Xóm Đạo
Nguyễn Cường Andy
Thằng Sơn khệ nệ bưng thùng ngòi pháo dài thậm thượt vào sân trong. Nó cẩn thận đặt chiếc thùng gỗ xuống nền xi măng, xếp lại mấy bó ngòi cho thẳng tắp để chốc nữa, bốn tay thợ nhà nghề bên xứ Trung-Bắc sẽ sang cắt những cuộn ngòi thành những sợi ngắn bằng que tăm cho bọn thợ đàn bà kết thành bánh pháo. Nó gọi to để ông Quý bố nó trong nhà nghe thấy :
- Ðám ngòi hãy còn ẩm mà giời sắp mưa rồi bố ơi !
Bố nó, một người đàn ông mình trần, hai bàn tay đỏ phẩm, tóc dính nhũ bạc phếch, miệng ăn trầu bỏm bẻm từ trong nhà bước ra, rút chiếc quạt nan dắt đầu hồi, đến ngồi xuống chiếc ghế đẩu để dưới gốc cây tu-ma quạt phành phạch, nhả bã trầu cầm tay rồi trả lời :
- Hơi ẩm thế là được. Khô quá đem cắt chỉ tổ dễ xì.
Rồi quay vào trong nhà, ông cao giọng sai vợ :
- Bu nó ơi ! Ra ngoài ngã tư chợ ghé vào hàng ông Tiến-Thịnh mua cho tao cái đùi thịt chó luộc, một nồi dựa mận với lại ít bánh đa nướng. Bảo nó cho đẫy lá mơ với rau răm vào. Ðám thằng Lăng xứ Trung-Bắc chiều nay sang hộ mình cắt ngòi đấy !
Có tiếng mẹ thằng Sơn “vâng ạ” vang lên một cách mau mắn và ngoan ngoãn, rồi có dáng một người đàn bà cắp rổ đội nón thăn thoắt đi ra đầu ngõ.
Khu Hà Châu nổi tiếng khắp vùng Sài-Gòn Gia-Ðịnh trong nghề làm pháo. Làng Hà Châu ngoài Bắc di cư cả vào trong này, lập lại nghiệp cũ trong khu xóm vùng ngoại ô thành phố miền Nam cùng với hơn chục ngàn dân định cư trên vùng đất mới. Nghề làm pháo đòi hỏi nhiều kinh nghiệm gia truyền và sự khéo léo trong việc pha chế, pháo mới nổ dòn, nổ tan xác. Ðó là chưa kể những nguy hiểm rủi ro như xì cháy ngòi, nổ khuôn. Thuốc pháo dễ phát cháy gấp nhiều lần thuốc súng. Chỉ cần một đụng chạm nhẹ là có thể “bắt” ngaỵ Do đó, vào khuôn là một thao tác quan trọng nhất. Trong khu Hà Châu, công việc này chỉ được giao cho ông Quý bố thằng Sơn. Ông là người từ tốn, khéo tay, đã làm công việc hiểm nghèo này từ mười mấy năm nay không việc gì sất. Nhưng mỗi lần vào khuôn, ông Quý vẫn cẩn thận ra ngoài đền thánh lần ba chuỗi tràng hạt, sấp mình ăn năn tội và bỏ tiền gấp đôi hơn thường lệ vào thùng quyên góp ở đầu nhà thờ. Ông thường bảo :
- Mình đã mang phải cái nghiệp dĩ sinh nghề, dâng thêm dăm chục tiền nến hoa cho chắc bụng !
Và ông cảm thấy vững tâm hơn. Cả vùng này, không phải chỉ mình ông biết vào khuôn. Những xứ đạo khác như Tử Ðình, Thái Bình hay Lạng Sơn cũng có nhiều người cả gan dám đảm nhận cái công đoạn thập tử nhất sinh này, và cũng đã vài người tử nghiệp. Biết trước thế nào được, Chúa gọi ai người ấy dạ, ông hay bảo thế. Nhưng ông chỉ biết mỗi nghề làm pháo. Bỏ nghề này ra, hai vợ chồng ông chỉ còn có nước trở lại nghề làm rượu lậu. Rượu đã bị cấm sản xuất từ thời ông Diệm mới lên cầm quyền được ít năm, nhưng vài nơi ở Xóm-Mới vẫn còn lén lút nấu trộm. Ông Quý không thích nấu rượu. Rượu chè là thứ làm hư đốn con người đi, ông nghĩ thế. Cực kỳ ngoan đạo, làm ông trùm của xứ Hoàng-Mai, ông không thể chỉ vì sinh kế hay muốn làm giầu mà lại góp phần vào việc làm hư con người ta được. Vì ngoài vấn đề nan giải là mai sau lên thiên đàng “liệu giả nhời với các thánh ra làm sao”, ông còn muốn để phúc đức cho con cái, nhất là cho đứa con gái đầu lòng, để nó mai sau còn kiếm được người chồng tử tế. Ở khu này, chẳng hiểu đất đai có dớp quỉ quái gì, mà từ ngày vào Nam lũ con gái ở đây dù đẹp đẽ ngoan ngoãn nết na thế nào, hễ đến tuổi lấy chồng là không chóng thì muộn, cũng sinh ra muôn vàn giống tội. Những tai bay vạ gió ở đâu không biết, cứ tấp nập kéo đến cho con gái khu Hà Châu một cách phũ phàng. Nhẹ lắm thì cũng là ế chồng vĩnh viễn như ba chị em cô Lê, cô Lý, cô Lài. Vừa vừa thì cũng là vớ phải thằng chồng vũ phu say rượu trốn quân dịch, suốt ngày bị đòn huỳnh huỵch như chị Thắm ăn đòn anh chồng tên Thiết một cách vô cùng thắm thiết. Còn nặng ra, thì lỡ dại hư hỏng một đời, tỉ như cô Kiều con bà Lý Ðính bán mắm tép ngoài chợ, đang yên đang lành chẳng biết ăn phải thứ gì đột nhiên cái bụng phình tướng lên như cái trống treo, làm bà Lý Ðính sau đó phải từ con và mang đứa cháu không cha dọn về Cái-Sắn, còn cô Kiều bơ vơ không nơi nương tựa đành lên ngã ba An-Nhơn kiếm cơm độ nhật. Ôi ! Kể sao cho hết những trường hợp đau thương của tuyệt đại đa số chị em ta trong cái khu xóm gồm khoảng trăm nóc gia chỉ sống đời hiền hòa đạo nghĩa. Nói tóm lại, đường chồng con của phụ nữ khu Hà Châu sau di cư không mấy chi sáng sủa. Có cô đổ lỗi cho số hồng nhan bạc phước, còn các chị thuộc những gia đình sản xuất pháo thì cho đó là tai nạn nghề nghiệp :
- Làm cái nghề này, tay với chân lúc nào cũng không đen nhẻm thuốc ngòi thì cũng đỏ quạch vì thuốc vỏ, còn đẹp đẽ vào đâu nữa mà hòng có người để mắt đến...
Ông Quý đã nghe nhiều tiếng xầm xì ở các xứ khác nói về xóm đạo của ông. Tiếng lành đồn xa, tiếng rữ đồn ba ngày đường. Ai cũng bảo khu ông ở không có “đất”. Mỗi khi nghe các xứ khác bàn đến chuyện này, ông thường nổi cáu :
- Ðất với đai cái gì ! Chúng tôi cũng sớm tối cầu nguyện như các ông. Dễ thường xứ các ông toàn con cái nước thiên đàng còn chúng tôi rặt giống Giu-Rêu chắc ?
Ông cương quyết không để con ông rơi vào số phận hẩm hiu của nhiều phụ nữ ở đâỵ Vĩnh, con gái lớn ông Quý vẻ người xinh, với đôi mắt tròn đen lay láy, cái miệng hay cười chúm chím. Nàng biết mình dễ nhìn, vì bọn thanh niên đến đây làm công cho xưởng pháo thường lân la chuyện trò chọc ghẹo. Nhưng Vĩnh chẳng để ý ai. Tuy chỉ học hết lớp nhất trường công, nàng đã đọc gần hết số tiểu thuyết cho thuê ở tiệm sách Ðức-Tín. Các mối tình thơ mộng trong những truyện của bà Tùng-Long hoặc ông Xuân-Hiệp đều được Vĩnh nghiền ngẫm và mơ mộng. Những nhân vật khuê các trong truyện, những chàng trai công tử hào hoa đất Sài-Gòn, con nhà giàu, có trình độ của tiểu thuyết phòng the hồi đó đã ăn sâu vào trái tim non của người thiếu nữ có tiếng mặn mòi duyên dáng. Vĩnh tuy hay cười để đáp trả lại mỗi khi nghe lời tán tỉnh gần xa của đám con trai Xóm-Mới, nhưng trong thâm tâm, nàng chỉ xem họ như những người bạn cùng lớn lên từ thuở ấu thơ, cùng vui đùa nghịch ngợm dưới những tàn cây tu-ma xum xuê đầy bóng mát. Như anh chàng Lăng ở xứ Trung-Bắc, chốc nữa sẽ sang đây để cắt ngòi thuê, đã đeo đuổi Vĩnh cả năm nay tuy siêng năng rất được lòng ông Quý - và cả cánh họ hàng nhà nàng trong vùng Xóm-Mới - nhưng Vĩnh không mảy may rung động trước cặp mắt thiết tha, dáng dấp ngượng nghịu, hai má nóng bừng của Lăng mỗi khi chạm mặt nàng. Lăng cắt ngòi khéo nhất vùng. Mũi dao của chàng thoăn thoắt lướt trên từng bó ngòi ngọt sớt, làm rơi xuống từng đoạn ngòi pháo đều tăm tắp như sung rụng. Chàng còn là tay thợ kéo quả thành thạo khỏi chệ Bàn kéo quả làm bằng gỗ bằng lăng nặng chĩu đè lên quả pháo bằng giấy bồi vê chặt, được người thợ kéo dùng sức của đôi cánh tay gân guốc miết xuống để làm cho nó dồn càng thật cứng hơn nữa. Vì nếu không chặt, pháo sẽ nổ không đanh. Khi Lăng kéo quả, người ta thường trầm trồ ngắm Lăng, khen ngợi sức khỏe của chàng biểu lộ qua những thớ gân, những bắp thịt chắc nịch nổi lên từ hai cánh tay trần lấm tấm mồ hôi và bộ ngực nổi vồng theo từng nhịp kéọ Ai nhìn cũng tấm tắc khen :
- Pháo Xóm-Mới, quả nào của thằng Lăng kéo, sờ vào là biết ngay.
Có người lại bảo :
- Ðã thạo nghề lại hiền lành tốt nết, đứa nào vớ được nó đứa ấy phúc tổ bẩy mươi đời...
Lăng làm thợ pháo được bốn năm nay. Cứ tháng tháng, chàng lại sang nhà ông Quý, hộ ông ít việc. Tiền công ông trả Lăng cũng hậu hơn các cánh thợ khác. Nhưng mục đích chính của chàng là để được trông thấy bóng Vĩnh trong sân. Chàng lâng lâng nhìn Vĩnh tha thướt mang cơm với nước chè nụ cho đám thợ; con mắt đen nhánh có đuôi kia với hàm răng trắng hay nhoẻn cười với mọi người trong xưởng; chứ không chỉ với Lăng. Lăng cũng chẳng bao giờ nghĩ Vĩnh để ý gì đến mình. Vì trong giọng nói cái nhìn của nàng con gái xinh nhà ông Quý, chàng chưa hề đọc được một điều gì thầm kín, như trao gửi chút ý nghĩ riêng tư; hay một lời xa xôi mang niềm hứa hẹn. Vĩnh cứ nhởn nhơ qua lại giữa đám thợ con trai, đối đáp dòn tan với những lời chọc ghẹo, và chẳng hề tỏ vẻ thẹn thò hay cuống quít với một ai. Bọn thợ con trai cũng chỉ biết nàng còn đang kén chọn, và anh thợ khéo nhất của mười hai xứ đạo Xóm-Mới là Lăng chắc sẽ là người mà gia đình ông Quý để mắt đến đầu tiên khi Vĩnh chọn chồng, chứ chẳng tới lượt họ. Nhưng họ cũng không lấy làm ghen tị. Vì Lăng cũng là người được bạn bè yêu mến bởi là thợ cả, tốt bụng, chuyên dậy nghề cho các anh em mới tập. Họ thường hay bảo nhau :
- Kháu như con bé Vĩnh thì nơi này chỉ có thằng Lăng là xứng. Còn sểnh đi đâu được nữa... Chúng nó lấy nhau xong là ông Quý cho ngay cái xưởng pháo. Tao mà nói sai thì tao sa đáy hỏa ngục. Không khéo mai đây bọn mình đâm ra làm công cho vợ chồng chúng nó chứ chẳng đùa !
Và mọi người cứ tin chắc là việc Lăng làm rể nhà ông Quý chỉ là vấn đề thời gian.
Cắt mấy lát giềng tươi bỏ vào đĩa muối ớt, ông Quý khề khà cầm cái chai mầu xanh đậm rót vào bốn cái chén quân một thứ nước mầu nâu trong vắt :
- Rượu lễ của cha Tịnh mang về từ Nha Trang đấy. Ngài cho tôi với ông quản Hói mỗi người một chai, bảo là uống cho khoẻ. Rượu này nhẹ lắm, mà lại đã được ban phúc lành rồi, nên anh em nào có thanh sạch thì mới nên uống. Còn như vướng mắc thì tôi có mấy chai xá-xị, chứ chẳng nên uống rượu cha Tịnh vào mà phải tội trọng.
Bốn đứa con trai nhìn nhau giây lát. Thằng Phan ghé tai Lăng nói thầm thì :
- Mày có uống thì uống, còn ba thằng tao không sạch sẽ mấy, mới viếng An-Nhơn tuần trước, chưa xưng tội xưng lỗi gì cả. Chúng tao “nhẩm” xá-xị.
Lăng đằng hắng một cái rồi trịnh trọng :
- Mấy đứa này hôm nay kiêng rượu. Chỉ có hai bác cháu mình thôi.
Bữa tiệc diễn ra thật vui vẻ. Ông Quý ngà ngà say, cắn một miếng giềng, ực một hớp linh tửu, khề khà kể mãi những chuyện ngoài Bắc, chuyện đấu tố, chuyện chạy loạn, chuyện lên tàu há mồm di cư vào Nam. Ðám trẻ vâng dạ luôn miệng, hai đĩa đùi cầy tơ và nồi rựa mận cạn dần. Lăng ngây ngất nhìn theo dáng tha thướt của Vĩnh đi lên đi xuống lấy thêm cơm thêm thức ăn, mỗi lần nhìn cái miệng chúm chím của nàng, Lăng thấy một niềm rạo rực khôn tả. Ông Quý ngắm nghía Lăng, thấy thằng thanh niên trước mặt cũng mang nhiều nét giống ông thời còn trẻ : cũng chất phác, thật thà, hay lam hay làm và đạo đức. Ông âu yếm nhìn con gái, và tin rằng may ra cái dớp của xóm Hà Châu khu Hoàng-Mai chắc cũng phải kiềng mặt gia đình nhà ông.
- Kìa, ăn nữa đi cậu Lăng !
Tiếng dục dã của ông Quý làm Lăng giật mình. Chàng quay lại, bắt gặp đôi mắt ông như soi rõ tâm can giản dị của chàng. Lăng lảng chuyện :
- Gớm ! Ðám ngòi của bác ai se khéo quá ? Không to không bé cứ đều như máy ấy. Cháu có cắt đến tối cũng không biết mệt.
Ông Quý cười tươi :
- Thì chỉ có con bé Vĩnh chứ còn ai vào đâỵ Cái gì chứ cái se ngòi nhà tôi không có thuê ai bao giờ. Công đoạn quan trọng bậc nhất mà lỵ! Mẹ nó truyền lại đấỵ
Rồi ông hạ giọng xuống xa gần :
- Vợ chồng cùng giỏi một nghề là muôn đời no ấm. Như tôi với bà ấy, các cậu xem, tay trắng từ ngày vào Nam, mà bây giờ có nên cơ nghiệp. Cậu Lăng giỏi nhất thợ pháo ở đây, kiếm lấy đứa nào kha khá, con nhà đạo đức, làm ăn cùng nghề là sau này sung sướng lấy thân...
Lăng như có trống làng tưng bừng trong bụng. Câu nói của ông Quý rõ ràng mở cho chàng một lối bước vào gia đình của ông. Chàng run run khẽ đáp :
- Cháu cũng chỉ mong thế...
Ba thằng bạn của Lăng nhìn nhau rồi nhìn xuống bếp, nơi Vĩnh đang thập thò, mỉm cười như thầm bảo nhau :
- Tao đã đoán mà. Con nhà Lăng sắp “ve” được con bé Vĩnh nhà ông Quý.
Tối đến, Lăng về nhà lòng phơi phới hân hoan. Chàng lên giường trải chiếu mắc màn đi ngủ, lòng nghĩ đến vẻ yêu kiều của Vĩnh. Khuôn mặt trái soan và đôi mắt lá dăm của nàng như vẫn còn cười chúm chím với Lăng. Chàng tưởng tượng ra một cái xưởng pháo con con ở gần bờ sông dưới bóng dừa nước xanh lá, có Vĩnh tươi tắn ngồi se những bó ngòi dài thậm thượt, và chàng ngồi kéo quả, lũ trẻ con đứa chạy loăng quăng, đứa oe oe đòi bú. Ôi! Còn thứ hạnh phúc nào hơn. Lăng thiếp đi trong giấc mộng, nụ cười vẫn còn đọng trên môị
Từ hôm ấy, Lăng càng chăm sang bên Hà-Châu giúp ông Quý cắt ngòi, se quả. Hầu như chẳng ngày nào không có mặt Lăng bên sân pháo nhà ông Quý. Tình yêu trong Lăng ngày thêm nồng nàn, mối tình đầu đời của chàng thanh niên vừa lớn. Lăng hay nói hay cười hơn trước, cái sân vườn tu-ma rợp mát là chỗ chàng tận hưởng những ngày vuị Hình như Vĩnh có nghe loáng thoáng câu chuyện giữa ông bà Quý về Lăng, nên bây giờ nàng không còn tự nhiên mỗi khi gặp Lăng nữa. Chắc Vĩnh cũng mến mình, Lăng tự nhủ. Ðôi lúc nghỉ tay, chàng kéo mảnh khăn lau mồ hôi dựa lưng vào gốc tu-ma, khoan khoái hồi hộp hình dung ra một ban đêm nào đó, dưới gốc cây hoa đại ở chân đền đức mẹ, chàng sẽ hẹn Vĩnh ra để cầu nguyện. Hương thơm hoa đại ngọt ngào tỏa lan khắp phíạ Bầu trời đen thẫm lấm tấm đầy sao Vĩnh sẽ bảo :
- Lăng cầu trước đi.
Chàng sẽ quỳ xuống chân tượng đức mẹ trắng tinh tay cầm bó hoa huệ, miệng lẩm nhẩm :
- Lạy thánh mẫu đồng trinh rất nhân từ xưa nay chớ từng nghe có kẻ nào chạy đến cùng mẹ xin bầu chúa cứu giúp mà đức mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời. Xin người cho con được lấy Vĩnh.
Vĩnh sẽ đỏ hồng đôi má :
- Tưởng Lăng đọc kinh. Hóa ra chỉ nói hiêu nói vượn.
Chàng được thể say sưa tấn công tới tấp :
- Vĩnh... Vĩnh có biết là tôi thương Vĩnh từ lâu rồi không ? Từ ngày chúng mình còn học lớp nhất trường công. Hôm nào tan trường tôi cũng đi theo sau Vĩnh cho đến cổng ngõ Hà Châu...
Chàng còn muốn nói nữa nhưng Vĩnh sẽ ngăn lại :
- Ðừng nói nữạ Vĩnh biết lòng Lăng rồi.
Và chàng lại mỉm cười một mình khi tưởng tượng ra chuyện thần tiên ấy.
Rảnh rỗi phút nào, chàng chỉ chơi với thằng Sơn em trai của Vĩnh. Thằng bé thích Lăng lắm. Vì không những Lăng khéo kể chuyện đời xưa như Tây Du Ký hay Phong Thần, chàng còn giỏi làm đồ chơi cho trẻ con. Từ làm lồng đèn Trung Thu cả đèn xếp lẫn đèn kéo quân, cho đến đẽo quay, làm diều Lăng đều thành thạo. Chiếc đèn kéo quân tết Trung Thu năm ấy của thằng Sơn sáng rực nến treo dưới cành cây tu-ma giữa sân, các hình voi, ngựa, tầu bay, tầu bo,ø lính tráng... chầm chậm quay mãi làm lũ trẻ con trong xóm bâu quanh ngắm nghía thèm rỏ rãị Một đứa gạ thằng Sơn :
- Mày xin anh Lăng làm hộ tao một cái nhá! Hay cho tao mượn chơi cái đèn của mày một ngày thôi rồi tao trả ngay
Thằng Sơn trề môi :
- Nói dễ nghe nhỉ !
Thằng bé kia vẫn van nài :
- Tao cho mày con cá xiêm chọi vô địch xóm nhà thờ, mày chịu không ?
Sơn vẫn không chịu Nó đòi thêm những thứ khác. Sau cùng thì chúng nó cũng ngã giá. Ngoài con cá chọi, Sơn còn được một cái diều và sáu hòn bi ve bóng loáng mới tinh. Lăng mỉm cười khi thấy thằng Sơn dặn dò thằng bé kia :
- Nhớ nhé! Cẩn thận không có làm cháy đèn của anh Lăng tao làm cho tao thì cả nhà mày bị dịch đòn gánh, ngã trôi sông với lại chết thương hàn.
Chờ thằng bé kia cầm chiếc lồng đèn đi khuất, Lăng vẫy Sơn lại gần. Chàng nhìn thằng em Vĩnh, nét nhang nhác giống chị ở cái miệng hay cười làm Lăng thấy vui vui. Lăng gãi đầu suy nghĩ một lúc, cố tìm cách làm thế nào dò la về Vĩnh. Nhưng thằng bé ngớ ngẩn quá, chỉ biết ham chơi, chẳng để ý gì. Chàng hỏi thế nào nó cũng chỉ biết quanh đi quẩn lại mỗi một câu chán phèo :
- Chị Vĩnh hay bảo bu là anh Lăng kéo giỏị
Thấm thoát đã gần tết. Pháo Hà-Châu sản xuất không kịp cho khách Sài-Gòn xuống lấy. Các xe cam-nhông hàng tuần lũ lượt kéo xuống Xóm-Mới để cất hàng. Họ xuống đây và tưởng lạc vào một thế giới của miền Bắc chưa pha trộn. Thổ âm đặc thù của các vùng Nam Ðịnh, Thái Bình vẫn còn nguyên vẹn. Bánh trôi, bánh chay, bong bóng heo đựng rượu, thịt chó quạt chả... vẫn y nguyên. Không mấy tuần mà lại không có rước; kiệu, pháo, kèn trống rợp trời. Pháo bán đầy đường, dân Xóm-Mới cần cù làm pháo bán cho toàn quốc. Bọn thợ trẻ như bọn Lăng bận trối chết. Bây giờ chàng chỉ làm cho ông Quý. Chàng làm từ tảng sáng cho đến khi mặt trời lặn. Tuy mệt nhoài, Lăng vẫn mong được mỗi ngày nhìn thấy khuôn mặt trăng rằm của Vĩnh với đôi mắt lá răm với ánh mắt đùa nghịch như trước, nhưng sao lúc này Vĩnh lạnh lùng hẳn ra. Nàng cũng ít đem cơm nước cho thợ. Ðến bữa ăn, ai nấy tự động đi lấy phần trong bếp bà Quý. Hôm trước, Vĩnh đi chợ về, Lăng mới để ý Vĩnh bắt đầu biết vẽ mặt. Những hộp phấn con con, những lọ mầu xanh đỏ không biết Vĩnh đào đâu ra, được nàng cất kỹ trong một cái hộp cẩn xà cừ, chiều nào cũng thấy nàng ngồi mở ra và xoa lên mặt. Xoa xong, Vĩnh đội chiếc nón che nghiêng, đi ra cổng, cố tránh cho khỏi bước ngang chỗ Lăng ngồi kéo quả. Ngày nào, chàng cũng chỉ thấy dáng nàng ẩn hiện thấp thoáng trong nhà, chải đầu, trang điểm mặc những bộ cánh sặc sỡ lên người rồi vụt mất tăm. Lăng đâm buồn bã. Chàng cố kéo cho xong cối pháo, tâm hồn để đâu đâu không buồn truyện trò với bọn thằng Phan thằng Lĩnh. Lĩnh tinh ý nhất bọn thợ con trai. Nó ngừng tay kéo, hạ thấp giọng :
- Ðừng lo màỵ Cái Vĩnh diện bởi vì biết mày hay ngắm nó. Chứ nó có diện cho ai ngắm đâu mà lo ?
Nhưng lời thằng Lĩnh không có gì đáng tin tưởng. Vì mấy hôm sau, thằng Phan báo cho chàng hay là nó trông thấy một người thanh niên dáng dấp ra vẻ dân thành thị, đến cổng xóm Hà Châu đón Vĩnh lên xe Vespa phóng vù đi về hướng Sài-Gòn. Nghe xong, Lăng lặng người đi, buồn bã suốt cã một buổi chiều. Chàng định tìm Vĩnh để hỏi cho ra lẽ. Nhưng suy đi nghĩ lại, chàng lại thôi vì thấy mình chẳng có quyền gì để hỏi. Chiều ba mươi tết, xưởng pháo đã nghỉ. Lăng mang cặp bánh chưng, con gà mái dầu đến Tết nhà ông Quý. Vừa bước đến đầu cửa, đã nghe thấy tiếng quát của ông Quý :
- Ai cho mày đi với thằng ấy hở con kia ?
Có tiếng khóc nức nở của Vĩnh :
- Thầy tha cho con trót dạị.. Tại thầy bắt con lấy thằng Lăng, con đã bảo với thầy bu là con không chịu mà thầy bu không nghe nên con phải tìm người khác...
Nghe tới đây, Lăng choáng váng cả mặt mày. Chàng gắng dựa lưng vào bức tường hông chậu hoa vạn thọ. Lại có tiếng gầm của ông Quý :
- Mày quen với nó ở đâu ? Ðã làm những gì với nó ?
- Con quen anh ấy ở mục tìm bạn bốn phương trong báo Chính Luận... Con tưởng anh ấy có bằng đại học, ở Sài Gòn thì tức là con nhà tử tế... Ai ngờ đâu lại là phường khốn nạn lưu manh đểu giả...
- Bây giờ tao ăn nói với xóm giềng ra làm sao ? Ăn nói với cha Tấn ra làm sao ?
Rồi ông chuyển thành giọng ai oán như một bài ngắm mười bốn sự thương khó :
- Giơơơờời ơi ! Xin ngài cất cho con chén đắng này. Con gái ơi là con ơi ! Cái dớp xóm Hà-Châu tưởng đã hết cũng không tha nhà này. Thằng cha Cựu bên Tân-Hưng nói thế mà đúng. Xứ mình không có đất...
Ông vật người xuống chiếc cánh phản, giẫy tê tê, giọng càng thê thiết hơn :
- Thế là con hỏng rồi, con ơi ! Cơm không ăn, lại đi ăn ...
Lăng chỉ nghe được đến đấy. Chàng lảo đảo bước đi, hai cái bánh chưng nằm chỏng gọng trên thềm, con gà mái dầu còn bị cột chân nhẩy ngã lăn kềnh, kêu oang oác.
Nguyên Cương Andy
10/01