Đôi Đũa ...So Le
Tiểu Thu
N ăm nay nhà ông Cả Trọng sẽ ăn một cái Tết đặc biệt. Cả nhà chuẩn bị tưng bừng từ cả tháng nay. Hai mươi lăm tháng chạp này là đám cưới của cậu út Khanh, con trai ông bà Cả. Ông Cả người nhỏ thó, khô khan, nhưng bù lại bà Cả trắng trẻo, phốp pháp, mũi cao mắt sâu như một phụ nữ Tây phương. Sáu người con giống mẹ nên đều cao ráo đẹp đẻ. Chỉ tội cậu út, hồi nhỏ chạy giỡn rủi bị té vô nồi nước sôi, nguyên một bên chân phải bị phỏng nặng. Thời xưa chỉ trị bằng thuốc bắc hoặc thuốc ta nên hậu quả là cậu út đi hơi cà thọt. Còn cái tật cà lăm thì không biết có phải do cú “sốc” vì bị phỏng nước sôi hay không nữa? Thôi thì bàn tay năm ngón cũng có ngón dài ngón vắn, ông bà Cả tự an ủi. Mấy người anh lớn học xong Tiểu học là lên Sài gòn tiếp tục dùi mài kinh sử. Ông Cả có một căn biệt thự ở gần chợ Bà Chiểu. Riêng cậu Úùt từ nhỏ đã không được thông minh dĩnh ngộ như mấy anh, mấy chị. Cậu học trước quên sau, ít khi thuộc bài nên thường bị thầy giáo khẻ tay, phạt quỳ. Sau khi xát xà bông ông thầy khó tánh này một trận, ông Cả cho cậu Út nghỉ học luôn. Ông vẫn thường nói của cải ông con cháu ăn ba đời cũng chưa hết. Cậu Út biết đọc biết viết là đủ rồi.
Năm nay tuy đã hăm ba nhưng cậu còn rất khờ khạo chuyện trai gái. Không như mấy ông anh lớn, mười sáu mười bảy đã liếc gái như chớp. Gặp cô nào cậu cũng ấp a ấp úng. Mà càng lúng túng cậu càng cà lăm dữ, rồi cuối cùng đành rút êm! Vì vậy tuy con nhà giàu mà mấy cô trong làng không cô nào chịu ưng cậu Út. Con gái nhà nghèo sẵn sàng nhảy vô nâng khăn sửa túi cho cậu thì ông bà Cả chê không xứng với gia đình ông bà. Mỗi lần thấy bạn bè cùng trang lứa cưới vợ là cậu Út lại cảm thấy buồn tê buồn tái. Cuối cùng túng thế ông bà Cả nhờ người em bà con lấy chồng về miệt Hồng Ngự coi có chỗ nào được làm mai giùm. Cô Sáu Sơn sốt sắng nhận lời và sau vài tháng tìm kiếm, cô về Cao Lãnh “ráp bo” với ông anh rằng cô đã tìm thấy viên ngọc quí cho thằng cháu thân mến rồi. Đó là con Hạnh, con gái của em chồng cô chớ ai đâu xa lạ. Theo lời cô kể thì con nhỏ mới tới tuổi cập kê, vừa được người lại vừa được nết. Tóm lại đủ cả công dung ngôn hạnh. Gia đình cũng thuộc loại khá giả, có ăn có để. Nghe tới cái mục này ông Cả gạt ngang nói miễn con nhỏ hiền hậu ...đừng ăn hiếp thằng Khanh là được rồi.
Nghe lời như cởi tấc lòng, cô Sáu hứng chí tiếp:
-Gì chớ cái đó anh khỏi lo. Tui biết con Hạnh từ nào tới giờ. Ôi thôi con nhỏ trắng da dài tóc, khuôn mặt chữ điền, cặp mắt lá răm, lông mày lá liễu thiệt đáng trăm quan tiền đó anh Cả. Ăn nói lại mềm mỏng, nhỏ nhẹ hết biết luôn. Thằng Út nhà mình mà cưới được con nhỏ này thiệt là có phước.
Ông Cả còn lo lắng:
-Họ có hỏi gì về thằng Khanh không vậy cô?
Cô Sáu cười tươi đầy vẻ tự tin:
-Có chớ. Tui nói với họ là thằng cháu tui tuy không có bằng cấp cao như mấy anh nó nhưng tánh tình thiệt thà, ít nói. Mấy con chị gả chồng xa, mấy anh lớn có vợ con cũng ở hết trên Sàigòn. Một mình thằng Khanh có hiếu nhứt, ở nhà với cha mẹ để hầu hạ sớm hôm, lại còn giúp anh Cả trông nom ruộng đất. Nghe vậy bên kia họ chịu liền. Họ cũng hổng đòi hỏi sính lễ gì nhiều đâu anh Cả.
Ông Cả dẫy nẩy:
-Úy, tuy họ nói vậy chớ mình cũng phải làm sao coi cho được. Xong vụ này tui sẽ đền ơn cô hậu hỉ.
Cô Sáu nói mại hơi:
-Chỗ anh em, anh Cả nói vậy tui buồn. Dầu gì hai đứa cũng là cháu tui mà.
-Vậy cô ráng lo cho cháu yên bề gia thất, vợ chồng tui thiệt mang ơn.
Từ đó bà mai Sáu Sơn xách cây dù đầm lên xuống Cao Lãnh- Hồng Ngự như cơm bữa. Cuối cùng hai bên đồng ý ngày đám hỏi vào dịp Tết Ngươn Tiêu. Đường sá xa xôi nên hôm đám hỏi chỉ có ông bà Cả và Út Khanh lên Hồng ngự. Có vợ chồng cô Sáu Sơn là đủ lắm rồi. Bên đàng gái đã dành mọi sự dễ dàng nên cũng yên bụng. Bánh trái, trà rượu, mợ Tư Tâm đã lo đâu đó đầy đủ. Nữ trang có cặp bông và đôi xuyến vàng. Chiếc cà rá nhận hột cẩm thạch xanh dờn. Nghe nói cô dâu tương lai da trắng như ngó sen nên mợ Tư chọn hai xấp cẩm nhung màu hồng cánh sen và màu hoàng yến. Hai xấp lãnh Mỹ a dệt bông dâu láng mướt để may quần.
Gà gáy là mọi người đã thức dậy. Cữ trà tàu buổi sáng đối với ông Cả quan trọng bực nhứt, nên sáng nào mợ Tư cũng lo bắt ấm nước sôi lên bếp trước tiên, pha bình trà cho cha chồng rồi mới làm công chuyện khác.
Trong khi ông bà Cả và cậu Út ăn lót lòng, mợ Tư sai thằng Đức đem hết lễ vật xuống ghe. Chiếc ghe hầu là phương tiện di chuyển của ông bà Cả nên được sơn phết lộng lẫy. Mui ghe khá cao, thoáng mát. Cửa sổ có rèm che nên người ngồi trong khoang có thể ngắm nhìn hai bêb bờ hoặc trên sông mà vẫn kín đáo. Trong khoang trải chiếu bông màu đỏ, cặp gối dựa thêu ngũ sắc để ông bà dựa lưng. Có bình trà và trái cây để giải lao trên con đường dài. Mợ Tư còn nấu sẵn một nồi cơm. Cá mè vinh muối chiên và rau luộc để khi mặt trời lên cao độ ba sào thì ghé vô bờ ăn cơm. Ông bà Cả không đói lắm, nhưng hai người bạn chèo ghe phải ăn để có sức chèo tiếp.
Gần đứng bóng mới tới Hồng Ngự. Mọi người lên nhà vợ chồng cô sáu Sơn. Bà Cả nhờ cô em chồng tiếp tay bày lễ vật vô mâm. Tất cả năm mâm được phủ nhiễu đỏ. Ông Cả và cậu Út thay áo dài gấm xanh, bông chữ thọ màu bạc, đầu bịt khăn đóng nhiễu đen. Bà Cả cũng thay áo dài gấm Thượng Hải màu lục, cổ choàng cái khăn lụa Bombay.
Trước khi tới nhà gái, ông Cả dặn dò thằng con cưng năm lần bảy lượt chỉ mở miệng trả lời lúc tối cần, còn thì cứ nín thinh. Lúc làm lễ trước bà thờ, ai biểu gì cứ làm nấy, đừng hỏi tới hỏi lui rồi lòi cái tật cà lăm. Đi đứng phải khoan thai thì cái chưn thọt mới không lộ liễu quá.
Đàng gái đã có cho biết trước, sau giờ ngọ bên đàng trai tới lúc nào cũng được. Bắt đầu giờ ngọ là họ đã sẵn sàng tiếp đón. Tới trước cổng nhà ông bà Ba Bang (sui gái), thấy căn nhà ngói ba căn hai chái khá khang trang, ông Cả cũng yên bụng. Ông bà Ba Bang khăn áo chỉnh tề, ra tận cửa rước đàng trai vô. Nhớ lời cha dặn, út Khanh cứ nhìn thẳng phía trước, mặt mũi nghiêm trang không dám liếc qua liếc lại. Nghe tiếng xì xào và tiếng cười khúc khích sau bức màn thêu, có lẽ là lối đi vô buồng. Cậu nghĩ thầm chắc có hàng chục cặp mắt đang lén quan sát mình đây nên bỗng đâm bối rối, mặt mũi đỏ bừng, mắt chớp lia lịa...
Bà mai đưa cô dâu từ trong buồng ra làm lễ. Cô mặc áo dài màu bông phấn. Mái tóc dầy, đen và hơi quăn tự nhiên. Nước da trắng mịn. Chính tay bà Cả đeo đôi bông cho cô Hạnh. Sau đó đôi trẻ đứng trước bàn thờ làm lễ gia tiên. Cậu Út bị khích động đến nỗi sau đám hỏi, cậu chẳng nhớ mình đã làm những gì nữa! Ai biểu sao cậu cứ thi hành như một cái máy.
Bữa tiệc do nhà gái khoản đãi có đủ mặt các Hương Chức Hội Tề xứ Hồng Ngự và khá linh đình cho xứng với tiếng tăm của nhà trai.
Sáng sớm hôm sau ông bà Cả và cậu Út lên ghe trở về Cao Lãnh. Trước khi giã từ, ông Cả có mời ông bà sui gái xuống nhà chơi một chuyến cho biết gia đình ông.
...Độ nửa tháng sau ông bà Ba Bang tháp tùng cô Sáu Sơn xuống Cao Lãnh với mục đích... thăm dân cho biết sự tình và không quên đem biếu ông bà sui mấy ký lô cá thiều, cá gộc là những món thủy sản đặc biệt của miệt Hồng Ngự. Thiệt là tai nghe không bằng mắt thấy! Căn nhà nền đúc đồ sộ của ông bà Cả không thua gì dinh ông Phủ, ông Huyện. Nền nhà đúc cao tới ngực, có căn nhà bánh ú mái cong nằm giữa vườn bông phía trước để ngồi uống trà thưởng trăng. Chung quanh trồng đủ loại cây ăn trái. Bước vô trong nhà, ôi thôi là tủ thờ, trường kỷ, hoành phi bằng gỗ mun cẩn xà cừ choáng lộn. Mặt bàn bằng đá cẩm thạch nổi vân xanh, vân đỏ. Bộ lư đồng sáng chói như gương. Không kể cặp lục bình cao cả thước. Ông bà Ba Bang có cảm giác như đi trên mây. Chắc mẻm con gái mình chuyến này sa vô hủ...vàng ròng!
Ông bà Cả đón tiếp anh chị suôi thiệt nồng hậu. Lúc ra về không quên “lại quả” một cặp vịt xiêm mập tròn, một quày dừa lửa trái màu đỏ rất hiếm quí. Giữa mấy trăm cây trong vườn dừa, ông chỉ trồng được có hai cây dừa lửa mà thôi. Một chục cam sành cũng thuộc loại quí. Thấy ông sui ghiền thuốc, ông Cả không quên tặng năm bánh thuốc rê vô phân cá linh, ngon hạng nhứt, do nhà ông sản xuất. Ông bà Ba Bang ra về trong sự sung sướng tột cùng. Cái miệng cười hoài không khép lại được. Nói dại, bây giờ mà cô con gái rượu của ông bà trở chứng đòi lộn nài bẻ ống, chắc ổng dám đem ra giết cái một không chút gớm tay! Cũng nhân dịp này, ông Cả trình nhà gái là đã coi được ngày lành cho đám cưới đôi trẻ. Đó là ngày 25 tháng chạp tới đây. Ông Cả nói:
-Tuy là hơi gấp gáp một chút, nhưng có câu cưới vợ thì cưới liền tay, chớ để lâu ngày ...
Không chờ ông Cả dứt lời, ông Ba Bang lật đật ngắt lời:
-Dạ không sao. Anh sui dạy như vậy thiệt chí lý. Trước sau gì cũng cưới...
Riêng cậu Út nghe cha nói vậy thì mừng như bắt được vàng. Cậu cứ mong mau tối mau sáng cho tới ngày cưới vợ lẹ lẹ.
Từ đầu tháng chạp bà Cả đã ra lịnh quét tước nhà cửa, sửa soạn phòng ngủ. Chuyến này chỉ còn một đám cưới cuối cùng nên ông bà yêu cầu tất cả các con phải về đông đủ. Trước ăn đám cưới, sau ăn Tết với ông bà cho vui. Con bò tơ lông vàng được thằng Đức chăm sóc đặc biệt. Ba con heo, con nào cũng gần một tạ nhốt sẵn trong chuồng. Gà vịt độ năm chục con. Tôm cá chờ gần tới đám cưới mới mua cho tươi.
Cậu Út không quên viết thơ lên Sài gòn nhờ người anh thứ năm mua giùm cậu một đôi giày da “đơ cu lơ” để cậu diện hôm đám cưới. Cậu đặt bàn chân lên tờ giấy, rồi dùng viết mực vẻ chung quanh, đoạn bỏ vô bì thơ gởi đi cho anh Năm biết ni chân của cậu.
Số là cách đây hai tháng, người anh thứ tư là cậu Tư Tâm, sau khi đậu “Đít lôm” khôn học tiếp mà đâm đơn xin làm công chức ở bộ Canh Nông. Bộ đổi cậu lên làm việc trên Nam Vang. Cậu lên trên đó một mình, để mợ Tư ở lại trông nom nhà cửa tiếp bà Cả. Thỉnh thảng cậu về thăm, ở chơi ít ngày rồi lại trở lên làm việc. Kỳ về thăm nhà vừa rồi, cậu Tư mang đôi giày hai màu trắng đen coi sang trọng kịch liệt. Út Khanh cứ theo rờ rẫm, trầm trồ. Ngặt nỗi mang không vừa, nên dầu ông anh có nhã ý thân tặng, cậu cũng đành từ chối. Vì vậy cậu viết thơ dặn anh Năm ráng mua cho được để cậu mang trong ngày trọng đại nhứt đời. Tức cái là ông già còn thủ cựu không cho mặc đồ tây. Chớ bộ đồ “vét” bằng vải tuýt xo màu mỡ gà anh Ba Đức mặc về chơi hôm hè cũng mê ly quá trời! Bởi vậy, dầu có bị bắt mặc áo dài khăn đóng, cậu cũng quyết “chơi” cho bằng được đôi giày “đơ cu lơ” mới thỏa chí bình sanh!
Hăm ba tháng Chạp, ông Cả huy động đám tá điền tới dựng rạp ngoài sân. Các ông tai to mặt lớn sẽ dự tiệc trong nhà. Những người ít quan trọng hơn ngồi ngoài rạp. Ông bà Cả mời người em dâu thứ Bảy tới chỉ huy đám hỏa đầu quân. Bà Bảy Lân là con gái một ông Huyện Hàm bên Long Xuyên. Trước khi về nhà chồng đã học tất cả nghệ thuật nấu nướng với bếp Tây, bếp Ta, bếp Tàu. Một khi bà đã ra tay thì dầu người khó tánh cách mấy cũng không thể vạch lá tìm sâu, chê ở điểm nào được. Nhờ bà mà đám cháu chồng cô nào cũng khéo léo về nữ công nữ hạnh.
Chiều hăm ba thì mấy anh chị cậu Út về đông đủ. Cô Hai Bạch lấy chồng về Tân Châu, nơi nổi tiếng sản suất lãnh Mỹ a. Cô Bảy Sương lấy chồng về Nha mân. Cô Tám Ánh theo chồng về Đốc Vàng. Cậu Ba Đạt, cậu Năm Tiến và cậu Sáu Tánh cưới vợ Sài gòn rồi đóng đô trên đó luôn. Nói cho ngay, mấy nàng dâu này cô nào cũng có ở với bà Cả một thời gian. Nhưng không quen nếp sống ở thôn quê, nên chỉ ít lâu họ nằng nặc đòi chồng phải trở lên Sài gòn. Vì lẽ đó bà Cả không được “mặn” lắm với mấy bà dâu văn minh quá thế này. Nhứt là bà dâu thứ năm. Gia đình bà này vốn còn giàu có sang trọng hơn gia đình chồng. Hôm đám cưới, cô dâu chỉ đeo nữ trang hột xoàn. Nhà trai đưa sính lễ một miếng mề đay, đôi bông và chiếc cà rá nhận hột xoàn lóng lánh. Lúc cô dâu ra chào hai họ, bên đàng trai rụng rời vì cô dâu đeo chồng lên trên bộ nữ trang bên nhà trai cho, một bộ khác hột lớn và chiếu hơn thấy rõ! Nội chuyện đó cũng làm cho bà Cả “ghim” trong bụng. Rồi về làm dâu, tuy trong nhà có kẻ ăn người ở, nhưng nàng dâu cũng phải làm “phận sự” thức khuya dậy sớm trông nom. Sau một tháng chịu đựng, bà dâu đài các này tuyên bố một câu xanh dờn:
-Trời đất ơi, nội cái chuyện má bắt tui dậy sớm là tui đủ chêêết rồi. Nói chi tới chuyện hầu hạ cơm nước ngày ba bữa. Thôi tui về Sài gòn, chớ ở đây trước sau gì có ngày tui cũng ...chêêết!!!
Trước lời buộc tội sặc mùi “sát khí” trắng trợn này, bà Cả đành...á khẩu luôn. Rồi không muốn mang tiếng là đao phủ thủ, bà đành ngậm hờn để cậu Năm xách gói theo vợ lên Sài gòn. Chỉ có mợ Tư Tâm quê bên Mỹ Hiệp, nên dễ thích nghi với nếp sống của gia đình chồng. Tuy đôi khi cũng gạt lệ khóc thầm, buồn nhứt là không có chồng bên cạnh để an ủi vỗ về lúc bị mẹ chồng tiếng bấc tiếng chì!
Trưa hăm bốn ông bà Cả cùng Út Khanh, thêm hai chị gái xuống ghe hầu trực chỉ Hồng Ngự. Hôm sau mới rước dâu. Chiếc ghe lần này được treo đèn kết hoa rực rỡ. Lễ vật cũng rình rang hơn hôm đám hỏi bội phần..
Trước cổng nhà cô dâu được trang hoàng bằng lá đũng đỉnh, có treo tấm bảng vẽ chữ Vu Quy màu đỏ thiệt nổi. Đàng trai xin rước dâu sớm để còn về Cao Lãnh. Vì vậy mới chín giờ sáng buổi lễ đã bắt đầu. Rồi sau bữa tiệc đơn giản do nhà gái đãi, ông bà Cả, ông bà sui gái, tân lang và tân giai nhân, vợ chồng bà mai Sáu Sơn cùng hai người con gái ông bà Cả xuống ghe hầu. Những người đưa dâu đi một chiếc ghe khác cũng được kết bông hoa rực rỡ. Nhờ xuôi con nước nên mới quá ngọ đoàn rước dâu đã về tới. Đám con nít canh dưới bến lập tức chạy lên thông báo. Thằng Đức cầm sẵn cây nhang, đợi đoàn người từ dưới ghe lên tới cổng là châm ngòi, dây pháo hồng dài ba thước treo trên nhánh cây cam ngoài sân. Pháo nổ dòn tan văng xác đỏ cả sân. Đám nhỏ reo hò, tranh nhau lượm pháo lép.
Tội nghiệp Út Khanh, bữa nay diện đôi giày mới da còn cứng nên đau đớn quá chừng. Vậy mà cũng phải nghiến răng chịu đựng, không dám than một lời! Cô dâu mặc chiếc áo cưới bằng cẩm nhung màu cánh sen. Sáng nay bà Cả có cho thêm bộ dây chuyền nách và hai chiếc vòng chạm long phụng, thêm bộ cà rá cửu khúc liên hườn. Tất cả bằng vàng y. Cô dâu đeo hết nữ trang nhà chồng cho, cộng thêm một số bên đàng gái tặng, thành thử trên mình cô vàng chóe...vàng là vàng...
Trong thân tộc có ông bà Hương Chủ Nghi, ông bà Bảy Lân là em ông Cả. Ông bà Hội Đồng Danh là anh rể bà Cả. Tân lang và tân giai nhân đứng trước bàn thờ làm lễ. Đèn nến sáng choang, hương trầm nghi ngút, không khí trang nghiêm. Nhưng trong lòng mấy bà thím, bà dì giống như dầu sôi lửa bỏng. Từ lúc thấy cô dâu, mấy bà đột nhiên...thất sắc! Đợi nghi lễ xong xuôi, cô dâu được đưa vô phòng thay áo, mấy bà lập tức rút vô nhà sau. Bà Hội Đồng Danh ra lịnh:
-Con vợ thằng Tâm ra kêu cô Sáu Sơn vô đây cho tao.
Mợ Tư lập tức chạy đi. Cô Sáu vừa mới ló đầu vô chưa kịp hỏi có chuyện gì thì đã nghe tiếng bà Hội rít lên:
-Trời đất ơi, thằng Khanh có đui què (cái này thì có chút chút, nhưng lòng thương cháu khiến bà...quên mất), sứt mẻ gì đâu mà cô Sáu nhẫn tâm (?!) đi làm mai cho nó một con vợ đầu đít có một tấc như vậy?
Bà Bảy Lân cũng phụ họa:
-Ứ hự, thấy con dâu rồi tui bủn rủn tay chưn, hết muốn nấu nướng gì nữa!
Cô Sáu đang cười tươi như hoa, bỗng dưng bị mấy bà tấn công tới tấp bèn phát sùng:
-Ủa, lúc anh chị Cả nhờ làm mai đâu có ra điều kiện cô dâu phải cao thấp bao nhiêu? Ảnh chỉ nói cần nhứt con nhỏ hiền thục...
Bà Hội ngắt ngang:
-Nhưng thằng Út cao nhòng. Con dâu đứng tới nách nó coi giống y đôi đũa bị so le, cô không thấy chướng mắt sao? Rồi nó còn sanh con để cháu cho nhà mình.
Cô Sáu đâu chịu thua:
-Mấy chị chê rậm rề sao hồi đó hổng ai làm ơn kiếm vợ dù cho thằng Út?
Bà Cả ở ngoài bước vô nghe mấy bà cãi lẫy liền can:
-Thôi, nó có thấp một chút cũng hổng sao, miễn mặt mũi dễ coi, tánh tình hiền hậu. Chị Hội à, thằng Khanh nhà mình hổng được lanh lợi. Kiếm mấy đứa đẹp quá e sau này...sanh chuyện.
Nghe phân tách cũng có lý, tuy vậy mấy bà vẫn hậm hực không vui. Bà Bảy tiếp tục chỉ huy đám thợ nấu và bà Hội vùng vằng trở lên nhà trên tiếp khách. Như thường lệ, khách khứa ai cũng tấm tắc khen tài nấu nướng của bà Bảy Lân.
Cô Hai Tú, con ông bà Bảy gả về Sa Đéc năm ngoái, đang mang bầu gần ngày sanh nên xin về nhà cha mẹ ruột. Tính ra khoảng rằm tháng giêng mới tới ngày, nhưng sẵn dịp đám cưới Út Khang cô về sớm để dự luôn thể.
Bụng dạ nặng nề, đi đứng khó khăn nên cô được giao nhiệm vụ ngồi một chỗ đơm rau sống ra dĩa. Quan khách vừa bắt đầu nhập tiệc thì cô bỗng thấy bụng đau lâm râm. Bà Bảy vội kêu con Na, người giúp việc của bà cũng tới phụ đám, dìu cô Hai về nhà nằm nghỉ. Bà nói chắc tại cô ngồi lâu quá nên đau bụng. Buổi tiệc vẫn tiếp tục vui vẻ tưng bừng. Độ nửa tiếng sau, con Na chạy trở lại mặt mày hớt hãi:
-Thưa bà Bảy, cô Hai bây giờ còn đau gắt hơn hồi nảy. Cổ kêu tức lưng dữ lắm. Ngồi cũng hổng được làm con sợ quá.
Bà Bảy Lân vội vàng lau tay vô cái khăn rằn rồi nó:
-Cha, điệu này chắc con Hai dám sanh sớm lắm à. Mấy bữa nay tui thấy nó đi tiểu thường hơn lúc trước. Thôi để tui dìa đẳng coi sao.
Nói rồi bà tất tả đi thẳng ra cửa hông. May mà hai nhà cách nhau chỉ độ trăm thước. Chưa tàn cây nhang, con Na lại tái xuất hiện, lần này mặt mày nó cắt không còn hột máu:
-Bẩm bà Cả, bà Bảy con nói cô Hai chuyển bụng. Bà Cả làm ơn sai anh Đức đi rước bà mụ giùm. Con phải dìa đẳng liền.
Nói rồi không đợi bà Cả trả lời trả vốn, nó vắt giò lên cổ chạy trở về nhà. Nghe tin đó mấy ba đều lo lắng. Bà Hội nói:
-Thôi tiệc cũng sắp tàn. Để con vợ thằng Tư coi được rồi. Để tui với con Hai Bạch lại đằng chị Bảy coi giúp được gì hông.
Lúc hai người bước vô buồng thì thấy cô Hai Tú đứng vịn cây cột mùng chịu trận, mặt mày nhăn nhó lộ vẻ đau đớn vô cùng. Bà Bảy đang lăng xăng sai con Na nấu nước sôi. Còn bà lo soạn khăn lông, tã lót, áo cho en bé...Cô Hai Bạch bước lại lấy tay xoa xoa bụng cô em họ, miệng cổ võ liên hồi:
-Ráng lên em, ráng lên. Đau càng nhiều thì sanh càng lẹ.
Cô Hai Tú đau quá, mồ hôi nhỏ giọt trên trán, thều thào:
Chắc chết quá chị Hai ơi! Đau gì mà đau dữ thần vầy nè. Em chịu hết nổi rồi chị ơi. Biết vậy hồi đó hổng thèm có bầu!
Bà Hội vừa sờ bụng cô hai Tú vừa la:
-Ý, nói bậy nà. Chết đâu mà chết. Ráng chịu đau chút xíu, chừng đứa nhỏ ra là hết liền. Bây hổng nghe người ta nói đau như đau đẻ đó sao? Chèn đét ơi, cái thai nó sụt tuốt xuống rồi đây nè. Còn bà mụ làm cái giống gì mà lâu tới quá vậy hổng biết nữa. Coi chừng nó sanh rớt.
Bà Hội vừa dứt tiếng, cô Hai Tú kêu:
-Con mắc đi cầu quá má ơi.
Bà Bảy vội lấy cái bô để giữa buồng biểu con gái:
-Con đi đại vô đây đi.
Nhưng cô Hai Tú mắc cỡ không chịu ngồi xuống. Bà Hội dỗ dành:
-Đi đại vô bô đi con. Đây có ai lạ đâu mà mắc cỡ.
Khi mắc rặn quá cô Hai đành ngồi xuống bô rặn một hơi, mặt mày đỏ ke, mồ hôi nhỏ giọtù. Bà Bảy ngồi một bên đỡ con. Cô Hai Bạch cầm quạt quạt lia lịa. Cô Hai Tú rặn tới lần thứ ba thì bỗng có tiếng con nít ọ ẹ yếu ớt trong ...bô!
Bà Hội hoảng kinh la lớn:
-Chèn ơi, con Hai sanh rồi!
Hai bà lính quýnh nhấc cô Hai lên để kéo cái bô ra. Trong khi đó cô Hai Bạch lôi đại cái mền trên giường xuống rồi trút đứa nhỏ ra đó. Đứa nhỏ là con gái, nhỏ xíu, đỏ hỏn, giống như con mèo ướt. Cả ba còn đang quýnh quáng chưa kịp cắt rún cho đứa nhỏ thì bà mụ vừa tới kịp, theo sau là dượng Hai. Mọi người thở phào, giao sản phụ lại cho bà này làm phận sự. Đứa nhỏ chưa tắm xong cô Hai bỗng la lên:
-Ui da, má ơi con còn muốn rặn nữa!
Mọi người kinh hãi nhìn nhau, không ngờ cô sanh song thai. Cô Hai nói rồi gồng mình rặn một hơi dài: thêm một đứa nữa chun ra. Bà mụ vừa kịp giao đứa đầu cho bà Bảy là quay qua đón liền đứa thứ nhì. Dượng Hai nghe xôn xao trong buồng, nóng ruột khoác tấm màn thêu thò đầu vô định hỏi, nhưng bị bà Hội đồng xô ra:
-Đàn ông hổng được xớ rớ vô mấy chỗ này, dơ lắm! Để chút nữa dọn dẹp sạch sẽ rồi thằng Hai mày mới được vô thăm. Hai đứa nhỏ ngộ lắm!
Dượng Hai Tú há hốc miệng:
-Hai đứa?
Nhưng bà Hội đã quay lưng trở vô. Hai đứa nhỏ giống nhau như hai giọt nước được đặt nằm bên cạnh mẹ. Bà mụ cẩn thận dặn con Na nấu nước nóng, vô bốn cái chai thủy tinh đặt hai bên hông mấy đứa nhỏ cho ấm áp. Bà Bảy ở lại với con gái cho yên bụng. Dượng Hai sau khi vô thăm vợ và chiêm ngưỡng hai cái tác phẩm đầu tay (hơi bất ngờ)ø xong, bèn hớn hở theo bà Hội trở lại đám cưới.
Tin cô Hai Tú sanh song thai được đón tiếp nồng nhiệt. Đến chầu khui sâm banh, mọi người đồng loạt giơ ly thật cao để vừa chúc mừng cô dâu chú rể răng long tóc bạc, vừa mừng dượng Hai Tú mới được lên chức.
Trong sự vui mừng chung, mấy bà đâm ra quên mất sự... thiếu thước tấc của cô dâu và trước khi ra về mọi người không quên cầu chúc hai gia đình một cái Tết thật tưng bừng, náo nhiệt...