Hoa Đồng Nội
Kinh Tuyến
Mỗi lần về thăm quê nội, vừa băng qua đường ray xe lửa, chạy vào con đường rợn ngợp những bụi chè xanh tôi đã hét toáng lên: "Mệ ơi!" Mệ ra đón tôi tận ngoài ngõ, giang rộng đôi tay gầy guộc run run ôm chầm lấy cháu .
Không hiểu sao, trong những đứa cháu nội, mệ thương tôi nhất. Có lẽ vì tôi ở xa mệ, ít có diễm phúc đêm đêm gối đầu trên cánh tay nhăn nheo vì năm tháng để nghe mệ thủ thỉ đọc truyện thơ, để được hít hà mùi trầu ngai ngái mà mệ thường nhai bỏm bẻm. Có thứ gì ngon mệ cũng giấu để dành cho tôi . Nhưng món ăn mà tôi thích nhất là món cá kho khế chính tay mệ nấu .
Sau vườn nhà mệ có một cây khế chua, bốn mùa đều sum suê quả. Tuổi của nó tôi không thể nào tính được. Nghe kể lại, khi mệ còn là một thiếu nữ khế đã có mấy mùa trái . Có tôi về, mệ vội ra chợ Xép lựa những con cá bống thệ còn tươi cong đem về, xắt từng lát khế mỏng bỏ lên trên kho kẹo, thơm phức. Mệ hạnh phúc nhìn cháu ăn ba đến bốn chén cơm. Tôi mong ước sao mùa hè kéo dài để tôi được tận hưởng niềm ngọt ngào của tuổi thơ .
Nhưng rồi mùa hè cũng trôi qua mang theo cả niềm ước mong của tôi . Tôi lại phải xa mệ thôi . Tôi không bao giờ quên được hình ảnh mệ nhỏ nhoi xiêu xiêu giữa bầu trời tím thẫm, đưa vạt áo chậm nước mắt nhìn hút theo đoàn tàu đưa mang đứa cháu thân yêu ra đi . Lòng tôi lại thổn thức gọi: "Mệ ơi!"
Tôi xa Huế, xa mệ . Huế trong lòng tôi là kỷ niệm tuổi thơ ngọt ngào nhưng phảng phất nỗi buồn man mác.
Rất lâu lắm, không biết khế rụng hoa, đậu trái bao nhiêu mùa, tôi mới có dịp ghé lại đất Thần Kinh. Vào ngõ nhà nội, tôi không reo mừng như những lần trước nữa . Không còn bóng dáng gầy còm lưng của mệ đứng đón tôi . Không còn phảng phất mùi trầu nồng cay . Toàn căn nhà cổ kính tràn ngập mùi trầm hương đến nghẹt thở.
Tôi ra sau vườn nhặt từng trái khế gom lại, lòng nghe thiếu vắng mênh mông. Cắn một miếng khế sao chua quá! Không ngon như những lát khế kho với cá bống. Khế sống nhiều năm vẫn đứng trơ trơ với trời đất. Sao mệ tôi đã vội đi về miền vĩnh hằng.
Buồn. Một cảm giác lẻ loi, cô độc ập vào hồn. Tôi lê gót chân qua những con đường nhỏ. Mùa này xứ Huế mưa bay . Dưới màn mưa đan xéo vào nhau khung trời chẳng xám trắng mà mênh mang một màu tím nhạt. Màu tím trinh nguyên. Chính màu tím ấy đã làm nên màu áo thướt tha, mềm mại của những nữ sinh Đồng Khánh ngày xưa khiến khách viễn du cứ mãi ngẩn ngơ, thương nhớ...
Chiều dần lên, mưa cũng nặng hạt hơn. Theo những vệt mưa lấp loáng trên mặt đường, bàn chân tôi bước vào một quán cà phê ven sông Hương. Hơi lạnh cũng theo vào làm buốt nhẹ làn da . Giá như đêm nay mưa ngừng và ánh trăng ló dạng, du khách sẽ tận hưởng hết cảnh thơ mộng êm đêm của dòng sông. Mưa vẫn dai dẳng, triền miên nghe rưng rưng chi lạ như tiếng lòng thổn thức của ai như một câu thơ chất chứa u hoài:
"Nỗi niềm chi rứa Huế ơi
Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên"
Giọt cà phê đặc sánh, môi chưa kịp ngưng đọng vị đắng tôi giật mình bởi một tiếng rao trẻ trung, ngọt ngào:
"Ai ăn chè bột lọc không?"
Một bóng người nhỏ nhắn, trùm áo tơi gánh đôi thúng khá nặng. Nước mưa đục ngầu chảy thành từng dòng làm ướt cả đôi guốc gỗ của cô gái . Hình ảnh mệ tôi từng bán chè đêm hiện về khiến tôi nhói lòng. Tôi vội vàng kêu:
- Cô bé!
Nón lá rời khỏi mái tóc, một đôi mắt đen, sâu thẳm nhìn tôi . Một thoáng ngỡ ngàng. Chao ôi, đôi mắt ấy . Giống hệt tia nhìn ấm ấp, dịu dàng của mệ tôi . Em nhẹ nhàng đặt quang gánh, khéo léo múc từng viên chè nhỏ vào chén. Tôi gợi chuyện "Mưa lạnh như ri mà em cũng bán ư ?"
- Trời mưa bán chè bột lọc mới đắt! Cô bé khe khẽ cười - Mẹ em nấu đó. Ăn được không anh?
- Tuyệt! - Tôi cho từng viên bột lọc bọc đậu phộng vào miệng, vị ngọt lẫn vị cay của gừng khiến tôi nóng dần lên quên cả lạnh.
Lần đầu tiên tôi được nếm vị chè này ngay bên dòng sông vốn bình yên với lớp rêu xanh. Và cũng chính giây phúy ấy tôi biết thế nào là chữ "nợ" và chữ "duyên". Em ngồi lặng lẽ đếm từng hạt mưa để chờ "vị khách" ăn xong và rồi vội vàng gánh đôi thúng đi không chịu lấy tiền để tôi ngồi ngẩn người lắng nghe tiếng rao của em xa dần.
Trước kia, tôi từng mơ ước, khi trở lại xứ Huế tôi sẽ tình cờ gặp một cô Tôn Nữ dịu dàng rũ mái tóc thề soi bóng Hương Giang. Giữa mùa hè lắm cơn mưa, chưa kịp tìm bóng dáng yêu kiều tim tôi thoáng một chút rung động khó hiểu bởi đôi mắt và dáng trầm tư của cô bán chè.
Đêm ấy, tôi thấy mình nằm ngủ dưới gốc cây khế. Khế đang mùa trổ hoa . Từng cánh hoa tím rung rinh rung rinh. Có ai đó nhặt từng bông hoa thả nhẹ trên mặt tôi . Là em. Chúng tôi rượt nhau . Cô bé lanh lẹ chạy vòng quanh thân khế. Bỗng một hòn đá vướng chân tôi, tôi ngã nhoài và mở choàng mắt. Chỉ là giấc mơ . Nhưng tiếng cười lanh lảnh của cô bé như vẫn còn quanh quẩn đâu đây . Cố dỗ lại giấc ngủ, không được. Tôi dậy thắp hương cho mệ . Từ trong bức hình, đôi mắt mệ nhìn tôi âu yếm như ngày nào tôi còn thơ dại .
Chiều . Bước chân lại đưa tôi tới quán cũ. Nhắp từng giọt cà phê đen không đường tôi cầu mong mưa cứ giăng giăng dưới màn mây tím mãi để tôi có thể gặp lại cô bé. Không biết em còn nhớ người con trai được em tặng chữ "nợ" không?
Tiếng rao chè lảnh lót dứt tôi ra khỏi dòng suy nghĩ miên man. Đúng cô bé rồi . Trong trí tôi chợt hiện lên câu nói xưa như trái đất "Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ". Trời ạ! Ai xui chi cho tôi vừa có nợ vừa có duyên với em.
Em lại đến ngồi lặng lẽ bên tôi . Tôi lại được nếm vị chè ngọt và cay . Điều gì làm chúng tôi dễ thân nhau . Đối với tôi: chính là đôi mắt em - Còn em, có lẽ thấy được nơi tôi niềm yêu kỳ lạ đối với dòng sông hay tâm sự u uẩn khi ngắm mưa rơi cũng như em. Im lặng nhưng hiểu nhau . Có dòng Hương Giang làm chứng cho tình bạn giữa tôi và em. Em cho tôi biết tên. Trinh Nữ - tên một loài hoa hay mắc cỡ, e thẹn - Tôi gọi em là "Hoa đồng nội". Em đang học năm thứ II khoa Văn. Cơn mưa dai dẳng làm mẹ em ngã bịnh, em phải bán thay . Nhà em ở gần cầu Gia Hội, cách khá xa nhà mệ tôi . Nhưng không sao . Một gã con trai như tôi khi đi chơi với bạn gái lại thích con đường cứ xa diệu vợi .
Một sáng tinh sương, trời se se lạnh, tôi đã có mặt ở ngõ nhà em. Trinh Nữ tròn xoe mắt "Anh đi mô mà sớm dữ rứa ?" "Đưa em đi dạo chơi!" "Bây chừ à?" "Chứ sao!". Thấy vẻ trịnh trọng của tôi, em biết không phải chuyện đùa, em vào xin phép mẹ .
- Đi bộ nhé! - Tôi hỏi em.
- Ừ! - Em khẽ khàng đáp và dịu dàng đi bên tôi .
Chúng tôi lang thang qua khắp nẻo đường. Tôi muốn đưa em đi tìm ước mơ chung của cả hai . Buổi sáng không khí tĩnh mịch một cách lạ lùng. Tôi và em rẽ vào đường Lê Lợi, con đường "hương thầm" của Huế. Trước mặt chúng tôi cầu Tràng Tiền màu trắng ẩn hiện trong màn sương bàng bạc. Chúng tôi ngồi bên kè đá có nhiều bông xuyến chi mềm mại . Em nghiêng đầu, rủ mái tóc xuống đôi chân thon duỗi thẳng, "Chao ôi! Em mỏi chân ghê . Răng hôm nay anh đưa em đi nhiều chỗ rứa ?"
Khó khăn lắm tôi mới thốt nên lời "Chiều anh phải xa Huế rồi!" Em thảng thốt "Thật vậy ư ? Chẳng phải Huế là quê hương của anh sao ?" Em quay người cố dấu những giọt lệ trên khóe mắt. Tôi nghe giọng mình cũng nghẹn đắng "Anh phải đi . Nhưng anh sẽ trở lại".
- Chắc chắn chứ!
- Chắc chắn! Làm sao anh quên được miền đất đã đem đến cho anh những ký ức đẹp.
Chúng tôi ngồi im lặng bên nhau rất lâu . Em ngắt hai chiếc lá thả xuống dòng sông và thì thầm bên tai tôi . "Dòng sông sẽ mang mơ ước của anh và em đến một nơi bình yên và thơ mộng". Tôi bóp nhẹ bàn tay em "Nơi ấ có cây khế ngọt và có hoa Trinh Nữ và..." Em e thẹn cúi mặt "Vậy ước mơ của anh là gì?"
Dù không nói ra, em vẫn biết tôi với em cùng chung một điều ước. Cám ơn trời, sáng ấy đã không đổ mưa, nếu không hai chiếc lá sẽ bị vùi dập mất. Nhưng đến chiều, khi em đưa tôi lên tàu, cơn mưa từ đâu lại kéo về. Những giọt mưa lành lạnh che giấu giúp em đôi má ướt nhòe vì nước mắt. Sống mũi tôi cay xè... Tàu chuyển bánh, tôi vẫn cố nhoài người ra cửa dõi mắt theo bóng hình nhỏ bé của em mất hút dần sau đoàn tàu, lòng thầm nhủ: "Anh sẽ trở lại!"
Ngày xưa, tôi không quên được Huế vì có mệ đưa tôi vào thế giới huyền thoại với cây khế già. Bây chừ tôi yêu Huế vì có em "Hoa đồng nội" của lòng tôi .
Kinh Tuyến