Nhà Thơ Vĩ Đại
William Sommerset MAUGHAM
Tôi không mấy quan tâm đến những người nổi tiếng và cũng chẳng có hứng thú gì đặc biệt lắm với việc được gặp họ. Khi người ta tạo cơ hội cho tôi gặp một người nào đó, được đặt cao hơn người khác nhờ tài năng hay địa vị, thì tôi thường khéo léo từ chối cái vinh dự ấy. Và tôi cũng đã hành động như vậy khi anh bạn Diego Torre của tôi định viết thư giới thiệu tôi với Santa Ana. Tuy nhiên, lần này tôi từ chối là có một lý do rất chân thành: tôi biết Santa Ana không chỉ là một nhà thơ vĩ đại mà còn là một nhân vật nổi tiếng lãng mạn; thực ra tôi cũng tò mò muốn biết xem con người với những cuộc tình đã đi vào truyền thuyết, ít nhất là ở Tây Ban Nha ấy bây giờ sống ra sao thế nhưng vì ông ấy đã rất già và ốm yếu nên tôi e rằng việc tiếp đón một người không quen biết, hơn nữa lại là người nước ngoài sẽ chỉ làm ông ấy mệt mà thôi.
Calisto de Santa Ana là người cuối cùng của trường phái lãng mạn, tuy đang sống giữa một thế giới thù địch với chủ nghĩa Byron (1) thì ông vẫn luôn sống với phong cách Byron và kể lại cuộc đời khó khăn của mình trong những bài thơ đã từng làm cho ông trở thành người độc nhất vô nhị trong giới văn sĩ thời đó. Tôi không phải là người có thể nhận xét đúng đắn về giá trị các bài thơ ấy vì tôi mới chỉ hai mươi ba tuổi khi tôi đọc chúng lần đầu tiên với đầy hứng thú. Sự cuồng nhiệt, chủ nghĩa anh hùng kiêu hãnh, sự mãnh liệt và sự đa dạng của chúng đã làm tôi say mê. Ngay cả đến ngày hôm nay, những câu thơ có âm sắc, những giai diệu không thể quên được ấy vẫn còn hoà quyện với những kỷ niệm ngọt ngào thời trai trẻ của tôi đến nỗi nếu đọc lại những bài thơ ấy bây giờ trái tim tôi sẽ vẫn cứ rung động như ngày xưa. Vậy nên tôi thường nghĩ rằng Calisto de Santa Ana hoàn toàn xứng đáng với tiếng tăm của ông tại tất cả những nước nói tiếng Tây Ban Nha. Thời đó, tất cả giới trẻ đều đọc thơ ông và các bạn tôi thì luôn miệng nói về ông với lối sống tự do, những bài diễn văn mãnh liệt, những lời nói hóm hỉnh sâu sắc, những câu chuyện tình. Đó là một người có tư tưởng nổi loạn, đến mức nhiều khi vượt quá giới hạn cho phép, một người táo bạo, liều lĩnh, và hơn hết đó là một người đa tình. Không ai là không biết đến tình yêu cuồng nhiệt của ông đối với một diễn viên này hay một ca sĩ nọ – chúng tôi đã thuộc lòng vì đọc đi đọc lại nhiều lần những lời thơ cháy bỏng về tình yêu, về sự dằn vặt hay giận giữ của ông – và chúng tôi cũng đã được biết rằng một công chúa Tây Ban Nha – nàng công chúa kiêu căng nhất trong những công chúa dòng Bourbons đã mềm lòng trước ông rồi phải bỏ vào tu viện khi bị ông ruồng bỏ. Trước đây, khi vua Tây Ban Nha bỏ một người tình thì người ấy phải đi tu vì một người đã từng là thiếp của vua thì không thể yêu người khác được. Vậy thì Calisto de Santa Ana chẳng phải là một vị vua lớn thời nay sao? Chúng tôi đã rất khâm phục hành động lãng mạn ấy, người đàn bà ấy và nhà thơ của chúng tôi.
Tất cả những chuyện đó thuộc về một quá khứ đã xa và từ một phần tư thế kỷ nay Don Calisto, sống ẩn tại quê nhà, thành phố Ecija và chẳng thèm màng tới thế giới bên ngoài vì nó chẳng còn có gì cho ông nữa. Tình cờ khi ở Sevilla tôi có nói là sẽ đến Ecija chơi, không phải vì Don Calisto mà vì những kỷ niệm của tôi ở thị trấn nhỏ vùng Andalucia ấy và lúc đó ông bạn Diego Torre của tôi đã tỏ ý sẵn sàng viết thư giới thiệu tôi đến gặp Don Calisto. Thỉnh thoảng ông ấy vẫn tiếp những cây viết trẻ và trong khi nói chuyện với họ ông tìm lại được sự cuồng nhiệt đã từng làm say mê những cử toạ của ông trong thời kỳ vàng son.
- Bây giờ ông ấy thế nào? - Tôi hỏi
- Rất tuyệt.
- Ông có ảnh của ông ấy không?
- Rất tiếc là không. Từ sau khi tròn 35 tuổi ông ấy không bao giờ cho phép ai chụp ảnh ông ấy cả. Ông ấy nói rằng muốn thế hệ sau biết về ông chỉ qua những hình ảnh thời trai trẻ.
Phải thừa nhận rằng tôi đã thấy sự kiêu kỳ này thật là cảm động. Tôi biết rằng thời trẻ ông rất đẹp và bài thơ mà ông đã viết khi nhận thấy rằng tuổi trẻ của mình đã vĩnh viễn trôi qua cho thấy ông đã phải đau đớn đến mức nào khi thấy sức chinh phục của mình đang dần tàn héo đi.
Nhưng tôi đã từ chối thịnh tình của ông bạn, tôi chỉ cần đọc lại những bài thơ yêu thích và đi dạo trên những đường phố yên tĩnh và đầy nắng của Ecija. Bởi vậy tôi đã rất bất bình khi nhận được một tờ thiệp của con người vĩ đại ấy: Diego Torre đã viết cho ông ấy báo rằng tôi đến Ecija và ông ấy viết sẽ rất vui lòng tiếp tôi sáng hôm sau vào lúc mười một giờ. Trong hoàn cảnh ấy tôi chẳng có lựa chọn nào khác ngoài việc đến nhà Don Calisto vào giờ đã định.
Khách sạn tôi ở trông ra quảng trường La Plaza - rất náo nhiệt vào buổi sáng mùa xuân này, nhưng sau khi rời khỏi đó rồi thì tôi lại có cảm giác như đang đi qua một thành phố bỏ không. Không một bóng người trên những con phố khúc khuỷu trắng toát, hay nói đúng hơn tôi chỉ nhìn thấy một người phụ nữ, mặc đồ đen, đang chậm rãi trở về nhà sau buổi lễ. Ở Ecija có rất nhiều nhà thờ, cứ bước vài bước là người ta lại có thể nhìn thấy một nhà thờ nhỏ cũ hay một đỉnh tháp chuông đầy tổ cò ở trong. Thế nhưng ngày xưa Ecija đã từng là một thành phố quan trọng. Rất nhiều nhà ở đây có cổng lớn với cột đá. Thời ấy những người giàu có lên nhờ buôn bán với Châu Mỹ – Thế Giới Mới – tìm về nơi yên tĩnh này để nghỉ ngơi trong những năm tháng cuối đời. Don Calisto ở một trong số những ngôi nhà ấy. Ngay từ lúc đứng ngoài cổng đợi người ra mở tôi đã thấy nó rất đẹp. Vẻ hoành tráng và cổ kính của cánh cổng lớn rất phù hợp với những gì tôi tưởng tượng về nhà thơ dữ dội này. Tôi nghe tiếng chuông vọng khắp trong nhà mà chẳng có ai ra mở cửa, tôi phải nhấn chuông lại lần nữa, rồi lại một lần nữa và cuối cùng thì cũng có một bà già có ria mép ra hỏi:
- Ông đến có việc gì?
Bà ta có đôi mắt đen rất đẹp nhưng u ám, có lẽ là người quản gia. Tôi đưa cho bà danh thiếp của mình. Bà mở cổng sắt mời tôi vào, nói tôi đợi rồi đi lên tầng trên. Đang đi ngoài phố vào, sự mát mẻ của sân trong (2) rất dễ chịu. Sân rất rộng và khung cảnh xung quanh hoành tráng, chắc hẳn người đã cho xây dựng nó là một trong những người đã đi chinh phục Châu Mỹ, nhưng tường thì đã khá bẩn, lát nền đã bị hỏng nhiều chỗ, đôi chỗ trên trần lớp trát đã bị bục. Nhìn chung có vẻ là nghèo túng hơn là thiếu sự chăm sóc. Tôi biết rằng Don Calisto không giầu có. Có một thời ông kiếm tiền không khó khăn gì nhưng ông không coi trọng đồng tiền lắm và luôn chi tiêu không tính toán. Chắc rằng giờ đây ông sống trong thiếu thốn nhưng có lẽ cũng chẳng để ý đến điều đó. Giữa sân có hai ghế bành lưng ngả bên cạnh một chiếc bàn, trên đó có một vài tờ báo cũ từ 15 ngày trước. Tôi tò mò tự hỏi Don Calisto mơ tưởng tới điều gì khi ông ngồi đây hút thuốc trong những đêm hè nóng bỏng. Giữa các cột trên tường, có một vài bức tranh Tây Ban Nha tối màu và xa xa là một vài tấm khắc gỗ đã cũ và bụi bặm được treo lên làm trang trí. Cạnh một cánh cửa có treo một đôi súng ngắn, tôi lấy làm thích thú khi nghĩ là chúng đã được sử dụng trong cuộc đấu súng nổi tiếng nhất trong các cuộc đấu súng của Don Calisto: ông đã đấu súng và chiến thắng công tước Dos Hermanos vì tình yêu đối với cô diễn viên múa Pepa Montanez có lẽ giờ đây đã trở thành một bà già móm mém mặt bự phấn.
Trong khung cảnh ấy, cộng với những kỷ niệm đang ùa về trong tôi hợp với nhà thơ lãng mạn này đến nỗi cái hồn của khung cảnh đã chinh phục tôi. Sự túng bấn thanh cao này cũng tôn vinh ông chẳng kém gì vinh quang thời trai trẻ của ông. Thời ấy ông cũng tràn đầy ý chí chinh phục và hoàn toàn là hợp lẽ khi ông sống những năm cuối của cuộc đời vinh quang tại ngôi nhà cổ đẹp tuyệt vời này. Một nhà thơ phải sống và chết như thế mới phải. Thay vào cảm giác miễn cưỡng ban đầu trước cuộc gặp mặt này, giờ đây tôi lại cảm thấy một chút hồi hộp. Tôi châm một điếu thuốc và tự hỏi sao lâu thế rồi mà Don Calisto vẫn chưa xuất hiện mặc dù tôi đã đến đúng giờ hẹn. Sự yên lặng làm cho tôi cảm thấy bối rối đến kỳ lạ. Những bóng ma quá khứ như đang chen chúc về trong khoảng sân tĩnh lặng này và dựng lên trước mắt tôi cảnh sống của người xưa. Những người thời đó có một trái tim cuồng nhiệt và không theo khuôn phép nào cả. Phong cách đó đã cùng họ biến mất khỏi thế giới mà chúng ta đang sống. Thời nay chúng ta không thể có được những chiến tích cũng như sự khoa trương của họ.
Một tiếng động bất thình lình làm tim tôi rộn lên. Giờ đây tôi cảm thấy xúc động mãnh mẽ và khi nhìn thấy chủ nhân chậm rãi đi xuống từng bậc thang, tôi nín thở hồi hộp. Ông cầm tấm danh thiếp của tôi trên tay. Đó là một ông già cao lớn, gầy gò có nước da màu ngà, với mái tóc trắng dầy, hai hàng lông mày rậm màu nâu làm rực lên ánh nhìn của đôi mắt to dữ dội. Ở tuổi ông, ánh mắt còn sáng như vậy thật là hiếm. Ông có cái mũi khoằm, khuôn mặt cương quyết, cái nhìn nghiêm nghị hướng thẳng vào tôi lạnh lùng khi ông bước đến làm tôi lúng túng. Ông mặc một bộ đồ đen, một tay cầm một chiếc mũ rộng vành. Dáng vẻ ông rất đàng hoàng và đầy tự tin. Những điều đó hoàn toàn thoả mãn sự mong đợi của tôi, ngay từ dáng vẻ bề ngoài ấy đã toát lên sức mạnh trí tuệ và khả năng thuyết phục của một nhà thơ vĩ đại.
Xuống đến sân, ông chậm rãi tiến lại gần tôi. Đôi mắt của ông quả là đôi mắt của một bậc kỳ tài. Tôi đang sống trong một khoảnh khắc kỳ diệu : trước mắt tôi là người thừa kế cuối cùng của những nhà thơ lớn Tây Ban Nha, của Herrera kiêu kỳ, của Luis de Leon buồn đến nao lòng, của Saint Jean de la Croix huyền thoại và của Gongora bí ẩn và kiểu cách. Ông ấy là người cuối cùng của thế hệ ấy và là người thừa kế xứng đáng. Chính tôi cũng không hiểu được tại sao nhưng trong tim tôi rộn lên bài ca tình yêu nổi tiếng nhất trong những bài thơ tình của Don Calisto.
Tôi cảm thấy rất lúng túng, nhưng cũng may là tôi đã chuẩn bị sẵn câu chào :
- Thưa Ngài, thật là một ân huệ đối với một người ngoại quốc như tôi được tiếp kiến một nhà thơ vĩ đại như ngài.
Một tia tinh quái loé lên trong đôi mắt sắc sảo và một nụ cười mỉm làm gương mặt của ông bớt đi vẻ nghiêm nghị:
- Thưa ngài, tôi không phải là nhà thơ, tôi làm nghề bán da lợn. Ông đã nhầm rồi, nhà Don Calisto ở bên cạnh.
Tôi đã nhầm nhà!
(1) Byron là là nhà thơ tiêu biểu trong trường phái thơ lãng mạn của Tây Ban Nha.
(2) Trong các ngôi nhà lớn kiểu Tây Ban Nha thường có một sân trong lộ thiên, (patio) bao quanh bởi các vòm cuốn và hiên có mái.
prusten dịch