Bảy Trật bước đến bên cạnh người đàn ông lạ đang uống rượu một mình:
- Này, anh bạn, sao lại ngồi uống rượu có mình ên vậy?
Gã đàn ông chẳng nói chẳng rằng cầm cả chai tu ừng ực. Dường như trong mắt anh ta Bảy Trật là người vô hình.
Bảy Trật nói làu bàu:
- Uống như vầy thì sức nào chịu cho nổi. Bộ có chuyện buồn hả? Buồn thì kiếm chuyện khác giải khuây chứ tìm đến rượu thì chỉ có buồn thêm mà thôi. Chú mày không nghe thiên hạ từng nói “ Nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm ..” à?
Bảy Trật ngồi xuống bên cạnh. Gió từ bên kia sông thổi qua mát rượi. Gã đàn ông uống thêm mấy ngụm nữa rồi chuyền chai rượu cho Bảy Trật rồi nói cộc lốc:
- Uống đi!
Bảy Trật nhấp một ngụm nhỏ rồi ư ử mấy câu trong bài Dạ cổ hoài lang “ Từ là từ phu tướng/ Bảo kiếm sắc phong lên đàng..”.
Hai người đàn ông cùng uống rượu và không trao đổi với nhau lời nào. Đêm rằm, ánh trăng sáng tỏ. Khi gã đàn ông xoay người để lấy chai rượu, Bảy Trật mới phát hiện nước mắt ràn rụa trên gương mặt gầy guộc của gã:
- Sao lại khóc? Có tâm sự gì buồn thì nói cho qua nghe thử xem sao. Nước mắt chẳng đi đến đâu cả. Đàn ông mà khóc trông buồn cười lắm. Tại sao chú mày cứ im lặng mãi thế nhỉ? Ông trời cho ta cái miệng là để cười để nói.
Gã đàn ông im lặng nén tiếng thở dài và cầm cầm chai rượu tu ừng ực. Rượu năm chục độ mà uống như vầy có nước đi chầu ông bà sớm.
Bảy Trật phều phào:
- Tánh của qua ngộ lắm có gì uất ức đau khổ không bao giờ giấu được trong lòng, nó nặng ì như đeo đá, phải phun ra cho kỳ hết mới thấy nhẹ người. Nghe lời qua đừng khóc nữa. Bọn đàn bà thấy cánh đàn ông chúng ta rơi nước mắt sẽ vỗ tay reo vui.
Hồi lâu gã cất giọng lạnh lùng sầu thảm. Tựa như giọng nói phát ra từ dưới đáy mồ:
- Có những chuyện nói ra cũng chẳng giải quyết được gì cả có khi chỉ nhận được những cái nhìn thương hại chi bằng im lặng là xong.
Bảy Trật đón lấy chai rượu và hớp một ngụm nhỏ:
- Không muốn nói thì thôi, qua không ép. Nhưng mà đừng có khóc. Nước mắt không dành cho bọn đàn ông chúng ta. – Đoạn Bảy Trật ngước mắt nhìn trời rồi nói :- Ráng vàng thì gió, ráng đỏ thì mưa. Bầu trời đỏ như vầy thế nào chốc nữa cũng có mưa lớn cho mà xem.
Gã đàn ông muốn nói điều gì đó nhưng lại im lặng.
Bảy Trật nhặt hòn đất ném xuống sông, đoạn đưa hai tay vỗ vào nhau phủi bụi:
- Qua nhìn chú mày lạ lắm. Chú không phải là người ở vùng này có đúng không?
Gã im lặng, nốc rượu ừng ực. Mắt dõi ra phía trước. Thủy triều đang lên nhanh.
Uống xong ngụm rượu, Bảy Trật đề nghị:
- Nhà qua cũng cạnh đây, hay là chú em vô nhà qua anh em mình vừa uống vừa tâm sự đỡ buồn.
Gã lắc đầu, bảo muốn được ngồi một mình. Giọng của gã như dính lại vào nhau rất khó nghe:
- Tôi sẽ ngồi trên bờ sông này cho đến sáng. Lâu lắm rồi tôi mới được nhìn nước lên.
- Nước lớn thì có gì lạ mà coi. Nhà tôi sát bờ sông ngày nào cũng nhìn nước lên rồi nước xuống nhàm chán, đơn điệu chẳng có gì hấp dẫn cả. Chú em quả thật là lẩn thẩn.
Gã cười buồn:
- Đôi khi ta không thể nào hiểu nổi bản thân mình. Thế gian này toàn là những kẻ dở hơi lẩn thẩn!
- Tại sao chú lại nói vậy?
Gã không trả lời mà nói sang chuyện khác. Chuyện hồi xưa:
- Hồi còn bé, một lần bà nội cho tôi quả thị. Bà bảo trong hột thị có nàng Tấm. Chuyện cổ tích Tấm Cám có đứa trẻ nào mà không một lần được nghe kể chứ. Thị ăn không ngon nhưng mùi thật là thơm. Tôi giữ bên mình cả tuần liền mới dám ăn. Thật ra tôi không muốn ăn mà muốn được mục kích tận mắt nàng Tấm đẹp đẻ như thế nào thôi. Tôi đem hột thị rữa thật sạch rồi với tâm trạng háo hức tôi đem mài trên đá. Tôi mài mãi, mài đến khi hột thị chỉ còn bé bằng hột đậu mà nàng Tấm vẫn không thấy đâu. Tôi thất vọng khủng khiếp. Vì chuyện này mà mấy đêm liền tôi không ngủ được.
Bảy Trật cười vang:
- Chú em khờ quá, chuyện vớ vẩn như vậy mà cũng tin được à?
Gã thở dài:
- Mỗi đứa trẻ đều có một huyền thoại riêng của mình. Khi huyền thoại đó bị đổ vỡ, nó cảm thấy hụt hẫng và tuyệt vọng.
Uống thêm mấy ngụm nữa, Bảy Trật đã thấm say. Tự nhiên gió thổi mạnh, mây đen vần vũ báo hiệu sắp có cơn mưa lớn. Bảy Trật lật đật đứng dậy:
- Trời chuyển mưa rồi. Qua về đây. Chú em không muốn vào nhà qua thì cũng nên về nhà mình là vừa. Trận mưa này lớn lắm đây. Đừng ngồi đó nữa kẻo bị cảm đấy.
Bảy Trật lảo đảo bước vào nhà. Lát sau nhìn ra vẫn thấy gã ngồi nốc rượu tì tì. Bảy Trật lắc đầu nói lẩm bẩm:
- Tay này điên thiệt rồi!
Một ánh chớp bỗng lóe lên trên lưng trời kèm theo là tiếng nổ rền như bom dội. Mưa như trút nước. Và gã đàn ông vẫn điềm nhiên ngồi uống rượu dưới cơn mưa tầm tã. Bảy Trật lật đật chạy ra cửa, đưa hai tay bắt loa gọi lớn:
- Mưa lớn quá, vô nhà trú mưa đi!
Nhưng gã đàn ông vờ như không nghe thấy. Và tiếp tục ngồi uống rượu dưới cơn mưa như trút.
*
Lê Trực nói:
- Anh ta ngồi đó trong bao lâu, bác có biết không?
Bảy Trật lắc đầu:
- Cơn mưa quỷ quái kéo dài chừng một giờ đồng hồ tôi mới đi ngủ. Trước đó, tôi vẫn thấy anh ta ngồi trên bờ sông và nốc rượu. Đích thị là hắn bị bệnh tâm thần rồi chứ một người có đầu óc tỉnh táo chẳng bao giờ ngồi uống rượu dưới mưa. Sáng ra, thì không thấy con ma men đó đâu nữa. Tôi cứ đinh ninh anh ta đã về nhà. Không hiểu sao cái áo lại nằm ở đây. Như vậy có thể đoán là có chuyện không lành rồi.
Suy nghĩ một lúc Bảy Trật nói:
- Liệu anh ta có say quá mà ngã xuống sông không nhỉ? Đêm ấy nước lớn, chỉ cần một cú trượt chân là đi đời. Mà, tôi trông anh ta cũng có vẻ chán đời lắm. Đôi mắt trông như hai nấm mồ ấy.
- Bác có biết loại rượu anh ta uống được mua từ đâu không?
Bảy Trật gật đầu:
- Biết chớ, tôi là con sâu rượu mà lại. Loại rượu này chỉ có mỗi quán Tư Ánh là có thôi. Anh cứ đến đấy sẽ rõ mọi việc.
- Từ đây đến đó có xa không?
- Không, non một cây số hướng ra thị xã. Quán Tư Ánh vừa bán cà phê vừa rượu với đồ nhắm. Quán không có biển hiệu gì ráo, nhưng hỏi quán Tư Ánh thì đến đứa nhỏ vắt mũi chưa sạch cũng biết.
*
Tư Ánh là người phụ nữ tuổi ngoài bốn mươi, dáng vẻ phốp pháp. Đôi mắt sưng húp nom như lúc nào cũng như đang khóc. Quán vắng, Lê Trực bước vào bên trong, chọn một chỗ trống gần lối ra vào rồi gọi một cốc cà phê đen.
Tư Ánh bưng cà phê đặt lên bàn rồi gieo người ngồi xuống chiếc ghế trống cạnh đó. Chị ta luôn mồm ca thán dạo này bán buôn ế ẩm mà quán xá mọc lên đầy rẫy:
- Riết rồi, người bán đông hơn người mua. Quán của tôi, mọi ngày, vào giờ này khách ra vô nườm nượp bán không kịp nghỉ tay, vậy mà bây giờ vắng tanh như cái chùa Bà Đanh, nhắm mắt chạy một mạch không đụng người nào! Thời buổi khó khăn, chắc tôi phải chuyển sang công việc khác mà sống thôi chớ bám theo cái nghề này có mà cạp đất!
Đoạn Tư Ánh đứng dậy xếp lại mấy chai rượu trên quầy một cách máy móc:
- Quán của tôi cái gì cũng ngon mà giá lại rẻ không hiểu sao bọn đàn ông cứ đâm đầu vào những nơi khác để bị chặt đẹp. Cũng tại mấy con nhỏ trẻ đẹp cho uống bùa mê thuốc lú đây mà.
Lê Trực cười thầm rồi lấy thuốc lá ra hút. Mắt ngước nhìn mấy bịt khô bò, bánh phồng tôm treo lủng lẳng trên tủ thuốc lá. Anh tìm cách gợi chuyện:
- Tôi nghe mấy người bạn giới thiệu, rượu ở quán chị là đặc sản vùng này.
Tư Ánh lập tức tỏ thái độ vui vẻ:
- Chớ còn phải hỏi! Rượu quán tôi nấu bằng nếp rặt không lẫn hột gạo nào, lại được ủ bằng thứ men thượng hạng. Say rất êm, tỉnh dậy không thấy đau đầu như những loại rượu khác.
- Chốc nữa tôi phải mua một chai về nhà ngâm với rễ nhàu trị chứng nhức mỏi.
- Ngâm làm gì vừa tốn công vừa mất thời gian. Quán tôi có sẵn, anh cần bao nhiêu cũng có.
Đoạn Tư Ánh lấy chai một lít ngâm rễ nhàu đặt trước mặt khách:
- Anh uống thử , nếu thấy vừa ý thì mua, không thì thôi chứ tôi không nài ép. Để tôi lấy cho anh cái chung.
Lê Trực rót rượu ra chung và nhấp một ngụm nhỏ:
- Ừ, cũng được. Tôi lấy chai này.
Lê Trực thanh toán tiền. Trong lúc Tư Ánh đang kéo hộc bàn tìm tiền thối, Lê Trực nói:
- À, cách đây mấy hôm chị có bán rượu cho một người đàn ông khoảng ngoài bốn mươi tuổi…
Tư Ánh đưa tiền thừa cho khách:
- Quán tôi, ngày nào cũng bán rượu cho rất nhiều người làm sao tôi nhớ hết cho được. Anh ta có đặc điểm gì để nhận dạng không?
Lê Trực nói:
- Anh ấy mặc chiếc áo ngắn tay ca rô màu sắc sặc sỡ. Cao khoảng một mét bảy mươi mốt, bảy mươi hai gì đó..
Tư Ánh ngẩn người một lúc rồi nói bằng giọng không được tự tin:
- Áo ca rô ngắn tay, cao một mét bảy mươi..
Lê Trực tiếp tục gợi ý:
- Anh ta có gương mặt xương xẩu và có vẻ ít nói..
Tư Ánh lắc đầu:
- Như vậy là không phải rồi. Tôi có bán rượu cho một người mặc áo ca rô và chiều cao như anh tả nhưng hắn ta còn trẻ, tôi đoán, chỉ độ ba mươi sáu, ba mươi bảy là cùng. Vả lại trông anh ta cũng không xương xẩu lắm đâu..
Lê Trực khẽ gật đầu, nói:
- Có thể là anh ta bởi tuổi tác, hình dáng phụ thuộc vào nhận xét riêng của mỗi người..
Tư Ánh làu bàu:
- Nếu là anh ta thì tôi không thể nào quên được, bởi đó là vị khách rắc rối nhất mà tôi từng gặp..
*
Sẩm tối. Hắn xiêu vẹo bước vào quán, chọn chỗ trống bên cạnh cửa sổ rồi ngả người lên chiếc ghế có lưng tựa. Tư Ánh, lúc ấy, đang ăn cơm tối cùng gia đình phía bên trong, thấy khách vào bèn bỏ chén cơm xuống, bước ra tiếp khách:
- Anh uống gì ạ?
Hắn phanh một cúc ngực áo và kêu trời quá nóng:
- Rượu, tất nhiên rồi. Cho tôi rượu loại ngon nhất.
- Ở đây tôi chỉ bán một thứ rượu loại một thôi. Anh muốn nhắm món gì?
Hắn lắc đầu, bảo chỉ cần vài điếu thuốc lá là đủ rồi.
Rồi bắt đầu từ lúc đó hắn tiên tục nốc rượu, nhả khói và chốc chốc lại gọi chủ quán mang ra thứ gì đó. Bực mình ở chỗ, hắn không gọi một lần cho xong mà cứ kêu lắt nhắt khiến Tư Ánh không sao ăn xong bữa cơm.
- Chủ quán cho thêm xị nữa!
- Chủ quán cho vài điếu Du Lịch.
- Chủ quán cho ca trà đá.
Mặc dù, rất không hài lòng với vị khách này nhưng Tư Ánh phải cố chiều lòng, dù sao khách hàng cũng là Thượng đế. Vả lại việc bán buôn đang lúc cạnh tranh gay gắt để khách phật ý bỏ sang quán khác có mà chết đói nhăn răng.
Uống bằng cái chung nhỏ không đủ đô hắn chuyển sang uống bằng cốc lớn. Hắn nốc rượu ừng ực như rồng uống nước thấy mà phát khiếp. Uống hết bốn chai một xị, hắn bỗng ngồi im bất động, đầu gục xuống, mắt nhắm nghiền như đang ngủ gật, mồm liên tục thốt ra những lời vô nghĩa:
- Ta là ai? Ta là ta! Ta là ai? Ta là ta!
Hắn có vẻ đã thấm say không uống nhiều như lúc đầu. Bỗng nhiên hắn đưa tay đấm mạnh lên bàn và gào lên thật to:
- Ta là ai?
Nghe ồn ào, Tư Ánh từ trong hớt hải chạy ra. Hắn đang huơ chân múa tay như đang chiến đấu với một kẻ vô hình nào đó:
- Tại sao mi lại nỡ đối xử tệ bạc với ta? Đồ khốn!
- Ai, ai đối xử tệ với anh? – Tư Ánh nói.
- Số phận.
- Số phận ư ? – Tư Ánh thốt lên một cách khôi hài:- Anh có vẻ đã say quá rồi, nên về ngủ cho khỏe. Sáng mai tỉnh dậy uống tiếp. Về đi, quán tôi sắp sửa đóng cửa rồi. Đừng ngồi đây đánh nhau với số phân nữa!
Hắn bỗng nổi cáu đưa tay đấm ngực thùm thụp:
- Chị đuổi tôi đấy à? Ai dám bảo thằng này say? Tôi còn uống được nữa. Cho thêm chai rượu!
Tư Ánh nhũn nhặn:
- Tôi sẽ bán cho anh với điều kiện anh không được làm ồn. Dân xung quanh đây có thói quen ngủ sớm, không nên làm phiền họ. Người ta mà kiện lên công an xã, quán tôi có nước dẹp tiệm sớm.
Gã làu bàu:
- Được, có rượu tôi sẽ câm họng. Lấy cho tôi một chai.
Tư Ánh nhìn hắn lắc đầu chán nản, đoạn đi vào trong lấy thêm chai rượu.
- Rượu của anh nè. Đây là chai cuối đó nghe. – Tư Ánh đưa tay che miệng ngáp vặt mấy cái ra chiều buồn ngủ có ý muốn đuổi khách.
- Chị có thể ngồi đây nói chuyện với tôi một chút được không? – Hắn đề nghị.
- Tôi với anh là hai người xa lạ có chuyện gì để nói chớ.
- Tôi xin chị đấy. Tôi sẽ không làm phiền chị lâu đâu. Tôi cảm thấy cô đơn quá muốn có người tâm sự đỡ buồn.
Tư Ánh miễn cưỡng ngồi xuống chiếc ghế cạnh đấy. Chiếc đồng hồ treo tường chỉ đúng mười giờ đêm. Mọi ngày vào giờ này quán Tư Ánh đã đóng cửa:
- Tôi nghe anh đây. Mười phút thôi nhé. Tôi buồn ngủ lắm rồi.
Hắn cầm chai rượu tợp một ngụm lớn:
- Có bao giờ trong cuộc đời mình chị tự hỏi, mình là ai, từ đâu đến không?
Câu hỏi thật ngớ ngẩn! Tư Ánh phì cười:
- Người ta không thể đặt câu hỏi khi đã có lời đáp một cách rõ ràng. Tôi là ai ư? Tôi là tôi, đơn giản chỉ có vậy. Chẳng lẽ anh không biết mình là ai sao? Tôi nghĩ, chắc anh đang mang nặng tâm sự trong lòng..
Hắn cất giọng buồn thảm:
- Tôi đã đi tìm tôi suốt những tháng năm dài đăng đẳng, trong tuyệt vọng đớn đau. Thật hạnh phúc cho những ai tồn tại trên đời mà không phải bị ám ảnh bởi câu hỏi ấy. Những câu hỏi tưởng chừng vô nghĩa lại như hòn núi lớn đè nặng kiếp người. Đã bao lần tôi băn khoăn tự hỏi, tôi sinh ra để làm chi, tôi tồn tại để làm gì khi không biết được danh tính, nguồn gốc của mình. Thậm chí có lúc tôi đã nghĩ đến cái chết.
Tư Anh nói:
- Tự tìm đến cái chết là hành động điên rồ. Hạnh phúc lớn nhất của con người là được sống, được ngắm nhìn thế giới quá đỗi thân yêu này. Tôi nâng niu mỗi bình minh lên, mỗi tia nắng sớm. Và nhất là được sống trong lo toan bận rộn kiếp làm người…
- Chị thật hạnh phúc, - hắn nói:- Tôi thật sự ganh tỵ với chị. Dù sao chị cũng có mục đích sống của mình. Làm gì? Cho ai? Còn tôi cứ như con thuyền không bến cứ trôi, trôi mãi không phương hướng. Tôi là đứa con lạc loài của số phận, là kẻ lữ hành đơn độc bất đắc dĩ trên thế gian này..
- Anh nói chuyện khó hiểu quá. Làm sao anh lại không biết mình là ai được chứ. Thậm chí, đến con vật còn có nguồn gốc nữa là..
Hắn cười phờ phạc:
- Thế đấy, tôi đã sống cuộc sống không bằng một con vật. Ha..ha!
- Thế bây giờ anh đã tìm được mình chưa? – Tư Ánh cất giọng bỡn cợt.
Hắn im lặng, đưa hai tay ôm lấy mặt, đôi vai run lên từng chập rồi thốt lên một câu khó hiểu:
- Giá như không tìm thấy mình, tôi đã không tuyệt vọng như thế này!
*
Lê Trực nói:
- Anh ta còn nói gì với chị nữa không?
Tư Ánh gật đầu:
- Nói nhiều lắm nhưng toàn là những lời khó hiểu. Anh ta đã quá say. Tôi phải ngồi im để anh ta “ tra tấn “ cái lỗ tai gần ba mươi phút.
- Khoảng mấy giờ anh ta rời khỏi quán?
Tư Ánh suy nghĩ một lúc, nói:
- Đi ngay sau đó. Nếu tôi nhớ không lầm khoảng mười giờ rưởi gì đó. Trước khi rời khỏi, anh ta còn mua thêm chai một lít. Tôi khuyên anh ta không nên uống nữa, trông anh ta đã say quá rồi, nhưng anh ta không nghe. Rốt cuộc, tôi đành phải chiều ý khách. Tôi chưa từng thấy ai uống nhiều như thế. Anh chàng đích thị là con ma men thứ thiệt!
- Chị có biết anh ta đi đâu không?
Tư Ánh lắc đầu:
- Làm sao tôi biết được. Có thể là về nhà. Nhưng nhìn anh ta chắc cũng không có một nơi để mà về. Anh ta bảo sẽ uống cho đến chết để quên đi mình là ai. Tôi thấy anh ta thật ngớ ngẩn, làm sao có thể quên được mình chứ. Rượu đã khiến người ta bệ rạc như thế đấy.
*
Năm Thắng đang ngồi nhâm nhi rượu đế với khô dưa bên chiếc bàn xếp hình chữ nhật đặt trước hiên nhà. Sáng nay, Năm Thắng đi chợ Quận sắm mấy thứ linh tinh tình cờ thấy khô cá sặc Cà Mau ngon quá nên mua vài con về trộn với khô dưa nhắm rượu. Khô cá sặc sau khi nướng chín, xé nhỏ trộn với dưa chuột cắt mỏng, đào lộn hột và thịt ba rọi. Cho vào thêm ít giấm, đường, bột ngọt là có được món nhậu tha hồ say sưa tới chữ. Sau khi chuẩn bị xong mồi nhắm, rượu đế nếp Gò Đen, Năm Thắng xăng xái qua nhà Bảy Phát ở sát bên mời sang nhâm nhi vài ly đỡ buồn. Bảy Phát hôm nay bị đau bao tử nên không uống được. Năm Thắng đành uống một mình. Trà tam, rượu tứ, uống một mình chẳng thấy hứng thú chút nào. Chán quá. Năm Thắng làu bàu và chuẩn bị đóng nút chai thì bên ngoài có tiếng người gọi í ới:
- Chú Năm Thắng có ở nhà không?
Năm Thắng nghiêng cổ nhìn ra thì thấy Sáu Phồn, phó công an xã đi cùng một người đàn ông mặc thường phục, bèn lật đật bước ra mở cổng mời khách vào nhà.
- Sẵn bữa mấy chú uống với tôi vài chung rượu cho vui. Mồi ngon mà uống một mình chẳng khác nào bị tra tấn!
Sáu Phồn lắc đầu nói có việc bận không ngồi được lâu. Đoạn day mặt về phía người đàn ông mặc thường phục, nói:
- Giới thiệu với chú Năm, đây là đồng chí đại úy Lê Trực, hiện đang công tác tại phòng cảnh sát hình sự tỉnh. Còn giới thiệu với anh Trực, đây là chú Năm Thắng, bí thư chi bộ, kiêm trưởng ấp. Chú Năm làm trưởng ấp gần hai mươi năm rồi, dân tình trong ấp bác ấy thuộc như lòng bàn tay, có thắc mắc gì anh cứ hỏi, bác ấy sẽ giải đáp tức thì.
Lê Trực gật đầu chào chủ nhà. Năm Thắng rót ra chung rượu đầy đưa cho Sáu Phồn:
- Chú bận công chuyện tôi không ép nhưng cũng phải làm một chung.
Sáu Phồn ngửa cổ uống cạn chung rượu. Năm Thắng lấy đũa gắp miếng khô dưa đưa lên miệng Sáu Phồn.
- Cũng phải đưa cay một tí. Món khô dưa này tôi phải làm cả buổi đấy. Chú không nếm thử là phụ lòng tôi.
Sáu Phồn uống thêm hai chung nữa rồi bắt tay tạm biệt mọi người:
- Tôi phải về nhà để chuẩn bị đi họp trên huyện đây. Hẹn chú dịp khác uống một trận lên bờ xuống ruộng mới thôi. Tổng chào nhé!
Năm Thắng rót chung rượu đưa cho Lê Trực:
- Lính hình sự uống rượu khiếp lắm. Tôi có người em kết nghĩa làm cảnh sát hình sự trên thành phố, anh chàng này phá án giỏi mà uống rượu cũng một cây xanh dờn. Tôi xách dép chạy theo còn không lại. Chú em phải uống làm sao đúng chất hình sự đó nghen.
Lê Trực đón lấy chung rượu, nói:
- Tửu lượng mỗi người một khác. Sức tôi chỉ uống chừng một xị là say ngất ngư. Vả lại có quy định không được uống trong giờ làm việc. Nể lời chú tôi xin uống cạn chung này. Một chung thôi nhé, chú Năm.
Năm Thắng nói:
- Chú bận việc công tôi không ép. Chú đến gặp tôi có việc gì vậy?
Lê Trực nói:
- Là cán bộ phụ trách ấp Năm, chú có biết Hai Bình không?
Năm Thắng ngẩn người suy nghĩ một lúc:
- Bình nào nhỉ? À, có phải chú muốn nói đến Hai Bình làm thợ cho lò bánh Ba Phát không?
Lê Trực khẽ gật đầu:
- Đúng là Bình chú vừa nói. Chú có nghe tin đồn về sự mất tích của Hai Bình không?
Năm Thắng uống cạn chung rượu rồi đánh “ khà “ một cái:
- Có, tôi có nghe. Cả ấp đồn ầm lên là Hai Bình bị mất tích.
- Bác nghĩ như thế nào về việc này?
Năm Thắng rót rượu ra chung rồi gắp miếng khô dưa cho vào chén của mình:
- Tôi cũng bán tín bán nghi, làm sao lại xảy ra chuyện kỳ lạ như thế được nhỉ. Tình hình trật tự trị an trong ấp trong thời gian qua phải nói là rất tốt, chưa từng xảy ra chuyện gì cả. Chi bộ ấp nhiều năm liền được công nhận là chi bộ trong sạch và vững mạnh. Chuyện mất tích của Hai Bình làm tôi đau đầu. Công an xã cũng đang xác minh việc này.
- Vậy chú nghĩ như thế nào về sự vắng mặt đầy bí ẩn của Hai Bình?
Năm Thắng uống cạn chung rượu, nói:
- Tôi nghĩ, anh ta đi đâu đó vài ngày rồi sẽ trở về thôi. Đàn ông sống độc thân không bị trói buộc chuyện gia đình vướng chân vướng cẳng, muốn đi đâu tùy ý. Mất tích ư? Chuyện không thể tin được.
- Nếu đi đâu dài ngày, Hai Bình nhất thiết phải mang theo đồ dùng cá nhân. Đàng này tất cả đều còn nguyên vẹn. Bà Năm Hà, chủ nhà cho thuê đã xác nhận điều này. Chính vì thế, nghi vấn về vụ mất tích không phải là không có cơ sở. Thêm vào đó, chúng tôi còn thu được chiếc áo ca rô ngắn tay nghi là của Hai Bình trong bụi ô rô bên bờ sông.
Năm Thắng giật mình, thốt lên:
- Ồ, có chuyện đó à? Chà, nếu như vây thì gay rồi đây. Có lẽ Hai Bình say rượu hứng chí tắm sông chết đuối rồi cũng nên.
Lê Trực nói:
- Nếu chết thì phải tìm thấy xác. Nhưng đã hơn một tuần mọi nỗ lực tìm kiếm thi thể của Hai Bình đều vô vọng. Đã có tin đồn là Hai Bình bị sát hại.
- Tại sao lại thế nhỉ – Năm Thắng làu bàu:- Nếu thật sự có chuyện này thì người ta sát hại Hai Bình nhằm mục đích gì nhỉ.
Lê Trực lấy thuốc lá ra hút:
- Anh ta có thường vắng mặt như thế này không?
Năm Thắng lắc đầu:
- Không. Theo tôi được biết thì Hai Bình chưa bao giờ vắng mặt ở địa phương quá một ngày. Thỉnh thoảng, Hai Bình có đi dự đám cưới, giỗ chạp ở xa thì cũng về nhà trong ngày. Còn chuyện anh ta có đi đâu dài ngày hay không, thú thật tôi không rõ lắm. Anh nên hỏi những người sống gần đấy sẽ rõ hơn. – Đoạn Năm Thắng cất giọng khôi hài:- Dễ chừng Hai Bình đi theo cô nào rồi.
Lê Trực gật đầu, nói:
- Chú nhận xét Hai Bình là người như thế nào?
- Nói chung không có gì đáng phàn nàn. Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Nhà nước và những quy định của địa phương. Riêng các khoản đóng góp, anh ta bao giờ cũng thực hiện đầy đủ. Tháng trước vận động tiền ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, mặc dù, trong túi không sẵn có tiền, Hai Bình cũng mượn tạm những nhà bên cạnh để làm tròn nghĩa vụ của mình. Và đợt làm đường liên ấp vừa qua, sau khi từ lò bánh mỳ trở về, hay tin, anh ta liền sốt sắng vác cuốc đi làm cùng mọi người. Đấy là những điểm tốt cơ bản của anh ta.
- Còn những hạn chế? Hai Bình có những khuyết điểm gì?
- Anh ta uống rượu lu bù. Lúc nào tôi cũng thấy kè kè chai rượu bên người cứ như là một bộ phần của cơ thể của anh ta vậy. Rượu chè be bét như vậy, thảo nào, trên đầu đã gần hai thứ tóc mà chả có ma nào dám lấy làm chồng. Đành rằng Hai Bình cũng có nhiều điểm tốt nhưng nếu là phụ nữ tôi sẽ không bao giờ chịu lấy anh ta. Tất nhiên rồi, chẳng người đàn bà nào lại đâm đầu chọn một người đàn ông sáng say, chiều xỉn, tối lai rai làm chồng cả. Vả lại Hai Bình dường như không thích phụ nữ thì phải.
Năm Thắng bập bập điếu thuốc trên môi:
- Tửu lượng của Hai Bình xếp vào hàng cao thủ, nói theo cách của Tàu là giang hồ để nhất cao thủ. Tửu lượng của tôi cũng không phải là xoàng vẫn bị anh ta dần cho một trận thừa sống thiếu chết, nôn ra cả mật xanh lẫn mật vàng, đến nỗi bà xã phải đưa vô trạm xá. Sau lần đó tôi cạch tới già không dám thi thố với hắn nữa. Tránh voi không xấu mặt nào mà lại..
Năm Thắng rót rượu ra chung rồi kể tiếp câu chuyện:
- Chuyện nhậu nhẹt của Hai Bình kể tới sáng cũng chưa xong. Chẳng nói đâu xa, cách đây vài tháng con gái của Tám Hơn lấy con trai Sáu Nhật ở xã bên. Bên đàng trai có Tư Roi là đại cao thủ trong làng chai lọ. Sáu Mạnh, người có tửu lượng cao nhất trong bọn cũng đã chạm trán với Tư Roi vài lần và lần nào cũng bỏ của chạy lấy người. Trước lễ cưới hai hôm, bên đàng trai bắn tiếng sẽ cho bên đàn gái chúng tôi biết thế nào là lễ độ. Lo bị làm nhục chúng tôi họp lại và bàn phương cách ứng phó. Nhưng nghĩ mãi vẫn không sao tìm ra lối thoát. Thế mới biết ăn nhậu có lúc lại cần thiết như vậy. Cánh đàn bà lại có dịp chì chiết một trận, nuôi quân ba năm dụng có một giờ, vậy mà, chưa xung trận đã tính đường tháo chạy. Cha ông ta thường nói, trong cái khó, ló cái khôn. Trong lúc khẩn cấp ấy, bỗng có người nhắc đến tên Hai Bình. Trời ạ, vừa nghe xong cả đám cùng thở phào như tội nhân trước vành móng ngựa được Tòa tuyên án treo..
Năm Thắng cười khà khà, uống cạn chung rượu rồi kể tiếp:
- Thế là đích thân tôi cùng Tám Hơn đến gõ cửa nhà Hai Bình cầu cứu. Ban đầu Hai Bình lắc đầu từ chối. Anh ta sống khép kín, không thích những chỗ đông người và luôn ngại va chạm nhưng sau chúng tôi năn nỉ quá Hai Bình cũng miễn cưỡng đồng ý. Có quân bài chiến lược trong tay, chúng tôi xem như chắc phần thắng.
Lê Trực xen vào:
- Và kết quả là bên nào thắng?
Năm Thắng nói:
- Thong thả để tôi kể cho chú nghe. Chuyện ly kỳ lắm. Mười giờ sáng bên đàng trai đến rước dâu. Sau đó, chúng tôi tháp tùng đưa cô dâu về nhà chồng. Trên đường đi tôi dặn Hai Bình:
- Mục tiêu của chú là thằng Tư Roi, nhớ chưa? Nếu đứa khác có mời thì lựa lời từ chối, sức người có hạn, cho dù tửu lượng có khá đến đâu cũng không thể chấp hết cả thiên hạ, chú dồn hết sức để hạ thằng Tư Roi. Còn cái đám râu ria, theo đóm ăn tàn chú để tôi lo.