Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Cuộc Chiến VN >> TƯỜNG TRÌNH CỦA MỘT QUÂN NHÂN

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 6461 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

TƯỜNG TRÌNH CỦA MỘT QUÂN NHÂN
WILLIAM C. WESTMORELAND

Cuộc tấn công Tết

Người Mỹ không có cái lễ nào giống - dù là giống một cách xa xôi - với cái Tết của Việt Nam bắt đầu từ ngày đầu năm âm lịch. Dù so sánh nó với lễ Noel, lễ tạ ơn và ngày 4 tháng 7 cũng không đủ để nói lên tầm quan trọng mà người Việt Nam gắn cho những ngày Tết của họ. Trước Tết hàng mấy tuần lễ, các bà nội trợ Việt Nam đã gói bánh chưng bằng nếp dẻo bên trong những chiếc lá dong mùi rất thơm. Người ta bày bán chè, bánh kẹo, rượu, nếp, mua sắm quần áo mới, trang hoàng nhà ở bằng các thứ hoa. Người thân chuẩn bị về quê làm lễ cúng ông bà, tổ tiên. Trẻ em mường tượng sẽ được mừng tuổi bằng kẹo chanh và giấy bạc 5 đồng. Không có gì - thậm chí cả một cuộc chiến tranh để sống còn – là có thể cản được lễ Tết.

Tết bắt đầu vào hôm trước ngày đầu năm âm lịch: năm 1968 năm con Khỉ - mồng một. Tết là thứ hai 29 tháng giêng. Hôm đó năm mới bắt đầu và những ngày sau đó là cả một chuỗi ngày nghỉ quan trọng nhất kéo dài hàng tuần lễ, không khí hội hè tới mức cả các nhà buôn Hoa kiều ở Chợ Lớn, những người ít khi bỏ lỡ cơ hội để kiếm tiền, cũng đóng cửa hiệu. Có thể vì cuộc chiến tranh đang tiến triển tốt và một chính phủ dân cử muốn chứng minh sự thông cảm với nhân dân, nên chính phủ đương quyền trong ngày Tết mở đầu năm con Khỉ đã hủy án lệnh cấm đốt pháo (lệnh cấm này đã được thực hiện từ nhiều năm nay). Pháo đối với người Việt Nam đồng nghĩa với Tết.

Bắc Việt Nam quyết định đánh dứt điểm, mở một cuộc tổng tấn công có phối hợp trên khắp Nam Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu đặc thù trong cuộc nổi loạn của cộng sản Việt Nam, cuộc tổng nổi dậy. Mỉa mai thay, bộ trưởng Mc Namara lúc đến Sài Gòn lại vận động giảm bớt mức trong quân sổ “cần thiết tối thiểu” mà tôi yêu cầu đúng vào lúc các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam đang đề ra quyết định lớn của họ.

Liệu các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam có thật sự tin tưởng rằng họ có thể lôi kéo được nhân dân Nam Việt Nam nổi dậy chống chính phủ của họ hay không, điều này có thể phải tranh luận. Đương nhiên là họ đã mô tả mục tiêu này bằng những từ hùng hồn nhất cho các nhà chỉ huy và quân lính của họ ở miền Nam với hi vọng đạt tới một nỗ lực cao nhất bất luận có thể đẻ ra những vấn đề về tinh thần như thế nào khi cuộc tấn công đó không thành công.

Vấn đề thật sự đáng chú ý ở đây là chứng minh rằng người Mỹ chỉ có thể thắng được với cái giá tăng lên rất nhiều, và giáng cho người Mỹ một Điện Biên Phủ tai hại trong năm bầu cử của Mỹ và giành lấy một chiếc đòn bẩy nào đó - để đi đến bàn thương lượng trước một đối thủ mà quyết tâm có lẽ đã bị suy yếu đi nhiều.

Việc vạch kế hoạch cụ thể đã diễn ra sau đó tại các sở chỉ huy quân sự của Bắc Việt Nam và Việt cộng trên lãnh thổ Nam Việt Nam và ở bên kia biên giới Kampuchia. Tiếp đó là việc tăng cường hậu cần một cách chậm chạp, kiên nhẫn, chuyển lậu vũ khí và đồ tiếp tế đến vùng chung quanh các thành phố, thị xã và khu dân cư ở Nam Việt Nam. Và cũng tiếp đó là kế hoạch đánh lừa các đơn vị Mỹ đến các vùng biển giới, đồng thời chứng minh rằng những cuộc chuẩn bị cho cuộc tấn công sắp tới mà người Mỹ có thể phát hiện được chẳng có gì mới - chỉ là việc coi thường tổn thất trong trận đánh giành các tiền đồn ở biên giới đã diễn ra trước đây mà chẳng đạt được gì nhiều.

Trong khi đó, để làm suy giảm ý chí của nhân dân Nam Việt Nam, từ lâu đã quen với thói ăn ở hai lòng của người phương Tây, Việt cộng đã tung tin đồn là người Mỹ đang chuẩn bị rút khỏi Nam Việt Nam bằng cách dàn xếp chính phủ liên hiệp với Việt cộng. Đầu năm 1967, một đặc vụ Việt cộng đã nói với cảnh sát Nam Việt Nam rằng anh ta đã nhận được chỉ thị của ban lãnh đạo cộng sản là phải tiếp xúc với sứ quán Mỹ.

Các quan chức Washington từ lâu đã bị báo chí, quốc hội là những nhân vật chống chiến tranh thúc ép, đã vồ lấy cơ hội này. Có phải đó là những đề nghị thương lượng mà người ta đã chờ đợi từ lâu không? Thực ra chẳng có gì khác ngoài những điều Việt cộng mong muốn là đưa lại cái thực chất cho những lời đồn đại nói rằng người Mỹ đã câu kết với Việt cộng do chính Việt cộng tung ra.

Để thêu dệt cho cái mắt lưới thất vọng vốn đã dày, Bắc Việt Nam lại ngỏ ý một cuộc chiêu đãi ngoại giao ở Hà Nội ngày 30-12-1967 và tại các cơ quan ngoại giao ở các nơi khác là nếu Mỹ ngưng ném bom miền Bắc, Bắc Việt Nam sẽ đồng ý nói chuyện.

Các quan chức Washington hăm hở đã vớ lấy bức điện đó dù đó là một thủ đoạn xảo quyệt

Rút cuộc Bắc Việt Nam chẳng nói điều gì dứt khoát, điều gì xoay quanh chuyện thương lượng như các quan chức hăm hở đã suy diễn. Chính phủ cộng sản của Rumani lại nhân đó đề nghị làm người môi giới. Lúc một đại diện của Rumani đến Hà Nội vào giữa tháng giêng năm 1968, Mỹ đã chứng minh thiện chí của mình bằng cách ngừng ném bom bên trong và chung quanh Hà Nội trong thời gian người đó đến thăm.

Việc ngừng ném bom đã phù hợp một cách tuyệt dẹp với các kế hoạch của các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam để cho nhân dân nước họ ăn một cái Tết đáng ghi nhớ trong khi đó lại tước mất Tết của nhân dân miền Nam.

Như trước đó đã tuyên bố ngừng bắn 7 ngày trong dịp Tết thì có cái gì tốt hơn đối với Bắc Việt Nam để thực hiện yếu tố bất ngờ là mở cuộc tấn công lớn trong dịp Tết, một sự xúc phạm đối với ngày lễ thiêng liêng mà nhân dân Việt Nam khó mà tin là có thể xảy ra được?

Năm 1789 vua Quang Trung đã dùng ngón này để đánh quân Trung Quốc chiếm đóng Hà Nội và đánh đuổi họ đi, nhưng bây giờ thì khó mà có chuyện làm hoen ố ngày Tết như vậy khi người Việt Nam lại đi đánh người Việt Nam. Ở miền Nam ai có thể hình dung sẽ xảy ra như vậy được?

Sợ rằng việc mở đầu cuộc chiến tranh tấn công sẽ làm cho máy bay Mỹ trở lại quấy rối lễ Tết ở Hà Nội, chính phủ Bắc Việt Nam đã đề ra chỉ thị thay đổi ngày Tết. Đáng lẽ ngày mùng 1 Tết là vào ngày thứ ba 30 tháng giêng thì nó lại được định vào thứ hai 29 tháng giêng, như vậy có nghĩa là lễ Tết sẽ bắt đầu từ chủ nhật 28-1. Làm như vậy là đã cho người Bắc Việt Nam có ba ngày Tết quan trọng trước khi binh lính của họ ở miền Nam đi vào cuộc tấn công sau khi Tết âm lịch thực sự bắt đầu từ ngày 31-1.

Lúc tôi nói chuyện với các phóng viên báo chí ở Sài Gòn tháng 8 năm 1967, trong đó có cho họ biết là theo tôi, Bắc Việt Nam đã đến lúc phải đánh giá lại chiến lược của họ, đề ra một “quyết định quan trọng”, tôi kh ông hề biết điều gì trong những diễn biến này. Tôi chỉ đưa ra những kết luận dựa vào logic.

Tôi cho rằng địch có 4 sự lựa chọn: họ có thể rút bỏ, nhưng làm như vây là không phù hợp với hệ tư tưởng hoặc các phương pháp của cộng sản; họ có thể trở lại chiến tranh du kích nhưng sức mạnh kết hợp của Mỹ, Nam Việt Nam và đồng minh sẽ đảm bảo là địch sẽ không đạt được những gì; họ có thể làm theo cách đang làm, trong đó có dựa vào sự chán nản của Mỹ đối với chiến tranh; hoặc họ có thể xông lên đẩy nhanh sự chán nản đó.

Nếu quyết định mà họ đề ra sẽ là có tính chất “quan trọng nổi bật” thì đó sẽ là sự xông lên với toàn lực của mình.

Những tháng mùa thu đã trôi qua, ngày càng có những dấu hiệu chứng minh là đang hình thành một hình thức thay đổi nào đó, có lẽ là thay đổi lớn. Điều này đã được thể hiện ở Lộc Ninh trong tháng 10 và ở Đăk To trong tháng 11 có tính chất khác thường. Số lượng các trận tấn công tương đối nhưng tăng lên khắp cả nước. Sổ lượng người đầu hàng theo chương trình chiêu hồi giảm xuống rõ rệt. Tù binh thì nói đến “thắng lợi cuối cùng” sắp tới. Lực lượng địch ở khu phi quân sự tăng lên. Số xe vận tải phát hiện được dọc đường mòn Hồ Chí Minh tăng lên khoảng 200%.

Theo tôi trong giai đoạn này, cách làm logic nhất đối với địch là nỗ lực khác mạnh hơn để đánh tràn vào hai tỉnh phía Bắc kết hợp với các cuộc tấn công nhỏ hơn khắp cả nước để tìm cách trói chặt lực lượng Mỹ lại không cho tăng viện cho phía Bắc.

Trong một thời gian, tôi nghĩ là họ có thể mở một cuộc tấn công lớn ở phía Bắc nhân dịp lễ Noel năm 1967 để cổ gắng giáng một đòn tâm lý vào dư luận ở Mỹ. Do đó, tôi đã chỉ thị phải xúc tiến kế hoạch cải thiện công tác hậu cần vì sẽ cần để tăng viện cho phía Bắc, nơi dễ bị tổn thương nhất so với các nơi khác.

Lúc tôi về Washington theo yêu cầu tổng thống tháng 11-1967, người phụ tá của tôi ở Sài Gòn, tướng Abrams đã điện cho tôi biết nội dung một tài liệu địch bắt được ở gần Đăk To kêu gọi có “một nỗ lực tấn công tập trung phối hợp với các đơn vị khác ở các chiến trường khác khắp Nam Việt Nam”.

Tôi đã thảo luận tài liệu này tại một cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc. Cuối cuộc họp Neil Shechan thuộc báo New York Times có nêu câu hỏi: “Xin ông nói ra một điều: Ông có nghĩ rằng trận Đăk To là bước mở đầu hay bước kết thúc của một cái gì cụ thể và đặc biệt đối với địch không?”. Tôi trả lời: “Tôi nghĩ rằng đó là bước mở đầu một sự thất bại lớn đối với địch”.

Các chiến thuật năng nổ của địch vào hồi cuối mùa thu ở Đăk To và ở các nơi khác hoàn toàn mâu thuẫn với bài báo của tướng Giáp đăng trên tờ háo chính thức của Bắc Việt Nam tháng 9-1967. Tướng Giáp tuyên bố một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài và kêu gọi bảo toàn lực lượng. Sau trận đánh mùa thu, tôi kểt luận rằng đó là một cách ngụy trang, một lối tỏ vẻ thất vọng có tính toán. Nó cũng mâu thuẫn với một tài liệu khác do binh lính sư đoàn dù 101 bắt được hôm 19 tháng 11, trong đó có nêu lên những nét lớn cho một cuộc tiến công lớn, “giai đoạn cuối cùng” của chiến tranh đã được đưa tin từ lâu. Tài liệu đó để lộ “bộ chỉ huy miền Trung kết luận rằng đã đến lúc phải có một cuộc cách mạng trực tiếp và thời cơ để mở một cuộc tổng tấn công và tổng nổi dậy đã đến”.

Văn phòng của CIA ở Sài Gòn tập hợp các bằng chứng khác nhau vào cuối tháng 11 càng củng cố thêm ý kiến về một chiến lược xông xáo hơn của địch.

Tại cuộc chiêu đãi của các sĩ quan cao cấp Việt Nam, tướng Trần Ngọc Tám, người mà tôi đã quen từ những ngày đầu đến Việt Nam, nói riêng với tôi là ông cảm thấy địch đã có kế hoạch cho một hành động quan trọng nào đó. Ông nói đó có thể là một đòn đánh mà chúng không có khả năng “giành được thắng lợi”.

Đúng như tôi đã nêu rõ trong bức điện gửi tướng Wheeler ngày 20 tháng 12, địch “đã có một quyết định quan trọng liên quan đến việc tiến hành chiến tranh”, mặc dù tôi đã nhầm lẫn ghi thời gian đề ra “quyết định nghiêm trọng” vào tháng 9, chứ không phải tháng 7.

Tuy nhiên, tôi không có ý định cứ ngồi chờ hành động của địch. Tốt hơn hết là đi vào chiến đấu, với hy vọng giành các cuộc tấn công của chúng để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào mà địch đã dự định và ít ra cũng ngăn không cho địch đẩy các căn cứ của họ ra khỏi các vùng biên giới.

Sự thay đổi rõ ràng trong chiến lược của địch trùng hợp với nỗ lực có phối hợp của Tổng thống Johnson. nhằm thuyết phục công chúng Mỹ rằng, trái ngược với nhiều tin tức báo chí và những lời dự đoán tai hại của những người chống chiến tranh, ở Việt Nam đã đạt được những tiến bộ thực sự. Mặc dù tôi không nhận được chỉ thị là cần nói những gì, những lần gọi tôi về Mỹ để xuất hiện trước công chúng trong năm 1967 rõ ràng là nằm trong nỗ lực đó. Đối với tôi và đối với các sĩ quan cao cấp của tôi ở Việt Nam, dễ dàng tán thành, mặc dù không cố ý trong chiến dịch của Tổng thống vì trong thực tế chúng tôi đã có những tiến bộ lớn. Chiến tranh đã diễn biến tốt, Nam Việt Nam đã được cải thiện tới mức họ có thể đảm nhận những trách nhiệm đang tăng lên, tôi đã có thể thấy trước khả năng bắt đầu rút quân Mỹ vào năm 1969.

Mặc dù sau đó tôi có lưu ý giới báo chí khi tin tình báo về các kế hoạch của địch đã rõ ràng hơn, tôi đã không nỗ lực có sự phối hợp nào để chuẩn bị cho công chúng của Mỹ về một sự sụp đổ của Mỹ vì tôi thấy không có sự sụp đổ nào sắp xảy ra. Tôi tin rằng dù địch có mưu toan gì, các lực lượng của Mỹ và Nam Việt Nam cuối cùng có thể đánh bại được. Thậm chí những lời cảnh cáo mà tôi và những người khác đưa ra thông qua báo chí và truyền hình nói chung không được ai chú ý. Hầu như năm nào bộ chỉ huy quân sự Mỹ cũng dự kiến một cuộc tấn công đông xuân của địch, và hầu như năm nào cuộc tấn công cũng kết thức mà không gây được hậu quả tai hại nào đối với Mỹ hoặc Nam Việt Nam. Có phải cuộc tấn công mới này chẳng qua chỉ là chuyện diễn ra như trước?

Thông qua Barry Zorthian và văn phòng hỗn hợp phụ trách các công việc công cộng của Mỹ, ngày 5 tháng giêng, phái bộ Mỹ đã công bố tài liệu mà sư đoàn dù 101 bắt được trong tháng 11, trong đó bộ chỉ huy miền Trung của Bắc Việt Nam có nêu rõ rằng đã gần đến lúc mở “cuộc tấn công và tổng nổi dậy”. Tài liệu này không nói thời gian cụ thể cho cuộc tổng tấn công đó nhưng đã cho thấy cái then chốt trong phương pháp của nó.

“Dùng các cuộc tấn công quân sự rất mạnh kết hợp với các cuộc nối dậy của nhân dân địa phương để chiếm các thành phố và đô thị. Quân đội phải dồn xuống đồng bằng. Họ phải tiến về giải phóng đô thành (Sài Gòn), chiếm chính quyền và ra sức lôi kéo các lữ đoàn và trung đoàn địch về phía chúng ta từng đơn vị một. Tuyên truyền phải được tiến hành rộng rãi trong nhân dân nói chung và truyền đơn phải được đưa tới sĩ quan và binh lính địch”.

Ít quan chức hoặc nhà báo Mỹ chú ý đến tài liệu này. Thậm chí những phóng viên nào đó đưa tin này trên mặt báo của họ cùng không làm nổi bật tài liệu đó. Tôi không thể đổ lỗi cho họ được. Tuy tôi có thừa nhận rằng cộng sản rất có thể tiến vào thành phổ và thị xã, vì không có bức tường nào không thể vượt qua được bao quanh các thành phố và thị xã, tôi biết địch không thể chiếm giữ được. Trước sức mạnh của Mỹ và Nam Việt Nam, nếu Việt cộng và Bắc Việt Nam từ các nơi ẩn náu xuất hiện khắp cả nước thì chỉ chuốc lấy tổn thất bi thảm và thất bại chắc chắn. Việc cộng sản tăng cường binh lực lớn ở khu phi quân sự và ở Khe Sanh đã là một thực tế, rất hợp logic và có nhiều hứa hẹn cộng sản mở các cuộc tấn công nghi binh ở các nơi khác trong khi đó tập trung lực lượng để tạo ra một cái giống như Điện Biên Phủ ở Khe Sanh và chiếm lấy hai tỉnh phía Bắc.

Một cuộc tấn công của cộng sản rõ ràng là đang tới mà tôi cho là sẽ được phát động ngay trước Tết để địch có thể giành được lợi thế của cuộc ngừng bắn trong dịp Tết và thúc dục quân của họ khai thác mọi thành quả đạt được ngay từ đầu. Như tôi đã báo cáo trước Hội đồng phái bộ Mỹ ngày 15 tháng 1, tôi thấy khả năng là 60- 40% địch sẽ đánh trước Tết, có thể vào ngày 25-1. Ngược lại, tướng Davidson, sĩ quan tình báo của tôi, lại thấy khả năng là 40-60% địch sẽ vận động trong thời gian ngừng bắn và sẽ đánh sau Tết. Cả hai chúng tôi không ai thấy có khả năng chắc chắn là địch sẽ đánh vào đúng ngày Tết vì làm như vậy sẽ có tác dụng tâm lý bất lợi và xấu đối với nhân dân mà địch đang ra sức lôi kéo về phía họ.

Một điều trùng hợp xảy ra là ở Mỹ có một chiến dịch đòi ngưng ném bom toàn bộ ở miền Bắc, với giả định sẽ thúc đẩy các cuộc thương lượng mà Bắc Việt Nam đã đưa ra làm kế ngụy trang cho cuộc tấn công sắp tới. Những nhân vật hàng đầu chủ trương ngừng ném bom, theo tin các báo, gồm có thượng nghị sĩ Fulbright và Robert Kennedy. Ngày 22 tháng 1, lúc trả lời phỏng vấn của của Howard Tuckner thuộc hãng truyền hình ABC, tôi lên tiếng phản đối việc ngừng ném bom. Tôi còn nêu rõ: “Tôi nghĩ rằng các kế hoạch (của địch) có liên quan đến một nỗ lực lớn nhằm giành thắng lợi lớn nổi bật trên chiến trường trước lễ Tết vào ngày thứ hai tuần tới”.

Tôi đã chuyển những ý kiến đánh giá này thông qua con đường chính thức cho tướng Wheeler. Trong bức điện đề ngày 20 tháng 1, thậm chí tôi còn nghi ngờ lễ Tết là một khả năng mở đầu cuộc tấn công.

Mối đe dọa to lớn tới mức tôi đã đích thân đến gặp Tổng thống Thiệu đề tìm cách thuyết phục ông đồng ý hủy bỏ việc ngừng bắn quen thuộc trong dịp Tết hoặc ít ra giảm thời gian ngừng bắn từ 48 giờ xuống 24 giờ. Cả tướng Viên lẫn tổng thống Thiệu không ai đồng ý hủy bỏ hoàn toàn.

Họ nói: sẽ là một cái đòn quá đau đối với quân đội Nam Việt Nam và nhân dân nếu hủy bỏ mọi việc thờ cúng trong dịp ngày lễ quan trọng nhất của đất nước, đồng thời lại tạo ra cho địch một cái cớ để tuyên truyền chống chính phủ Nam Việt Nam. Theo yêu cầu của tôi, Thiệu đồng ý rút ngắn thời gian ngừng bắn chỉ để 36 giờ và hứa sẽ hạn chế nghỉ phép đối với quân lính Nam Việt Nam và tối thiểu phải có 50% quân số trong tất cả các đơn vị ở trong tư thế báo động hoàn toàn.

Tết càng đến gần, tôi càng lo lắng trước việc tăng cường binh lực ở phía Bắc khu phi quân sự và ở Lào giáp với hai tỉnh phía Bắc của Nam Việt Nam và trước cái lợi thế mà việc ngừng bắn sẽ tạo ra cho địch trong việc chuyển quân. Lấy ví dụ lần trinh sát mới nhất cho thấy địch đã dùng máy ủi đất để xây dựng một con đường ở thung lũng A Shau hướng về Huế.

Theo yêu cầu của tôi, đại sứ Bunker đã yêu cầu Washington cho hủy bỏ hoàn toàn việc ngừng bắn ở hai tỉnh phía Bắc và nếu Washington ngừng ném bom nói chung thì vẫn cứ tiếp tục ném bom ở khu vực này ngay ở phía Bắc khu phi quân sự là nơi địch đang tập trung. Được Washington chuẩn y, tôi lại được tổng thống Thiệu tán thành.

Để địch có ít thời gian thích ứng với việc hủy bỏ này, chính phủ Nam Việt Nam đã hoãn thông báo cho tới sáng thứ hai 29 tháng 1, 24 giờ trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Nhưng buổi sáng đó trôi qua mà không có lệnh hủy bỏ. Tôi gọi điện thoại cho sứ quán để yêu cầu chính phủ Nam Việt Nam bảo văn phòng báo chí của họ ra thông cáo báo chí nhưng văn phòng báo chí đã đóng cửa nghỉ Tết. Tổng thống Thiệu đã đi Mỹ Tho ăn Tết ở quê vợ.

Một thái độ giả vờ như vậy của phía chính phủ thật là đáng kinh ngạc và thất vọng, nhưng đó là một dấu hiệu cho thấy một trạng thái tinh thần gần như là hể hả, hí hửng đang bao trùm lên người Việt Nam vào ngày Tết. Hết sức lo lắng, tôi gọi điện thoại cho tướng Viên nhiều lần trong ngày để ông đảm bảo rằng quân đội sẽ được báo động. Tôi đã giải thích với đại sứ Bunker rằng chúng tôi không có cách nào khác là phải thông báo việc hủy bỏ ngừng bắn ở phía Bắc một cách đơn phương. Barry Zorthian cuối cùng đã làm như vậy tại cuộc họp báo của phái bộ vào cuối buổi chiều.

Ngoài việc chuyển các đơn vị đến gần Sài Gòn và thực hiện báo động toàn vùng quân đoàn II, tôi đã chỉ thị cho tất cả các đơn vị phải có lực lượng dự bị cơ động để nhanh chóng triển khai. Tôi cũng chỉ thị có sự nỗ lực toàn diện khắp cả nước để thu thập tình báo.

Một vài ý kiến và tâm trạng lo lắng trong bộ chỉ huy của tôi dã thể hiện rõ qua một bức điện mà tướng Davidson, sĩ quan tình báo của tôi, gửi ngày 21 tháng 1 cho CINCPAC để nhờ chuyển cho vợ ông mà ông định gặp ở Hawai: “Nhờ nói hộ cho Jeanne biết là tôi không thể gặp bà ta ở Honolulu. Nhờ giải thích, trong phạm vi bí mật, là tình hình tác chiến căng thẳng không cho phép tôi đến đó được. Xin cám ơn!”.

Ngày 22 tháng 1, tôi điện cho tướng Wheeler nói rằng địch có thể phát động một cuộc tấn công bằng nhiều tiểu đoàn vào Huế và cũng đánh cả thị xã Quảng Trị.

Tại cuộc hội nghị về chiến lược và tình báo sáng thứ bảy ngày 27 tháng giêng, tướng Davidson đã dự kiến các cuộc tấn công lớn khắp cả nước, ông nêu cụ thể các thị xã Kontum và Pleiku, ông không nêu rõ ngày nào sẽ nổ ra các cuộc tấn công đó, không chỉ rõ thành phố hoặc thị xã nào khác. Tuy nhiên tôi ngày càng lo ngại cho Sài Gòn, một phần vì tôi đã chấm dứt cuộc hành quân Fairfax vào tháng 12, triển khai lại lữ đoàn bộ binh 199 và giao việc bảo vệ vùng chu vi thủ đô và trong nội đô cho Nam Việt Nam. Tôi coi đó là điều cần thiết cho tinh thần tự hào quốc gia của họ nhưng nó đã thực hiện vào những thời điểm gay go.

Trước Tết một, hai ngày, tôi gọi điện thoại cho tướng Weyand bảo ông điều một đại đội thuộc sư đoàn kỵ binh số 4 tới thị xã Hóc Môn, gần Tân Sơn Nhất. Được trang bị bằng xe bọc thép tấn công, đại đội này sẽ là một lực lượng dự bị cơ động sẵn sàng chiến đấu với hỏa lực lớn. Không phải là loại người gọi dạ bảo vâng, Weyand tỏ ý không tán thánh điều đại đội đó đi. Tôi nói: “Cứ làm đi, tôi đã biết ý kiến của ông và đã xem xét. Làm ngay đi.”

Chủ nhật 28 tháng 1, hai ngày trước Tết, quân an ninh của quân đội Nam Việt Nam đã tấn công một ngôi nhà ở ngoại ô thành phố Quy Nhơn. Họ bắt được 11 Việt cộng, một máy ghi âm và hai băng ghi âm. Hỏi cung bọn bị bắt thì thấy Việt cộng chắc chắn sẽ tấn công Quy Nhơn và các thành phố khác trong dịp Tết. Băng ghi âm là những tài liệu tuyên truyền sẽ phát trên đài phát thanh của chính phủ khi chiếm được, kêu gọi nhân dân và quân đội đứng về phía “lực lượng nhân dân đấu tranh cho hòa bình và chủ quyền”, góp phần đập tan chế độ độc tài phát xít Thiệu - Kỳ.

Chúng tôi đã có một số dấu hiệu báo động về các cuộc tấn công vào các thành phố và thị xã, mặc dù chúng tôi khó mà hy vọng biết được các kế hoạch chính xác của địch và cũng không có ai dự kiến được quy mô các cuộc tấn công vào các thành phổ và thị xã thực tế đã diễn ra trong cả nước.

Theo tôi biết, không có ai ở Sài Gòn dự kiến, dù rất mập mờ về tác động tâm lý của cuộc tấn công đó ở nước Mỹ. Về mặt quân sự, cuộc tấn công đã thấy trước là sẽ thất bại, sẽ kết thúc ở khắp mọi nơi, trừ ở Sài Gòn, Huế và Khe Sanh; trong một, hai ngày chắc chắn rằng không có cái gì có thể so sánh với sáu tuần lễ cần có để đánh bại và thủ tiêu những thành quả của trận Bulge hoặc so sánh với mức bạo lực và những thắng lợi lớn của trận tấn công của Trung cộng ở Triều Tiên. Nhân dân Mỹ đã tiếp nhận những đòn tâm lý đó với mức chấn thương nhỏ. Theo tôi biết, không ai thấy trước rằng, đứng về mặt dư luận công chúng, báo chí và truyền hình sẽ biến sự thất bại quân sự thảm hại đối với địch thành một sự sụp đổ giả tạo đối với người Mỹ và quân đội Nam Việt Nam, cách nhìn nhận này vẫn còn lướng vướng trong tâm trí nhiều người,

Một trong số ít nhà báo có cho độc giả ở Mỹ biết một vài điều nghi ngờ về một cái gì khác thường sắp xảy ra là Don Oberdorfer - sau đó viết cho báo Washington Post và là tác giả một cuốn sách có tiếng tăm viết về cuộc tấn công (cuốn Tết, do Doubleday and Company xuất bản ở New York năm 1971) hồi đó đã viết trên báo Miami Herald nhưng lại thấy bài của anh bị cột vào một đầu đề có tác dụng che giấu ảnh hưởng của cuộc tấn công: Mục tiêu mới của Hà Nội: áp đặt “giải pháp” liên hiệp chăng?

Oberdorfer viết từ Sài Gòn ngày 12 tháng 1: “Nhiều người (quan chức Mỹ) ngày càng nghĩ rằng một hai tháng tới sẽ xảy ra một hành động quan trọng - có lẽ là nổi bật - về phía địch. Ba tuần lễ tới - từ nay đến Tết âm lịch của Việt Nam - được coi là đặc biệt quan trọng”. Sau khi phỏng vấn Fred Weyand, Oberdorfer đưa tin về “những thay đổi rõ rệt” trong chiến thuật của cộng sản, chuyển lực lượng về hướng Sài Gòn, quân Bắc Việt Nam thay thế cho các đơn vị Việt cộng và các kế hoạch của cộng sản tấn công bằng những đội hình lớn”.

Thế nhưng ai sẽ chịu nghe những lời đó? Làm thế nào báo động được cho mọi người biết khi mà báo chí, Quốc hội và Nhà Trắng đang lo chuyện Khe Sanh và tác động có thế có của việc ngưng ném bom trong việc thúc đẩy Bắc Việt Nam chịu thương lượng? Bắc Việt Nam đã vạch ra bài bản khôn khéo trong đó có việc đe dọa Khe Sanh rồi đánh tiếng cũng rất khôn ngoan về vấn đề thương lượng, thế rồi, dù là vô tình, nhiều người Mỹ, trong đó có báo chí, Quốc hội, các nhà trí thức ở các trường đại học, thậm chí cả các quan chức chính phủ đóng vai trò người ta dành cho họ một cách có hiệu quả như thể họ đã được đọc trước văn bản thương lượng.

Dù địch đã vạch kế hoạch khá phức tạp cho cuộc tấn công, đã có một vài điều sai trái về mặt thời điểm.

Lúc 12 giờ 35 phút sáng ngày 30 tháng 1, hơn nửa giờ sau khi năm con Khỉ bắt đầu, các pháo thủ của cộng sản đã bắn sáu phát súng cối vào trung tâm huấn luyện hải quân của Việt Nam ở Nha Trang nhưng không trúng. Một giờ sau, lúc những người ăn mừng lễ Tết đang dạo chơi trên những đường phố Buôn Mê Thuộc, đốt những tràng pháo dài thì một loạt súng cổi và rocket nã vào thành phố, sau đó là trận tấn công của hai tiểu đoàn. Cũng vào khoảng thời gian đó, một tiểu đoàn địch đánh vào quận lỵ Tân Cảnh, kế cận Đăk To.

Nửa giờ sau, ba tiểu đoàn Việt cộng tiến đánh thị xã Kontum, trong khi đó có một tiểu đoàn tấn công vào Nha Trang. Chưa đầy một giờ sau đó, một cuộc tấn công trên bộ diễn ra ở Hội An, một thành phố cổ nằm ở phía Nam Đà Nẵng. Tại Đà Nẵng, một đại đội Việt cộng đánh vào doanh trại sở chỉ huy quân đoàn I của Việt Nam.

Đến 4 giờ 10 phút sáng, hai tiểu đoàn Việt cộng tấn công ngoại ô Quy Nhơn. Ở đây, vì đã có báo động trước đó hai ngày nên viên chỉ huy địa phương cấm đốt pháo. Tuy nhiên, quân thâm nhập đã nhanh chóng kiểm soát được đài phát thanh của chính phủ nhưng không có băng ghi âm để phát thanh.

Đến 4 giờ 40 phút, cuộc tẩn công mà người ta chờ đợi từ lâu vào Pleiku đã diễn ra khiến cho tướng Vĩnh Lộc vội vã từ Sài Gòn trở về, hình như lo cho biệt thự của ông hơn là cho trận đánh nói chung.

Tại 8 thành phố và thị xã đó, thực tế Việt cộng đã đánh trước thời gian quy định. Tại sao lại như vậy thì không hề được giải thích. Tất cả 8 nơi đó đều nằm dưới quyền cai quản chung của quân khu 5 của địch, do đó bộ chỉ huy quân khu có thể đã có sai sót. Có thể là cuộc tấn công lúc đầu dự định vào sáng 30 tháng giêng nhưng đã đượcchuyển sang ngày 31 lúc Bắc Việt Nam quyết định để cho nhân dân của họ ba ngày ăn Tết trước mà phân khu 5 không nhận được chỉ thị. Hoặc là việc B52 phá hủy sở chỉ huy của Bắc Việt Nam ở gần Khe Sanh có thể đã có ảnh hưởng gì đến việc này chăng?

Vào giữa buổi sáng 30 tháng 1, tổng thống Thiệu báo hủy việc ngừng bắn khắp cả nước. Một lát sau, thông qua tham mưu trưởng của tôi, trung tướng Walter T. Kerwin, tôi gởi điện khẩn cho tất cả các đơn vị Mỹ báo tin hủy bỏ lệnh ngừng bắn và chỉ thị rằng “quân lính sẽ được đặt  trong tình trạng báo động cao nhất, trong đó có chú ý đặc biệt tới việc bảo vệ các khu liên hiệp chỉ huy, các cơ sở hậu cần, các sân bay, các trung tâm dân cư và các cư xá”.

Mặc dù đài phát thanh của chính phủ suốt ngày 30 tháng 1 phát thông cáo liên tiếp, ra lệnh cho tất cả quân nhân Việt Nam phải trở về các đơn vị của họ, nhưng ít ai thi hành. Tại các xã ấp hẻo lánh, nhiều người không biết tới lệnh đó. Vì thiếu phương tiện giao thông, những người khác thấy không trở lại đơn vị được dù có cổ gắng đến mấy đi nữa. Những người khác thấy trong lúc lâm nguy họ cần ở nhà để bảo vệ gia đình. Lực lượng thực tế ở hầu hết các đồn bót của quân đội Nam Việt Nam chỉ có 50% hoặc ít hơn.

Các cuộc tấn công của địch xảy ra đúng kể hoạch trước rạng đông ngày 31 tháng 1, do đó về cơ bản không có gì bất ngờ. Các cuộc tấn công vào các cơ sở cụ thể trong thành phố và thị xã có gây ra một yếu tố bất ngờ vì không ai có thể biết được kế hoạch chính xác của địch trong mỗi cuộc tấn công rộng khắp đó. Tình báo cũng ít khi nói được cụ thể đến như vậy. Vả lại các cơ sở cô lập không phải là không thâm nhập được, dù lính gác có cảnh giác đến mấy. Cũng không thể phát hiện được trong đám người đông đúc đi chơi Tết lính Việt cộng khi thâm nhập mang căn cước giả như những người thường dân, những kẻ mà sau khi đã vào thành phố thì mang vũ khí và chất nổ giấu ở những phần tử đồng mưu với địch để mở những cuộc tấn công cảm tử vào các mục tiêu như các đài phát thanh, các khu doanh trại, các công sở của chính phủ, nhà ở của các chỉ huy quân đội Nam Việt Nam và của các quan chức chính phủ hoặc ngôi nhà mới, đồ sộ, có sáu tầng ở đường Thống Nhất, Sài Gòn: sứ quán Mỹ.

Thứ ba 30 tháng 1 là một ngày bận rộn, tôi đã đến gặp hoặc gọi điện thoại cho từng tư lệnh cao cấp của Mỹ ở Việt Nam để thảo luận về khả năng có các cuộc tấn công rộng khắp ngay trước mặt, rồi về nhà rất muộn và rất mệt mỏi. Đến ba giờ sáng ngày hôm sau, phụ tá của tôi, thiếu tá Charles Sampson đánh thức tôi dậy vì có người gọi điện thoại ở sở chỉ huy của tôi.

Các cuộc tấn công mà chúng tôi đã dự kiến và một sổ cuộc mà chúng tôi không dự kiến đã diễn ra, kể cả những cuộc tấn công của quân đặc công vào sứ quán Mỹ.

Tôi mặc quần áo và đứng canh cạnh máy điện thoại ở nhà. Cuộc tấn công vào sứ quán là đáng tiếc nhưng dù địch đã kiểm soát từng tấc đất trong sứ quán, điều đó vẫn không có ảnh hưởng đến các hoạt động quân sự của Mỹ và nhân viên sứ quán đã có địa điểm thay thế ở nơi khác trong thành phố. Đáng lo ngại về mặt quân sự hơn hết là các cuộc tấn công vào Tân Sơn Nhất, khu Bộ Tổng tham mưu cạnh đó và những cuộc tấn công khác đã bắt đầu diễn ra trong các thành phố trong cả nước.

Thiếu tá Sampson gọi điện thoại cho một lính thủy đánh bộ gác ở tiền cảnh của sứ quán, ngôi nhà chính của sứ quán, thì biết chắc rằng Việt cộng đã không vào được sứ quán. Sau đó tôi được biết họ đã đục một lỗ ở tường bao quanh sứ quán để vào bên trong sân. Hai quân cảnh, chuyên viên bậc 4 Charles L. Daniel và binh nhì bậc 1 William F. Sabast đã giết chết hai tên Việt cộng đầu tiên xông vào nhưng bản thân họ đã chết trong khi bắn nhau. Hai binh sĩ của một đội đi tuần tiễu trên xe jeep nghe tiếng kêu cứu cũng bị giết: thượng sĩ Jonny B. Thomas và chuyên viên bậc 4 Owen E. McBust. Người Mỹ thứ 5, hạ sĩ lính thủy đánh bộ James C. Marshall, trèo lên nóc một ngôi nhà để nổ súng vào sứ quán cũng bị giết.

Đây là một trận đánh có nhiều kịch tính, một màn kịch càng hấp dẫn hơn nhờ một thực tế là một số nhân viên ít ỏi trực ban đêm trong sứ quán đã tiếp xúc bằng điện thoại suốt cả trận đánh với Bộ ngoại giao ở Washington. Hai nhân viên của sứ quán, Robert L. Rosephson, một thượng sĩ lục quân đã về hưu và George O. Jacobson, một đại úy đã về hưu, có nhiều kinh nghiệm quân sự trước đây ở Việt Nam sống trong một biệt thự cũ của Pháp nằm trong sứ quán, đã nhảy ra chiến đấu. Họ chẳng có vũ khí nào khác ngoài một quả lựu đạn và một cái móc áo. Lúc một trung đội quân cảnh vào sứ quán vào lúc rạng sáng, một người đã ném cho ông một khẩu súng lục cỡ 45 qua cửa sổ, kịp thời để Jacobson giết chết một lính Việt cộng lúc hắn đang lên gác tới chỗ ông và Josephson đang nấp.

Đến sáng, một trung đội lính dù Mỹ đổ xuống ở sân bay trực thăng trên nóc sứ quán, nhưng đến lúc đó thì cuộc chiến đấu đã chấm dứt. Tất cả 15 đặc công Việt công bị giết cùng với 5 người Mỹ và 4 nhân viên người Việt Nam ở sứ quán, một người trong số này có thể là một tay chân của Việt cộng.

Ngay khi tôi được biết là quân dù đã đổ vào, tôi lái xe đến sứ quán. Lúc đó là 8 giờ 30 phút sáng. Cũng giống như bất cứ chiến trường nào, khu sứ quán thật là hỗn độn, xác người Mỹ và người Việt Nam vẫn nằm ngổn ngang. Nhưng không giống như hầu hết các các chiến trường, các nhà quay phim và các nhà báo Mỹ hình như có mặt khắp mọi nơi. Nét mặt họ ánh lên nỗi buồn bực và tâm trạng không tin tưởng như thể sự tận cùng của thế giới đã đến nơi rồi.

Vào sứ quán, tôi khen ngợi người lính gác lính thủy đánh bộ đã nói chuyện điện thoại với thiếu tá Sampson và tôi đã báo cáo bằng điện thoại với Philip Habib, lúc đó đã công tác ở Bộ ngoại giao tại Washington. Sau đó, tôi báo cáo bằng điện thoại với đại sứ Bunker và đề nghị là tất cả các nhân viên sứ quán người Mỹ phải đến sứ quán làm việc vào buổi trưa. Lúc tôi ra về, Barry Zorthian yêu cầu tôi tổ chức một cuộc họp báo tại chỗ. Tôi đã nhân cơ hội đó để nói về cuộc tấn công vào sứ quán và các cuộc tấn công ở nông thôn trong viễn cảnh của chúng.

Tôi nói trái ngược với tin đồn, không một Việt cộng nào vào được trong sứ quán. Sứ quán chỉ hư hại nhẹ (!!). Còn về cuộc tấn công lớn khắp cả nước, địch khi đã xuất hiện công khai tức là đã tự mình phơi trần ra. Hoàn toàn ý thức được sức mạnh và khả năng của Mỹ và Nam Việt Nam, tôi không do dự gì mà nói rằng địch đang chuốc lấy thất bại.

Những cố gắng của tôi nêu triển vọng của tình hình đã tỏ ra vô ích. Sau đó Don Oberdorfer có viết cuộc tấn công vào sứ quán “hình như đã bác bỏ những lời dự đoán có tính chất tô hồng và những lời khoe khoang thắng lợi mà Westmoreland và những người khác đã tung ra”. Oberdorfer nói “các nhà báo khó mà có thể tin ở lỗ tai mình nữa. Westmoreland đã phải đứng trước cảnh đổ nát và nói mọi việc thật là to lớn”.

Thái độ của các nhà báo Mỹ chắc chắn đã góp phần vào thắng lợi tâm lý mà địch đã giành được ở Mỹ. Liệu người ta còn nghe tôi nữa không khi họ nói rằng các bức tường đều đổ trong khi tôi biết rằng tường không đổ? Rằng địch đang thắng khi tôi biết rằng địch đang trên hờ vực của một thất bại quân sự thảm hại? Tuy có ghi nhận ý kiến của tôi nói rằng địch không vào được sứ quán, một nhà báo còn viết thêm rằng căn cứ vào các nguồn khác - nghĩa là tin dồn nhưng không được xác định - thì lại khác.

Liệu lời nói của một quân nhân chuyên nghiệp chịu trách nhiệm quân sự toàn bộ về cuộc chiến tranh ở Nam Việt Nam và đã đích thân đến dinh của sứ quán có đáng tin hơn những lời đồn đại không? Phải chăng mức độ đăng tin đã xuống thấp đến như vậy?

Trong cuộc chạy đua để thu lượm mọi chi tiết giật gân của câu chuyện sứ quán, các nhà báo rõ ràng ít khi chịu kiểm tra thực tế mà chỉ lo được lời khen của tờ báo ở nước nhà do đưa tin nhanh hơn người khác mà thôi. Họ đã gửi những cuốn phim chưa được kiểm tra bằng máy bay tới Tokyo để nhờ vệ tinh chuyển về Mỹ trong khi các sự kiện chưa được khẳng định. Chet Huntley thuộc hãng truyền hình NBC, mục tin buổi chiều, nói rằng Việt cộng đã vào bên trong sứ quán, còn quân bảo vệ thì bị đẩy ra ngoài. Huntley nói không có thông báo về thương vong của đồng minh ở Sài Gòn, “nhưng người ta tin rằng con số đó là cao”. Thử hỏi những lối đoán mò đó có đúng không? Có phải nỗ lực lâu dài và tốn kém của Mỹ ở Việt Nam có bị hy sinh đi vì những bọn tôn sùng cái giật gân và sự cạnh tranh không?

Với sự cảm phục quá đáng, chẳng ai còn thì giờ để nghĩ rằng ngay trong chiến tranh chính quy, bọn tấn công ẩn nấp có thể luồn qua các phòng tuyến để gây thiệt hại ở tuyến sau. Trong chiến tranh không chính quy, cơ hội đó còn nhiều hơn nữa. Trong nội chiến, bọn gián điệp và bọn biệt kích Yankee đôi khi đã đột nhập vào vành đai phòng thủ cẩn mật của Richmond, mà Sài Gòn thì không phải là Richmond. Cái đáng ngạc nhiên không phải là ở chỗ Việt cộng đánh các cơ sở như sứ quán mà là ở chỗ họ đã làm như vậy rất ít lần.

Trở lại sở chỉ huy của tôi ở Tân Sơn Nhất, sau khi đã đến sứ quán hôm 31 tháng 1, tôi biết được quy mô của cuộc tấn công của địch ở các nơi khác trong nước. Trong các cuộc tấn công trước thời hạn, các cuộc tấn công chính hoặc các cuộc tấn công thêm sang ngày thứ ba, có khoảng 84.000 quân địch, chủ yếu là Việt cộng có kết hợp với quân thay thế của Bắc Việt Nam đã đánh vào 36 thành phố, thị xã của 44 tỉnh lỵ, 5 thành phố trong 6 thành phố tự trị, 64 trong số 242 quận lỵ và 50 ấp. Đó là cuộc tấn công trên một mặt trận rộng lớn.

Quân địch đã vào Sài Gòn, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, thị xã Kontum, Buôn Mê Thuột, Đà Lạt, Phan Thiết, Mỹ Tho, Cần Thơ và Bến Tre. Trong phần lớn các trận này, dân vệ và quân đội Nam Việt Nam đã đẩy lùi được địch trong vòng hai, ba ngày, có trường hợp chỉ mất vài giờ; những cuộc chiến đấu ác liệt vẫn tiếp diễn nhiều ngày ở thị xã Kontum, Buôn Mê Thuột, Phan Thiết, Cần Thơ, Bến Tre và Sài Gòn, ở Huế thì chiến sự bị kéo dài.

Do bị mất trại CIDG - lực lượng đặc biệt ở thung lũng A Shau năm 1966 và do thiếu lực lượng để đánh chiếm lại, chúng tôi không có vật chướng ngại như Khe Sanh để chống lại sự thâm nhập của địch qua thung lũng A Shau tiến về hướng Huế. Lợi dụng sương mù, mây mưa thường có vào mùa này trong năm, ít nhất đã có 8 tiểu đoàn Việt cộng và Bắc Việt Nam, tương đương một sư đoàn,  thâm nhập cố đô Huế với sự giúp đỡ của những người dân thông đồng với họ.

Trong tất cả các mục tiêu của cộng sản trong cuộc tấn công Tết, Huế - với dân số 140.000 người, là thành phố lớn thứ ba của Việt Nam - có thể là nơi kém chuẩn bị nhất để đối phó với tình hình bất trắc. Mặc dù tôi đã báo cáo với Washington ngày 22 tháng 1, dự kiến sẽ có cuộc tấn công bằng nhiều tiểu đoàn vào Huế, tôi được biết sau đó vì lý do nào đó thông báo này không đến được với nhóm cố vấn nhỏ của MACV đóng ở một khu doanh trại nhỏ trong thành phố.

Trong ngày đầu của năm mới âm lịch 30 tháng 1, đã có những dấu hiệu rõ ràng của tình báo, cho thấy địch đang chuyển quân về Huế, nhưng tin đó trước hết phải được chuyển tới bộ chỉ huy lực lượng thủy bộ của lính thủy đánh bộ III ở Đà Nẵng để phân tích. Sau đó mới chuyển cho nhóm cố vấn nhỏ bé của Mỹ ở Huế thì thời gian có ích đã qua mất rồi.

Tuy nhiên đã có sự báo động được đưa ra vào phút cuối cùng. Các cuộc tấn công trước thời hạn của địch ở các nơi khác cộng với những tin tức khác, đã khiến cho con người chịu trách nhiệm bảo vệ Huế, tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh sư đoàn 1 của Nam Việt Nam, thấy rằng đã có chuyện gì đó đã xảy ra. Phần lớn quân của Trưởng đã ra ngoài thành phố nhưng bộ chỉ huy sư đoàn của ông vẫn ở Thành nội. Trưởng đã báo động toàn bộ nhân viên của sư đoàn ông phải ở đêm tại sở chỉ huy.

Những việc đề phòng này sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho cuộc chiến tranh sau đó và đảm bảo cho quân Nam Việt Nam giữ được một bộ phận của Thành nội nhưng những việc đó không có giá trị gì nhiều đối với cuộc tấn công mở màn của địch. Địch đã vào Huế ban đêm. Đến rạng sáng ngày 31 tháng 1, doanh trại cố vấn của MACV bị bao vây và phần lớn Huế đã nằm trong tay địch, kể cả phần lớn Thành nội Lá cờ màu xanh và đỏ với ngôi sao vàng của Việt cộng đã bay trên cột cờ thành Huế. Đây là lần duy nhất Việt cộng kéo được lá cờ của họ lên trong các mục tiêu tấn công của họ ở dịp Tết.

Lúc trận đánh bắt đầu, quân Việt Nam và lính thủy đánh bộ chiến đấu không dùng xe tăng, pháo binh và không quân yểm trợ vì muốn bảo vệ cái thành phổ rất giàu di sản quý báu này, nhưng vì địch bám giữ một cách dai dẳng nên cứ theo chính sách đó thì mất quá nhiều sinh mạng Mỹ và Nam Việt Nam. Tổng thống Thiệu bèn cho phép dùng bất kỳ phương tiện nào cần thiết để lấy lại thành phố. Sự tàn phá không tránh khỏi đã xảy ra. Khi quân Nam Việt Nam đã hạ được lá cờ của Việt cộng sau 25 ngày chiến đấu thì phần lớn Thành nội và khu nhà ở của thành phổ phía Nam sông Hương đều bị hư hại. Trái với những tin tức đăng trên báo chí Mỹ, lâu đài và phần lớn các dinh thự khác của triều đình vẫn còn, nhưng Huế ở Việt Nam tượng trưng rõ nhất cho cảnh tàn phá của cuộc chiến đấu trên đường phố trong Thể chiến thứ hai.

Nhiều người Mỹ đã dính vào các trận đánh trong cuộc tấn công Tết: cố vấn của các đơn vị quân đội Nam Việt Nam, các đơn vị lẻ, quân lính đã đánh nhau với các đơn vị địch đang tiến về các mục tiêu tấn công, các phi công của không quân, các phi đội trực thăng quân cảnh.

Về cơ bản cuộc tấn công Tết là trận đánh của người Việt Nam: quân đội Nam Việt Nam, các thành phần khác của quân đội Nam Việt Nam, dân vệ, cảnh sát quốc gia; đó là những người góp phần chủ yếu đẩy lùi cuộc tấn công. Một số cá nhân riêng lẻ đã không làm tròn trách nhiệm, một chỉ huy nào đó đã tỏ ra kém cỏi, nhưng trên đại thể, khi đứng trước sự thử thách giai nguy, không một đơn vị nào của quân đội Nam Việt Nam là bỏ cuộc hoặc đào ngũ. Quân Nam Việt Nam đã hoàn toàn đáp ứng lòng tin cậy của tôi.

Tình trạng phá hủy đã xảy ra ở Sài Gòn, Huế, Bến Tre và các nơi khác là điều đáng phàn nàn nhưng là hậu quả không tránh khỏi khi kẻ địch đã quyết định đưa chiến tranh tới các thành phố lớn. Rút cục ở đây chính là bằng chứng không thể chối cãi về sự thiệt hại mà chiến tranh gây ra trong nhân dân.

Trừ ở Huế, phần lớn các trận đánh được coi là nằm trong cuộc tấn công Tết đều chấm dứt vào ngày 11 tháng 2, khoảng hai tuần sau khi bắt đầu, tiếp sau đó còn có những trận đánh ác liệt ở địa phương, phần lớn bằng súng cối và rocket cho đến ngày 18 tháng 2. Từ trận mở đầu trước thời hạn ngày 29 tháng 1 cho tới 11 tháng 2, cộng sản đã bị chết 32.000 người, 5.800 tên bị bắt, gần một nửa số quân thực sự tham chiến. Quân Mỹ chết 1.001 người, quân Nam Việt Nam và quân đồng minh chết 2.082 người. Đến cuối tháng 2, lục quân Mỹ và Nam Việt Nam càn quét các vùng chung tranh các thành phố và thị xã, sổ địch bị giết lên tới 37.000 tên.

Trừ trường hợp ở Huế là địch nắm giữ được một mục tiêu trong thời gian khá dài. Trong thực tế, thắng lợi của họ quá ngắn ngủi nên phần lớn các đơn vị Bắc Việt Nam, mà địch rõ ràng là đang chờ đợi để khai thác thắng lợi đã không hề tham chiến.

Cũng không hề có các cuộc nổi dậy của nhân dân. Nó đã nói rõ thêm một thất bại quân sự nổi bật của địch.

Trong một chỉ thị do Trung ương cục miền Nam, bộ chỉ huy của Việt cộng, đưa ra ngày 1 tháng 2, kêu gọi tiếp tục tấn công, địch đã thừa nhận thất bại.

“Chúng ta đã không chiếm được các mục tiêu chủ yếu và hoàn toàn tiêu diệt các đơn vị cơ động và phòng thủ của địch. Chúng ta cũng không giữ được các vùng đã chiếm được. Trên mặt trận chính trị, chúng ta đã không thúc đẩy được nhân dân nổi dậy và đập tan ách kềm kẹp của địch”.

Nhưng dù quân đội Nam Việt Nam đã giành được thắng lợi đáng chú ý, đối với chính phủ, vẫn còn phải gác thắng lợi đó lại đã. Cuộc tấn công đã làm gián đoạn chương trình bình định ở nông thôn và các cuộc chiến đấu đã đẻ ra 600.000 người tị nạn mới. Nếu chính phủ không làm sống lại công tác bình định và bỏ mặc người tị nạn thì hậu quả nghiêm trọng tất yếu phải có.

Chiến tranh đã đẩy lùi đội bình định về các thành phố và thị xã. Nhưng vì những nỗ lực tiếp tục của địch chỉ là những gợn sóng so với cuộc tấn công Tết và cũng vì Komer và các đại diện của ông ở chiến trường tiếp tục duy trì sức ép nên các đội đó dần dần trở lại nhiệm sở.

Rút cục thiệt hại do cuộc tấn công của địch gây ra cho công tác bình định không rộng lớn như mức người ta ước tính lúc đầu. Trong thực tế, việc xuất hiện nhiều tổ chức chính trị cơ sở hạ tầng của Việt cộng trong cuộc tấn công để chờ đợi một cuộc nổi dậy của nhân dân về lâu dài có nghĩa là công tác bình định đã bị bỏ lỏng.

Hơn nữa vấn đề tị nạn là những nhân tổ của một cuộc khủng hoảng thật sự. Chính phủ từ tổng thống Thiệu đến các bộ tỏ ra choáng váng. Tại cuộc họp của bộ tham mưu của tôi ngay vào ngày cuối cùng địch bị triệt ra khỏi Sài Gòn, tôi có nói chúng ta phải làm cho công tác theo cách người Mỹ đã làm khi gặp phải một thiên tai, một trận động đất hay một trận lụt, chúng ta phải thuyết phục tổng thống và các bộ trong chính phủ là họ phải làm việc suốt ngày đêm.

Nhưng làm thế nào đây? Nhìn quanh phòng, tôi chú ý tới George Foraythe. Nhớ lại trong một công tác đuợc giao trước đây, tướng Foraythe đã làm quen được với Tổng thống Thiệu và những người khác trong chính phủ; tôi bèn thành lập lực lượng đặc biệt dưới quyền Foraythe để cộng tác chặt chẽ với người Việt Nam. Đại sứ Bunker đã ngỏ ý cùng tôi tới gặp tổng thống Thiệu về kế hoạch này. Bob Komer sẽ chịu trách nhiệm giám sát kế hoạch này.

Thiệu tỏ ra rất hiểu vấn đề này. Ông đã dành cho tướng Foraythe một văn phòng trong dinh Độc Lập – do một người Mỹ cầm đầu – cùng cộng tác với một người trong bộ bình định và giao cho phó tổng thống Kỳ chịu trách nhiệm bao quát. Để là cho chương trình được tiến hành nhanh chóng, tôi đã bố trí sẵn sàng công binh Mỹ và cho phép họ sử dụng rộng rãi các kho của Mỹ để lấy tôn lợp nhà, xi măng cốt sắt và các vật liệu xây dựng khác. Tướng Viên cũng làm theo cách như vậy và bố trí sẵn sàng công binh của quân đội Nam Việt Nam tham gia. Các trung tâm tị nạn tạm thời được thanh toán để có chỗ xây dựng nhà mới. Gạo Mỹ được phát không để thanh toán giá chợ đen. Trong vòng mấy ngày, những người tị nạn đã thấy rằng dù cuộc sống của họ còn khó khăn nhưng chính phủ đang cố gắng giúp đỡ họ. Cũng như nhân dân Việt Nam từ nhiều năm nay, những người tị nạn đã biểu thị sức mạnh vươn lên đáng khen.

Địch đã chứng minh được rằng chính phủ không có khả năng đẩy họ ra khỏi các thành phố và thị xã. Cuộc tấn công Tết rốt cuộc đã tỏ ra đó là một sự kiện có giá trị làm phấn chấn trong lòng nhân dân Nam Việt Nam kể từ ngày nổ ra cuộc chiến tranh.

Địch đã giành được thắng lợi ở Mỹ về mặt tâm lý, cái thắng lợi có ảnh hưởng đến mức tổng thống Johnson và các cố vấn dân sự của ông đã quên mất phương châm là khi địch đang bị đánh đau thì không được giảm bớt sức ép mà phải tăng lên.

Qua cuộc tấn công Tết, làm tôi nhớ lại một bức thư mà bố tôi đã viết cho tôi năm 1944 trong trận Bulge và đến nay tôi đã rút ra từ trong hồ sơ lưu trữ của tôi.

Bố tối viết: “Trong một số nhà bình luận có khuynh hướng chỉ trích các tướng Eisenhower và Hodges vì đã không có C-2 (tình báo) tốt hơn lại để cho lĩnh vực này được bảo vệ một cách quá kém cỏi. Bố có ý kiến là hoặc chúng ta hoặc quân Đức có thể phải tập trung lực lượng to lớn vào một địa điểm nào đó mà chọc thủng một nơi mình muốn, vào thời điểm do mình lựa chọn. Nhưng sau khi đã tiêu phí sức mạnh đi như vậy thì còn gì nữa? Những cánh quân đó giống như một viên đạn. Khi còn nằm ở mũi súng thì viên đạn có sức công phá mạnh nhưng khi sức công phá đó đã bị tiêu phí đi thì viên đạn trở thành vô hại”.

Bố tôi không phải là nhà quân sự nhưng ông hiểu đúng vấn đề.

<< Cuộc khủng hoảng chính trị | Nhìn lại >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 741

Return to top