Sau hai năm làm dân biểu, bốn năm nghị sĩ, tám năm phó tổng thống, và hai lần thất cử, Richard Nixon tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 37 của Hoa Kỳ vào đầu năm 1969.
Trong năm năm tám tháng giữ chức vụ tổng thống, những thành quả của Nixon được nhiều người nhắc đến là thoả ước giảm thiểu vũ khí nguyên tử giữa Mỹ và Nga; thiết lập ban giao với Trung Cộng; và đưa quân đội và trách nhiệm của Hoa Kỳ ra khỏi chiến trường Việt Nam.
Chúng ta phải phân biệt chuyện Nixon đưa quân đội Mỹ khỏi Việt Nam, và chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Vì mọi người đều thấy: Nixon đã thành công đưa quân đội Mỹ ra khỏi cuộc chiến, nhưng cuộc chiến vẫn còn sau khi người Mỹ rút đi. Nixon đã ép buộc VNCH
phải ký vào hiệp định Ba Lê năm 1973, với lời hứa là nếu phía cộng sản xâm phạm hiệp ước, Nixon sẽ dùng biện pháp mạnh để bảo vệ những điều khoản đã ghi trong hiệp ước. Nixon hứa
riêng với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là ông sẽ dùng tất cả khả năng của một vị tổng thống để bảo đảm giá trị của một hiệp ước mà ông xin muốn VNCH phải ký. Nhưng sự kiện lịch sử cho thấy Nixon
không có cơ hội để chứng tỏ với VNCH - và những đồng minh bị bỏ rơi trên thế giới, như trong trường hợp Đài Loan - là ông có giữ đúng lời hứa hay không. Nixon không có dịp để chứng tỏ danh dự của ông vì bị truy tố trước Quốc hội Hoa Kỳ và phải từ chức để khỏi phải bị truất phế.
Ở phần dưới đây chúng ta sẽ bàn sơ về thái độ và hành động của Nixon đối với chiến tranh Việt Nam từ lúc ông lên nắm quyền cho đến ngày từ nhiệm.
Từ năm 1953 cho đến năm 1967 Nixon viếng thăm Việt Nam tất cả bốn lần. Sau mỗi lần quan sát, ý kiến của Nixon về cuộc chiến Việt Nam vẫn giống nhau: Nga và Trung Cộng đứng sau lưng cộng sản Bắc Việt trong cuộc chiến xâm lấn miền Nam. Và chỉ có một cách để làm CSBV từ bỏ ý định xâm lược là áp dụng áp lực quân sự. Nixon không sợ mang tiếng là kẻ ỷ mạnh hiếp yếu; ngược lại, Nixon thích cho đối phương biết ông ta sẵn sàng hiếp đối phương nếu cần. Trong những lần phát biểu ý kiến về chiến tranh Việt Nam lúc ứng cử tổng thống, Nixon chỉ trích chánh phủ Johnson là Hoa Kỳ đã không quyết tâm giải quyết cuộc chiến Việt Nam bằng quân sự. Trong chuyến thăm Sài Gòn vào tháng 4.1967, ông được giới chỉ huy quân sự trình bày cho ông biết sự bực tức của họ khi không được thẩm quyền quân sự cho phép đánh qua biên giới, hay đánh thẳng vào bất cứ nơi nào CSBV dùng làm sào huyệt. Nixon, trong một vài lần phát biểu, đã nhận định rất đúng về tình hình “trung lập” của Lào. Đối với Nixon, khi để Lào thành một quốc gia trung lập kiểu đó, Lào đã nằm trong quỹ đạo - nếu không nói thuộc về - CSBV và cộng sản Tàu. Một mình đơn độc, Nixon nhấn mạnh, Lào không bao giờ có thể giữ được sự trung lập theo ý nghĩa một quốc gia được độc lập về ý thức hệ chính trị với một lãnh thổ toàn vẹn. Suy luận song song theo chiều hướng chiến lược quân sự đó, Cam Bốt cũng nằm trong hoàn cảnh tương tự như Lào. Nixon chỉ trích chính phủ Johnson đã không thật lòng khi không đặt vấn đề, hay giải quyết, hai yếu tố quan trọng Lào và Cam Bốt trong cuộc chiến Việt Nam. Nixon tuyên bố vào năm 1967, nếu Hoa Kỳ không đối diện với tình hình Cam Bốt và Lào; nếu Hoa Kỳ không thú nhận sự phức tạp của chiến tranh Việt Nam trong địa hình của Đông Dương ngay bây giờ, thì Hoa Kỳ sẽ phải thú nhận và đối diện vấn nạn đó về sau. Nixon nhấn mạnh - và chúng ta thấy điều đó thật đúng vào những năm cuối cùng của cuộc chiến - chiến tranh Việt Nam không phải chỉ giới hạn vào Việt Nam, mà là toàn cõi Đông Dương
[1] .
Chúng ta nên để ý sự khác biệt về tinh thần của các Tổng thống Kennedy, Johnson và Nixon trong chiến tranh Việt Nam: Kennedy thích hào hùng, quân tử, nhưng bên trong thì nhát; Johnson thì hăm hở cuồng nộ nhưng không có trí thông minh, tài ngoại giao, hay sự kiên nhẫn để thực hiện ý định; còn Nixon thì có tất cả những tánh tình của hai tổng thống kia, cộng thêm tánh thích hành động bí mật từ bên trong hay nhờ tay người khác hành động cho mình, và đôi khi hành động ngoài vòng pháp luật. Nixon “mánh mung” hơn Kennedy và Johnson khi muốn hoàn tất một ý định. Từ Truman cho đến Nixon, mỗi vị tổng thống đều có liên hệ đến cuộc chiến Việt Nam bằng một hay nhiều quyết định và mỗi quyết định được thực hiện qua cách này hay cách khác. Truman, vì những quyền lợi của Mỹ ở Âu Châu, phải đành nhượng bộ và ít niều giúp Pháp để tiếp tục sự đô hộ ở Việt Nam. Eisenhower và Kennedy, với ý định muốn thiết lập một tiền đồn chống cộng ở Đông Nam Á gắng bồi đắp và gầy dựng một nền tự do dân chủ ở một quốc gia mới gọi là Việt Nam Cộng hoà. Sau Kennedy, Tổng thống Johnson muốn giải quyết cuộc chiến nhanh hơn với quân tác chiến, với vũ khí cơ hữu, với cấp số vài ba quân đoàn. Bây giờ cuộc chiến chuyền đến tay Nixon. Đến Nixon thì nhiệm vụ khó khăn hơn: ông phải đem người Mỹ ra khỏi cuộc chiến
trong chiến thắng - hay ít ra, phải bảo vệ miền Nam với một nền hoà bình
trong danh dự.
Khi ra tranh cử tổng thống, cũng không khác hơn những ứng cử viên trước và cùng lúc với ông, Nixon hứa sẽ chấm dứt cuộc chiến Việt Nam, sẽ đem lại hoà bình trong danh dự. Nixon không hứa hẹn gì về một chiến thắng quân sự, hay một thương thuyết ngoại giao nào để kết thúc chiến tranh. Một tháng sau khi đắc cử, Nixon rất tự tin ông sẽ giải quyết cuộc chiến Việt Nam trong vòng 12 tháng
[2] . Nhưng khi thấy Hà Nội chỉ lợi dụng cuộc thương thuyết để câu giờ và cuộc chiến đã kéo dài ngoài dự định, Nixon quyết định cho đối phương thấy ông là người biết dùng vũ lực để thuyết phục, và Nixon đã không ngần ngại dùng vũ lực. Chúng ta có thể thấy một phần tinh thần của Nixon đối với cuộc chiến Việt Nam khi ông tuyên bố trước công chúng: “Lỗi lầm quan trọng nhất lúc tôi còn là tổng thống, là tôi đã không làm vào đầu năm 1969 những gì tôi đã làm vào ngày 3 tháng 5.1972, và 15 tháng 12.1972, nghĩa là dội bom và phong toả Bắc Việt. Tôi có bàn chuyện này với Kissinger. Nhưng kẹt là chính phủ tiền nhiệm Johnson đã quyết định ngừng dội bom để đi đến hội đàm Paris... tôi không tin họ [CSBV] muốn thương thuyết thật sự, và dĩ nhiên sau này chúng ta đã thấy sự giả tạo của cuộc thương thuyết đó. Nếu chúng ta thực hiện chuyện đó [dội bom và phong toả Bắc Việt] chúng ta có thể kết thúc cuộc chiến vào năm 1969 chứ không phải đến năm 1973. Đó là lỗi lầm lớn nhất của tôi trong thời gian làm tổng thống”
[3] .
Nhiều tác giả loại “bồ câu”, phản chiến, và chống Nixon, thường luận bàn là sau năm 1968, sau khi CSBV chịu vào bàn thương nghị, lẽ ra cuộc chiến Việt Nam đã có cơ hội chấm dứt... Nhưng khi lên kế vị Johnson, Nixon đã kéo dài thêm cuộc chiến, đưa đến hơn hai mươi ngàn cái chết của quân nhân Hoa Kỳ, hơn một trăm ngàn quân VNCH và bốn hay năm lần số thương vong đó bên phía Bắc Việt
[4] . Lý luận này không vững ở điểm những tác giả, sử gia nói trên không nói tại sao Nixon không thể chấp nhận những “đề nghị thương thuyết” căn bản của CSBV
[5] .
Từ ngày đầu nhậm chức, Nixon đã cho phép giới quân sự dùng mọi kế hoạch, kể cả những kế hoạch quân sự phạm luật của Quốc hội Mỹ và công pháp quốc tế, để cho Hà Nội thấy Hoa Kỳ - dưới sự lãnh đạo của Nixon - biết dùng sức mạnh khi cần. Sau khi Tổng thống Johnson ra lệnh ngưng dội bom từ vĩ tuyến 20 trở lên, Nixon ra lệnh cho MACV
[6] dùng tất cả không lực dùng vào miền Bắc trước đó để đánh vào chiến trường Lào và những căn cứ hậu cần của CSBV dọc theo biên giới Cam Bốt. Tuy nói là ngưng dội bom, nhưng thật sự phi vụ oanh tạc gia tăng nhiều hơn. Năm 1968 không lực Hoa Kỳ bay 3.377 phi vụ trên hệ thống đường xâm nhập Hồ Chí Minh; năm 1969 số phi vụ tăng lên 5.567, với khoảng 160 ngàn tấn bom thả xuống Hạ Lào. Chỉ trong năm tháng đầu năm 1969, bộ tư lệnh Đoàn 559 ở Trường Sơn đã thấy được cường độ oanh tạc dưới nội các mới
[7] . Nhưng chưa đủ, Nixon muốn CSBV thấy rõ ý định của ông hơn. Đầu tháng 3.1969, Nixon nghe theo đề nghị của ban tham mưu liên quân - một đề nghị bị bỏ quên nhiều năm vì McNamara và Johnson không cho phép thực hiện - là phải huỷ diệt cơ sở hậu cần của CSBV bên trong nội địa Cam Bốt. Nhưng đánh qua Cam Bốt thì không được (ít ra là trong thời điểm đó), dội bom thì lại vi phạm công pháp quốc tế vì tính chất trung lập của Cam Bốt. Chỉ còn một cách duy nhất là bí mật dội bom - bí mật ở đây cũng có nghĩa là phạm luật
[8] . Với tất cả thận trọng để đánh lừa báo chí và Quốc hội, Nixon cho phép Bộ tư lệnh Không quân Chiến lược và MACV hành động. Từ tháng 3.1969 cho đến tháng 4.1970, không quân chiến lược bay 3630. phi vụ, bỏ 110 ngàn tấn bom xuống các căn cứ hậu cần và binh trạm của CSBV nằm trong lãnh thổ Cam Bốt từ vùng tam biên ở Pleiku cho đến Mỏ Vịt ở Tây Ninh.
Để tránh bom, quân đội CSBV lấn sâu vào nội địa Cam Bốt về hướng tây, gần các khu dân cư. Với chiến thuật này, CSBV đã vô hiệu hoá các cuộc oanh tạc chiến lược bằng B-52 của Hoa Kỳ vào mật khu của họ trên đất Cam Bốt. Khi đại tướng Abrams tư lệnh MACV báo cáo Hoa Thịnh Đốn vấn đề đó, Nixon không ngần ngại quyết định tiến xa hơn: dùng bộ binh đánh qua Cam Bốt. “Chúng ta phải chứng tỏ cho đối phương biết chúng ta cương quyết với những gì đã hứa ở Việt Nam”, Nixon phát biểu khi đồng ý kế hoạch đánh qua Cam Bốt
[9] . Để giới hạn những phản đối đến từ các nghị viên đối lập ở Quốc hội và các cuộc biểu tình của sinh viên trong và ngoài nước, Nixon chỉ cho phép quân đội Hoa Kỳ hoạt động trong vòng 30 cây số trong nội địa Cam Bốt, và quân Mỹ sẽ rút ra khỏi Cam Bốt sau 60 ngày. Thêm vào đó, quân đội VNCH sẽ khai diễn cuộc tấn công trước và sẽ là thành phần chủ động. Cuộc hành quân qua Cam Bốt chỉ thâu gặt được một số thành công giới hạn: ba sư đoàn cơ hữu của Việt Cộng, 5, 7, và 9, được lệnh phân tán mỏng từ một tháng trước đó. Các đơn vị CSBV được lệnh tránh giao tranh nếu không cần thiết và rút xa về hướng tây, về một cứ địa mới ở tỉnh Kratie. Tuy không gài bẫy được các đơn vị cộng sản như ý muốn, quân đội VNCH và đồng minh khám phá và tịch thu một số quân trang dụng, vũ khí và lương thực đủ trang bị và tiếp tế cho tất cả các đơn vị cộng sản ở miền Nam hơn một năm trời
[10] .
Nixon đã trả một giá rất cao về uy tín chính trị với cuộc tấn công qua Cam Bốt: sau khi bốn sinh viên bị Vệ binh Quốc gia bắn chết trong một cuộc biểu phản chiến ở đại học Kent State, tiểu bang Ohio, hơn hai trăm ngàn người tham dự biểu tình chống Nixon ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn - một thành phố rất nhỏ để chứa hai trăm ngàn công dân bực tức. Quốc hội Hoa Kỳ chỉ trích Nixon; thẩm vấn lại quyền hạn hiến pháp của tổng thống có hay không khi đem quân tấn công qua một quốc gia “trung lập” như Cam Bốt. Nhưng đối với một chính trị gia lão luyện như Nixon, những cuộc biểu tình hay những ý kiến đối lập từ quốc hội là chuyện thường: Nixon tiếp tục gia tăng lực quân sự đối với CSBV. Hai ngày sau khi quân đội Mỹ và VNCH vượt biên giới, Nixon đích thân đến Ngũ giác đài để được tường trình về biến chuyển của cuộc hành quân. Khi nhìn bản đồ ghi chú địa điểm các căn cứ hậu cần khác của CSBV ở bắc Cam Bốt và Hạ Lào, Nixon hỏi những sĩ quan đang có mặt, là quân đội VNCH và Hoa Kỳ có khả năng tấn công tất cả những căn cứ đó không. Khi được trả lời là những cuộc tấn công tiếp theo qua biên giới sẽ gây nhiều phản ứng bất lợi từ dư luận và Quốc hội..., Nixon trả lời cho các sĩ quan là chuyện lợi hại về chính trị để ông lo, ông chỉ muốn họ trả lời là đánh được hay không. “Chúng ta đã bị thiệt hại về chính trị trong cuộc hành quân [qua Cam Bốt] này rồi. Nếu có thể huỷ diệt được tất cả các mật khu của địch để giảm thiểu thiệt hại cho quân ta, thì đây là đúng lúc để hành động... Tôi muốn tấn công tất cả các căn cứ đó. Chuẩn bị các kế hoạch cần thiết và thực hiện ngay”, Nixon tuyên bố với ban tham mưu liên quân
[11] . Vài tháng sau khi VNCH và Mỹ kết thúc cuộc hành quân ở Cam Bốt, Tướng Abrams của MACV trình lên ban tham mưu liên quân kế hoạch đánh qua Lào. Tháng 12.1970 ban tham mưu liên quân đồng ý kế hoạch và một tháng sau, Nixon cho phép tiến hành. Trong khi kế hoạch đánh qua Lào vào tháng 2.1971 có thành công như tiên liệu hay không là một vấn đề chúng ta sẽ bàn cãi sau, ở đây, qua những quyết định quân sự, chúng ta muốn chứng minh tinh thần quyết liệt của Nixon khi thương lượng với Hà Nội. Trước đó, vào cuối tháng 11.1970, Nixon cho phép thực hiện một kế hoạch rất táo bạo: dùng đơn vị lực lượng đặc biệt bay từ Thái Lan qua Sơn Tây, một tỉnh chỉ cách Hà Nội vài chục cây số, để tiếp cứu vài chục tù binh Mỹ, dù biết biết kế hoạch có xác suất thất bại nhiều hơn thành công, nhưng Nixon muốn làm để cho đối phương thấy ông sẵn sàng chấp nhận may rủi nếu phải hành động
[12] .
Đầu tháng 4.1972, khi nghe tin CSBV đem tất cả lực lượng tinh nhuệ của họ tấn công ba mặt ở miền Nam, Nixon phản ứng mãnh liệt với một cường độ làm ngay cả giới quân nhân phải quan tâm: Nixon muốn di chuyển tất cả B-52 mà bộ tư lệnh quân chiến lược có thể di chuyển được, đem qua Thái Lan và Guam để trả đũa CSBV. Khi CSBV ồ ạt xua quân chủ lực tấn công VNCH, Nixon nóng mặt vì thái độ ngoan cố của Hà Nội đã làm tổn thương danh dự của một vị tổng thống. Cùng lúc, Nixon thấy mình bị Nga và Trung Cộng lừa vì hai đàn anh quan trọng của Hà Nội đã thất hứa trong việc kiềm toả đàn em của họ. Tháng Giêng vừa qua Nixon có viết cho Brezhnev một lá thư, trong đó nhắn khéo với ông Chủ tịch Đảng Cộng sản Nga là “Hoa Kỳ không có chọn lựa nào khác hơn là phản ứng mạnh nếu Bắc Việt có những hành động làm nhục chúng tôi". Rồi đến tháng Hai, Nixon vừa hoàn tất cuộc viếng thăm lịch sử ở Trung Cộng, nói chuyện với Mao và Chu Ân Lai. Đã cảnh cáo trước, Nixon không thể để những lời cảnh cáo của Tổng thống Hoa Kỳ bị coi thường. Hơn nữa, năm 1972 là năm bầu cử tổng thống, cuộc tấn công của Hà Nội không được để đi quá xa để trở thành một sự kiện có thể làm hư kế hoạch đắc cử nhiệm kỳ thứ nhì của Nixon. Theo hồi ký của nhiều nhân chứng và theo những tài liệu được giải mật về sau, đích thân Nixon chỉ huy cuộc phản công vào những ngày đầu khi CSBV tấn công toàn diện miền Nam vào năm 1972. Trong giai đoạn cuối cùng của chiến tranh Việt Nam, chúng ta có thể nói đó là cuộc chiến của cá nhân Nixon - đó là thái độ của Nixon vis-a-vis VNCH và Hà Nội.
[13] Để đối phó với cuộc tổng tấn công của CSBV, Nixon ra lệnh hải quân được quyền xử dụng hai hạm đội cho chiến trường Đông Nam Á, nếu cần. Ý Nixon muốn nói, nếu hải lực của Hạm đội 7 chưa đủ, bộ tư lệnh Thái Bình Dương có quyền trưng dụng chiến hạm của Hạm đội 1 (trong thời gian đó ở vùng biển Thái Bình Dương, Hoa Kỳ có hai hạm đội, đệ Nhất và đệ Thất). Nixon ra lệnh nếu bộ tư lệnh không quân Thái Bình Dương cần thêm không lực chiến thuật (vì lúc đó Hoa Kỳ đã sử dụng phân nửa không lực chiến lược, B-52, để phản công) họ có toàn quyền trưng dụng từ những bộ tư lệnh khác trên thế giới. Và đây là mệnh lệnh do đích thân Nixon phán, chứ không phải đến từ ban tham mưu liên quân, hay có sự yêu cầu của đại tướng Abrams ở MACV.
Cũng trong những tuần lễ đầu tiên của cuộc tấn công, nhiều tài liệu cho thấy Nixon có nhắc đến hai kế hoạch để triệt tiêu tài nguyên và nhân sự của miền Bắc. Hai kế hoạch Nixon nhắc đến - qua hội đàm hay điện thoại với các cố vấn thân cận - là dội bom những bờ đê quan trọng dọc trên sông Hồng Hà và sử dụng vũ khí nguyên tử chiến thuật giới hạn để huỷ diệt quân đội CSBV. Nhưng phải nói, cho đến bây giờ, sau khi khảo sát những tài liệu và nghe lại điện đàm đã được giải mật, chúng ta vẫn không có đủ yếu tố để xác định Nixon nói đến việc sử dụng bom nguyên tử chiến thuật như là một tính toán thận trọng, hay chỉ là những phát ngôn trong cơn thịnh nộ đối với kẻ thù. Đây không phải là lần đầu tiên một vị tổng thống Hoa Kỳ nghĩ đến chuyện sử dụng vũ khí nguyên tử ở chiến trường Á Châu hay Việt Nam. Truman có đặt vấn đề đó ở chiến tranh Triều Tiên khi quân Mỹ đối diện với chiến thuật biển người của Trung Cộng; Eisenhower bàn luận về bom nguyên tử chiến thuật trong lúc thời gian Điện Biên Phủ đang hấp hối; và Johnson yêu cầu ban tham mưu cho ông biết kế hoạch nguyên tử, nếu cần phải sử dụng, khi hơn ba sư đoàn CSBV bao vây Khe Sanh. Nixon nghĩ đến vũ khí nguyên tử trong trường hợp này không phải là một ngoại lệ. Nhưng ở đây chúng ta không hiểu được được tâm lý và tinh thần của Nixon ra sao khi ông nói đến chuyện đó. Có thể Nixon đã uống quá nhiều và nói trong cơn say, trong ý nghĩa rượu nói - và chuyện Nixon uống nhiều vào cuối tuần, hay khi cần phải quyết định đại sự, là chuyện mọi cố vấn thân cận đều biết. Trong khi chúng ta không biết rõ Nixon nói thật hay chơi khi nói đến võ khí nguyên tử, nhưng chúng ta biết rõ Nixon cương quyết không để cho miền Nam bị tràn ngập trong cuộc tổng tấn công năm 1972
[14] .
Ngày 2 tháng 51972., khi nhận được tin Quảng Trị thất thủ trước sự tấn công ồ ạt của hơn ba sư đoàn CSBV, Nixon một mặt ra lệnh gia tăng phi vụ oanh tạc các cứ điểm quân sự chung quanh Hải Phòng và Hà Nội, mặt khác, Nixon đích thân đánh một điện văn cho Tổng thống Thiệu, cho ông biết Hoa Kỳ vẫn đứng sau lưng VNCH trong giờ phút nghiêm trọng như lúc này. Cùng ngày, Nixon ra lệnh cho ban tham mưu liên quân phát hoạ kế hoạch phong toả các giang cảng, bến tàu ở Bắc Việt bằng thuỷ lôi
[15] .
Liền sau khi ban hành lệnh, khi thấy giới quân sự có vẻ chậm chạp trong lúc thi hành các phi vụ trên miền Bắc (không lực của hải và không quân chỉ cung cấp được trên hai trăm phi vụ ở Bắc Việt mỗi ngày vì thời tiết không cho phép), Nixon viết cho Kissinger một huấn lệnh, yêu cầu Kissinger tìm cách đốc thúc giới quân sự và các viên chức trong Hội đồng An ninh Quốc gia phải tìm mọi cách để gia tăng áp lực quân sự với Bắc Việt. Trong huấn lệnh cho Kissinger, Nixon đồng thời đặt câu hỏi về sự trung thành của những viên chức cao cấp ở Bộ Quốc phòng và Ngoại giao. Theo hồi ký của đại tướng Alexander M. Haig - một trong những phụ tá thân cận của Kissinger và Nixon - Tổng thống Nixon đã mất tin tưởng vào Đại tướng tư lệnh MACV, Abrams, và Tổng trưởng Quốc phòng Melvin Lair. Nixon nghĩ hai viên chức trên không thật sự giúp VNCH hết lòng như ý ông muốn. Nixon viết: “Tôi không thể nhấn mạnh thêm hơn, là tôi đã quyết định chúng ta sẽ đánh cạn láng. Và chúng ta phải làm sao cho địch thấy được ấn tượng đó... Đối phương đã quyết định đánh cạn láng; chúng ta cũng đánh cạn láng. Chúng ta có trong tay quyền lực huỷ diệt bộ máy chiến tranh của họ. Nhưng câu hỏi là chúng ta
có ý chí để sử dụng quyền lực đó không. Sự khác biệt giữa tôi và Tổng thống Johnson là, tôi có
ý chí đó [sử dụng quyền lực] rất rõ ràng. Nhưng nếu chúng ta thất bại lần này thì cũng tại vì những viên chức quan lại ở Bộ Quốc phòng và những đồng minh của họ ở Bộ Ngoại giao. Họ cố gắng tìm cách phá hoại những quyết định mạnh bạo và quyết liệt mà tôi muốn chúng ta phải thi hành”
[16] .
Ngày 5 tháng 5.72, khi Kissinger từ Paris trở về báo cáo là Hà Nội đã từ chối tiếp tục thương thuyết, Nixon không chần chờ: trưa ngày 8 ông ra lệnh cho Đô đốc Thomas H. Moore, Tham mưu trưởng liên quân, chuẩn bị phong toả tất cả giang và hải cảng Bắc Việt, và chuẩn bị khởi diễn cuộc hành quân không lực Linebacker. Chín giờ tối cùng ngày, Nixon lên đài truyền thông, thông báo cho dân chúng Mỹ ý định của ông. Trong thông điệp, Nixon nói Hoa Kỳ có ba chọn lựa: lập tức rút tất cả quân đội Hoa Kỳ khỏi Đông Nam Á; tiếp tục thương lượng với Hà Nội để tìm một giải pháp; và, dùng áp lực quân sự để ép buộc đối phương. Nhưng, Nixon tuyên bố, kinh nghiệm đã cho thấy hai chọn lựa đầu chỉ kéo dài cuộc chiến, kéo dài thêm chết chóc. Bây giờ chỉ còn chọn lựa thứ ba: Hoa Kỳ sẽ oanh tạc cho đến khi nào Bắc Việt chịu ngồi lại thương thuyết.
Ngày 9 tháng 5, hải quân thả thuỷ lôi phong toả Vịnh Bắc Việt. Tàu bè ngoại quốc có 48 tiếng đồng hồ để rời bến. Sau thời hạn đó, ngòi nổ tự động của thuỷ lôi sẽ hoạt động kể từ sáng ngày 11. Ngày 10 tháng 5, cuộc hành quân không lực Linebacker khởi diễn. Hôm đó, chỉ trong 12 tiếng đồng hồ, phi cơ chiến thuật của không và hải quân bay 414 phi vụ thả bom chung quanh Hải Phòng và Hà Nội
[17] .
Nixon tự nhận mình là một tay đánh phé giỏi, biết coi mặt để đoán bài đối phương
[18] . Nixon biết lúc nào phải tố; và càng tố mạnh khi có bài trong tay. Đến cuối tháng 9.1972, cuộc tổng tấn công của CSBV đã hoàn toàn thất bại: An Lộc được giải toả; Kontum vẫn nằm trong tay quân đội VNCH như từ lúc đầu của cuộc tấn công; và cờ của VNCH đã tung bay trở lại ở cổ thành Quảng Trị. Đối diện với sự thất bại quân sự, Bắc Việt chịu trở lại bàn hội nghị. Nhưng Hoa Kỳ - và VNCH - không thể chấp nhận hai đề nghị của Hà Nội đưa ra vào ngày 26 và 27 tháng 9.1972 ở Paris. Trong khi Kissinger tiếp tục thương lượng với Hà Nội - và khẩn nài Sài gòn phải nghe theo kế hoạch của Mỹ - Nixon vẫn giữ yên lặng về thái độ của CSBV cho đến qua ngày bầu cử tổng thống. Kết quả bầu cử cho thấy Nixon được sự tính nhiệm lớn của cử tri Hoa Kỳ. Với kết quả đắc cử trong tay, ngày 14 tháng 12.1972 Nixon quyết định cho Hà Nội thấy họ không có chọn lựa nào khác. Đi ngược lại những cố vấn quân sự của Tổng trưởng Quốc phòng Laird, Ban tham mưu liên quân, và Tư lệnh Thái Bình Dương, ngày 17 tháng 12, Nixon ra lệnh khai diễn cuộc hành quân không lực Linebacker II tiếp theo. Trong ba ngày đầu dội bom, hỏa tiễn địa không của Bắc Việt bắn rớt 14 B-52. Khi thấy Ban tham mưu liên quân và Bộ tư lệnh Thái Bình Dương nao núng, Nixon ra lệnh cho Đô đốc Moorer tiếp tục cường độ oanh tạc và bắt vị tham mưu trưởng liên quân này phải đích thân chịu trách nhiệm về kết quả của chiến dịch oanh tạc.
[19] Sau mười một ngày dội bom, hơn một ngàn phi vụ chiến thuật và 770 phi vụ chiến lược B-52, Lê Đức Thọ xin trở lại bàn hội nghị lần cuối.
Không ai có thể nói Hiệp định Ba Lê 1973 đã đem lại một nền hoà bình cho Việt Nam, hay một danh dự cho Hoa Kỳ. Hiệp định Ba Lê 1973 chỉ là một văn kiện để cho Hoa Kỳ rút chân ra khỏi vũng lầy Việt Nam một cách danh chánh ngôn thuận. Trong khi một số người chỉ trích hành động dội bom của Nixon, đa số dân chúng Hoa Kỳ coi đường lối của Nixon là một phương cách duy nhất để khuất phục CSBV. Từ đầu tháng 5.1972, bắt đầu chiến dịch Linebacker, khi Nixon tuyên bố ông sẵn sàng thất cử nhiệm kỳ hai hơn là để mất miền Nam, cho đến đầu tháng Giêng khi Nixon tái đắc cử, và kết thúc chiến dịch Linebacker II, những cuộc trưng cầu dân ý cho thấy 67% dân chúng ủng hộ đường lối của Nixon
[20] .
Không ai phủ nhận Nixon là một chính trị gia loại Machiavelli hành động tốt xấu gì cũng được, miễn sao có lợi cho mục đích tối hậu của chính trị. Để giữ lời hứa “đưa quân đội Mỹ ra khỏi Việt Nam” với cử tri Hoa Kỳ, Nixon đã làm những gì một chính trị gia có thể làm vis-a-vis kẻ thù; đồng minh; và người dân đã bỏ phiếu cho mình: áp dụng vũ lực quân sự đối với kẻ thù; bắt buộc người bạn đồng minh phải chấp nhận một thực tế chính trị; và chấp nhận ý muốn của cử tri là đã đến lúc Hoa Kỳ phải rời Việt Nam. Sau đó, liên hệ còn lại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam chỉ là những lời hứa đến từ cá nhân của một tổng thống - khi còn làm tổng thống - của Richard M. Nixon.
Lịch sử sẽ có nhiều bí ẩn nếu một hoàn cảnh lịch sử được giả định bằng chữ nếu. Nếu Nixon không liên hệ đến vụ Watergate và không phải từ chức, thì Nixon có giữ lời hứa với Tổng thống Thiệu, với Việt Nam Cộng Hoà khi Bắc Việt tấn công cưỡng chiếm miền Nam vào năm 1975 hay không? Nếu Nixon không bị mất tín nhiệm ở Quốc hội, và Quốc hội Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chương trình viện trợ quân sự kinh tế cho VNCH thì vận mệnh của VNCH có đổi khác không? Những câu hỏi này là những tranh luận không ngừng của sử gia
[21] .
Khi Nixon được ghi vào lịch sử những vị tổng thống Hoa Kỳ, ông có thể được liệt kê là xấu hoặc tốt; giỏi, hay dỡ. Nhưng không ai có thể phủ nhận Nixon có một sự nghiệp chính trị ngoại hạng.
Ngoài những bí ẩn, lịch sử còn có nhiều trớ trêu: sự nghiệp chính trị ngoại hạng của Nixon bị sụp đổ chỉ vì một sơ hở của những tên ăn trộm chuyên nghiệp nhưng làm biếng.
Và cũng có nhiều nhận định cho rằng, định mệnh của Việt Nam Cộng Hoà có một phần nào đó liên luỵ đến hậu quả của những tên ăn trộm lười biếng này
[22] .
[1]Nixon, Sđd, trang 270-271.
[2]Nixon, Sđd, trang 390.
[3]Nixon tuyên bố trên hệ thống truyền hình NBC, ngày 10 tháng 4.1988, hơn 14 năm sau khi từ chức. Trích theo Bruce Oudes, trong
From: The President. Richard Nixons Secret Files, trang 1.
[4]Trích theo A. J. Langguth,
Our Vietnam: The War 1954-1975, trang 622. Về số tử thương hàng năm của quân đội Mỹ từ 1945 đến 1975, đọc James Olson, ed.,
Dictionary of the Vietnam War, Appendix E.
[5]Trong hai năm đầu nói chuyện với CSBV, Hà Nội khăng khăng đề nghị phải thi hành hai điều kiện tiên quyết: thay (nếu cần, ám sát) Tổng thống Thiệu và rút quân ra khỏi Việt Nam, rồi sau đó Hà Nội sẽ thật sự thương lượng. Nhưng nếu Mỹ thi hành hai điều kiện đó thì tương đương với đầu hàng. Henry Kissinger,
Diplomacy, trang 695; Jeffrey Kimball,
Nixons Vietnam War, trang 233, 270, 272. Ở chương sau chúng ta sẽ đi vào chi tiết hơn về những gặp gỡ bí mật giữa Hoa Kỳ và CSBV.
[6]MACV: Military Assistance Command-Vietnam, Sở chỉ huy chiến trường ở các địa phương trong chiến tranh Việt Nam (talawas).
[7]Seymour M. Hersh,
The Price of Power: Kissinger in the Nixon White House, trang 55 (phụ chú). Theo tác giả Trường Sơn,
Cuộc hành trình năm ngàn ngày đêm (đường Hồ Chí Minh), (Thành Phố HCM: NXB Văn Nghệ, 1992), trang 185, trong năm tháng đầu của năm 1969, bộ tư lệnh Trường Sơn (Đoàn 559) bị chết 2.500, bị thương 2.938, và có 1.000 xe bị tiêu huỷ. Con số thiệt hại này rất khiêm nhường so với các tài liệu khác. Cũng theo tác giả, không lực Hoa Kỳ làm đình trệ bốn mươi lăm phần trăm công tác của hệ thống xâm nhập trong thời gian trên. Trường Sơn là bút hiệu của đại tá Phạm Tề, một cựu sĩ quan của Đoàn 559.
[8]Giải thích một cách vắn tắt ở đây, kế hoạch dội bom bí mật và giấu các thẩm quyền quân sự khác được thực hiện như sau: bộ tư lệnh MACV ở Sài Gòn yêu cầu những phi vụ B-52 dội bom những nơi tập trung quân dọc theo biên giới Việt-Căm Bốt như thường lệ. Nhưng vài giờ trước khi các phi vụ cất cánh, MACV cho người đến trung tâm điều khiển oanh tạc (tất cả các phi vụ B-52 được điều khiển bằng hệ thống radar hướng dẫn mục tiêu ở dưới đất) với những tọa độ mới. Trên đường bay đến mục tiêu, một số phi công nhận những thay đổi vào giờ chót, và được hướng dẫn đến mục tiêu mới. Sau mỗi phi vụ, quân lệnh ghi toạ độ được thiêu huỷ; các sĩ quan liên hệ không được bàn luận về những phi vụ đó với bất cứ ai. Sự việc đổ bể khi một số đơn vị đóng quân bên này biên giới chứng kiến bom rơi bên kia biên giới, trong nội địa Cam Bốt, và họ viết thư về kể chuyện này với nghị viên Quốc hội Hoa Kỳ. Một trong những tác phẩm viết chi tiết nhất về kế hoạch dội bom B-52 bí mật trong nội địa Cam Bốt là
Sideshow: Kissinger, Nixon and the Destruction of Cambodia của William Shawcross.
Nixons Vietnam War của Kimball, và
The Price of Power của Hersh cũng có vài chương với nhiều tài liệu phong phú về cuộc dội bom này.
[9]Nixon, Sđd, trang 445.
[10]Về các chi tiết quan trọng của cuộc hành quân đánh qua Cam Bốt, đọc: Chuẩn tướng Trần Đình Thọ, “The Cambodian Incursion". Theo Lewis Sorley, trong
A Better War: The Unexamined Victories and Final Tragedies of Americas Last Years in Vietnam, trang 208-209, tài liệu tịch thu ở Cam Bốt cho thấy các đơn vị Việt Cộng trong vùng hành quân đã nhận được chỉ thị trước về cuộc hành quân và cuộc đảo chánh Sihanouk của tướng Lon Nol từ giữa tháng 3.1970. Trương Như Tảng, trong
A VietCong Memoir: An Inside Account of the Vietnam War and Its Aftermath, trang 176-178, có nói sơ về cuộc di tản của Mặt trận Giải phóng miền Nam và Chánh phủ Cách mạng Lâm thời về tỉnh Kratie khi quân VNCH đánh vào sào huyệt họ. Cũng trong những trang đã trích, Trương Như Tảng nói đầu tháng 3.1970, dựa vào tin tức từ tình báo Nga, Hà Nội báo cho họ biết Sihanouk sắp bị đảo chánh, và có thể có một cuộc tấn công trong tương lai của VNCH.
[11]Nixon, Sđd, trang 453-454. Chữ “tất cả” in nghiêng là nguyên thuỷ của Nixon.
[12]Nixon, Sđd, trang 860. Về chi tiết cuộc hành quân giải cứu tù binh ở Sơn Tây, đọc Benjamin F. Schemmer,
The Raid. Tuy cuộc đột kích giải cứu tù binh không thành công (tù binh được dời di trại khác vì bị mưa lụt), cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch thú nhận với nhà báo Seymour Hersh là, Hoa Kỳ có khả năng tấn công tận hậu cứ của họ, và họ phải cẩn thận canh chừng khả năng “dám liều” đó. Đọc Hersh, Sđd, trang 305-306. Hersh nói chuyện với Nguyễn Cơ Thạch khi đến Hà Nội vào tháng 3.1972.
[13]Về lời cảnh cáo Hà Nội, nhắn qua Nga và Trung Cộng, của Nixon, đọc Seymour Hersh, Sđd, trang 504-505; Jeffrey Kimball,
Nixons Vietnam War, trang 294.
[14] Khi một số tài liệu và điện đàm tối mật của Nixon và cố vấn than cận được giải mật vào tháng 2.2002, công luận mới nghe và đọc được chuyện Nixon nói về ý định dội bom các bờ đê ở Hà Nội và dùng bom nguyên tử chiến thuật để chận đứng CSBV, trong lần họp với Kissinger ở toà Bạch ốc vào ngày 25 tháng 4.1972. Lý do chúng ta không xác định được thái độ hư thực của Nixon, vì sau khi nghe lại cuốn băng, một số ký giả cho rằng Nixon nói với một giọng nghiêm trọng; một số khác thì cho đó chỉ là những phát ngôn trong lúc Nixon nóng giận. Đọc Jeffrey Kimball,
The Vietnam War File: Uncovering the Secret History of Nixon-Era Strategy, trang 214-218. Nhưng trước đó, vào giữa năm 1971, Nixon cũng có nói về chuyện sử dụng bom nguyên tử đối với CSBV. Đọc Seymour, Sđd, trang 396 (phụ chú). Rất nhiều sách và nhân chứng nói về tật uống rượu cuối tuần của Nixon. Vào cuối tuần Nixon thường về Camp David, một nhà nghỉ mát của tổng thống chỉ cách Hoa Thịnh Đốn chừng 150 cây số. Nixon cũng thường uống rượu một mình ở toà Bạch ốc trong lúc phải quyết định chuyện quan trọng hay lúc viết huấn lệnh cho thuộc cấp. Một trong số những tài liệu giải mật, có một đoạn nói Thủ tướng Anh McMillian gọi Nixon muốn nói chuyện, nhưng Kissinger ra lệnh cho phụ tá trả lời là Nixon không thể nói chuyện được vì ông đã quá say rồi. Những thí dụ khác về tật uống rượu của Nixon, đọc Seymour, Sđd, ở những trang 108-110, 396, 486, 513, và 528.
[15]Nixon, Sđd, Nixon ra lệnh cho Ngũ giác đài, trang 587; viết điện tín cho Tổng thống Thiệu, trang 600.
[16]Nixon, Sđd, trang 607. Chữ nghiêng nguyên thuỷ của Nixon. Sự bất tín nhiệm của Nixon đối với Tổng trưởng Laird và Đại tướng Abrams được Đại tướng Alexander M. Haig viết trong hồi ký
Inner Circles: How Ameica Changed the World, trang 282-283.
[17]Về chi tiết ngày đầu cuộc hành quân không lực Linebacker, 10 tháng 5.1972, đọc
One Day in a Long War, của Jefrrey Ethell và Alfred Price. Đây là quyển sách rất đầy đủ về một ngày dội bom của Hành Quân Linebacker.
[18]Nixon, Sđd, trang 29, 34. Sau khi rời quân ngũ, trở về đời sống dân sự và chuẩn bị ra tranh cử, khi Nixon nói về tình trạng tài chánh của gia đình, ông có kể luôn khoản tiền ăn được từ những canh bài phé.
[19]Nixon, Sđd, trang 734; Haig, Sđd, trang 311. Sự thiệt hại của không quân Mỹ xảy ra một phần vì hoả lực phòng không của CSBV quá mạnh, nhưng phần lớn do kế hoạch hành quân quá vội vàng của bộ tư lệnh không quân chiến lược. Ba ngày oanh tạc đầu tiên, Hoa Kỳ thiếu phản lực cơ yểm trợ và quấy nhiễu các hệ thống ra đa trước pháo đài bay B-52 đến mục tiêu. Khuyết điểm thứ hai là các phi vụ bay đúng giờ và cùng một đường bay, rất dễ cho đối phương đoán biết trước. Sau ba ngày thiệt hại, bộ tư lệnh các không lực thay đổi chiến thuật tấn công, và Hoa Kỳ không bị một thiệt hại nào ngoài số thiệt hại đã nói. Đọc thêm, Carl Berger, chủ biên,
The United States Air Force in Southeast Asia: 1961-1973, trang 97-98.
[20]Haig, Sđd, trang 285, 314.
[21] Pat Buchanan, trưởng phòng báo chí toà Bạch ốc của Nixon, tuyên bố, những ai đã phá hoại nền tổng thống của Nixon cũng đồng thời liệng sự hy sinh của 58.000 quân nhân Mỹ ở Việt Nam xuống ống cống. Ý Buchanan muốn nói, nếu Nixon không từ chức, chưa chắc miền Nam bị rơi vào hoàn cảnh như đã xảy ra và sự hy sinh của các quân nhân Mỹ không trở thành vô ích. Pat Buchanan, trả lời phỏng vấn trên chương trình “Today” của hệ thống truyền hình NBC, thứ Bảy, 4 tháng 5.2005.
[22]Đêm 16 tháng 6.1972, năm người có liên hệ với một số viên chức đang làm việc trong toà Bạch ốc, đột nhập vào một khách sạn/chung cư sang trọng có tên là The Watergate, toạ lạc cách toà Bạch ốc vài cây số, với ý định đặt máy thu âm và chụp một số tài liệu. Vì cửa ra vào ở các khách sạn tự động khoá lại khi ra vào, thay vì dùng chìa khoá để mở cửa mỗi khi ra vào, những người này dùng băng keo dán chốt khoá lại để đỡ tốn thì giờ ra vô. Một nhân viên an ninh của khách sạn tuần hành ngang và để ý thấy chốt khoá bị băng keo dán lại. Tưởng rằng nhân viên sửa chữa dán lại trong khi làm việc, anh ta không quan tâm, tháo băng keo ra và đóng cửa lại. Nhưng lần tuần hành thứ nhì trở lại, chốt khoá lại bị dán kín nữa. Nghi ngờ là có vụ trộm đang xảy ra, anh ta gọi cảnh sát: Vụ Watergate bắt đầu từ đó, và hơn hai năm sau đưa đến sự từ nhiệm của Nixon. Năm người “ăn trộm” nói trên không phải là những tay trộm tài tử, mà là những người đã từng hoạt động nhiều điệp vụ bí mật. Một tháng trước, họ đã đột nhập vào Watergate, đã đánh cắp được một số tài liệu mật của Đảng Dân chủ. Họ trở lại lần này vì cần phải gắn lại một máy thu âm mới. Toán ăn trộm này nằm dưới sự điều động của vài nhân viên cao cấp đang làm việc cho Nixon. Họ từng phục vụ trong ngành tình báo quân sự và dân sự của Chính phủ Hoa Kỳ (thí dụ như Gordon G. Lily, FBI; Howard Hunt, CIA; và Charles Colson, tình báo quân đội). Rất nhiều tài liệu nói về vụ Watergate và sự sụp đổ của Chính phủ Nixon bắt nguồn từ vụ Watergate. Vài tài liệu căn bản: Carl Bernstein and Bob Woodward,
All the Presidents Men (New York: Simon & Schuster, 1974); và,
The Final Days (New York: Simon & Schuster, 1976). Về những điều tra, tang chứng và kiện tụng trước toà án, đọc Leon Jaworski,
The Right and the Power (New York; Readers Digest Press, 1976). Alexander Haig,
Inner Circles, cũng có nhiều chi tiết bên trong toà Bạch ốc trong những ngày cuối của Nixon.