Đời Sẽ Bình Minh
Hoàng Anh Sương
Tôi tuổi Sửu, đứng chữ Quý, sinh tháng Mười. Các cụ ngày xưa bảo: "Trai Đinh, Nhâm, Quý, Giáp thì tài". Thế mà ông thầy bói mù hàng xóm bấm, bảo: "Thằng này lỗi mùa sinh, chẳng làm được trò trống gì. Đời sau này khốn khổ khốn nạn lắm, đến bát cơm không có mà ăn, rồi ông bà phải nuôi báo cô suốt đời cho mà xem". Bố tôi thở dài. Mẹ tôi khóc rầu rĩ. Đẻ ra một đứa con bất tài như thế, dẫu là trai, phỏng ích gì? Nhà tôi có 8 anh em. Tôi là út. Bố mẹ nông dân. Quanh năm đầu tắt mặt tối vẫn bị cái đói, cái nghèo xiết chặt. Chúng tôi lớn lên trong cảnh: sáng ngô rang, trưa cơm độn, tối khoai trừ. Tôi, 8 tuổi đầu đã ngập ngụa trong vòng quay miết mải: Sáng lên lớp, chiều ra đồng chăn trâu cắt cỏ, tối vót vòng. Chỉ đến khuya mới đựơc châm đèn ngồi học. Nhiều đêm mệt quá, gục mặt xuống bàn ngủ thiếp đi. Giật mình tỉnh dậy thấy tóc cháy xém, mùi khét lẹt. Muỗi bâu kín chân. Có con hút căng máu rơi bệt xuống đất, không sao nhấc nổi mình.
Bố tôi tuy là bậc lão nông chi điền nhưng cũng có chút ít học hành. Thuở nhỏ, bố tôi được ông nội gửi sang thầy đồ làng bên học chữ. Những mong sau này đỗ đạt, kiếm chút công danh, rửa cho cả họ cái "tì vết" 6 đời cổ cày vai bừa, tối mày tối mặt. Bố tôi sáng dạ, đọc đâu hiểu đấy. Đang vọc vạch đọc "Tam thiên tự" thì ông nội lâm bệnh mất. Bố tôi buộc phải nghỉ học. Ông buồn lắm. Vừa khóc, vừa gói ghém sách bút vào tấm lụa đỏ, đặt lên góc ban thờ. Sau này, vào những đêm trăng, ngồi uống rượu suông một mình, ngẫm đời, ông lại đứng dậy thắp hương. Nâng niu bê bọc sách xuống, ông khẽ khàng cởi nút thắt, tay run run vuốt ve từng cuốn giấy đã ố vàng. Có lần, gọi anh em chúng tôi ra, ông nói, giọng đầy uất ức: "Thời nay, chữ nghèo gắn liền với chữ nhục. Muốn thoát khỏi cái nghèo, phải có chữ. Muốn có chữ, phải học. Anh em chúng bay, đứa nào có chí, học hành giỏi giang, tao sẽ lo chạy cho đến cùng. Kể cả phải bán ruộng vườn, nhà cửa". Nói xong, ông khóc. Anh em chúng tôi đứng trân trân nhìn nhau, lặng câm như hoá đá, mắt đứa nào cũng đỏ hoe.
Ngay từ năm lên 7, ý thức được thân phận nghèo hèn của mình, thấm thía đến mức đau đớn lời cha dạy, tôi đã nung nấu ý chí: phải học giỏi, bằng mọi giá phải làm được một điều gì đó để bố tôi dỡ tủi, để chứng minh, đúng hơn, để mở mắt cho mấy tay trọc phú hợm hĩnh gần nhà đã nhiều lần cười đểu, khinh miệt cha tôi rằng: "Con sãi ở chùa sẽ không phải quét lá đa".
Cấp I, tôi học giỏi cả 2 môn văn, toán. Năm lớp 4, nhà trường cử tôi đi thi học sinh giỏi toán, tôi đoạt giải nhất. Bố tôi mừng phát khóc. Giữa trưa nắng như đổ lửa, ông hô hào cả nhà ra bắt con gà mái ghẹ mổ thịt ăn mừng. Bữa cơm thật vui. Đầy ắp tiếng cười và có cả những giọt nước mắt long lanh của mẹ.
Trường chuyên của huyện gửi giấy gọi nhập học. Các thầy cô giáo đến nhà động viên: "Gắng lên em ạ! Đó là mảnh đất tốt để em phát triển tài năng". Tôi gật đầu. Nhưng trường cách nhà những 5 cây số. Tôi thì còi cọc, bé hạt tiêu, lại không có xe đạp. Phải nghỉ thôi. Bố tôi buồn. Mùa màng bận rộn. Mặc. Ông cứ ngồi trầm ngâm uống rượu, mặt đờ đẫn. Thương bố, tôi bảo: "Bố ơi! Con học ở trường làng cũng được, chẳng sao đâu. Con sẽ gắng học giỏi mà". Bố tôi nhệch miệng mỉm cười, giơ tay xoa đầu tôi. Hình như ông khóc.
Cấp 2, giờ văn, thầy giáo bảo: "Lập thân tối hạ thị văn chương. Xưa nay, những ai gắn với nghiệp văn là suốt đời gắn với cái nghèo". Chao ôi! Nghèo. Nỗi khổ cực của kiếp nghèo. Tôi nếm trải nhiều quá rồi. Tôi sợ. Thế là tôi lao vào học toán. Tôi mơ được như anh Dũng con bác Vạn xóm Đình. Học chuyên toán của tỉnh, thi đại học thừa điểm đi du học nước ngoài. Hàng năm, gửi về nhà bao nhiêu là xe máy, xe đạp... Bao đêm, tôi vuốt ve, vỗ về giấc mơ ấy như vuốt ve một đứa con tinh thần.
Thấy tôi say mê học toán, thầy Tấn bảo: " Em thông minh lắm. Từ đêm mai em lên nhà thầy, thầy dạy thêm cho". Tôi kể với bố. Bữa cơm trưa, bố nói trước cả nhà, giọng rành rọt: "Kể từ hôm nay, Tăng không phải vót vòng nữa. Bố mẹ sẽ tạo điều kiện cho con học". Cả nhà gật đầu. Tôi cảm động đến trào nước mắt.
Năm lớp 8, tôi đi thi học sinh giỏi toán của tỉnh, đọat giải nhì. Bố tôi lại bật khóc.
Năm 1987, tôi tốt nghiệp cấp II. Thầy Tấn bảo: "Tương lai, các công ty nước ngoài sẽ đổ bộ vào Việt Nam. Ngoại ngữ sẽ lên ngôi. Em nên thi vào trường chuyên ngữ". Vâng lời thầy, tôi làm đơn thi vào trường chuyên ngữ Hoà Bình. Hôm đi thi, bố tôi gọi bán 50 cân thóc, một đàn gà trục được cả thảy 4.000 VND. Đưa tất cho tôi, ông sụt sịt: "Bố rất muốn đưa con lên trên đó thi. Nhưng chỗ tiền này không đủ. Con chịu khó đi một mình vậy. Đi đường phải hết sức cẩn thận. Gắng lên con nhé". Tôi gật đầu quay mặt đi, giấu hai dòng nước mắt. Tôi khóc vì tủi thân.
Thi xong, tôi đến thăm thầy Tấn ngay. Nghe tôi trình bày bài làm, thầy gật gù: "Tốt lắm! Thôi, về bảo bố mẹ mổ gà ăn mừng đi". Cả nhà thấp thỏm chờ. Một tháng. Hai tháng. Bốn tháng. Không thấy giấy báo. Thầy Tấn bảo: "Chắc là có chuyện gì đây". Thầy đến Phòng Giáo dục. Rồi lên tận trường. Thì ra kết quả của tôi đã bị đánh tráo. Thế là trong đầu óc non nớt của tôi ngày đó chợt nhì nhoằng một ý nghĩ: "Cuộc đời này không hoàn toàn tốt đẹp như tôi tưởng. 1 cộng 1 không phải cứ bằng 2. Tôi căm giận vô cùng. Lòng tự nhủ: "Bằng mọi giá phải làm được một điều gì đó để sau này không ai có thể bóp nghẹt được mình".
Lớp tôi học hầu hết là con em cán bộ. Chúng no đủ, sung sướng. Tôi, đứa con của những người nông dân chân lấm tay bùn bị "tách khỏi lớp". Thân phận xoàng xĩnh, nghèo hèn đã không cho phép tôi được hoà nhập. Nhiều đêm, nằm co ro một mình, nghĩ đến những ánh mắt, những nụ cười khinh khỉnh của bạn bè cùng lớp, lòng tôi đau nhói. Không ít lần, tôi khóc. Nhưng nhớ đến bố mẹ, nhớ đến thầy Tấn, tôi lại choàng dậy bật đèn và học thâu đêm. Tôi phải khẳng định mình bằng kết quả học tập.
Năm 1990, tôi tốt nghiệp xuất sắc cấp III cùng danh hiệu "Học sinh giỏi cấp tỉnh". Mùa hè năm đó, tôi thi đậu khoa Nga - Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Lại những tháng ngày dằng dặc cùng cực. Những bữa ăn sáng vờ quên. Những đêm khuya ngồi học bụng réo ùng ục. Những ngày chống trả quyết liệt với cái rét buốt của mùa đông bằng 2 chiếc áo mỏng manh. Bố mẹ bắt đầu già yếu. Anh chị em người dựng vợ, kẻ lấy chồng. Những đồng tiền ít ỏi bố gửi hàng tháng thấm đẫm mồ hôi được đong đếm bằng từng lạng thóc. Tôi học thêm khoa Tiếng Anh. Dù tằn tiện tối đa vẫn không đủ sống. Đêm, tôi phải đi làm thêm. Làm bất cứ việc gì: rửa bát, bưng bê, phụ vữa... Thật mệt mỏi nhưng bù lại, tôi có thêm kinh nghiệm sống. Tôi rất ít về quê, mặc dù trường cách nhà có 20 cây số. Phần vì bận. Phần vì về không có tiền cho tôi, mẹ lại khóc rấm rứt, tôi buồn. Có hôm nhớ nhà quá, không chịu được, tôi phải mượn xe bạn lóc cóc đạp về. Nhưng chỉ lén lút đứng rìa làng, trong bóng chiều choạng vạng, nhìn trộm hàng cau, mái nhà, dáng hình lủi thủi của mẹ rồi lại tất tưởi đạp đi, vừa đạp, vừa khóc.
Bốn năm ì ạch trôi qua. bạn bè tôi phần lớn trở về quê dạy học. Tôi cũng muốn được như họ, được làm cái nghề thầy thiêng liêng cao quí. Nhưng lại nghĩ : Với đồng lương còm cõi, liệu tôi có thoát ra khỏi cái nghèo, cái đói? Hay đời tôi lại bị ghì sát đất bởi miếng cơm, manh áo để rồi một ngày nào đó mốc lên, mòn đi, rỉ đi? Không! Tôi phải trụ lại Hà Nội. Đêm, tôi đi dạy tiếng Anh ở các trung tâm, ngày bươn bả đi xin việc. Và cuộc đời đã không nỡ tàn nhẫn với tôi. Công ty Bê tông Việt úc tuyển một phiên dịch. Tôi tham gia thi tuyển, trúng. Hôm ký hợp đồng, nhận mức lương 500 USD, tôi sướng như điên, cố kìm tiếng hét trực bật ra khỏi lồng ngực. Buổi chiều, trên đường về, chợt thấy rung động khi bắt gặp một tà áo dài, một vành nón che nghiêng. Dòng đời đang trôi chảy kia sao gần gụi, thân quen quá.Thấy tôi có năng lực quản lý, điều hành, ông giám đốc chuyển tôi lên làm trợ lý. Bận rộn, căng thẳng nhưng tôi vẫn tranh thủ đi học thêm Tin học, Ngoại ngữ, Đại học Luật... Hiện nay, tôi có thể sử dụng thành thạo 4 thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Trung.
Năm nay, tôi mới 27 tuổi. Còn quá sớm để nói trước những gì. Nhưng nhìn lại những ngày đã qua, tôi hoàn toàn có thể tự hào rằng: Tôi đã vượt lên trên hoàn cảnh nghiệt ngã bằng chính đôi chân của mình. Những khó khăn chồng chất đã không vùi dập được tôi. Mơ ước luôn đau đáu trong tôi đã thành hiện thực. Đó là xoá tan cái ám ảnh khủng khiếp trong mẹ tôi về số phận của tôi mà ông thầy bói đã gieo rắc. Và tôi đã xây tặng cha mẹ một ngôi nhà khang trang bằng chính đồng tiền lương thiện của mình để đền đáp một phần công ơn như núi.
Bữa trước, về thăm nhà, bố tôi bảo: "Mừng quá con ạ! làng mình năm nay có những 6 người thi đậu đại học. Có điều, họ nghèo quá. Nghe đâu chú Thụ phải vay cả tiền Ngân hàng để đóng góp cho con Hoa". Tôi nghĩ: Đói nghèo có thể làm người ta khổ. Nhưng không thể làm thui chột được ý chí, tài năng. Hãy gắng lên, hãy tự tin lên, rồi ngày mai đời sẽ bình minh, tươi đẹp./.
Hà Nội ngày 07/08/2000