Một người không có trong đám đông
Khuê Việt Trường
Khi gặp Diễn lần đầu tiên, tôi biết rằng người đàn ông mà bấy lâu nay tôi tìm kiếm cho đời mình đã xuất hiện. Đó là hôm khai mạc phòng tranh của các hoạ sĩ miền Trung và Tây Nguyên tổ chức thường kỳ tại trung tâm triển lãm thành phố.
Trong phòng khách của nhà tôi, có một bản sao bức Thu vàng của Levitan. bức hoạ khiến tôi thèm muốn có một lần nào đó được bước chân vào trong cái không khí thực sự với những con đường ngập lá vàng, những chiếc lá óng vàng khi những tia nắng mắt trời chiếu rọi qua. Có lẽ chính vì yêu mùa thu từ bức tranh của Levitan, mà khi bước vào phòng triển lãm, chạm phải bức tranh lạ lùng Mộng của tôi, tôi giật thót mình khi nhìn thấy gương mặt của cô gái đang ngước nhìn mùa thu đang trôi qua bằng một chiếc lá vàng. Tôi nhận ra phong cảnh làm nền bức tranh chính là hồ Hoàn Kiếm vì có ngọn tháp quen thuộc ẩn mình trong tranh. Càng đáng ngạc nhiên hơn vì tôi chưa hề đặt chân đến Hà Nội bao giờ.
Đó là bức tranh của Diễn, bức tranh không hề đoạt giải và cũng chẳng có một chiếc nơ nào gắn lên để chứng tỏ nó đã được mua. Còn tôi có mặt trong phòng tranh hôm đó không phải vì yêu thích hoặc đam mê nghệ thuật, mà bởi vì tôi có nhiệm vụ mang lẵng hoa tới cho kịp giờ khai mạc do một người khách gửi đến. Tôi làm việc ở bưu điện trung tâm.
Bức tranh chỉ ký tên rất gọn: Huỳnh Diễn. Và ngày hôm đó Diễn không có mặt tại phòng tranh, trong một buổi lễ mà mọi người đều mặc vét-tông, thắt cà-vạt, đôi giày của ai cũng đều đánh bóng và ai cũng mang bên mình một xấp danh thiếp để sẵn sàng giới thiệu về mình cho bất cứ một nhân vật nào có mặt. Những nhà doanh nghiệp luôn luôn được chú ý, có thể họ không hiểu gì về hội hoạ, nhưng họ sẵn sàng bỏ ra một món tiền lớn để mua bức tranh nào đó để chứng tỏ sự lịch lãm của mình trước đám đông. Diễn không có mặt, và chắc anh cũng không thiết tha gì để bán bức tranh duy nhất gửi dự treo. Chính sự không có mặt ấy thôi thúc tôi đi tìm anh để tìm câu trả lời tại sao anh lại có thể vẽ tôi - chứ không phải ai khác - trong bức tranh của anh.
Hôm ấy, khi tôi đang ngồi ăn đỡ gói xôi mang theo trong buổi sáng đang vắng khách thì Diễn xuất hiện. Diễn đứng sát áp bên tấm kính chắn giữa giao dịch viên và khách hàng, nhìn chăm chăm vào tôi, khiến cho tôi ngượng đến đỏ cả mặt. Anh nói như reo lên :"Đây rồi!".
Vâng, sau này tôi mới biết câu chuyện về bức tranh của Diễn không phải là tình cờ, mà lại từ một cảm hứng. Diễn đã bắt gặp "tôi" trong một bức ảnh minh hoạ trên một tờ báo. Khi nhìn thấy bức ảnh, anh không nghĩa rằng sau đó anh đã bị ám ảnh và trong một lần ngẫu hứng dọc theo bờ hồ Hoàn Kiếm vào một ngày thu, anh đã thể hiện nét bút của mình. Hôm triển lãm, anh vẫn còn đang ở tận Hà Nội vì bận một số việc chưa về kịp. Sau đó anh nghe bè bạn kể chuyện về cô gái đem hoa tới có khuôn mặt giống như bức chân dung do chính anh vẽ. Và anh đã tìm tới tôi.
Anh không phải là người của đám đông, dù những gì Diễn vẽ lại đem ra cho đám đông chiêm nghiệm, khen ngợi hoặc chê bai. Thế giới sống của Diễn và tôi là hai thế giới khác. Nhưng khi chạm vào đôi mắt của Diễn, tôi biết rằng không thể nào để vuột mất anh.
Sáng hôm ấy, anh hẹn tôi ra tận Bãi Tiên, ngồi trong một quán vắng, nhìn ra một nghềnh đá. Những bọt sóng cứ mải mê lao vào tảng đá ấy rồi bắn tung toé lên cao. Anh nói rằng anh chọn nơi này bởi vì ít người tìm đến, và bởi vì anh chỉ thích sự tĩnh lặng. Diễn có lý, vì chính sự yên lặng của nơi này đã khiến cho tôi nghe được tiếng những bọt sóng vỡ tan khi chúng rơi vào nghềnh đá. Cũng từ buổi gặp gỡ ấy, tôi bước vào thế giới của Diễn một cách bất ngờ, và tôi cứ ngỡ rằng bằng linh cảm của một người phụ nữ, tôi có thể hiểu hết được những gì Diễn giấu kín trong tim.
Diễn đẹp trai với gương mặt toát ra một sức hút nhất định đối với người đối diện. Anh có nụ cười nửa môi khiến cho bất cứ ai đã gặp đều không thể nào quên được. Và thế là ngoài những giờ làm giao dịch viên bưu điện, thời gian còn lại tôi đều dành cho anh.
Nhưng tôi không hiểu tại sao một con người tài hoa và nhạy cảm như Diễn lại hoàn toàn không thích đám đông? Anh không bao giờ có mặt trong những tiệc cưới, anh tách mình ra ngoài những cuộc nhậu nhẹt rượu chè hoặc có chăng thì anh luôn im lặng, không ồn ào. Ngay cả trong tình yêu cũng vậy, anh không biết tặng hoa hoặc nói những lời hoa mỹ để làm đẹp lòng tôi.
Trong tình yêu, người ta không nhìn thấy sự thiếu hụt của nhau. Tôi bị cuốn vào Diễn như một con thiêu thân bị cuốn vào ánh đèn chói loà. Diễn nói :"Có thể một ngày nào đó em sẽ chán anh". Tôi im lặng, rồi nhìn vào đôi mắt anh dang chăm chú nhìn tôi :"Tại sao phải chán anh?". "Vì chúng ta ở hai thế giới riêng. Em cần phải gặp nhiều người, còn anh thì không muốn gặp ai". Nhiều lần, anh từ chối khi tôi ngỏ ý theo anh đến Hà Nội. ở đó, tôi nghe nói có nhiều đình chùa cổ và những huyền thoại khác nhau. Tôi muốn cùng Diễn lang thang trên những con đường đầy cây xanh của Hà Nội, ghé Hồ Tây ăn món ốc hấp gừng hoặc món bánh tôm lừng danh. Nhưng Diễn chỉ cười :"Gặp anh là đủ rồi. Hà Nội thì cũng như ở đấy thôi, cũng đường phố, cũng người và xe cộ . Những cuộc gặp của chúng tôi hoàn toàn do Diễn chủ động tìm đến hoăc gọi điện thoại đến nơi tôi làm việc. Rồi chia tay, anh đưa tôi về trên chiếc xe của anh, rồi hẹn gặp. Anh mất hút trong đám đông.
Anh vẫn vẽ những bức tranh, những bức tranh có khi bán được, có khi được triển lãm. Nhưng trong tất cả những bức tranh Diễn vẽ sau này, không có bức tranh nào tôi thích bằng bức tranh tôi đã gặp lần đầu, bức tranh vẽ mùa thu Hà Nội.
*
* *
Ai đó đã nói nếu cuộc sống thiếu sự bất ngờ thì cuộc sống trở nên nhàm chán. Điều đó có lẽ cho đến giờ này vẫn đúng. Cho nên tôi quyết định tạo cho Diễn một bất ngờ.
Thường thì mùa thu Diễn ở lại Hà Nội, anh sẽ xách giá vẽ lang thang ở Quảng Bá hoặc có thể lặn lội một nơi nào đó để cảm nhận cái huyền diệu của mùa gợi nhớ này. Anh không có cái thú viết thư, Diễn nói anh bận lắm. Và hơn hai tháng nay tôi đã lạc mất anh trong đám đông.
Cuối năm, công ty tổ chức cho những giao dịch viên một chuyến tham quan Hà Nội như là một cái cớ để thưởng công cho những cá nhân xuất sắc. Tôi là một trong những người được chọn đi.
Đất trời đang vào mùa đông, trời lúc nào cũng mây mù và buồn. Hà Nội tạo ấn tượng khá mạnh cho tôi, khi tôi vừa rời khởi xe lửa, bước ra khỏi ga ngay đường Lê Duẩn. Địa chỉ nhà của Diễn tôi tìm thấy trên tấm bản đồ tôi mua ở ngay góc đường Quang Trung: phố Lò Đúc. Nhưng mãi hai ngày sau tôi mới có thể tìm đến được nhà anh. Bởi lẽ sau hai ngày, chúng tôi mới được một ngày tự do, trước khi lên tàu trở về.
Tôi mường tượng ra buổi chiều se lạnh ở Hà Nội, Diễn sẽ tròn mắt khi bắt gặp tôi đứng trước nhà anh. Rồi anh sẽ chở tôi dạo quanh những con phố, đưa tôi ra tận hồ Hoàn Kiếm, như những đôi tình nhân, anh sẽ dành một chiếc ghế cho hai đứa, rồi anh sẽ hỏi tôi :"Em thích ăn món gì chỉ Hà Nội mới có?". Anh sẽ thoát ra khỏi cái vỏ bọc của mình, cùng tôi hoà vào đám đông".
Người lái xích lô chạy xe rất thong thả. Nhưng dù có chậm thì cuối cùng tôi cũng tìm ra nhà của Diễn. Căn nhà nhỏ như tổ chim, phía trước là một hàng phở với những chai lọ lỏng chỏng. Những căn nhà tổ chim và những hàng phở bình dân này đã trở thành quen mắt đối với tôi. Tôi chưa kịp nhìn kỹ ngôi nhà thì người đàn bà bán phở đã đon đả chào mời. Đó là một người đàn bà lớn tuổi. Tôi gật đầu rồi quyết định ngồi vào gọi một tô phở. Khi bà ta bưng bát phở để trước mặt tôi, tôi mới lên tiếng:
-Thưa bác, bác có biết nhà anh Diễn hoạ sĩ ở đâu không ạ?
*
* *
Diễn không bao giờ là người của đám đông. Tôi rời Hà Nội với nỗi buồn ngất trời. Tôi cứ nhìn qua ô cửa tàu, nhìn những phong cảnh lướt qua như tiễn đưa mình trở về.
Có lần Diễn đã từng nói với tôi :"Cuộc sống không thơ mộng như tranh anh vẽ đâu. Em yêu anh qua những gam màu, anh yêu em qua một bức ảnh. Chúng ta sống trong ảo tưởng của màu sắc".
Nhiều lần con tàu dừng lại, nhiều lần con tàu đi. Người vợ cam chịu của anh chắc giờ này đang mời từng bát phở kiếm sống. Còn anh, anh sẽ không ngờ rằng tôi đã đến và đã ăn một bát phở của vợ anh.
K.V.T