chính cái ngày anh khoác ba lô về đến đầu làng. Tất cả những điều đó đã làm Thục buồn đau. Cái tâm hồn vốn rất vui nhộn ngày xưa của anh bỗng trở nên xơ cứng. Nhưng Thục vấn phải sống. Anh là một thanh niên có năng lực, như mọi người đều nhận xét về anh. Tuy vậy, hoàn cảnh cũng có làm cho tính nết của anh đôi khi trở nên khác thường. Người ta thấy Thục có lần ngơ ngẩn, nghe chuyện người khác đang nói với mình mà như không nghe gì. Thậm chí bất chợt anh nổi nóng. Đôi khi anh trầm ngâm, ngồi lặng hàng giờ liền và nước mắt cứ ứa ra.
Nhìn chung, Thục vẫn là người đứng đắn và chuẩn mực ở làng Đợi. Chính vì thế mà anh đã làm bí thư chi bộ đến hai nhiệm kỳ.
Có một việc Thục đã làm xôn xao dư luận không chỉ ở làng Đợi mà tiếng đồn lan sang khắp các khu vực lân cận. Đó là việc anh cho xây dựng một dãy nhà cấp cho những người đàn bà chết chồng, những vợ liệt sĩ, những cô gái từng là thanh niên xung phong, bộ đội, khi trở về chưa lấy được chồng. Thực ra, lúc đầu Thục có kế hoạch xây cho mỗi người vài gian nhà nho nhỏ trên một mảnh đất trước kia là sân kho hợp tác xã. Nhưng có lẽ do nguyên vật liệu đủ mà những người trực tiếp thi hành kế hoạch đã xây hai cái nhà dài quay mặt vào nhau như hai cái lán của các cô gái làm đường Trường Sơn năm xưa. Trong nhà, người ta kê cho mỗi cô một cái giường cá nhân và một cái tủ nho nhỏ. Những ngày đầu, những người "hết duyên" về đây sống với nhau như chị em cùng một gia đình. Có lẽ cũng vì họ có cùng một hoàn cảnh. Nhưng một hôm có vài người đàn ông không biết từ đâu đã đến hai ngôi nhà này. Thế là một cuộc ghen tị, tranh giành ngấm ngầm diễn ra ở ngay đêm đầu và bùng nổ vào những đêm sau. Thật là một cuộc cãi lộn ầm ĩ... có người phản ánh lên huyện, huyện phê phán Thục là đã dung túng cho những trò quái gở, và bắt anh phải dẹp hai dãy nhà ấy đi nhưng anh không chịu. Mấy hôm sau, anh cho nhân viên của mình đi mua cót về thưng, chia từng gian nhà và cứ vài người được chia một gian nhà nhỏ. Chuyện này có người ở làng Đợi có một vụ cấp cứu. Bệnh nhân là một người đàn bà tuổi cao. Chị sinh lần đầu và lại không chồng. Người ta quyết định mổ cho chị để mong cứu cả mẹ lẫn con. Không ngờ chị lại băng huyết, mất nhiều máu. Bấy giờ máu khô ở trạm y tế không để truyền cho bệnh nhân, các thày thuốc yêu cầu tiếp máu tươi. Lúc này ở đây rất đông người, nhưng chủ yếu là họ đến xem đứa con của người đàn bà không chồng là con ai, chứ không phải đến để giúp đỡ chị ta, cho nên đến giờ phút cần thiết phải tiếp máu họ đều lỉnh đi cả - Cuối cùng Thục là người duy nhất cho máu. Chuyện này sau cùng cũng trở thành "truyện cười" của làng Đợi.
Làng Đợi luôn luôn có "truyện cười". Chẳng hạn, cô Thuần, một cô gái vốn rất xinh đẹp, nhưng vì đi bộ đội mà bị thương, má cô có một cái sẹo to trông như một cái bánh rán dán vào. Những người như mụ Hoạch quen gọi là "Thuần bánh rán" để mà cười vui. Hoặc như cô Thìn, cô gái hăng hái nhất trong đám thanh niên "ba sẵn sàng", lúc xuất ngũ thì một cái tai của cô bị chẻ đôi bởi một mảnh bom, người ta liền gọi cô là "Thìn ba tai". Ngay cả chị Thu, hội trưởng phụ nữ xã trong những ngày đầu chiến tranh, chị là khẩu đội trưởng khẩu đội 12 ly 7 chốt ở đầu làng. Sau năm trận đánh, chị bị cụt một nửa chân bên phải, bây giờ chị phải mang nạng. Vậy mà những kẻ thích đùa ở làng Đợi vẫn gọi chị là "Thu ba cẳng". Chả biết những người thường nghĩ ra những trò đùa kiểu ấy để tạo nên những trận cười thì họ có ác ý gì không, nhưng đối với cô Liên thật quả là một chuyện buồn nẫu ruột. Bởi cái lần đầu tiên người yêu Liên đến làng Đợi, anh có hỏi thăm tới nhà cô, nhưng lại gặp ngay phải mụ Hoạch, mụ bảo: "à, "Liên đàn ông" đấy hả?". Chỉ vì thế mà sau lần đó, người ta không thấy người con trai đó đến làng Đợi nữa.
Mấy năm nay những cô gái không lập được gia đình ở lang Đợi bỗng trở nên trái tính, trái nết. Ngay cái cô "Liên đàn ông" ấy, mỗi ngày lại càng như đang trở thành "đàn ông" hơn. Hình như Liên đã mất hẳn những "chu kỳ sinh lý" của phụ nữ. Chính cô cũng đã thổ lộ với bạn bè rằng đã nhiều năm cô không bao giờ phải dùng đến vải màn, bông băng. Nghĩa là cô đã trở nên sạch sẽ như đàn ông, không có tháng nào Liên phải chuẩn bị cho ngày "bệnh" như những chị em khác. Người ta bảo cô bị ảnh hưởng chất độc mầu da cam, có lấy chồng cũng không thể sinh con được. Chả biết điều đó có đúng không? Nhưng quả thật ở thời gian chiến tranh của Liên cũng hơn mười năm.
Riêng "Thìn ba tai" thì tính nết lại sinh động hẳn lên, miệng cô lúc nào cũng bô bô tán tỉnh cánh đàn ông. Nghe nói cô đang tấn công anh chàng cắm xăm ngoài bờ sông, "Thìn ba tai" đã mang anh về nhà mình được mấy đêm rồi.
Còn chị Thu lại trở nên trầm ngâm một cách kỳ lạ, hàng ngày chị rất ít nói. Có khi chị ngồi lặng lẽ rất lâu rồi bất giác chợt giơ cái nạng gỗ nhứ nhứ lên trời như cánh tay chỉ huy bắn máy bay năm xưa.
Nhất là "Thuần bánh rán". Hàng ngày cô đi lang thang khắp làng, cô đi khắp rừng phi lao, miệng nói lẩm bẩm rồi hát. Đó là những bài hát xa xưa, trong những năm chiến tranh... Một hôm, cô bỗng ôm chầm lấy một người đàn ông lạ mặt. Cô cứ ghì chặt anh ta vào lòng làm anh chàng hoảng hồn. Vì thế làng Đợi mỗi ngày càng có thêm nhiều "truyện cười ".
Cách đây mấy hôm, Có một chuyện khá kỳ lạ xẩy ra tại văn phòng uỷ ban xã đã làm cho bí thư Thục và ông chủ tịch trở nên bất đồng. Số là chị Thanh, vợ một liệt sĩ chưa có con. Lâu nay vẫn giúp việc ở văn phòng. Hôm đó vào buổi sáng chị đang quét nhà thì dừng lại, không hiểu sao chị uằn người, run bắn lên,tia mắt man dại nhìn xoáy vào ông khách, mặt đỏ lựng, bần thần. Mấy ông uỷ ban phát hoảng. Anh ta đi gọi người lại, họ đứng sau cửa sổ để chứng kiến cái cảnh tượng "động hớn" lạ đời ấy. Hôm sau, ông chủ tịch bàn với Thục nên cho chị Thanh nghỉ việc:
- Cứ cái đà này thì có ngày cả ông và tôi đều mang tiếng.
Thục im lặng. Đột nhiên nước mắt anh ứa ra. Hồi lâu, anh nói, giọng nghẹn lại:
- Ông nói rất đúng, ông có quyền quyết định việc đó. Nhưng tôi cảm thấy chúng ta thật độc ác...
- Hả...
-Ông chủ tịch kinh ngạc.
- Anh lại dung túng cho những hiện tượng sẽ dẫn đến các trò nhảm nhí, bậy bạ phải không ?
Và hai người đều đập bàn. Mấy cái cốc trên bàn rơi xuống nền nhà. Chiều hôm đó ông chủ tịch bảo người quản lý văn phòng :
- Nhặt xem cái nào vỡ đôi thì tìm keo gắn nó lại. Cái nào vỡ tan thì lập biên bản bắt đền bí thư. Chính anh ta gạt mấy cái cốc đó.
Bấy giờ ở làng Đợi, những người đàn bà ở lớn tuổi biết mình không lấy được chồng đã rồi bỏ những căn phòng trong dãy nhà ngói của xã để ra đầu rừng phi lao cạnh cửa lạch Sú làm những túp lều con con và ở đó. Nghe nói, hai bên bờ lạch sắp có một con đò nhỏ để người ta qua lại giao lưu chợ búa. Ông chủ tịch định cho dân quân ra lùa những người đàn bà này trở lại dãy nhà ngói của xã để đảm bảo chính sách đãi ngộ bởi vì trong số những người đàn bà ấy, số đông vẫn là bộ đội, thanh niên xung phong năm xưa. Việc này ông chủ tịch cũng bị bí thư Thục phản đối.
Sau những cuộc đụng độ cãi vã ấy, một hôm Thục lên huyện, xin trả thẻ Đảng rồi biến đâu mất. Mấy tháng sau, những túp lều ở của lạch sú đầu rừng phi lao làng Đợi mỗi ngày một đông thêm, và nó đã có tên là xóm Côi: Trong xóm Côi đã có một người đàn bà một người đàn bà đẻ ra một đứa con trai ngoài giá thú, đứa con trai đẹp như chúa Hài Đồng. ít lâu sau, lại thêm vài chị mang bầu, người ta mở một cuộc điều tra nổi. Đêm đến, xóm Côi lại có bóng người xuất hiện. Ai cũng bảo đấy là bóng ma từ biển vào hoặc là hồn của những người chết trận trở về với vợ các liệt sĩ. Có người cam đoan rằng đã nhìn thấy Thục bước ra từ trong một túp lều giữa xóm Côi lúc nửa đêm. Nhưng dân làng Đợi không tin. Không thể nào tin được, bởi nếu Thục muốn lấy vợ, sẽ có một cô gái trẻ đẹp ngay giữa làng này đến với anh. Hơn nữa, Thục chưa bao giờ có chuyện gọi là lăng nhăng ấy.
Một đêm Uỷ ban xã bố trí cho dân quân mai phục quanh xóm Côi. Lúc bóng người ở biển vào thì họ để xổng. Khi thấy có bóng người cao to lao ra biển thì họ hô to đuổi theo. Nhưng cái bóng ấy bơi ra rất xa. Đêm đó là một đêm sóng to, gió lớn. Ngày hôm sau người ta thấy một xác người trôi vào bờ. Đó là Thục. Dân làng Đợi kinh ngạc. Sau đó là những chuyện bàn tán xôn xao.
Và nhiều người cả đến mụ Hoạch, đã khóc lặng trong đám tang của anh.
Suốt nhiều ngày đêm, người ta nghe trong những túp lều ở xóm Côi vọng lên tiếng khóc . Không phải tiếng khóc của một người đàn bà, mà của gần như tất cả đàn bà ở xóm Côi.
Ngày ấy biển gào lên rồi lại im lặng.
Nguyễn Văn Đệ