LTS:
Theo tài liệu biên khảo của ông Milton Osborne, một học giả người Úc, lịch sử Việt Nam từ năm 1954 trở đi đã có ít nhất hai cái nhìn xung đột về những chính khách và học giả cách tân không theo chủ trương bạo động trong quá trình kháng chiến Pháp. Ở ngoài Bắc, họ bị coi là những con người nhu nhược, thông đồng với bọn thực dân Pháp. Nhưng trong miền Nam, họ được tiếp nhận với một cái nhìn có phần dung hòa hơn, và cũng được ghi nhớ qua những công lao văn hóa của họ trong thời kỳ sơ khai của chữ Quốc Ngữ. (Xin tham khảo bài Trương Vĩnh Ký and Phan Thanh Giản: The Problem of a Nationalist Interpretation of 19th Century Vietnamese History (Journal of Asian Studies: Nov. 1970, tr. 81).
Học giả Osborne chất vấn quan điểm của miền Bắc trước 1975 đã phán xét những nhân vật lịch sử chỉ qua khuôn mẫu "anh hùng kháng chiến." Ông lập luận, "chính sách học tập đề cao những thành tích kháng chiến đã đơn giản hóa vấn đề. Có những nhà văn hóa cách tân [như Trương Vĩnh Ký và những người theo ông], mặc dù đã bị coi là thông đồng với người Pháp, thật sự đi cùng đường với những nhà cách mạng sau họ, đã muốn cải cách xã hội Việt Nam [theo đà tiến bộ của thế giới] bằng cách đoạn tuyệt với quá khứ Khổng học."
Dựa trên tài liệu tham khảo ở Thư Viện Quốc Gia ở miền Nam trước 1975, ông Osborne kết luận rằng Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, và những hậu sinh của họ đã thực sự tin rằng quá trình tiếp thụ văn hóa Pháp sẽ giúp Việt Nam đạt được văn minh và độc lập. Theo nhận định của tác giả Tú Nhi,
bắt đầu từ thời kỳ Đổi Mới cho đến hiện nay, quan điểm chính trị về thành phần collaborateur đã được xét lại. Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, và những nhà văn hóa và dịch giả theo chủ trương Tây học ở cuối thế kỷ 19-đầu thế kỷ 20 đã được ghi nhận qua những thành tích tiền phong đáng kể của họ trong quá trình bành trướng chữ Quốc Ngữ và những tư tưởng văn hóa cận đại.*
Nhà nghiên cứu Bằng Giang đã từng khẳng định: “Ở phần ba cuối cùng thế kỷ XIX, vào buổi sơ khai của nền văn học chữ quốc ngữ ở Nam Kỳ mà cũng là ở Việt Nam, có ba khuôn mặt nổi bật, kể theo tuổi tác: Huỳnh Tịnh Của (1834-1908), Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Trương Minh Ký (1855-1900)." Bỏ qua những điểm mờ trong vai trò chính trị, có thể nói Trương Minh Ký là gương mặt rất đáng được tôn vinh trong lịch sử văn hóa nước nhà. Một con người có những đóng góp lớn lao trên nhiều lĩnh vực: là một nhà dịch thuật có nhiều công trình lớn, một nhà giáo có tâm có đức với nghề nghiệp, một nhà văn có những sáng tạo độc đáo mang tính tiên phong trong lịch sử văn học.
Trương Minh Ký là học trò xuất sắc của Trương Vĩnh Ký. Ông sinh ngày 23 tháng 10 năm 1855, mất ngày 11 tháng 8 năm 1900, tự Thế Tải, hiệu Mai Nham. (Thuộc dòng dõi Trương Minh Giảng (? - 1841), người đã giữ chức Thượng thư kiêm Khâm thiên giám dưới triều Nguyễn). Cha là Trương Minh Cẩn, mẹ là Phạm Thị Nguyệt. Quê quán ở làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Tên thật là Trương Minh Ngôn, vì ngưỡng mộ thầy dạy Trương Vĩnh Ký nên đổi tên thành Trương Minh Ký với ước nguyện nối được chí lớn của thầy.
Trong cuộc đời ngắn ngủi 45 năm (Trương Minh Ký mất sớm nhưng hiện chưa có tư liệu nào đề cập đến cái chết của ông), Trương Minh Ký đã làm được nhiều điều mà Trương Vĩnh Ký từng nhắn gửi học trò khi tiễn dặn họ sang Algier học tập:
“Hãy đi đi và hãy trở về, như những con chim, biết tha những cọng cỏ khô làm tổ hạnh phúc cho dân tộc mình.” Thiết tưởng một con người có tầm vóc lớn như Trương Vĩnh Ký phải biết chọn người để gửi gấm khát vọng của bản thân đối với đất nước, dân tộc. Một trong số những người được Trương Vĩnh Ký đặt nhiều kỳ vọng là Trương Minh Ký. Vậy Trương Minh Ký đã làm được những gì?
Trong bố cảnh hậu bán thế kỷ 19, trên lộ trình bành trướng thế lực của chủ nghĩa thực dân phương Tây, Châu Á là điểm đến quan trọng. Một trong những tên thực dân sừng sỏ nhất là Pháp đã chọn Việt Nam làm mục tiêu xâm lược và đặt ách thống trị lâu dài. Nam Bộ là mảnh đất đầu tiên bị Pháp đánh chiếm và đặt quyền bảo hộ. Từ tháng 2 năm 1859, Pháp đánh chiếm Gia Định và đến năm 1862, triều đình Huế nhu nhược đã cắt đứt ba tỉnh Đông Nam Kỳ (Gia Định, Biên Hòa, Định Tường) dâng cho Pháp. Trong lúc triều đình phong kiến chỉ lo “duy trì chế độ xã hội thối nát nhằm bảo vệ đặc quyền đặc lợi”, “ra sức củng cố trật tự bằng mọi cách” thì thực dân Pháp lại ráo riết chuẩn bị kế hoạch chiếm nốt ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Pháp thực hiện xong âm mưu này vào năm 1867 mà không tốn một viên đạn, không một chút kháng cự nào của quan quân triều đình. Sau khi chiếm xong sáu tỉnh Nam kỳ, thực dân Pháp đẩy mạnh chính sách văn hóa nô dịch, đồng hóa. Pháp cho mở trường dạy học bằng tiếng Pháp sau đó tiếp tục đưa chữ quốc ngữ vào chương trình dạy học. Pháp cho xuất bản tờ báo chuyên đăng thông tư, nghị định, phổ biến công văn của guồng máy chế độ thực dân đồng thời ra sức đào tạo đội ngũ công chức thực hiện cho công cuộc nô dịch văn hóa. Trương Minh Ký là một trong những công chức được đào tạo vì mục đích ấy của thực dân Pháp. Nhưng thực chất những gì Trương Minh Ký làm được cho nền văn hóa nước nhà thì khác hẳn với mục tiêu ban đầu của thực dân Pháp.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất “bảo hộ” của thực dân Pháp - Gia Định - nền văn hóa mà Trương Minh Ký tiếp nhận lúc bấy giờ là nền văn hóa trong các trường học của Pháp. Ông thuộc tầng lớp Tây học tiến bộ, tiếp thu, ảnh hưởng khá nhiều nền văn hóa Pháp. Trương Minh Ký từng học qua trường Thông ngôn do Trương Vĩnh Ký làm Giám đốc từ năm 1866-1868 (dù ông không theo đạo Thiên Chúa). Ông tiếp tục học ở trường Saxôlu-Lôba (Chasseloup – Laubat), tốt nghiệp, Trương Minh Ký ở lại dạy học cho trường này. Sau đó, năm 1880, ông dẫn 10 du học sinh sang Algier (Bắc Phi) học tập, trong đó có Diệp Văn Cương, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Trọng Quản… Ông tinh thông tiếng Pháp đồng thời am hiểu cả chữ Nôm, chữ Hán. Mặc khác, ông còn là một trong những học giả rất tinh tường chữ quốc ngữ. Có thể xếp Trương Minh Ký vào hàng trí thức uyên thâm mà lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX có được. Cả hai vốn học thuật được tiếp nhận qua các trường học của Pháp và vốn ngôn ngữ dân tộc được rèn luyện nhờ nỗ lực của bản thân được Trương Minh Ký dùng để phục vụ cho sự nghiệp văn hóa nước nhà. Đó là điều đáng trân trọng của một trí thức Tây học, dù học qua trường Tây nhưng không hề quay lưng lại với đất nước, không chống lại đồng bào mình.
Trương Minh Ký là một trong những học trò xuất sắc của của Trương Vĩnh Ký. Ông đã kế tục xứng đáng sự nghiệp mà Trương Vĩnh Ký trăn trở tìm tòi, chủ yếu là sự nghiệp học thuật, còn sự nghiệp chính trị của Trương Minh Ký không được nhắc đến nhiều và cũng không rõ ràng như Trương Vĩnh Ký. Vì thế, nói đến Trương Minh Ký không thể không nói đến những định hướng riêng của Trương Vĩnh Ký. Phạm Thế Ngũ nhận xét về Trương Vĩnh Ký như sau: “Con người ấy thực ra ở trí sáng suốt, óc chừng mực, tác phong tao nhã, vẫn cốt yếu là một đồ đệ của Nho giáo. Và trái tim ông vẫn đập về phía đất nước đồng bào.” Sự tiếp xúc với văn hóa phương Tây, nhất là văn hóa Pháp, có thể đã tạo nên trong Trương Vĩnh Ký một hy vọng lớn về khả năng đổi mới và phát triển văn hóa dân tộc bằng cách tiếp nhận văn hóa phương Tây, đồng thời làm sống lại các nhân tố văn hóa đã có, kể cả Nho giáo mượn của Trung Hoa. Ta có thể thấy một phương hướng kiểu Nguyễn Trường Tộ, với câu nói nổi tiếng,“Người phương Tây là kẻ bán cái trí, cái dũng, nếu ai khéo mua thì chẳng bao lâu các thứ họ có sẽ trở thành của mình,” đã được Trương Vĩnh Ký âm thầm thực hiện. Trương Vĩnh Ký đã có lần hội kiến Vích-to Huy-gô (Người dám chống lại hệ thống chính trị của Napôlêông Bônapac) và tiếp thu quan điểm của nhà văn vĩ đại này:
"Thứ nhứt, buộc bọn Pháp của Louis “tiểu đế” phải mở trường ở bản địa. Thứ nhì, phải đòi cho ra tờ báo tiếng An Nam. Một dân tộc muốn tiến bộ không thể để dân chúng thất học. Thất học đồng nghĩa với ngu muội. Bọn cầm quyền nào cũng muốn dân ngu muội để dễ bề cai trị. Và báo chí là chỗ phổ biến chuyện hay dở của một xã hội. Hay thì noi theo. Dở thì bảo nhau mà tránh xa. Bọn tham nhũng, độc tài, làm bậy ỷ thế cậy quyền rất sợ báo chí. Và vì vậy báo chí góp phần thúc đẩy xã hội phát triển..." Trương Minh Ký cũng đã đi theo bước chân của thầy.
Năm 1885, Trương Minh Ký dạy học ở trường Saxôlu-Lôba, sau đó ông lại kế nhiệm làm chủ bút tờ
Gia Định báo (từ 1881-1897) - tờ báo đầu tiên ở Việt Nam được viết bằng chữ quốc ngữ. Ngoài việc đăng tải công văn của chính quyền thực dân từ lúc Trương Vĩnh Ký làm chủ bút, tờ báo này còn làm nhiệm vụ “cổ động cho lối học mới, phát triển chữ quốc ngữ, khuyến khích dân chúng học chữ quốc ngữ.” Như vậy, con đường đi của Trương Minh Ký không khác gì mấy so với Trương Vĩnh Ký. Vì muốn cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp văn hóa nước nhà, Trương Minh Ký đã chọn hai công việc có sức mạnh to lớn trong việc cải tạo xã hội là dạy học và làm báo.
Trương Minh Ký là một học giả uyên thâm. Vốn tiếng Pháp, chữ Hán, chữ Nôm, chữ quốc ngữ của ông đạt đến độ thành thạo mà hiếm có nhiều người đạt được. Ông từng được ân thưởng Huy chương Hàn lâm viện Pháp quốc (Officier d’academie), Kim khánh bội tinh Nam triều và Hoàng gia Cam-bốt… nhờ những đóng góp trong công tác làm thông ngôn.
Trương Minh Ký còn là người có công to lớn trong việc truyền bá chữ quốc ngữ cho mọi tầng lớp dân chúng với mong muốn “xóa nạn mù chữ cho quốc dân.” Một dân tộc tiến bộ không thể là một dân tộc không biết chữ. Trong khi chữ Hán, chữ Nôm khó học, khó phổ biến thì chữ quốc ngữ được xem là thứ chữ dễ đọc, dễ học hơn rất nhiều lần. Giám mục Puginier nói: “Sau khi đạo Thiên Chúa đã được thiết lập, tôi coi việc bãi bỏ chữ Hán và thay thế trước tiên bằng chữ quốc ngữ, sau bằng chữ Pháp, là một phương pháp rất chính trị, rất thực tế và rất hữu hiệu để lập ra ở Bắc kỳ một nước Pháp nhỏ ở Viễn Đông…” (Thư ngày 4 tháng 5 năm 1887 của Giám mục Puginier gửi tổng trưởng thuộc địa Pháp). Như vậy, trong khi bọn Pháp tin tưởng mở trường dạy chữ quốc ngữ, lập ra tờ báo chữ quốc ngữ sẽ giúp chúng nắm trọn tư tưởng của người Việt Nam, làm cho người Việt cắt đứt với truyền thống Viễn Đông, lìa bỏ cội nguồn văn hóa dân tộc mình thì những người thực thi nhiệm vụ của chúng như Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, v.v.… lại hướng đến những mục đích tốt đẹp khác của nền quốc văn: đó là “khai dân trí.” Với tính chất dễ học, học mau của chữ quốc ngữ, thứ chữ này có khả năng lan tỏa một cách nhanh chóng. Mặt khác, chữ quốc ngữ có khả năng truyền bá bất kỳ tư tưởng gì dù là cao siêu mà ta muốn học, có thể phổ biến học thuật “Thái Tây” (Điều mà
Bác học sơ giai của Huỳnh Tịnh Của đã chứng minh rõ). Vì mục đích tốt đẹp đó, Trương Minh Ký đã ra sức dịch nhiều tác phẩm văn chương của cả Tây lẫn ta ra chữ quốc ngữ với số lượng đáng kể.
Trong thời gian làm chủ bút tờ
Gia Định báo ở Sài Gòn, ông cho đăng các tác phẩm dịch thuật của mình nhằm bổ sung cho sách vở còn hết sức thiếu thốn ở trường học cũng như cho công chúng biết chữ quốc ngữ có cái để đọc. Nỗ lực của Trương Minh Ký và những người có cùng tâm huyết như ông đã làm cho diện mạo nền quốc văn Nam Kỳ thật phong phú, đa dạng. Sách báo bằng chữ quốc ngữ lúc bấy giờ không chỉ có công văn, nghị định của chính quyền thực dân mà có nhiều tác phẩm văn chương có giá trị, nhiều công trình phổ biến giáo dục bổ ích, nhiều tác phẩm sưu tầm văn chương công phu. Với thời gian và bằng cái nhìn công bằng chúng ta cần phải ghi nhận đó là đóng góp lớn lao mà thế hệ trí thức như Trương Minh Ký đã làm được cho lịch sử dân tộc.
Phan Mạnh Hùng có viết: “Nếu như dòng văn học yêu nước chống Pháp do các nhà Nho Nam Bộ tiến hành chính là sự kế thừa và phát huy truyền thống văn học vốn có từ ngàn xưa của dân tộc, thì dòng văn học quốc ngữ La tinh mới xuất hiện được đặt trong tay của những trí thức Tây học với đường hướng cách tân trong xu hướng vượt ra khỏi tầm ảnh hưởng của văn học Đông Á và tiến tới hòa nhập vào quỹ đạo văn học hiện đại của thế giới." Bên cạnh những tên tuổi Nho gia Nam Bộ: Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Thông… thống lĩnh dòng văn học yêu nước chữ Hán, chữ Nôm là những cái tên trí thức Tây học như: Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Paulus Của, Nguyễn Trọng Quản… được lịch sử giao trọng trách cách tân nền văn học.
Trong cuốn
Trương Vĩnh Ký - Bi kịch muôn đời của Hoàng Lại Giang, Trương Minh Ký xuất hiện với một hình ảnh thật đẹp đẽ. Bằng những tư liệu văn học quý giá mà nhà nghiên cứu Bằng Giang để lại cho Hoàng Lại Giang, chúng tôi tin tưởng những gì Hoàng Lại Giang dựng lên trong tác phẩm của mình là khá chân thực. Ở đoạn Paul Của (tức Huỳnh Tịnh Của) hỏi Trương Vĩnh Ký về việc mời người cộng tác trong việc quản lý tờ Gia Định báo, ta nhìn thấy chân dung của Trương Minh Ký là một người rất mực trung thành theo ý chí của vị thầy dẫn dắt mình:
- Thầy có định mời anh Trương Minh Ký và anh Tôn Thọ Tường?
- Chắc chắn tôi sẽ mời trò Trương Minh Ký. Còn anh Tôn Thọ Tường… anh ấy đã cùng đi với tôi sang Paris… tôi hiểu… anh ấy khó đi cùng đường với chúng ta.
Con đường đi của Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký có phần gần gũi với Phạm Quỳnh. Phạm Quỳnh muốn xây dựng một chủ nghĩa quốc gia "bắt đầu từ đấu tranh xây dựng văn hoá, [vì] việc này cần thiết hơn đấu tranh chính trị. Không cần đấu tranh chống Pháp mà chỉ cần nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân.” Khác với Tôn Thọ Tường, Trương Minh Ký đi cùng con đường với Trương Vĩnh Ký trên mọi phương diện: học thuật, quan điểm cơ bản về văn hóa cũng như chính trị. Khi Trương Vĩnh Ký nói,“Tôi muốn hoàn thành cuốn từ điển Pháp-Việt và muốn dịch cuốn từ điển của Littré ra chữ quốc ngữ,” Trương Minh Ký đã tán đồng hoàn toàn ý kiến của thầy. Ông bày tỏ ý nguyện song song của mình,“Con sẽ phụ với thầy. Bước đầu quảng bá chữ quốc ngữ, những bộ từ điển ấy thật cần thiết.”
Trương Minh Ký còn là người có tư tưởng duy tân mới mẻ, những tư tưởng mà cho đến lúc ấy Tự Đức vẫn chưa nhìn thấy để cải tạo đất nước:
- Con nghĩ -Trương Minh Ký nói - văn minh Tây Phương có nhiều điều chưa dung hòa được với Đông phương. Nhưng ít ra Tây phương cũng đã trải qua thời kỳ lột xác, vai trò của dân chúng không còn ở địa vị nô lệ như dân nước mình. Và trí thức đã sáng tạo ra kỹ nghệ và kỹ nghệ là cứu cánh của nền văn minh mà nhân loại đang hướng tới, bằng mọi giá. Và vì vậy, con nghĩ, ta không thể không trả giá mà tiếp cận được với nền dân chủ mà Victo Huygô đã trả giá, với nền văn minh mà Châu Âu đã phải trả giá.
Căn cứ những gì Hoàng Lại Giang đã vẽ trong Trương Vĩnh Ký - Bi kịch muôn đời thì hình ảnh của Trương Minh Ký hiện lên rất đẹp đẽ. Ta có thể hình dung về một Trương Vĩnh Ký thứ hai -một con người có ý chí, có quyết tâm, có tư tưởng mới mẻ, có sáng kiến. Quả thật, Trương Minh Ký đã không phụ công lao dạy dỗ của Trương Vĩnh Ký, kế tục xứng đáng sự nghiệp Trương Vĩnh Ký dày công xây dựng.
So với tầm vóc của Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký có thể chỉ được coi là “người học trò nhỏ.” Dù sao, ông không hẳn là bản sao của Trương Vĩnh Ký. Trương Minh Ký khẳng định mình bằng một sự nghiệp văn chương riêng. Sự nghiệp ấy so với người đi trước lẫn người theo sau rất xứng đáng để gọi Trương Minh Ký là một nhà văn hóa lớn của đất Nam Kỳ. Phần dưới đây liệt kê sự nghiệp văn hóa của Trương Minh Ký: