Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Nhân Vật Lịch Sử >> Lá cờ thêu sáu chữ vàng

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 4300 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Lá cờ thêu sáu chữ vàng
Nguyễn Huy Tưởng

Chương VII - IX

 VII

Mấy hôm sau, trước dinh cũ của đại vương, cha Trần Quốc Toản, một lá cờ được dựng lên. Lá cờ đỏ đề sáu chữ vàng rực rỡ: PHÁ CƯỜNG ĐỊCH BÁO HOÀNG ÂN.
Khắp nơi xa gần, người ta kháo nhau về lá cờ. Người ta khâm phục Hoài Văn tuổi nhỏ mà có chí lớn. Một ông lão dắt hai chàng trai trẻ đến trước dinh, vái Hoài Văn rồi chỉ vào hai người con trai và nói:
- Một thằng là con út, một đứa là cháu nội lão, chúng nó đều trạc tuổi vương tử. Hai đứa đều mộ tiếng Hoài Văn Hầu, muốn cầm roi theo gót ngựa. Lão đã được về kinh, lão đã quyết một lòng đánh giặc. Chỉ vì sức yếu mà không đi được, nhưng đã có con cháu đi thay. Mong Hoài Văn Hầu thu nhận. Lão xin chúc vương tử phen này ra quân, ngựa bước tới đâu thành công đến đấy.
Từ đấy, có nhiều người đến dưới cờ xin đi theo Quốc Toản, phần lớn đều cùng một lứa tuổi với chàng. Trần Quốc Toản cùng những người bạn mới say mê luyện tập võ nghệ và học cách bài binh bố trận. Chẳng bao lâu Hoài Văn đã nhảy qua được cái hố dài hai trượng, lòng hố tua tủa những bàn chông. Một hôm, chàng chỉ một đàn sáo bay trên trời và nói với mọi người:
- Ta bắn rơi con thứ ba nhé!
Và chàng giương cung bắn, và con sáo thứ ba rơi xuống.
Nhưng số người đi theo Hoài Văn tính ra chỉ vẻn vẹn được có sáu trăm. Thấy Hoài Văn lo ngại, người tướng già nói:
- Quân quý giỏi, không quý nhiều. Ta chỉ có sáu trăm quân, nhưng anh em đều có chí vẫy vùng, ra đi không bận thê noa. Họ tập luyện nhanh nhẹn, bảo một biết hai. Ai nấy đều mong chóng đến ngày đền ơn vua nợ nước. Chỉ xin vương tử coi họ như anh em, không phân biệt sang hèn, họ sẽ coi vương tử như ruột thịt. Trên dưới một lòng thì đánh đâu thắng đó.
Hoài Văn khen phải. Người tướng già sắp xếp sáu trăm người vào cơ nào đội ấy, tề chỉnh như quân của đại vương xưa.
Quốc Toản đi khắp các cơ, các đội, ăn với họ một mâm, nằm với họ một chiếu, ngày thì cùng nhau tập luyện, đêm thì cùng học binh thư. Họ sống với nhau như anh em một nhà, tình nghĩa mỗi ngày một thắm thiết. Phu nhân xuất tiền may quần áo, sắm khí giới cho đoàn quân trẻ tuổi. Dân gian khắp vùng Võ Ninh mộ tiếng đoàn quân, người cúng ngựa tốt, người biếu trâu bò, người mang tiền, gánh gạo đến khao quân. Người ta đua nhau đánh thêm dao, thêm kiếm cho Hoài Văn. Các bễ lò rèn không nghỉ. Tiếng búa tiếng đe rầm rập đêm ngày.

VIII

Một năm đã qua.
Thế rồi một hôm, Hoài Văn đang luyện tập với sáu trăm gã hào kiệt, thì có tin đồn thái tử nhà Nguyên là Trần Nam Vương Thoát Hoan, thống lĩnh năm mươi vạn binh mã, đã phạm vào cửa ải. Quan quân đã giao chiến với giặc.
Sáu trăm người hoa chân múa tay, xin Hoài Văn gấp gấp lên đường.
Một buổi sáng tháng chạp rét như cắt. Mây xám phủ đầy trời. Gió rít lên từng trận. Giữa bãi tập, lá cờ đỏ thêu sáu chữ vàng tung bay ngạo nghễ, xua tan không khí ảm đạm. Trên đàn đất đắp cao bày một hương án. Trên hương án, trầm hương toả khói thơm. Hai bên đàn, sáu trăm gã hào kiệt đứng nghiêm chỉnh, chống những cây giáo thẳng, đều tăm tắp, mũi nhọn sáng ngời. Mọi người đều nín thở. Trong im lặng, chiêng trống bỗng rung lên.
Khăn áo chỉnh tề, Hoài Văn bước lên đàn cao, quỳ trước hương án. Người tướng già thắp thêm hương, đốt thêm trầm. Hoài Văn lầm rầm khấn trời đất phù hộ nước Nam, và dõng dạc đọc lời thề, phỏng theo những lời thề mà chàng đã nghe quan gia đọc ở đền Đồng Cổ tại kinh thành:
- Chúng tôi, sáu trăm nghĩa sĩ, tình như ruột thịt, nghĩa tựa keo sơn, thề đồng tử đồng sinh, đuổi giặc cứu dân. Ai bất nghĩa, bất trung, xin trời tru đất diệt!
Sáu trăm hào kiệt đọc lời thề:
- Ai bất nghĩa, bất trung, xin trời tru đất diệt!
Và họ uống máu ăn thề. Họ nhìn lá cờ đỏ thêu sáu chữ vàng, lòng họ bừng bừng, tay họ như có thể xoay trời chuyển đất. Đêm hôm ấy, đã khuya lắm, người ta vẫn còn nghe thấy những tiếng mài gươm.
Sáng hôm sau, Hoài Văn Hầu dậy sớm, lên nhà trên từ biệt mẹ già:
- Con đi phen này đã thề sống chết với giặc. Bao giờ đất nước thanh bình, bốn phương bể lặng trời im, con mới trở về. Xin mẹ ở nhà giữ ngọc gìn vàng để cho con được yên lòng xông pha trận mạc.
Hoài Văn lạy mẹ. Phu nhân quyến luyến không muốn chia tay, nhưng phu nhân không sa nước mắt. Phu nhân nói:
- Con đi vì nước, nên mẹ chẳng giữ. Mẹ chỉ có một mình con đây. Mẹ mong con chóng ca khúc khải hoàn, mẹ con ta lại được sớm cùng nhau sum họp.
Đây là lần thứ hai trong đời, Hoài Văn xa mẹ. Lần trước về kinh thành, chỉ là một chuyến đi chơi. Lần này mới thật là đi xa, không biết bao giờ trở lại. Lòng Hoài Văn bỗng thấy nao nao thương mẹ.
Nhưng chiêng trống bên ngoài đã nổi rộn ràng. Hoài Văn lạy mẹ một lần nữa, vén mành bước ra sân khi ấy còn tối mờ mờ.
Hoài Văn Hầu mặc áo bào đỏ, vai mang cung tên, lưng đeo thanh gươm gia truyền, ngồi trên một con ngựa trắng phau. Chàng giữ vẻ uy nghi của một vị chỉ huy. Theo sau Hoài Văn là người tướng già, mặt sạm đen vì sương gió, chòm râu dài trắng như cước. Tiếp sau là sáu trăm gã hào kiệt, nón nhọn giáo dài. Đoàn quân hùng hổ ra đi trên con đường cái nhỏ, hai bên là đồng không mông quạnh. Tiếng chiêng tiếng trống rập rình.
Đoàn quân đã đi xa. Bà con ra tiễn vẫn còn trông thấy lá cờ đỏ đề sáu chữ vàng mở đường đi trước. Lá cờ căng lên vì ngược gió.

IX

Lá cờ thêu sáu chữ vàng mỗi lúc một căng lên vì ngược gió.
Sáu trăm gã hào kiệt đi tìm quan quân.
Nhưng quan quân ở đâu? Họ không biết nữa.
Hoài Văn nói:
- Bây giờ dù có tìm được quan quân, quan quân lại đuổi về thôi. Chẳng bằng ta đi tìm giặc, đánh vài trận cho người lớn biết tay anh em ta đã.
Sáu trăm gã thưa:
- Vương tử nói phải. Ta đi tìm giặc mà đánh.
Và họ tiến theo hướng bắc. Và lá cờ đỏ căng lên vì ngược gió. Những cánh đồng Võ Ninh đã hết. Họ tiến vào vùng đồi đất. Chẳng mấy chốc, đồi đất cũng lùi xa. Họ lọt vào giữa rừng núi. Rừng mỗi lúc một rậm, núi mỗi lúc một cao, suối mỗi lúc một nhiều, dân mỗi lúc một thưa. Họ cảm thấy càng đi lên càng gần mặt trận. Lòng họ vui như tết. Nhưng đi đã mấy ngày đêm liền, họ vẫn chẳng thấy tăm hơi giặc. Mắt chỉ thấy núi rừng âm u. Tai chỉ nghe tiếng hoẵng kêu, vượn hú.
Một buổi chiều, sau một ngày lội suối trèo đèo vất vả, sáu trăm gã hào kiệt đổ vào một cánh đồng rộng, núi vây bốn phía. Lưng chừng núi, lác đác mấy xóm thổ dân.
Hoài Văn cho mọi người nghỉ dưới chân một ngọn núi cao và chuẩn bị cơm nước. Bỗng nổi lên những tiếng trống dồn dập. Từ trên lưng chừng núi, nỏ bắn xuống như mưa. Đoàn quân giật mình ngơ ngác, nấp vào trong các bụi, các hốc. Hoài Văn thét:
- Đội ngũ hãy chỉnh tề, theo ta giết giặc lập công.
Hoài Văn ngồi trên mình ngựa, dưới lá cờ sáu chữ. Chàng hỏi người tướng già cưỡi ngựa đứng bên:
- Quan quân ở đâu để giặc đến đây rồi?
Nhưng người tướng già có vẻ trầm ngâm suy nghĩ. Hoài Văn nhìn lên núi, thấy lấp ló trong rừng rậm những bóng người áo xanh, nón rộng, lưng đeo đao lớn. Chúng thét lên những tiếng hãi hùng. Chúng nhấp nhổm như sắp đánh xuống. Hoài Văn ra lệnh:
- Chờ cho quân giặc xuống gần, hãy nhất tề xông lên mà đánh.
Nỏ vẫn bắn xuống rào rào. Trên núi, bỗng có một người đứng thẳng lên, dáng cao lớn hơn những người khác. Áng chừng đấy là thủ lĩnh của chúng nó. Nó kêu mấy tiếng rùng rợn, và quân áo xanh leo xuống, nhẹ như bay. Hoài Văn giương cung lắp tên định bắn tên thủ lĩnh.
Người tướng già giữ lại và nói:
- Khoan đã. Chưa chắc đã phải là giặc.
- Không phải giặc sao lại bắn ta?
- Họ biết ta là ai mà chả bắn? Tôi theo đại vương đi chinh chiến khắp đông tây nam bắc, đã nhiều phen ở lẫn với những người Thổ, Mán. Tôi đã nhìn kĩ những người trên ngọn núi này. Đấy là những người Mán, không phải là giặc đâu. Vương tử cho dựng cao lá cờ lên để họ nhìn cho rõ. Tôi xin lên thương thuyết với họ.
Hoài Văn ngăn lại:
- Ông làm sao thì ta trông cậy vào ai?
Người tướng già cười:
- Người mình với nhau, có gì mà đáng lo!
Người tướng già xuống ngựa, đi bộ lên núi, tay thì giơ mộc đỡ những mũi tên nỏ bắn tới tấp chung quanh, miệng thì không ngớt gọi to bằng tiếng Mán. Hoài Văn truyền dựng lá cờ cho thật cao, và bảo mọi người chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với mọi sự bất trắc. Sáu trăm gã hồi hộp nhìn lên núi. Người tướng già vẫn vừa leo vừa gọi. Người tướng già đã tới trước mặt viên thủ lĩnh. Họ đã nói chuyện với nhau. Theo ngón tay chỉ của người tướng già, người cao lớn nhìn xuống chân núi, đầu gật gật làm cho cái nón rộng vành hất lên hất xuống. Hoài Văn luồn cung vào vai và nói:
- Không phải giặc rồi, chút nữa thì lầm to!
Người tướng già đi trước, viên thủ lĩnh theo sau, cả hai xuống núi. Tới trước ngựa Hoài Văn, viên thủ lĩnh nói một tràng tiếng Mán. Người tướng già nói:
- Ông ta mời vương tử lên núi đấy.
Viên thủ lĩnh là một người đã ngoài bốn mươi, to lớn vạm vỡ, mắt sắc, râu thưa, nước da cháy đen, mặt cứng như đá. Mình mặc áo chàm, chân đi giày cỏ. Cử chỉ thì vụng về chậm chạp. Người tráng sĩ Mán tự xưng là Nguyễn Thế Lộc, chủ trại Ma Lục, thuộc đạo Lạng Giang.
Hoài Văn cho quân nghỉ ngơi ăn uống, rồi theo Thế Lộc lên núi. Trời vừa sập tối. Sương toả mịt mù. Trại của người tráng sĩ là một động đá rộng, khí lạnh thấu xương. Mấy ngọn đuốc bằng nhựa trám hắt một thứ ánh sáng lờ mờ, làm cho không khí của động càng huyền ảo. Lố nhố những người ngồi, người đứng, thảy đều mặc áo chàm, đi giày cỏ. Người nào cũng lực lưỡng gân guốc, im lìm như đá cả. Họ nhìn những người khách mới đến, chẳng chào hỏi một câu. Trên các vách đá, treo cung tên và những con dao to bản, sáng quắc. Lẫn trong đám những người áo chàm, có bốn năm người có vẻ lanh lợi, sắc sảo. Xem cách ăn mặc của họ, Hoài Văn đoán đấy là lính của triều đình. Trông thấy Hoài Văn, họ có vẻ nửa mừng nửa sợ. Hoài Văn hỏi:
- Những người này là thế nào?
Họ tái mặt. Một người thưa:
- Bẩm, Ngài có phải vâng lệnh Quốc công Tiết chế lên đây cứu viện không?
- Giặc ở đâu mà phải cứu viện? Các người thuộc đạo quân nào mà lại ở đây?
Họ run bắn người lên không nói. Những người Mán vẫn chẳng nói chẳng rằng. Người tướng già rỉ tai Hoài Văn:
- Chủ trại cho biết thế giặc to lắm, đi đến đâu quan quân vỡ đến đó. Chung quanh đây, giặc đã đóng cả rồi. Ta đã lọt vào giữa vòng vây của giặc. Những người lính này lạc đường chạy vào trong này, tạm nương nhờ người Mán, rồi sẽ tìm đường về gặp quan quân.
Quốc Toản nổi nóng quát to:
- Giặc mới đến đã chạy. Để các người làm gì? Sống cũng chỉ ăn hại thiên hạ mà thôi!
Chàng tuốt gươm toan chém mấy người lính. Người tướng già giữ tay Hoài Văn, nói:
- Xin vương tử hãy bớt nóng. Hãy nghe chủ trại kể chuyện đầu đuôi sự tình đã.
Mặt Hoài Văn vẫn hầm hầm. Thế Lộc mời Hoài Văn ngồi lên phiến đá cao, còn mình thì ngồi trên một hòn đá thấp. Gió ở bên ngoài gào rít, rung động cả núi rừng. Những ngọn đuốc trong động khi mờ khi tỏ, bốc khói ngùn ngụt. Thế Lộc bập bẹ nói tiếng Kinh, giọng nói cộc lốc, không kiêng dè, mạnh như dao chém thớt. Theo lời Thế Lộc thì tình thế rất rối ren. Quân Nguyên đã vượt cửa ải, kéo đến Lộc Châu. Quan quân chặn giặc ở núi Kheo Cấp, nhưng giặc lại tiến đánh úp ải Khả Ly. Quan quân chống cự không nổi, đã phải rút về. Đại quân của Thoát Hoan đóng khắp Lạng Giang. Thế Lộc nói:
- Nó thả quân đi cướp trâu, cướp ngựa. Cỏ nó cũng cướp.
Hoài Văn hỏi:
- Nó đến thì Thế Lộc định thế nào?
Đôi mắt xếch của Thế Lộc mở rộng, dữ dội một cách khác thường. Không nói gì, Thế Lộc vớ một con dao to bản chém mạnh vào một hòn đá, làm cho lửa toé lên. Thế Lộc nhìn hòn đá vỡ, dằn tiếng:
- Nó vào thì tao chém nó thế này lố!
Hoài Văn cười khanh khách, tay vỗ mạnh lên tấm vai u của Thế Lộc:
- Thế Lộc ở nơi sơn dã mà có lòng trung nghĩa, thật là phúc cho nước nhà. Ta đang đi tìm giặc để mổ ruột moi gan nó, may sao được gặp tráng sĩ của xứ lâm tuyền. Ông biết giặc ở đâu, ta cùng đi đánh giặc.
Từ lúc gặp Quốc Toản, Thế Lộc không hề cười. Hình như người Mán ấy không cười bao giờ. Thấy Hoài Văn cười lớn, Thế Lộc chỉ ngồi lim dim mắt, thỉnh thoảng khẽ vuốt chòm râu thưa. Đến đây, Thế Lộc gật đầu, nói:
- Có thêm mày lên đây, tao thích lắm. Mày đi đường có mệt không? Tao cho ăn cơm rồi đi ngủ. Ngày mai, tao dẫn mày đi tìm giặc đánh.
Thế Lộc bảo người nhà dọn cơm rượu khoản đãi Hoài Văn. Ngồi tiếp rượu người khách trẻ tuổi, Thế Lộc nói:
- Tao trông thấy sáu chữ của mày, tao chưa đánh đấy. Chứ mày là giặc thì không thoát được tao đâu. Tao chưa bắn tên thuốc độc, tao chưa ra lệnh bật bẫy đá. Trên sườn núi, chỗ nào tao cũng có bẫy đá.
Hoài Văn nghĩ một người ở nơi thâm sơn cùng cốc này còn biết lo việc đánh giặc, cớ sao quan quân lại bỏ chạy? Chẳng đáng thẹn lắm ru? Hoài Văn uống cạn một bát rượu Mán. Người nóng bừng bừng. Đêm hôm ấy, nằm trong hang đá lạnh, không màn, không chiếu, Hoài Văn ngủ không yên giấc.

<< Chương IV - VI | Chương X - XII >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 337

Return to top