Đàn Chim Bay Qua
Chu Thảo
Cách đây hơn 6 năm, người ta đưa vào trại giam – nơi chị tôi làm giám thị - một cô gái trẻ xinh đẹp, tươi tắn. Cô họ Hà mới 21 tuổi. Ánh mắt cô lóe lên nỗi lo sợ, buồn rầu pha lẫn nét ngây thơ non dại của gái quê chân chất, thật thà. Có vẻ như cô đã đến lầm địa chỉ. Chỗ của cô, lẽ ra phải ở giảng đường đại học, ở sân khấu của các ngưòi mẫu, hoặc ít nhất cũng ở quầy tiếp tân của một khách sạn sang trọng. Thế mà cô lại ở dây, cái chỗ chẳng ai mơ ước này với mức án rất nặng: tù chung thân !
Theo hồ sơ và lời kể của cô thì cô mồ côi cà cha lẫn mẹ và sống với bà ngoại đã ngoài 70 tuổi. họ ở vùng sát biển giới, sinh nhai bằng nghể buôn bán lặt vặt ở chợ.
Cô yêu một chàng trai họ Đỗ, lớn hơn cô 5 tuổi, cùng hoàn cảnh như cô: mồ côi cha mẹ, sống bằng nghề khuân vác mướn.
Hai bên đã tính chuyện hôn nhân. Nhưng một hôm chàng họ Đỗ nói lên điều suy nghĩ sâu lắng của mình:
- Đôi ta cùng nghèo, quá nghèo. Kết hôn rồi tất dẫn đến việc có con cái. Làm sao mà nuôi chúng đây ? Hay chúng ta hoãn đám cưới lại độ hai năm để cùng nhau đi kiếm tiền đã.
- Chàng sôi nổi:
- Như bà Ba béo kia. Mấy năm trước còn ngồi bán thuốc lá lẻ ở chợ biên giới, mà nay đã làm chủ một tiệm vàng lớn trong thành phố, lại còn có tiền cho thương lái vay. Hay như gã Năm gù bạn anh, mấy năm trước còn còng lưng đi thồ hàng, mà nay đã cất được nhà lầu, sắm được xe hơi đi đó đây vi vút. Chúng ta còn trẻ, khỏe hơn họ và cũng có thể khôn hơn họ nữa, sao cứ chịu nghèo mãi ? Nghèo luôn đi đôi với hèn. Anh không thể để người ta khinh khi mãi.
Rồi anh đề xuất:
- Giờ vầy, anh với em mỗi đứa đi tìm một phương tìm cách kiếm tiền. Hai năm sau chúng ta gặp lại làm đám cưới.
Và anh ra đi.
Đối với bà Ba béo, cô có chút quan hệ ân nghĩa. Cách đây hơn một năm, một buổi chiều mưa lâm râm, bà cưỡi xe máy từ bên kia biên giới về theo đường mòn. Đến đèo Cổ Ngỗng dốc quanh co đường trơn trượt , bà té một cú rất nặng. May lúc ấy cô tình cờ đi tới. Cô chởbà đi bệnh viện kịp thời, nhờ đó bà mới tai qua nạn khỏi.
Muốn giàu mau ư ? Sao không nhờ người quen đã có kinh nghiệm dẫn lối đưa đường ?
Bà Ba tiếp người ơn cũ rất niềm nở và chân tình. Nghe cô trình bà ý muốn, bà chủ tiệm vàng kéo cô lên phòng riêng ở trên lầu đóng cửa lại rồi tâm tình:
- Có phúc làm quan, có gan làm giàu. Chỉ sợ em thiếu can đảm thôi.
Cô gái bày tỏ quyết tâm cao của mình. Bà chủ tiệm vàng ngần ngừ đôi chút rồi cho một địa chỉ bên kia biên giới, một mật khẩu, lại cho cô mượn một số vốn kha khá và dặn:
- Mà phải kín đáo đấy, dù có chết cũng không đuợc tiết lộ với ai.
Cô rành tiếng nói của người bên kia biên giới, lại thông thuộc các đường ngang ngõ tắt giữa hai nước.
Cô đem về một giỏ đào tiên - đặc sản của địa phương bên ấy. Bên trên giỏ là đào thật, còn bên dưới là những quả bị moi ruột, thế vào bằng thứ bột trắng gói khéo léo trong những bịch ny lông và đâỵ lại một cách tài tình.
Chuyến đi trót lọt, cô họ Hà được lời một số tiền lớn. Lòng tham vốn không đáy. Cô đi chuyến thứ hai, thứ ba, thứ tư, rồi thứ năm và ….bị bắt.
Cô ở trong trại giam được 6 tháng thì một hôm người yêu của cô đến thăm. Anh gầy gò, đen đúa và có vẻ căng thẳng. Thừa lúc không ai để ý, anh nói nhỏ với người bạn lòng:
- Yên chí đi. Anh sắp có một số tiền lớn, đủ sức đưa em ra khỏi chốn này.
Cô chợt thấy trong mắt nguời yêu lóe lên những tia sáng kỳ lạ, lạnh và sắc như ánh thép.
Rồi người yêu của cô ra đi, đi mãi.
Cô gái mỏi mòn chờ đợi. Một năm đã trôi qua…
Mỗi đêm trăng sáng, cô đứng vịn song sắt trại giam nhìn đàn chim trời bay qua. Chúng gọi nhau, nghe sao mà trìu mến, thống thiết. Một hôm, bỗng cô cất tiếng kêu với theo đàn chim:
- Anh ơi ! Em nhớ anh quá
Tiếng cô trong trẻo, vượt qua các song sắt, đuổi theo đám mây trắng đang lững lờ trôi.
Chợt điều kỳ lạ xảy ra.
Cô nghe rõ ràng tiếng người yêu của cô đáp lại:
- Em ơi ! Anh nhớ em quá !
Tiếng nói ấy xuất phát từ bên kia bức tường cao.
Nguyên nhà tù này chia làm hai phần, một bên nhốt phạm nhân nữ, bên kia dành cho nam. Người hai bên không thấy mặt nhau, nhưng người bên này nói lớn thì ngườibên kia nghe được và ngược lại.
Cô nghĩ thầm:
- Vâỵ là anh ấy còn sống. Điều cốt yếu là anh ấy còn sống ! Ở tù thế nào cũng có ngày được ra. Án chung thân đi nữa mà hạnh kiểm tốt thì cũng chỉ phải độ 10, 12 năm là nhiều. Chúng ta còn nhiều thời gian để làm lại cuộc đời.
Từ ấy, cô chờ đợi những đêm trăng sáng, khi đàn chim bay qua và gọi nhau, cô lại ra vịn song sắt phòng giam, nhìn lên trời và kêu lớn:
- Anh ơi ! Em nhớ anh quá !
Tức thì từ bên kia bức tường, chàng họ Đỗ đáp lại:
- Em ơi ! Anh cũng nhớ em quá !
Bản tình ca kỳ lạ, có một không hai ấy vang lên trong đêm tĩnh mịch, nghe mà nhói lòng.
Một đêm tháng 8 (âm lịch) trăng sáng vằng vặc, cô lại cất tiếng:
- Anh ơi ! Em nhớ anh quá !
Và cô hồi hộp chờ đợi tiếng trả lời. Chờ mãi. Chờ mãi mà không nghe tiếng người yêu từ bên kia tường đáp lại.
Cô hốt hoảng:
- Hay là…anh là anh ấy làm sao rồi ?
Linh tính báo cho cô dường như có sự gì rất tệ. Cô suy sụp dần.
Nhưng rồi phép lạ đã xảy ra.
Một đêm trăng khi đàn chim bay qua và gọi nhau ríu rít trên không, thì bên kia tường, bỗng nổi lên tiếng nói ấm áp:
- Em ơi ! Anh nhớ em quá
Cố lấy hết hơi, cô gọi lớn:
- Anh ơi ! Em nhớ anh quá !
Bản tình ca nồng nàn và bi ai ấy lại vang lên trong đêm tĩnh mịch quạnh hiu. Vầng trăng trên cao kia dường như cũng dang lắng nghe chăm chú. "Đúng là tiếng anh ấy rồi"
- Cô gái tự nhủ - tuy âm sắc có vẻ già hơn trước. Nhưng ở tù người ta mau già cũng là lẽ bình thường.
Rồi tự nhiên cô gái lành bệnh. Cô lại ăn được, ngủ được, lại đi làm việc, học hành, ca hát véo von. Hy vọng quả là liều thuốc thần, liều thuốc cải tử hoàn sinh.
Trong trại giam có bà giám thị già, vẫn gọi là bà Tám, chồng con đều chết cả trong chiến tranh. Bà thương cô lắm, coi cô như con mình, hết lòng dạy cô nghề may. Cô học hành chuyên cần và xem ra rất có năng khiếu.
Vì cô phạm nhân họ Hà có hạnh kiểm tốt, nên được phép ra ngoài làm việc.
Một hôm, phạm nhân đang làm việc thì trời đổ một cơn mưa lớn và kéo dài. Sấm sét ì ầm như trời long đất lở. Con suối hàng ngày hiền hòa bỗng biến thành dòng thác lũ nước đổ ì ầm.
Mấy đứa học trò người Thượng đi học về phải qua cây cầu tre bắc ngang suối. Thình lình cầu gãy, bọn trẻ té xuống dòng nước chảy xiết, mấy đứa còn trên bờ la thét inh ỏi. Lúc ấy tốp phạm nhân đi làm về cũng tình cờ vừa đến đấy. Cô không chần chừ, nhảy ngay xuống dòng nước lũ…
Tin người nữ tù nhân can đảm cứu được 3 đứa trẻ được các phương tiện thông tin đại chúng truyền đi khắp nơi.
Để biểu dương tinh thần dũng cảm quên mình cứu trẻ của cô gái, một lệnh đặc xá được ban hành. Tính ra, cô chỉ phải ở tù có 6 năm 3 tháng 13 ngày, thay vì án chung thân.
Việc đầu tiên của cô khi được mặc trở lại bộ quần áo của thường dân tự do là chạy ngay qua trại tù nam và nói với viên sĩ quan trực:
- Xin vui lòng cho tôi gặp anh Đỗ Văn X.
- Hôm nay mới là thứ hai - thứ sáu mới đến ngày thăm nuôi.
Cô gái khẩn khoản:
- Xin cho tôi thấy mặt anh ấy một chút thôi cũng được. Xin mở lòng thông cảm, chúng tôi xa nhau đã hơn 6 năm rồi.
Anh này nhìn cô gái hồi lâu rồi hỏi:
- Đỗ Văn X nào nhỉ ? Có phải anh cao cao, có cái bớt đỏ dưới tai trái và cái thẹo to ở dưới cánh tay phải không ?
Cô Hà mừng rỡ reo to:
- Đúng rồi ! Đúng anh ấy đấy !
Người sĩ quan trực không giấu được vẻ ái ngại:
- Mà…có là thế nào với anh ấy ?
- Tôi là vợ chưa cưới của Đỗ Văn X.
Ông thở dài, lục chồng hồ sơ, lấy ra một tờ báo cũ đưa cho cô.
Cô đọc đến đâu chân tay bủn rủn đến đó.
Anh Đỗ Văn X. ( có cả ảnh ) cách đây 4 năm đã tổ chức đánh cướp một tiệm vàng lớn. Anh ta rút súng ra uy hiếp cô bán hàng, ném cho cô một cái bao lớn, ra lệnh gom tất cả nữ trang bỏ vào đấy. Kẻ bị uy hiếp tay gom vàng dưới mũi súng nhưng chân lại đạp vào nút báo động bí mật. Bảo vệ chạy tới rần rần. Tên cướp nổi điên bắn gục ngay cô bán han2g( là mẹ của một đứa trẻ 5 tuổi và đang mang thai 7 tháng ) rồi quay ra nổ súng vào hai bảo vệ và sau đó quay họng súng vào đầu mình bóp cò nhưng đạn lép. Anh ta đã bị bắt, sau khi giết 4 mạng người vô tội.
Tòa xử tên cướp án tử hình – và anh đã thọ án cách đây 2 năm.
Đọc xong bài báo, cô hét to:
- Không đúng ! Không đúng !
Suốt hơn một năm qua, đêm trăng nào tôi cũng nghe anh ấy gọi. Cách đây hơn một tháng, tôi còn nghe tiếng anh ấy, " Em ơi ! Anh nhớ em quá ! ", nhiều người trong trại nữ đều nghe rõ, chứ có phải mình tôi đâu !
Viên sĩ quan trực nhún vai:
- Vậy thì tôi không biết. Còn bài báo này đăng đúng sự thật đấy.
- Hay là ma ?
- Câu: " Em ơi ! Anh nhớ em quá ! ", thì chỉ có người mới nói được mà thôi ! Đúng . Chỉ có con người mới nói được câu ấy mà thôi.
Một phút yên lặng nặng nề trôi qua. Chợt viên sĩ quan vỗ tay lên trán:
- Á à ! Có thể, có thể như vầy lắm. Sát xà lim anh tử tù họ Đỗ la 2phòng giam một tay bị nhốt vào đây vì tội say rượu đánh nhau gây ngộ sát. Ông đã ngoài 40 tuổi, ở đây cũng mấy năm. Ông ấy có tài nhái tiếng chim, tiếng thú, tiếng người. Có thể suốt hơn năm trời ông ấy đã nhái tiếng anh họ Đỗ mỗi khi trăng lên. Và ông ấy mới được thả đầu tháng này
Cô họ Hà nghe xong liền ngất xỉu.
Khi ra khỏi bệnh viện, cô đứng ngơ ngác nhìn cuộc sống nhộn nhịp ngoài đường. Về đâu bây giờ ? Bà ngoại mất rồi, nhà cửa cũng chẳng còn. Cô ngồi bệt xuống trước cổng nhà thương, sự tuyệt vọng tràn ngập trong lòng. Chợt cô thấy…bà Tám giám thị. Bà cười xởi lởi:
- Mẹ đi đón con đây ! Mẹ cũng cô đơn lắm, mà cũng sắp nghĩ hưu rồi. Hãy về ở với mẹ, mẹ có căn nhà ở hẻm lớn. Con có thể mở tiệm may ở đó được. Mẹ con ta sống hủ hỉ với nhau. Con mới 27 tuổi. Cuộc đời tươi đẹp đang mở rộng trước mắt, cái gì đã qua, ta không thể níu kéo nó lại được. Điều cốt yếu là con đã được tự do. Rồi mẹ sẽ kiếm cho con một tấm chồng tử tế.
Người đàn bà phúc hậu thuyết phục cô bằng tấm lòng thương yêu chân thật, và dắt cô lên chuyến xe buýt đi về hướng nhà mình ./.