N. S. Khrushốp
Về Tệ Sùng Bái Cá Nhân Và Những Hậu Quả Của Nó
Báo cáo mật tại phiên họp kín ngày 25-2-1956 của Đại hội lần thứ XX đảng cộng sản (bônsêvích) Liên Xô
Đỗ Tịnh dịch theo bản tiếng Pháp -Tái bản lần thứ hai, có sửa chữa và chỉnh lý -Tủ sách Nghiên cứu Boite Postale 246 75224 Paris Cedex 11 France
TĐX:Cùng với sự ra đời của một loạt sách của các tác giả Việt Nam đề cập tới những vấn đề lịch sử Việt Nam cận đại (Hoa Xuyên Tuyết, Mặt Thật của Bùi Tín, ĐGBN của Vũ Thư Hiên, Công Lý Đòi Hỏi của Nguyễn Minh Cần) nhiều bạn đọc TDX gửi thư tới cho Ban Biên tập yêu cầu tìm giúp bản Báo Cáo Mật do cố tổng bí thư DCSLX Nikita Khrushốp đọc tại Đại hội XX Đảng cộng sản Liên Xô, mà các tác giả nói trên đều nhắc tới, coi như một văn kiện cực kỳ quan trọng, đánh dấu một chuyển biến vĩ đại trong lòng phong trào cộng sản quốc tế, cũng như trong phe các nước xã hội chủ nghĩa.
Theo sự đánh giá của những nhà xã hội học thì cùng với sự xuất hiện của Báo Cáo Mật là thời kỳ mở đầu cho những mưu toan đổi mới, tiếc thay, thường nửa vời, của những người cộng sản có lương tri hòng sửa chữa một thể chế được xây dựng trên những cơ sở xã hội hoàn toàn mới nhưng lại bị hư hỏng ngay từ đầu và ngày càng tỏ ra không thích ứng với cuộc sống của nhân loại ở ngưỡng cửa của thiên niên kỷ đang tới. Từ bản Báo Cáo Mật này một cuộc đấu tranh chống lại chế độ toàn trị đã nổ ra trên toàn cõi của phe các quốc gia xã hội chủ nghĩa, kéo theo nó rất nhiều bi kịch, nhưng cuối cùng đã đem lại sự thay đổi bộ mặt của hành tinh, như chúng ta đã biết.
Vì bản Báo Cáo Mật trước nay bị đảng cộng sản giữ trong vòng bí mật, không một lần được dịch ra tiếng Việt ở trong nước, cho nên để đáp ứng yêu cầu của những bạn đọc ham tìm hiểu lịch sử, chúng tôi xin đưa lên trang TDX bản dịch của Tủ sách Nghiên cứu tại Paris xuất bản năm 1982, đã được chỉnh lý lại cho lần xuất bản trên mạng Internet này.
Kèm theo, chúng tôi xin giới thiệu hai bài thơ của Tố Hữu, nhà thơ lớn của Việt Nam, sáng tác vào thời kỳ trước Đại hội XX của DCSLX để bạn đọc hiểu thêm không khí của thời kỳ xa xưa ấy.
Chúng tôi xin cảm tạ các dịch giả của Tủ sách Nghiên cứu đã có nhã ý cho chúng tôi được sử dụng bản dịch của các vị cho mục đích hữu ích.