Những Học Sinh Đã Đi Qua Đời Tôi
Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh
Đã mấy năm nay tôi nghỉ, không còn dạy học. Cái nghiệp làm nhà giáo đã theo đuổi tôi gần suốt cả đời người, kể cả những năm ở trong quân đội. Cũng vì vậy mà tôi không nhớ hết được những sinh viên đã từng ngồi nghe tôi giảng bài trong lớp. Mấy năm gần đây tôi thường có dịp đi thăm các hội cựu quân nhân, đủ các quân binh chủng, trong và ngoài Hoa Kỳ, kể cả những miền xa tắp như Oslo dưới trời Bắc Âu, và Melbourne, Sydney cùng Brisbane ở Úc châu, phần Nam bán cầu. Và tôi đã có dịp gặp lần đầu tiên nhiều học trò mới, vì họ gọi tôi là Thày và nói thêm là chưa từng học tôi giờ nào, nhưng cũng có người nói là đã từng dùng những sách giáo khoa tôi viết khi xưa bằng tiếng Việt, và cũng có người là học trò của một môn sinh khi xưa của tôi . Tôi đã rất vui khi được gặp những bạn quân nhân còn trẻ, đã có vài năm đời lính trên quê hương, và nay đi học thêm để làm lại cuộc đời trên miền đất mới. Tôi luôn luôn khuyến khích các bạn tiếp tục sự học hỏi, ở học đường cũng như ở ngoài trường đời. Cách đây cũng đã lâu rồi, tôi được mời sang làm giáo sư thăm viếng ở Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan, đôi khi được gia đình các sinh viên thi đậu tiến sĩ mời đến dự tiệc chúc mừng. Tôi thấy các tân khoa nhận được những bảng vàng trên có đề hàng chữ “Học Hải Vô Nhai” tức là biển học không có bến bờ. Tôi nghĩ đây cũng là một cách khuyên những người trẻ nên tiếp tục tu thân tầm học. Và tôi thường kể lại chuyện này cho những em tôi gặp.
Sau nhiều năm sống ở nước người, ở những nơi mà vốn học chỉ là phần căn bản mà tài năng thực sự để giúp cho ta thành công là phương cách xử thế và áp dụng những hiểu biết của mình vào công việc mới là điều quan trọng, tôi lại nghĩ đến lối học khoa cử đã lỗi thời của người mình. Suốt một năm học rồi đặt cả tuơng lai vào một kỳ thi cuối cùng. Và tôi nghĩ đến cả một thời xưa vang bóng, khi mà mười năm đèn sách, chung cuộc cũng ở mấy ngày thi. Ở trường Nam, sĩ tử rộn rịp lều chõng. Chốn kinh kỳ cũng có những ông cống tương lai đi rạo phố phường. Rồi số người đậu thì ít, số người thi hỏng thì nhiều. Và có những người mơ ước nằm võng điều lại thêm một lần thất vọng. Trên dặm đường về, có dăm gã thư sinh vừa lạc đệ, lều chõng lưu lại để thế tiền hàng. Trong những năm giậy học ở Đại Học Michigan, tôi cũng thường hay tham dự những hoạt động của Hội Sinh Viên Việt Nam và nhận thấy rằng các anh chị, có lẽ bị ảnh hưởng của phụ mẫu, nên cũng nặng ý thức khoa kỳ hơn các sinh viên Mỹ. Cái vốn văn hóa ngàn năm của ông cha để lại, nay được gói trọn trong những hình ảnh tên chiếm bảng vàng, vinh quy bái tổ để các anh chị cũng lo lắng nghĩ đến những kỳ thi cuối niên học. Hàng năm, mới bắt đầu vào xuân, còn gần hai tháng mới hết niên học, tôi đã thấy các sinh viên nhắc nhở:
- Chúng em tổ chức đại hội mùa xuân sớm một chút để còn bắt đầu học thi.
- Thầy nhớ viết bài sớm cho Đặc san chúng em. Còn chờ bài thầy mới in. Sau đó chúng em phải học thi.
Đặt ống điện thoại xuống sau câu: “Thôi em bye thầy ạ!” Tôi cũng không nhớ là vừa nói chuyện với anh nào, chị nào. Sinh viên Đại học Michigan, là người Việt ai cũng gọi tôi là thầy tuy thực sự theo học trong lớp chỉ có một người. Còn lại toàn là sinh viên ngoại quốc. Tuy vậy tôi vẫn thấy gần sinh viên Việt Nam hơn. Tình thầy trò được hiểu theo nghĩa rộng, rộng hơn cả theo nghĩa của tiền nhân dạy con cái: “học một chữ là thầy, mà học nửa chữ cũng là thầy”. Cái chữ nghĩa của tôi thu thập được tại muôn phương, hàng ngày dưới mái học đường nay đem truyền lại cho những sinh viên ngoại quốc đến từ muôn phuơng. Vài năm gặp dịp mới có một sinh viên từ quê hương lại. Tôi trao lại anh ít điều hiểu biết để mang về xứ mẹ. Nhưng nay, nếu có học được gì thì anh hay chị cũng chỉ mang ra áp dụng tại xứ người, trên miền đất mới.
Gần hơn nữa là những sinh viên làm luận án tiến sĩ với tôi. Tôi đã chấm luận án cho vào khoảng ba mươi người, cả nam lẫn nữ. Mỗi lần làm việc với một sinh viên ở trình độ tiến sĩ, thường thì phải mất vào khoảng ba hay bốn năm, nên với người nào tôi cũng có những kỷ niệm đáng ghi nhớ lâu dài. Những kỷ niêïm này, với một vài người, giờ đây tôi viết lại, gọi là một chút lưu tình.
Người nữ sinh viên cuối cùng của tôi lại không phải là người làm việc trực tiếp với tôi. Cô Sophie là người Pháp và nộp luận án tiến sĩ về Tin Học vào cuối năm 1997 ở Institut National Polytechnique de Toulouse, với một đề tài có nội dung liên hệ tới một số bài tôi đã viết trước đó ít lâu. Theo thể lệ của những Đại học Pháp, luận án tiến sĩ cần phải có những người thông thạo vấn đề làm giám khảo lập trình (rapporteur) để cho ý kiến. Cho luận án Tin Học này, với đề là: “Généralisation des techniques de moyennation en controle optimal”, ông Viện Trưởng Đại Học ở Toulouse đã mời giáo sư J. M. Coron ở Đại Học Paris Sud và tôi, là giáo sư ở Đại học Michigan, làm giám khảo lập trình và chỉ khi nào được ý kiến thuận lợi của những vị này thì thí sinh mới được trình bầy và bảo vệ luận án của mình. Trong ngành khoa học, khi tới trình độ khảo cứu để tìm ra chân lý thì không còn ranh giới giữa những quốc gia, và ông Viện Trưởng ở Toulouse chỉ cần ký một giấy bổ nhiệm ngắn hạn là tôi trở thành giáo sư ở Đại học Pháp và có thể phê bình, khảo hạch và cho điểm như các vị khác trong ban giám khảo. Tôi nhận lời mời vì thấy trong thành phần giám khảo có giáo sư J. P. Marec là nguời bạn tôâi quen từ lâu, và đặc biệt là có cả tiến sĩ A. Bensoussan, lúc đó là Chủ tịch Trung Tâm Khảo cứu Không gian Pháp quốc (Centre National d’Etudes Spatiales, gọi tắt là CNES). Một chuyến đi chấm thi ở Toulouse sẽ cho tôi được dịp gặp những danh nhân trong ngành Hàng không và Không gian Pháp. Sophie đã là kỹ sư làm việc tại CNES, nên sau khi bảo vệ luận án cô vẫn ở nhiệm sở cũ và được giao phó những đề án quan trọng hơn xưa. Tôi biết như vậy vì những năm sau tôi đã hai lần gặp Sophie ở những hội nghị không gian quốc tế và nghe cô thuyết trình về những dự án có tầm vóc của CNES. Gần nửa thế kỷ kể từ những ngày tôi cùng nhà thơ Cung Trầm Tưởng, trong những dịp nghỉ hè từ Trường Võ Bị Không Quân ở tận miền Provence, trở về Paris và đi lang thang ở khu Latin để gặp những kiều nữ tóc vàng sợi nhỏ, lần này tôi lại gặp một nữ sinh người Pháp nhưng trong tình thầy trò, một thiếu nữ tôi nhớ mãi trông rất thông minh, với đôi mắt đen huyền.
Jennie là một trong hai nữ sinh viên tiến sĩ của tôi ở Michigan. Cô tham gia chương trình khảo cứu của tôi, trong những năm 80, với một căn bản về vật lý học, và điều này đã làm tôi ngần ngại khi chọn đề tài khảo cứu cho cô vì tôi thiên nhiều về lý thuyết toán học. Nhưng Jennie đã tình nguyện học thêm một số chứng chỉ trong Phân khoa Toán và chỉ một năm sau cô đã tỏ ra không thua kém gì những sinh viên xuất sắc khác. Dạo đó là thời kỳ cực thịnh của chương trình không gian của Nga sô và khi đi dự những Hội nghị Không gian Quốc tế tôi thường thấy trong những bài thuyết trình của những nhà khoa học Liên sô, ít khi họ nhắc đến những công trình khảo cứu tương tự của những khoa học gia ở các nước khác. Nhưng nay có thể là một ngoại lệ. Vào tháng Sáu năm 1986, tôi đăng một bài khảo cứu, viết chung với Jennie, trong nguyệt san “Journal of Guidance, Control and Dynamics” của American Institute of Aeronautics and Astronautics. Bài viết nói về cách dùng bầu khí quyển trợ lực để thay đổi qũy đạo, có thể áp dụng cho những phi thuyền bay quanh Địa cầu, hay Hoả tinh và Kim tinh. Sau khi báo phát hành thì bài viết được Cơ quan Không gian Liên sô dịch ngay và đăng trong báo Kỹ thuật Không gian của họ vào tháng Chạp năm ấy. Tôi nghĩ những khoa học gia người Nga họ chú ý đến bài này một phần vì biết người sinh viên cộng tác của tôi, lúc đó đang làm việc ở Cơ quan Không gian Jet Propulsion Laboratory (viết tắt là JPL), chuyên lo về thám hiểm vũ trụ và là quản nhiệm nhóm chuyên gia tính qũy đạo cho vệ tinh nhân tạo Galelio đang bay lên thám hiểm Mộc tinh là hành tinh lớn nhất trong Thái dương hệ. Riêng trong phạm vi này thì chương trình không gian của Nga không theo kịp Hoa Kỳ. Và cũng vì thế mà họ đã phổ biến bài viết của chúng tôi trong hệ thống Nga ngữ của họ.
Tôi đã gặp nhiều sinh viên Trung Hoa cùng có họ Trần, nhưng khi viết theo tiếng Anh thì có nguời dùng chữ Chen, còn anh học sinh của tôi thì viết tên thành chữ Chern. Người anh cũng toàn vẹn như tên của anh, viết toàn chữ là Trần Chính Hưng. Trong cuốn sổ riêng của tôi, khi nhắc tới anh tôi chỉ đề vắn tắt một chữ C. Ở Đài Loan là quê hương tạm của anh, C đã có một địa vị khá cao trong một cơ quan khảo cứu quốc gia, nhưng vì muốn sau này đi dậy ở Đại học nên anh đã bỏ ra gần 4 năm trời để sang Hoa Kỳ học lấy bằng Ph D, một tước vị mà người Hoa gọi là bác sĩ, có nghĩa là người học rộng. Tôi còn nhớ ngày anh nộp luận án, một buổi chiều cuối xuân, nhưng loáng thoáng trên những lùm cây cạnh trường đã có những bông hoa mầu đỏ báo hiệu những ngày hè sắp tới. Trong nhóm sinh viên cùng làm việc với tôi, có lẽ anh là người nhiều tuổi nhất, nhưng tính tình hiền lành, ít nói nên được bạn bè thương mến. Khi tôi đến phòng khảo thí để chuẩn bị đón các bạn đồng nghiệp cùng ở trong ban giám khảo thì căn phòng đã chật kín người tới để dự thính. C đã đứng sẵn đợi chúng tôi ở ngoài phòng. Sau nhiều năm xa nhà học tập, nay tới ngày thi, rồi sẽ được trở về quê hương, anh không tránh khỏi bồn chồn. Trong những năm qua, anh đối xử với tôi theo đúng tình sư đệ của Á Đông. Việc thi cử của C đã diễn ra trong hoàn hảo vì anh là sinh viên lúc học được điểm cao nhất ở đây. Luận án của anh lại về một đề tài khảo cứu đang được chú ý đến. Tuy vậy, lúc thi anh không tránh khỏi vẻ hồi hộp mặc dầu, ngồi ở bàn giám khảo, lúc bảo anh bắt đầu thuyết trình, tôi đã dùng giọng hết sức ôn tồn để anh được an tâm. Được chấm đậu xong, anh vội về phòng để gọi giây nói về quê nhà cho vợ biết. Lúc đó hơn bảy giờ sáng ở phương xa vời, vợ anh là một giáo sư Trung học đang sửa soạn sẽ bắt đầu một ngày dưới mái trường. Ngày ấy chắc phải là một ngày vui vẻ nhất trong đời người đàn bà phương Đông.
C tới trường, cũng như lúc anh đi, trong lặng lẽ. Anh tới đây vào đầu một mùa hè khi phần lớn sinh viên đã rời trường. Hôm anh đến chào tôi từ biệt lại vào một ngày thứ Năm trước mùa thi nên hầu hết sinh viên đang ngồi ở nhà hay ở thư viện học ôn bài. Trời còn cuối xuân, chưa bắt đầu sang hè, lại gặp một chiều mưa nên càng thêm trầm lặng. Tôi nhớ đến mấy câu thơ Đường, đến một nền văn hoá có thời kỳ phồn thịnh ở nước anh. Nước Trung Hoa tôi nói đây là nơi có Hàng châu, Tô châu, nơi có Động Đình hồ, chứ không phải là Đài Loan, nơi anh đang trú ngụ. Tôi nhớ đến mây câu thơ tiễn bạn của Lý Thiệp mà có lần tôi dịch:
“Xa đi vạn dặm Tần Thành,
Núi non cao thấp, chập trùng Thương châu…”
Cái vốn chữ Hán của tôi học lúc còn nhỏ, mỗi lần nghỉ hè vài tháng về quê ngoại, do ông và các chú bác của tôi dạy cho tôi chỉ còn lõm bõm nhớ ít mặt chữ, dịch hay đọc lên thì đuợc, nhưng viết ra thì không được. Bài thơ của Lý Thiệp kết thúc bằng
“Cửa quan, suối lạnh khơi sầu,
Một đêm róc rách nghe rầu khách đưa.”
Sự chào viễn biệt của anh sinh viên người Hoa không đến nỗi làm tôi tâm sự như người một đêm nằm trong quán trọ đợi ngày mai tiễn khách nghe nước suối lạnh chảy thánh thót ngoài cửa quan, nhưng đã mấy năm tình sư đệ, tôi không khỏi đượm buồn khi anh ra
Trong ngành giáo dục ở Đại học, một trong nhưng tiêu chuẩn để định lượng tài năng của một giáo sư, và đồng thời cũng để đánh giá uy tín của trường là số sinh viên tốt nghiệp với cấp bằng tiến sĩ, sau này trở thành một giáo sư đại học. Tuy tôi không có một con số chính xác, nhưng theo kinh nghiệm nhận xét thì ở các nước Âu Mỹ, phải vài chục người khoa bảng mới có một người đạt được trong ngành giảng huấn. Về phương diện này thì trong phân khoa của tôi ở Đại học Michigan, tôi đã là người thành công hơn cả vì số sinh viên của tôi sau này trở thành giáo sư đại học vượt trội hơn các bạn đồng nghiệp. Một trong những sinh viên Hoa Kỳ của tôi, anh James, từ nhiều năm qua, đã là giáo sư thực thụ ở Đại Học Purdue, là một đại học có tầm vóc quốc tế. Anh là một sản phẩm của Michigan như anh vẫn thường tự hào khoe như vậy, vì sau khi tốt nghiệp trung học anh đã học liền suốt mười năm ở trường tôi dạy, qua chương trình cử nhân rồi cao học và sau cùng là tiến sĩ. Anh bắt đầu học tôi từ chương trình cao học và xin theo học chương trình tiến sĩ trong nhóm của tôi dù rằng dạo đó ngân sách khảo cứùu của tôi không còn đủ để nhận thêm sinh viên. Để được nhận vào nhóm, anh nói với tôi là đã để dành được ít tiền để có thể tự túc thêm một hay hai năm nữa chờ đến khi tôi xin được trợ cấp khảo cứu mới. Về sau, trong chỗ thân tình anh cho tôi biết là mỗi kỳ hè anh đi làm cho một công ty xây cất bể bơi để lấy tiền ăn học, công việc đào móng, đổ bê tông cũng khá nặng nhọc. Sau cùng, nhờ có điểm học cao, James cũng được một học bổng của Đại học mà không cần lấy vào qũy khảo cứu của tôi. Từ đó anh yên tâm làm việc. Sau khi tốt nghiệp, James tới làm việc cho cơ quan JPL và luận án của anh, sau khi khai triển thêm với đề là “Analytic Theory of Orbit Contraction and Ballistic Entry into Planetary Atmosphere”cũng được JPL âùn hành theo khế ước với Trung Tâm Khảo Cứu Langley của NASA ở Virginia. Cuộc đời của James sau đó cũng thuận buồm suôi gió. Làm việc ở JPL chừng mười năm, anh được Đại học Purdue mời tới, qua nhiều năm tháng được tăng chức dần dần và ước nguyện của anh, như đã từng nói với tôi là trở thành một khoa học gia có tầm vóc và cũng là một giáo sư đại học, như thế là đã đạt thành. Hàng năm mỗi lần gặïp anh ở những hội nghị chuyên môn, anh thường giới thiệu với những người khác là tôi là giáo sư bảo trợ luận án của anh. Và dù nay anh cũng là bạn đồng nghiệp của tôi nhưng lúc nào nói chuyện với tôi anh cũng giữ lễ phép thưa gửi theo như truyền thống Á Đông giữa thầy và trò.
Một lần ở một hội nghị, James dẫn đến giới thiệu với tôi một cựu sinh viên của anh, đang là giáo sư ở Đại học Arizona State, và người này lại đưa theo một sinh viên tiến sĩ. Thế là chúng tôi chụp chung với nhau một tấm hình có bốn thế hệ. Lần đó cũng có cả Jennie tới dự hội nghị để thuyết trình về chương trình Galileo của NASA nên chúng tôi cũng mời bà đứng chung trong tấm hình.
Anh sinh viên người Nhật, Tetsuya là người trẻ nhất và thực sự là sinh viên tiến sĩ cuối cùng của tôi ở Đại học Michigan. Anh có vẻ hãnh diện về điều đặc biệt này vì tôi thấy hơn một lần anh tự giới thiệu mình như thế với mọi người. Lúc được gửi đi du học, anh là thiếu tá Không quân, và chỉ huy một tiểu đoàn phòng không dùng hoả tiễn Nike. Lúc anh tới trường là lúc nhóm cơ học không gian của chúng tôi vừa hoàn tất một đề án nghiên cứu chống hỏa tiễn liên lục địa, là một phần trong chương trình của Tổng Thống Ronald Reagan đưa ra mà người ta thường gọi là Stars War. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, nước Nhật trở nên yêu chuộng hoà bình, lực lượng quân sự chỉ cốt để phòng vệ. Như Không Quân Hoàng Gia khi xưa thì nay có tên chính thức là Japan Air Self-Defense Force. Bộ Chiến Tranh của Thiên Hoàng nay được gọi là Phòng Vệ Sảnh. Biết như vậy nên tôi chọn trong những vấn đề liên hệ đến phòng thủ mà nhóm chúng tôi trước đây chưa tìm được lời giải một cách thoả đáng để giao một đề tài cho anh nghiên cứu. Có được hướng đi, Tetsuya miệt mài lao mình vào công việc học hành. Chính phủ Nhật khi gửi sinh viên sang nước ngoài, họ rất hạn chế về thời gian. Sinh viên theo chương trình tiến sĩ mà chỉ được học bổng cho ba năm mà thôi, và khi kết quả đạt được thật xuất sắc ở bên nhà mới gia hạn thêm cho một năm nữa để kết thúc học trình. Cũng vì biết Tetsuya bị áp lực phải học gấp rút nên tôi đã dành nhiều thời giờ cho anh hơn là cho những người khác. Tôi không biết có phải là một cá tính chung cho người Nhật hay không mà tôi thấy Tetsuya hay dễ dàng nhận lỗi về mình và xin được tha thứ. Một lần anh hứa với tôi là sẽ viết xong một chương sách vào buổi cuối tuần và sẽ nộp bài cho tôi vào sáng thứ Hai. Đúng ngày hẹn anh tới phòng tôi, rồi sau khi đã cẩn thận đóng cửa phòng để không ai nhìn thấy, anh đến trước bàn giấy nước mắt tuôn trào và cúi đầu nhận lỗi và xin được tha thứ vì đã không có bài nộp. Tôi đã thật lúng túng và cảm thấy mình mới là người có lỗi vì đã đòi hỏi ở anh làm quá sức mình. Trước khi anh trình luận án, chúng tôi đã cùng viết chung được nhiều bài khảo cứu có giá trị đăng trên những nguyệt san quốc tế. Khi sang du học anh xin được đưa cả người vợ mới cưới sang để học thêm về âm nhạc. Nhưng năm sau anh chị sinh được cháu gái Maria nên dự định lấy văn bằng giáo dục về âm nhạc cũa Yumiko đành phải bỏ dở. Sau khi tốt nghiệp Tetsuya được thăng cấp bâïc Trung tá và đổi về Phòng Vệ Sảnh làm việc. Đầu năm 2001 anh viết thư xin để tên tôi là người giới thiệu trong bản lý lịch vì vừa nhận được lệnh của chính phủ đi New York City để được phỏng vấn làm việc cho Liên Hiệp Quốc trong Văn phòng điều tra khí giới tận diệt của I Rắc. Vì là một chuyên gia về hỏa tiễn nên anh qua cuộc phỏng vấn một cách dễ dàng và gia đình anh đã giữ lời hứa là sau khi nhận việc ở New York được nửa năm, lần đầu tiên được nghỉ du lịch gia đình đã tới thăm chúng tôi ở San Jose. Là người có địa vị và trọng trách, giờ mái tóc của Tetsuya đã hơi điểm bạc nhưng nét mặt của anh vẫn còn hồn nhiên tươi trẻ như thuở còn là sinh viên, anh đã bật khóc khi không giữ tròn lời hứa với người thầy học.
Từ hai năm nay tôi hoạt động nhiều với người đồng hương và đặc biệt là với giới trẻ và các hội cựu quân nhân. Cuối tháng 11 năm 2004 tôi được Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Úc Châu mời sang thăm viếng các cơ sở và tiếp súc với thế hệ trẻ ở bên đó. Trước khi đi tôi được một đài phát thanh có uy tín ở Sydney là đài Việt Nam Úc Châu liên lạc và đề nghị một cuộc phỏng vấn coi như là một buổi tâm đàm. Nói chuyện trực tiếp trên đài, hay qua điện thoại viễn liên như trong trường hợp này, và muốn cho cuộc đối thoại thành công, nghĩa là cho thính giả chăm chú theo dõi, thì người phỏng vấn phải có trình độ, phải nghiên cứu trước về đối tượng, và nhân vật này cũng phải biết ứng biện, vì câu hỏi không được viết ra trước và người phỏng vấn lại giữ phần chủ động. Tôi nhận lời vì người phóng viên là Phiến Đan, cô học trò rất có khả năng ở Úc châu của tôi và dù theo thỏa ước, câu hỏi không đặt trước, tôi cũng xin giới hạn ở những phần văn học và giáo dục. Như thế là vì trước đó tôi cũng đã được PĐ phỏng vấn hai lần về những hoạt động của Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại mà tôi là Chủ tịch Hội Đồng Đại Diện, và qua những lần trao đổi cô phóng viên ở phương xa đã nói là chỉ đáng tuổi là người học trò của tôi. Thật ra, vì đại dương muôn trùng xa cách, tôi chưa gặp PĐ, chỉ trao đổi qua điện thoại viễn liên, nhưng qua giọng nói lưu loát và ngọt ngào tôi cũng cảm ngay thấy cô là người có trình độ cao về học vấn. Tôi cũng đã giới thiệu để PĐ phỏng vấn những chiến hữu trong thành phần lãnh đạo cũa Tập Thể và trong những lần trao đổi họ nhắc đến PĐ như là cô học trò của tôi dưới trời Úc châu.
Cuộc phỏng vấn đã diễn ra một cách trôi chẩy. Cô nữ phóng viên có giọng nói ngọt ngào, mà những chiến hữu của tôi đã đồng ý ngầm cho là một học trò cũ của tôi, đã chỉ hỏi tôi về đời sống trong khung cảnh học đường, những đêm khuya trằn trọc suy nghĩ về một bài toán nan giải, những người cộng sự trong phòng thí nghiệm và những sinh viên trong nhóm thân tình. Buổi phỏng vấn, coi như là một buổi tâm đàm, đã kéo dài gần một giờ đồng hồ mà người hỏi đã khéo léo gợi chuyện để tôi thổ lộ nỗi niềm tâm sự, đôi khi kể về vài sinh viên đã để trong tôi những ấn tượng xâu đậm như tôi đã viết trên đây. Cô phóng viên cũng đã hỏi tôi về những kỷ niệm xa xưa, khi còn ở trong quân đội, vì thiếu giáo sư về môn toán học nên theo lời yêu cầu của Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Bộ Quốc Phòng đã cho phép tôi dậy mỗi tuần 4 giờ ở bâïc trung học. Qua làn sóng điện viễn liên, tôi đã gửi đến thính giả người Việt ở Úc châu, và đồng thời do đài chuyển tiếp về lại Hoa Kỳ, cho những người đồng hương ở nơi đây, tấm lòng thắm thiết của tôi đối với quê hương xưa, và dù trải qua bao năm gió mây lưu lạc nơi xứ người, tôi vẫn không quên được những lời nói tuy lễ phép nhưng ngọt ngào và êm dịu của những nữ sinh nơi quê nhà. Câu hỏi chót của PĐ đã làm tôi ngần ngại không muốn trả lời vì đã gợi trúng điều mà tôi vẫn để canh cánh bên lòng:
- PĐ xin được hỏi giáo sư một câu cuối cùng. Sau nhiều năm dạy học ở Hoa Kỳ và ở nhiều nước khác, có bao giờ giáo sư nghĩ đến một ngày kia đất nước thanh bình, quê hương của chúng ta không còn bóng cộng sản, giáo sư có thể về lại trường xưa, đứng trên bục gỗ để đem những điều hiểu biết của mình truyền lại cho giới trẻ Việt hay không?
Tôi không đuợc nghe lại những điều mình nói. Tôi chỉ biết là đã trả lời rất lâu, có thể đã mang tâm sự lòng mình ra kể. Hình như tôi đã nói đó là điều mình tha thiết, ấp ủ từ lâu trong lòng. Nhưng không biết bao giờ thì cảnh thanh bình thực sự đó mới trở lại với quê hương. Sau câu trả lời tôi ngưng máy, như muốn chờ đợi một dư âm lời nói cuả chính mình. Hồi lâu, ở đầu giây bên kia, có một lời nói rất nhỏ, như tiếng nói quen thuộc với tôi của một nữ sinh khi xưa ở quê nhà:
- Em cám ơn thày!
Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh