Đừng Nói Lời Chia Tay
Phạm Ngũ Yên
Tháng mười một năm trước tôi đưa dùm Solani về San Antonio để làm lễ tuyên thệ vào quốc tịch Mỹ. Nàng nói với tôi chồng nàng, Michael, không thể từ Thái Lan về kịp trước mùa Giáng Sinh. Và dù có về kịp, nàng cũng không muốn “nhờ cậy” một kẻ không ra gì. Nàng đang trong thời kỳ ly thân nhưng Michael thỉnh thoảng vẫn ghé lại thăm hai đứa con trong những ngày cuối tháng. Tôi không biết với nàng một người đàn ông “ra gì” hàm chứa những yếu tố nào và làm sao để nàng yên tâm khi nhờ cậy tôi là một kẻ mà nàng chỉ mới vừa quen biết chỉ mới vài tháng. Nhưng chắc không phải do vấn đề tiền bạc. Nhưng tôi vẫn không thắc mắc và lái xe chở nàng. Khi trở về, tôi rủ nàng ghét thăm đồn Alamo cách đó năm dặm về hướng nam. Mùa thu vàng úa hai bên đường và tôi nhìn thấy những con chim cánh đen đậu từng bầy trên bãi cỏ bên kia cầu xa lộ. Những con chim làm tăng thêm vẻ đen tối một mùa thụ Vì đang mùa Halloween, nên người ta bày biện những trái bí màu vàng chói chang và những hình nộm ma quái màu đen trước những cửa tiệm chạy dọc theo đường phố.
Đây là lần thứ nhì tôi về thăm lại đồn Alamọ Cảnh vật không thay đổi, nhưng tấm lòng tôi mang một mùa thu đã khác. Bên cạnh tôi Solani đang tò mò quan sát những dấu tích ghi dấu một thời oanh liệt đã quạ Những kiến trúc nhân tạo bên cạnh những đổ vỡ lâu đời vẫn được giữ nguyên vẹn làm cho cổ thành mang một không khí vừa thân mật, vừa gần gụi. Trong đó lịch sử được trộn lẫn vào quá khứ, và mỗi phiến đá sần sùi trở nên một đời sống riêng. Chúng gợi cho con người hình ảnh tuyệt đẹp của một thứ hạnh phúc tàn phai đồng thời cũng nói lên một niềm hi vọng bất biến. Chiếc cổng sắt nặng nề màu sét rĩ tương phản với màu gạch đá ong lúc tôi và nàng dừng lại. Nàng quỳ xuống cột lại dây giầy. Tự dưng tôi muốn chụp cho nàng một tấm hình với một dáng điệu trong một bối cảnh như vậy. Nàng bằng lòng ngồi lại bên thềm đá rũ rượi những chiếc lá vàng khô mắt tư lự nhìn về phía ống kính. Sau lưng nàng là những con chim bồ câu mập mạp đang chậm rãi tìm mồi. Miệng nàng như muốn cười và trong một phút giây ngắn ngủi tôi bấm máy. Tôi bảo nàng cứ ngồi yên như vậy để tôi chụp lại lần nữa, phòng hờ tấm hình bị hự Khi người ta mang trong trái tim mình một hình ảnh đẹp, người ta sẽ thôi không thấy mình già. Tôi cũng vậy. Có một chút nắng còn sót lại trong vòm lá trên cao. Bầu trời tức tưởi không có một giãi mây để gởi gắm vào đó một tâm sự.
- Anh có muốn em chụp cho anh không? Nàng hỏi.
- Không cần.
- Tại sao?
Tôi không biết trả lời tại sao. Nhưng nếu dung nhan của mình không rực rỡ lắm thì đừng nên nén chặt nó xuống lòng giấy. Đôi lúc, chúng ta cần thiết quên đi những gì mà thời gian đã tàn nhẫn ném lên mặt mũi. Nhưng với Solani thì không sao. Nàng là một người đàn bà kỳ lạ mà tôi đã quen. Không biết có phải tôi đã bị sự thu hút của nàng từ lần gặp nàng đầu tiên hay không. Nhưng tôi biết những bão giông sẽ chờ tôi ở một góc đường.
Tôi sẽ không bao giờ biết tuổi thật của nàng. Chỉ biết nàng là một người đàn bà không còn trẻ thực sự trên giấy tờ nhưng lại khuôn mặt thì phản đối lại điều đó. Nàng là một phụ nữ sinh tại Kampuchia. Và cách đây một tiếng đồng hồ nàng đã trở thành một công dân Mỹ. Tiếng Anh nàng nói rất lưu loát và đôi lúc nàng nói được vài câu tiếng Việt, dù không rõ ràng.
Tôi và nàng làm chung một ca trong một hãng điện tử lớn tại thành phố Austin. Một ngày nào đó tôi sẽ nhớ lại cách thức mà tôi đã quen biết nàng và tại sao tôi đã yêu say đắm được nàng khi ngôn ngữ là một rào chắn mạnh mẽ để tôi và nàng tìm đến sự cảm thông. Bây giờ tôi chỉ muốn nhớ rằng tôi quá yêu nụ cười nàng và khó lòng quên được nó. Nụ cười có những chân răng trắng đều không khuyết điểm như hàm răng của các người mẫu.
Một ngày nào đó nàng sẽ xa tôi vì không có gì tồn tại mãi trong cuộc đời nầy. Và chúng tôi ai là người sẽ quên ai trước? Nhưng để xóa đi một cái gì dính líu đến một nhân cách hay một con người thì hơi khó. Nụ cười nàng đủ khả năng làm cho tôi tiếp tục đi trên những chông gai sắp tới với những bước chân mệt mõi già nuạ Như một con sói miền hoang mạc đi trên những dấu chân bỏng rát cuộc đời.
Tôi đang sánh vai đi với nàng dưới bóng mát êm dịu của một mùa thu tháng mười một. Tôi không muốn mọi suy nghĩ buồn rầu nào làm quấy rầy một niềm vui. Solani cũng muốn như vậy. Không phải nàng đã nói với tôi là chấp thuận cho tôi đưa nàng đi đến tận cùng góc bể chân trời nào khi nàng chui vào ngồi trong lòng xe của tôi? Câu nói đùa nhưng nghe ra thật có lý.
Có một vòm cầu nối liền phố xá bên nầy và khu rừng nhỏ phía bên kia. Dòng sông êm đềm trôi bên dưới. Cách đây mấy trăm năm, có lẽ những thổ dân da đỏ đã từng đi lại trên dòng sông nầy bằng những chiếc thuyền độc mộc trong khi bầy cá sấu hả miệng rượt đuổi theo. Bây giờ những con sấu già nua nhất chắc đang tồn tại trong một sở thú nào đó và trên dòng nước đang lôi kéo theo những xác lá vàng kia, chiếc thuyền độc mộc được thay thế bằng những chiếc xà lan sơn phết rực rỡ. Chúng đang làm công chuyện chuyên chở những du khách từ mọi nơi đổ về. Chúng tôi dừng lại bên cầu, nhìn xuống. Khuôn mặt nhìn nghiêng của nàng kề cận bên tôi.
Tôi ngây ngất tận hưởng mùi thơm đang đầm đìa bên cạnh hương thể nàng và ước ao trái đất nầy đừng quay và thời gian sẽ nằm yên tại chỗ. Từ hướng nhìn như vậy, tôi phát giác thêm một ưu điểm khác làm nên bởi chiếc mũi thẳng thớm tự nhiên của nàng. Tôi yêu mến những người đàn bà không cầu kỳ khi mời gọi người ta chiêm ngưỡng nhan sắc mình. Vì một người đàn bà đẹp không cần có sự tiếp tay của mỹ phẩm hay dao kéo vớ vẩn.
Nơi góc tối của những bụi dứa dại, bức tượng cao bằng người thật của Thánh Antonio ôm con cừu nhỏ trên taỵ Lau lách dưới chân ông và cuộc đời gai góc bên ngoài. Trong khi chúng tôi như hai người còn trẻ tuổi bám lấy nhau không rời. Đi qua những hàng quán, những siêu thị. Thỉnh thoảng nàng dừng lại hồi lâu dùng tay rờ rẫm lên trên mặt đá lạnh lùng. Hình như từ nơi đó đang toát ra sự sống của quá khứ. Mỗi một cảnh vật hình như đang có hơi thở và biết bao nhiêu năm tháng ràn rụa trên mỗi hòn cuội âm thầm kia. Biết bao nhiêu nỗi vui và đau khổ chạy đuổi nhau trên từng cánh lá và tiếng kèn xung trận một thuở nào còn vang động đâu đây.
Chiều xuống ngoài bến nước đang lên đầy làm ướt đẫm những tam cấp dẫn lên những vỉa hè. Tiếng vang khô khốc khi một con nhái xanh vừa rời khỏi chỗ trốn để nhảy phóng vào lòng nước. Người ta ngồi nhâm nhi những ly cà phê thơm mới lấy ra từ lò xây và mùi những trái dâu trong ly kem hồng đào. Mùi thịt nướng tươm mỡ cùng với mùi hành phi từ các quán ăn Tàu. Tất cả mọi thứ không gian và con người trộn lẫn vào nhau giống như một hoạt cảnh trong tranh của Monet.
- Em muốn về. Hình như trời sắp mưa. Solani nói khi ra ngoài.
Một cơn dông báo hiệu sẽ đến trong vài phút nữa mà khi còn bên trong chúng tôi không thấy. Chúng tôi chia tay Alamo vội vàng. Cơn mưa chờ đợi chúng tôi ra đến tận ngoài bãi đậu xe mới ném vào mặt chúng tôi những hạt nước hung bạo.Tôi lái xe chầm chậm lòng tiếc rẻ một ngày vui chóng quạ Con đường mịt mùng đôi lúc không thấy những lằn lane vàng phân chia hai chiều. Một vài tia chớp lóe sáng ở cuối chân trời màu chì. Có một lúc mưa to quá tôi phải đậu dạt vào khu vực emergency bên lề. Solani hơi có vẻ sợ hãi. Tôi an ủi nàng:
- Đừng sợ. Anh sẽ đưa em về bình an. Chỉ một chút nữa thôi trời sẽ tạnh lại. Nàng không nói gì một hồi lâu. Bàn tay run run trong bàn tay của tôi và tôi tưởng nàng đang buồn ngủ:
- Em sợ, Se Tran.
- Điều chi?
- Ám ảnh của quá khứ. Đôi khi em thấy em đang sống lại thời thơ ấu trong giấc ngủ. Cánh đồng chết và những thây người chưa kịp vùi lấp. Khi nãy dòng sông làm em nhớ lại con sông quê nhà. Nhưng không phải yên bình như tại đây.
- Anh biết. Quê của anh cũng có hình ảnh như vậy.
- Con sông của quê em đục ngầu phù sa vào mùa mưa và càng về thượng nguồn phù sa càng trở thành màu đỏ. Không phải màu đỏ tự nhiên mà là màu đỏ của máu. Đó là những ngày tháng bắt đầu cuộc đại khủng bố của Pôn Pốt. Nàng tâm sự. Mười lăm tuổi em bỏ học vì Ponpot không muốn thấy mọi giai cấp tồn tại ngoại trừ giai cấp thống trị. Mười bảy tuổi chứng kiến cả gia đình bị thảm sát bằng rìu, sau khi bị kéo lê trên khắp đường phố bằng dây kẻm gai. Em sống sót lạ lùng và mười tám tuổi đi qua cánh đồng chết một mình cùng tất cả những sợ hãi.
- Việt Nam của anh cũng có những thứ đó, sau đó vài năm. Những kích thước đau khổû nào cũng đều giống nhau. Chỉ khác ở kinh nghiệm và sự cảm nhận của mỗi người.
Khi chiếc lá cuối cùng rụng xuống khỏi những cành nhánh oằn oại của các cây sồi trước hãng, mùa đông sừng sững hiện ra không dự báo trước. Buổi sáng đi làm đã có thấy vài chiếc áo ấm mọc trên vai vài người. Bên hành lang đường dẫn vào cổng phía tây, những vòng khói thuốc bay quanh co trong sương mù từ những tay ghiền thuốc đang tiếc rẽ một hơi ấm tàn đêm. Lòng tôi thấy mê mệt một hạnh phúc dịu dàng khi hai bàn tay thủ kín trong túi áo. Lâu lắm rồi tôi mới thấy lòng tràn ngập một nỗi thôi thúc giang hồ khi đi qua một góc phố mù sương đầu ngày, khi thành phố đang còn giữa thức và ngủ. Nhớ Đà Lạt ngày mới lớn, thời lính tráng lãng mạn, tôi cũng đã từng đi qua một vài con đường. Rời bỏ vài con phố để đến nơi người tình ở. Và hơi thuốc đầu ngày ngập ngừng trên một địa chỉ hoa, khi tôi đưa tay lên gõ cửa.
Câu chuyện tôi và Solani, cho đến bây giờ, tôi không biết tôi và nàng ai là người khánh tận khi tình yêu trở thành một vết thương. Tôi không muốn đau khổ vì điều nầy tự dưng đối với tôi quá mới mẻ. Nàng chẳng từng nói với tôi rằng đối với Michael thì khó lòng có một sự ràng buộc nào khiến nàng hồi tâm để quay về. Nàng cũng từng nói với tôi là chồng nàng là người đàn ông rộng lượng và hiểu nàng hơn ai hết. “Nhưng lý do nào mà em và Michael lại không ở chung với nhau?” Tôi đem thắc mắc đó hỏi nàng trong giờ ăn tại hãng.
- Khi một người đàn ông quá hiểu tường tận về người bạn đời của mình thì sẽ không còn gì để say đắm. Nàng nói mà nhìn tôi với đôi mắt như muốn cười. Đó là một kinh nghiệm. Anh ấy là chủ một tiệm rượu nhỏ ở đường số Tám. Vài năm trước công việc buôn bán đang phát đạt và thu nhập hàng ngày có vẻ tiến bộ trông thấy. Em lúc đó đang ở nhà không đi làm vì không có ai coi chừng thằng con nhỏ, nó mới được bốn tuổi. Rất ít khi em đi tới Liquor của Michael vì anh biết đường xá ở Downtown rất phức tạp. Trong khi em lái xe “quờ quạng” hơn ai hết. Một lần có việc cần em chạy đi tìm hắn, mà đáng lý em nên gọi phone trước mới đúng. Nhưng phone ngoài tiệm đang bận lúc đó. Và anh biết em thấy gì không?
- Thấy gì?
- Một con mẹ người Mễ nào đó đang ngồi trên đùi của Michael và áo quần thì xốc xếch. Em không nói không rằng và đập bể không thương xót những gì kề cận trong tầm taỵ Một mảnh vỡ văng ra từ những chai rượu làm tay em bị chảy máu. Và xe cứu thương tới. Và sau đó thì... đó thì mạnh ai nấy sống.
Nàng chỉ cho tôi thấy một vết thẹo nằm dưới cổ taỵ Tôi nói:
- Em dữ quá.
- Em vậy đó. Có thể là bản năng từ những ngày còn nhỏ, khi em đối diện với những bất trắc...
Đâu phải ai cũng là một con bướm nhởn nhơ mãi trong khu vườn đầy ứ những nụ hoa. Một lúc nào cánh bướm sẽ mỏi và nhịp vỗ sẽ không còn đủ sức làm nên một tín hiệu. Trong khi tôi không còn thời gian để chờ đợi. Tôi hứa với nàng sẽ từ bỏ cuộc đời độc thân kể từ mùa xuân này để cưu mang nàng và hai đứa con. Tôi sẽ làm hôn lễ với nàng dù không rình rang nhưng đầy đủ những lễå nghi trong một nhà thờ công giáo. Có vị linh mục chủ lễ ban phép hôn phối và chúng tôi sẽ quỳ bên nhau dưới những ngọn nến rực rỡ.
Tôi không thể đè nén niềm vui xuống tận đáy lòng. Vì khi nghĩ đến nàng lòng tôi dâng lên một nỗi hân hoan kỳ thú. Tôi trở thành một người đàn ông mất thì giờ rất nhiều khi đứng thường xuyên trước tấm gương trong phòng rửa mặt, chỉ để nhìn ngắm dung nhan mình. Một công việc mà tôi rất ghét từ trước đến naỵ Tôi tự tìm mua những món đồ dành cho một tổ ấm. Những món đồ vặt vảnh, củ kỹ không xài tôi đem cho ở Goodwill, và dùng những ngày cuối tuần đi ăn với mẹ con nàng.
Tình yêu làm cho người ta vững vàng hơn hay yếu đuối hơn. Tôi ghé thăm nàng thường xuyên nơi căn phòng nàng thuê ở đường Lamar. Nàng ngược lại cũng hỏi thăm địa chỉ tôi và đôi khi tạt qua nói là để mượn của tôi một tờ tạp chí, hoặc nhờ tôi chỉ cho nàng xào nấu một món ăn Việt Nam. Khả năng bếp núc của tôi chỉ đủ dạy cho nàng món trứng chiên và thịt bò xào trộn với rau muống. Một món mà nàng rất thích.
Mùa đông lấp lánh trên mấy con suối chảy quanh co dưới sườn đồi và tiếng chim kêu ít hơn trên những đụn tranh sau lưng nhà bưu điện. Đó đây, cảnh vật mang một nỗi buồn khi tôi lái xe đi về buổi chiều, ngang qua mấy bờ cỏ xám xịt. Qua một con đường xe lửa nhức nhối nằm đợi những toa tàu. Một cái quán bán đồ fast food nằm khép nép bên cạnh một sân chơi trẻ con. Nơi đó tôi có thể tìm thấy một vài món mà đôi lúc tôi có thể đem về tiêu thụ ngay sau một ngày làm việc quần quật ở hãng. Một ly cà phê chỉ có 59 cent cho bất cứ mọi sizẹ Dĩ nhiên, tôi luôn chọn cho mình một ly cà phê lớn nhất.
Một lần tôi gặp Michael tại sân chơi. (Nàng không bao giờ cho tôi có dịp biết mặt chồng của nàng- nhưng tôi đoán ra Michael vì thấy đứa con trai nhỏ của nàng). Hai cha con đang chơi ném bóng vào một cái giá bóng rỗ. Tôi quên hôm đó là ngày chủ nhật cuối tháng- thời gian mà Michael có quyền đến thăm con. Họ quay lưng về phía tôi và tôi cũng không muốn đứa bé bắt gặp. Có một sự cảm xúc dâng lên trong tâm hồn tôi khi tôi cầm lấy tiền thối từ người bán hàng. Nhìn dáng điệu của Michael cố vươn mình tới trước để đón quả bóng từ con trai, và cách thức liệng quả bóng làm sao không rơi xa ngoài tầm tay của đứa bé, tôi biết tôi khó lòng bày tỏ hơn được như vậy. Một người cha biết chăm sóc tốt cho con cái trong một chuyện nhỏ nhặt thì chắc không phải hoàn toàn là một người đàn ông xấu. Biết vậy, nhưng tôi vẫn không làm sao giũ bỏ hình ảnh Solani ra khỏi tâm trí tôi. Đã không thể quên lãng được mà trái lại tôi lại càng muốn chiếm hữu nàng. Càng lúc, tôi càng cảm biết được sự ghen tị đang nẩy nở trong tôi từ sau buổi sáng hôm đó.
Gần Giáng Sinh, tôi hỏi nàng có cho phép tôi mời nàng đi nhà thờ và sau cùng ghé về nhà tôi ăn bữa cơm tối mừng Chúa ra đời. Nàng trả lời:
- Không được. Michael muốn có buổi tối Giáng sinh với hai đứa nhỏ. Anh biết, trẻ con chưa quen thuộc với không khí thiếu mất một người cha hay một người mẹ trong gia đình. Chúng không muốn biết lý do và mọi sự bào chữa. Vì lỗi lầm thuộc về người lớn.
Vậy là tôi sẽ ăn lễ một mình trong căn phòng quá rộng rãi và gặm nhắm nỗi buồn như ngày nào tôi chưa từng quen nàng. Buổi chiều tôi vào siêu thị tìm mua cho nàng một chiếu áo len cao cổ và hai con gấu nhồi bông cho hai đứa con nàng. Tôi cũng mua thêm một bình hoa hồng để trang trí căn phòng bớt hiu quạnh. Nơi một ngã ba dẫn vào khu tôi ở bóng những cây thông có treo đèn màu xanh đỏ dội xuống đường ánh sáng huyền hoặc. Những vạt sương mù vương vãi đó đây che lấp hàng rào chung quanh công viên và khi tôi trở về nhà đêm đã qua lâu. Có ánh đèn trong nhà khiến tôi ngỡ mình quên tắt điện buổi chiều. Nhưng khi cánh cửa mở ra tôi thấy Solani đang ngồi coi truyền hình nơi ghế sophạ Tôi ngạc nhiên:
- Em đến bao giờ?
- Chỉ mới đây thôi.
- Không thấy xe em đậu ngoài sân?
- Em đến đây bằng taxị Lát nữa anh phải đưa em về. Nàng cười rạng rỡ khi thấy tôi ngẩn ra. Đùa thôi. Xe em đậu phía bên kia đường đối diện với người hàng xóm của anh. Để anh bất ngờ.
- Bất ngờ thật. Mấy đứa con em ra sao? Chúng không biết em đang ở đây chứ?
- Michael đưa chúng đi xem phim và bây giờ chắc đang ngồi trong một tiệm ăn nào đó. Thật tình mà nói, giữa em và Michael chưa ai thấy tự nhiên sau một biến cố như vậy. Nhưng không thể làm khác hơn.
Nàng nói và đứng lên, cùng lúc cánh tay đưa ra nhưng không thể cản ngăn cái hôn sỗ sàng của tôi. Tôi tưởng nàng mới vừa uống nước bạc hà vì môi của nàng có mùi vị giống như vậy.
- Anh sẽ không muốn em về, trước khi trời sáng. Em làm anh đau khổ khi nghĩ rằng em sắp vuột khỏi tầm tay.
- Có thể như vậy. Đôi lúc em nghĩ em rất yêu anh. Đôi lúc em nghĩ em không thể xa rời hai đứa con em. Chúng vẫn còn yêu mến Michael.
- Nhưng không phải em đã dứt khoát vấn đề từ mấy tháng nay? Và còn lời cầu hôn của anh ?
- Mới đầu thì như vậy. Nhưng bây giờ thì câu chuyện có vẻ theo một chiều hướng khác.- Tại sao?
- Đừng hỏi tại sao? Chỉ biết bây giờ em đang ở đây. Tại sao anh không mời em uống một cái gì đó để đánh đấu một đêm Giáng Sinh êm đềm?
Nàng nói vậy. Nhưng khi tôi định rời nàng để đi tìm chai rượu vang thì nàng đổi ý. “ Chúng ta không có thì giờ phải không? Se Tran”. Nàng thì thào.
Chúng tôi không biết ai đã kéo ai ngã xuống chiếc giường chật chội trong phòng, trong bóng tối mờ nhạt thơm mùi nước hoa từ mái tóc nàng. Trong bóng tối đôi mắt nàng quay nhìn về hướng khác, như hai hướng đời chia xạ Tôi biết từ bây giờ tôi sẽ mất nàng.
Lâu lắm rồi, tôi mới biết được tình yêu và sự đau khổ. Phải chi chúng tôi còn thanh xuân để nghiền nát đời nhau và bù đắp cho nhau mọi bất hạnh cùng mọi lạc thú. Chúng tôi không thể bơi ngược dòng sông bằng đôi cánh tay mang triệu chứng già nua trong khi đôi môi run rẩy một quá khứ buồn. Nhưng không phải vì vậy mà thân xác chúng tôi không hòa nhập nhau được. Vì ngoài sự đam mê, chúng tôi đều có chung một mẫu số đau khổ.
Nàng đã qua một thời ấu thơ buồn rầu như tôi. Trên những dấu chân tàn phai và bóng tối của những tàn cây thốt nốt. Nơi những sợ hãi luôn là kích thích tố làm tăng trưởng mọi đời sống và cánh đồng chết chôn vùi mọi thanh xuân.
Bây giờ nàng và tôi không còn ai dấu diếm những rung động của mình. Chúng tôi phơi bày cho nhau một phần đời sống quanh co khuất lắp. Và giữa tôi và nàng, không còn khoảng cách nào để chúng tôi từ chối tham dự vào một vũng lầy hấp hối cuối đời. Một lần nào nàng nói với tôi tên nàng có nghĩa là một dòng sông. Tôi cũng đang là một nhánh sông tìm cách chảy xuôi vào định mệnh nàng, nhưng không thể.
Đêm khép nép trên những tàn cây ủ ê bên ngoài và không bao lâu trời sẽ sáng. Mùa đông không cần khua động những nhát dao nhưng rét mướt làm điếng tê da thịt. Có tiếng dế kêu râm ran từ một góc tối. Không rền rĩ, nhưng đầy những cáo trách.
Trong bóng tối mù căm, nàng mặc quần áo lặng lẽ, nhanh chóng như lúc vuột bỏ ban đầu. Chỉ còn một mảng trắng màu sữa từ chiếc cổ thanh tân của nàng. Như một đánh dấu giữa mộng và thực. Solani hôn tôi vội vàng, trước khi tôi kịp vươn cánh tay ra để níu lại vòng lưng thon thả.
- Good bye, Se Tran. See you later.
Nàng lìa xa tôi bằng cách thức như vậy. Tôi không kịp nói lời chia taỵ Nàng đang nắm tay vịn cánh cửa, nghiêng về phía tôi. Cuối cùng cánh cửa mở ra, đóng lại. Đóng kín niềm hi vọng mới mẻ trong tôi. Nàng đã ở bên ngoài.
Nàng sẽ đứng lại một chút và cuối xuống cột lại giây giầy như thói quen. Đi bộ băng qua bên kia đường để đến nơi đậu chiếc xe Nisan Sentra đen của nàng. Nơi đó có một bụi xương rồng và gió đêm sẽ lau khô dùm nàng những dòng lệ nếu có. Nàng sẽ vươn vai đi về phía mặt trời sáng mai, nỗi đau đớn lìa xa dần dà sẽ kéo da non trong tâm hồn son trẻ của nàng. Vì không ai nhớ hoài một vết thương. Bổn phận làm vợ làm mẹ sẽ làm nguôi ngoai nàng một vài tháng sau. Dầu gì nàng vẫn còn một gia đình để quay về. Có những ngọn nến chảy miệt mài dành cho nàng suốt một mùa đông và những mùa xuân kế tiếp.
Còn tôi? Căn phòng mà tôi và nàng sống qua một đôi giờ hoan lạc nhìn xuống con đường 183. Ngày cũng như đêm xe cộ lao vun vút không ngừng như nhịp chảy của cuộc đời. Chỉ có tôi đang bị ném hụt hẫng bên ngoài như một món đồ tình cờ văng ra khỏi chuyến xe đời chạy vội. “See you later” Làm sao gặp lại? Đó không phải là một lời nói qua đường nhưng tôi thấy khó khăn làm sao để thực hiện lời hứa đó. Khoảng vài tháng sau tôi bị nghỉ việc vì hãng bị down. Phòng nhân viên đưa ra một danh sách những nhân viên không cần thiết cho hãng trong đó có tôi. Solani vẫn còn ở lại. Tôi không gặp nàng một ít lâu. Lý do vì tôi phải đi tìm một việc làm mới trước khi mùa đông chấm dứt. Vàø một lý do khác, có lý hơn, là mặc cảm.
Tôi không kịp gởi cho nàng chiếc áo len màu tím tượng trưng cho một tình yêu buồn. Món đồ không đáng là bao nhưng tôi thấy lòng nặng trĩu. Buổi chiều tôi lang thang vào trong mall xem người ta mua sắm, cười nói. Xem người ta đầu tư lòng tin trên những mặt hàng. Tôi đi qua những nơi mà tôi và Solani đã từng đi qua trong thời kỳ tiền “trăng mật”. Mùa xuân phồng căng cánh gió dưới chân cầu Downtown. Những bầy dơi bay về đậu đen một góc phố. Có một vài đêm tôi không đè nén lòng mình, gọi phone cho nàng. Đầu giây bên kia tiếng message yêu cầu tôi để tên lại, chủ nhân về sẽ trả lời. Có cần thiết nêu lên lý do cho một lần gặp gỡ?
Cho đến một ngày, tôi gặp lại Solani khi tôi bị kẹt xe bên nầy đường. Tôi có công việc làm trở lại sau hơn ba tháng ăn tiền thất nghiệp. Buổi sáng mùa xuân ánh nắng rực rỡ bên cạnh vòi nước bên hông nhà thờ. Con đường hai chiều dành cho người đi bộ, tôi thấy nàng phía bên kia. Trên lưng nàng mang một túi xách đeo lưng dành cho người leo núi. Chiếc quần jean màu xanh da trời dể chìm khuất trong những màu xanh tương tợ. Dòng người đông đảo xô đẩy nàng tiến về phía trước. Nàng không thấy tôi, dù tôi chỉ cách nàng khoảng hai chục feet. Mái tóc màu đen của nàng đánh dấu cho tôi biết nàng còn trong đám đông hỗn độn. Không có vẻ gì báo hiệu cho tôi biết là nàng đi với ai đó. Gương mặt nàng thoáng hiện ra và một lúc lại bị che mất bởi người đi bên cạnh. Nàng đi những bước chân dài dọc theo bức tường sần sùi chạm trổ hình thù Ai Cập. Trái tim tôi quặn thắt lại và toàn thân như muốn lên cơn động kinh. Một chiếc xe buýt chợt trờ tới đậu trước mặt tôi. Vài ba người lần lượt trèo xuống đường. Một vài người chuẩn bị bước lên. Mãi đến khi xe buýt chậm chạp bò đi thì Solani không còn trước mặt tôi. Tôi dáo dác tìm nàng. Và đèn xanh bật lên, xe tôi phải lao về phía trước.
Có những mối tình bị chết cạn vô lý trong lòng suối hẹp. Hay đôi tình nhân tình cờ lạc nhau giữa một ngã bạ Tất cả đều mang một dáng vẻ bi thiết mà trái tim con người không thể cân đối được. Trên những con đường một chiều, người ta luôn vẽ những bảng cấm Do not enter. Và không ai vượt qua được những nỗi đau đầm đìa ẩn dấu đàng sau đó những điều dụ hoặc. Một lúc nào đó, theo thời gian, nụ cười của nàng sẽ mất đi một chút quyến rũ, nhưng sự thương tổn thì vẫn còn.
Phải mất nhiều năm sau ngày tôi xa Solani, tình yêu mới bắt đầu trở nên lắng đọng trong tôi. Hai lần tôi nghe tiếng phone của nàng nhưng cả hai lần tôi đều không muốn trả lời. Lần thứ ba nàng gọi tôi báo tin chồng nàng vừa mất. Chuyến máy bay gồm có 201 hành khách vừa rớt xuống biển Thái Bình Dương. Chồng nàng có mặt trong chuyến may bay thảm khốc cuối cùng của thế kỷ. Tôi an ủi nàng và tôi nhớ mình có gởi đến nhà nàng một vòng hoa phân ưu. Trong khi tôi loay hoay tìm kiếm địa chỉ nhà quàn để đến chia buồn, tôi tình cờ nhìn thấy hộp giấy gói chiếc áo len định tặng nàng mùa Giáng Sinh và hai con gấu nhồi bông nằm chìm khuất trong góc tủ...
Hết