Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tôn giáo, Chính Trị >> Ý nghĩa về sự chết, đau khổ và thời gian

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 6414 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Ý nghĩa về sự chết, đau khổ và thời gian
Krishnamurti

Chương 7

Tôi muốn tiếp tục điều chúng ta đã đề cập hôm trước. Thiết tưởng điều quan trọng là phải thấu hiểu toàn bộ vấn đề về hành động. Tôi không dùng danh từ hành động một cách trừu tượng, hay xem đó là một ý niệm. Tôi nó về sự kiện hành động, làm một việc gì đó… Cuốc đất, làm vườn, đi tới sở làm, nhìn một cội cây, theo dõi nhịp vận chuyển của một dòng nước hay chỉ bước chân trên đường không tưởng niệm chi hết, vừa yên lặng quan sát sự vật – tất cả những gì ta làm đều là hành động, và một cách tổng quát thì hành động thường phát sinh xung đột: hoặc ta cho là hành động sâu xa hay cạn cợt, hành động lập đi lập lại, hành động trở nên buồn tẻ, mệt mỏi, chỉ là một động tác, một hành vi vô nghĩa. Vậy tôi thiết nghĩ điều quan trọng là phải thấu hiểu bản chất của hành động.
Bất cứ ta làm việc gì – đi, nói, nhìn, suy cảm – đều cần có năng lực, và năng lực này bị hoang phí đi khi nó biểu hiện trong một cuộc xung chướng. Như ta có thể nhận thấy dù hành vi của ta ở mức độ nào, chúng đều khởi phát trong ta một ý hướng cố gắng, một sức chống kháng nào đó, một sự từ chối, một sự tự vệ. Có thể nào hành động mà không có xung đột và không ngay cả cố gắng không? Chính đó là điều mà tôi muốn đề cập trong buổi sáng này.
Ta đã thấy những gì diễn ra trong thế giới: những máy móc, những bộ óc điện tử, những hệ thống tự động hoá, sẽ cho con người càng có thêm nhiều thì giờ nhàn rỗi, rồi những tôn giáo và những cuộc vui chơi có tổ chức sẽ độc quyền túm lây các khoảng thời gian nhàn rỗi ấy. Tôi không biết giữa hai cái thứ có tổ chức đó có sự khác biệt lớn lao nào không, để rồi ta sẽ phân biệt chúng. Khi một người có nhiều thì giờ nhàn rỗi, tất họ có nhiều năng lực hơn – thật nhiều năng lực – và xã hội muốn họ sử dụng năng lực họ với ý thức tốt, sao cho đừng phản nghịch lại xã hội. Muốn vượt thắng những tình ý phản nghịch lại xã hội mà họ có thể có, họ sẽ tự tan biến mình trong một tôn giáo có tổ chức hoặc trong những cuộc giải trí đủ loại. Hoặc họ biến mình trong văn chương nghệ thuật, âm nhạc, cũng vẫn là một cách thế giải trí. Kết quả là con người sẽ trở nên càng lúc càng thiển cận hơn. Có thể họ sẽ đọc hết sách vở của thế gian, tìm hiểu hết những chữ phức tạp trong thần học, triết học, khoa học, biết được một mớ sự kiện và chân lý diễn tả trong văn chương; cả thảy những tri thức ấy rồi cũng sẽ thiển cận như tất cả mọi hình thức tôn giáo và mua vui giải trí kia thôi. Các tôn giáo có tổ chức chủ trương là tìm kiếm chỗ nội tại trong hiện tượng cuộc sống, nhưng lại đòi hỏi những tin tưởng, những tín điều, những rập khuôn, những nghi thức như tất cả chúng ta đều thừa biết.
Nếu chúng ta không ý thức tường tận tất cả những sự qui định cố hữu đó của nền văn minh hiện đại, thì bao nhiêu năng lực của ta đều bị chúng thiêu đốt hết và do đó, hành động của ta sẽ hết sức thiển cận, cạn cợt. Và do sự thiển cận đó, ta sẽ tiếp tục duy trì các cuộc xung đột ở ngay trong nội tâm mình cũng như đối với tha nhân và xã hội. Trong mỗi địa hạt sinh hoạt của nhân loại – nghệ thuật khoa học, toán học, kỹ nghệ – và trong những mối tương giao giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa những người lân cận sẽ có những cuộc xung đột, mà xung đột là hoang phí năng lực. Để chấm dứt xung đột và bảo tồn năng lực, ta phải thấu hiểu một cách trực tiếp thế nào là hành động. Không có sự thấu hiểu này thì đời sống có thể sẽ càng phóng ngoại nhiều hơn, trong khi nội tâm ta càng thêm rỗng tuếch. Đây không phải là một quan điểm để ta thảo luận hay ta có thể nghi ngờ, cũng không phải là một ý kiến chống chọi lại các quan điểm khác, mà đấy là những sự kiện thực.
Trước hết, ta hãy xem hành động là gì theo như ta thường biết. Hành động luôn luôn có một nguyên nhân thôi thúc, nguyên nhân đó tế nhị hoặc lộ liễu, phải thế không? Ta theo đuổi một sự đền bù hoặc ta hành động vì sợ hãi hoặc ta cố đạt đến một cái gì. Hành động của ta luôn luôn là sự lấp khít vào một khuôn mẫu, vào một ý niệm hoặc cố gắng để tiến gần đến một lý tưởng. Rập khuôn, lấp khít, tiến gần, chống kháng, phủ nhận, đó là tất cả những gì ta biết về hành động trong đó bao hàm có một chuỗi dài xung đột.
Như tôi đã nói hôm nọ, cảm thông với một điều gì mà ta không kết hợp với nó một cách sâu xa, luôn luôn là việc khó khăn. Tôi muốn cùng với các ngài cảm thông về một tâm thái tuyệt đối phản nghịch lại những xung đột mà ta gọi là hành động. Vốn có một thứ hành động trọn vẹn, hành động không xung đột và tôi muốn nói với các ngài về thứ hành động đó mà không đòi hỏi các ngài chấp nhận hay từ chối. Tôi cũng không tìm cách mê hoặc các ngài…
Một trong những việc khó làm hơn hết đứng nói trên một diễn đàn trong khi có cả một cử toạ ngồi nghe – kể như các ngài ngồi nghe đi – và thiết lập được những tương quan chân thật giữa cử toạ và diễn giả, không phải các ngài đến đây để bị mê hoặc vì những lời lẽ bay bướm, mà tôi cũng không có ý định ảnh hưởng các ngài bất cứ bằng cách nào. Tôi không phải là một nhà truyền giáo cho bất cứ một ý niệm nào, tôi cũng không có ý dạy dỗ chi các ngài. Như tôi đã thường nói, ở đây không có giáo chủ cũng như đệ tử, mà chỉ có mỗi một việc là cùng tìm học, các ngài và tôi sẽ không cùng có một tâm thái tìm học nếu các ngài mong có người dạy dỗ các ngài, mong có người chỉ bảo các ngài phải xử sự ra sao. Chúng ta không đề cập đến những ý kiến, tôi không có ý kiến. Việc tôi thử làm là trình bày một vài sự kiện. Các ngài có thể nhìn thấy một vài sự kiện. Các ngài có thể nhìn thấy những sự kiện đó, tự các ngài có thể xem xét chúng hay không tùy ý. Thế có nghĩa là các ngài và tôi, chúng ta phải thiết lập giữa chúng ta những mối tương giao chân thật để từ đó phát sinh một sự cảm thông, một nhận thức, không những trên bình diện tri thức mà là một cách trọn vẹn về một sự kiện mà chúng ta sẽ cùng nhau quan sát. Vấn đề là không phải chúng ta thông cảm với nhau, mà là thông cảm với sự kiện, để sự kiện trở nên quan trọng hơn cả các ngài và tôi. Chỉ có sự kiện – với sự nhận thức chung của chúng ta về sự kiện ấy – mới có thể tạo nên hoàn cảnh, bầu không khí chân thật khả dĩ ảnh hưởng có thể một cách sâu xa. Tôi thiết tưởng hành động lắng nghe một điều gì – tiếng thác đổ, tiếng rì rào của cây lá, hay lắng nghe chính tư tưởng và tình cảm của chúng ta – trở nên quan trọng phi thường khi chúng ta lưu tâm xem xét chính ngay sự kiện, chứ không phải quan niệm nay ý kiến về sự kiện ấy.
Cả thảy chúng ta đều biết rằng hành động chúng ta khiến dấy sinh xung đột. Mọi hành động đều căn cứ trên một ý niệm, một khái niệm, một công thức hoặc một toan tính hướng đến một lý tưởng, tất nhiên khiến xung đột một cách không thể tránh được. Đó là điều hiển nhiên. Nếu tôi hành động theo một khái niệm thì tôi luôn luôn bị phân chia giữa cái tôi đang là với cái tôi nghĩa là, tôi sẽ phải làm cho chính tôi, thành thử không bao giờ có được một hành động trọn vẹn. Hành động như thế luôn luôn dấy sinh những động tác nữa đối với một ý niệm hay một lý tưởng, do đó xung đột luôn luôn là bản chất cố hữu của tất cả hành động như chúng ta thường biết – và sự hoang phí năng lực này là nguyên nhân gây tạo sự hư hoại trong chúng ta. Xin ngài hãy quán sát chính trong trạng thái và hành vi của tâm thức các ngài và các ngài sẽ thấy đó là sự thật.
Vậy tôi tự hỏi: có chăng một hành động không tư tưởng và tất nhiên không xung đột? Hay hỏi cách khác: hành động phải luôn luôn là nguyên nhân phát sinh cố gắng và tranh đấu? Chẳng hạn như: tôi nói đó là một hình thức hành động. Chắc chắn là trong hành động đó có xung đột nếu tôi cố gắng để xác định mình để là một nhân vật quan trọng, để thuyết phục các ngài. Vậy điều quan trọng trước tiên hơn cả là chính các ngài phải tự khám phá xem ta có thể nào sống và hành động mà không gây tạo một mảy may xung đột, nghĩa là xem có thể nào có một hành động mà trong đó tâm thức vẫn nguyên vẹn, không bại hoại, không méo mó. Và những méo mó tất không thể tránh được nếu tâm thức bị ảnh hưởng, bị nhiễm độc bất luận bằng cách nào, hoặc tâm thức dấn mình vào những tranh đấu luôn luôn làm tiêu ma hết năng lực. Khám phá được chân lý trong vấn đề này, theo tôi, là một lợi ích đích thực, và tôi nghĩ đối với các ngài cũng thế, bởi vì việc ta làm ở đây là tìm biết xem có thể nào sống mà không đau khổ, không thất vọng, không sợ hãi, không có những hành vi làm bại hoại chúng ta. Nếu điều đó có thể thực hiện được thì sao? Chuyện gì xảy đến đối với kẻ sống mà không bị nhiễm độc bởi xã hội, không sợ hãi, không tham lam thèm muốn, không tham vọng, không tìm cầu quyền lực.
Muốn biết điều đó, ta phải bắt đầu ý thức ngay chính cái tâm thái hiện tại của ta, với tất cả những cuộc xung đột, những nỗi khốn cùng, những thua thiệt, những bại hoại, hư hỏng, thất vọng của nó. Ta phải nhận thức chính ta một cách trọn vẹn và do đó năng lực ta gia tăng. Sự gia tăng năng lực này đích thị là hành động quét sạch khỏi tâm thức những cặn bã rác rưởi mà con người đã tích trữ hàng bao nhiêu thế kỷ nay.
Vậy tự thân hành động không phải là điều chúng ta quan tâm. Chúng ta muốn biết xem có thứ hành động không làm phát sinh mâu thuẫn dưới bất kỳ hình thức nào. Như chúng ta đã thấy, chính những ý niệm, khái niệm, công thức, khuôn mẫu, phương pháp, tín điều cùng những lý tưởng đã khiến phát sinh mâu thuẫn trong hành động. Vậy sống không ý niệm có được không, nghĩa là sống mà không có khoa học, không lý tưởng, không khái niệm, không tin tưởng? Điều tối ư quan trọng là phải tự mình khám phá chân lý về vấn đề này, vì ta có thể thấy rất rõ rằng tình thương không phải là một ý niệm, một khuôn mẫu hay một khái niệm. Phần đông chúng ta đều có ý niệm về thế nào là tình thương, nhưng khái niệm ấy hiển nhiên không phải là tình thương, hoặc ta thương hoặc ta không thương, thế thôi.
Có thể nào sống trong cuộc đời này, đi làm việc, nấu bếp, rửa chén, lái xe, làm tất cả mọi công việc thường ngày, mà vì chúng luôn luôn lặp đi lặp lại, nên khiến sinh xung đột – có thể nào sống và hành động mà không ý niệm, tức là giải thoát hành động khỏi tất cả mọi sự mâu thuẫn không?
Tự hỏi không biết có bao giờ các ngài đi giữa phố phường tấp nập hay trên một quãng đường vắng vẻ quạnh hiu, các ngài nhìn quanh mình mà không tư tưởng chi hết không. Vốn có một tâm thái quán sát, trong đó tư tưởng không xen tạp vào được. Mặc dù ta nhận biết hết tất cả, nhận biết người, núi non, cây cối hay chiếc xe hơi đang phóng qua, vậy mà tâm thức không vận chuyển theo cách thế thông thường của tư tưởng. Tôi không biết điều đó có bao giờ xảy ra với các ngài không. Hôm nào ngài lái xe chẳng hạn hoặc đang đi trên đường, các ngài hãy thử nhìn quanh mình mà đừng tư tưởng, hãy quan sát những phản ứng do tư tưởng khởi phát. Mặc dù ta nhận biết màu sắc, hình thể, dòng nước, chiếc xe, con cừu hay chiếc buýt, nhưng không có phản ứng, chỉ có một sự quan sát tiêu cực, và cái tâm thái quan sát tiêu cực này chính là cái hành động. Với cái tâm thái này – tâm thức chú ý mà không phản ứng – ta mới có thể hoàn tất mọi công việc thường nhật.
Phần đông người đời cứ tưởng nghĩ về mình mãi từ sáng đến chiều mà họ vận chuyển trong cái khung của hành vi vị ngã. Tất cả mọi hành vi loại này đều là phản ứng, tất nhiên khiến sinh xung đột và bại hoại. Có thể nào không vận chuyển trong khung sườn ấy mà vẫn sống trong cuộc đời, không phải ẩn náu trong hang sâu hoặc trú ngụ một nơi nào khác? Có thể xử sự như là một con người trọn vẹn, mà vẫn sống trong một tâm thái trống không (nếu tôi có thể dùng danh từ này không gây ngộ nhận)? Có thể nào ta vẫn làm việc, vẫn vẽ, vẫn làm thơ, vẫn nói năng mà luôn luôn trong nội tâm có một khoảng trống? Từ cái trống rỗng ấy ta có thể nào làm việc được không? Bởi vì khi trong nội tâm ta có khoảng trống rỗng đó, thì hành động không còn sinh mâu thuẫn nữa.
Tôi thiết tưởng thấy được sự kiện đó là điều tối ư quan trọng. Chính mỗi người phải tự mình nhìn thấy sự kiện đó, bởi vì không ai có thể dạy bảo cũng như giải thích sự kiện đó. Muốn khám phá sự kiện đó, trước hết ta phải thấu hiểu cái cách thế dấy sinh xung đột của mọi hành vi vị ngã đó và ta phải tự hỏi xem ta có thể nào bằng lòng với hành động như thế không. Ta có thể thỏa mãn với hành động đó trong nhất thời, nhưng khi ta thấy trong tất cả mọi hành động loại này, xung đột là điều không thể tránh được, rồi bấy giờ ta tự hỏi có chăng một hành động hoàn toàn khác biệt không sinh xung đột và tất nhiên ta nhận thấy hành động như thế quả có thực.
Bây giờ thì câu hỏi được nêu ra như thế này: tại sao chúng ta luôn luôn tìm kiếm sự thỏa mãn? Trong những mối giao tiếp của ta, trong tất cả mọi công việc ta làm, ta luôn luôn muốn thành tựu một điều gì, muốn tìm thấy một niềm khoái lạc trường tồn. Điều mà ta gọi là bất mãn chỉ phát sinh khi niềm khoái lạc này thiếu mất nơi ta và sự bất mãn đó khiến sinh cả một chuỗi dài phản ứng mới khác.
Tôi thiết tưởng một người thật đứng đắn và thấy hết mọi điều đó – thấy cái cách thế con người đã sống trong hàng nghìn vạn năm trong đau khổ và trong điên đảo tình hình – tất phải tự mình khám phá xem mình có thể nào sống, hoạt động mà không bị nhiễm độc bởi xã hội không. Người ấy chỉ có thể thực hiện được điều đó, nếu họ vượt thoát khỏi xã hội, tôi muốn nói vượt thoát khỏi cái cơ cấu tâm lý của xã hội, bao gồm sự tham lam, lòng đố kỵ, sự khát vọng và sự đề cao tự phụ. Khi toàn cả cái cơ cấu này đã được thấu hiểu và được dẹp sang một bên, là ta đã thoát khỏi xã hội. Vẫn có thể luôn luôn làm việc, mua sắm quần áo, sống một cách bình thường, nhưng ta đã thoát ly cái cơ cấu tâm lý làm méo mó tâm thức ấy rồi.
Rồi cuối cùng ta cùng đến giai đoạn tự mình khám phá thấy rằng sự vượt thoát này là một trạng thái bất động hoàn toàn, và sự bất động này chính là hành động trọn vẹn, nó không dấy sinh mâu thuẫn cũng như bại hoại.
Tôi đã kết thúc những điều tôi phải trình bày trong sáng nay, và có lẽ bây giờ chúng ta có thể thảo luận về mấy điều đó hay các ngài có điều chi cần hỏi tới không?
H: Ta có thể vẫn làm việc của ta và làm việc mà không có ý tranh đua được sao?
K: Ta không làm thế được sao, thưa ngài? Ngài có thể nào làm việc và lo tròn phận sự của ngài mà không tranh đua chi hết được không? Việc của tôi không phải là bảo rằng ngài có thể làm được hay không làm được, hoặc bảo rằng ngài phải làm như vậy, vân vân. Nhưng chính ngài có thể thấy những hậu quả của tinh thần tranh đua. Nó sinh ra thù địch, sợ hãi, hung hăng, theo đuổi những đòi hỏi thúc bách, không những ở ngay trong nội tâm ta mà cả ở ngoại cảnh, ở thế gian nữa. Đã thấy tất cả mọi điều đó nên ngài hỏi có thể nào sống trong cuộc đời mà không tranh đua. Thế có nghĩa là sống mà không so sánh, thế có nghĩa là làm một công việc mà ngài thực sự ưa thích, một công việc khiến ngài cảm thấy cực kỳ hứng thú. Nhưng nếu dấn mình vào một công việc mà ngài không ưa thích thì công việc ấy khiến ngài nhận lãnh nhiều trách nhiệm thì ngài nên tìm cách gì cũng thời làm việc đó mà không dấy khởi sự tranh đua. Hành động đó đòi hỏi một sự chú ý cao độ, phải thế không? Ngài phải hết sức ý thức mỗi tư tưởng, mỗi tình cảm của ngài, bằng không ngài chỉ tự gán ép cho mình cái ý niệm là không sinh tâm tranh đua, điều đó chỉ tổ sinh thêm vấn đề mới khác. Nhưng ngài có thể ý thức tất cả những gì hàm chứa trong tinh thần tranh đua, ngài có thể nhận thấy chân tướng của tinh thần ấy, cách thế nó khởi phát xung đột cùng những cuộc tranh đấu bất tận. Ngài có thể nhận thấy rằng nó không thể đưa con người vào thù hận đối địch, thiếu vắng thương yêu, dù nó có thể phát sinh điều mà ta gọi là tiến bộ và hữu hiệu. Nếu nhận thấy tất cả mọi điều đó, thì ngài sẽ hành động theo chỗ nhận thức của ngài, hoặc hành động theo đường lối tranh đua hoặc hành động theo cách thế hoàn toàn khác hẳn.
H: Tôi không tin rằng một hành động lặp đi lặp lại nhất thiết phải là một hành động nhàm chán, buồn tẻ.
K: Ngài biết không, người ta đang nhận thấy rằng vì người thợ trong xưởng máy cứ làm mãi một số cử động không đổi, nên năng suất của họ kém rất nhiều và người ta bảo với tôi rằng ở Mỹ châu, trong một vài ngành kỹ nghệ, họ đang thí nghiệm việc cho phép người thợ tập nghề ngay trong công việc của họ làm. Kết quả là vì công việc của họ không máy móc, nên họ sản xuất nhiều hơn. Ngay khi ta cảm thấy rất thích thú làm một vài công việc nào đó, nhưng nếu ta cứ tiếp tục lặp lại hành động ấy mãi, thì hành động đó cũng thành ra một thói quen nhàm chán.
H: Còn với người nghệ sĩ thì sao?
K: Nếu người nghệ sĩ chỉ biết lặp đi lặp lại thì họ không còn là nghệ sĩ nữa! Tôi cho rằng có thể lẫn lộn giữa hai danh từ lặp lại và sáng tạo, phải thế không? Sáng tạo là gì?
H: Anh thợ giày đóng giày cho tốt, thế là sáng tạo.
K: Đóng giày tốt, nướng bánh mì ngon, sinh con đẻ cái, làm thơ, vân vân… đó là sáng tạo sao? Xin các ngài đừng nói là phải hay không phải… hãy đợt một phút!
H: Tôi không hiểu làm sao ta có thể sống được trong một khoảng hư không trống rỗng.
K: Thưa bà, tôi e là có sự ngộ nhận giữa chúng ta. Tôi xin lỗi. Có lẽ do những danh từ tôi chọn dùng không được đúng. Bà không lĩnh hội được điều mà tôi gọi là sự trống rỗng… Nhưng đây, chúng ta đang nói về sự sáng tạo.
Tôi đã được nghe trong một trường đại học nào đó người ta giảng dạy cái gọi là văn chương sáng tạo, hội họa sáng tạo. Sự sáng tạo có thể giảng dạy được sao? Cứ luyện tập hoài một điều gì đó khiến có thể sinh một tâm thức sáng tạo sao? Một nhạc sư có thể truyền dạy cho các ngài về cái kỹ thuật chơi vĩ cầm, nhưng hiển nhiên là kỹ thuật không thể đem thiên tài đến cho các ngài được. Người có tinh thần sáng tạo có thể tự tạo cho mình cái kỹ thuật, nhưng thường thì người ta nghĩ rằng nên bắt đầu học lấy cái kỹ thuật trước đã. Hãy lấy một tỉ dụ thông thường, dù rằng tỉ dụ không phải là những giải thích. Thế nào là một cuộc sống giản dị? Ta cho rằng sống giản dị là phải chiếm hữu rất ít của cải, phải ăn thật ít, phải tránh làm cái này cái nọ. Bên Á châu, kẻ chỉ vận một cái y, sống cô độc một mình, và chỉ ăn mỗi ngày một bữa, được xem là người sống rất giản dị. Nhưng có thể nội tâm họ là một hỏa diệm sơn bị thiêu đốt bởi những dục vọng, đam mê, khát vọng. Cuộc sống giản dị của người ấy chỉ là một dàn cảnh bên ngoài khiến người xem phải nghĩ: "Người này sống thật là giản dị". Mà cái tâm thái ấy thực ra, chính là tâm thái của đa số các ông thánh: bề ngoài trông họ giản dị, nhưng ở nội tâm, họ đầy tham vọng, họ gò bó tâm thức họ, họ tự ép mình rập khuôn theo vài kiểu mẫu nào đó, vân vân. Cho nên tôi nghĩ rằng sự giản dị phải bắt đầu từ bên trong, chứ không phải bên ngoài. Cũng tương tự như vậy, bằng phương thức diễn đạt bên ngoài, ta không thể nào khởi động sự sáng tạo. Sáng tạo là một trạng thái sống [3] chứ không phải là sư tìm kiếm phương tiện kỹ thuật để tự phô diễn. Trạng thái ấy là sự khám phá ra cái tối thượng và chỉ có thể phát sinh khi không còn bất kỳ hành vi nào của cái ngã trong bất kỳ chiều hướng nào.
Nhưng chúng ta hãy trở lại câu hỏi của bà này về sự trống rỗng. Phần đông người đời, mặc dù sống trong giao tiếp với kẻ khác, nhưng họ vẫn sống trong cô đơn. Tôi không nói về loại tâm thái ấy. Một tâm thái trống rỗng hoàn toàn khác hẳn với cái tâm thái cô độc. Cần phải có một khoảng trống giữa các ngài và tôi, chúng ta mới có thể nhận thấy nhau được. Cần phải có một khoảng cách tôi mới nghe được những gì các ngài nói và các ngài mới nghe được những gì tôi nói. Tương tự như vậy, cần phải có khoảng trống trong tâm thức chúng ta. Tôi muốn nói tâm thức chúng ta không nên chấp chứa quá nhiều đến nỗi bị chận nghẹt bế tắc. Chỉ khi nào tâm thức chúng ta có khoảng trống, không chấp chứa ôm đồm những hành vị vị ngã, ta mới nhận thức được thế nào là sống. Nhưng sống trong cô độc – điều đó không thể được.
H: Xin ngài nói thêm về năng lực.
K: Bất cứ làm việc gì, dù nhỏ mọn, tất phải cần có năng lực, phải thế không? Đứng dậy rời khỏi ghế, bước ra khỏi lều, suy nghĩ, ăn uống, lái xe, mọi hành động đều cần năng lực. Nhưng thông thường thì bất cứ là việc gì, trong tâm ta thường phát sinh một sự chống kháng làm phân tán năng lực đi, trừ phi hành động của ta đem khoái lạc cho ta, và trong trường hợp này thì không có xung đột, không có chống kháng nên năng lực được củng cố.
Như ban nãy tôi vừa nói, cần phải có năng lực để chú tâm được trọn vẹn và năng lực không gặp phải sự chống kháng, bao lâu không có sự lơ đễnh. Nhưng hễ có sự lơ đễnh xen tạp vào, nghĩa là hễ ta dụng ý tập trung vào một điều gì đó và đồng thời ta lại muốn nhìn ra cửa sổ, thì sinh ra có chống kháng, tranh đấu. Thế nhưng, nhìn ra cửa sổ cũng quan trọng như bất cứ nhìn ở đâu, và khi ta đã nhận được chân lý ấy thì không còn có sự lơ đễnh và xung đột nữa.
Muốn có năng lực về thân xác, dĩ nhiên ta phải được nuôi dưỡng bằng những thức ăn trong sạch, được nghỉ ngơi đầy đủ, vân vân. Điều này các ngài có thể chứng nghiệm ở ngay bản thân mình, khỏi cần thảo luận. Nhưng cũng có thứ năng lực tâm lý, năng lực này bị phân tán bằng nhiều cách khác biệt. Để có thứ năng lực này, ta nhớ đến nhiều chất kích thích. Ta đi nhà thờ, xem đá banh, đọc văn chương, nghe nhạc, tham dự những cuộc họp mặt như thế này chẳng hạn. Tất cả những điều đó kích thích và nếu các ngài tìm kiếm chính sự kích thích này, sự thể đó chứng tỏ là về phương diện tâm lý các ngài bị lệ thuộc vào một cái gì: lệ thuộc vào rượu chè, vào ma túy, vào vị đạo sư, giáo hội. Dù bất cứ hình thức nào, mọi sự lệ thuộc chỉ làm hôn mê tâm thức, ngoài ra lại còn phân tán năng lực nữa. Vậy để bảo tồn năng lực này, mọi nhu cầu về chất kích thích phải được đánh tan và để tránh ta lệ thuộc vào người, vào sách vở, vào công việc hay vào nhu cầu đi xi nê, bất cứ hình thức đặc biệt nào của chất kích thích mà ta tìm kiếm, ta đều phải nhận thức nó trước tiên. Chấp nhận sự cần thiết của những chất kích thích, chấp nhận sự sống với chúng là phân tán năng lực và làm hư hoại tâm thức. Nhưng nếu ta ý thức chúng và khám phá thấy cái tác động đích thực của chúng trong đời sống của ta, là ta đã thoát ly khỏi sự kiện đó rồi.
Bằng một nhận thức sắc bén nội tâm mình đây không phải là tự lên án mình với tất cả những gì bao hàm trong sự lên án đó, mà là nhận thấy chính mình y như mình là, mà không phân biệt chọn lựa chi cả - ta mới tìm học hầu lĩnh hội hết tất cả những gì liên quan đến các luồng ảnh hưởng cùng mọi hình thức lệ thuộc. Chính sự vận dụng này, đích thị là hành động tìm học, làm phát sinh nguồn năng lực cần thiết để ta thoát ly khỏi mọi sự lệ thuộc và kích thích.
26/7/1964

<< Chương 6 | Chương 8 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 765

Return to top