Anh Hai
Vĩnh Du
Tôi sinh ra trong một gia đình khá đông con, chừng như từ lớn chí bé có đến mười mấy anh chị em. Trong số mười mấy người ấy, hơn phân nửa qua đời từ khi còn tấm bé, nên cuối cùng tôi chỉ biết được tổng cộng tôi có hai anh và hai chị. Tôi là đứa con nhỏ nhất trong nhà, chẳng thế mà mẹ tôi thường ôm tôi vào lòng và nói "giàu út ăn khó út chịu". Làm con út cũng có cái lợi, tôi không phải làm việc nhà nhiều như các anh các chị. Ngoại trừ việc cắp sách đến trường, khi về nhà tôi chỉ phải làm phụ mẹ tôi vài chuyện vặt vãnh như xách nước ngoài giếng đổ vào bồn chứa cho đầy để xài dần. Ngoài ra, mẹ tôi thường bắt tôi đọc kinh sách cho bà nghe vì mắt bà rất kém. Bên cạnh đó, tôi còn một nhiệm vụ khác là đi thu tiền phố những khi mẹ tôi ốm đau hay bận rộn . Thời niên thiếu của tôi cứ thế mà trôi, êm đềm, lặng lẽ.
Sanh quá nhiều con nhưng chẳng nuôi được bao nhiêu, ba mẹ tôi rất hoang mang và không còn biết làm gì khác hơn là tin vào quyền lực vô hình dựa theo những lời khuyên bảo của bà con chòm xóm. Nạn mê tín dị đoan ở Việt Nam đầu tiền bán thế kỷ hai mươi vẫn hãy còn rất nặng. Người ta bảo mẹ tôi rằng có lẽ những đứa con của bà mắc chứng "xấu háy", khó nuôi, hữu sanh vô dưỡng, vì thế nên có lắm đứa chết non. Ðể tránh chuyện bị người khuất mày khuất mặt bắt lầm, người ta khuyên mẹ tôi thay đổi cung cách xưng hô trong nhà. Con cái không nên gọi cha mẹ bằng ba hay mẹ như bình thường mà phải gọi bằng những danh xưng khác. Vì thế, anh chị em tôi phải gọi mẹ là "Vú" và cha là "anh Hai". Từ ấy, vì ba tôi là "anh Hai" cho nên anh cả tôi được gọi là "anh bé". Và chúng tôi ai nấy cũng xưng tên khi nói chuyện với ba mẹ chứ không xưng con như những gia đình khác. Ngoại trừ tôi, thay vì xưng tên thì tôi được xưng bằng cái ngôi thứ "Ut" của mình. Chẳng biết cuộc cách mạng ấy đã diễn ra vào khoảng thời gian nào trong gia đình tôi, nhưng từ khi tôi có trí nhớ và biết suy nghĩ thì tôi thấy nó đã thành qui luật căn bản cho mọi người trong nhà. Mãi rồi anh chị em chúng tôi cũng không thấy ngượng ngùng gì khi phải gọi mẹ cha bằng những danh xưng ngộ nghĩnh ấy.
Chừng như sau khi cuộc cách mạng ấy được tiến hành thì nhà tôi thôi không còn nạn "hữu sanh vô dưỡng". Có lẽ người khuất mày khuất mặt không nhận ra ai là ai để bắt nữa. Nhờ thế mà tôi đã thoát lưỡi hái tử thần, vượt qua những năm đầu tiên của kiếp con người để trở thành một thằng con ngỗ nghịch nhất nhà. Ngày xưa khi còn bé tôi đã không nghĩ ra được hậu quả tai hại của việc mình làm, nhưng nay, cứ mỗi lần nghĩ đến là tôi ân hận vô cùng và nước mắt chỉ chực trào ra. Tội nghiệp mẹ tôi cần cù lam lũ một đời cũng chỉ vì con.
Khi tôi sắp vào trung học thì ba tôi, "anh Hai", đã thôi không làm việc nữa. Theo lời mẹ tôi kể lại, ba tôi đã rời bỏ quê hương xứ Quảng xa xôi vào Sài Gòn lập nghiệp từ năm mười bốn tuổi với hai bàn tay trắng. Một người anh của ba tôi đã vào Sài Gòn trước ba tôi khá lâu và mở được một nhà may lớn ở chợ Bà Chiểu. Trong những ngày đầu ở Sài Gòn, ba tôi theo ông anh học nghề may. Bác tôi hiền, ít nói, cũng có ý muốn giúp đỡ em, nhưng vợ của bác lại rất khó tính và ích kỷ. Bà đối xử với đứa em chồng một cách khắc nghiệt. Ba tôi đã phải làm việc quần quật từ sáng đến tối, phải lo chăm sóc mấy đứa con của bà, cho chúng ăn, giặt giũ tắm rửa cho chúng vì bà ta rất kiêu kỳ, biếng nhác, không thích làm gì động móng tay. Ðã thế, đôi khi bà còn đâm thọc với chồng rằng "Thằng em của anh hư đốn lắm, bỏ bê mấy đứa nhỏ". Thế là vì thương con, nể vợ mà ba tôi bị ông anh đánh đập tả tơi, có khi còn bị xô té từ thang lầu xuống đất. Mỗi lần kể lại chuyện ấy cho anh chị em tôi nghe, tôi thấy mắt mẹ tôi còn long lanh một niềm oán hận. Có lẽ thế nên mẹ tôi không muốn cho chúng tôi làm thân với mấy người con của bác và sau khi bác trai mất đi, mẹ tôi hạn chế tối đa mọi sự liên lạc với gia đình bác gái. Bác tôi qua đời tại nhà thương Hồng Bàng với chứng lao phổi kinh niên, có lẽ vì lao lực và hút thuốc quá nhiều. Ở Việt Nam thời ấy, vi trùng lao còn là một thứ gì rất nguy hiểm chưa diệt được cho nên khi chôn bác tôi, người ta phải đổ vôi xuống huyệt để làm nghẹt mũi mấy con vi trùng Koch.
Năm mười tám tuổi, ba tôi gặp mẹ tôi. Lúc này tay nghề của ông đã cứng cát và ông có khả năng may được hầu hết các loại y phục. Ba tôi từ giã ông anh để ra đi tự dựng cho mình một đời sống mới. Bác gái trước tin ấy vừa mừng vừa tiếc. Mừng vì cái gai trước mắt sẽ được nhổ đi. Tiếc vì không còn ai để bà hành hạ. Bác tôi tuy thương em nhưrng không cho ba tôi được đồng nào vì vợ ông ta nắm hết tài chánh trong nhà. Ba tôi đành ra đi với hai bàn tay trắng như ông đã đến với bác tôi bốn năm trước đó.
Nhờ buôn bán tảo tần mà mẹ tôi dành dụm được chút tiền. Bà dùng những đồng tiền đong đầy mồ hôi nước mắt ấy mua cho ba tôi cái bàn máy may đầu tiên. Lần hồi ba tôi mở được một tiệm may, tuy không to bằng nhà may của bác tôi, nhưng cũng đủ cho hai vợ chồng trẻ sống qua ngày. Ba năm sau, năm ba tôi hai mươi mốt tuổi, mẹ tôi sanh đứa con trai đầu lòng mà sau này chúng tôi gọi là "anh bé" vì chức "anh Hai" đã thuộc về ba tôi. Ở những năm ba mươi và bốn mươi, nhà tôi bị trộm cướp đến viếng thường xuyên. Chúng lấy hết tiền bạc, quần áo khách hàng đặt may, vải vóc và thậm chí còn tháo cả đầu máy may mang đi nữa. Thế là ba mẹ tôi lâm vào cảnh túng bẩn phải đi vay nợ vì không có đồ để giao cho khách trong khi người ta đã đặt tiền cọc. Mỗi lần nhà bị mất trộm là mỗi lần ba tôi phải làm lại từ đầu, thê thảm hơn, không phải chỉ bắt đầu từ con số không mà là từ số âm. Nạn trộm cướp hoành hành đã để lại trong đầu mẹ tôi những ấn tượng không xóa được, vì thế, sau này khi dựng được cơ ngơi, bà xây tường thật cao và đóng cửa gài then thật chắc. Chỉ tội cho tôi bị nhốt kín không đi đâu được ngoại trừ đi học và đi thu tiền phố. Mẹ tôi tính tình rất nghiêm túc, giờ giấc tiền bạc phân minh. Ði học, nếu đi một mình, tôi phải về đúng giờ không thì ăn đòn. Ði công tác cho bà cũng thế, phải lo về cho nhanh, la cà đâu đó thì khi về nhà liệu mà lấy mo bó đít. Con trai mới lớn như chim non vừa mọc lông mọc cánh, lúc nào cũng mơ bầu trời rộng, lắm khi tôi mang tâm trạng của một người tù thèm không khí tự do. Lúc ấy tôi nào biết đâu mẹ tôi khó khăn chẳng qua là vì bà muốn cho các con nên người hữu dụng.
Nhà tôi gần trường đua ngựa. Thấy nhiều ông chủ ngựa may mắn cứ thắng độ hoài, hơn nữa vì muốn kiếm tiền nhanh để trả cho xong các món nợ sanh ra từ những lần mất trộm, ba tôi đi mua ngựa về nuôi. Nuôi ngựa nào phải dễ đâu. Ban đêm hàng xóm không ngủ được vì bầy ngựa ngứa chân cứ dậm mấy gót chân sắt của chúng xuống sàn ầm ĩ. Thế là bà con lối xóm kéo đến mắng vốn. Mẹ tôi bực mình muốn bán quách mấy con ngựa đi nhưng ba tôi vì mến tay mến chân cho nên không nỡ. Ông bèn may những bao vải thật dầy bọc chân chúng lại để khi chúng dậm chân không còn nghe cồm cộp. Chừng như mấy con ngựa cũng biết thân biết phận cho nên sau đó chúng trở nên ngoan ngoãn hơn và không làm phiền hàng xóm nữa.
Bầy ngựa không giúp được gì cho ba tôi vì ông thua nhiều hơn thắng. Sức chịu đựng của mẹ tôi lại có giới hạn, cuối cùng, bà nhất định buộc ba tôi phải bán quách chúng đi. Ba tôi tuy còn thương mấy con tuấn mã lắm nhưng đành chìu mẹ tôi để không khí trong gia đình được êm dịu. Nhưng cũng từ đó sự xung khắc giữa ba mẹ tôi mỗi ngày một hiện rõ. Những cuộc cãi vã bắt đầu diễn ra nhiều hơn và lần nào thì ba tôi cũng lặng lẽ xách xe đi đâu đó đến chạng vạng mới về.
Ở những năm cuối của thập niên năm mươi, gia đình tôi bấy giờ đã khấm khá hơn và mẹ tôi bắt đầu xúc tiến việc xây nhà cho mướn. Bà kiên trì, cần cù dựng lên hết căn nhà này đến căn nhà khác và những căn nhà ấy đã là nguồn sống của cả gia đình tôi cho đến ngày Sài Gòn thất thủ. Vào những năm đầu của thập niên sáu mươi, khi đã có một số nhà căn bản đủ bảo đảm cho đời sống gia đình, ba tôi thôi không còn nhận may đồ cho khách nữa. Từ ấy ông chỉ còn thú vui chở tôi đi học, xong ra quán anh Dứng gần nhà uống xây chừng và đánh cờ chờ đến lúc tan trường để đi đón tôi về. Cuối tuần ba tôi chở tôi đi học chữ Nho và đạo Khổng ở Khổng miếu trong Thảo Cầm Viên để tôi tập làm quân tử tàu. Tuổi ba tôi lúc ấy khoảng bằng tuổi tôi hiện giờ, có khác chăng là ở vào cái tuổi "dưỡng già" của ông, tôi vẫn còn đi làm và làm không thua gì khi tôi ở tuổi ba mươi.
Khi tôi lên trung học, ba tôi vẫn tiếp tục đưa rước tôi đi học. Mẹ tôi vì quá lo cho con nên không muốn tôi đi học một mình lỡ có điều gì không hay. Nhưng khi lên lớp đệ tứ là tôi bắt đầu biết mắc cỡ khi thấy đám bạn cùng trang lứa đứa nào cũng đi một mình cả. Tôi nói với ba mẹ tôi về nỗi băn khoăn của mình và từ đó thỉnh thoảng tôi được đi một mình đến trường. Ba tôi vì thế lại càng trở nên rảnh rỗi hơn và có hôm ông la cà cả ngày ngoài quán đánh hết bàn cờ này sang bàn cờ khác.
Thời gian này tôi bắt đầu tập tành viết văn. Truyện ngắn đầu tay của tôi được đăng trên một tờ báo lớn ở Sài Gòn. Ðã vui khi thấy tác phẩm của mình xuất hiện trên mặt báo, tôi càng vui hơn khi được lãnh hai trăm đồng tiền nhuận bút. Lần đầu trong đời tự tay làm ra tiền nhờ vào chút tài mọn, tôi hãnh diện vô cùng. Sau khi mua cho ba tôi một trăm gờ-ram cà phê hão hạng và vài gói thuốc thơm, tôi rủ thằng bạn thân nhất cúp cua đi làm một chầu thoải mái. Tôi cảm thấy mình như vừa lớn lên vượt bực và vòng tường khép kín bên ngoài khuôn viên hai căn nhà của ba mẹ tôi càng làm tôi thêm khó thở.
Từ ngày dọn về đây, ba và mẹ tôi mỗi người ở trong một căn nhà. Hai căn nhà nằm sát bên nhau bao quanh bởi một bức tường khá cao có lót miểng chai bên trên và cánh cổng khá dầy. Tôi và ba tôi chiếm ngự một căn, còn mẹ và chị tôi ở căn bên cạnh. Có những buổi chiều sau khi cơm nước xong xuôi, mạnh ai rút về nhà nấy, ba tôi thường tâm sự với tôi về nỗi nhớ quê hương miền Trung xa tít tắp của ông. Ba tôi nói ông muốn về thăm lại xứ Quảng nơi ông đã bỏ đi khi vừa lên mười bốn tuổi. Ông muốn về Ðiện Bàn tìm lại mồ mã ông bà. Ông muốn về lại dòng sông Thu của tuổi ấu thơ, để được xuôi thuyền ra Câu Lâu, phố Hội. Ông muốn về Phong Thử, Vĩnh Ðiện, Tam Kỳ để tìm người thân năm cũ. Tôi bồi hồi nhìn ông và hỏi: "Vậy sao anh Hai không đi?" Tuy nói thế nhưng tôi rất sợ ba tôi ra đi vì tôi không muốn xa ông. Ba tôi bùi ngùi nhìn tôi: "Nếu anh Hai đi không chừng anh Hai ở ngoài đó luôn, không về đây nữa. Như vậy thì tội nghiệp cho út lắm, út còn nhỏ quá, anh Hai không đành lòng". Và cứ thế, ba tôi xác ở phương này nhưng hồn cứ vật vờ bay về xứ Quảng ngoài kia. Tôi không còn biết nói gì hơn là chỉ mong cho mình chóng lớn để ba tôi được tròn mộng ước.
Bấy giờ chiến trường miền Nam bắt đầu trở nên khốc liệt. Khói lửa Tết Mậu Thân chưa tắt hẳn, giặc đã tấn công đợt thứ nhì vào Sài Gòn - Chợ Lớn. Ngay trong lúc dầu sôi lửa bỏng ấy, đứa cháu nội đầu tiên của ba mẹ tôi mở mắt chào đời. Anh tôi vì đóng quân quá xa, hơn nữa, đời lính chiến sống nay chết mai làm sao cưu mang vợ con nên đành giao đứa nhỏ về cho ba mẹ tôi nuôi. Ba tôi mừng lắm vì thằng nhỏ đã làm ông bận rộn suốt ngày nên không còn thì giờ nghĩ ngợi xa xôi nữa. Ba mẹ tôi chăm chút đứa cháu đích tôn một cách tận tình. Thằng bé rất bụ bẫm, mặt mày sáng láng, đĩnh ngộ. Mẹ tôi thường đùa với cháu bằng câu ca dao "Tuổi Thân con khỉ ở rừng, chuyền qua chuyền lại chuyền ùm xuống sông". Thằng bé chẳng hiểu mô tê gì nhưng thấy người lớn nhìn thẳng vào mặt nó mà cười nên cũng cườiø theo. Từ ngày có nó, nhà tôi vui nhộn hẳn lên, và tôi cũng được thăng cấp, không còn " Út" nữa mà là "chú Út". Một hôm ba tôi chơi với cháu, ông nựng đôi má bầu bĩnh của nó và nói: "Ông nội nuôi con đến ba tuổi thôi nghe!" Mẹ tôi ngồi gần đó, giựt mình: "Ông này nói gì kỳ cục vậy?" Ba tôi cười bẽn lẽn, xuề xòa: "Nói chơi vậy mà, không có gì đâu!". Mẹ tôi không nói gì nhưng mặt bà thoáng nét đăm chiêu.
Rồi thời gian trôi. Thằng cháu kêu tôi bằng chú đã sống trong vòng tay yêu thương của ông bà nội được một năm. Cuộc sống trong nhà vẫn vậy, bình yên, không biến động. Một lần như lệ thường, sau bữa cơm chiều hai cha con cùng ngồi với nhau. Ông lại nhắc đến giấc mơ hồi hương, nhưng lần này ông chỉ nói lướt qua. Rồi ông hỏi tôi việc học hành. Mười một giờ đêm hai cha con chia tay, ai về giường nấy. Tôi ngủ trên bộ ván gõ nhỏ ở buồng trong, còn ông ngủ trên bộ ván lớn phòng ngoài. Một đêm như mọi đêm lặng lờ trôi đến.
Tôi không bao giờ nghĩ và tin được đêm ấy là đêm cuối cùng trong đời của ba tôi. Ba giờ sáng, khi tôi giật mình thức giấc, khêu ngọn đèn lu, thì thấy xác ba tôi nằm sóng soài một góc. Ông đã ngã xuống từ lúc nào không biết. Lôi kéo mãi chẳng lay chuyển được gì, tôi biết là ông đã chết. Ông đã ra đi, ra đi thật đột ngột, bất ngờ. Tôi dụi mắt mãi cố không tin đó là sự thật. Nhưng không còn gì để trông mong nữa, ba tôi đã đi, đi khỏi cuộc đời này. Sau những phút bàng hoàng đầu tiên, lòng tôi bỗng trở nên trống vắng, hoang lạnh vô cùng. Tôi nhớ có người đã nói "mất cha như mất cả bầu trời". Tôi, con chim non từ đây thôi không còn mảnh trời xanh ngày xưa nữa. Tôi lung lay, xiêu đổ khi điểm tựa chắc nhất của cuộc đời đã mất.
Rồi mẹ tôi mang ba tôi đi chôn. Sau đám tang, căn nhà hai cha con cùng nương náu bỗng trở nên trống trải và lạnh lẽo đến kinh người. Tôi không dám nhìn lên tấm di ảnh của ba tôi trên bàn thờ vì ánh mắt u buồn của ông làm lòng tôi se thắt. Tôi ra vào thui thủi một mình, buồn như con chó ốm. Thời gian không lâu sau đó, tôi bỏ nhà ra đi.
Rồi tôi lại trở về, không phải tự nguyện mà là bị bắt về. Về để sống những ngày chán ngán trong nỗi cô đơn cùng cực. Về như con chim gảy cánh tiếc nuối hoài mảnh trời xanh thẫm ngoài kia. Thằng cháu kêu tôi bằng chú bây giờ đã biết đi, biết nói. Nó mang niềm vui và hy vọng đến cho mẹ tôi vì nó là người duy nhất cho mẹ tôi một tình yêu tuyệt đối, vô điều kiện. Hai bà cháu hủ hỉ qua ngày tháng và cũng nhờ thằng nhóc mà mẹ tôi cũng chẳng buồn nhớ đến cái ngỗ nghịch của tôi.
Bỗng dưng một hôm, thằng bé lên cơn sốt. Trong vòng không đầy một tiếng đồng hồ, thân nhiệt của nó lên đến bốn mươi độ bách phân. Mẹ tôi vội vã gọi xích lô máy chở nó đến bệnh viện. Nhưng không còn kịp nữa, thằng bé đã chết trên tay mẹ tôi. Mẹ tôi bấy giờ không còn nỗi đau khổ nào hơn. Từ khi tôi hiện hữu trong đời, đã ba lần mẹ tôi nhìn người thân ra đi. Lần đầu năm 1963 khi anh cả tôi - anh bé - bị Việt Cộng xử tử. Bọn sát nhân của cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã rượt theo nả đạn vào người anh tôi cho đến khi anh gục xuống. Sau đó, chúng ghim lên ngực anh một bản án. Oan nghiệt và trớ trêu thay, bản án cho biết người mà chúng thật sự muốn giết không phải là anh. Anh chỉ là một người quân nhân Cộng Hòa bình thường như bao người quân nhân khác. Việt Cộng lầm anh với ông xã trưởng, người mà chúng cho là "có nợ máu với nhân dân". Anh ngã xuống đúng vào ngày thứ sáu mười ba, ngày mà người Tây phương cho là vô cùng xui xẻo.
Lần thứ hai là lần mà ba tôi - anh Hai - nằm xuống. Ba tôi từ bỏ cuộc đời khi tuổi chỉ mới năm mươi lăm. Và lần thứ ba, lần này, thằng cháu kêu tôi bằng chú. Nó chết đi vừa đúng ba tuổi, ba tuổi ta. Con số ba nhắc mẹ tôi nhớ đến lời ba tôi nói hai năm về trước.
Mỗi năm cứ đến ngày oan nghiệt ấy, tôi lại bùi ngùi nhớ đến cái chết quá tức tưởi và bất ngờ của ba tôi. Không ai biết ông chết vì lý do gì vì Việt Nam thời ấy làm gì có chuyện khảo nghiệm tử thi. Cho mãi đến bây giờ, hơn ba chục năm sau, tôi vẫn không biết tại sao. Ông ra đi quá đột ngột không để lại cho chúng tôi một lời trăn trối. Ông như chiếc lá chưa vàng đã vội rụng rơi. Bên thân xác lạnh như đồng của ông tôi ngỡ mình đang trong cơn mộng dữ. Ba tôi ra đi khi ước vọng chưa tròn. Ông những muốn trở về vùng đất ngày xưa, về với tháng ngày êm đềm tuổi nhỏ, tìm lại kỷ niệm buổi thiếu thời, để được thả thuyền bồng bềnh trên dòng sông Thu, sông Hàn, để được sống những ngày cuối đời trên quê hương xứ Quảng. Ba tôi mất đi ngay khi miền Nam đang hồi loạn lạc, chiến tranh mỗi ngày một leo thang. Ba năm sau ngày ông mất, tôi tình nguyện vào lính, và ba năm sau ngày tôi vào lính, Sài Gòn thất thủ.
Miền Nam sụp đổ cuốn theo những ước vọng đầu đời của tôi. Tôi biết sẽ không còn có dịp mang hài cốt ba tôi về nơi chôn nhau cắt rốn của ông để ông được nằm bên cạnh những người thân yêu ruột thịt. Giấc mơ của cha hoài hoài cũng chỉ là mơ và ước vọng của con chắc rồi cũng chỉ là hư vọng. Ba năm sau ngày miền Nam bị nhuộm đỏ, tôi lái thuyền vượt biển.
Bây giờ ngồi đây bâng khuâng nhớ lại ba tôi, "anh Hai", tôi bồi hồi không biết liệu đời tôi sẽ ra sao nếu ba tôi còn sống? Tôi nghĩ giá mà đêm ấy tôi thức giấc sớm hơn, không chừng tôi đã cứu được ba tôi. Chẳng lẽ số phần ba tôi chỉ có bấy nhiêu thôi? Phương này, nơi tôi đang ở, lắm người tuổi ngoài chín mươi vẫn còn khỏe mạnh. Nếu ba tôi còn sống đến ngày hôm nay, ông vẫn trẻ hơn các cụ ấy. Nếu ba tôi còn, có lẽ tôi đã không bỏ nhà ra đi, có lẽ tôi vẫn còn ngày ngày cắp sách đến trường. Có lẽ tôi đã không đâm đầu vào lính. Có lẽ tôi đã “nên” hơn. Nhưng không, lưỡi hái ác nghiệt của tử thần đã cướp mất ba tôi, bắt ông đi ngay vào lúc mà tôi cần ông nhất.
Hơn ba mươi năm đã qua nhưng hình ảnh cuối cùng của ba tôi vẫn còn hằn sâu trong trí nhớ của tôi. Tôi nghĩ về ông trong niềm tiếc thương vô hạn. Tôi nghĩ về ông và giấc mơ của một đời người. Giấc mơ của cha bây giờ cũng là giấc mơ của con. Sống trên nước người, tôi vẫn hằng mong sẽ có một ngày Việt Nam đổi đời để tôi được về lại quê hương dưới bóng cờ tự do nhân ái. Ngày xưa chỉ xa xứ Quảng chưa đến ngàn cây số mà ba tôi còn không về được, huống hồ gì nay tôi xa quê hương nửa quả địa cầu! Tôi đang bước dần vào lứa-tuổi-cuối-đời của ba tôi. Cuộc trăm năm Trời đã cho tôi được phân nửa, biết còn lại bao nhiêu? Chuyến đi quá đột ngột của ba tôi đã lưu lại trong lòng tôi một dấu ấn rất sâu để bây giờ mỗi đêm khi chia tay cùng con tôi rồi ai về phòng nấy, tôi không biết liệu mình có còn sống để gặp lại con buổi sáng ngày sau đó.