LỠ MỐI TÌNH ĐẦU
Khuyết Danh
Đêm đông giá lạnh, tuyết trắng xóa phủ đầy mặt đất. Rụt đầu trong chiếc áo khoác cổ lông, Vu Tùng lặng lẽ bước vào rạp chiếu phim. Tối nay, rạp chiếu bộ phim Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài. Bộ phim mà Vu Tùng háo hức đón xem. Trong rạp chỉ vỏn vẹn có bốn người, một đôi nam, nữ đang chụm đầu vào nhau rì rầm to nhỏ, có vẻ như họ chọn nơi này để tâm sự nhiều hơn là đến đây xem phim. Phim đang đến chỗ gay cấn nhất thì họ bỏ về. Trong rạp chỉ còn lại A Mĩ ngồi hàng ghế trước và Vu Tùng ngồi hàng ghế sau. Hai người đang lặng đi vì nỗi đớn đau của hai nhân vật trong phim. Khi đèn trong rạp bật sáng, màn bạc không còn lưu lại gì nữa, vậy mà A Mĩ và Vu Tùng vẫn ngồi đấy nghĩ ngợi, mãi cho tới lúc nhân viên làm vệ sinh của rạp nhắc khẽ, họ mới giật mình đứng dậy ra về.
Bên ngoài, tuyết vẫn không ngừng rơi. Hai người bần thần đứng nhìn những bông tuyết bay lượn trong không gian. Bỗng ánh mắt của họ gặp nhau. A Mĩ đột ngột hỏi Vu Tùng:
- Anh đang khóc hay sao đấy?
- Vu Tùng gật đầu rồi hai người nhìn nhau bật cười. Đây là tình tiết đầu tiên của một chuyện tình ngoài đời mà tôi đang kể. Chắc là do tình sử Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài đã làm Vu Tùng xúc động cho nên suốt đêm đó, Vu Tùng như chìm trong tình thơ ý họa. Trong tuyết rơi, gió thổi, ngọn đèn đường ngả màu vàng vỏ quýt chín thơm thơm, âm ấm, Vu Tùng lần đầu tiên cùng với một người con gái thả bộ trên đường phố. Họ chầm chậm bước đi như sợ hết mất đường. Hết con đường này còn có con đường nào nữa không? A Mĩ thỏ thẻ hỏi Vu Tùng:
- Hình như anh rất thích đi dạo trên đường phố có phải không?
Vu Tùng đáp:
- Đúng! Bởi vì đi dạo trên đường phố làm cho con người ta vô cùng thanh thản.
A Mĩ chợt hỏi:
- Nhưng trông anh như là có điều gì ưu tư lắm!
Vu Tùng nói:
- Ưu tư chính là một dạng cảm giác dễ chịu.
A Mĩ mỉm cười, nói:
- Anh lạ thật đấy!
Vu Tùng nói:
- Tôi tiễn cô về nhà nhé!
A Mĩ nói:
- Vâng! Anh đưa em về nhà nhé!
Hai người dù có bước chậm đến bao nhiêu thì cuối cùng ngôi nhà A Mĩ cũng đã hiện ra trước mắt. Vu Tùng nghĩ giấc mộng đẹp đêm nay với anh chắc là kết thúc và anh cất lời chào “Hẹn gặp lại”. Ngay lúc đó, A Mĩ bảo anh xòe bàn tay ra. Vu Tùng chìa tay cho A Mĩ. A Mĩ vội ghi vào lòng bàn tay Vu Tùng một dãy sáu chữ số và dặn anh:
- Anh nhớ gọi điện thoại cho em!
A Mĩ bỗng đổi cách xưng hô khiến cho Vu Tùng rất bồi hồi. Anh gật đầu và đứng lặng nhìn theo A Mĩ. Mãi tới lúc đèn tầng ba bật sáng, A Mĩ nhoài người ra ngoài cửa sổ vẫy tay, Vu Tùng mới trở gót ra về.
Vu Tùng nhớ A Mĩ quay quắt. Mấy lần anh nhấc điện thoại và ấn sáu số nhưng chẳng hiểu vì sao, anh lại vội dập máy. Những khi buồn chán, cô đơn, Vu Tùng lại đi dạo phố. Tuy không có chủ định nhưng chẳng hiểu sao điểm dừng của anh lại là nơi căn nhà đêm ấy. Anh ngước lên nhìn ô cửa sổ tầng ba nhưng ở đó cứ tối đen như mực. Cứ như thế, hai tuần lễ trôi qua, Vu Tùng lại đi đến rạp chiếu phim. Khi đến rạp, anh bỗng thấy A Mĩ đang đứng như chờ ai. Gặp anh, cô nói giọng đầy trách móc:
- Anh quên em rồi sao?
Vu Tùng lắc đầu hỏi:
- Cô đang đứng đợi ai?
A Mĩ đáp:
- Em đợi anh!
A Mĩ đã ba lần tới đây, mỗi lần đều mua hai tấm vé và mong ngóng Vu Tùng trở lại nhưng đều không thấy. Vu Tùng nghe A Mĩ kể thế, anh thốt lên:
- Cho anh xin lỗi. Anh có lỗi với em nhiều lắm!
Mối tình đầu đến với Vu Tùng tự nhiên, đơn sơ là vậy mà nó cứ khiến cho anh lúng túng, rụt rè. A Mĩ hỏi:
Anh đã có bạn gái chưa?
Vu Tùng càng trở nên lúng túng.
Cô nói:
- Em thích cái rụt rè, lúng túng của anh. Anh cũng giống như Lương Sơn Bá “ngốc nghếch” mà lại thật đáng yêu.
Nghe A Mĩ tâm tình, Vu Tùng thầm cảm ơn thượng đế đã ban cho anh một nàng Chúc Anh Đài, người con gái mà anh thầm mong ước.
Từ đó, họ thường xuyên cùng nhau đi xem phim và lần nào, Vu Tùng cũng đưa A Mĩ về đến nhà. Thế rồi đêm ấy, một đêm trọng đại đối với Vu Tùng. Khi anh sắp nói lời “Hẹn gặp lại” thì A Mĩ tự nhiên gọi mỗi tên “Tùng” rồi ôm ghì lấy anh và thổn thức:
- Hôn Mĩ đi anh!
Thế là họ trao cho nhau những nụ hôn cháy bỏng.
A Mĩ sung sướng như đứa trẻ chạy lên tầng ba, bật đèn và nhoài người ra ngoài cửa sổ vẫy tay gọi to: “Anh Tùng”. Lúc này Vu Tùng mới như tỉnh giấc mơ, đó là một bước ngoặt trong đời anh.
Nhưng khi A Mĩ ngỏ lời muốn đến chơi nhà Vu Tùng thì Vu Tùng chối từ và anh cũng không nói rõ nguyên nhân vì sao lại như vậy. A Mĩ rất giận Vu Tùng. Từ đó, mỗi lần chia tay, cô không còn nhoài người ra ngoài cửa sổ và gọi tên anh nữa. Vu Tùng nghĩ mình là một người nghèo, nhà nào có ra hồn nhà, dù anh có phấn đấu cả đời thì anh vẫn chỉ là một người nghèo khổ. A Mĩ càng yêu thương anh bao nhiêu thì anh càng lo lắng bấy nhiêu. Anh nghĩ: “Liệu tình yêu của anh và A Mĩ có kết cục bi thảm như Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài không?!”.
Giữa lúc Vu Tùng đang rơi vào tình trạng đứng giữa ngã ba đường thì bạn bè rủ anh cùng đi Tây Tạng tìm đường đổi đời. Ngày chia tay với A Mĩ, anh vẫn không đủ dũng cảm thổ lộ nỗi lòng mình với cô. Anh định bụng sau này trở về, anh sẽ nói rõ cho A Mĩ hiểu tất cả sự việc. A Mĩ tặng anh một chiếc túi nhỏ xinh xinh và nói sẽ có lúc anh cần đến nó. Vu Tùng cảm thấy rất mãn nguyện khi có kỉ vật này. Anh hứa sẽ giữ gìn nó trinh nguyên không hề mở nắp.
Từ Tây Tạng trở về, Vu Tùng tự nhủ: “Nhất định mình sẽ đốn ngã cây tình yêu mà mình và A Mĩ đã vun xới bấy lâu nay”. Anh gọi điện thoại cho A Mĩ đúng có một lần và nói với A Mĩ: “Tôi không còn yêu cô nữa!” Rồi cúp máy. Tuy thế, Vu Tùng cũng rất đau đớn. Anh tới rạp chiếu phim. Nhân viên ở đây kể rằng: “Mỗi lần đến đây, cô ấy đều mua hai chiếc vé rồi đứng đợi ngoài thềm cho đến lúc chuông reo mới bước vào rạp. Phim hết, cô ấy vẫn ngồi tư lự. Đêm nào cũng vậy, mãi đến khi nhân viên của rạp đến nhắc nhở, cô ấy mới ra về”.
Tôi đau lòng nhìn Vu Tùng và nói:
- Khuya rồi. Về đi thôi!
Vu Tùng ngồi trên xe lăn, hai tay cứ mải miết mân mê cái túi nhỏ xinh xinh chưa hề mở nắp. Trên đường từ Tây Tạng về, không may, Vu Tùng bị tai nạn giao thông. Thấy tôi có vẻ buồn, Vu Tùng bảo tôi: “Cậu không phải băn khoăn gì cả. Cho dù không mù, què đi nữa thì mình cũng vẫn chia tay với A Mĩ. Lý do thật đơn giản là mình nghèo!”. Tôi nói nhỏ: “Vu Tùng ơi! Không ngờ cậu lại là một thằng cố chấp đến thế! Cậu đã không hiểu hoặc cố tình không hiểu một cô gái có trái tim như A Mĩ rồi…!”.