Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tập Truyện ngắn >> Thiên Đàng Treo Đứt Dây

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 12889 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Thiên Đàng Treo Đứt Dây
Xuân Vũ

Tự nhiên như người Hà Nội

- Nghe mấy chị đi Sàigòn về, vợ chồng tôi đến thăm để lấy chút mùi quê hương xa cách.

- Bộ anh chị tính không về hay sao mà lại đây lấy mùi thôi.

- Chị Ly với chị Viên về chớ em đâu có về. Em chỉ mới dợm dợm chớ chưa dám nhảy. Bữa nay em lại đây là lấy hương BBQ của chị Ly mời.

- Hèn gì tôi nghe thơm nức lỗ mũi. Mà BBQ gì lại có mùi sả vậy chị Ly?

- Dạ BBQ theo kiểu nhà mình mà anh! Anh quên lụi vuốt bên mình rồi à?

- Quên đâu mà quên! Mới có 15 năm mà quên sao được. Nhưng hiềm một nỗi là thịt cá bên này thì thừa thãi mình không thèm, mà chỉ muốn ăn, muốn tìm mấy thứ lắc léo hiếm hoi. Vợ tôi chỉ muốn ăn con cá lóc kho tộ mà không biết làm sao mua.

- Còn anh, anh thèm gì? Cái gì khó tìm đâu, anh chỉ coi!

- Muốn làm lụi vuốt phải có ghim tre cật chuốt thiệt suông. Bên này tôi chưa bao giờ thấy cây tre. Ngoài ra tôi muốn ăn canh chua nấu với trái me chớ không phải với dấm.

- Anh đi lại Oriental Food có ghim tre thiếu gì, me trái lắm lúc cũng có!

- Tôi bây giờ quên hết mùa màng bên nhà tháng nào trái gì chín, cây gì trổ bông.

- Em về tháng 5 gặp mùa xoài, mùa khóm. Em ở Long An mà. Xoài và khóm dữ lắm. Nhãn và chôm chôm bán đầy đường.

- Me chín mùa nào chị nhớ không?

- Gần Tết. Me chín gió đưa khua sột soạt trên ngọn. Gió mạnh rụng xuống đất tụi mình lượm ăn ngọt lìm lịm.

- Em xin lỗi cho em ra coi chừng cái BBQ nghe. Cứ tự nhiên như người Hà Nội đi!

- Tôi và vợ tôi là người Bến Tre chớ có ai là người Hà Nội đâu!

- Hà hà... Không phải chị Ly nói anh là người Hà Nội đâu!

- Em nhái câu nói bên nhà đó mà.

- Tự nhiên như người Hà Nội nghĩa là làm sao? Bộ người Hà Nội tự nhiên lắm à? Theo tôi người Hà Nội rất văn mình, rất lịch sự, tiếng nói của người Hà Nội rất chính xác.

- Bây giờ hết rồi! Ý mà để em coi ba cái lụi vuốt đã, để khét.

- Em chưa về bên nhà lần nào nên càng không biết gì hết.

- Em về bên đó mấy ngày đầu, nghe mấy ông Việt Cộng nói chuyện với nhau cũng không hiểu gì hết. Đi Sàigòn thấy mấy tấm bảng hiệu tiệm, em cứ đứng ngớ ra. Mấy đứa cháu của em bảo:

"Cô giống như mấy ông bà giải phóng hồi mới vô."

- Bộ cái gì cũng khác trước hết sao chị?

- Khác hết. Cây cao hơn trước, nhà cũ hơn trước, đường nhiều ổ gà, người đi bộ và xe đạp nhiều hơn trước. Nhiều tên đường đổi ra lạ hoắc lạ huơ.

- Như đường nào?

- Nhiều lắm, nhưng chỉ nhớ có đường Hiền Vương đổi ra đường 2/3 là gì em không rõ. Thấy trẻ con nó bảo là đường cù lần.

- Không phải đâu! Hai tháng ba là ngày thành lập ra đảng Cộng Sản Đông Dương đó chị ơi. Vì cái ngày đó cho nên dân mình bây giờ mới trở thành dân cù lần nhất thế giới đó.

- Vậy hả? Em đâu có biết! - Chị về mấy ngày, xài mất bao nhiêu tiền.

- Chèn ơi! Có hai tuần lễ mà tiêu 12 ngàn đô đó anh! Dành dụm hai ba năm trời đi một chuyến tiêu hết.

- Xài gì mà dữ ôn vậy chị. Chị tính ra tiền Cụ thử xem bao nhiêu?

- Em tính rồi, 60 triệu!

- Trời đất! Tôi nghe mà suýt bật ngửa.

- Ăn thua gì anh. Ở bên mình bây giờ người ta nói tới tiền triệu không hà! Người ta dùng "T" chớ không nói triệu nữa. Mấy T, mấy chục T, mấy trăm T.

- Còn đô la.

- Đô la thì gọi là đô. Tiền Cụ gọi là "rúp lô-can".

- Rúp lô-can là gì?

- Mới đầu em cũng điếc con ráy đi! Nhưng sau mới hiểu ra đó là tiền Nga. Nga xài đồng "rúp" mà! Cho nên tiền Cụ họ gọi là rúp lô can! Giá thấp nhứt là tiền Cụ. Nhiều nơi gọi là râu Cụ. Đại khái như mấy ngàn đồng thì họ gọi là mấy ngàn "sợi" tức là "sợi râu cụ".

- Họ không sợ công an bắt à?

- Không! Công an họ cũng vui vẻ lắm. Nếu mình lỡ đụng xe...

- Chị có đụng ai sao?

- Không! Em có đụng ai đâu. Em toàn đi xích lô đạp mướn mà đụng ai. Nhưng bây giờ em nghe người nhà kể lại. Có người lái xe say rượu cán chết em bé đang chơi trên sân nhà em mà vẫn vô tội.

- Trời đất!

- Nhờ công an họ giúp đỡ. Họ lo được cả. Nhờ mạnh chạy thuốc!

- Thuốc gì mà mạnh vậy chị?

- Thuốc mạnh nhất là thuốc Kim Thành.

- Vậy tôi nghe thấy báo chí nói bên ta bây giờ phổ biến nhất là Xuyên Tâm Liên và rễ muồng.

- Em chưa thấy thuốc đó, nhưng có chăng chỉ dùng trị nóng lạnh, nhức đầu, còn thuốc Kim Thành trị bá chứng.

- Thôi thì chị nói phức như chị nói với em hôm đó đi! Cứ lòng vòng hoài...

- Để em nói lòng vòng cho ảnh đoán coi có ra không mà.

- Chắc là thuốc Nam, thuốc Bắc bên mình phát triển mạnh nên đã thay thế được thuốc Tây, thuốc Mỹ chớ gì. Chắc hiệu Kim Thành có uy tín lớn trong nhân dân như hiệu bà Lang Trọc!

- Há há... anh đừng giận em cười to nghe. Không phải bà Lang Trọc hay ông Bướm Vàng đâu. Đó là vàng Kim Thành đó anh ạ. Thứ thuốc này đưa ra bệnh gì cũng khỏi. Trong lưng anh giắt sẵn vài cục thì đi ra đường oai như thần.

- Hơn cả đô nữa sao?

- Nhất là cây, nhì mới đô anh ạ!

- Cây là gì?

- Cây là cây vàng Kim Thành đó. Mỗi cây là một lượng. Anh đừng có thở dài. Quê mình giờ giàu lắm. Người ta nói chuyện với nhau mở đầu bằng cây và đô thôi, dân thường cũng thế mà cán bộ cũng thế.

- Người ta xài công khai hay lén lút?

- Đã bảo rằng cán bộ cũng ham cây mà. Còn lén lút với ai nữa anh! Em mới về sợ quá, không biết làm sao có tiền Cụ để xài, sợ xì đô ra bị bắt nên em bảo mấy đứa cháu đi ngân hàng. Mấy đứa nhỏ cười em. Chúng nó bảo: đưa đô ra "mếch" hơn. Mếch là gì em cũng không hiểu. Chúng nó bảo mếch là mệt, mê mệt, nói trại ra cho dzui vậy thôi. Nhưng nếu em muốn đổi thì cần gì phải lại ngân hàng. Chúng nó bảo chung quanh ngân hàng có những cô gái rất trẻ rất đẹp ăn mặc như ngoại quốc, váy ngắn lên quá đầu gối, lúc nào cũng lỡn vỡn ở đó.

- Họ làm gì?

- Họ biết hễ ai đến ngân hàng là để đổi tiền. Mà ai có tiền đổi. Người trong nước thì tiền không có ăn lấy đâu mà đổi. Vậy chỉ có Việt Kiều thôi. Nếu là đàn bà thì các cô ấy rỉ tai: em đổi cao hơn ngân hàng. Họ cho địa chỉ. Họ đem Cụ tận nhà. Muốn đổi bao nhiêu cũng có.

- Rồi chị có đổi không?

- Có chứ. Đổi ra để xài vặt và cho em cháu. Có khi chỉ xài vài ngàn, đâu tới một đô. Họ đem tới nhà đàng hoàng. Em đổi 200 đô.

- Có bị trục trặc gì không?

- Không anh ạ! Nhưng khi họ về xong, em bảo các cháu nó đếm lại, xem kỹ coi họ có giấy lẫn trong đó không.

- Tại sao vậy?

- Vì nhiều quá đi! Hai trăm đô bỏ trong túi không thấy phồng lên chút nào, nhưng đổi ra Cụ có đến hai bòng bột.

- Tôi đọc báo Việt ngữ bên này, thấy người ta nói thế, tôi cho là cường điệu khó tin.

- Có thiệt anh ạ. Chính em đã cầm một bao bòng bột đi chợ và đi bác sĩ cho ba em mà!

- Hà ha.. đi hiệu thuốc thì phải giắt cây Kim Thành như chị nói chử

- Cái này là bác sĩ thiệt tình, họ cũng cần cây, nhưng đâu có đắt dữ vậy. Em dắt ba em đi bác sĩ. Thú thiệt với anh, em thấy ông bác sĩ em tội nghiệp quá trời đi.

- Sao vậy?

- Bác sĩ gì mà trông không giống bác sĩ gì hết. Phòng khám tư mà chỉ có hai cái ghế ngồi bằng gỗ và cái ống nghe thôi. Khám xong, em hỏi bao nhiêu, ổng bảo 10 ngàn. Em hỏi trả bằng đô la được không, ổng mừng quá đất. Em bảo bao nhiêu đô, ổng xòe hai ngón tay. Em tưởng là 20 đô, chẳng ngờ chỉ có 2 đô thôi. Anh đừng có thở dài, em rầu lắm. Về nhà, thăm bà con một chuyến đến nay em còn buồn. Buồn vì tưởng mình đi xa quê 15 năm thì ở bên đó khá lên dữ lắm. Hồi trước đâu có tệ lậu quá vậy. Đi bác sĩ thấy hết bịnh, còn đằng này đi bác sĩ về em cảm thấy ba em bịnh thêm, em cũng bịnh luôn nữa.

- Vậy chị bảo tôi đừng có thở dài sao được!

- Mèn ơi, anh ơi! Em nói thiệt anh nghe chứ nếu mà như vậy thì người Bắc họ vô làm gì cho uổng xương máu dữ vậy chớ. Nội cái Mậu Thân, ở Long An có hằng trăm xác chết vô thừa nhận.

- Ai biết đâu người ta! Tôi thở dài không phải vì tôi đi bác sĩ ở bển mà vì tôi có đứa em làm bác sĩ! Nghe chị kể, tôi cứ mường tượng ông bác sĩ đó là em tôi. Tôi chạy sang Mỹ sớm lắm. Tôi đem gia đình xuống tàu Challenger đậu ở Phú Quốc trước nhất. Tôi biết cộng sản rành một cây. Ở lại chỉ có chết thôi. Họ thù tôi làm cho US Embassy mà!

- Vậy nữa?

- Chớ sao! Tôi dzọt sang tới Guam ông bà giải phóng mới vô tới Sàigòn. Thôi chuyện 15 năm qua bỏ qua cho nhẹ. Để tôi nói chuyện bác sĩ cho chị nghe. Chuyện này có vợ tôi đang ngồi đây làm chứng. Số là tôi có hai đứa em trai, hồi 75 chúng nó chưa học hết lớp 8 và lớp 10, thế nhưng khi tôi sang đây được vài năm. Đâu hồi 80-81 chi đó, thì tôi nhận được thư của chúng nó cho biết rằng đứa đã làm bác sĩ, đứa làm kỹ sư. Loại bác sĩ như vậy coi mạch cho toa thì có bệnh nhân nào sống nổi?

- Để em kể tiếp anh nghe vụ đi bác sĩ của ba em. Em dẫn ông đi làm răng, bên đó gọi là nha sĩ.

- À quên, để tôi hỏi chị chút để quên! Nghe nói bên đó Nhà thương Từ Dũ gọi là Xưởng Đẻ có thiệt không chị? Nghe các bà khác cũng đi về Việt Nam trở qua đây chế nhạo như thế tôi bán tín bán nghi.

- Có thiệt chớ! Người ta cải tên lại là Xưởng Đẻ Giải Phóng. Còn đường đi thì cũng khác tên. Như đường Công Lý thì kêu là đường Nguyễn Văn Chỏi hay Nguyễn Văn Chổi gì đó.

- Trổi chớ không phải Chỏi hay Chổi.

- Nhiều lắm em không nhớ hết.

- Anh Hai, chị Hai, chị Viên và chị Mai chịu khó lấy nước trong tủ lạnh ra uống, hoặc pha cà phê "tự túc", chị Mai lấy bia mời anh Hai uống khai vị trước đi. Cứ tự nhiên như người Hà Nội!

- Cảm ơn chị, tôi ngưng uống bia lâu rồi! Tự nhiên như người Hà Nội là...

- Là... Chủ nhà nướng lụi vuốt mau mau đi, để khách nói chuyện khô cổ rồi!

- Cố nhiên... Nhưng tự nhiên như người Hà Nội không phải vậy đâu. Ý kìa, mỡ chảy to lửa bốc lên, để em ra coi chừng kẻo khét. Chốc nữa em vô sẽ giải thích cho nghe người Hà Nội họ tự nhiên như thế nào?

- Chị về tới sân bay trong bụng chị như thế nào?

- Vừa mừng vừa sợ. Em sợ mấy ổng làm khó làm dễ bảo mình là phục quốc về nước dọ thám là chết một cửa tứ.

- Thì cũng có nhiều bà con mình bị rồi chớ không đâu.

- Mấy ổng oéo-còm mình ngay khi mình vừa bước xuống sân bay anh ạ. Do đó mình cũng đỡ lo. Rồi dần dần thấy mấy ổng cũng không có gì đáng sợ. Ông nào cũng vui vẻ. Một vài ông lại pha trò bằng tiếng Ăng-lê nữa. Nói chung là mấy ổng nai!

- Hành lý nghe nói bị xét dữ lắm phải không chị?

- Cái đó thì khỏi nói rồi, nhưng cũng tùy...

- Tùy cái gì?

- Để em kể chuyện này anh nghe anh sẽ biết tùy cái gì. Trước nhất anh nên biết rằng Tân Sơn Nhất bây giờ điêu tàn lắm! Máy bay thời ông Thiệu bây giờ nằm phơi cánh như những con chim bị đạn.

- Thì chim bị đạn hẳn rồi chứ gì nữa mà như!

- Xét người ở ngoại quốc về hầu hết là nhân viên người Bắc!

- Ở tất cả các nơi, cứ gì ở Tân Sơn Nhất chị!

- Sao anh biết giỏi vậy?

- Tôi lạ gì! Chúng nó vào đây để ăn cướp, cướp từ chức tước đến cái xì-líp trở đi chớ giải phóng giải phiếc gì. Mấy thằng Nam Kỳ ngu nai lưng ra cõng Trung ương đảng từ Hà Nội vào, ưỡn ngực ra đỡ đạn từ 45 tới nay được Trung ương chia cho cái đáy quần của vợ nhỏ Lê Duẩn thi nhau gặm. Tôi dư biết sao không biết. 45 bị nhận đầu dưới sình, bây giờ mới sáng mắt ra, cho nên mới có cái Câu Lạc Bộ Kháng Chiến nho nhoe đó. Mới oe oe vài ba tiếng đã bị bóp mũi rồi. Những thằng già đầu theo nâng bi cầm... xin lỗi chị - cho báác... Hồ nay mới vỡ nhẽ ra mình làm mọi không công.

- Coi bộ anh ghét Bắc Kỳ dữ hả. Tôi cho anh hay, chủ nhà này là gốc Bắc Kỳ đấy nhé!

- Em là người Hà Nội, nhưng vô Sài gòn hồi bé cơ. Vã lại em biết anh ghét Bắc Kỳ, nhưng Bắc Kỳ nào anh mới ghét, còn Bắc Kỳ như em làm gì anh ghét được. Ngược lại, chính em, em cũng ghét Bắc Kỳ, cái loại Bắc Kỳ mà em bảo là tự nhiên như người Hà Nội đấy!

- Phả...ải! Tôi chỉ ghét quân Bắc Kỳ xâm lược, còn người Bắc nói chung là đồng bào của tôi, là dân tộc của tôi, tại sao tôi ghét!

- Thôi cho em vuốt giận anh đi, để em kể tiếp cho nghe về vụ mấy ông cán bộ oéo-còm mình!

- Xin lỗi nhé! Tôi có tính lỗ mãng với tụi dã man đó nên có khi không dằn được.

- Ối, nhằm nhè gì ba cái lẻ tẻ đó! Chị Viên kể tiếp đi.

- Em có con bạn đi chung chuyến từ Bangkok về Sàigòn. Nó có mang về một cái máy sấy tóc. Anh biết mà. Loại hair dryer bán ở hiệu tạp hóa 10-15 đô một cái đó! Vậy mà suýt nữa có chuyện lôi thôi. Mấy ổng bảo là súng bắn không kêu. Mấy ổng kêu cấp trên tới kiểm tra. Cấp trên bảo không phải súng và cho qua, nhưng cấp trên về rồi, mấy ông con dưới này cứ đổ va ly ra và moi móc tất cả hành lý của con nhỏ. Xét xong rồi, con nhỏ xếp vô, mấy ổng cũng không cho đi. Em thấy vậy hiểu rồi, em kêu con nhỏ ra rỉ tai. Nó trở vô kẹp tờ 20 đô vào tấp pát-po đưa cho ông mãnh. Thế là xuôi ngay! Em có kinh nghiệm mấy người đi trước truyền lại mà! Em mua nào là son phấn, xà bông thơm, dầu thơm, xú chiên, xì líp... xin lỗi anh nhé. Đó là sự thật!

- Bác Đảng ăn luôn các thứ đó nữa à!

- Chời ơi! Khiếp lắm anh ơi! Sáu bảy cái bàn xét dài một dọc, mỗi ông mỗi bà một bàn. Mấy cô trẻ mình đút lọ sơn móng tay là lọt, còn mấy trự sồn sồn khó chịu lắm. Trọ trẹ nghe mà nhức đầu. Hết bắt tròn bắt méo đến hăm dọa. Thú thật với anh là em xấu hỗ nếu có người ngoại quốc nào đi kèm trông thấy...

- Hăm dọa thế nào?

- Mấy ổng cười chơi chơi: "Có liên hệ phục quốc hải ngoại không?" Vậy đó, mình cũng đủ run gân rồi. Em lên xe về Sàigòn, em cằn nhằn con bạn: sao mày ngu vậy. Đã đi về phải lo trước của đút. Phải mua các thứ đồ tế nhuyễn, phải đổi đô la lẻ sẵn để cho vào mồm mấy ổng! Con bạn em thú thật nó sợ hối lộ mấy ổng bắt chết, vì nó đọc báo hải ngoại thấy nói ở bên nhà đang diệt trừ tham ô và hối lộ mà!

- Trời đất! Tụi nó diệt 40 năm rồi. Càng diệt tham ô càng lộng hành. Hồi trước chỉ cán bộ quèn tham ô, bây giờ càng to đầu càng tham ô mạnh. Loại cá kèo tham ô bị bắt bỏ tù, loại to đầu càng tham ô càng lên chức. Đảng bây giờ đừng nên gọi là đảng cộng sản nữa mà nên gọi là đảng "đầu heo mình tôm" há há... há!

- Đảng gì kỳ vậy anh?

- Tôi nói đùa vậy thôi chứ đâu có đảng gì quái gở vậy!

- Anh nói tới tôm làm tôi nhớ tới vụ ăn tôm ở bên nhà. Bên đó tôm là thứ khó mua nhất. Vậy mà mấy đứa cháu nó cũng đãi tôi một bữa, ăn xong đi chảy ngay sóng trường mấy ngày, nếu không có mang thuốc theo phòng thân thì không biết mua ở đâu.

- Vậy còn khoe nữa! Chị thiệt à!

- Để thong thả chị nói cho em nghe. Đây là điều hy hữu trên thế gian mà. Có mặt anh Hai chị Hai hổng lẽ chị không biết giữ lễ độ sao em Mai... Chị ăn toàn là đầu tôm nên mới ra nông nỗi.

- Đầu tôm toàn là gạch. Ngày xưa ngồi vào bàn tiệc, ông Cả mới được ăn đầu tôm, chớ chức việc nho nhỏ không được ăn món quý đó đâu.

- Cái gì nhiều quá thì không tốt. Em ăn nhiều đầu tôm quá sá!

- Bộ ở nhà có chài hoặc giở chà sông nên mới có nhiều tôm vậy?

- Không. Mấy đứa cháu nó mua ngoài chợ.

- Tôm bây giờ chỉ bán có cái đầu. Cá cũng vậy anh ạ!

- "Lọa vậy!"

- Chuyện khó tin nhưng mà có thật anh à! chính em đi chợ mua đầu tôm, đầu cá về ăn đây chứ ai.

- Khúc nạc đi đâu?

- Làm đông lạnh gởi đi bán nước ngoài.

- Nước nào?

- Em biết đâu.

- Bán cho mấy thằng Thanh Hương, Đại Thành, Xacogina, Đường Sơn Quán chớ bán đi đâu. Chị về bển mà không nghe mấy vụ đó à?

- Em có nghe xầm xì nhưng không để ý.

- Một thằng chuyên gia đông lạnh chệt lai ở Sóc Trăng được Đảng và Nhà nước cho phép thu mua tôm cá cả vùng miền Tây đã bỏ túi vài chục tỷ bạc và trăm ngàn ký lô vàng dông qua Thái Lan, cả nước đều hay mà chị! Cái nạc tôm thì bọn buôn lậu chia nhau với đảng còn đầu tôm xương cá đảng tặng cho nhân dân, vậy mà đúng quan điểm vô sản rồi còn kêu ca gì nữa!

- Cái gì mà nói có vẻ hăng hái vậy chị Viên.

- Không có gì đâu, anh Hai ảnh đang "Thuyết minh" về quan điểm vô sản! Chị cứ tự nhiên như người Hà Nội đi. Cho cho cái BBQ đừng khét là đúng quan điểm của anh Hai rồi! Nhứt là đừng có mở cửa mùi lụi vuốt bay vô đây người Hà Nội không có ngồi tự nhiên được, cứ nhảy mũi hoài hè!

- Cũng gần rồi. Em phết đồ ướp lên thịt một lượt nữa thì xong. Chị Mai có rảnh không ra phụ em chút!

- Chị ngồi đây nghe để mai mốt có về khỏi lâm vào tình trạng của bạn chị Viên chớ!

- Ừ, thôi chị cứ ngồi tự nhiên.

- Mà chị nướng thịt gì vậy chị Ly. Hồi nãy khi mới đến, tôi có ngó qua thấy giống in là thịt nai, thịt bò phải không? Bộ ông xã chị đi săn được nai hả?

- Không, ông xã chị Ly không cần vác súng đi xa, nai nó đến tận bên sân sau, chừng nào ổng muốn ăn thì cứ bằn một phát. Tèng ơi, ổng chỉ lóc cái nạc còn đầu đuôi giò cẳng ổng đem chôn. Nạc thì kêu bạn bè cho mõi người một ít.

- Vậy thịt nai hồi năm ngoái chị cho vợ chồng tôi là của ông xã chị săn đó hả?

- Chớ còn đâu nữa.

- Bên này mình không có đảng điếc bác biếc gì hết nên mình ăn toàn thịt nạc. Đi chợ mà thấy thịt cắt không khéo, không ngon, mằn bên trong có xương là không mua, cá tôm không bao giờ mua đầu. Đầu tôm thì độn làm phân còn đầu cá cái nào cái nấy ba bốn ký lô thì chỉ cần lại tiệm bán cá xin là nó vứt cho mà xe về nấu canh chua ngọt lừ, còn bên nhà có đảng có điếc có bác có biếc nên dân toàn ăn đầu tôm đuôi cá.

- Ăn mày dữ lắm anh ạ!

- Ờ, tôi quên, hôm trước tôi có lên nhà chị Kim. Chỉ cũng đi về thăm nhà ở Bình Tuy mới trở qua. Chỉ nói chỉ ngủ ở Sài gòn mất một đêm để hôm sau đi về nhà. Sáng dậy thấy người nằm đầy trước cửa hô teo. Nhân viên đuổi họ không đi. Chỉ hỏi tại sao, nhân viên bảo đó là ăn mày. Cho tiền họ mới đi. Nếu không họ nằm vạ. Nằm vạ ai? Nằm vạ chánh phủ đã làm cho họ hóa ra ăn mày. Ở Sàigòn có câu hát nhại: "Ăn mày là ai? Ăn mày là ai? Giải phóng vừa đến hóa ra ăn mày."

- Bây giờ đói rách lầm than là sự thường ở nước ta. Đến như ông bác sĩ mà em còn thấy tội nghiệp nữa là ai! Em lắm lúc ngồi trên xích lô mà nước mắt cứ rưng rưng. Những người đạp xe thường thường là cán bộ "chế độ cũ" có khi từng là giáo sư, kỹ sư anh ạ. Trời ơi! Áo rách vá cả chục miếng. Em xuống xe luôn luôn trả gấp đôi tiền cuốc xe. Phải chi mấy ổng đừng vô thì người mình bây giờ đâu có than thở dữ vậy.

- Than thở gì đâu! Dân mình hồ hỡi dữ chớ!

- Xe đạp như lục bình trôi có dề vậy anh ạ. Đèn đỏ cũng chạy càn. Em thách anh về bển mà dám lái xe đi Sàigòn bao nhiêu cây em cũng thua.

- Tôi không ham lái xe ở Sàigòn. Hồi đó tôi có tài xế riêng mà chị. Tôi rất sợ lái xe. Nhưng sang Mỹ cực chẳng đã phải lái xe mà đi. Bây giờ con lớn rồi chúng nó đi học tự lái lấy, tôi khỏe lắm.

- Bộ hồi ở bển anh có gốc to hả?

- Gốc gì mà gốc. Tôi làm mướn cho tòa đại sứ Mỹ thôi. Tôi làm có hai năm và bán hai cuốn sách mà cất được nhà lầu ở Hàng Xanh, trên nóc còn chừa cọng sắt để xây tầng thứ ba. Hai tuần nữa thì dời vô nhà mới chẳng dè lại chạy cong đuôi mất hết. Nhà mình hóa nhà người, quê người hóa quê mình.

- Ơ kìa! Vậy thì anh làm đơn đòi đi. Nhà nước trả lại hết!

- Thôi chị ơi, tôi có đòi thì đòi cả nước chớ đòi cái nhà ăn thua chi! Đó, bây giờ chị lại thở dài!

- Em nhớ cái nhà của ba em.

- Về thăm rồi còn nhớ gì nữa!

- Em về thăm ba em thôi, còn nhà thì người khác ở.

- Người khác là người nào?

- Mấy ổng chớ người nào! Anh không biết sao còn hỏi. Em phải cất nhà khác cho ba em.

- Hỏi chơi vậy thôi, chớ sao mà không biết.

- Em xài hết 12 ngàn đô mà chưa đủ đó anh. Vì thấy bà con dòng họ nghèo quá đi. Gặp ai em cũng cho ít nhiều. Đồ trang sức, quần áo em cũng cho hết sạch chỉ giữ lại đủ đi về đường.

- Kìa hết thở dài lại khóc! Mấy bà hay khóc quá! Kìa vợ tôi và chị Mai nữa! Tôi bỏ bữa BBQ này tôi về đó! Khóc vậy ăn sao vô? Coi kìa, mất tự nhiên quá vậy người Hà Nội! Hì hì...

- Có ai rảnh không? Ra đây tiếp tay em chút coi nào! Chị Mai, chị Viên!

- Chín rồi hả?

- Ơ kia, sao khách cũng khóc mà chủ nhà cũng khóc?

- Em không có khóc đâu đấy. Em bị khói vô mắt mà!

- Khóc thì chịu khóc đi, anh Hai ảnh có cười thì ảnh cười chị Hai kìa, ảnh không cười mình đâu mà sợ. Thôi đủ bài bản rồi, mời mọi người cứ tự nhiên như người Hà Nội đi.

- Ơ kìa, em là chủ nhà, để em mời khách chớ sao chị lại thay mặt chủ nhà.

- Vậy lúc nãy em bảo mọi người cứ tự nhiên như người Hà Nội?

- Chà! Chị Ly làm bữa tiệc này thiệt giống y bên Sàigòn mình đi ăn nem nướng ở Chợ Đủi.

- Bây giờ ở bển người ta gọi là "Chợ Đuổi".

- Đổi tên chợ rồi à?

- Không phải! Đó là tiếng nói của người dân nhạo báng Nhà nước. Chợ Đuổi tức là đuổi nhà, đuổi sở, đuổi đi kinh tế mới để giành nhà giành sở giành đất anh hiểu không?

- Dư hiểu! Hiểu lâu rồi! Hiểu từ khi bọn cướp chưa tới Sàigòn kia đấy người Hà Nội à!

- Bây giờ ở bển dân họ không kiêng nể cán bộ đã đành họ cũng không nói lén sau lưng nữa. Họ cứ nói xơi xơi trước mặt cán bộ. Đại khái như là câu em nói hồi nãy đó. "Cứ tự nhiên như người Hà Nội!" Chậc! Mời anh Hai chị Hai và các chị! Mình dùng nĩa "tự túc" nghe! Chữ tự túc là chữ của bên nhà em đem qua đấy! Cứ tự nhiên.

- Như người Hà Nội phải không?

- Câu đó nghĩa là gì chị Ly nói lòng vòng hoài mà không giải thích.

- Hồi mới vô mấy ông bà giải phóng thấy nhà ai đẹp, muốn chiếm họ cứ tự nhiên đi vào ở và mời gia đình chủ nhà đi kinh tế mới, đi cải tạo, hoặc không đi đâu cả, mà phải ra khỏi nhà cho họ ở. Nhà em bị mời vì em lấy chồng "Mỹ CIA"!! Mẹ em có bộ ván gõ chạm đẹp lắm, để giành ngồi ăn trầu, họ cứ tự nhiên vào khiêng đi. Có cái radio để nghe cải lương họ cũng mượn, có cái soong Nhật Itachi mới mua họ cũng không ngại dùng luôn. Cuối cùng nhà mình họ ở luôn như nhà của họ không nói một câu nào với ba em. Nghĩa là cái gì của mình họ cứ lấy một cách tự nhiên. Thế cho nên bây giờ ở bên đó cái câu nói "tự nhiên như người Hà Nội" có nghĩa là...

- Ăn cướp!

- Có đau không người Hà Nội của đất ngàn năm văn hiến.

1989
 

<< Chiếc Áo Mộng Mơ | Giấc Ngủ 30 Năm >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 649

Return to top