Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Mùa hoa loa kèn

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 1257 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mùa hoa loa kèn
Nguyễn Hoàng Huy

Phần 1

Tháng tư, tháng tôi sinh, mùa hoa loa kèn nở. Loài hoa khi nở cánh có màu trắng trong thật lạ, nhưng lúc chúng còn đương nụ, những nụ hoa phớt xanh nằm trong đám lá bồng bềnh như những cái đầu của một đàn khủng long thời tiền sử đang bơi lội. Nhìn gần hơn, những nụ hoa loa kèn nhòn nhọn trông rất giống trái đạn B.41 thu nhỏ, có màu xanh phớt, lúc nở hoa lại giống một quả chuông, chúng cứ nhằm thẳng vào, xoáy vào, để làm rung lên trái tim đa cảm của anh.
Một ngày tháng tư, cha tôi đi phố về, nói với mẹ tôi "Anh Liên mất rồi đấy !". Tôi đi dự đám tang nhìn thấy xung quanh linh cữu người quá cố xếp kín những vòng hoa kết toàn bằng hoa loa kèn trắng, chắc là hoa theo mùa, bởi vào tháng tư hoa loa kèn chỉ rộ khoảng hai, ba tuần lễ rồi thôi.
Bác Liên là người bạn thân suốt đời của cha tôi dù bác hơn cha tôi vài ba tuổi. Tôi nhớ dáng vẻ ngoài của bác : tầm vóc nhỏ nhắn, tóc chải mượt, lúc nào cũng ăn vận quần áo chững chạc. Giọng nói bác trong, giống như giọng thầy giảng lễ trong các nhà thờ Thiên chúa giáo. Hơn ba mươi năm trước, còn là một cậu bé, tôi được thấy bác lần đầu. Hôm đó sau nhiều năm xa cách cha tôi ngẫu nhiên gặp bác ở ngoài phố, vồn vã mời về nhà. Tôi đứng dậy cúi chào khách, trong lòng thoáng một chút ngạc nhiên : thời bấy giờ ra ngoài đường ít người mặc quần áo tây cả bộ, đi giày da, lại thắt cravát gọn ghẽ bên trong chiếc cổ áo sơ mi hồ cứng, nhất là người đó lại là cán bộ ở vùng kháng chiến mới trở về. Tôi ngồi học bài bên cửa sổ, quay lưng lại bộ sa lông. Câu chuyện của cha tôi với người khách cứ câu được câu chăng lọt vào tai để đến bây giờ những câu nói đó thức dậy trong trí nhớ tôi :
... Tiếng khách hỏi thăm cha tôi :
- Cậu vẫn làm ở tòa án đấy chứ ?
Cha tôi đáp :
- Vâng, thẩm phán lưu dụng anh ạ. Còn anh, tôi nghe nói anh đi kháng chiến, vào bộ đội đóng đến thiếu tá rồi phải không ?
- Quân đội bấy giờ chưa phong hàm, chưa có lon. Tôi chuyển sang bộ đội với hàm thiếu tá để vào phái đoàn đi họp liên hiệp với tụi nhà binh Pháp trước Genève. Giờ tôi chuyển "về vườn" rồi cậu ạ ! Tôi ốm yếu quá.
Từ buổi ấy thỉnh thoảng bác Liên lại tới nhà tôi chơi.
Có một lần mẹ tôi bảo cha tôi : "Anh Liên thật gàn bát sách, đến bây giờ vẫn chưa chịu lấy vợ. Cô Lệ Lý đã lên chức "bà" rồi còn đợi chờ gì nữa ! Đi bộ đội đóng chức to như thế đến lúc về lại không đòi hỏi lấy một xu hưu trí hỏi anh ấy sống thế nào ?".
Qua câu chuyện của song thân tôi được biết bác Liên là con nhà giàu sang, trước cách mạng bác học trường "lít xê" rồi trường luật, nổi tiếng ăn chơi công tử : một ngày thay ba bộ áo sơ mi, giày có vài chục đôi, khăn mùi xoa dùng xong là bỏ. Lúc bác Liên xin nghỉ, Nhà nước chưa ra chế độ hưu trí, sau này có chính sách bác cũng không đòi hỏi. Bác Liên có một người chị gái cũng không chồng con gì. Hai bác sống ở hai buồng trên gác trong một căn nhà hương hỏa gần phố nhà tôi. Tầng dưới có một hộ dân thuê. Khoản thu nhập chính thức của bác Liên và người chị gái là cuốn sổ trích lợi tức tiền nhà
cho thuê được trả mười lăm đồng một tháng.
- Vậy thì anh ấy ăn bằng gì ?
Mẹ tôi nhắc lại.
- Anh ấy gần như ăn chay : rau với muối vừng - cha tôi đáp. Hai chị em anh ấy có quyển sổ gạo hai suất mười ba cân rưỡi. Bà chị bán bớt tem gạo đi đủ tiền mua gạo, mua rau ăn. Với số tiền nhà mười lăm đồng kia ông ấy vẫn sống phong lưu lắm : vẫn hút thuốc lá cuốn Lạng sơn, uống chè Hồng Đào ướp hoa sen, vẫn đọc sách. Vẫn đi chơi... thú lắm.
Trong nhà tôi con cái không được phép góp chuyện cùng bậc cha mẹ. Khi ấy tôi cũng hơi lớn, bắt đầu có cảm nhận riêng. Thực ra tôi không thích bác Liên lắm nhưng không dám nói ra : người gì cứ hay đến chơi ngồi nói chuyện rì rầm hàng buổi. Xung quanh hàng xóm tai vách mạch rừng người ta không
biết cho là tụ tập bất mãn thì ảnh hưởng lắm.
Tôi để ý nghe chuyện, hóa ra các cụ toàn nói chuyện tào lao, xen cả tiếng Pháp, tiếng Tàu, cả Phật, cả thiền, Lão, Trang, Khổng Tử rồi cả mác xít nữa. Có một việc cho đến bây giờ tôi vẫn ân hận : tối hôm ấy gần bảy giờ bác Liên và cha tôi còn ngồi đàm đạo. Mẹ tôi ngồi may, thỉnh thoảng lại ngước nhìn đồng hồ. Tôi thổi cơm, sửa soạn mâm bát xong xuôi đã lâu, sốt ruột muốn ăn cơm nhanh để đi chơi. Nhà tôi có cái bàn ăn dài kê cạnh bộ sa lông tiếp khách. Nghĩ ra một cách, không hỏi ý kiến ai tôi chủ động bê mâm bát, nồi niêu ra dọn loảng xoảng trên bàn ăn. Đang trò chuyện, bác Liên ngước nhìn mâm cơm tôi dọn, sực nhớ giờ đã muộn. Cha tôi lúng túng nói mấy câu mời cơm bác nhưng bác xin phép ra về. Khi khách về rồi cha tôi gọi tôi lại, không nói không rằng giáng cho tôi một cái tát. Từ khi học lên cấp ba tôi không hay bị đòn nữa. Lần ấy là lần cuối cùng cha tôi đánh tôi, nhưng cái đau lần ấy còn mãi trong đời tôi.
Có một khoảng thời gian dài dễ đến hơn mười năm tôi không gặp bác Liên. Tôi lớn đi làm xa nhà, rồi lấy vợ, có con bận bịu muôn chuyện đời thường. Mãi đến khi cạy cục xin chuyển được về Hà Nội thì lại bập vào thời kỳ kinh tế thị trường, lao vào cuộc mưu sinh tất bật.
Tôi không ngờ khi nghe cha tôi báo tin bác Liên đi tu. Mẹ tôi bảo "thì anh ấy sống cũng gần như đi tu còn gì : ăn chay, không vợ, chỉ chưa xuống tóc, niệm Phật mà thôi".
Thực ra bác Liên nghiên cứu Phật pháp đã lâu. Bác đi tu chỉ là tu tại gia, có lập bàn thờ Phật, đọc kinh, đọc sách và thỉnh thoảng ăn chay. Như hồi còn nhỏ, tôi lại được hóng nghe câu chuyện đạo lý giữa bác và cha tôi trong lúc tôi lúi húi vẽ vời mạch điện hay chữa cái quạt được bác Liên mời một điếu thuốc lá cuốn Lạng sơn với câu khen "anh này được" và nếu thích thì tôi ngồi ghé một bên ghế nghe chuyện. Câu chuyện thường xoay quanh nỗi thống khổ của nhân gian. Có lần cha tôi hỏi :
- Đức Phật có từ hai ngàn năm trăm năm nay, hỏi ngài đã cứu được ai ra khỏi cảnh khổ chưa ?
Bác Liên có giọng nói trong, nhẹ, hơi du dương nhưng vì là con nhà luật nên bác cũng khá hùng biện. Bác đáp ngay :
- Người ta có nhiều hạng, cảnh khổ có nhiều mức. Thuở xưa Đức Phật thương từ con giun bị cắt đứt dưới lưỡi cày, con chim bị mèo ăn, con nai bị hổ vồ. Tôi với cậu đều học khoa học : tôi có "phi lô" cậu có "mát" (1) ta hiểu loài vật phải đau, phải chết để cân bằng sinh thái. Còn loài người, cái loài duy nhất có tinh thần ấy, để cân bằng xã hội người ta rất khổ. Có nhiều loại khổ. Phật giác ngộ được chúng sinh ra khỏi cảnh khổ vì Phật nhìn thấy cái sức mạnh tâm thức tiềm ẩn ở loài người...
Cứ sau ngày rằm, mùng một, bác Liên lại mang đến nhà tôi cho khi thì quả dưa, khi thì cái oản xôi đóng lấy, gọi là lộc Phật. Bàn thờ nhà bác : hoa hái ở trong các chậu bác trồng trên mảnh sân thượng, quả mua ngoài chợ. Sau này đồ lễ có rôm rả hơn bởi mấy bà cụ trong phố thấy bàn thờ nhà bác thanh tịnh hay đến lễ cho gần. Đặc biệt có một bà sang trọng lắm, đi xe con, mỗi năm cứ vào tháng tư dương lịch lại đến cùng đứa cháu nội đưa lễ một bó hoa loa kèn to.
Có đôi lần tôi được gặp bà. Phải công nhận bà đẹp dù đã ở tuổi ngoài năm mươi. Trông bà không có dáng của một tín đồ đạo Phật chút nào, mỗi lần đến nhà bác Liên, bà dắt đứa cháu đi nhanh qua cửa như không muốn để ai chú ý. Thông thường hai bà cháu chỉ lưu lại nghe kinh khoảng ba mươi phút rồi về.
Sầm uất được vài năm, các phật tử cúng lễ ở bàn thờ nhà bác Liên rút lui dần. Thì ra có một biến chuyển quan trọng trong "đạo" của bác. Bác Liên kể lại với cha tôi rằng trong giấc ngủ bác mơ thấy Đức Phật. Không phải Đức Thích Ca Mâu Ni, cũng không phải Phật Bà Quan Âm hay Di Lạc, Kim Cương gì. Hình dáng Đức Phật trong giấc mơ giống hệt một hình người sắp xếp ngẫu nhiên trên bức tường loang lổ vôi vữa rêu phong ở góc sân thượng nơi bác hay ngồi đọc sách và suy ngẫm. Sẵn khả năng hội họa, bác chụp ảnh bức tường rồi vẽ lại, rồi lấy một hòn đá đục đục đẽo đẽo lấy thành pho tượng Phật. Pho tượng này bác thay vào ngôi tam thế trên bàn thờ. Xung quanh tường bác treo khung kính tranh các Đức Phật riêng của bác. Tôi cũng đã được nhìn thấy pho tượng ấy. Thú thực cũng khá đẹp mặc dù không ra hình thù gì. Bác Liên nói rằng "Phật ở trong tâm mình, hình hài chỉ là cái vỏ để làm đối tượng cho tín ngưỡng". Cha tôi lại hỏi :
-Như vậy anh đã từ bỏ đạo của Đức Thích Ca Mâu Ni. Tại sao anh còn tụng kinh Phật ?
Một nét sáng tươi ngời trên gương mặt bác :
- Tôi tụng kinh cho toàn thể nhân dân. Hàng ngày tôi còn cầu nguyện riêng cho cậu nữa. Chúng sinh ai cũng có thể thành Phật, đấy là ý niệm của Thích Ca. Trong cõi thế, mỗi người đều có thể tìm thấy hình ảnh Đức Phật riêng của mình để hướng tới. Đối với tôi, từng chữ Phạn trong kinh sách không có ý nghĩa nhưng lúc ngồi tụng kinh, chúng giống như những cọc tiêu hướng dẫn trên con đường thiên lý, tôi cứ nương vào đó để chuyển động tinh thần tôi. Bây giờ, tôi có Đức Phật riêng của tôi rồi, tôi ngồi thiền định nhìn sự vật đã thấy trong ra, trong suốt từ ngoài vũ trụ đến cõi lòng tôi, cậu ạ.
Mấy năm cuối đời bác Liên yếu hơn, cha tôi phải đến thăm bác. Rằm, mùng một nhà tôi vẫn có lộc oản do cha tôi mang về, nhưng lại oản cơm bác đóng lấy bằng cơm tẻ thổi nát. Hồi đầu năm người chị gái bác qua đời. "Tín đồ" chỉ còn một bà cụ ở thuê tầng dưới kiêm việc mua hộ gạo, dầu cho bác. Còn bà sang trọng phải đến tháng tư mới tới.
Một lần, khi đặt cái oản cơm của bác Liên lên bàn thờ ở nhà mình, mẹ tôi chợt nghĩ ra :
- Ông Liên tiêu bằng gì ? Bây giờ không còn sổ gạo, bìa, tem phiếu, lấy gì mà bán ? Tiền lợi tức nhà cho thuê mười lăm đồng một tháng nhân lên được nghìn rưỡi, chưa đủ mua bát phở - Bà nói với cha tôi - ông xem có cách nào kheo khéo giúp anh Liên khéo anh ấy không có gì ăn ?
Cha tôi ngẫm nghĩ một lát :
- Để rồi tôi liệu xem. Tính anh ấy khái lắm, không muốn phiền ai bao giờ.
Cha tôi dẫn thêm dẫn chứng. Bác Liên có người cháu họ xuất dương vẫn gửi thư về yêu cầu được giúp bác, nhưng chỉ có một lần bác bảo gửi cho bác ba cuốn sách khảo cứu Phật giáo in ở Mỹ, giá bìa mỗi cuốn ba trăm đô la. Trong nhà bác Liên có nhiều đồ quý : sập gụ, sa lông tàu, lọ cổ, bát giang tây...
đặc biệt bác có một bức tranh Phật Bà Quan Âm bằng ngọc từ đời Thanh. Từ khi thay tranh Phật, bác hạ bức Phật Bà Quan Âm xuống, dân đồ cổ Hà Nội xô đến hỏi mua nhưng bác không bán thứ nào.
Trước tết âm lịch mấy ngày, cha tôi đèo đến cho bác Liên một yến gạo nếp ngon. Khi về ông kể "Anh ấy gầy lắm, nhưng vẫn nhanh nhẹn, phần lớn thời gian là ngồi thiền. Hôm nay tôi ngồi với anh ấy rất lâu tự dưng anh ấy bảo :
- Tôi tu đã thành chính quả rồi. Tôi đi lúc nào thì đi không báo trước được đâu. Chỉ với riêng cậu tôi báo tin. Sang năm, Đức Phật Di Lạc về. Thế giới bước vào thời kỳ thịnh vượng, an lạc, nhân gian thảy đều sung sướng.
Quý một gần hết, tháng tư sắp sang. Tôi đang cố gắng nhặt nhạnh tiền nong hoàn thiện một cái "toalet" tạm gọi là đời mới cho cha mẹ tôi dùng. Nhà tôi ở trung tâm Hà Nội nhưng tiện nghi cổ lỗ. Trời lạnh, các cụ già ra sân dễ bị cảm đột ngột lắm. Gạch men Trung Quốc đang rẻ. Chậu sứ Trung Quốc vừa túi tiền. Tôi thú vị nhất cái máy đun nước tắm bằng điện của Liên Xô có hai vòi nước nóng lạnh thật tiện lợi. Từ nay không phải một tay xách ấm một tay xách phích quây cái ni lông ra máy nước để tắm nữa. Tôi đang hào hứng đấu điện cho buồng tắm mới thì cha tôi bước vào nói "Bác Liên mất rồi. Đi với bố đến xem thế nào".
Nhà bác Liên ở không xa nhà tôi, khi cha con tôi đến sáu bảy người bạn cũ đã đến rồi. Chính quyền phường đang làm thủ tục kiểm kê và niêm phong tài sản của bác theo đúng luật để chuyển giao cho người thừa kế hợp pháp. Tang lễ bác được địa phương đứng ra lo theo tiêu chuẩn dành cho người cô đơn không nơi nương tựa. Việc khâm liệm bác được gia đình hộ ở tầng dưới lo chu tất. Tôi lặng nhìn : một cụ già nhỏ thó, da trắng, mỏng như giấy nằm tĩnh lặng trong bộ comlê (đoóc mơi) màu ghi sáng. Mái tóc bạc thưa lộ ra phía trên tấm vải điều phủ mặt.
Tất cả những người dự viếng ngồi im lặng xung quanh một cái bàn mộc, vừa uống nước vừa bàn công việc tang lễ ngày mai. Bà cụ ở hộ thuê tầng dưới không khóc nhưng mắt đỏ hoe. Bà cụ kể :
- Các ông các bà đừng tưởng là cụ bị đói, bữa nào tôi cũng thổi cơm bưng lên nhà cho cụ. Gạo của cụ còn đầy hai nồi kia : gạo ngon cụ đóng oản thờ, gạo hẩm cụ xơi. Nhưng mấy hôm nay cụ không ăn, cụ mang cơm lên sân thượng cho đàn chim sẻ. Mấy lần tôi để ý, rón rén trèo lên sân thượng xem. Lạy
giời, lạy Phật các ông các bà ạ, giời rét thế mà chim sẻ, chim gì ở đâu nó cứ bay về ràn rạt mỗi con ngậm một hột cơm nơi tay cụ rồi lại bay đi. Tôi cứ cầu được đứng nhìn cụ mãi vì nom cụ đẹp như ông bụt ấy. Sau thấy cụ chỉ phong phanh manh áo lụa, sợ cụ bị cảm lạnh tôi phải thỉnh cụ xuống nhà.
Sáng hôm nay trời giở gió, cụ bảo tôi xách cho cụ một xô nước lên sân thượng, tôi không biết cụ định làm gì nên vẫn xách lên. Hóa ra cụ tắm. Lúc tôi nghe tiếng ngã chạy lên, cụ đã hóa rồi. Cụ nằm trên sân ấy, thân hình nguyên vẹn như lúc cha mẹ mới sinh. Không cầm được lòng, tôi chạy xuống nhà mở rương lấy xấp vải trắng tôi vẫn dành dụm cho tôi để quấn quanh hình hài cụ rồi tôi mới đi báo phường.
Nghe chuyện của bà cụ xong mọi người chia tay nhau ai về nhà nấy. Trên đường về đi giữa phố phường nhộn nhịp còi xe, tâm trí tôi cứ bị xúc động mãi về cái chết của bác Liên qua câu chuyện vừa nghe. Như thế, giữa Hà Nội đông đúc ồn ào này có một ngôi nhà, có một góc sân thượng thật thanh khiết. Trong ngôi nhà ấy có một cụ già suốt cả đời sống hiền lương. Trên mảnh sân thượng ấy hàng ngày cụ đứng, ngồi, đọc sách, suy ngẫm, vui vầy với đám chim bé nhỏ và mây trời, cây lá. Không biết có lúc nào bác Liên nhìn xuyên qua thành phố để đến bên cạnh, thật gần với những kiếp người cơ khổ không ? Không biết có lúc nào bác Liên nhìn xuyên qua được khoảng không đầy mây vần vũ kia để đến được tầng trời vô sắc giới, nơi chói lòa ánh sáng vĩnh hằng không ?
Về đến nhà tôi giục cha tôi đi tắm ngay với ý muốn ông là người "cắt băng khánh thành" cho cái công trình "toalét" hiện đại của tôi. Tắm táp xong tôi thấy cha tôi khóc. Mắt người đỏ hoe, ông bảo :
- Tắm nước nóng ở cái Sốpphơbanh của mày thú thật. Còn bác Liên thì chết rét sáng hôm nay. 

Phần 2 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 339

Return to top