Còn đó mùa thu vàng
Nguyễn Cẩm Hương
Quang dí mẩu thuốc đang cháy xuống chiếc gạt tàn như muốn đục lỗ nó. Im lặng. Những buổi chia tay bao giờ tôi cũng bí mật đứng nhìn theo Quang mãi cho đến khi Quang lẫn hút trong dòng người đông đúc.
Tôi và Quang là đôi bạn tri kỷ, thân nhau đến hơn hai chục năm nay. Có điều chúng tôi là đôi bạn khác giới. Có lẽ nói vậy chả ai tin vì... quả thật chúng tôi trông rất đẹp đôi.
Quang là “dân” an ninh, nghe nói khi được tuyển vào trường đã phải qua sát hạch về thể chất, bởi vậy mà có thể nói dáng đàn ông Quang hơi bị chuẩn. Còn tôi cũng thuộc loại tầm tầm, không được đến mức “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”, nhưng cũng vào loại trung bình khá, nếu cho điểm thì cũng được sáu trừ. Nhưng bù lại tôi có một tính tình rất dễ chịu. Đó là do bạn bè bảo thế vì tôi ít khi tự ái, chẳng bao giờ giận ai cho đủ 24 giờ.
Quang là người bạn tôi quen khi học đại học chứ hồi ba năm học cấp ba, tôi chẳng hề có một người bạn trai nào. Nói không có cũng hơi ngoa, nhưng quả thật chưa bao giờ tôi nhận được một bông hồng nào từ tay bạn trai dù chỉ là bông hồng vẽ trên giấy vào ngày mùng 8 tháng 3.
Tôi gặp Quang ngay dưới chân cầu thang lên gác hai. Hôm đó là chủ nhật. Phòng tôi chúng nó đi chơi hết. Tôi không có điểm hẹn nên đành ở nhà. Bữa trưa dưới nhà ăn cũng vắng, tôi phải lấy cơm về ăn cho đỡ trống trải. Đang mải chú ý bưng bát canh cho khỏi sóng sánh, tôi trả lời Quang qua quýt: “Thuận đi vắng rồi”. Nhưng Quang không nói gì cứ theo chân tôi lên phòng. Khi đã ngồi yên vị trên chiếc giường tầng dưới của Thuận, Quang mới tin chắc chắn Thuận đi vắng, nên nói: “Hôm nay Thuận hẹn mình mà, có nhắn lại gì không?”. “Không thấy nhắn gì, hình như có ai đến rủ thì phải”. Rồi cả hai cùng im lặng như cố tình lờ đi cái vế sau: Người ấy là trai hay gái?
Nhìn đồng hồ, đã gần 12 giờ trưa, tôi tỏ vẻ sốt ruột và thực ra cũng đói. Tôi bày cơm ra ăn không quên mời khách một câu. Ai ngờ Quang cười và nói: “Có một suất cơm thì đủ làm sao được. Tôi ăn thì bạn nhịn à?”. “Không đâu, sáng nay tôi ăn còn đang no. Đủ đấy mà, bạn cùng ăn cho vui”. Nói thế mà Quang ngồi xuống ăn thật mới hoảng chứ. Lúc đầu tôi cũng thấy hơi khó chịu nhưng sau ít phút thì... quên phéng Quang là bạn của Thuận mà cứ tưởng như bạn của tôi. Bữa ăn như là cái cớ để chúng tôi chuyện trò thật tâm đắc.
Quang nói chuyện khá dí dỏm, tôi thả phanh cười đến nỗi chả cần ý tứ gì. Quang kể về những kỷ niệm tình bạn giữa Quang và Thuận hồi học cấp ba ở một thành phố “Rợp trời hoa phượng đỏ”. Quang học giỏi toán, nhưng lại có tâm hồn thi sĩ. Để chứng minh khả năng thi sĩ của mình, Quang đọc cho tôi nghe mấy bài thơ mới làm. Chủ yếu lúc đó tôi thưởng thức cái vẻ nghệ sĩ đang thăng hoa của Quang hơn là thưởng thức những câu thơ. Còn tôi thì kể lại cái “đoạn trường” tôi bước vào đại học, mà theo tôi đó là một trò chơi khăm của số phận.
Chuyện của tôi cũng làm Quang cười ngặt nghẽo, té ra chúng tôi thật hợp chuyện. Và cái sự hợp chuyện nó cũng mắc bệnh nghiện. Thế là mỗi tối thứ bảy Quang sang chơi với Thuận nhưng lại chỉ say sưa trò chuyện với tôi. Đôi khi tôi cũng phải giữ ý với Thuận nhưng sau thì tôi nhận ra điều đó là thừa, vì Quang không phải là đối tượng của Thuận. Sau thì Quang chỉ sang chơi với tôi. Chúng tôi cùng nhau đi dạo quanh khu trường, hoặc ngồi dưới một tán cây nào đó để bàn những chuyện chẳng đâu vào đâu. Với Quang có lẽ thú nhất gặp tôi là để khoe những bài thơ mới làm. Những bài thơ Quang đọc tôi chả hiểu tý gì, nhưng vẫn cứ gật gù khen hay. Có lần hình như để kiểm tra độ thấm nhuần thơ của tôi đến đâu, Quang bắt tôi nhận xét mấy khổ thơ Quang vừa đọc. Quả tình tôi lúng túng còn hơn cả thi vấn đáp, vì thực ra từ nãy tới giờ tôi mải dõi theo cặp tình nhân đang chụm đầu “bàn bạc” cách chỗ chúng tôi ngồi không xa. Biết tôi không “thuộc bài” nhưng Quang không nỡ cho tôi “điểm liệt”, nên nói ngay: “Hay để lúc nào mình chép thành một cuốn Nga đọc sẽ kỹ hơn nhé”.
Thế là tôi đành “ngâm cứu” tập thơ của Quang cho đến khi... Quang cũng quên khuấy đi mất. Tôi hướng Quang chuyển sang chủ đề văn xuôi. Nói thực lĩnh vực này tôi nắm hơi chắc. Vì thực ra tôi học khoa sử, nhưng như người đi ở trọ. Trong giá sách của tôi la liệt “Những linh hồn chết”, “Tội ác và trừng phạt” , “Đêvit Copơphin”... quăn queo, nhàu nát và nằm ở bất cứ vị trí nào thuận tiện cho tư thế đọc của tôi.
Một lần Quang đến chơi mang cho tôi một cuốn sách, đó là tập truyện ngắn nước ngoài, trong đó có nhà văn Stephan Zweig mà tôi rất thích đọc. Đọc được đến nửa cuốn, tôi nhặt được mẩu giấy ghi linh tinh, có cả một phép tính làm dở, tóm lại là một tờ giấy lộn, nhưng giữa tờ giấy là mấy câu thơ mà... đến giờ nghĩ lại tôi vẫn còn thấy tim đập mạnh.
“Chàng thi sĩ với vần thơ lửa cháy
Tuyên bố dám ôm hôn cả mặt trời
Song, đứng trước cô em hằng mong ước
Sao không dám ngỏ một lời thôi”.
Tôi áp mảnh giấy lên ngực, cảm thấy mặt nóng bừng. Té ra từ trước tới giờ Quang thờ ơ chỉ là để che giấu một trái tim nóng bỏng như thế này ư? Nhưng tôi chợt nhớ ra hình như tôi đã đọc bài thơ này ở đâu rồi thì phải. Không sao, Quang mượn thơ của người khác tỏ tình thì có sao đâu.
Hôm trả sách, tôi đâm bối rối còn Quang thì vẫn thản nhiên như không. Tôi vẫn kẹp trả lại mảnh giấy, Quang không giở ra hay hỏi han gì, cứ thế cầm sách về. Để thẩm định lại, lần sau gặp Quang tôi bảo: “À cái Hòa phòng mình nó muốn đọc quyển sách hôm nọ lắm, Quang cho mượn lại nhé”. Thế là tôi có cơ hội tìm lại mảnh giấy. Thật bất ngờ vì nó vẫn nằm nguyên chỗ cũ. Trả sách, tôi quyết định đưa mảnh giấy ra “ánh sáng”: “À cái Hòa nó nhặt được cái này trong quyển sách đấy, của Quang à?”. Quang ngơ ngác rồi bỗng bật cười: "À, chết rồi, chắc đây là của thằng Phúc bạn mình, hôm nó mượn cuốn sách này mà”.
Tôi nhủ rằng, từ nay về sau, nếu Quang có tỏ tình với tôi thật, dứt khoát tôi sẽ không bao giờ nhận lời vì không thể bị “ăn dưa bở” lần thứ hai.
Năm tháng trôi đi, đời sinh viên dù có vui vẻ đến mấy rồi cũng đến hồi kết thúc. Về chuyện riêng, tôi hầu như lại trở về điểm xuất phát. Cũng chẳng trách bọn đàn ông trong khoa không có mắt. Bởi cái lỗi đó cũng là do tôi. Ai bảo, chiều thứ bảy nào người ta cũng thấy tôi cặp kè với một anh chàng trông thật đáng nể.
Ra trường Quang lên biên giới phía Bắc công tác. Tôi cũng kiếm được việc làm chẳng dính dáng gì đến môn sử. Chúng tôi vẫn thư từ cho nhau, những bức thư đầy nỗi niềm tâm sự, nhưng chẳng có bức nào là thư tỏ tình.
Hai mươi năm sau cuộc “biến thiên dâu bể” đã đẩy chúng tôi lại gần nhau. Chúng tôi cùng làm báo, chỉ khác Quang vẫn làm trong ngành công an. Bây giờ Quang đang sống độc thân. Nguyên nhân li dị vợ thế nào tôi không rõ, chỉ biết vì cuộc ly dị đó mà Quang gặp rất nhiều khó khăn trên con đường quan lộ.
Những buổi chiều mùa thu đẹp như tranh, sau ngày làm việc cuối tuần, chúng tôi thường hẹn nhau đến quán cà phê ngồi uống nước và để lại được trò chuyện, vẫn những chuyện trên trời dưới bể, chuyện thời sự xã hội, chuyện văn chương báo chí. Cũng có thể cả buổi chúng tôi chỉ bàn về bóng đá, nếu lúc đó đang vào mùa EURO hay Worlcup. Lại cũng có những buổi tiết trời âm u, nhạc trong quán dìu dặt. Quang cũng ngồi trầm ngâm. Tôi chuyển sang “địa hạt” tình cảm: “Quang này, sao không lấy vợ đi, kẻo sắp già đến nơi rồi”. Quang dí mẩu thuốc đang cháy xuống chiếc gạt tàn như muốn đục lỗ nó. Im lặng. Những buổi chia tay bao giờ tôi cũng bí mật đứng nhìn theo Quang mãi cho đến khi Quang lẫn hút trong dòng người đông đúc.
Một hôm, Quang gọi điện rủ tôi đi viết bài ở một khu công nghiệp mới cách Hà Nội chừng hơn 50 kilômét. Biết là đi xa tôi chuẩn bị khá chu đáo và đến điểm hẹn rất sớm. Đến nơi Quang cũng đã tề chỉnh, và bảo: “Bỏ xe lại lên xe Quang đèo”. Suốt dọc đường Quang mải miết đi chẳng nói với tôi câu nào, tôi cũng bỏ qua cho Quang, có lẽ vì vướng hai chiếc mũ bảo hiểm.
Chúng tôi “đổ bộ” xuống một khu công nghiệp mới vừa đi vào hoạt động. Mọi thứ còn rất ngổn ngang, hoang dại. Chúng tôi xông vào nghiệp vụ một cách khẩn trương y như những người công nhân ở đây. Đã quá trưa sang chiều. Không thấy Quang nhắc tới chuyện quay về mà lại bảo: “Chả mấy khi lên đây, cảnh đẹp lắm. Chúng mình ra hồ ngắm cảnh thư giãn chút đi”. Tôi cũng thấy mệt mỏi và đồng ý ngay.
Bầu trời mùa thu trong veo, xanh ngăn ngắt. Mặt hồ phẳng lặng lọt giữa một vùng đồi cỏ mênh mông mịn êm như thảm. Xung quanh thật yên tĩnh và vắng lặng như nó chưa hề biết đến một khu công nghiệp hiện đại cách đó không xa. Lúc này tôi cũng mới biết nơi đây đang trong dự án một khu du lịch sinh thái.
Quang thả người trên bãi cỏ, để nguyên cả các dụng cụ làm báo vẫn đeo bám trên người, mắt lim dim nhìn lên bầu trời như đếm sao. Tôi đoán chắc cái hồn thi sĩ lại sắp nhập vào Quang rồi.
Im lặng, im lặng tưởng chừng như chúng tôi đang hóa đá bên vùng hồ này. Một con chim lạc đàn vỗ cánh hối hả bay qua, tiếng kêu tao tác. Tôi giục Quang: “Mau về thôi, kẻo trời tối mất”. Bỗng Quang nắm lấy tay tôi: “Bây giờ về muộn rồi, ở lại được không?”. Tôi để nguyên bàn tay trong lòng tay Quang, thực ra tôi mong như thế lắm, nhưng tôi kiên quyết giật ra và đứng lên.
Nhà nghỉ ở vùng công nghiệp sơ khai này vắng như “chùa bà Đanh”. Mãi khi Quang gõ ngón tay như đánh nhịp xuống mặt bàn, cô lễ tân mới rời mắt khỏi cuốn tạp chí “Người đẹp”, vội ngẩng lên. “Cho tôi hai phòng đơn” - Quang nói rắn rỏi như một sự tuyên bố. Cô lễ tân liếc đôi mắt lá răm tuyệt đẹp sang phía tôi thật nhanh, rồi bình thản trả lời: “Nhà nghỉ ở đây chỉ có phòng đôi thôi anh ạ”. “Vậy thì cô cho chúng tôi hai phòng đôi”. Cô tiếp tân lại liếc thật nhanh sang phía tôi và cúi lấy chìa khóa, tôi đoán chắc cô ta đang giấu một nụ cười giiễu cợt.
Khi Quang trao cho tôi chiếc chìa khóa để mở vào căn phòng ngay cạnh phòng Quang, không quên chào tôi: “Chúc ngủ ngon!”.
Tôi ném phịch cái túi xách lên chiếc ghế xalông rồi đổ người lên tấm đệm dày đến 20 phân. Thật nực cười, Quang cố tình ở lại để hai đứa nằm hai phòng như thế này ư? Chẳng lẽ Quang chấp cả cái giật tay của tôi? Tình bạn gì giữa chúng tôi? Chẳng lẽ Quang không có một chút cảm tình nào với tôi trong suốt ngần ấy năm?.
Reng... reng... reng, chiếc máy điện thoại phòng reo chói tai làm tôi giật mình, chắc là một lời đề nghị gì đó của người phục vụ khách sạn. “A lô… Nga chưa ngủ phải không? Ra ngoài một chút đi, trăng vùng đồi đẹp lắm”.
Mãi khi ra ngoài tôi mới phát hiện ra, khu nhà nghỉ được xây trên một sườn đồi, phía sau có một con đường bậc thang, có thể leo lên đỉnh đồi để ngắm toàn cảnh khu công nghiệp. Quang dắt tay tôi, nhắc tôi thận trọng từng bước vì tôi đi giày cao gót. Tôi lại không chú ý lắm đến bước chân của mình mà chỉ nghĩ... chốc nữa trên đỉnh đồi tôi sẽ nói điều mà tôi đã im lặng bấy lâu nay dù chẳng để làm gì và... gió cũng sẽ cuốn đi thôi.
Trăng non, vào đêm cũng đã nhạt nhòa, nhưng vì ở nơi không gian bao la này, nên ánh trăng còn hào phóng lắm, chúng tôi vẫn nhìn rõ mặt nhau. Quang cứ huyên thuyên những chuyện đâu đâu về xã hội, cũng may là Quang không đọc thơ.
Một lúc chẳng thấy tôi nói gì, bỗng Quang hỏi: “Nga, Nga không thích mình phải không? Mình biết, dạng đàn ông như mình phụ nữ không ưa, có phải mình lập dị lắm không?”... Im lặng. “Mình biết Nga không thích những bài thơ của mình, nhưng cố chiều mình để nghe và khen, cám ơn Nga. Thú thật, trong cuộc đời mình chẳng có người phụ nữ nào đủ nhẫn nại để nghe mình nói chuyện và hiểu mình như Nga. Thật lòng mình mến Nga lắm, nhưng mình lại sợ, mình sợ Nga lại nể mình mà chiều thôi, chứ Nga?...”.
Tôi nén một hơi thở đang dồn ứ trong lồng ngực, im lặng. Có thể vì quá hạnh phúc người ta cũng chỉ biết im lặng. Tôi ngả mái đầu vào vai Quang, thở dài: “Muộn rồi, trăng sắp tàn”. Bỗng tôi lọt thỏm trong lồng ngực của Quang, môi tôi kề môi Quang và bàn tay Quang đang siết lên thân thể tôi. Tôi mê man và ngỡ như đó lại là một giấc mơ mà tôi vẫn từng mơ thấy Quang. Bàn tay Quang đang trượt trên thân thể tôi... Bỗng bản nhạc Nga nào lọt vào đây thế nhỉ, tình tứ quá, đung đưa quá, bản nhạc mà tôi rất thích, nhưng sao nó lại vang lên lúc này, dù Quang và tôi đã cố tình lờ đi, nhưng nó vẫn cứ vang lên nhẫn nại và cố tình. Quang rời tôi thọc tay vào túi. “A, lô!... Vâng,vâng! Tôi sẽ đi ngay. Hãy chờ tôi”.
Tôi đã phát hiện ra nguyên nhân của việc vợ Quang đòi ly hôn, chắc chắn có những cú điện thoại như thế này”. "Nga, xin lỗi, mình phải về ngay bây giờ, có một vụ buôn bán ma túy vừa được phá án, các anh bên đội chống ma túy muốn mình lấy tin để sáng mai họ hoàn tất thủ tục chuyển sang Viện Kiểm sát”. “Đang đêm như thế này ư?”. “Ừ, vẫn kịp mà, bây giờ mới có 22 giờ thôi”. Tôi biết việc của Quang thì không thể cản được, nhưng tôi thà ở trên này một mình còn hơn là trở về. “Quang về một mình đi, Nga ở lại”. Quang tỏ vẻ đau khổ và bối rối với quyết định của tôi. “Hay thế này, Nga cứ ở lại, sáng mai Quang sẽ lên sớm, được không?”. Tôi không tin lắm vào cái “lên sớm” của Quang nhưng cũng mỉm cười để Quang yên tâm đi…
Tôi trằn trọc cả đêm nên mãi 9 giờ sáng mới tỉnh giấc. Tôi chộp chiếc điện thoại di động, nhưng không có cú gọi nào bị lỡ cả. Như vậy là Quang vẫn chưa lên đón tôi. Gần trưa, tôi xách túi đi xuống phòng lễ tân. Cô lễ tân đon đả chạy lại phía tôi, nói vừa đủ tôi nghe: “Anh ấy thanh toán phòng cả hai ngày rồi chị ạ, chị cứ ở lại đợi anh ấy, em đã báo ăn trưa”. “Không, tôi cũng có việc bận phải về, phiền cô gọi giúp cho tôi một chiếc xe ôm”.
Tôi không nhớ nổi mình đã để bao nhiêu giọt nước mắt lăn tơi tả xuống lòng đường, hoặc có thể nó chưa kịp rơi thì gió đã lau khô đi mất.
Đã bao nhiêu lần tôi cầm máy điện thoại lên rồi kiên quyết đặt xuống. Tại sao tôi phải gọi cho kẻ đã lỗi hẹn tôi cơ chứ, không cả một lời xin lỗi. Mà tôi cũng chỉ cần một lời xin lỗi thôi. Một tuần trôi qua, hình như sức chịu đựng của tôi đã cạn kiệt. Tôi quyết định đến thẳng tòa soạn để gặp Quang, với một quyết định cắt đứt “tình bạn”.
“Chị gặp ai ạ?” - ông thường trực nhăn mặt nhìn tôi như nhìn một kẻ dở hơi – “ Chị là bạn anh Quang à, chị bảo ở gần đây à... mà mãi hôm nay cũng không biết gì sao. Anh ấy mất được tuần nay rồi!”.
Tôi không biết mình đã đổ khuỵu trước cửa phòng thường trực như thế nào, người ta đưa tôi vào phòng làm việc của Quang và người tổng biên tập đón tiếp tôi. “Tôi thực sự không biết là Quang đang ở xa thế, hôm đó tôi cứ nghĩ Quang làm việc trên khu công nghiệp đó chỉ một ngày là xong. Nếu biết, tôi đã không giục Quang. Đường xa, trời tối, tốc độ... tất cả đã gây nên cái chết của Quang”. Ông tổng biên tập cúi đầu đau khổ như chính ông đã gây ra tai nạn cho Quang.
Tôi ra mộ Quang. Chiều thu vàng ấm và thơ mộng dù là ở nghĩa trang. Tôi cứ có cảm giác như đang đến điểm hẹn với Quang, chỉ lát nữa thôi tôi sẽ được cùng Quang trò chuyện... Tôi sẽ không khóc. Tôi sẽ lại cười để Quang vui, chúng tôi luôn muốn đem đến niềm vui cho nhau. Tôi đã tìm đúng hàng mộ mới, nhẩm tính chắc cuối hàng kia là đến mộ Quang thôi. Nhưng kìa, cuối hàng mộ, một người đàn bà và cậu con trai đã lớn. Họ đang sụp xuống đầu một nấm mộ khói hương nghi ngút. Người đàn bà như choàng ôm lấy tấm bia như ôm người thân đã khuất. Tôi đứng lặng một lúc rồi quay ra, tôi có quyền gì để xâm phạm vào nỗi đau của họ. Thực ra nếu tôi là vợ Quang chắc gì tôi đã hơn chị ta vì những cú điện thoại bất chợt đi ngay và không hẹn trở về.