Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Nhân Vật Lịch Sử >> Đặng Huy Trứ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 364 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đặng Huy Trứ
nhiều tác giả

Nhà canh tân Đặng Huy Trứ

Nhà canh tân Đặng Huy Trứ (1825-1874)

Một buổi chiều bi thương ở "chiến khu" Đồn Vàng cách đây đúng 125 năm (7-8-1874), Đặng Huy Trứ đã ngã bệnh và chết như một người lính. Bóng cờ đen xao xác, từ phía thành Sơn Tây, vài khẩu "quá sơn pháo" nổ vu vơ như tiễn biệt ông "quan lái súng" đã kéo 239 khẩu về từ Trung Quốc cách đó 6 năm rưỡi. Di chúc để lại, ông muốn được chôn dưới chân đồn cùng với những nghĩa sĩ của Hoàng Kế Viêm - Lưu Vĩnh Phúc... Vọng về Từ Sơn (Bắc Ninh) ông dặn lại người con trai chạy loạn: "Từ rày trở đi con cháu không ai được ra làm quan".

Đó là cái kết cục bi thảm của nhà canh tân đất nước thế kỷ 19. Vua Tự Đức còn chưa để cho ông yên ngờ ông giả chết "tính lập mưu khác" mới hạ lệnh cho người mang quan tài ông bì bõm lội qua "nước Kim Bôi - Hạ Bì", vượt đường rừng biên giới vào Thanh Hóa, đi thuyền qua cửa Thuận An, ngược sông Bồ, sông Hương đến bến Thương Bạc... Tại đó sai người bật nắp quan tài ra xem ông đã chết thật chưa, rồi mới cho chôn ở núi Hạc Thú trông sang dải Trà Lĩnh quê nhà.

Đặng Huy Trứ hơn Nguyễn Lộ Trạch 28 tuổi, và là người cùng thời, cùng chí với Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện... Ông sống vào những năm tháng bi hùng của nước "Đại Nam" trong sự đối mặt với Trung Hoa và Pháp. Nhưng người ta thường nghĩ đến Đặng Huy Trứ như một ông quan to ham đi buôn. Ông mở Lạc Đức Điếm buôn củ nâu từ miền ngược xuống miền xuôi. Lại mở Lạc Sinh Điếm và Lạc Thanh Điếm mang hải sản và muối ngược lên miền núi. Sang công cán Hương Cảng, ông mang máy ảnh và vật liệu chụp ảnh về theo, nửa năm sau (14-3-1869) thì mở hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường, và chính tay ông chủ hiệu ảnh Đặng Huy Trứ hạ bút viết văn "quảng cáo" cho máy móc này của Tây Dương. Đó là bài văn độc nhất thế kỷ 19 trong di sản Hán Nôm ngày nay phục vụ cho kinh doanh.

Ông rất tâm đắc: "Làm ra của cải là một đạo lý lớn, không thể coi thường". 50 năm sau (1917) nhà tư sản lừng danh Bạch Thái Bưởi có lẽ rất thích triết lý này nên đã đặt tên cho chiếc tàu thủy chạy biển xuyên Việt đầu tiên của mình là Bình Chuẩn - một chức quan của Đặng Huy Trứ lúc sinh thời, để tưởng nhớ ông.

Trên đường hoạn lộ, ông cũng đóng góp nhiều thứ cho đời đáng được đời sau ca tụng. Năm 1858 làm tri huyện Quảng Xương, bị vua cắt một năm lương ăn, nhưng đã trộm phép nước lập ra các nghĩa trang để có chốn chôn cất, cúng tế cho nắm xương tàn của những cô hồn. Từ đó mới có lệ lập ra nghĩa trang ở các vùng.

Tất cả các hoạt động của Đặng Huy Trứ đều phục vụ cho một mục đích lớn: canh tân đất nước.

Ông sinh ngày 16-5-1825, tại làng Thanh Lương, Hương Xuân, Tiên Điền, Thừa Thiên-Huế, trong một gia đình nho học. Bố là cháu Thượng thư Bộ lễ, mẹ là một phụ nữ làng chài Tân Sa. Vì mẹ ông sa sẩy luôn, nên thân phụ ông phải cho đào một đường ngầm thông từ buồng sản phụ sang nhà hàng xóm để khi trở dạ, đứa bé được ông thầy cúng cầm đuốc soi đường đưa sang nhà hàng xóm ngay đêm đó, không cho cha mẹ nhìn thấy mặt. Ngọn đuốc đã thành tên chú bé (Trứ nghĩa là ngọn đuốc). Suốt 12 năm trời, cậu Trứ phải ở nhà dì không được phép trông cha mẹ hay lai vãng gần nhà kẻo "quỷ luân hồi" theo gót bắt cậu đi. Bà mụ lại đem cậu ra chùa Từ Hiếu, xin cho cậu quy y, lấy pháp danh là Hải Đức.

40 năm sau (1865) một viên quan nhà Nguyễn theo lệnh của Viện Cơ mật đi Trung Quốc - Hương Cảng để "thám phỏng Dương tình (xem xét tình hình phương Tây)". Đi đến chùa Phúc Lâm thì xin cạo đầu, nhờ lưỡi dao của Tam Bảo chứ không chịu để tết tóc đuôi sam theo kiểu nhà Thanh. Chuyến đi "do thám" ấy không mấy thành công. Đặng Huy Trứ chỉ mang về một cuốn sách kỹ thuật của người Tây Dương viết về máy hơi nước do chính ông biên dịch sang tiếng Hán. Nhưng lòng mong mỏi cách tân đang nhen nhóm trong lòng ông. Ông không sánh với Nguyễn Trường Tộ về hệ thống học vấn khoa học kỹ thuật Tây Dương, cũng không ham viết điều trần... Ông một mực tâu Vua xin đi buôn. ở cấp vĩ mô, ông xin lập ra Ty Bình Chuẩn, mà cho đến nay nhiều người vẫn nghĩ rằng Bình Chuẩn chỉ là mua bán gạo cứu đói. Thực chất, Bình Chuẩn đảm nhiệm cả khai mỏ, mở mang thủ công nghiệp, thương nghiệp, phát triển giao thông vận tải. Bình Chuẩn sử dụng sức mạnh của Nhà nước để điều chỉnh nền kinh tế. ở cấp nhỏ hơn, ông lập ra các Thương Điếm như một công ty cổ phần với phương châm "công - tư - lưỡng lợi". Cũng năm đó ông tâu vua dùng biện pháp khen thưởng để dân Tày, Thổ nộp khoáng sản khai thác được cho Nhà nước, hạn chế các con đường buôn bán biển lận sang nhà Thanh. Ông lại đi khai mỏ thiếc, đem thiếc đi bán cho Tây Dương thu được 8.000 lạng bạc nộp cho quốc khố.

Hai năm sau, ông lại được phái sang Trung Quốc, Aso Môn lần 2 như một "viên lái súng". Chuyến đi đầy bất trắc. Trong nước, Lưu Vĩnh Phúc vâng lệnh triều đình bắt đầu đi đánh dẹp thổ phỉ, nhưng Tự Đức phế bỏ ty Bình Chuẩn, cấm các phủ huyện không được mộ quân, đúc vũ khí. Vừa đến Quảng Châu, thì thấm lang chướng, đổ bệnh nằm bẹp trong nhà thương nước ngoài mất 9 tháng trời, không tiền tiêu, không bè bạn.... Ông chúi đầu viết phương lược cứu nước cảm cái khổ, cái nhục của kẻ tha hương để bàn về cái nhục, cái khổ của quốc gia.

Tổng kết kinh nghiệm canh tân của nhà Thanh - Cao Ly - Ba Tư - Nhật Bản để đề ra quyết sách tự cường. Chưa yên tâm, sợ chết sớm, ông viết nhanh cuốn Từ thụ yếu quy với 4 tập 900 trang để bàn về vấn đề chống tham nhũng. Chuyến đi bất trắc hóa ra thành công khi về ông mang theo 239 khẩu "quá sơn pháo"... Về nước, ông ở riệt miền bắc và mở hiệu ảnh, nhà in, cho xuất bản binh thư và minh thư, cùng Đại Nam quốc sử diễn ca. Đặng Huy Trứ trở nên bí ẩn trong con mắt của Phú Xuân. Vua nghi ngại ông "tìm một cách gì đó ngoài phạm vi của triều đình".

Đặng Huy Trứ vẫn tiếp tục con đường binh nghiệp. Năm 1871, ông theo Hoàng Kế Viêm đi đánh dẹp biên giới, giã từ nghiệp buôn đang phát đạt (cho chuyển hiệu ảnh về Gia Lâm). Hơn một năm sau, phố Thanh Hà - thương điếm lừng lẫy của ông cùng với thành Hà Nội bị thực dân Pháp chiếm đóng. Nghiệp buôn phá sản. Ông theo Hoàng Kế Viêm và các quan rút lên Đồn Vàng, ông mất ở đó trong sự ngờ vực của triều đình Huế. Bởi lúc đó phong trào kháng mệnh triều đình diễn ra mạnh mẽ, Trần Tấn, Đặng Như Mai là những người thân của ông đã nổi dậy khởi nghĩa...

Đặng Huy Trứ chết đi, con đường canh tân của ông bị bỏ dở. Cũng giống như cuộc đời của các nhà canh tân thế kỷ 19, ông cô đơn đi giữa một xã hội đầy biến động mà những người chóp bu lại không lường trước được những biến động đó. Lời của các nhà canh tân trở thành viển vông. Tự Đức phê ông: "Lập thân hơi thiên, nói thì cao, tài thì kém". Chẳng qua, Vua chưa nghe được lời nói rộng mà lại thiếu kiên trì trong việc làm, đâm ra những nỗ lực canh tân đều hỏng cả.

Chẳng riêng gì ông, Nguyễn Trường Tộ cũng bị phê là "Y quá tin ở những điều y đề nghị, tại sao y cứ thúc giục trẫm hoài...".

Cái tai của một xã hội phải mấy chục năm sau mới nghe thủng lời ông, đúng như Phan Bội Châu đánh giá: "Đặng Huy Trứ là một trong những người trồng mầm khai hóa đầu tiên ở Việt Nam".



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 283

Return to top