Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Trung Hoa >> THUÝ THUÝ TRUYỆN

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 2532 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

THUÝ THUÝ TRUYỆN
Cù Hựu

Nguyên tác : Tiễn Đăng Tân Thoại

Thuý Thuý họ Lưu, là con gái một gia đình ở Hoài An, từ nhỏ thông minh dĩnh ngộ, đọc được Thi, Thư, cha mẹ vì thế không nỡ ngăn cản chí hướng của con, nên cho nàng đến trường theo học.
Đồng môn với Thuý, có người con trai họ Kim, tự là Định, cùng tuổi với nàng, trông vừa tuấn nhã  lại thông minh. Các bạn đồng môn thường bảo đùa :
- Cùng tuổi với nhau sau sẽ thành vợ chồng.
Tuy không nói ra, nhưng cả hai trong lòng đều  thầm  nguyện được như vậy.
Kim từng làm một bài thơ tặng nàng và được nàng làm thơ hoạ lại.
Rồi thời gian thấm thoát thoi đưa, Thuý Thuý đã đến tuổi trưởng thành,cập kê đôi tám, nghỉ học ở nhà.Cha mẹ nàng bàn định tìm người mai mối. Nhưng nàng không chịu, buồn rầu bi phẫn, khóc lóc bỏ cả ăn uống.
Cật hỏi thực tình, mới đầu nàng không chịu nói, lâu dần thổ lộ :
- Nếu như vậy, xin cho con được kết hôn với chàng Kim ở ngõ Tây, vì lòng con đã thầm gửi gấm theo chàng. Bằng không, con chỉ có một con đường là chết mà thôi, quyết không lấy người khác !
Cha mẹ nàng bất đắc dĩ, đành chiều theo.
Song le, gia đình Thuý Thuý thì giầu sang phú quý, còn nhà Kim Định thì bần hàn nghèo khổ, dầu chàng thông minh tuấn nhã, nhưng không môn đăng hộ đối. Chừng người mai mối đến nhà Kim dạm hỏi, qủa nhiên nhà Kim lấy lý do gia cảnh nghèo khổ để từ chối, tự hổ thẹn không dám nhận.
Người mai mối bàn với cha mẹ Kim rằng :
- Lưu tiểu thư, ý đã muốn cùng Kim công tử kết nghĩa đá vàng, song thân nàng cũng đồng lòng, nay lấy lẽ bần túng mà tạ tuyệt, e phụ cái bụng chí thành của tiểu thư chăng, mà lại làm mất duyên may phận đẹp của đôi lứa, chi bằng ông bà viết mấy lời như sau :
"Con trai nhà chúng tôi, gia cảnh bần hàn, nhưng cũng biết được đôi chút lễ nghĩa thi thư, từ lâu đã quen nghèo túng, như quả bắt nộp sính lễ, giá trang, thì sợ rằng không có khả năng đáp ứng nổi."
Như thế, ắt cha mẹ Thuý Thuý vì thương con, tất sẽ không đòi hỏi gì. Gia đình Kim nghe người mai mối bàn như vậy, bèn làm theo.
Người mai mối lại đem ý kiến bên nhà Kim thông báo cho cha mẹ Thuý Thuý biết. Qủa nhiên, cha mẹ Thuý Thuý bảo với người mai mối rằng:
- Việc hôn nhân cưới hỏi mà đem chuyện tiền bạc ra bàn luận, đó là cái phong tục của dân Mán Mọi, còn họ Lưu chúng tôi chỉ biết có việc kén chọn chàng rể mà thôi, không lo đến chuyện khác. Nhưng gia đình bên ấy thiếu  thốn, mà chúng tôi thì dư giả, chỉ sợ con gái chúng tôi về nhà chồng, không quen kham  khổ, chi bằng cho Kim công tử sang ở rể bên chúng tôi thì hơn !
Người mai mối lại sang nhà Kim nói lại
Cha mẹ chàng rất lấy làm mừng, bèn chọn ngày lành tháng tốt làm lễ thành thân. Phàm tiền bạc, vải vóc, tài vật, lợn gà sính lễ, đều do bên nhà Thuý Thuý sửa soạn sẵn. Hôm đưa Kim sang nhà nàng, làm lễ giao bái, hai người gặp nhau, vui mừng không thể tưởng được. Đêm ấy, cùng nhau chăn gối, Thuý Thuý mới làm một bài từ "Lâm giang tiên" để tặng Kim, rồi mời Kim hoạ lại.
Vợ chồng xum vầy hoan lạc, hạnh phúc như chim khổng, chim thuý bay lượn vân tiêu, như chim uyên chim ương bơi lội vui đùa trong hồ lục thuỷ.
Chẳng ngờ, chưa đầy một năm, xẩy việc anh em Trương Sĩ Thành khởi binh ở Cao Bưu, đánh chiếm, cướp bóc hầu hết các châu quận nằm dọc theo lưu vực Hoài Hà. Thuý Thuý bị viên bộ tướng họ Lý của Trương Sĩ Thành bắt đi.
Khoảng cuối năm Chí Chính đời Nguyên Thuận Đế, đất đai chiếm được của Trương Sĩ Thành mồi ngày càng mở rộng, vượt qua vùng Giang nam Giang bắc, thâu gồm hết vùng Triết Tây, nhưng Trương Sĩ Thành lại xin đầu hàng Nguyên Triều, nhận nhà Nguyên là chính thống, nhờ thế đường xá mới được lưu thông, lữ hành  vãng lai không bị cản trở nữa.
Bấy giờ, Kim bèn từ biệt cha mẹ hai bên nội ngoại, xin đi tìm vợ, thề không tìm được thì không trở về. Khi chàng đi đến Bình Giang, thì viên tướng họ Lý đã đi nhậm chức Thủ Ngự ở Thiệu Hưng. Chàng đến Thiệu Hưng, thì họ Lý lại được điều đến đồn binh ở An Phong. Đến An Phong thì đã lại chuyển về Hồ Châu. Kim đi đi lại lại, suốt vùng Trường Giang, Hoài Hà, chịu nhiều gian nan vất, khó khăn nguy hiểm.
Ngày tháng trôi đi, tiền bạc trong túi của Kim mỗi ngày mỗi cạn, tiêu cạn không còn một xu.Nhưng tâm nguyện tìm cho được vợ vẫn sắt son bền bỉ, thuỷ chung không đổi. Kim tiếp tục ngày đi đêm nghỉ. Khất thực dọc đường. Khốn cùng khổ sở mới đến được Hồ Châu.
Bấy giờ, viên tướng họ Lý ở Hồ Châu đang quyền cao chức trọng, uy danh hiển hách. Kim đến cổng phủ họ Lý, đứng bên ngoài trù trừ do dự, ngó tới ngó lui. Muốn vào mà không dám bước. Muốn hỏi mà không dám mở mồm.
Viên quản môn thấy thái độ của chàng như vậy, thì cật hỏi.
Chàng thưa :
- Bẩm quan, tiểu sinh là người vùng Hoài An, chẳng may gặp lúc loạn lạc, có người em gái bị thất tán, nghe đồn  hiện ở trong quý phủ, nhân thế, chẳng ngại thiên lý xa xôi tìm đến đây, chỉ mong được gặp lại em  một lần mà thôi !
Viên quản môn lại hỏi :
- Như thế, em ngươi tên gì, bao nhiêu tuổi, tướng mạo ra sao, cứ  thực tình khai rõ, ta sẽ vào trong tìm cho !
Kim nói :
- Bẩm quan, tiểu sinh họ Lưu, tên Định, còn em gái tên là Thuý Thuý, biết chữ nghĩa thi thư. Lúc  bị thất tán, em tiểu sinh mới mười bẩy tuổi. Tính đến năm nay, cũng là hai mươi bốn rồi.
Viên quản môn nghe Kim nói xong,thì trả lời ngây :
-Trong phủ này qủa có người con gái họ Lưu thật, người Hoài An, niên linh cũng đúng như ngươi nói, lại biết chữ, giỏi thơ văn, tình tính thông tuệ, được Lý tướng quân thập phần sủng ái, coi là chuyên phòng. Lời ngươi thành thật không ngoa. Để ta vào trong thưa lại, ngươi cứ tạm đứng chờ đợi ngoài này nhá.
Rồi chạy vào báo cáo.
Một lát trở ra, dẫn Kim vào trong phủ. Kim gặp viên tướng họ Lý ngồi ở khách sảnh. Chàng bèn rập đầu vái hai vái, rồi đứng dậy cặn kẽ trình bầy lai lịch.
Viên tướng họ Lý vốn là kẻ võ biền, nên tin ngay lời Kim, không ngờ vực chi cả, rồi sai đồng bộc vào báo cho Thuý Thuý biết là có anh nàng từ quê đến.
Thuý Thuý vâng mệnh đi ra.
Vợ chồng gặp nhau. Chỉ đành lấy lấy lễ anh em tương kiến, xúc động hỏi thăm tin tức cha mẹ họ hàng. Tình riêng không dám hé một lời, rồi nhìn nhau, hai châu ngọc lã chã tuôn rơi.
Viên tướng họ Lý bảo với Kim :
- Ngươi từ xa đến, đường trường bạt thiệp, chắc còn mệt mỏi, hãy cứ tạm ở trong phủ nghỉ ngơi, từ từ ta sẽ sắp xếp công việc làm cho.
Nói xong sai đầy tớ mang ra một bộ quần áo mới để cho Kim thay, cùng các thứ mùng mền, chăn gối, giường đệm đem kê ở thư phòng mé tây cho Kim nghỉ ngơi.
Hôm sau viên tướng họ Lý lại bảo Kim :
- Em ngươi là người biết chữ, ngươi ắt cũng vào hàng văn mặc ?
Kim đáp :
- Tiểu sinh ở quê nhà lấy nho làm nghiệp, lấy thi, thư làm gốc. Phàm là kinh, sử, tử, tập đều có đọc qua, chẳng hay tướng quân có điều gì nghi ngại ?
Viên tướng họ Lý lấy làm cao hứng, vui vẻ tiếp :
- Ta từ nhỏ thất học, thừa thế loạn mà nổi lên, tiếng tăm vang dội bên ngoài, nhiều kẻ xu phụ, tân khách lai vãng đầy cửa, duy không có người thay ta tiếp đãi, thơ từ xếp đầy trên án thư, không có người phúc đáp. Vậy ngươi hãy ở lại  trong phủ này giữ chân ký thất cho ta.
Kim vốn thông minh mẫn tiệp, tính nết lại ôn nhu hoà thuận, tài cán hơn người, sống trong phủ của viên tướng họ Lý lại càng thận trọng. Biết nghe lời kẻ trên. Thuận tòng người dưới. Thay thế họ Lý thảo thơ, phúc thơ, rất là khéo léo vừa ý. Vì vậy, tướng quân họ Lý rất mừng gặp được bậc nhân tài như Kim, nên thập phần ưu đãi chàng.
Song le, ý hướng của Kim là đi tìm lại vợ mà đến đây. Từ sau ngày gặp lại Thuý Thuý ở ngoài khách sảnh. Rồi khuê các thâm u. Trong ngoài cách tuyệt. Kim chẳng có cơ hội gặp lại vợ, ngay cả muốn thông tin cho nàng cũng không có dịp.
Thời gian như bạch câu quá khích, thấm thoát mấy tháng bay vèo, trời đã vào thu, kim phong hiu hắt, sương trắng thành băng buổi sáng. Kim mỗi đêm tại thư phòng, không sao chợp mắt, mới làm một bài thơ (1), bầy tỏ nỗi cô đơn và lòng mong ước gặp lại Thuý Thuý, đem thơ ấy viết lên một tờ giấy, và rạch cổ áo dấu thơ vào đấy, rồi cho đứa đồng bộc một trăm quan tiền, dặn dò nó rằng :
- Trời đã bắt đầu lạnh, áo ta mỏng quá, nhờ ngươi đem chiếc áo này đưa giúp cho em ta, bảo em ta vá dầy thêm, để ta mặc ngự hàn !
Đứa đồng bộc đem áo trao cho Thuý Thuý như lời Kim dặn.
Nàng hiểu ý của Kim, rạch áo đọc thơ, lại càng sót sa thương người chồng chăn gối nhiều hơn, cắn răng mà nức nở. Bèn làm một bài thơ khác (2) với lời thề rằng "sinh bất tương tòng, tử diệc tòng".
Rồi dấu vào áo trả lại.
Kim đọc thơ, biết Thuý Thuý quyết đem cái chết để tạ cái tình của chàng, chẳng còn mong gì cùng nhau đoàn tụ  ở kiếp này, khiến lòng Kim càng thêm buồn phiền ưu phẫn, rồi sinh ra bệnh nặng.
Thuý Thuý xin tướng quân họ Lý được đến bên giường thăm Kim, nhưng bệnh tình của Kim đã thập phần nguy kịch. Nàng lấy tay đỡ chồng ngồi dậy. Kim cố gắng ngẩng đầu nhìn vợ. Mà lệ thảm hai hàng, rồi nấc lên một tiếng dài. Ô hô mệnh tuyệt.
Viên tướng họ Lý thương hại Kim, đem xác chàng chôn ở dưới chân núi Đạo Trường Sơn. Còn Thuý Thuý, từ hôm chôn cất chồng trở về, thì cũng nhuốm bệnh nặng, không chịu thuốc thang, cứ lăn lóc trên giường. Đau đớn buồn rầu, bỏ ăn bỏ ngủ. Bệnh kéo gần hai tháng trời.
Một hôm, Thuý Thuý nói với tướng quân họ Lý :
- Thiếp rời bỏ gia đình theo tướng quân, đến nay đã được tám năm, quê người đất khách, gần xa chẳng có họ hàng thân thích, duy chỉ có một người anh, thì nay lại ra người thiên cổ. Bệnh thiếp, ắt không thể qua khỏi, nếu mệnh hệ nào, xin tướng quân chôn cất thi hài thiếp bên cạnh mộ người anh, để dưới suối vàng sau này, may còn có người nhờ vả , và tránh cho thiếp khỏi cảnh làm hồn ma cô độc.
Nói xong thì tắt hơi mà chết.
Viên tướng họ Lý không nỡ phụ cái lời chối trăn của Thuý Thuý, đem xác nàng chôn bên tả, cạnh mồ Kim, thành đông tây hai ngôi mộ song song với nhau.
Đến đầu năm Hồng Võ nhà Minh, Trương Sĩ Thành đã bị Chu Nguyên Chưong tiêu diệt, gia đình Thuý Thuý có một người đầy tớ cũ, làm nghề buôn bán, khi đến Hồ Châu, ngẫu nhiên đi qua chân núi Đạo Trường Sơn, gặp một dẫy lâu đài phòng ốc, tường quét sơn đỏ, ngoài cổng liễu rủ hoè che, uy nghi hoa lệ, Thuý Thuý cùng với Kim đang sánh đôi đứng ở đấy.
Hai người thấy người đầy tớ cũ, thì mời vào trong nhà, hỏi thăm tin tức của cha mẹ có còn sống không, cùng nhắc lại những chuyện xưa nơi cố quận.
Người đầy  mới hỏi :
-Tiểu thư và công tử vì sao lại ở đây ?
Thuý Thuý đáp:
 - Hồi giặc giã loạn lạc, ta bị Lý tướng quân bắt mang đi, chồng ta từ xa tìm đến, không bị Lý tướng quân cản trở, cho ta được hợp phố châu hoàn, nên mới cùng nhau kiều cư tại nơi này đấy.
Người đầu tớ tiếp :
-Tiểu nô ngày mai sẽ trở về Hoài An, xin tiểu thư viết sẵn một lá thơ để thông tin  chủ nhân biết.
Sau đó, Thuý Thuý giữ người đầy tớ đó ở lại ngủ, rồi lấy gạo nếp Ngô Hưng thổi cơm, nấu canh cá diếc Thiều Khê, và đem rượu Ô Trình ra đãi đằng.
Hôm sau viết một lá thư cho cha mẹ, kể lể hoàn cảnh và nỗi biệt ly ngăn cách, đưa cho người đầy tớ cầm về.
Cha mẹ của Thuý Thuý nhận được tin nàng thì rất lấy làm mừng. Cha nàng thuê một chiếc thuyền cùng với người đầy tớ đi từ Hoài An sang Triết Giang, vượt Ngô Hưng, tìm đến chân núi Đạo Trường Sơn, nơi người đầy tớ đã được Thuý Thuý cho tá túc khi trước.Té ra, chỉ thấy  khói hoang mờ mịt, cỏ dại um tùm, dấu chân chồn thỏ  ngang dọc trên đất. Lâu đài phòng ốc mà người đầy tớ đã trú ngụ ngày trước, chỉ là hai ngôi mộ nằm song song với nhau.
Giữa lúc còn nửa tin nửa ngờ, chợt có một vị sư già vân du qua đấy. Cha Thuý Thuý bèn khấu đầu hỏi thăm.
Vị sư già đáp :
- Nơi này làm gì có nhà cửa. Đó là hai ngôi mộ của Thuý Thuý và Kim lang do tướng quân họ Lý chôn cất mà thôi !
Cha Thuý Thuý lấy làm kinh dị, sợ hãi. Lấy lá thư của Thuý Thuý ra đọc lại. Hoá ra, cũng chỉ là một tờ giấy trắng, không có một chữ viết nào.
Lúc đó, viên tướng họ Lý cũng đã bị triều đình nhà Minh giết rồi, không còn người để hỏi rõ ngọn ngành nữa.
Cha Thuý Thuý nhìn mộ con, rồi khóc lóc than thở :
- Con ơi ! Con viết thư bảo cha đến đây để gặp. Thiên lý dặm trường, nay cha đến nơi,  con đã chẳng cho gặp, lại ẩn hình tàng tích, không lộ chân tướng. Sinh thời, là tình  cha con, chết rồi, lẽ đâu khác biệt. Hồn con như có linh thiêng, xin cho cha được gặp lại một lần, may chăng  vơi lòng  nghi hoặc !
Đêm hôm đó, người cha Thuý Thúy kiếm chỗ ngủ lại nơi gần mộ của nàng. Chừng khoảng sau  canh ba, ông thấy Thuý Thuý và Kim cùng đến, quỳ ở trước mặt ông, vẻ mặt còn buồn rầu, đau khổ. Ông lấy tay gạt lệ, rồi vỗ về hỏi han nàng.
Thuý Thuý cũng cặn kẽ thuật lại ngọn ngành, nói :
- Lúc xưa loạn lạc, gần xa châu quận đều bị giặc giã nổi lên cướp phá, con chẳng học được hai nàng họ Đậu trung trinh tuẫn tiết, để đến nỗi bị giặc bắt đi, nhẫn nhịn chịu kiếp sống thừa, xa lìa cha mẹ, phiêu lãng bình bồng, hoài thân lan huệ, lấy phải kẻ làm thuê tảng quái, chỉ biết chiếm đọat cái cười của nàng Lục Châu trong lâu đài họ Thạch, đâu hay nỗi sầu câm nín của người đàn bà nước Tức. Con khóc lóc kêu trời mà trời không thấu, một ngày dài bằng ba năm. Chồng con, không quên tình cũ, chẳng ngại gian khổ, vạn lý tầm thê, phải giả danh huynh muội, mới được gặp nhau một lần, còn tình nghĩa vợ chồng, thì đành cách tuyệt.
Rồi chồng con nhuốm bệnh qua đời trước, con hàm oan chết theo. Xin được hợp táng, cuối cùng may được đoàn tụ.
Sơ lược ít điều như vậy, tiểu tiết con không kể hết.
Người cha của Thuý Thuý nghe xong, nói :
-Ý cha đến đây là đem con trở về nhà để thị phụng cha lúc tuổi già, nay con đã ra người thiên cổ, vậy cha sẽ đem hài cốt con về táng ở bên mộ phần tổ tiên, như vậy  không uổng  một lần vãng lai vất vả.
Thuý Thuý lại khóc, nói:
- Con sinh ra bất hạnh, không được hầu hạ cha mẹ dưới gối, chết lại vô duyên, không được táng nơi quê nhà. Tuy thế, chốn âm gian cần nơi yên tĩnh, lẽ quỷ thần thích cõi lặng thinh, vả lại, nơi đây sơn khê tú lệ, thảo mộc tươi tốt, cũng đã yên ổn rồi, nên con cũng không mong mỏi dời táng đi đâu nữa.
Nói xong, lại ôm lấy cha mà khóc lóc thảm thiết.
Người cha Thuý Thuý, giật mình kinh hãi,  tỉnh dậy. Té ra một giấc Nam Kha.
Sáng hôm sau, ông đem đồ cúng và rượu ngon đến tế trước mộ phần. Sau đó, cùng đầy tớ thuê thuyền trở về Hoài An.
Đến nay, những người qua dưới chân núi Đạo Trường Sơn, vẫn còn thấy hai ngôi mộ của Thuý Thuý với Kim lang.

********
Vài nét về tác giả .
Cù Hựu (瞿 佑) :
Thuý Thuý Truyện được trích từ Tiễn Đăng Tân Thoại  箭 燈 新 話 của Cù Hựu.
Cù Hựu tự là Tông Cát, biệt hiệu là Tồn Trai người Tiền Đường, nay thuộc Hàng Huyện tỉnh Triết Giang. Ông sinh năm Chí  Chính nguyên niên nhà Nguyên tức năm 1341. Hồi còn trẻ nổi tiếng là người đa tài đa nghệ, giỏi thi thơ, nhưng thường bất đắc chí. Đầu năm Hồng Võ đời Minh Thái Tổ, Cù Hựu được lần lượt bổ nhậm làm Huấn Đạo tại Nhân Hoà, Lâm An, Tuyên Dương, rồi thăng làm Hữu Trưởng Sử trong Chu Vương Phủ. Khoảng năm Vĩnh Lạc đời Minh Thành Tổ, nhân làm thơ bị tội, đầy đến huyện Bảo An (nay là tỉnh Cam Túc) làm nhung thú, trải qua mười năm, đến năm Hồng Hy (tức năm 1425) đời vua Minh Tông mới được xá, về làm gia sư cho Anh Quốc Công ba năm, đến năm Tuyên Đức nhị niên thì mất, thọ tám mươi bẩy tuổi.
"Tiễn Đăng Tân Thoại" được viết vào khoảng Hồng Võ thập nhất niên, tức 1378, gồm bốn quyển, hai mươi  truyện. Phần lớn những truyện trong Tiễn Đăng Tân Thoại đều lấy ma quỷ quái dị, hôn nhân luyến ái, làm đề tài phản ánh những hiện thực xã hội hắc ám, hủ bại dưới triều nhà Nguyên, cũng như  chống lại những điều vô lý trong chế độ hôn nhân phong kiến cũ. Nhưng Tiễn Đăng Tân Thoại lại mạnh dạn tuyên dương tư tưởng "Trung, Hiếu, Tiết , Nghĩa" và những phong tục mê tín quỷ thần. Một số truyện có mầu sắc của thuyết nhân qủa báo ứng của nhà Phật.
Ngoài Tiễn Đăng Tân Thoại, được người đời truyền tụng và khen  là có những ngôn từ hoa lệ, uỷ uyển như "ôm thuý ấp hồng", ảnh hưởng rất nhiều đối với tiểu thuyết của hai triều  Thanh, như Liêu Trai Chí Dị, Dạ Đàm Tuỳ Lục, Cù Hựu còn để lại cho đời sau một số tác phẩm như :
- Hương Đài Tập
- Du Nghệ Lục
- Tồn Trai Loại Biên
-Qui Điền Thi Thoại.
-Vịnh Vật Biên
-Nhạc Phủ Di Âm
Vài hàng chú thích của Phạm Xuân Hy :
Trương Sĩ Thành 張士誠 :
Trương Sĩ Thành sinh năm 1321, người Bạch Câu Trường Thái Châu ( nay thuộc huyện Đại Phong tỉnh Giang Tô ) thời Nguyên mạt. Thuở bé, Trương Sĩ Thành tên là Cửu Tứ, xuất thân làm nghề buôn muối. Năm 1353, Trương Sĩ Thành cùng hai em là Trương Sĩ Đức, Trương Sĩ Tín đem phu làm muối nổi loạn, đánh chiếm các vùng Cao Bưu. Năm sau xưng là Thành Vương, lấy quốc hiệu là Chu, niên hiệu là Thiên Hựu, rồi đêm quân vượt sông Trường Giang đánh chiếm các vùng Hồ Châu, Thường Thục, Tòng Giang, Thường Châu. Năm Chí Chính thập lục niên  đời Nguyên Thuận Đế, tức năm 1356, định đô ở Bình Giang (nay thuộc Tô Châu tỉnh Giang Tô). Năm sau thì hàng nhà Nguyên, được phong làm Thái Uý, từng cùng với Phương Quốc Trân vận lương  theo đường biển tiếp tế cho kinh đô của nhà Nguyên, sau lại đánh chiếm mở rộng thêm đất đai. Phạm vi cát cứ ra phía nam Thiệu Hưng ở Triết Giang. Phía bắc đến Tế Ninh tỉnh Sơn Đông. Phía Tây đến bắc bộ tỉnh An Huy. Phía đông ra đến biển.
Năm 1363, Trương Sĩ Thành đánh chiếm An Phong, giết lãnh tụ  của quân đội Khăn Đỏ - tức Hồng Cân Quân- là Lưu Phúc Thông, xưng là Ngô Vương.
Sau đó bị Chu Nguyên Chương đánh bại nhiều lần.
Mùa thu năm 1367, thành Bình Giang bị phá vỡ, Trương Sĩ Thành bị Chu Nguyên Chương bắt đưa về Kim Lăng, thắt cổ tự tử chết.

Nguyên văn bài thơ của Kim gửi Thuý Thuý :
好 花 移入 玉 闌 干
Hảo hoa di nhập ngọc lan can
春 色 無 緣 得 再看
Xuân sắc vô duyên đắc tái khan
樂 處 豈 知 愁 處苦
Lạc xứ khỉ tri sầu xứ khổ
別 時 雖 易見 時難
Biệt thì tuy dịch kiến thì nan
何 年 塞上重 歸 馬
Hà niên tái thượng trùng qui mã
此 處 庭 中 獨 舜鸞
Thử xứ đình trung độc thuấn loan
霧 閣 雲 窗 深 几許
Vụ các vân song thâm kỉ hứa
可 憐 辜 負 月 團團
Khả lân  cô phụ nguyệt đoàn đoàn
Và nguyên văn bài thơ của Thuý Thuý :
一 自 香 關 動 戰鋒
Nhất tự hương quan động chiến phong
舊愁新恨几重重
Cựu sầu tân hận kỷ trùng trùng
腸雖已斷情難斷
Trường tuy dĩ đoạn tình nan đoạn
生不相從死亦從
Sinh bất tương tòng tử diệc tòng
長 使 德 言 藏 破鏡
Trường sử đức ngôn tàng phá kính
終 教 子 建 賦 游龍
Chung giao Tử Kiến phú du long
綠 珠 碧 玉 中 事
Lục Châu Bích Ngọc tâm trung sự
金 日 誰 知 也 到儂
Kim nhật thuỳ tri dã đáo nồng
Đậu thị nhị nữ 竇 氏 二 女:
Năm Vĩnh Thái đời Đường Đại Tông (765-766), hai người con gái họ Đậu ở Phụng Thiên bị giặc bắt đi.Người chị nhẩy xuống vách núi tự tử để giữ sự trinh tiết,còn người em tự huỷ nhan sắc.
Lục Châu 綠 珠 :
Thời nhà Tấn, khi Thạch Quý Luân, tức Thạch Sùng, làm Thái Phỏng Sứ ở Giao Chỉ, nghe đồn họ Lương ở Bạch Châu, nay thuộc Quảng Tây, có người con gái tên là Lục Châu trông rất xinh đẹp diễm lệ, lại giỏi  thổi sáo, bèn bỏ ba đấu ngọc để mua nàng về nhà làm thiếp.
Về sau, Tôn Tú phe đảng của Triệu Vương Tư Mã Luân, muốn chiếm đoạt Lục Châu, mới vu cáo cho Thạch Sùng cái tội là tham gia với Hoài Nam Vương Tư Mã Duẫn làm phản.Thạch Sùng biết minh sẽ bị hại, mới bảo với Lục Châu rằng :" Ta vì nàng mà mắc tội với bọn quyền quý, Tôn Tú là kẻ tâm lang dạ sói, thế nào ta cũng bị hại". Lục Châu nghe thế  buồn rầu nói :"Vậy thiếp xin chết trước mặt tướng công". Rồi lao đầu nhẩy xuống lầu tự tử.
Cái chết của Lục Châu đuợc các văn nhân , nhã sĩ hậu thế coi là trinh liệt, liên tiếp viết thành thơ phú để ca ngợi truyền tụng đời sau. Đặc biệt, Nhạc Sử đời Tống viết " Lục Châu truyện", Phùng Mộng Long viết truyện "Lục Châu", được xếp vào loại " tình trinh" trong tập Tình Sử.
Tức Quốc Phu Nhân 息 國 夫 人 :
Theo Liệt Nữ truyện, Sở Trang Vương đem quân diệt nước Tức, bắt được vua nước này cùng vợ là Tức Phu Nhân, Tức Quy.Về nước, Sở Trang Vương bắt Tức Hầu phải làm người giữ cửa, và chuẩn bị ép Tức Phu Nhân làm thiếp. Lợi dụng lúc Sở Trang Vương đi vắng, Tức Phu Nhân lén đến gặp Tức Hầu, và bảo với chồng :
-Đời người chỉ có một lần chết mà thôi, hà tất sống mà chịu khổ. Thiếp chẳng có lúc nào quên được chúa công, nhưng cũng không thể nào lấy được hai chồng. Sống mà phải chia lìa xa cách nhau, sao bằng đoàn viên ở dứơi âm thế.
Tức Hầu khuyên bảo an ủi, nhưng Tức Phu Nhân không nghe, rồi tự sát.Tức Hầu cũng tự sát theo, hai cùng chết một ngày.
Người đời sau lấy sự tích này để hình dung phụ nữ gặp cưỡng bách, nhưng im lạng thủ tiết, và gọi là Đào Hoa Phu Nhân. Như Đỗ Mục có bài thơ "Đề Đào Hoa Phu Nhân Miếu"
Thạch Sùng 石 崇:
Họ Thạch, tức Thạch Sùng,sinh năm 249, người Nam Bì Bột Hải thời Tây Tấn, nay thuộc huyện Nam Bì tỉnh Hà Bắc, tên chữ là Quý Luân. Mới đầu Thạch Sùng là huyện lệnh Tu Võ, rồi thăng Thị Trung. Năm Vĩnh Hy nguyên niên, tức năm 290, làm Kinh Châu Thứ Sử, cướp bóc tài sản của khách thương, trở nên đại phú. Sung từng với Vương Khải thi đua giầu có, lấy sáp ong làm củi đốt, lấy gấm trải dài năm mươi dặm để làm đường đi, bỏ ba đấu ngọc để mua nàng Lục Châu. Vương Khải tuy được Tấn Võ Đế chi trì nhưng cũng không địch nổi..
Khi xẩy ra cuộc nổi loạn của Bát Vương, Thạch Sung về phe với Tề Vương Quýnh, và bị Triệu Vương Luân giết năm 300. Phùng Mộng Long có ghi truyện Thạch Sùng trong Tình Sử.
Tảng Quái  駔 儈 :
Chỉ người môi giới giữa người mua và người bán, để ăn hoa hồng thù lao.Ở đây chỉ Lý tướng quân, bộ tướng của Trương Sĩ Thành.
Nam Kha nhất mộng 南 柯 一 夢:
Theo " Nam Kha Thái Thú truyện" của Lý Công Tá đời Đường, thì Thuần Vu Phần,là người Đông Bình, một bậc du hiệp vùng Ngô, Sở , tính ham uống rượu, không câu nệ tiểu tiết. Ở phía nam trú trạch của Phần, có một cây hoè già, bóng mát che đến cả mẫu, Phần thường cùng bạn bè tụ họp uống rượu ở đấy. Một hôm rượu say, được hai người bạn dìu về nhà nằm ngủ, mộng  thấy có hai người mặc áo tía, xưng là tiểu thần của Hoè An Quốc Vương, đem xe đến đón, đưa đến một thành lớn, cổng son lầu tia, trên lầu có biển đề " Đại Hoè An Quốc". Sau khi bái kiến quốc vương, Phần được kết hôn với công chúa, y phục rất phong nhã mỹ lệ, đầy tớ bộc tòng rất đông, vô cùng hiển hách, sau lại được bổ nhậm làm Thái Thú quận Nam Kha, rồi lại gia phong tước vị, quyền uy rất trọng, sinh được năm trai, hai gái. Con cái cũng đều làm quan hiển quý, một thời không ai bằng. Sau, công chúa qua đời, Phần bị vua nghi ngờ, rồi bị đuổi về nhà.
Phần được hai sứ giả đưa về nhà, bước lên thềm, thấy mình vẫn còn nằm trên giường, lòng vô cùng kinh hãi, tai bỗng nghe sứ giả gọi tên, tỉnh dậy, thì thấy trời chưa tắt nắng, hai người bạn đang lấy nước rửa chân, rượu thịt uống dư thừa còn đầy trên bàn. Nhân thế mới cùng hai người bạn đến gốc cây hoè, phát giác ra một cái huyệt lớn, có thể kê một cái giường, cát ùn cao như điện đài thành quách, có hai con kiến thật lớn, cánh trắng, đầu đỏ ngự trị, tả hữu có mấy chục con kiến khác đứng hộ vệ; đó chính là kinh đô nước Đại Hoè. Còn đào sâu rộng  xa thêm về phía nam, cũng thấy một cái huỵêt như thổ thành, có rất nhiều kiến làm ổ sinh sống, đó, chính là Nam Kha Quận nơi mà Phần làm Thái Thú.
Về sau, trong văn thơ cổ điển, câu truyện này trở thành điển tích hình dung sự giầu sang quyền quý chỉ là huyễn ảo, hoặc chỉ điều gì như một giấc mộng mà thôi.



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 287

Return to top