Bài thơ nói lên tâm trạng lo âu đầy sợ hãi của con người khi đối diện với cái chết, rồi một ngày nào đó cũng phải đến phiên mình. Cuộc sống thì quá mong manh cái chết lại chắc chắn. Do vậy, sống chết là vấn đề lớn, chúng ta dù cố né tránh cũng không thể thoát khỏi. Có chăng, chúng ta hãy can đảm đối diện với cái chết để tìm hiểu quá trình chết của con người như thế nào? Sau khi chết con ngưòi đi về đâu? Ngõ hầu trong cuộc sống hiện tại chúng ta có sự định hướng và chuẩn bị tư lương trước một cuộc sắp đi xa này.
B. CHÁNH ĐỀ :
I.QUAN ĐIỂM CHẾT CỦA ĐẠO PHẬT VÀ CÁC TÔN GIÁO KHÁC :
Trạng thái chết và sau khi chết con người còn hay mất, nếu còn con người sẽ có sự tái sanh như thế nào luôn là vấn đề nóng bỏng của các nhà tôn giáo, các nhà khoa học cũng như của đạo Phật. Có rất nhiều quan điểm được trình bày xoay quanh chủ đề này. Mỗi quan điểm đưa ra ít nhiều đều có sự biện minh cho quan điểm của mình là chính xác. Tựu trung, chúng ta có thể phân biệt thành ba quan điểm nổi bật trình bày trạng thái chết và sau khi chết như sau:
1. Quan điểm của các nhà khoa học (Duy vật) :
Các nhà khoa học cho rằng con người là một dạng vật chất do tinh cha huyết mẹ tạo thành. Thân mạng này sau khi chết là hết, cát bụi sẽ trở về với cát bụi. Như thế các nhà khoa học chủ trương chỉ có đời hiện tại không có đời sau. Quan điểm này đạo Phật gọi là “Đoạn kiến ngoại đạo”.
2. Quan điểm của các nhà tôn giáo (Duy tâm) :
Các nhà tôn giáo chủ trương con người sau khi chết thân thể tan rã và linh hồn sẽ đầu thai sang kiếp khác. Quá trình đầu thai theo họ, con người nếu sau khi chết sẽ đầu thai tiếp tục làm người, loài trời sau khi chết sẽ tiếp tục đầu thai làm trời... Quan điểm hiện đời làm loại gì đời sau sẽ đầu thai tiếp tục đầu thai làm loài đó của các nhà tôn giáo chủ trương, đạo Phật gọi là “Thường kiến ngoại đạo”.
3. Quan điểm của đạo Phật :
Đối với vấn đề trạng thái chết và sau khi chết như thế nào đạo Phật hoàn toàn không chấp nhận hai quan điểm trinh bày trên. Đạo Phật cho rằng con người (chúng sanh) là một hợp thể của năm uẩn. Do vậy, khi con ngưòi chấm dứt thân mạng phần sắc thân sẽ tan rã, tứ đại trả về với tứ đại nhưng phần tinh thần (thần thức) thì không hoại diệt. Thần thức đó sẽ tùy theo nghiệp thiện hay ác đã tạo trong quá khứ mà thác sanh một trong sáu cảnh giới luân hồi.
Như thế, đạo Phật chủ trương chết chỉ là một quá trình vận động và thay đổi con người từ xác thân loài này xác thân loài khác, dưới sự chủ đạo của nghiệp và nghiệp lực. Chỉ khi nào con ngưòi tự chấm dứt được nghiệp, tức sẽ đạt đến cảnh giới Niết bàn giải thoát thì không còn luẩn quẩn trong vòng sống và chết đầy bi ai khổ luỵ này.
II.TRẠNG THÁI CHẾT :
Tìm hiểu về trạng thái chết và sau khi chết là một vấn đề khó lý giải, nếu không nói là việc làm không tưởng đối với hạng người chưa chứng ngộ như chúng tôi. Do vậy, tất cả những vấn đề được đặt ra và trình bày trong bài viết này chúng tôi đều y cứ theo kinh điển.
1.Các nguyên nhân dẫn đến cái chết :
Theo đạo Phật có bốn nguyên nhân dẫn đến việc chấm dứt thân mạng của một con người (chúng sanh).
a. Sự kiệt lực của nghiệp tái tạo: Thân mạng con người sở dĩ tồn tại là do nghiệp, khi năng lực nghiệp (làm người) từ quá khứ đã hết thì những sanh hoạt của nguồn cơ thể ở trong đó cũng chấm dứt.
b. Tuổi thọ hết : Tuổi thọ dài hay ngắn tùy theo phước báo của mỗi cảnh giới. Khi tuổi thọ con người đã hết (ví như tuổi thọ của con người trong giai đoạn hiện nay trung bình là bảy mươi lăm tuổi), dù nghiệp lực chưa chấm dứt con người cũng phải chết.
c. Nghiệp tái tạo và tuổi thọ đồng chấm dứt: Khi nghiệp tái tạo và tuổi thọ đồng một lúc chấm dứt con người phải chết.
d. Một nghiệp lực ngược chiều ngăn chặn nghiệp tái tạo: Trường hợp nghiệp tái tạo chưa hết tuổi thọ chưa chấm dứt, nhưng do một nghiệp lực ngược chiều thật mạnh ngăn chặn nghiệp tái tạo làm cho con người phải chết. Những cái chết đột ngột, bất đắc kỳ tử... đều rơi vào tình huống này.
Sự chấm dứt thân mạng của con người không thoát ra ngoài một trong bốn trường hợp kể trên. Do vậy, chúng ta dễ cảm nhận được thân phận mong manh đèn treo trước gió của đời ngưòi. Chỉ có việc xả ly huyển thân chứng đắc pháp thân chúng ta mới có thể an tâm yên nghỉ, mới là làm xong việc lớn. Nào ai là bạn tri âm!
2.Tiến trình chết của sắc thân :
Sắc thân con người (chúng sanh) vốn do tứ đại (đất nước gió lửa) giả hợp mà thành. Do vậy, khi thân này hoại chung tứ đại sẽ trở về cho tứ đại. Nói cách khác, tiến trình chết của con người là tiến trình phân tán của tứ đại. Tiến trình chết nơi sắc thân con người lần lượt diễn bày như sau.
a.Địa đại lấn áp thủy đại: Đầu tiên người bệnh cảm thấy cơ thể nặng nề, mệt mỏi, các đốt xương trong thân nhức mỗi vô ngần. Thế nên bịnh nhân có các hiện tượng như tay chân co rút, gân mạch run rãy… Đây là trạng thái địa đại lấn áp thủy đại.
b.Thủy đại lấn áp hỏa đại: Tiếp theo bệnh nhân cảm thấy như có một luồng hơi lạnh từ ngoài xâm nhập vào cơ thể, khiến toàn thân lạnh cóng tợ như nằm trên băng tuyết... Thế nên bệnh nhân có các hiện tượng hơi thở buốt lạnh tứ chi lóng cóng... Đây là trạng thái thủy đại lấn áp hỏa đại.
c.Hỏa đại lấn áp phong đại: Giai đoạn này mạng sống chỉ còn một nửa. Bấy giờ người hấp hối cảm như một luồng hơi cực nóng từ bên ngoài thổi vào thiêu đốt cơ thể, sự nóng bức còn hơn ngồi trên hố lửa... Thế nên bệnh nhân có hiện tượng sắc mặt ửng đỏ, ngực ran nóng, tinh thần tối tăm. Đây là trạng thái hỏa đại lấn áp phong đại.
d.Phong đại phân ly: Sau cùng bệnh nhân cảm nhận như có một luồng gió cực mạnh thổi bạt làm cho cơ thể tan nát như vi trần, đau đớn rã rời. Đến giai đoạn này xác thân đã chết, bốn đại đều phân tán, các giác quan đều bại hoại, chỉ còn thần thức chuẩn bị lìa khỏi thân để tùy theo nghiệp duyên đã tạo trong quá khứ và hiện tại mà tái sanh vào các cảnh giới tương ưng.
e.
Sự chấm dứt thân mạng của con người quả thật là vô cùng đau đớn. Nỗi đau đớn khi tứ đại phân tán trong kinh đức Phật đã dùng rất nhiều ví dụ để diễn bày. Đại để Ngài dạy rằng, nỗi khổ cùa con rùa bị đem đốt trên đống lửa cũng không thể sánh bằng nỗi khổ đau của con người khi tứ đại phân ly. Trong sự đau đớn tột cùng của xác thân ấy mấy ai là người có thể làm chủ có thể an lòng nhớ Phật niệm Phật. Nếu chúng ta suốt đời không nỗ lực dụng công tu hành thì làm sao thoát ra khỏi cảnh “Thiên đường hữu lộ vô nhân vấn. Địa ngục vô môn hữu khách tầm”.
3. Tiến trình chết của tâm thức:
Sau khi Tứ đại phân ly, tâm thức người chết rơi vào trạng thái hôn muội mà không có chiêm bao. Bấy giờ minh liễu ý thức không có tác dụng hiện khởi, không thể biết được cảnh sở duyên của sáu chuyển thức. Tâm thức của con người sẽ tùy theo sự chỉ đạo của Nghiệp đã tạo, từ đó diễn tiến Hiện tượng của nghiệp và Biểu hiện lâm chung có đau khổ hay hạnh phúc dẫn dắt thần thức đi tái sanh.
Theo Phật giáo, có ba giai doạn xuất hiện cho con người thấy khi sắp lâm chung, đó là Nghiệp, Hiện tượng của nghiệp và Biểu hiện lâm chung.
Nghiệp là những hành động thường ngày huân tập, đến khi lâm chung tâm thức sẽ nhớ lại rõ ràng. Hiện tượng của nghiệp là những biểu tượng xuất hiện trong tâm thức người lâm chung dưới hình thức sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Biểu hiện lâm chung là dấu hiệu có tương quan đến cảnh giới mà người chết sắp tái sanh, khiến họ có những biểu lộ lo âu hoặc vui mừng.
Ví như một người lâm chung và tái sanh vào cảnh người. Đối tượng của phần tư tưởng cuối cùng là nghiệp lành. Hiện tượng của nghiệp này là họ thấy mình đang lễ Phật làm việc bố thí... Biểu hiện lâm chung là thân không bệnh khổ, sanh lòng chánh tín, quy y Tam bảo...
Tâm thức tái sanh đó gọi là Tán hữu tâm hay Sanh tử tâm. Tâm này vô cùng nhạy cảm có công năng dẫn dắt thần thức đi tái sanh vào các cảnh giới tương ưng. Cảnh giới thác sanh khổ đau hay hạnh phúc hoàn toàn tuỳ thuộc vào nghiệp lực hiện tiền mà mỗi người đã tác tạo và những sự trợ duyên hộ niệm của Tăng ni cùng Phật tử lúc thần thức chuẩn bị tái sanh.
III.XÁC ĐỊNH CẢNH GIỚI TÁI SANH
Con người lúc sắp chết do sự diễn tiến của Nghiệp và Hiện tượng của nghiệp mà có Biểu hiện lâm chung mỗi người mỗi khác. Cũng như khi sắp chết, xác thân sẽ có những chỗ nóng ấm sau cùng. Tìm hiểu biểu hiện lâm chung và hơi nóng đi ra cuối cùng trên xác thân người chết, chúng ta có thể biết được cảnh giới họ đang chuẩn bị tái sanh.
1. Xác định dựa vào hơi nóng sắc thân
Con người khi chết toàn thân lạnh dần, chỗ nào trên cơ thể còn hơi nóng sót lại là nơi đó thần thức xuất ra khỏi thân. Chỗ nóng sau cùng trên cơ thể người chết giúp chúng ta xác định được cảnh giới tái sanh của họ. Bài kệ trong Đại thừa trang nghiêm kinh luận đã chỉ rõ cho chúng ta vấn đề này.
Đảnh sanh cõi Thánh, mắt sanh Trời
Bụng nóng Ngạ quỷ, tim nóng Người
Bàng sanh nóng ở nơi đầu gối
Nóng ở bàn chân Địa ngục thôi.
Ví như chúng ta sờ vào cơ thể người mới chết, nếu thấy toàn thân lạnh hết chỉ còn hơi nóng ở đỉnh đầu, tất biết người đó được vãng sanh Tịnh độ. Hoặc như toàn thân lạnh hết nhưng còn hơi nóng giữa hai con mắt tức biết ngưòi đó sẽ tái sanh về cảnh trời... Các cảnh giới còn lại chúng ta có thể xác biết qua hơi nóng còn sót lại nơi nào trên cơ thể người mới chết như bài kệ trên đã trình bày.
Có điều, chúng ta cần nên tránh sự hiếu kỳ quá đáng tìm kiếm hơi nóng làm động chạm cơ thể người chết, khiến họ phát sanh phiền não rất dễ đoạ lạc. Việc này nên để những vị tu cao, các Ngài có năng lực vận chuyển hơi nóng đi lên, xác định cảnh giới sắp tái sanh của người mới chết để tìm phương cứu độ.
2. Xác định theo biểu hiện lâm chung
Con người sau khi chết tùy nghiệp mà tái sanh vào cảnh giới tương ưng. Do thần thức cảm nhận cảnh giới tái sanh khổ đau hay hạnh phúc mà tâm thức có lo âu hay sung sướng, biểu hiện qua hình thức trước khi chết. Cho nên, nhìn vào biểu hiện lâm chung của người sắp chết chúng ta có thể đoán định được cảnh giới tái sanh của họ.
Đại để người nào sắp tái sanh về cõi trời… thì biểu hiện sung sướng, thân tâm thơ thới, miệng mỉm cười… Người nào sắp đọa vào tứ ác thú biểu hiện có sự run sợ, thân thể xú uế, tay chân quờ quạng… Chung quy, do cảnh giới tái sanh có khác, mà người chết có những biểu hiện lâm chung không giống nhau (Vấn đề này chúng tôi sẽ trình bày kỹ nơi tiết ba: “Các cảnh giới tái sanh”)
C.KẾT LUẬN.
Trong kinh Pháp cú câu 253, Đức Phật dạy : “ Thân ông bây giờ như lá héo ! Sứ giả thần chết đang chờ ông ! Ông đang đứng trước ngưỡng cửa tử vong! Ông sắp phải làm cuộc lữ hành trên đường trường của cái chết. Vậy mà sao ông chưa chuẩn bị lương thực gì cả?” Chúng ta đang sống và chuẩn bị làm lữ khách trên đường trường của cái chết. Sống và chết luôn là hai việc lớn nhất của đời người, chúng ta dầu muốn dầu không cũng không thể tránh khỏi cái chết. Ai là người có chút lo xa chẳng thể dững dưng qua ngày, buông thả đời mình trong nhục dục, mà ngay bây giờ hãy chuẩn bị lương thực Tín, Hạnh, Nguyện đừng để phải rơi vào cảnh: “Tiền lộ mang mang vị tri hà vãng” (Quy sơn cảnh sách).
Theo quan điểm của Phật giáo thì đời sống của một con người chỉ hoàn toàn chấm dứt khi cơ thể người hấp hối toàn thân lạnh hết. Lúc đó là thời điểm mà thần thức rời khỏi thể xác, giai đoạn này mới được tính là chết. Nếu như khi người bịnh vừa mới chấm dứt hơi thở nhịp tim vừa ngưng đập, nhưng hơi ấm xác thân vẫn còn thì mọi sự cảm thọ của họ vẫn đồng như người đang còn sống, chỉ có điều họ không thể nói năng,…được mà thôi.
Sau khi lìa khỏi xác thân, thần thức đi về đâu ? Quá trình thọ dụng trước khi chưa tìm ra chỗ thọ sanh của thần thức ra sao ? Quá trình nhập thai và cảnh giới thọ dụng trong thai như thế nào ? Đó là những vấn đề chúng ta cần tiếp tục tìm hiểu.
B. CHÁNH ĐỀ
I. TRẠNG THÁI CON NGƯỜI SAU KHI CHẾT
1. Trường hợp nào thọ thân trung ấm?
Thân thể con người vốn do vật chất tạo thành do vậy khi “chết” là sự phân tán của tứ đại, còn phần tinh thần của con người thì không mất mà tuỳ nghiệp thọ báo.Thần thức của con người sau khi lìa khỏi xác thân sẽ rơi vào một trong hai trường hợp sau:
a. Trường hợp không thọ thân trung ấm: Đối với hạng người nào khi sanh tiền hay tạo các nghiệp nhân cực ác ( như ngũ nghịch, thập ác), hoặc hạng người khi sanh tiền đã tu tạo rất nhiều công đức lành ( tu mười điều thiện), hoặc hạng người khi sanh tiền có tâm tín sâu, nguyện thiết, một lòng niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương; hoặc hạng người có công phu thiền định sâu mầu đã đoạn trừ được Kiến tư hoặc, những người này ngay khi vừa chấm dứt hơi thở họ sẽ trực chỉ đoạ vào địa ngục A-Tỳ, hoặc sanh lên cung trời, hoặc vãng sanh về Tịnh độ của mười phương chư Phật, hoặc chứng đắc các Thánh vị.
b. Trường hợp thọ thân trung ấm: Đối với hạng người phổ thông bình thường, khi sanh tiền tuy tạo nghiệp nhưng không rơi vào một trong hai nghiệp cực thiện hay cực ác kể trên. Với hạng người trong tâm họ có nghiệp thiện ác lẫn lộn nên không thể xác định họ thuộc nghiệp ác hay nghiệp thiện, để định sẵn cảnh giới tái sanh tương ưng. Trong trường hợp này, thần thức của những chúng sanh đó phải trải qua giai đoạn thọ thân trung ấm.
2. Thân trung ấm là gì ?
Mỗi con người chúng ta đều có ba thân, đó là thân tiền ấm, thân trung ấm và thân hậu ấm. Thân tiền ấm là thân hiện đời chúng ta đang có là thân vật chất năm hay bảy chục ký lô này. Thân trung ấm là thân sau khi chết, đang ở trong khoảng thời gian tìm kiếm một thân khác tương ứng để nương gá. Thân hậu ấm là thân đời sau tức là thân đã tái sanh vào một cảnh giới khác.
Đúng theo ý nghĩa của chữ thân là “tích tụ” thì sau khi thân này đã chết và chưa tìm ra chỗ đầu thai trong giai đoạn này không thể gọi là thân được. Vì trong giai đoạn này chỉ có thần thức mà thôi, chưa có tinh huyết của cha mẹ hoà hợp và chưa có những nguyên chất khác để tạo thành. Tuy nhiên trong giai đoạn này có thể tạm gọi là thân, vì nó có đủ sự thấy, nghe, hay, biết…nhưng đó chỉ là cái ảo ảnh do thần thức biến hiện, trong kinh Phật có chỗ gọi là “sắc công năng” là cái thân do nơi chủng tử của thần thức hiện hành.
Thân trung ấm còn gọi là thân trung hữu là thân quả báo ở khoảng giữa đời này và đời sau; ví như sau khi ta rời thân tiền ấm nhưng chưa thác sanh vào thân khác, trong khoảng trung gian đó gọi là Trung, do vì quả báo thân này vốn có chẳng phải không, mà con người phải gánh trả nên gọi là Hữu.
II. CẢNH GIỚI THỌ DỤNG CỦA THÂN TRUNG ẤM
Hình dáng màu sắc thọ mạng và thần lực
Trung ấm có hai loại hình sắc xinh đẹp và dung mạo xấu xa. Đại để trung ấm chuẩn bị tái sanh về loại nào thì có hình dáng tương đồng với chúng sanh loài đó. Trung ấm chư thiên đầu hướng lên, trung ấm người, Bàng sanh và Quỷ nằm ngang mà bay đi, trung ấm của chúng sanh ở địa ngục đầu chúc xuống.
Về màu sắc, trung ấm của địa ngục hình rất xấu sắc đen như than. Trung ấm của Bàng sanh sắc nám như khói. Trung ấm của Ngạ quỷ sắc đạm như nước. Trung ấm người và trời Dục giới sắc như vàng ròng. Trung ấm của chư thiên Sắc giới rất đẹp màu tươi trắng sáng tỏ. Về ánh sáng, trung ấm của kẻ tạo nghiệp ác ánh ra sắc đen hay xám như đêm tối, trung ấm của kẻ tạo nghiệp thiện ánh ra sắc trắng như điện trong sáng.
Mắt của thân trung ấm nhìn suốt xa như thiên nhãn không bị chướng ngại, thấy các trung ấm khác và chỗ mình sẽ thọ sanh. Trong giây phút, trung ấm có thể bay vòng quanh giáp núi tu di, lại có thể xuyên qua tường vách núi non không bị chướng ngại. Chỉ trừ bào thai mẹ một khi trung ấm đã vào rồi thì không thể đi ra được và toà Kim cang của Phật, do thần lực của Phật trung ấm không thể vượt qua được.
Thọ mạng tối đa của thân trung ấm là bảy ngày, nếu quá thời hạn mà chưa tìm được chỗ thọ sanh trung ấm sẽ chết đi rồi sống lại, nhưng trong vòng 49 ngày cũng sẽ tìm được chỗ thọ sanh. Trung ấm khi chết, do nghiệp lành hay dữ chuyển biến mà đổi thành thân trung ấm loài khác.
2. Tâm lý thọ báo
Trong thời gian này trung ấm luôn luôn ở trạng thái mờ mịt phiêu phiêu không định. Các ý tưởng buồn vui lẫn lộn làm cho thân trung ấm luôn từ khổ đau sang hạnh phúc thay đổi liên tục. Nói chung thời điểm này tâm thức trung ấm vô cùng thống khổ và bất ổn.
Hoặc do cảm thương thân phận của mình đã chết mà sanh tâm đau buồn thương cảm, hoặc nhân tham luyến vợ con, tài sản mà khó dứt trừ tâm thương yêu trói buộc, hoặc do các tâm nguyện chưa thành đột nhiên cái chết lại đến khiến bứt rứt ngồi đứng không yên, hoặc do oan ức chưa kịp bày tỏ khiến lòng đè nén bực tức mà không chịu nhắm mắt lại…Tất cả những tâm lý đã giày xéo làm cho trung ấm đã thống khổ lại chồng chất thêm thống khổ.
Bấy giờ lại do nghiệp lực quá khứ chiêu cảm, lại có những luồng gió nghiệp cực mạnh thổi nát trung ấm, lại có những ánh sáng chớp loè như giông tố khiến cho trung ấm hoảng hốt sầu lo, lại có những âm thanh vô cùng chát chúa khiến trung ấm đinh tai nhức óc, lại có vô số loài ác quỷ hình thù kỳ dị cầm giáo mác đến đe doạ mạng sống … Tất cả những cảnh tượng rùng rợn ấy đều do nghiệp lực chiêu cảm, khiến cho thân trung ấm sợ muốn ngất hoảng hốt không nơi nương tựa. Bấy giờ trung ấm chỉ mong cầu bà con người sống tạo phước để cứu giúp mà thôi.
Lúc đó lại có những luồng hào quang của chư Phật và ánh sáng của lục phàm phóng đến. Hào quang chư Phật với những đại hào quang rực rỡ và mạnh mẽ như hào quang sắc xanh chói loà, hào quang sắc trắng rong sạch, hào quang sắc vàng trong như bóng ngọc, hào quang sắc đỏ mãnh liệt. Còn ánh sáng lục phàm thì yếu ớt hơn.
Ánh sáng của cõi trời thì hơi trắng, ánh sáng của cõi người thì hơi vàng, ánh sáng của cõi A tu la thì hơi lục, ánh sáng của cõi Địa ngục thì như khói đen, ánh sáng của cõi Ngạ quỷ thì hơi đỏ, ánh sáng của cõi Súc sanh thì hơi xanh. Trong đó thân trung ấm tuỳ nghiệp duyên với cõi nào thì ánh sáng của cõi ấy sẽ rực rỡ hơn. Nhân vì nghiệp duyên bất thiện của kẻ chết, thân trung ấm phần nhiều chỉ thích ánh sáng của lục phàm hơn.
III. TRẠNG THÁI NHẬP THAI VÀ Ở TRONG THAI
1. Trạng thái nhập thai
Theo quan điểm của đạo Phật, sự kết thai của mỗi chúng sanh là do ba điều kiện hỗn hợp là tinh cha, huyết mẹ và thần thức. Tuy nhiên, dù có đủ ba yếu tố nhưng phải đủ các duyên mới hình thành bào thai. Về phần sinh lý, cha mẹ khi giao hợp tinh cha ra mà tinh mẹ không ra, hay ngược lại, hay cả hai đều không ra, lại nếu người mẹ quá mập, hay có các chứng bịnh về phụ khoa, hay uống thuốc ngừa thai. Về phần nghiệp báo, nếu cha mẹ tôn quý mà con ty tiện hay ngược lại cũng không thể thành thai.
Nếu các nghiệp duyên đều thuận, khi cha mẹ giao hợp trung ấm ở xa thấy ánh lửa dục liền bay đến. Lúc đó do túc nghiệp, trung ấm khởi ra vô số vọng tưởng. Như là trung ấm duyên theo tâm dục của cha mẹ phát sanh ý niệm thoả thích lẫn sân hận. Với trung ấm là nam thì đối với người mẹ sanh tâm ái nhiễm, tưởng như đang cùng mẹ giao hợp và sanh tâm ghét bỏ người cha. Với trung ấm là nữ, đối với người cha sanh tâm ái nhiễm tưởng như đang cùng cha giao hợp và sanh tâm ghét bỏ người mẹ. Ngay lúc trung ấm sanh ái tâm sân tâm cũng chính là lúc trung ấm chuẩn bị vào thai mẹ.
Bấy giờ trung ấm bổng có cảm giác nóng hoặc lạnh, hoặc thấy mưa to gió lớn, mây mù nổi lên, hoặc nghe nhiều tiếng huyên náo đáng chán buồn, hay tiếng thanh tao đáng ưa thích, khi các cảnh huyễn này hiện ra trung ấm lại khởi ra mười huyễn tướng khác nhau: Nay ta vào nhà, ta muốn lên lầu, ta lên đền đài cao đẹp, ta lên ngồi trên giường ghế, ta vào am tranh, ta vào chòi lá, ta đi vô rừng, ta vào lùn bụi, ta xuyên qua lỗ tường vách, ta chui vào hàng rào. Khi các tưởng niệm ấy xong trung ấm liền vào bào thai.
2. Trạng thái ở trong thai
a. Sinh lý thọ báo:
Sau khi đầu thai vào loài nào, thai nhi phải trải qua thời gian ở trong thai tương đương với loài ấy rồi mới được sanh ra. Thai tạng khi sanh trưởng đều trải qua tám vị sai biệt :
- Yết la lam vị: Là lúc tinh huyết mới đọng lại còn hơi lỏng như hình mũi tên.
- Yết bộ đàm vị : (còn gọi An phù đà) Lúc thai tạng chưa sanh thịt trong ngoài như sữa đặc.
- Bế thi vị: Là lúc thai nhi mới tượng hình, có dáng hai tay khép lại thịt đã sanh mà còn rất mềm.
- Kiền nam vị: (còn gọi Dà na) Là lúc khối thịt đã hơi cứng có thể xoa rờ được.
- Bát la xa khê vị: (còn gọi Ban la xa khê) Là lúc thai nhục lớn lên hiện ra tướng tay, chân và đầu.
- Phát mao trảo vị: Là lúc tóc, lông, móng tay và chân hiện ra.
- Căn vị: Là lúc phát sanh tay, mắt, mũi, miệng và đường đại tiểu tiện.
- Hình vị: Là lúc các tướng nơi thân hiện ra đầy đủ rõ ràng.
b. Tâm lý thọ báo:
Sơ lược về nỗi khổ đau về tâm lý của thai nhi như thế nào ? Tâm thức thai nhi do chịu sự chi phối của phiền não khiến thai nhi luôn sống trong trạng thái lo âu đầy sợ hãi. Từ nơi vọng tưởng điên đảo chi phối, thai nhi khởi ra các tướng huyễn nghiệp và bị sự tác động ngược lại của cảnh tướng huyễn nghiệp ấy, làm cho đau đớn bức bách và khó chịu vô cùng.
Đặc biệt tâm lý thai nhi trong thời gian trụ thai trãi qua các tướng dị biệt, hoặc có khi thai nhi vọng tưởng điên đảo như thấy mình đang ngồi trên xe ngựa, hay đi thuyền ở lầu cao, nằm trên giường, nghe suối chảy…có khi thai nhi sanh niệm buồn chán đến tột độ, đau đớn bức bách…Chung quy, tâm lý thai nhi không ngoài tâm lý điên đảo vì khởi lòng tham cầu nhưng không được đáp ứng, tâm lý sân nộ chán ghét vì sự luôn thọ dụng sự bất tịnh, tâm lý buồn bực vì sự đàm dãi máu mủ hôi nhơ, tâm lý bức bách vì trong bầu thai ngục tối, tâm lý chán nản đeo đẳng vì không lối thoát. Tất cả những cảnh trạng đó đều không ngoài nghiệp nhân bất thiện trong quá khứ mà thai nhi đã tạo tác để biến hiện thành cảnh thọ dụng bất như ý khi thai nhi ở trong bào thai của mẹ.
C.KẾT LUẬN
Do nghiệp nhân đã tạo trong quá khứ mà phần nhiều chúng sanh sau khi chết đều phải trải qua giai đoạn thọ thân trung ấm. Vì vậy, chúng sanh phải chịu vô vàn sự khổ khi ở trong giai đoạn trung ấm, rồi bao cảnh nhọc nhằn khi vào thai, ở trong thai và khi xuất thai. Để rồi dòng chảy cuộc đời cứ cuồn cuộn cuốn tất cả chúng sanh trôi nỗi dập dìu trong sông mê biển ái đáng ngán đáng sợ dường nào.
Tất yếu đã có thân là có khổ, bởi khổ là do chúng ta có ý niệm chấp ngã về thân như Lão tử nói : “Ngô hữu đại hoạn vị ngô hữu thân” (ta có hoạn lớn vì ta có thân). Chúng ta chỉ có con đường “Thoát ly huyễn thân, chứng nhập pháp thân” mới chấm dứt sự khổ. Con đường đó chư Phật đã diễn bày rõ ràng trong kinh điển. Nói tóm lại, chúng ta chỉ cần “ Nói theo những gì Phật đã nói, làm theo những gì Phật đã làm, nghĩ theo những gì Phật đã nghĩ” tức chúng ta sẽ hoàn toàn thoát khổ. Khổ đau hay hạnh phúc, trói buộc hay giải thoát việc đó hoàn toàn do mỗi cá nhân chúng ta tự quyết định./.
Tùy theo nghiệp nhân con người đã gây tạo trong qúa khứ có sai khác, mà đến khi lâm chung mỗi người hấp hối đều có những biểu hiện lâm chung khác nhau. Hoặc có người biết trước giờ chết vui vẻ niệm Phật mà chết, hoặc có người đầy sự thảng thốt, run sợ… thậm chí có người khi sắp chết đã có những tướng biểu hiện của các cảnh giới Ngạ quỷ, Súc sanh… Như thế tuỳ theo nghiệp nhân thiện hay ác mà con người sắp chết có những biểu hiện lâm chung khổ đau hay hạnh phúc để rồi tái sanh về cảnh giới lành hay dữ. Chung quy, cảnh giới mà con người tái sanh là cảnh giới tương ưng với sự khao khát và thoả mãn tự thân của mỗi người.
Tựu trung các cảnh giới mà con người sẽ tái sanh vào là cảnh giới gì ? Do động lực căn bản nào dẫn dắt thần thức con người đi tái sanh? Sự thọ dụng khổ đau hay hạnh phúc của từng cảnh giới ra sao? Nỗi bình an hay hốt hoảng để tương ứng với từng cảnh giới chuẩn bị tái sanh của con người như thế nào? Các yếu tố cần và đủ để biện minh về sự hình thành một cảnh giới là yếu tố gì? Đó là những vấn đề mà người Phật tử chúng ta không thể không biết.
B. CHÁNH ĐỀ
I. NGHIỆP VÀ CÁC CẢNH GIỚI TÁI SANH
1. Nghiệp – Nhân tố quyết định cho sự tái sanh:
Theo quan điểm đạo Phật con người sau khi chết không phải là mất hẳn, đó chỉ là một trạng thái biến dạng của nghiệp thức. Thể xác phân tán nhưng phần tâm thức tiếp tục cuộc truy cầu trong sự khao khát được thoả mãn về đối tượng ( cảnh giới) tương ứng. Và cứ như thế con người chúng ta khi chưa đạt đến Thánh vị, thì mãi luẩn quẩn trong cuộc rượt bóng bắt hình nơi trò chơi luân hồi huyễn mộng hư hư thực thực này.
Ai là tác giả của cuộc chơi hư hư thực thực này ? Đó chính là nghiệp- là nguyên động lực dẫn dắt con người đi vào tái sanh trong các cảnh giới luân hồi. Nghiệp là những hành động có tác ý, từ nghiệp tạo thành sức mạnh của nghiệp hay còn gọi là nghiệp lực. Nghiệp lực chi phối tái sanh của con người qua một trong bốn loại sau:
a. Cực trọng nghiệp : Nghĩa là những hành động trọng yếu hay là những hành nghiệp nhân cực trọng. Nếu Cực trọng nghiệp thuộc về loại bất thiện đó là những nghiệp như : Ngũ nghịch, Thập ác. Bằng như Cực trọng nghiệp thuộc về loại thiện đó là những nghiệp như : Người chứng đắc các quả vị tứ thiền sắc giới trở lên.
b. Tập quán nghiệp : Còn gọi là Thường nghiệp. Tập quán nghiệp là những việc làm, lời nói hàng ngày chúng ta hay làm và thường nhớ đến ưa thích hơn hết. Những thói quen lành hay dữ dần dần uốn nắn tạo thành bản chất của con người. Ngay trong lúc vô thức đôi lúc nó vẫn hiện khởi. Trong các loại nghiệp thì nghiệp này đóng vai trò rất quan trọng.
c. Tích lũy nghiệp : Đời sống của con người hôm nay là sự tích góp bởi vô số các nghiệp từ trong quá khứ đã tạo. Trong sự luân hồi bất tận con người ai cũng đã tích luỹ cho mình một số lượng lớn tài sản nghiệp. Như thế, Tích luỹ nghiệp là những nghiệp do tích luỹ nhiều đời. Nghiệp này có công năng dẫn dắt con người đi tái sanh, khi ba loại nghiệp trên vắng mặt.
d. Cận tử nghiệp : là nghiệp nhân sau cùng con người nhớ tưởng lúc lâm chung. Tâm niệm sau cùng của con người nếu là niệm ác tức sẽ tái sanh vào một trong các cảnh khổ. Tâm niệm sau cùng của con người nếu là niệm thiện tức sẽ tái sanh vào một trong các cảnh giới lành, đây gọi là Cận tử nghiệp.
Khi con người lâm chung, nếu không có Cực trọng nghiệp hay Tập quán nghiệp nào làm động cơ cho sự thúc đẩy tái sanh thì Cận tử nghiệp sẽ dẫn dắt con người thọ sanh. Hoặc nếu không có cả ba loại nghiệp kể trên thì Tích luỹ nghiệp sẽ dẫn dắt con người tái sanh.
2. Các cảnh giới tái sanh:
Trong vũ trụ mênh mông có tất cả mười cảnh giới mà tuỳ theo nghiệp lực của mỗi người tạo ra, tương ứng để tái sanh vào một trong mười cảnh giới đó. Mười cảnh giới đó bao gồm bốn cảnh giới Thánh và sáu cảnh giới phàm.
Thần thức con người sau khi chết sẽ có hai tình huống xảy ra. Nếu người nào có công phu tu hành đạt đến được cảnh giới nghiệp sạch tình không, tuỳ mức đoạn vô minh vi tế có sâu hay cạn hoặc dứt sạch mà sanh về một trong bốn cảnh giới Thánh là Phật, Bồ Tát, Duyên giác và Thanh Văn. Hoặc như người nào tuy tu hành nhưng chưa đoạn được phiền não, chưa đạt đến cảnh giới nghiệp sạch tình không…nhưng do tâm nguyện khẩn thiết cầu sanh thế giới Cực lạc và thường trì Thánh hiệu Phật A Di Đà, người đó cũng được thoát ly sanh tử, khi lâm chung được vãng sanh về thế giới Tịnh độ của chư Phật, lần hồi tiến tu cho đến ngày thành Phật.
Còn bằng người nào còn nghiệp sau khi chết đều phải tái sanh vào một trong sáu cảnh giới luân hồi. Tuỳ theo nghiệp nhân quả của mỗi con người có sai khác mà họ phải sanh vào cảnh giới khổ đau hay hạnh phúc.Sáu cảnh giới mà con người phải luân hồi qua lại đó là: Thiên đạo, Nhân đạo, A tu la đạo, Súc sanh đạo, Ngạ quỷ đạo và Điạ ngục đạo. Trong đó hai cảnh giới đầu là cảnh giới thiện đạo đây là cảnh giới hạnh phúc, bốn cảnh giới sau là cảnh giới ác đạo là cảnh giới khổ đau. Chung quy, con người trong dòng sống bất tận, phần nhiều vì vô minh che lấp tạo ra các nghiệp lành hay dữ rồi phải tùy theo nghiệp lành hay dữ mà tái sanh vào một trong sáu cảnh giới luân hồi.
II. Luân hồi trong lục đạo
Trong phạm vi bài viết chúng tôi xin trình bày giản lược về cảnh giới thọ dụng và nghiệp nhân tái sanh, biểu hiện lâm chung…trong sáu cảnh giới luân hồi và cảnh giới Tịnh độ mà thôi. Nơi cảnh giới Tịnh độ chúng tôi triển khai về cảnh giới Tây phương Tịnh độ ( thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà) làm đại biểu.
1. Sanh về ác đạo
a. Địa ngục đạo:
Địa ngục tiếng phạn là Nại lạc ca, có nghĩa là Khổ cụ, Phi đạo, Ác nhân… Địa ngục là cảnh giới trong đó không có hạnh phúc, nơi có đầy đủ muôn vàn sự khổ đau mà những người tạo ác nghiệp phải sanh về để trả lại những nghiệp nhân bất thiện trong quá khứ.
a.1 Cảnh giới thọ dụng:
* Khổ lạc thọ dụng:
Chúng sanh ở cảnh địa ngục phải chịu sự thống khổ vô cùng, như trong kinh Địa tạng có dạy: Chúng sanh ở cõi này, một ngày một đêm trải qua trăm vạn lần chết đi sống lại để chịu các khổ báo như ăn hoàn sắt nóng, uống nước đồng sôi, bị kéo lưỡi cho trâu cày…
* Ẩm thực thọ dụng:
Chúng sanh ở cảnh dịa ngục đều dùng thức thực mà duy trì thân. Loại này cũng có thọ dụng phần đoạn thực vi tế, tạng phủ có hơi gió thoảng động, do nhân duyên này mà được sống lâu.
* Dục nhiễm thọ dụng:
Chúng sanh ở cảnh địa ngục không có hành dâm, vì bị quá nhiều sự hình phạt đau khổ.
a.2 Nghiệp nhân và biểu hiện lâm chung:
* Nghiệp sanh tái sanh:
Người nào hiện đời bất tín Tam bảo, tạo các nghiệp cực ác như ngũ nghịch, thập ác…sau khi chết sẽ đoạ vào cảnh giới khổ đau này.
* Biểu hiện lâm chung:
Nếu ai lâm chung, đoạ vào cảnh giới địa ngục sẽ có những biểu hiện sau:
- Nhìn ngó thân quyến với con mắt ghét giận.
- Đi đại tiện, tiểu tiện mà không hay biết.
- Nằm úp mặt hoặc che dấu mặt.
- Thân hình và miệng mồm đều hôi hám.
- Cơ thể co lại, tay chân bên trái chấm xuống đất.
b. Ngạ quỷ đạo:
Ngạ quỷ tiếng phạn Preta, Ngạ là đói khát, Quỷ là khiếp sợ. Ngạ quỷ là chỉ những chúng sanh thường xuyên bị nạn đói khát và khiếp sợ đe dọa đời sống. Thân tướng Ngạ quỷ có nhiều hình thù rất xấu xa, mắt thường con người không thể thấy được. Ngạ quỷ không có một cảnh giới riêng biệt, mà sống trong rừng bụi, ở những nơi dơ bẩn…
b.1 Cảnh giới thọ dụng :
* Khổ lạc thọ dụng:
Chúng sanh ở cảnh giới Ngạ quỷ chịu nhiều phần khổ não về sự đói khát chỉ có chút ít phần vui. Đại để loài Ngạ quỷ phân thành ba loại là: Quỷ đa tài, hạng Quỷ này do đời trước có tu phước nên hiện đời được ăn uống sung mãn có đầy đủ thần lực; loại thứ hai là Quỷ thiếu tài, hạng Quỷ này đời trước tuy có tu phước nhưng không nhiều, nên hiện đời tuy có đủ vật ăn uống nhưng không được như ý và thần lực kém cỏi; loại thứ ba là Quỷ Hy tự, hạng Quỷ này bụng to như cái trống cổ nhỏ như cây kim, bởi do đời trước tham lam bỏn xẻn, nên hiện đời luôn phải chịu cảnh đói khát liên tục…
* Ẩm thực thọ dụng:
Chúng sanh ở cảnh giới Ngạ quỷ đều dùng thô đoạn thực, tức ăn uống những vật thực như con người. Có điều, loài Ngạ quỷ Hy tự ( Quỷ kém phước) chỉ ăn thuần đồ bất tịnh. Loài Ngạ quỷ này khi thấy nước hay thức ăn thì những vật này đều hoá thành máu lửa và cát sạn.
* Dục nhiễm thọ dụng:
Chúng sanh ở cảnh giới Ngạ quỷ do vì có khổ vui xen lộn nên có sự dâm dục.Ở cõi này khi hai giống giao hợp, trong tâm khoái lạc tột độ liền có chất bất tịnh chảy ra.
b.2 Nghiệp nhân tái sanh và biểu hiện lâm chung:
* Nghiệp nhân tái sanh:
Người nào hiện đời tạo những nghiệp ác cộng với tánh hay tham lam keo kiệt, không thích làm các việc lành bố thí, cúng dường…sau khi chết sẽ đọa vào cảnh giới đau khổ này.
* Biểu hiện khi lâm chung:
Nếu ai lâm chung đọa vào cảnh giới Ngạ quỷ sẽ có những biểu hiện sau :
- Thân nóng như lửa.
- Thường lo nghĩ đói khát, hay nói đến việc ăn uống.
- Không đại tiện nhưng đi tiểu tiện nhiều.
- Đầu gối bên phải lạnh trước.
- Tay bên phải nắm lại biểu hiện lòng bỏn xẻn.
c. Súc sanh đạo:
Súc sanh hay còn gọi là bàng sanh. Bàng sanh là loại chúng sanh có xương sống nằm ngang. Lại chữ bàng có nghĩa là “biến mãn” vì bàng sanh có nhiều chi loại và các cõi đều có loài này. Đây là cảnh giới thuần đau khổ, hình thù kỳ dị.
c.1 Cảnh giới thọ dụng :
* Khổ lạc thọ dụng:
Chúng sanh ở cảnh giới bàng sanh chịu nhiều phần khổ về ăn nuốt lẫn nhau, chỉ có chút ít phần vui. Chúng sanh ở cảnh này phải chịu nhiều sự đánh đập, cày bừa, bị banh da xẻo thịt và nấu nướng, bị người nhai nuốt…Nói chung, họ luôn sống trong tâm trạng si mê xen lẫn đầy nỗi sợ hãi.
* Ẩm thực thọ dụng :
Chúng sanh ở cảnh giới súc sanh đều dùng thô đoạn thực. Các loài rồng thường dùng rùa, cá, ếch, nhái…làm thức ăn, loài kim suý điểu dùng rồng làm thức ăn, những vị long vương có phước báo cũng thọ dụng các trân vị như hương phạn, cam lồ, nhưng miếng ăn sau cùng đều biến thành ếch nhái. Còn lại các loài bàng sanh khác đều ăn uống những vật bất tịnh.
* Dục nhiễm thọ dụng:
Chúng sanh ở cảnh giới Súc sanh, do vì có khổ vui xen lộn nên có sự hành dâm. Ơ cõi này khi hai giống giao hợp, trong tâm khởi niệm khoái lạc tột độ liền có chất bất tịnh chảy ra.
c.2 Nghiệp nhân tái sanh và biểu hiện lâm chung:
* Nghiệp duyên tái sanh:
Người nào hiện đời tạo các ác nghiệp cộng với tánh si mê, ngu độn…bướng bỉnh không nghe theo lời dạy của các bậc trưởng thượng, cố chấp không chịu sửa sai, sau khi chết đọa vào cảnh giới khổ đau này.
* Biểu hiện lâm chung:
Nếu ai lâm chung đoạ vào cảnh giới bàng sanh sẽ có những biểu hiện sau :
A tu la còn gọi là A tố lạc dịch là vô đoan chánh, phi thiên…. đây là hạng chúng sanh không bao giờ hớn hở tươi vui, đa số có hình tướng không được đoan chánh tâm luôn sân hận và hay sanh ái dục. A tu la có bốn bậc đó là Thiên A tu la, Nhân A tu la, Ngạ quỷ A tu la và Súc sanh A tu la.
d.1 Cảnh giới thọ dụng:
* Khổ lạc thọ dụng :
Chúng sanh ở cảnh giới A tu la thọ sự khổ vui xen tạp, hoặc nhiều hoặc ít tuỳ theo tội phước hơn kém của mỗi người. Nói chung, A tu la tuỳ theo ở cảnh giới nào thì có sự khổ lạc thọ dụng tương tự như ở cảnh giới đó, vì thế họ không có chủng loại và trụ xứ riêng biệt.
* Ẩm thực thọ dụng:
Chúng sanh ở cảnh giới A tu la thọ dụng có thô đoạn thực và tế đoạn thực. A tu la ở trong Súc sanh, Ngạ quỷ và cõi người dụng các vật bất tịnh. Riêng loài thiên A tu la dù có ăn các món ăn trân vị, song miếng sau cùng tự nhiên hóa ra bùn hay sâu nhái.
* Dục nhiễm thọ dụng :
Chúng sanh ở cảnh giới A tu la có sự hành dâm tương đồng như chúng sanh loài người, quỷ, bàng sanh.
d.2. Nghiệp nhân tái sanh và biểu hiện lâm chung.
* Nghiệp nhân tái sanh :
Người nào hiện đời tuy có tu ngũ giới nhưng tâm còn nhiều sân hận và lòng dục nhiễm, sau khi chết sẽ đoạ vào cảnh giới khổ đau này.
* Biểu hiện lâm chung :
Có thể nói A tu la là một dạng khác của Ngạ quỷ, do vậy biểu hiện lâm chung của người nào sắp tái sanh về cảnh giới A tu la, thời có những biểu hiện như chúng sanh tái sanh về cảnh giới Ngạ quỷ.
Có điều, tại sao trong A tu la có thiên A tu la thế mà loại này vẫn xếp sau nhân đạo. Sở dĩ như thế do vì hạng A tu la ở cõi trời, do tâm sân hận và ái nhiễm của họ mà có sự việc kém hơn cõi người :
- Dù loài này có ăn các món ăn trân vị song miếng ăn sau cùng tự nhiên hoá thành bùn hay ếch nhái.
- Ở trong cõi trời mưa hoa hoặc châu báu, nơi cõi người mưa nước cõi A tu la mưa xuống những binh khí dao gậy.
- Loài người tâm điềm tĩnh nên dễ thực hành theo chánh pháp của Như lai, loài A tu la tâm sôi nỗi hơn thua nên khó tu đạo giải thoát.
2. Sanh về thiện đạo
a. Nhân đạo:
Nhân đạo là nẽo người. Nhân có nghĩa là nhẫn chỉ cho loài người khi gặp cảnh thuận nghịch đều có năng lực nhẫn nại an chịu với duyên phần. Chúng sanh ở cảnh giới này sự thọ hưởng có hạnh phúc lẫn đau khổ chứ không phải thuần khổ như bốn cảnh giới trước. Ở loài này có đầy đủ những thuận lợi để học và thực hành các giáo lý của đức Phật.
a.1 Cảnh giới thọ dụng :
* Khổ lạc thọ dụng :
Chúng sanh trong cảnh giới nhân đạo thọ sự khổ vui xen tạp, hoặc ít hoặc nhiều tuỳ theo nghiệp nhân mỗi người đã tạo ra. Nói chung, bên cạnh sự hạnh phúc đôi chút con người phải bị chi phối tám nỗi khổ lớn. Đó là : Sanh là khổ, bịnh là khổ, già là khổ, tử là khổ, cầu bất đắc là khổ, ái biệt ly là khổ, oán tắng hội là khổ và ngũ ấm xí thạnh là khổ.
* Ẩm thực thọ dụng :
Chúng sanh trong cảnh giới nhân đạo về ẩm thực thọ dụng có tế đoạn thực và thô đoạn thực. Tế đoạn thực là khi ở trong thai thọ dụng huyết phần của mẹ. Thô đoạn thực là ăn những thức ăn như : cơm, rau, cá, thịt…Nói rộng ra, các sự thọ dụng khác như : phòng nhà, chiếu, gối, tắm…cũng gọi là tế đoạn thực.
* Dục nhiễm thọ dụng :
Chúng sanh ở cảnh giới nhân đạo vì có sự khổ vui xen lộn nên có hành dâm. Sự hành dâm tương đồng như loài bàng sanh, quỷ, thần…khi hai thân khác giống giao hợp, trong tâm khởi niệm khoái lạc tột cùng, liền có chất bất tịnh chảy ra.
a.2 Nghiệp nhân tái sanh và biểu hiện lâm chung:
* Nghiệp nhân tái sanh :
Người nào hiện đời có niềm tin kiên cố đối với Tam Bảo và giữ gìn năm giới cấm, có lòng nhân từ hiếu đạo, giúp đỡ yêu thương kẻ nghèo khó, phát tâm bố thí kẻ cúng dường…sau khi chết sẽ được tái sanh vào cảnh giới người.
* Biểu hiện lâm chung :
Nếu ai lâm chung được tái sanh vào cảnh giới nhân đạo sẽ có những biểu hiện sau :
- Sanh lòng chánh tín thỉnh Tam Bảo đến đối diện quy y.
- Thấy bà con trông nom sanh lòng vui mừng.
- Tâm chánh trực không ưa dua nịnh.
- Dặn dò giao phó các công việc lại cho thân quyến rồi từ biệt ra đi.
b. Thiên đạo :
Thiên đạo là nẽo trời, chữ Thiên có nghĩa là thiên nhiên, tự nhiên, lại chữ thiên ở đây còn có bốn nghĩa ẩn : Tối thắng, tối thiên, tối lạc, tối tôn. Chúng sanh ở cảnh giới này thân tướng trang nghiêm hưởng phước lạc tự nhiên, sự ăn mặc thọ dụng đều tùy niệm hóa hiện.
b.1 Cảnh giới thọ dụng :
* Khổ lạc thọ dụng :
Chúng sanh ở cảnh giới này khổ ít vui nhiều. Chư thiên ở cõi dục thọ dụng nhiều phần vui, có ít phần khổ về sự suy não đoạ lạc. Chư thiên ở cõi sắc giới từ sơ thiền đến tam thiền lấy định cảnh làm vui, sự vui cùng cực duy ở cõi tam thiền. Từ tứ thiền cho đến chư thiên cõi vô sắc thì không có khổ lạc thọ.
* Ẩm thực thọ dụng :
Chư thiên ở cõi dục thọ dụng những trân vị như cam lồ, tô đà. Tuy nhiên, tuỳ theo phước báu của mỗi vị sai khác mà có vị thọ dụng đầy đủ có vị thọ dụng không đầy đủ, đồng thời mùi vị của thức ăn có sự hơn kém. Chư thiên ở cõi sắc giới thọ phần tư thực, dùng sự vui thiền định để nuôi sắc thân. Còn chư thiên ở cõi vô sắc thì chỉ có thức thực.
* Dục nhiễm thọ dụng :
Chúng sanh ở cảnh thiên đạo, chỉ có chư thiên ở dục giới là có sự hành dâm, còn chư thiên ở cõi sắc và vô sắc giới đều tu phạm hạnh không có dục nhiễm thọ dụng.
Thiên chúng ở dục giới khi gần gũi với nhau không có chảy ra chất bất tịnh, chỉ nơi căn môn có hơi gió nhẹ thổi ra dục niệm liền tiêu. Trời Tứ thiên vương và Đao lợi có sự giao cảm cũng như loài người. Trời Dạ ma nam nữ chỉ ôm nhau là đã thoả mãn dâm dục. Trời Đâu suất hai bên nắm tay nhau dục niệm liền tiêu. Trời Hoá lạc hai bên nam nữ chỉ chăm nhìn nhau cười là dục sự đầy đủ. Trời Tha hoá chư thiên chỉ liếc mắt nhau là đã xong rồi dục sự.
b.2 Nghiệp nhân tái sanh và biểu hiện lâm chung :
* Nghiệp nhân tái sanh :
Người nào hiện đời tu Thập thiện và chứng đắc các thiền định, sau khi lâm chung sẽ được tái sanh về cảnh trời. Trong đó người nào thành tựu mười nghiệp lành, sẽ tái sanh về cảnh giới Dục giới, người nào tu mười nghiệp lành cọng với chứng đắc một trong bốn thiền định ( tứ thiền) sẽ tái sanh về cảnh trời Sắc giới, người nào tu mười nghiệp lành cọng với chứng đắc một trong bốn không định (tứ không) sẽ tái sanh về cảnh trời Vô sắc.
* Biểu hiện lâm chung :
Nếu ai lâm chung được tái sanh về cảnh trời sẽ có những biểu hiện sau :
- Phát khởi tâm lành.
- Chánh niệm rõ ràng.
- Đối với của cải, vợ con…lòng không lưu luyến.
- Không có những sự hôi hám.
- Ngửa mặt lên và mỉm cười, mà nghĩ tưởng thiên cung đến rước mình…
Lưu ý:
Biểu hiện lâm chung của sáu cảnh giới kể trên không phải con người khi sắp chết mỗi mỗi đều biểu hiện đầy đủ, mà đôi lúc chỉ có những điểm thiết yếu biểu hiện. Lại chúng ta cần phân biệt, ví như hai cảnh giới nhân đạo và thiên đạo thì tâm hồn họ đều trong sạch, nhưng một bên chỉ nghĩ đến thiên cung xao lãng việc đời, một bên thì thương nhớ bà con căn dặn việc nhà. Còn hai cảnh Ngạ quỷ và địa ngục thì tâm hồn họ đều mê man, nhưng một bên thì sanh tâm nóng nảy mất hết sự từ hòa, một bên thì biểu hiện tham lam hay nói đến chuyện ăn uống. Đến như loài Súc sanh thì thân thể tháo mồ hôi tiếng nói khàn nghẹt nhưng còn luyến tiếc bà con…. đó là những điểm dị biệt trong sáu cảnh giới để chúng ta xác định rõ từng cảnh giới tái sanh.
Lại có đôi người đến khi chết tâm hồn trở thành vô ký ( không biểu hiện lành hay dữ như thế nào). Hạng người này muốn dự đoán họ sẽ tái sanh về cảnh giới nào, chúng ta chỉ xác định dựa theo hơi nóng nơi nào trên thân mới có thể quyết đoán được.
III. BA YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH THÀNH TỰU MỘT CẢNH GIỚI :
Xưa nay có một số người quan niệm rằng : Con người chúng ta khi tâm thanh tịnh chính là đang sống trong cảnh giới Tịnh độ, khi tâm đang ngu si, mê mờ…là đang sống trong cảnh giới địa ngục chứ không có cảnh giới Tịnh độ hay cảnh giới địa ngục nào khác. Quan niệm về cảnh giới như thế là hoàn toàn không chính xác, đôi khi dẫn đến nhiều sự ngộ nhận gây tác hại không nhỏ. Với những biểu hiện của tâm con người như thế, chúng ta chỉ có thể nói đó là nghiệp nhân Tịnh độ hay nghiệp nhân địa ngục mà con người đang tạo mà thôi.
Chung quy, cảnh giới mà mỗi khi chúng sanh thọ dụng phải đầy đủ ba yếu tố mới có thể thành tựu :
Vũ trụ quan : Là xác định vị trí địa lý của mỗi cảnh giới, như cảnh Tây phương Tịnh độ là cõi cực kỳ trang nghiêm nằm ở phía tây cõi Ta Bà, địa ngục là cảnh giới thuần khổ đau vị trí ở ngoài mé núi Thiết vi.
Nhân sanh quan : Là xác định thân tướng sai biệt của mỗi cảnh giới, bởi thân tướng của mỗi loài tuỳ theo phước báu có hơn kém mà mỗi loài đều có hình tướng sai biệt, như thân tướng của Thánh chúng cõi Tây phương Tịnh độ thì trang nghiêm đủ ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp, còn thân tướng của chúng sanh ở cảnh giới Ngạ quỷ thì bụng to như trống, cổ nhỏ như kim, thân tướng chúng sanh ở cảnh địa ngục thì xấu xa kỳ dị, đầu trâu mặt ngựa…
Tâm lý quan : Là xác định tâm lý sai biệt của mỗi cảnh giới, như tâm của Thánh chúng cõi Tây Phương Tịnh độ thì luôn thanh tịnh, tâm các Ngài luôn an trụ vào thiền định đồng thọ hưởng pháp lạc của thiền định tương đồng với Phật A Di Đà; còn tâm chúng sanh ở cảnh giới Ngạ quỷ luôn bị sự đốt cháy của đói khát… tâm của chúng sanh ở cảnh giới địa ngục luôn sân hận, sợ hãi…
Như thế, chúng sanh hiện đời gây tạo nghiệp nhân gì sau khi lâm chung sẽ tuỳ theo nghiệp nhân đó mà tái sanh về một trong sáu cảnh giới luân hồi. Do đó, cảnh giới tái sanh chỉ xác lập khi đã đầy đủ ba yếu tố kể trên, nếu chưa đủ ba yếu tố đó thì chưa có thể nói đó là cảnh giới chúng sanh đang thọ dụng. Hay nói một cách khác, ở mỗi cảnh giới đều có vị trí, thân tướng và tâm lý sai khác mà chúng sanh ấy phải thọ dụng.
C. Kết luận :
Tóm lại, bởi do vô minh và ái dục chi phối mà chúng sanh cứ sống rồi chết, chết rồi lại sống, cứ thế mãi mãi trối lăn vào một trong sáu cảnh giới luân hồi. Trong sáu cảnh giới đó, bốn cảnh giới trước hoàn toàn khổ đau, hai cảnh sau trời và người tuy có hạnh phúc nhưng xét lại vẫn thuần là khổ.
Ví như chúng sanh ở cảnh giới địa ngục, thì một ngày một đêm phải trải qua cảnh vạn lần chết đi sống lại bị sự tra tấn của vạc dầu hầm lửa. Chúng sanh ở cảnh giới Ngạ quỷ thì bị sự thiêu đốt của nạn đói khát, ngàn vạn năm cái tên cơm, nước chưa từng nghe huống gì là được ăn no. chúng sanh ở cảnh giới Súc sanh thì bị sự khổ của si mê dày vò, bị người khác banh da xẻo thịt nhai nuốt vào bụng. Chúng sanh ở cảnh giới A tu la thì bị sự sân hận và tham dục chi phối, suốt ngày luôn đánh giết lẫn nhau để tìm cầu sự thoả mãn của xác thịt. Còn chúng sanh ở hai cảnh giới trời, người tuy có hạnh phúc xen lẫn khổ đau nhưng ở cảnh người, chúng sanh phải chịu tướng bát khổ; ở cảnh giới trời vẫn bị năm tướng suy hao. Chi bằng muốn thoát ly sanh tử luân hồi tránh sự nhọc nhằn khi phải làm kẻ lữ khách qua lại nơi tam giới, chúng ta nên cố gắng phát tâm tín sâu, nguyện thiết, chuyên trì danh hiệu Phật A Di Đà. Chúng ta chỉ mong làm sao hiện đời trả chút nghiệp còn lại lâm chung sớm được vãng sanh về nước Phật mà thôi.
Chúng sanh nào hiện đời phát tâm tín sâu, nguyện thiết, chuyên trì danh hiệu Phật sau khi lâm chung sẽ được vãng sanh về thế giới Tịnh độ. Nói chi tiết, thế giới Tịnh độ bàng bạc khắp mười phương, nhưng khi luận bàn về cảnh Tịnh độ làm chỗ quy túc cho chúng sanh ở cảnh giới Ta Bà này, đức Phật Thích Ca Mâu Ni chúng ta đặc biệt nhấn mạnh về thế giới Tây Phương Tịnh độ do đức Phật A Di Đà làm giáo chủ hơn cả
Trong phần giới hạn của bài viết này chúng tôi xin trình bày ba điểm : Sự thù thắng y báo và chánh báo của thế giới Tây phương Tịnh độ. Nghiệp nhân vãng sanh và biểu hiện khi lâm chung. Bốn yếu quyết đưa đến sự thành công của pháp niệm Phật. Cầu nguyện tất cả chúng sanh khi lâm chung được sớm xum vầy nơi cảnh giới Tịnh độ của Phật A Di Đà.
B. CHÁNH ĐỀ :
I. Sự thù thắng y báo và chánh báo của thế giới Tịnh độ (Cực Lạc)
1. Thế nào gọi là Tịnh độ :
Theo lời Phật dạy trong mười phương hư không có vô lượng quốc độ có những trạng huống khổ vui ngàn muôn sai biệt. Nếu phân chia tổng quát, các cảnh giới đó có thể chia thành hai loại là cảnh giới uế độ và cảnh giới Tịnh độ.
a. Cảnh giới uế độ : Là cảnh giới thuần khổ đau, cảnh giới này vốn do cộng nghiệp của chúng sanh duyên khởi. Cộng nghiệp này cảm thành quốc độ y báo chung để chúng sanh tuỳ từng biệt nghiệp thiện ác mà thọ quả báo hoặc khổ hoặc vui.
b. Cảnh giới Tịnh độ : Là cảnh giới hoàn toàn an vui hạnh phúc. Cảnh giới này là do Phật và Bồ Tát hoá hiện ra dùng để làm chốn đạo tràng giáo hoá chúng sanh.
2. Sự thù thắng của y báo và chánh báo.
a. Chánh báo :
- An lạc vô bịnh.
- Thọ mạng lâu dài.
- Thân tướng đẹp đẽ.
- Không có sự bất bình đẳng về giàu nghèo sang hèn.
- Tâm tánh nhu hoà đạo đức cao thượng.
- Đạo tâm kiên cố.
- Mọi người đều do hoá sanh mà có.
- Không có sự sai khác về nhỏ lớn, già trẻ, mạnh yếu.
- Không có nhơ bẩn ô uế.
- Tâm trí phóng khoáng thông đạt.
- Hết luân hồi trong lục đạo.
- Đủ sáu món thần thông.
- Đầy đủ huệ nhãn chánh kiến.
Mười ba món trang nghiêm thanh tịnh trên đây thuộc phần chúng sanh thế gian (chánh báo).
b. Y báo:
- Đất đai bằng phẳng đầy châu ngọc trong suốt, không có khe núi gò lởm chởm và ao rảnh sông ngòi trồi trủng.
- Không có các tai nạn thiên tai như lụt bão, sấm sét, đại hạn, địa chấn gây ra mất mùa đói khát.
- Bầu trời luôn quang đãng, không cần ánh sáng mặt trời, mặt trăng hay đèn nến.
- Tất cả vật dụng luôn luôn mới mẻ, không vỡ, không hư, không mục nát, không cũ nhớp.
- Phong cảnh xinh tươi, cây hoa đẹp đẽ, lầu gác mỹ lệ, không cần nhọc công kiến trúc trang hoàng mà tự nhiên hiện thành.
- Khí trời luôn mát mẻ.
- Âm nhạc nhiệm mầu, hoà tấu tự nhiên hay ngừng dứt tuỳ theo sở thích của người nghe.
- Không có động vật nào khác ngoài loài người trừ sự biến hoá của Phật.
- Hồ nước trong thơm ngọt ngào, cạn sâu ấm áp tuỳ theo sở thích.
- Cảnh vật tiếp xúc gây được khoái cảm nhẹ nhàng, mà không làm chao động đạo niệm.
- Bảy báu và vật dụng tự nhiên thành tựu, để cung ứng đầy đủ mà không cần đến sức người.
- Không có các sự trần lao phiền não.
- Không có nạn nhân mãn, mặc dầu dân số ngày một tăng.
- Nhân dân sống trong cảnh thái bình an lạc, không có tà ma ngoại đạo ức hiếp.
Mười bốn món trên đây thuộc về phần khí thế gian (y báo).
Cảnh giới nào có đầy đủ hai phần y báo và chánh báo trang nghiêm thanh tịnh như thế mới được gọi là cảnh giới Tịnh độ. Ngược lại, cảnh giới nào không hội đủ hai điều kiện y chánh trang nghiêm kể trên thì cảnh đó là cảnh giới uế độ. Cảnh giới Tây Phương Cực Lạc do Đức Phật A Di Đà làm giáo chủ là cảnh giới thanh tịnh trang nghiêm hai mặt y báo và chánh báo, nên được gọi là cảnh giới Tịnh độ của Phật A Di Đà.
II. Nghiệp nhân vãng sanh và biểu hiện lâm chung :
1. Nghiệp nhân vãng sanh:
Theo lời đức Phật dạy trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, người nào muốn được vãng sanh về cảnh giới Tây phương Tịnh độ do đức Phật A Di Đà làm giáo chủ phải tu ba món phước sau :
“Muốn sanh về nước ấy phải tu ba thứ phước, một là hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ sư trưởng, giữ lòng từ bi không giết hại, tu mười nghiệp lành. Hai là thọ trì tam quy, giữ trọn vẹn các giới, đừng phạm oai nghi. Ba là phát lòng bồ đề, tin sâu lý nhân quả, đọc tụng kinh điển Đại thừa, khuyến tấn người khác tu hành. Ba điều như thế gọi là chánh nhân tịnh nghiệp”.
Theo lời sớ giải của đại sư Thiên thai, cho rằng ba món tịnh nghiệp trên thuộc về tán thiện, còn ba món tư lương Tín, Nguyện, Hạnh (trong Kinh A Di Đà ) mới là định thiện ( Định thiện : là dứt tất cả mọi tư lự để tâm ngưng vào một cảnh, Tán thiện : là bỏ ác để tu hành mặc dầu tâm tán loạn ).
Theo kinh A Di Đà, hành giả muốn được vãng sanh thế giới Cực Lạc phải hội đủ ba tư lương là Tín, Nguyện và Hạnh.
- Tín : Tin rằng thật có đức Phật A Di Đà thành lập nước Cực Lạc bằng bốn mươi tám đại nguyện để tiếp dẫn chúng sanh trong mười phương thế giới niệm Phật cầu vãng sanh.
- Nguyện : Nguyện đến lúc lâm chung được Phật A Di Đà và Thánh chúng hiện thân đến tiếp dẫn, sau khi thành Phật trở lại Ta bà hoá độ chúng sanh.
- Hạnh : Là chuyên trì sáu chữ hồng danh “ Nam mô A Di Đà Phật”, niệm cho đến khi đạt được nhất tâm bất loạn.
2. Biểu hiện lâm chung :
Nếu ai lâm chung được vãng sanh về thế giới Cực Lạc sẽ có những biểu hiện sau:
- Tâm hồn không bị rối bời.
- Biết trước giờ chết đã đến.
- Tâm niệm chân chánh không mất.
- Biết trước mà tắm rửa và thay quần áo.
- Tự mình niệm Phật hoặc niệm có tiếng hay niệm thầm.
- Mùi thơm lạ khắp nhà.
- Có hào quang sáng soi rọi vào trong cơ thể.
- Tự nói ra bài kệ để khuyên dạy đệ tử.
- Nhạc trời trổi dậy giữa hư không.
Nếu có ai có đầy đủ các điểm tốt kể trên thì phẩm vị chắc chắn rất cao. Còn ai chỉ được một vài điểm tốt cho đến năm điểm tốt mà thôi, người đó quyết cũng được vãng sanh về Tịnh độ.
III. Bốn yếu quyết đưa đến sự thành công
Theo đại sư Cổ côn ( đời Thanh ), người niệm Phật muốn được thành công phải nắm vững bốn yếu quyết sau :
1. Người niệm Phật không cần tham cầu Tịnh cảnh :
Xưa nay, có một số vị khi phát tâm niệm Phật chỉ lo ham cầu tịnh cảnh ( như cầu thấy Phật hiện thân, cầu thấy cảnh giới Tịnh độ…), chứ không đặt nặng vào việc cầu vãng sanh Tịnh độ, đây quả thật là đại bịnh. Bởi cầu tịnh cảnh mà không cầu vãng sanh Tây Phương, kẻ niệm Phật đó chẳng khác cầu cát mà bỏ vàng, niệm Phật với tâm như thế không phù hợp với ý Phật “chấp trì danh hiệu Phật, một lòng cầu nguyện vãng sanh” (kinh A Di Đà), không thể đạt thành công đức vô lượng và không thể vãng sanh.
2. Người niệm Phật không cần tham thoại đầu “ niệm Phật là ai ?”
Người niệm Phật lấy cái tâm thanh tịnh bản lai của mình mà niệm đức Phật A Di Đà ở thế giới Tây Phương, rồi nhờ đức Phật A Di Đà hiển lộ cái tâm bản lai thanh tịnh của mình. Mỗi khi khởi tâm niệm Phật là tâm ta hướng về tâm Phật, tâm Phật hướng về tâm ta. Tâm ta và tâm Phật rõ ràng, tâm ta và tâm Phật là một, lý cảm ứng đạo giao bất khả tư nghì. Vì thế đương lúc niệm Phật mà đi hỏi niệm Phật là ai, tức là trên cái đầu của mình lại đặt thêm một cái đầu nữa, cỡi lừa mà lại đi tìm lừa.
3. Người niệm Phật không cần dứt trừ vọng tưởng:
Ngày nay có nhiều người tu các pháp môn khác, thấy ai niệm Phật họ bèn khởi tâm chê bai : “ người niệm Phật mà còn vọng tưởng thì không đạt thành kết quả”. Nhưng họ không biết rằng, người niệm Phật tuy còn vọng tưởng vẫn có thể đới nghiệp vãng sanh. Ngài Linh Phong dạy: “kẻ tín thâm nguyện thiết mà tâm còn nhiều vọng tưởng thì kẻ đó sẽ được Hạ phẩm hạ sanh. Tuy là Hạ phẩm hạ sanh nhưng chẳng ngại gì, vì đồng được bậc thiện nhân câu hội chung một chỗ, cùng thọ dụng pháp lạc, há không phải là đại dụng hay sao ?”.
4. Người niệm Phật không cần cầu nhất tâm :
Người tán tâm niệm Phật thường ngày niệm không thoái chuyển, lâu ngày tự nhiên sẽ thành tựu sự nhất tâm. Như thế nhất tâm bất loạn là do tán niệm định số mà thành. Chúng ta niệm Phật tuy không cần cầu nhất tâm nhưng cứ tương tục niệm Phật thì nhất tâm bất loạn sẽ hiển bày.
Trái lại người nào niệm Phật chỉ lo cầu nhất tâm mà bỏ qua pháp tán niệm định số, thì chẳng khác nào kẻ không nấu cơm mà cầu có cơm ăn, không chịu khó học mà muốn thành tài giỏi…là điều không thể xảy ra.
Cho nên, đối với các bậc hữu duyên của tông Tịnh độ, chúng ta chỉ cần lập chí quyết định trì danh niệm Phật mà không cần phải tham cầu tịnh cảnh, không cần xem câu niệm Phật như một câu khán thoại đầu; không cần nghĩ đến chuyện còn vọng tưởng hay không vọng tưởng, không cần phải cầu nhất tâm bất loạn. Mà chúng ta thường ngày cứ chuyên trì Thánh hiệu Phật A Di Đà “ đi, đứng, nằm, ngồi đều niệm Phật”, từ đây cho đến khi chết, chúng ta quyết định sẽ được vãng sanh.
C. KẾT LUẬN
Trên đây, chúng tôi đã trình bày khái lược về sự thù thắng của thế giới Tây Phương Tịnh độ của đức Phật A Di Đà, để rồi chúng ta có sự so sánh giữa cảnh Tịnh độ và sáu cảnh giới luân hồi, thì sự khổ đau và hạnh phúc của Tịnh độ và sáu cảnh giới kia khác xa như trời vực.
Tất nhiên, chúng ta cầu về Tịnh độ không chỉ là vì chán sợ cảnh luân hồi đau khổ, mà vì ở cảnh Tịnh độ là nơi có đủ thắng duyên để chúng ta tu hành. Khi nương vào Tịnh độ tu hành thành Phật rồi chúng ta sẽ cỡi thuyền đại nguyện, trở lại cảnh khổ Ta Bà này để hoá độ vô số chúng sanh, tròn đầy công hạnh Bồ tát đạo. Nào ai là kẻ tự cho mình là hạng người bi lâm lai láng, trí huệ ngập trời lại còn chần chừ mà không chịu cầu nguyện vãng sanh Tịnh độ ư ?
Tiết 6. DỰ BỊ LÚC LÂM CHUNG.
A. DẪN NHẬP :
Con người sau khi chết được vãng sanh về cảnh giới Tịnh độ hay đầu thai vào một trong sáu cảnh giới luân hồi là do động lực nào quyết định ! Theo đạo Phật tất cả mọi yếu tố đoạ lạc hay giải thoát, khổ đau hay hạnh phúc…đều do tự tâm quyết định. Như trong kinh Pháp cú đã từng dạy : “Tâm làm chủ tâm dẫn đầu các pháp…”, hay trong kinh Hoa nghiêm nói: “ Tâm như hoạ công sư, hoạ chủng chủng ngũ uẩn, nhất thiết thế giới trung, vô pháp nhi bất tạo”
Do vậy, tâm thức chánh niệm hay tán loạn của con người khi lâm chung là yếu tố quyết định cho sự vãng sanh hay đọa lạc. Muốn đạt được tâm chánh niệm đó, người Phật tử khi còn sống phải chuẩn bị đầy đủ các duyên như thế nào? Cũng như đến lúc lâm chung tâm mình phải kiên định niệm Phật và thân quyến của người quá vãng phải có sự trợ niệm, tiến vong ra sao? Cách thức cử hành tang lễ sao cho có lợi ích đối với người chết, tránh sự tốn kém không có ý nghĩa? Đây là những vấn đề vô cùng quan trọng, chúng ta cần phải biết để chuẩn bị sẵn, bởi vì những sự chuẩn bị này sẽ có tác dụng thay đổi cả một cảnh giới khổ đau hay hạnh phúc của một đời người.
I. Những dự bị cần thiết cho lúc lâm chung
Với những dự bị cần thiết cho lúc lâm chung, chúng ta cần phải dự bị qua hai phần là dự bị ngoại duyên và dự bị tinh thần.
1. Dự bị ngoại duyên :
a. Kết duyên với bạn đồng tu:
Người niệm Phật khi còn khoẻ mạnh cần phải kết duyên với bạn đồng tu, nhất là những người ở gần mình để sách tấn tu hành và trợ niệm cho nhau khi lâm chung. Tốt nhất là chúng ta nên tổ chức các đoàn niệm Phật trợ niệm; mỗi khi trong đoàn có người nào bịnh nặng mọi người đồng đến thay nhau niệm Phật trợ niệm cho vị đó.
Nếu chúng ta thường đến trợ niệm cho người khác khi lâm chung, sau này khi chúng ta lâm chung, quyết sẽ được người khác trợ niệm; đồng thời mọi việc làm của bà con lúc chúng ta lâm chung do sự chỉ đạo của mình mà mọi sự đều như pháp.
Nên nhớ, chúng ta phần nhiều đều bị nghiệp chướng nặng nề ràng buộc, khi lâm chung nếu không có người khác niệm Phật trợ niệm thì lúc nghiệp phát hiện, thân thể đau nhức, tâm thức dễ bị hôn mê, e khó có thể một lòng tưởng Phật, niệm Phật để cầu nguyện vãng sanh.
b. Mọi việc cần sắp đặt trước
Người niệm Phật khi tuổi già nên đem mọi việc từ nhà cửa, ruộng vườn tài sản…giao lại cho con cháu, lúc đó chỉ lo việc đi chùa, tụng kinh, niệm Phật mà thôi. Lại đến khi bệnh nặng thấy cơ thể mình ngày càng suy yếu nên đem hậu sự sắp đặt trước để khi lâm chung khỏi phải bận tâm.
Tốt nhất khi bệnh nặng nên viết di chúc, ngoài việc giao lại tài sản, nhà cửa cho con cháu, di chúc phải có những điểm sau :
-Khi mình đau nặng hoặc lâm chung, bà con quyến thuộc không được khóc lóc hoặc lộ nét bi sầu , nếu có thật tâm thương yêu hiếu thuận thì chỉ một lòng niệm Phật trợ niệm.
-Trong thời gian tang lễ con cái phải ăn chay, cúng chay, một lòng tụng kinh niệm Phật, làm mọi phước đức để hồi hướng cho người quá cố.
2. Dự bị tinh thần :
Nói về phần dự bị tinh thần nơi đây chúng tôi xin khái lược qua ba điểm:
a. Người niệm Phật phải có nhận thức chính xác về cuộc đời:
Người niệm Phật khi còn sống phải có nhận thức chính xác về cuộc đời, phải biết rằng cuộc đời mà con người phàm phu tham đắm bản chất của nó vốn là khổ, không, vô thường, là có ngã. Chúng ta vì vô minh che lấp mà mãi bị trôi lăn trong dòng sống khổ, không, vô thường, vô ngã này.
Khi xác định được bản chất của cuộc đờI là khổ, không, vô thường, vô ngã, chúng ta sẽ không còn tâm niệm đắm trước nữa mà một lòng niệm Phật cầu nguyện sớm được sanh về cảnh giới Tịnh độ thường, lạc, ngã, tịnh đầy thanh tịnh trang nghiêm của đức Phật A Di Đà.
b. Phải một lòng niệm Phật :
Người niệm Phật muốn chắc thật vãng sanh cần phải tinh tấn niệm Phật từ khi biết pháp môn niệm Phật cho đến lúc lâm chung. Phải có niềm tin kiên cố vào Phật A Di Đà, tin rằng chúng ta ở cảnh Ta bà này niệm Phật thì cảnh giới Tây Phương đức Phật A Di Đà và chư thánh chúng ngày đêm mong ngóng chúng ta sớm về với Ngài. Tin rằng sau khi chúng ta mạng chung quyết định Phật A Di Đà và thánh chúng đồng hiện thân đến tiếp dẫn…
Kế đến người niệm Phật phải có tâm mong cầu giải thoát, phải xem từ tiền của, ruộng vườn cho đến thân bằng quyến thuộc đều là duyên giả tạm, sống tuỳ duyên cảnh chết rủ sạch không, luôn sanh tâm yếm ly Ta bà, một lòng cầu nguyện sớm được vãng sanh về thế giới Cực Lạc.Tâm nguyện kiên cố cầu sanh đó như trong Di Đà sớ dạy: “ Trông về Cực lạc như nhớ cố hương, ngưỡng mến đức Từ tôn như cha mẹ”
c. Cần dứt trừ các mối nghi:
Theo đại sư Từ Chiếu người niệm Phật khi lâm chung thường có ba điều nghi, bốn cửa ải hay làm chướng ngại cho sự vãng sanh. Ba điều đó là: 1- Nghi mình túc nghiệp sâu nặng thời gian công phu tu hành ít e không được vãng sanh; 2-Nghi mình bản nguyện chưa trả xong, tham, sân, si chưa dứt e không được vãng sanh; 3- Nghi mình niệm Phật Phật không đến rước e không được vãng sanh. Bốn cửa ải là : 1-Hoặc nhân bịnh khổ mà trở lại huỷ báng Phật không linh; 2-Hoặc nhân tham sống mà giết vật mang cúng tế; 3-Hoặc nhân uống thuốc mà dùng rượu cùng chất máu tanh hôi; 4- Hoặc nhân ái luyến mà tự ràng buộc với gia đình.
Những điểm nghi ngờ này người niệm Phật cần phải suy nghĩ để dứt trừ, phải nhớ rằng đức A Di Đà Phật đại từ đại bi không bao giờ rời bỏ chúng sanh. Người nào đã phát tâm niệm Phật đến khi lâm chung người đó sẽ được Phật tiếp độ. Chúng ta phải giữ vững niềm tin vào bản nguyện lực cứu độ chúng sanh của đức Phật để dự bị trước cho tinh thần được an ổn lúc lâm chung.
II.SỰ KHẨN YẾU LÚC LÂM CHUNG.
1. Cần một lòng niệm Phật:
Người niệm Phật khi bịnh chưa nặng cũng nên uống thuốc, nhưng khi bịnh quá nặng có thể không cần dùng thuốc. Nên nhớ đến lúc bịnh nặng người niệm Phật cần phải buông bỏ mọi duyên xung quanh, không được đắm trước vợ con tài sản cho đến chính thân tâm của mình, chỉ chuyên nhất một lòng niệm Phật cầu nguyện Phật và thánh chúng đến tiếp độ.
Nếu hơi thở còn dài thì nên niệm bốn chữ A Di Đà Phật, bằng như hơi thở đứt quãng sức khỏe quá yếu thì trong tâm chỉ cần đề khởi một chữ Phật. Bấy giờ người niệm Phật lại quán tưởng Phật A Di Đà và thánh chúng đang hiện thân trước mặt, duỗi tay để tiếp độ mình vãng sanh theo Phật. Trong tâm lúc này chỉ có ý niệm về Phật và cầu vãng sanh chứ không có một ý niệm nào khác.
2. Thỉnh bậc thiện tri thức khai thị:
Lúc bệnh nhân đau nặng nhưng thần thức vẫn còn thanh tỉnh, người nhà nên thỉnh thiện tri thức đến vì người bệnh mà khai thị. Đại khái vị thiện tri thức vì người bệnh mà có đôi lời an ủi, tán thán công đức tu hành mà khi sanh tiền người bệnh đã có được.
Đồng thời nói rõ cảnh khổ của thế giới Ta bà và diễn tả những niềm vui của thế giới Cực lạc, để bệnh nhân phát lòng hâm mộ, thấy Ta bà là cảnh đáng chán miền Tịnh độ là nơi nên nguyện về để phát nguyện cầu sanh. Nếu trong tâm người bệnh còn có đều gì uẩn khúc, nghi ngờ thì nên tuỳ cơ giải thích để cho tư tưởng người bệnh được thông suốt.
Vị thiện tri thức còn có trách nhiệm khuyên bảo người nhà chớ nên sanh tâm buồn phiền khóc lóc làm chướng ngại sự vãng sanh của người bệnh. Phải nên một lòng niệm Phật để trợ niệm cho người bệnh sớm được vãng sanh, khuyên gia đình nên đem tài sản của người bệnh bố thí, cúng dường… để trợ tiến cho sự vãng sanh.
3. Cách thức trợ niệm:
Khi bịnh nhân sắp mãn phần, sự trợ duyên niệm Phật là vô cùng cần thiết. Cách thức trợ niệm cần phải y theo những điều kiện sau :
Trong phòng người bịnh phải thoáng mát không được gây ồn ào, không được cười giỡn và nói chuyện tạp. Bà con không được khóc lóc hay lộ nét ưu sầu để cho người bịnh nghe thấy sẽ sanh tâm bi luyến chướng ngại cho sự vãng sanh.
Thỉnh một bức tượng Phật A Di Đà ( hoặc Thánh tượng Tây Phương tam Thánh) để trước mặt sao cho người bịnh trông thấy, cắm bình hoa tươi và đốt lò hương nhẹ. Người trợ niệm tuỳ theo số nhiều hay ít, chia thành hai hoặc ba ban luân phiên niệm Phật. Các ban phải canh đồng hồ ( mỗi ban khoảng nửa giờ ) mà chuyền nhau, đừng để cho câu niệm Phật gián đoạn, ít nhất là sau khi bịnh nhân tắt thở khoảng tám giờ đồng hồ mới được ngưng sự trợ niệm.
Lại có điều chú ý, tiếng niệm Phật không được quá bi ai khiến tâm người bịnh sanh luyến ái; lúc sắp lâm chung cho đến sau tám giờ đồng hồ, tiếng niệm Phật phải liên tục và niệm lớn. Khi người bịnh tâm thức qua hôn trầm, bấy giờ người trợ niệm phải kê miệng sát vào tai họ mà niệm mới có thể làm cho người chết được minh tâm.
III. Điều khẩn yếu sau khi mãn phần
1. Khi tắt hơi cho đến lúc truy tiến :
Sau khi người bịnh tắt hơi thở, người trợ niệm vẫn phải chia ban luân phiên niệm Phật cho tới tám tiếng đồng hồ sau, để cho sự vãng sanh được bảo đảm. Trong thời điểm này, người trợ niệm phải cấm không cho gia đình bà con khóc lóc hay rờ rẫm thể xác. Đối với phòng bịnh ngăn không cho người không am hiểu đổ sô vào xúc chạm, không cho chó mèo nhảy vào va chạm người bịnh.
Sau tám giờ đồng hồ, người trợ niệm mới dùng tay nhẹ nhàng thăm dò hơi nóng trên cơ thể người bịnh. Nếu cơ thể ngươi bịnh toàn thân đã lạnh hẳn, thì phải qua hai tiếng đồng hồ mới tắm rửa thay đổi y phục. Ngoài ra không được làm điều gì khác, vì trong khoảng thời gian này người chết tuy không nói được nhưng vẫn còn cảm giác.
2. Cách thức cử hành tang lễ:
Mục đích của việc cử hành tang lễ là nói lên lòng tri ân và thương mến của người sống đối với người quá vãng. Do đó tang lễ phải trang nghiêm thanh tịnh và làm đúng với chánh pháp. Có như thế kẻ còn người mất đều có sự lợi ích.
Điều cốt yếu của tang lễ là làm lợi ích cho người chết, đó là làm sao trợ duyên cho người chết được vãng sanh Tây Phương, chứ không phải là lúc người sống lợi dụng để tiệc tùng hay mua tiếng khen của thiên hạ. Do đó trong đám tang người quá cố thân nhân nên làm đơn giản, đừng quá chạy theo tâm lý thế gian để làm những điều vô ích. Điều cần thiết nhất là gia đình nên ăn chay và cúng chay, đừng sát sanh để đãi đằng cúng tế. Suốt thời gian đám tang, gia đình nên phát tâm tụng kinh niệm Phật và làm những việc phước thiện như bố thí,cúng dường để trợ tiến cho hương linh sớm được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.
3. Những việc cần làm sau đám tang :
Trong thời gian đám tang cho đến bốn mươi chín ngày là thời điểm quyết định cho thần thức người chết được vãng sanh Tây Phương, hoặc được tái sanh về cảnh giới trời, người, hoặc đoạ lạc vào một trong bốn cảnh ác thú. Do đó người bà con nếu có tâm thương yêu người chết, trong thời gian này cần nên phát tâm ăn chay niệm Phật.
Mỗi ngày ba thời người thân quyến nên đối trước bàn Phật ( hoặc bàn vong ) lớn tiếng niệm Phật, mỗi thời độ khoảng nửa giờ đồng hồ rồi đem công đức hồi hướng cầu nguyện người chết sớm được vãng sanh. Lại trong thời gian này, thân quyến nên đem những tài sản của người chết mà làm các việc phước thiện để hồi hướng cho người chết.
Có điều, người thân quyến muốn được sự lợi ích cho người chết khi tụng kinh niệm Phật phải có tâm tha thiết chí thành, đồng thời phải ăn chay cử rượu thịt và không nên quan hệ vợ chồng trong thời gian bốn mươi chín ngày để cầu nguyện.
C. KẾT LUẬN :
Chúng sanh vì nghiệp duyên sai khác mà sau khi chết phải tái sanh vào một trong sáu cảnh giới luân hồi. Tất nhiên còn sanh tử là còn khổ đau, chỉ có sự chấm dứt sanh tử được vãng sanh về thế giới Tịnh độ, chúng ta mới đạt đến sự hạnh phúc tuyệt đối.
Nên biết, việc lớn nhất của con người là sanh tử, như Cổ đức đã từng dạy : “ Sanh tử đại sự, tấn tốc vô thường”. Nhưng muốn chấm dứt nỗi khổ sanh tử đòi hỏi phải có sự nỗ lực tự tu của cá nhân và các duyên tố của thiện hữu tri thức giúp đỡ lúc lâm chung.
Để khi lâm chung một lòng niệm Phật cầu nguyện vãng sanh Tây Phương, ngay bây giờ chúng ta phải có sự chuẩn bị từ nội nhân ( tinh thần ) cho đến ngoại duyên, kẻo không chuẩn bị đủ các duyên như thế, thì chúng ta những người niệm Phật đã có duyên lành tu tập, thế mà chẳng khác nào xảy ra cảnh kẻ đã leo lên thuyền giải thoát rồi lại rơi xuống sông và mãi mãi chìm đắm trong dòng sông sanh tử luân hồi.
Trong kinh Pháp hoa phẩm phương tiện đức Phật có dạy: “ Chư Phật vị nhất đại sự nhân duyên xuất hiện ư thế dục linh chúng sanh khai thị ngộ nhập Phật chi tri kiến”, có nghĩa là: “ Các đức Phật vì một nhân duyên lớn xuất hiện ở thế gian, đó là khai thị tri kiến Phật cho tất cả chúng sanh để chúng sanh ngộ nhập vào tri kiến Phật ấy”. Câu nói đó đã xác định bản hoài của chư Phật thị hiện trong cuộc đời là đưa tất cả chúng sanh đạt đến quả vị giải thoát và giác ngộ, thể nhập vào bản thể uyên nguyên, cái mà trong thiền gọi là “Bản lai diện mục” trong Tịnh độ gọi là “Tự tánh Di đà”. Bản tánh ấy vốn không hình không tướng vượt ra ngoài mọi ngôn ngữ và sự nhận thức của phàm phu, nhưng khi vọng tưởng lắng đọng thì bản thể hiện liền.
Cách đây hơn hai mươi lăm thế kỷ, tại vương quốc Aán độ nước Ca tỳ la vệ, dưới cội cây Tất bát la bên dòng sông Ni liên thiền, thái tử Sĩ đạt ta sau bốn mươi chín ngày ngồi tư duy thiền định đã ca lên khúc hát khải hoàn, xác nhận Ngài là bậc đã thành tựu quả vị, bậc đã hoàn toàn chứng được thể tánh, bậc tối thắng trong cõi đời. Nương nơi thể tánh thanh tịnh ấy trải qua bốn mươi chín năm hoằng hóa thuyết pháp độ sanh, với hơn ba trăm hội đàm kinh, những lời dạy của Ngài đã được các hàng Thánh đệ tử kết tập thành ba tạng kinh điển, trong đó triển khai tám vạn bốn ngàn môn tu tập, khai mở cho chúng sanh con đường dứt vọng tưởng thể nhập chân như. Một trong vô số pháp môn tu tập, với sự hành trì rất đơn giản nhưng thành tựu nhiệm mầu đó là pháp môn Tịnh độ.
Tông Tịnh độ là một trong mười tông phái của Phật giáo Trung hoa, Triều tiên, Nhật bản … là tông phải siêu việt được các bậc cao đức liệt vào tông phái đại thừa viên đốn. Nói đại thừa bởi tông này lấy tâm bồ đề làm nhân, lấy quả vị cứu cánh Phật làm quả. Nói viên bởi tông này lý sự vẹn toàn tóm thâu bốn giáo trước ( tiểu thừa giáo, đại thừa thỉ giáo, đại thừa chung giáo, đại thừa đốn giáo). Nói đốn bởi tông này không luận bàn về pháp tướng mà chỉ chuyên ròng về chân tánh, không cần trải qua nhiều thứ lớp, mà tu tập trong một đời có thể chứng lên quả vị Bất thoái chuyển ( A bệ bạt trí ). Đây quả thật là điểm siêu xuất của tông Tịnh độ.
Hệ tư tưởng của Tịnh độ được y cứ và xiển dương trên ba bộ kinh và một bộ luận làm cơ sở nồng cốt để phát huy, đó là Phật thuyết A di đà kinh, Vô lượng thọ kinh, Quán vô lượng thọ kinh (còn gọi Thập lục quán kinh ) và bộ luận Tịnh độ vãng sanh của Bồ tát Thế thân.
Nơi tinh xá Kỳ viên thuộc nước Xá vệ, đức Thế tôn tuyên thuyết kinh A di đà, Ngài tóm lược giới thiệu về vị giáo chủ và y báo trang nghiêm của thế giới Cực lạc, khuyên chúng sanh phát nguyện sanh về thế giới ấy bằng phương pháp chuyên trì danh hiệu Phật, đồng thời dẫn lời tán dương và ấn chứng của mười phương chư Phật để làm tăng tiến niềm tin cho người niệm Phật. Ơû núi Kỳ xà quật thuộc thành Vương xá Ngài tuyên thuyết kinh Vô lượng thọ, diễn tả quá trình hành Bồ tát đạo của tỳ kheo Pháp tạng (tiền thân Phật A di đà), trong khi tu nhân đã đối trước đức Thế tự tại vương Như lai phát bốn mươi tám đại nguyện thù thắng cao cả, để trang nghiêm Phật độ nhiếp hóa quần sanh. Kế đó Ngài trình bày về công đức tu hành, trí tuệ thần biến của Thánh chúng cõi ấy, khiến chúng sanh khát ngưỡng phát nguyện sanh về. Tại vương cung của Tần bà sa la thuộc thành Vương xá, do sự thỉnh cầu của hoàng hậu Vi đề hi, Ngài tuyên thuyết kinh Quán vô lượng thọ, chỉ bày mười sáu pháp quán làm nhân tố để cầu sanh về thế giới Cực lạc. Sau này Thế thân Bồ Tát y cứ vào kinh Vô lượng thọ kinh tạo bộ Tịnh độ vãng sanh luận, tán dương cảnh giới trang nghiêm thù thắng của và xiển dương pháp tu ngũ niệm môn ( lễ bái, tán thán, phát nguyện, quán tưởng, hồi hướng) làm nhân vãng sanh. Ngoài ba kinh một luận trên, còn có rất nhiều kinh luận đại thừa khác như Pháp hoa, Hoa nghiêm … Đại trí độ, Đại tỳ bà sa … đều tán thán và đề cao tư tưởng Tịnh độ.
Khi Phật giáo mới truyền sang Trung hoa, pháp môn Tịnh độ đã sớm hòa nhập vào dòng tư tưởng của người bản xứ. Trung hoa quả thật là mảnh đất mầu mơ để tông Tịnh độ đâm chồi nảy lá. Sau Ca diếp ma đằng và Trúc pháp lan đem Phật giáo truyền vào Trung hoa ( nhằm đời Hán Minh đế năm Vĩnh bình 67 ), kế tiếp có các đại sư Aán Độ sang, phụng sắc chỉ dịch các bộ kinh từ chữ phạn sang hán, kinh sách Tịnh độ cũng được theo đó mà truyền vào.
Thời Đông tấn ( 317 – 419 T2) pháp sư Đạo an (312 - 385) đã làm sách luận về Tịnh độ, mở trường pháp phái nêu rõ chánh tông, phát huy những điểm đặc sắc của Tịnh độ. Dưới thời Tào ngụy (220 – 280 ) Ngài Khang tăng khải (đến Trung hoa 252 ) dịch kinh Vô lượng thọ. Đời Dao tần (còn gọi Hậu tần 354 – 417 ), bậc dịch kinh nổi tiếng Cưu ma la thập (344 – 413 ) phụng dịch Phật thuyết A di đà kinh. Thời Lưu tống (420 ) Ngài Cương lương da xá (383 - 442) dịch Quán vô lượng thọ kinh, từ đó giáo nghĩa tông Tịnh độ đã hoàn bị. Vào đầu thế kỷ thứ năm, hệ tư tưởng đã hình thành tông phái, tín ngưỡng Di đà giáo chính thức khai nguyên. Bậc cao tăng được đăng quang lên ngôi vị khai tổ là Huệ viễn đại sư (344 – 416) ở chùa Đông lâm Lô sơn, lừng danh với hội “Bạch liên xã” mà âm hưởng còn vang vọng đến ngày nay.
Sau đó vào thời Tuyên đế Bắc ngụy (508) Bồ đề lưu chi (sang Trung hoa 508 ) dịch Tịnh độ vãng sanh luận của Bồ tát Thế thân, đây là bộ luận căn bản hoàn chỉnh hệ thống giáo nghĩa của Tịnh độ.
Pháp môn Tịnh độ còn gọi là pháp môn niệm Phật, chữ niệm ở đây có nghĩa là đem tâm thanh tịnh mà tưởng nhớ đến Phật. Thông thường tất cả chúng phàm phu luôn đem tâm buông lung theo năm món dục lạc, nhận vọng tâm điên đảo duyên theo sáu trần làm tâm, luôn nhớ nghĩ về quá khứ mơ mộng ở tương lai mà đánh mất thực tại, cho nên tâm thường xáo động. Còn chữ niệm ở đây là một tâm sở trong năm biệt cảnh tâm sở, ý nghĩa của nó là nhớ nghĩ vào hiện tại, buộc tâm vào một đối tượng không rong ruỗi theo niệm trần, nhưng niệm này không hệ lụy vào một cảnh giới nào mà thông suốt cả ba đời, thường hiện rõ trước mặt. Về chữ Phật là chỉ cho bản thể bất sanh bất diệt, cái bản thể chân thật bình đẳng ở nơi chư Phật và chúng sanh. Hành giả niệm Phật là niệm danh hiệu Phật, danh này bao trùm tất cả công đức, trí tuệ, từ bi … của các đức Phật. Do đức lập danh, nhờ danh chiêu cảm đức. Lấy danh hiệu Phật làm cảnh sở niệm, tâm thanh tịnh làm đối tượng năng niệm, thường trú vào bản tánh bất sanh bất diệt ấy tất đạt đến cảnh giới an vui chân thật. Thường trụ vào câu Phật hiệu hay quán tưởng thân tướng trang nghiêm của đức Phật, với tâm thanh tịnh sẽ tạo một năng lực tuyệt đối, khơi dậy tự tánh Di Đà bên trong của mỗi chúng sanh. Từ đó vọng tưởng quyết dứt trừ, cảnh giới lặng mầu sẽ hiển lộ, như trong Quán kinh có dạy: “ Chư Phật Như lai là thân pháp giới, vào trong tâm tưởng của tất cả chúng sanh, cho nên tâm của các người tưởng Phật thì tâm ấy là ba mươi hai tương tốt tám mươi vẻ đẹp, tâm ấy làm Phật, tâm ấy là Phật. Biển chánh biến tri của Phật từ nơi tâm tưởng mà sanh, vì thế các ông phải nhớ nghĩ và quán tưởng kỹ thân của đức Phật kia”
Lập trường của tông Tịnh độ được kiến tạo trên nền tảng của nhân quả, tức có gây nhân mới mong hưởng quả. Điều này xác định, hành giả nếu muốn mai hậu làm thánh chứng ở cảnh giới Cực lạc thì ngày hôm nay phải có tư cách của bậc Thánh. Vì vậy trong cuộc sống hiện tại, hành giả cần phải thường xuyên cải hóa thân, khẩu, ý, hướng đến chiều hướng thanh tịnh. Ví như học trò trong việc học tập phải có sự tiến bộ, từ lớp nhỏ tiến lần đến lớp lớn, có như vậy mới mong có ngày đỗ đạt. Người niệm Phật cũng thế, nếu ngày hôm nay cứ sống trong sự buông thả, không chịu nổ lực tinh tấn tu hành, mà cứ van xin và tin rằng mai kia Phật sẽ cứu độ; nếu tin như thế thì thật là trái lý nhân quả, chẳng khác nào luận thuyết của ngoại đạo và hoàn toàn không phù hợp với giáo lý nhà Phật.
Vẫn biết pháp môn niệm Phật là một trong các pháp môn phương tiện siêu thắng, cho dù đến bậc Đẳng giác còn chưa thấu triệt rốt táo, và nguyện lực tối thâm của đức A di đà thật là vô tận, hàm nhiếp tất cả mọi nguyện lực của mười phương ba đời chư Phật, đối với nghiệp lực của phàm phu, ngay cả đến các bậc Sơ địa Bồ tát nếu không nương vào oai lực tiếp độ của Phật, chỉ nương nơi sức tự lực tu hành của mình cũng không thể vãng sanh. Nhưng tha lực ấy chỉ thành tựu trên cơ sở hành giả phải có sức tự lực. Ví như người mẹ luôn luôn nghỉ đến con nhưng người con không nghĩ đến mẹ thì mẹ dầu thương con cũng đành cam chịu. Tha lực của đức Phật cũng thế, mặc dầu là vô song, nhưng điều quan trọng ở điểm là hành giả có hội đủ tư cách tu trì, có chân thành chịu nhận sự tiếp độ ấy hay không. Có rất nhiều người tu Tịnh độ không nhận ra được lý này, rồi quan niệm đức Phật như một đấng thần linh luôn ban ân cứu rỗi và cảnh giới cực lạc chẳng khác nào thiên quốc của thần giáo, để rồi từ đó có lắm kẻ thiển cận cho rằng pháp tu Tịnh độ là pháp ngoại đạo mê tín dị đoan hoặc là hành môn của hạng hạ căn. Đây quả thật là những ngộ nhận sai lầm đáng tiếc đã xảy ra.
Tóm lại, người niệm Phật muốn vãng sanh Tịnh độ ngoài lực hộ trì tiếp dẫn của Phật cần phải có chánh nhân Tịnh độ. Theo kinh Quán vô lượng thọ, hành gỉa phải hội đủ ba điều kiện sau:
“ Một là hiếu dưỡng phụ mẫu phụng thờ sư trưởng, giữ lòng từ không sát hại tu tập mười nghiệp lành. Hai là thọ trì ba pháp quy y, đầy đủ các giới, không phạm oai nghi. Ba là phát Bồ đề tâm, tin sâu lý nhân quả, đọc tụng kinh điển đại thừa, khuyên người khác cùng tu …”
Trên đây là chánh nhân Tịnh độ, là điều kiện cần và đủ của người phát nguyện vãng sanh Tây phương. Ba điều này có thể tóm thâu vào hai việc, một là phát Bồ đề tâm, hai là nghiêm trì giới luật.
Điều kiện cần thiết thứ nhất của người niệm Phật là phải phát Bồ đề tâm. Thế nào là phát Bồ đề tâm? là phát tâm trên mong cầu quả vị Phật, dưới mong hóa độ các loài chúng sanh. Người tu Phật nếu không phát Bồ đề tâm dẫu có tinh tấn tu trì thực hành các hạnh lành cũng chỉ là nhọc công vô ích mà thôi. Trong kinh Hoa nghiêm có dạy: “Vong thất Bồ đề tâm, tu chư thiện pháp, thị danh ma nghiệp” (Quên mất tâm bồ đề, dẫu tu các hạnh lành, cũng đều là nghiệp ma). Vì vậy người tu tịnh độ muốn thành tựu ước nguyện giải thoát thì trước hết phải phát Bồ đề mà niệm, đây là điểm vô cùng quan trọng không thể thiếu đối với người tu Tịnh độ.
Điều kiện cần thiết thứ hai của người niệm Phật là phải nghiêm trì giới luật. Tùy theo giới luật mình đã phát nguyện thọ mà hành trì. Bởi vì bất cứ tông phái nào trong đạo Phật cũng đều không thể ly khai tinh thần giới luật, vì giới luật là nền tảng của đạo, là thọ mạng của Phật pháp. Nếu không có giới thì định huệ không thể phát sanh, giới định huệ đã không phát sanh thì Pháp thân biết nương vào đâu mà thành tựu. Lại đối với tông Tịnh độ giới luật càng thiết yếu, chúng ta có thể nói Luật tông và Tịnh độ tông là hai tông phái hổ trương bao trùm nhau và không thể tách rời nhau. Hai tông này bao trùm toàn bộ tám tông phái khác của Đại thừa, như đại sư Thái hư có nói:“Luật là nền tảng của Tam thừa, Tịnh độ là mái che chung của Tam thừa”. Hành giả gìn giữ giới luật, trên nền tảng đó câu niệm Phật mới hiển lộ hết công năng mầu nhiệm, như trong kinh Quán vô lượng thọ có dạy: “Một câu niệm Phật, có thể tiêu trừ tám mươi ức kiếp sanh tử trọng tội”.
Nhưng muốn cho tâm Bồ đề khỏi bị thối thất và tư cách thánh hạnh được vẹn toàn, tròn đầy chánh nhân vãnh sanh Tịnh độ, người niệm Phật phải hội đủ ba đức tính quyết định, ấy là tín sâu, nguyện thiết và trì chuyên.
Tín là đức tin, là yếu môn để nhập đạo, là cội nguồn của mọi công đức, người tu Phật nếu thiếu mất yếu tố này thì sẽ không thể thoát ly sanh tư, đạt thành kết quả an vui giải thoát. Bởi vì tất cả mọi công đức vô lậu đều nương vào tín mà lập và do tín mà thành, như trong kinh có dạy: “Phật pháp như bể cả, do tín mà vào”. Hành giả ngoài việc có đức tin trong sạch tuyệt đối với Tam Bảo, với sự tìm hiểu bằng kiến chiếu của trí tuệ bát nhã kiên định không ngờ vực, trên nền tảng đo, gia thêm lòng tin kiên cố vào pháp môn Tịnh độ. Đức tin này được dựng lập trên ba điểm. Điểm thứ nhất, hành giả tin rằng đức Phật Thích ca là bậc đã thân chứng Tịnh độ, những lời dạy của Ngài về cảnh giới Cực lạc và khuyên chúng sanh vãng sanh là hoàn toàn thật có. Điểm thứ hai, hành giả tin rằng đức A di đà với bốn mươi tám đại nguyện độ sanh vĩ đại, nếu ai mong cầu sanh về thế giới của Ngài thì người ấy sẽ được tiếp độ. Điểm thứ ba là hành giả tin vào tự tánh thanh tịnh, vào khả năng sẵn có của mình, nếu hiện đời quyết tâm niệm Phật thì tương lai quyết định vãng sanh Tịnh độ.
Trên nền tảng của tín, hành giả cầu sanh Tịnh độ cần phải có đủ yếu tố thứ hai là khẩn thiết phát nguyện. Trong Phát Bồ đề tâm văn của đại sư Tĩnh am có dạy: “Nhập đạo yếu môn phát tâm vi thủ, tu hành cấp vụ lập nguyện cư tiên, nguyện lập tắc chúng sanh khả độ, tâm phát tắc Phật đạo kham thành” ( Cửa yếu vào đạo lấy sự phát tâm làm trước, việc cấp thiết tu hành lấy sự lập nguyện làm đầu, nguyện có lập thì chúng sanh mới độ, tâm có phát thì Phật đạo mới thành), lời dạy ấy đã cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của sự phát nguyện như thế nào.
Tâm nguyện cầu sanh Tây phương theo Thiên thai Trí giả đại sư phải hội đủ hai yếu tố là yểm ly và hân nguyện. Tâm yểm ly là tâm chán lìa, hành giả phải ý niệm rằng sắc thân năm ấm này vốn là hư tưởng, chỉ là sự tổ hợp của năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức luôn nhuốm mầu khổ đau và bất tịnh. Thân phận con người so với chư thiên cũng chẳng khác nào bầy giòi chen chúc trong hầm phẩn. Mọi phiền não của cuộc đời luôn cấu xé tâm can, như những mũi tên độc gâm vào da thịt như những trận tra tấn cực hình. Nhờ thường xuyên quan sát như thế hành giả sẽ nhàm chán, đối với thân xác và mọi thú vui của dục lạc ở đời sẽ không sanh tâm đắm nhiễm.
Tâm chán bỏ thế giới Ta bà càng lớn thì ý nguyện mong cầu vãng sanh về Cực lạc càng mạnh. Người niệm Phật chỉ có một ước nguyện duy nhất là mong cầu sớm thoát khỏi lao tù Ta bà hiện tại, nguyện thát sanh về thế giới Cực lạc trong ngày mai. Tâm nguyện tha thiết cầu sanh đó ngàn trâu kéo không lại. Chẳng khác nào như kẻ tha phương trông ngóng cố hương, kẻ xa cha mẹ mong ngày đoàn tụ, như trong Di đà sớ có câu “Trông về Cực lạc như nhớ cố hương, ngưỡng mến đức Từ tôn như cha mẹ”. Trên đây chúng tôi lược nêu ý nghĩa phát nguyện, là yếu tố thứ hai trong sự cầu sanh Tây phương.
Tín nguyện đã đầy đủ nhưng thiếu phần hạnh, người tu Tịnh độ cũng khó thành tựu, vì vậy cần phải chú trọng về vấn đề hành trì. Đại sư Ngẫu ích đã từng dạy: “Được vãng sanh cùng không đều do ở tín và nguyện; phẩm vị cao hay thấp là bởi chỗ hành trì có cạn hoặc sâu”. Tín và nguyện đã có tức đã đầy đủ tư lương, nhưng muốn đạt mục đích hành giả cần phải thực hành các sự nghiệp phước đức trí tuệ, ấy là phải có hạnh. Đây là món tư lương thứ ba của người tu niệm Phật.
Ngoài việc tu tạo phước đức trí tue, và giữ gìn giới luật làm trợ hạnh để cầu sanh, Hành giả cần phải thực hành chánh hạnh. Chánh hạnh ở đây là phát tâm thanh tịnh thường trì Phật hiệu. Theo tông chỉ của Tịnh độ thì pháp niệm Phật bao gồm bốn môn sau.
Một là Thật tướng niệm Phật, đó là nhập vào đệ nhất nghĩa đế niệm tánh Phật bản lai của mình. Bản thể ấy xưa nay vốn thanh tịnh vắng lặng không bị phiền não cấu nhiễm. Hành giả trụ tâm vào tánh Phật bản lai ấy, khiến tâm không vọng đọng không chạy theo niệm trần, tâm lần hồi trong sáng thể nhập vào cảnh giới nhất chân. Hai là Quán tưởng niệm Phật, hành giả quán tưởng chánh báo, y báo trang nghiêm của thế giới Cực lạc, cho đến khi nhắm mắt hay mở mắt, cũng đều thấy cảnh giới Cực lạc rõ ràng.
Ba là Quán tượng niệm Phật, là người tu luôn nhiếp tâm vào hình tượng của đức Phật A di đà, cho đến khi có đối trước hay không đối trước tượng, hình tướng nghiêm của Phật A di đà vẫn hiện ra trước mắt. Bốn là Trì danh niệm Phật, đó là niệm thầm hay niệm ra tiếng bốn hay sáu chữ “ Nam mô A di đà Phật”. Hành giả niệm với tâm tha thiết chí thành không xen lẫn tạp niệm, chỉ chú tâm vào danh hiệu Phật lần hồi sẽ đi vào cảnh giới nhất tâm.
So với ba môn trước thì pháp Trì danh có phần giản dị dễ tu và dễ thành tựu. Đây quả là phương tiện thù thắng trong các phương tiện, là đường tắt trong mọi đường tắt, như trong Di đà sớ có câu: “Ví như chim hạt tung mình đâu bằng đại bàng cất cánh, ngựa ký ruỗi vó đâu bằng rồng chúa tung bay”
Do căn tánh của chúng sanh có sự sai biệt, nên pháp trì danh niệm Phật cũng được các bậc cổ đức chia thành nhiều cách khác nhau, như Phản văn trì danh, Sổ châu trì danh, Tùy tức trì danh, Truy đảnh trì danh, Giác chiếu trì danh, Lễ bái trì danh, Liên hoa trì danh, Quang trung trì danh, Quán Phật trì danh và Ký thập trì danh. Trong ấy có thể nói pháp Ký thập trì danh là pháp tu rất dễ thành tựu và dễ đưa hành giả đi đến cảnh giới nhất tâm.
Sanh tiền đại sư Aán quang thường khuyên các liên hữu áp dụng cách thức này, đó là cách niệm ký số, cứ lấy mười câu Phật hiệu làm một đơn vị, người hơi dài có thể niệm thành hai lượt một lượt năm câu; hoặc chia thành ba lượt, hai lượt đầu ba câu và lượt sau bốn câu. Sau khi niệm đủ mười câu đều lần qua một hạt chuỗi. Niệm theo lối này, tâm đã niệm Phật lại còn ghi nhớ số. Như thế dù không chuyên cũng bắt buộc phải chuyên, nếu không chuyên thì sẽ bị sai lạc số mục. Cho nên pháp này là một phương tiện cưỡng bức làm cho hành giả phải chuyên tâm, rất có công hiệu và đưa đến thành tựu cho người niệm Phật một cách nhiệm mầu.
Ngoài ra, vấn đề quan trọng của pháp niệm Phật là trong khi niệm phải giữ tâm thanh tịnh, bởi tâm thanh tịnh là nhân tố quyết định cho sự thành tựu cảnh giới nhất tâm. Muốn đạt được điều này theo đại sư Aán quang thì : “ Khi hành giả đề khởi câu Phật hiệu, tai phải nghe rõ ràng từng chữ, tâm phải trụ vào câu Phật hiệu, không chạy theo vọng trần, cứ niệm xoay vần và nhiếp tâm liên tục hành giả sẽ tiến sâu vào chánh định”. Theo đại sư Liễu nhất “ Khi tâm chuyên nhất vào câu niệm Phật, quên hết cả thân tâm ngoại cảnh, tuyệt cả không gian thời gian, đến lúc sức lực công thuần ngay nơi niệm trần mà vọng hoặc tiêu tan, tâm thể bừng sáng, hành giả có thể chứng được niệm Phật tam muội”
Trên đây là những điểm chúng tôi trình bày sơ lược về ba yếu tố tín, nguyện, hạnh quan trọng của pháp môn Tịnh độ. Qua đó cho chúng ta thấy được pháp môn Tịnh độ có phần đơn giản dễ thực hành mà kết quả lại cao tuyệt. Môn này quả thật là pháp môn siêu việt, là thuyền từ ra khỏi Ta Ba là cửa mầu để vào Phật đạo “ Xuất Ta bà chi bảo phiệt, thành Phật đạo chi huyền môn”. Sự thành tựu nhiệm mầu ấy được các bậc cổ đức đánh giá : “Tu các pháp môn khác, chẳng khác nào con kiến bò dọc theo ống tre, hành trì môn Tịnh độ như con kiến đục thủng ống tre ra ngoài”.
Phải chăng, pháp môn Tịnh độ là pháp môn duy nhất trong thời Mạt pháp để cho chúng sanh y cứ tu tập, ngõ hầu thoát ly sanh tử luân hồi. Như trong kinh Đại tập nguyệt Tang Đức Phật có dạy: “Mạt pháp ức ức nhân tu hành hãn nhứt đắc đạo, duy y niệm Phật đắc độ sanh tử” (thời Mạt pháp ức ức kẻ tu hành song ít có người đắc đạo, chỉ nương vào pháp môn niệm Phật mà thoát khỏi luân hồi ). Phải chăng đó là mật ý vi diệu, là tình thương bao la của bậc đại trí tuệ đối với chúng sanh căn cơ hèn kém, như trong kinh Vô lượng thọ đức Phật dạy: “Đương lai chi thế kinh đạo diệt tận, ngã dữ từ bi ai mẫn, đặc lưu thử kinh chỉ trụ bách tuế. Kỳ hữu chúng sanh trị tư kinh giả, tùy ý sở nguyện giai khả đắc độ” ( Trong đời tương lai khi kinh đạo diệt hết, ta dùng sức từ bi thương xót, riêng lưu trụ kinh này một trăm năm. Chúng sanh nào gặp kinh này, tùy theo sở nguyện đều có thể đắc độ)
Vì tính cách khế cơ ấy mà từ trước đến nay, không biết bao nhiêu người niệm Phật được kết quả vãng sanh. Sự mầu nhiệm đó như rồng bay phượng múa ngọc chạm vàng khua mà trong “ Tịnh Độ thánh hiền lục” đã thuật lại rõ ràng. Pháp môn này lại bao quát cả ba căn, trên từ các bậc Đẳng giác Bồ tát các bậc đại đức cao tăng, dưới cho đến những kẻ cùng hung cực ác, nhẫn đến các loài súc sanh, như nhồng, sáo, uyên ương, se sẽ … cũng nhờ niệm danh hiệu Phật A di đà mà được thoát ly thân cầm thú vãng sanh về cảnh giới Tịnh độ.
Trải qua bao thế hệ thăng trầm dòng thời gian biến đổi, tất cả mọi tông phái khác có nguy cơ bị hoại diệt hoặc trở thành một triết lý hổ tương. Riêng tông Tịnh độ với tính cách thiết thực đã đứng vững và phổ cập, trở thành một trong hai tông phái lớn của Phật giáo đại thừa, là Thiền tông và Tịnh độ tông. Đây có thể nói là hai tông phái bao trùm toàn bộ tinh hoa, đường lối tu tập của Phật giáo đại thừa.
Với sự tán dương và truyền thừa tông Tịnh độ, từ trước đến nay có biết bao vị cao tăng thạc đức, các bậc văn nhân chí sĩ … đã làm các sở giải, các luận văn, làm truyện, làm kệ, làm phú, làm thơ … để khen ngợi và cùng xiển dương tông phái này.
Ngoài ra các bậc cao đức chuyên tu tịnh nghiệp cầu sanh Tây phương cũng không sao xiết kể, như Bách trượng hoài hải với bản “Bách trượng thanh quy” làm quy củ cho Thiền tông cũng không ra ngoài ý nghĩa quy túc Tịnh độ. Các tổ bên Thiền tông như Vĩnh minh diên thọ, Thiên như duy tắc, Thiên thai hoài ngọc … bên Luật tông như các Ngài Nguyên chiếu, Hoài tố … bên Tam luận tông như các Ngài Cát tạng, Đạo lăng … bên Duy thức tông như các Ngài Khuy cơ, Hoài cảm … bên Mật tông như các Ngài Bất không, Hồ đồ khắc đồ … bên Hoa nghiêm tông như các ngài Đỗ thuận, Trừng quán … bên Pháp hoa tông như các ngài Trí giả, Quán đảnh… Các bậc cao tăng xướng lãnh các tông trên đây và vô số danh tăng khác cũng đều phát nguyện cầu sanh Cực lạc.
Tại nước Việt nam, tư tưởng Tịnh độ đã sớm hoà nhập và phát triễn mạnh mẽ. Trong thế kỷ XI có Ngài Tĩnh lực ( thuộc phái Vô ngôn thông ) là vị đã chứng Niệm Phật tam muội. Thảo đường quốc sư vị khai tổ giòng thiền thứ ba của Phật giáo Việt nam ( vào thế kỷ XIII ) đã khuyên đồ chúng nên tu Tịnh độ với bài Pháp ngữ thị chúng tuyệt vời. Tôn giả Pháp loa nhị tổ của thiền phái Trúc lâm cũng đã lập tháp Cửu phẩm liên đài để khích lệ tứ chúng cầu nguyện vãng sanh. Thời đại gần đây có các bậc cao tăng như hoà thượng Tâm tịnh, hoà thượng Phước huệ, hoà thượng Khánh anh, hoà thượng Hải tràng, hoà thượng Trí thủ, hoà thượng Thiền tâm… các Ngài đã tự tu và truyền bá pháp môn này từ bắc chí nam, làm cho Phật pháp được bảo tồn và lan tràn cho đến ngày hôm nay.
Thiết nghĩ, trên bước đường tu tập người xuất gia lẫn tại gia ai cũng mong muốn đạt đến quả vị giải thoát, nhưng thành tựu sở nguyện ấy, là điều không phải dễ dàng, khi trong tự thân luôn tràn đầy những nghiệp lực chi phối, cộng thêm hoàn cảnh xã hội luôn có năng lực tác động con người đi vào trong quỹ đạo của dục vọng đê hèn. Chỉ một tập quán xấu nhỏ nhưng chúng ta diệt trừ nó không phải là đơn giản hoặc một chút điều lành nhưng thực hiện không phải là một sớm một chiều. Để rồi trong âm thầm, cuộc sống của chúng ta cứ trôi lăn trong vòng sanh tử, trong sự chỉ đạo của phiền não, tồn tại với bao ước vọng hão huyền. Rồi một mai khi tấm thân tứ đại này tan ra, biết hướng về đâu mà nương tựa.
Chi bằng, đặt trọn tấm lòng thành hướng về với Tam bảo, mỗi niệm mỗi niệm xả ly Ta bà, mỗi niệm mỗi niệm hướng về nơi Cực lạc. Quyết chí nương nhờ Phật lực phát nguyện cầu sanh Tây phương, đến khi thành tựu quả vị Bồ đề trở lại Ta bà tiếp độ chúng sanh. Có như vậy sự tu tập của chúng ta mới hợp với bản hoài thị hiện của đức Phật Thích ca, đúng với hạnh nguyện tiếp dẫn của đức Phật A di đà và không cô phụ tánh linh của mình.