Ông Sáu Lý
bùi thanh xuân
Ông Sáu Lý
ÔNG SÁU LÝ
( Viết theo lời gợi ý của con trai Sáu Lý)
BÙI THANH XUÂN
PHẦN MỘT
Đến đầu đường mà nghe tiếng cười ha hả đích thị là ông Sáu Lý.
Ông này có cái lạ là gì cũng cười. Vui, cười. Buồn, cười. Ghét giận, cười. Thương, cười. Thậm chí, làm ăn thua lỗ một việc gì đó, bị người ta lừa cũng cười. Mà cười như khóc.
Không ai có thể ghét cái ông hay cười này được, dù nhiều khi trời đang nắng chang chang, vừa chạy xe lên thềm nhà, định vào tìm chổ mát để trú nóng mà nghe ổng kêu giựt ngược:
-Nè! Ăn sáng chưa?
Trời đất, đã ba giờ chiều rồi, ăn uống không biết bao nhiêu trận từ sáng đến chừ, mà ổng hỏi ăn sáng chưa thì chỉ có nước nhìn ổng mà..cười.
Không biết trời đất sinh ổng ra để cười hay sao, mà hể thấy cái chi hơi bất thường tí lại cười. Mà cười ha hả như trời rung đất chuyển mới..buồn cười chứ.
Sáu Lý có hai thằng con trai..đẹp trai nhưng it khi thấy cười như Ba nó. Phải nói là cái ông này tu mấy kiếp mới lấy được bà vợ xinh đẹp, sinh ra những đứa con ngoan như vậy. Gia đình ông nghèo nhưng vợ chồng sống với nhau khá hạnh phúc.
Chuyện tình Sáu Lý cũng như nhiều chuyện tình khác, cũng lầm lầm lì lì, liếc ngó như ai.
Ngày ấy, vợ ông là một cô gái xinh đẹp, nhà sát vách. Sáu Lý là một chàng trai lực lưỡng hiền lành. Lựu, tên cô nữ sinh duyên dáng được nhiều người theo đuổi nhưng luôn tỏ ra nghiêm khắc với mọi chàng trai xun xoe quanh mình. Ba của Lựu là một nhà giáo trường làng, nên cô được hấp thụ một nền giáo dục Nho giáo. Công, ngôn, dung, hạnh là tiêu chí hàng đầu với cô gái tuổi dậy thì duyên dáng xinh đẹp này.
Sáu Lý nghỉ học sớm vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó của mình. Sau giải phóng, Lý làm đủ thứ công việc để kiếm tiền giúp đỡ gia đình và nuôi sống bản thân mình. Nghỉ học buồn lắm nhưng cũng đành phải chịu vậy. Mỗi chiều, đứng nhìn đám bạn đạp xe cười đùa đi học về lòng tủi thân lắm. Trong đám bạn thân ngày xưa đi cùng lớp, bây giờ có người là Bác sỹ, kỷ sư. Nhiều lúc ra đường gặp lại họ, Sáu Lý cũng không buồn chào cái đám bạn vô tâm ấy. Họ bây giờ đã có địa vị xã hội, giàu có nhưng mấy khi nhớ đến thằng bạn vui tính học giỏi ngày xưa ấy nữa, bởi số phận mỗi con người đã được định đoạt khác nhau và ông chấp nhận cái số phận của riêng mình.Không buồn phiền,không đòi hỏi mà cũng chẳng cần nhọc sức đấu tranh cho số phận ấy làm gì. Cuộc đời này biết bao màu sắc, mùi vị để hưởng thụ. Cười cái đã cho sướng. Sáu Lý luôn nghĩ như vậy.
Lựu học xong lớp mười hai, không dự thi vào đại học như bạn bè vì thời đó mới sau giải phóng được vài năm, có học nhiều cũng chẳng để làm gì, cô nghĩ vậy. Đó là một suy nghĩ nông cạn, không nhìn thấy được ngày mai của cô gái mười tám tuổi. Ba cô mất sớm nên không ai dẫn cho cô đi một con đường nhiều trải nhiều hoa. Cô mò mẫm tự tìm lối đi cho mình trong những ngày gian khổ đó. Bước trên con đường gập ghềnh đầy sỏi đá để rồi một đời hối tiếc vì sao không học tiếp để có một tương lai đẹp hơn.
Lựu nghỉ học về mở quán cà phê, phụ giúp Mẹ nuôi mấy em tiếp tục ăn học. Những lúc buồn cho thân phận, cô nghĩ lại cũng chẳng nên buồn làm gì, bởi cô đã hy sinh cho những đứa em mình được như hôm nay.
Cô gái mãnh khãnh có khuôn mặt u buồn nhưng quyến rủ. Không thiếu những chàng trai thập thò trước hiên nhà, hay vào quán ngồi cả buổi, uống ly cà phê nhưng lại đốt cả gói thuốc chỉ để ngắm cô chủ quán xinh đẹp, duyên dáng, thỉnh thoảng mới nở nụ cười, nhưng buồn.
Khách đã uống cà phê của Lựu, mấy khi có thể chịu rời xa cái chổ ngồi quen thuộc của mình. Cà phê ngon, và qua làn khói thuốc mờ ảo, đôi mắt cô chủ quán hút hồn như bay lên, xa xăm.
Nhớ em gái thích chào nhau buổi sáng
Lần gặp sau trong ánh mắt mơ màng (*)
Có chàng trai đa tình đã làm câu thơ như vậy tặng Lựu. Cô đọc nhưng rồi vứt đâu đó, vào một thời nhan sắc bỏ quên. Lựu thản nhiên như không trước bao lời tán tỉnh dịu ngọt. Như vô tình trước những khuôn mặt dại khờ yêu. Biết bao bài thơ tình bất tử được sáng tác trong quán cà phê có cô chủ nhỏ xinh đẹp này. Biết bao chàng trai liêu xiêu như say bước ra khỏi quán khi chưa nhận được nụ cười.
Những bàn tay rụt rè đẩy nhẹ những câu thơ viết vội trên bao thuốc lá về phía Lựu trên quầy thu tiền. Lựu xếp lại, để đó không thèm đọc. Để rồi sau này hồi tưởng, sao mình ngày ấy không gom lại để mang theo cùng hành trình với cuộc đời mình, và bây giờ lại hối tiếc một thời xuân sắc vụt qua nhanh.
Ngày Sáu Lý trấn thủ từ biên giới xuất ngủ trở về, một anh hùng thời loạn chống quân Tàu xâm lược, hồi hương với nụ cười luôn nở trên môi. Lý hãnh diện khoe thành tích mình đạt được trong những ngày quân ngũ. Ông thao thao bất tuyệt về những khu rừng mình đã qua, những chiều vàng bên suối vắng nhìn những chiếc lá vàng rơi, thả mình xuống dòng suối ngọt ngào, êm ả. Ôi. Đẹp làm sao những buổi chiều có sương mờ giăng trên mặt suối, bên những chùm hoa dại. Cái lạnh nhè nhẹ thấm vào người, len lỏi vào tâm hồn người trấn thủ.
Khi diễn tả lại những cái đẹp lãng mạn ấy, đôi mắt Lý như mơ màng quyện hết những hồn thơ của đất trời vào cái miệng tròn xoe của mình. Những người ngồi nghe cũng tròn xoe đôi mắt, im lặng vả có phần ganh tỵ với Sáu Lý. Cái rừng già kia bỗng chóc hóa thành thiên đường. Sáu Lý cười thầm: “ Cái ngữ dân thành phố như bọn bây, phải một lần về với núi rừng mới thấy được cái đẹp, cái lãng mạn của chiều rừng, man mác lắm”
Trở về chưa có việc gì làm nên hằng ngày Sáu Lý lại qua quán cà phê của cô hàng xóm xinh đẹp, thuyết giảng về cái hồn của rừng núi cho đám thanh niên thành phố này nghe. Mọi câu chuyện của Lý cũng không vượt ra được khỏi cửa quán, khi Lựu luôn say mê lắng nghe, say mê ngắm nhìn cái miệng tròn xoe duyên dáng, cái giọng kể êm êm của anh chàng nhà sát vách với mình.
Ngày ngày đều như vậy, suốt một mùa hè. Lựu bỗng mê cái cách kể chuyện có duyên của Lý lúc nào không biết. Cô thờ ơ với tất cả mọi người. Thờ ơ với những người khách đa tình, ngồi nghe Lý kể chuyện nhưng mắt lại để nơi cô gái có nước da màu hạt dẻ ấy.
Rồi một ngày bỗng dưng Lý không còn kể chuyện nữa, mà ngồi đăm chiêu nhìn ra khoảng không trước mặt. Và khi cô chủ quán xinh đẹp cúi đầu bên quầy, Sáu Lý như đánh rơi đôi mắt mình vào mái tóc rủ xuống che kín nữa khuôn mặt ấy. Lý nghe tim mình đập rộn ràng khi đôi mắt trong veo kia ngước nhìn. Mắt đã tìm mắt, họ im lặng không nói với nhau điều gì, nhưng thông điệp tình yêu đã gởi đi cho nhau rồi.
Vắng nhau từ ấy lâu rồi
Bên kia em cũng như người bên anh
Thương thương nhớ nhới cũng đành
Xa xôi đâu phải thác ghềnh cách ngăn (*)
Lý bắt đầu về nhà làm thơ mỗi tối. Bài thơ làm xong nhưng Lý thậm thò, thậm thụt không biết làm sao gởi cho em em gái hàng xóm.
Trời đất ạ! Cả một đời ( tính đến lúc ấy) Lý có biết thơ thẫn là cái gì đâu? Ngày trước nhà không đủ cơm ăn lấy gì mà đi mua chử làm thơ chứ? Mặc kệ, Yêu thì làm thơ có gì xấu đâu mà ngại. Ai làm thơ hay , kệ họ. Mình làm cho mình đọc, sợ chi ai chê. Nhưng rồi bài thơ đầu tiên ấy cũng được Lý đút qua khe cửa khi Lựu băng ngang qua mái hiên nhà Lý. Cả tuần không có thơ hồi đáp, Lý nóng ruột, nóng gan. Vậy là Lý thức đêm này qua đêm khác, sáng tác thêm những bài thơ tình bất hủ mà sau này mỗi lần Lựu lôi ra đọc lại là cứ cười tủm tỉm một mình.
“Lý yêu Lựu như tên ăn trộm.
“Rất thật tình nhưng lại sợ bắt quả tang”
Trời ơi! Bài thơ mộc mạc nhưng sao nó thiết tha, đáng yêu quá vậy, Lựu nhủ thầm: “ Anh ấy yêu mình thật rồi, yêu như thằng ăn trộm bời vì sợ mình nhìn thấy chăng?”
Lý ngày đêm thầm yêu trộm nhớ người con gái hàng xóm ấy. Nhưng chàng trai luôn hiểu rằng, bên cạnh cô ấy lúc nào cũng có hằng tá chàng trai khác đeo đuổi. Thật không dể gì để chiếm được trái tim vàng của nàng. Lý càng yêu, càng làm nhiều thơ hơn, ngơ ngẫn suốt một thời gian dài. Đúng là “Yêu là chết trong lòng một ít”. Không phải Lý chết trong lòng một ít mà đến bốn năm cái ít như vậy cộng lại cũng chưa đủ diễn đạt được tình yêu của mình dành cho Lựu. Lý yêu ngày yêu đêm, yêu sớm yêu khuya. Yêu dại khờ. Lý yêu đến nỗi gầy guộc cả thể xác lẫn tâm hồn. Lý làm bài thơ đem qua tặng Lựu:
“ Em như sương sớm trên cành biếc.
Anh đã là mưa rụng xuống đời.
Em như hoa thám còn khoe nụ
Anh đã là xác bướm héo khô” (**)
Lựu nhận bài thơ của Lý, đọc xong thấy thương anh chàng hàng xóm đa tình, tội nghiệp quá. Hơn người ta có hai tuổi, làm gì mà xác bướm héo queo, à không phải.Héo khô.
( Bài thơ được Lựu nâng niu cất giữ cho đến tận bây giờ. Đôi lúc hai vợ chồng giận nhau, Lựu thường đem bài thơ ấy ra đọc cho Lý nghe. Vậy là huề cả làng)
Lý yêu từ mái tóc dài xỏa ngang vai của em. Yêu đôi mắt buồn vời vợi, yêu những ngón tay thon dài nắm chặt ly cà phê mang đến cho Lý. Anh thầm ước mơ mình là ly cà phê kia để được em ôm chặt mình. Ôi, Lựu ơi! Tình yêu đầu tiên của anh. Thêm bài thơ tình nữa tặng Lựu:
Anh chỉ tiếc một thời mau tàn lụi
Không có hai mà chỉ mỗi hình hài
Trái tim hồng tuôn giọt máu không phai
Đang hừng hực chịu chia thành mãnh vụn (*)
Bài thơ này Lý không trao qua khe cửa nữa, mà là sau phía hè. Buổi chiều Lý trèo lên mái bếp nhà mình, nhìn sang trông thấy Lựu đang ngồi rửa ly bên hồ nước. Ôi, không gian lãng mạn, tuyệt vời quá. Còn khoabhr khắc nào đẹp hơn khi cô gái đang ngồi kỳ cọ ly tách, còn chàng trai núp trên mái nhà nhìn xuống, ngắm mái tóc xỏa ngang vai, lắc lư cái đầu nhẹ nhàng theo điệu nhạc từ nhà trên vọng xuống. Những sợi tóc như trêu ngươi Lý, nó mơn man tren bờ vai kia khiến cho Lý ganh tỵ với nó. Phải chi anh là sợi tóc trên vâi em, Lựu ơi!
Lý trèo xuống, tìm sợi chỉ, quấn chặt bài thơ mới sáng tác, cột vào thanh cây củi, rồi leo lên lại, nín thở đẩy cây củi ra xa, hạ dần sợi chỉ có cột bài thơ xuống trước mặt Lựu. Cô thoáng giật mình nhưng rồi cũng hiểu ra. Lựu gở sợi chỉ và đón nhận bài thơ tình của Lý một cách trân trọng.
Vậy là Lựu gục ngã ngay với bài thơ thứ ba này.
Một hôm, Lý mạnh dạn nắm chặt bàn tay mũm mĩm những ngón thon dài ấy khi quán vắng người. Anh bước đến bên quầy định trả tiền ra về, khi Lựu vừa ngước mắt lên nhìn, những con mắt gặp nhau cùng một điểm. Hai trái tim vội vả đập rộn ràng. Lý không trao những tờ giấy bạc, mà đưa bàn tay mình ra nắm chặt bàn tay người mình thầm yêu trộm nhớ. Bất ngờ, run rẩy, Lựu rút nhanh tay mình về, đôi mắt ngạc nhiên sững sốt nhìn Lý như trách móc. Lý giật mình vì đôi mắt của cô, đôi mắt đẹp quá. Lý nghĩ thầm như vậy và không thả bàn tay mềm mại kia ra trước sự thèm thuồng của đám thanh niên đang ngồi trong quán chiều hôm đó. Anh rướn người đến gần cô gái hơn, nói nhỏ:
-Lựu ơi! Em đẹp lắm.
Lựu nghiêm khắc nhìn thẳng vào mặt Lý:
-Anh sao vậy? Không tôn trọng em sao?
Nói vậy, chứ trái tim cô gái đang rộn ràng một nhịp đập bất thường, nó như reo vang, như thúc dục mình hãy để yên tay mình trong bàn tay của Lý, nhưng như một bản năng tự vệ của người con gái, cô quyết định rút tay mình về, nhẹ nhàng nói với Lý:
-Anh..khỉ!
Lý thì thầm:
-Anh yêu em!
Cô gái ngước mắt lên nhìn Lý. Không trả lời câu nói vừa rồi của anh.
Lý trốn biệt trông nhà suốt hai ngày sau đó. Có lẽ xấu hổ vì hành động của mình với Lựu nên anh không qua ngồi uống cà phê mà len lén đi ngã sau tìm một quán khác.
Đến ngày thứ ba, gặp mấy ông bạn một thời chinh chiến, Lý mời về nhà ngồi lai rai, ôn lại kỷ niệm chiến trường. Hôm đó anh vì quá vui nên anh uống nhiều, đến chiều tàn cuộc vui cũng là lúc Lý say bí tỉ, quên cái điều mình đã làm hôm trước với Lựu, khập khểnh chân thấp, chân cao bước vào quán, miệng nồng nặc mùi rượu.
Lý ngắm đôi mắt Lựu, thả cả hồn mình vào đó.
“ Mắt em như hồ thu”
“nhìn em anh muốn..tu”
Không biết Lý muốn ..tu cái gì, nhưng khi Lý nhoẽn miệng cười, trao cho Lựu câu thơ này, cô đã nỗi khùng lên, hí hoáy viết tiếp theo phía dưới hai câu thơ ấy, trao lại cho Lý:
“ Cà phê em rất ngọt”
“ phải rượu đâu..anh tu”
Lý dắm đuối nhìn Lựu như muốn trao tặng cho cô trái tim trong cơn say, anh lẩm bẩm:
-Lựu ơi! Em không phải là rượu. Em là mùa thu của anh. Anh muốn ..tu trong đôi mắt em, muốn ngồi thiền trong dòng sông ấy, để ai nhìn vào chỉ còn thấy anh thôi, Lựu ơi!
May mà hôm đó Lựu biết anh vui vì gặp lại bạn củ ngay trong nhà mình nên cũng không giận nữa, hơn nữa giận người say làm gì. Nghĩ vậy, cô đến bên cạnh anh vổ về:
-Anh mệt rồi. Thôi về nghỉ rồi mai qua uống cà phê em.
`Trong cơn say, Lý nghe tiếng Lựu thủ thỉ như vậy, sướng lắm.Lý nói nhỏ chỉ đủ cho mình Lựu nghe:
-Anh sẽ suốt đời uống cà phê “em”.
-Vậy thì chừ anh về nghỉ đi, mai em pha cho anh một ly cà phê thật ngon nhé. Để em dìu anh về.
Anh cũng còn một chút tỉnh táo để nhận ra rằng, muốn chiếm được trái tim nàng thì hãy nhẹ bước đi về nhà, chớ dại mà nói dai cái điệp khúc của kẻ say. Lựu nắm tay anh dìu vào nhà nằm nghỉ. Đôi mắt anh lim dim, nghe ngọt ngào từ bàn tay Lựu lan tỏa khắp cơ thể mình. Ôi, bàn tay em sao dịu dàng êm ái quá, Ôi, tình yêu thiêng liêng của anh.
Từ đó, không bao giờ thấy Lý la cà đến những quán rượu nữa.
PHẦN HAI
Lý không qua uống cà phê suốt nữa tháng sau đó. Anh muốn thử thách trái mình như thế nào nếu một mai không có được Lựu dấu yêu. Anh cũng muốn thử thách trái tim cô gái hàng xóm có thực sự nhớ đến mình hay không? Lý làm điều này vì quá yêu thương Lựu và thật lòng muốn biết rỏ cô có tình cảm với anh thật lòng hay không thôi. Nhưng thật không dể chút nào trong suốt thời gian tự thử thách này.
Một ngày, rồi ngày thứ hai, thứ.. Cả tuần hôm đó Lựu không thấy Lý qua ngồi trên chiếc ghế thường ngày. Cô bần thần nư muốn cảm. Không biết mình có nói gì với anh ấy hôm dìu anh về trong cơn say không? Không biết anh giận Lựu điều mà không bước qua ngồi nơi chổ củ. Lựu như nóng ran trong người. lười biếng trả lời những câu hỏi của đám khách si tình đang dõi theo đôi mắt ướt của cô. Lựu như muốn khóc. Cô lắng tai nghe mọi điều xảy ra bên kia ngôi nhà sát vách để nghe ngóng có gì xảy ra với anh không? Lạy trời đừng có điều gì không hay xảy ra với anh. Lựu thầm van vái như vậy và cầu mong cho anh bình yên.
Trong suốt thời gian Lý nằm dài trong căn phòng của mình, nghe nỗi nhớ nhung gặm nhấm trái tim. Anh không chỉ quanh quẩn trong nhà, không bước ra khỏi cánh cửa lúc nào cũng mở rộng. Anh ghét cái cửa này chi lạ, đáng lẽ nó nhỏ hơn tí nữa để anh dấu mình trong cô đơn phải hay hơn không.
Qua chiều chủ nhật, vừa đúng một tuần không gặp mặt nhau, Lựu không còn kiêng nhẫn được nữa, ra đứng trước hiên nhà thập thò nhìn qua bên hiên nhà hàng xóm. Mong có ai đó bước ra để bâng quơ hỏi thăm anh. Vừa lúc đó cô em gái Lý bước ra định đi đâu đó. Lựu hỏi vui:
-Đẹp hỉ! chiều chủ nhật đi chơi vui vẻ nhé.
-Dạ, chị đóng cửa đi chơi. Chủ nhật mà chị.
-Mấy hôm nay quán vắng khách, chị bán thêm tí nữa. À, mà này sao không thấy anh Lý uống cà phê cả tuần nay.
-Anhr buồn tình sao đó mà nằm dài cả tuần rồi chị- Cô bé nhìn Lựu nháy mắt- Dám thất tình ai đó lắm..
Nghe con bé nói lấp lửng như vậy, Lựu hơi chột dạ, lẳng lặng đi vào nhà sau khi chúc cô bé đi chơi vui vẻ.
Anh Lý đang nằm trong phòng mình, lắng nghe hết câu chuyện của Lựu và em gái mình, úp mặt vào gối cười hí hí ra điều hả dạ sung sướng lắm. Anh nghĩ “ vậy là cá đã cắn câu rồi. thoát đi mô cho được em ơi!”
Trong bụng nghĩ vậy thôi chứ trái tim anh đập thình thịch, đập liên hồi như tiếng trống thúc dục anh phải ngồi dậy, bước ra ngoài. Nhưng rồi anh vẫn cứ nằm như vậy cho đến tối, khi ánh đèn đường bật sáng cả khoảng sân rộng trước hai ngôi nhà kế cận nhau, nơi có hai trái tim đang hướng về nhau.
Sáng hôm sau, Lý thức dậy thật sớm khi nghe tiếng ly tách va nhau đằng sau vách tường bên kia. Anh lấy hết can đảm mở cánh cửa dể ghét nhà anh, vuốt lại mái tóc rồi chầm chậm bước qua ngồi trước hiên nhà quán cà phê hàng xóm. Lựu đang loay hoay kê lại mấy cái bàn cho ngay thẳng, chợt nhận ra anh chàng hàng xóm đang ngồi trên chiếc ghế mình vừa mới đem ra đặt ngay cạnh vỉa hè, chăm chú nhìn mình. Cô nhoẽn miệng cười với anh. Lý gật đầu chào rồi rút thuốc ra hút như không có chuyện gì xảy ra.
-Anh chờ em tí nhé, nước chưa sôi nên không pha cà phê được.
-Ừ, em cứ làm việc đi. Anh chờ cả đời cũng được mà.
Nghe Lý nói vậy, Lựu sung sướng lắm. Cô vừa làm việc vừa trò chuyện với anh:
-Mấy ngày nay đau phải không?
Lý nghe hỏi bất thình lình nên không chuẩn bị cho câu trả lời, miệng ấp a ấp úng như thụt lưởi.
-Em hỏi sao không trả lời? Đau phải không?
Lý cười:
-Đau ốm gì đâu em, mà biết đau răng chừ mới hỏi?
-Thì người ta thấy vắng cũng có thắc mắc, nhưng không lẽ chạy qua hỏi. Không khéo lại người ta vô duyên.
-Vô tâm mới vô duyên, hỏi một tiếng chết ai đâu.
-Thì chừ hỏi rồi, người chi mà khó.
Nói xong hết câu, Lựu nguýt Lý một cái dài. Chao ôi! đôi mắt sao mà dể ghét. Sắc như dao. Thêm cái miệng lúng liếng nữa chứ.
Khách lúc này hai ba người vào uống cà phê nên Lý chàng trai đa tình không dám nhìn cô gái nữa, xoay qua ngồi hút thuốc chờ Lựu mang cà phê ra cho mình. Ngồi chờ hoài vẫn không thấy Lựu hỏi han gì, cà phê thì mang ra cho mấy người khách vào sau, tức lắm. Định đứng dậy bỏ về thì Lựu đến bên cạnh với ly cà phê trên tay:
-Anh uống hay về?
Vừa nói cô vừa mĩm cười nhìn anh trìu mến. Lý chỉ còn muốn nhảy vào cái giếng mắt long lanh ấy mà say.
Đó khởi đầu cho tình yêu của hai con người có trái tim lần đầu thổn thức.
Một năm sau họ cưới nhau.
Cuối năm đó, cậu cu tí ra đời. Thằng bé trông mũm mĩm dể ghét. Nước da trắng như con gái, hai má như hai bầu sửa của mẹ nó mà ngày nào Lý cũng thấy, nhìn là muốn xoa, muốn cắn..
Sau khi sinh xong, Lựu tạm nghỉ bán để lo chăm sóc thằng bé. Thời gian này Bắt đầu ra bươn chải bên ngoài để kiếm tiền nuôi vợ con. Với bản tính hiền lành của mình, anh được mọi người thương mến giúp đở, tạo điều kiện cho Lý có công việc nhiều để làm. Anh chạy đủ mọi công việc mong kiếm thật nhiều tiền đem về cho vợ.
Thời gian này, chính sách kinh tế thị trường mở cửa, không còn ngăn sông cấm chợ như trước nữa nên công việc của Lý cũng được thuận tiện hơn. Anh xóc vác, siêng năng, chạy đầu này, ngỏ kia mua bất cứ loại hàng nào mà thị trường miền nam cần. Gom hàng bán lại cho các đầu nậu từ sài gòn thu mua lại. Vậyu là anh cần phải ngoại giao rộng hơn nữa với nhiều tầng lớp trong xã hội lúc bấy giờ. Khi đã có quan hệ làm ăn, tất nhiên không tránh khỏi rượu chè, đàn đúm.
Vậy là Lý đi sớm về khuya, bắt đầu chân phải đá chân trái mỗi khi bước chân vào nhà. Lựu nhìn thấy chồng như vậy buồn lắm nhưng cũng không dám khuyên răng gì nhiều. vì biết Lý là người chồng chung thủy, thương yêu vợ con. Anh làm gì chắc cũng có suy nghĩ đúng sai. Lựu hay nghĩ về anh và tự an ủi mình như vậy.
Thằng con trai vừa được hai tuổi, một hôm trong cơn men ngà, về nhà Lý nói với vợ:
-Sinh thêm đứa nữa đi em. Anh làm kiếm tiền nuôi mẹ con em đủ rồi.
Sau khi sinh xong, Lựu gầy gò ốm yếu hơn trước. Đi khám, bác sỹ khuyên không nên sinh con thêm nữa vì có thể hại đến sức khỏe của mẹ và con. Nhưng Lý cương quyết không chịu nghe cái lý lẽ của vợ đưa ra, anh gạt -Em nghe mấy ông bác sỹ đó làm chi. Anh rành em hơn hay mấy cái ông ngồi ..xa xa đoán hình ảnh ấy quá đi chứ. Làm như mấy ổng nghe nhạc đoán chương trình không bằng.
Bà vợ cải lại:
-Ông cứ nói lung tung. Ông giỏi hay bác sỹ giỏi hơn?
Gân cổ ông Lý nổi lên:
-Bác sỹ giỏi hơn tui, nhưng tui rành bà hơn mấy ông đó.Bà thì ngày nào tui không khám. Tui biết bà sinh được nữa tui mới nói chứ.
-Ông ưng thì ông đẻ đi. Tui không ..nữa đâu. Một thằng đủ rồi. đẻ ra nhiều lấy chi nuôi..
-Được.. Bà nhớ nghe- Sáu Lý vừa nói vừa gật gật đầu- Không đẻ nữa tui nhờ người khác đẻ.
-Ông giỏi! Thì đi kiếm người khác cho nó đẻ dùm ông.
Nói xong, bà vợ háy một cái khiến Sáu Lý muốn văng xuống bếp.
Vậy chứ khi bà vợ nghe Sáu Lý hù đi kiếm người khác đẻ dùm, cũng hơi hoảng. Không biết ông nội này nói đùa hay nói thật, mà nghe xong cũng hơi nhờn nhợn. Biết đâu, cái ông này. Ra đường cái miệng cứ cười cười như vậy đủ sức hút hồn mấy em gái đa tình, chắc mình chết.
Gần năm sau, thêm cu tí nữa ra đời. Khi đứng trước phòng đợi ở bệnh viên, Sáu Lý cười hề hề:
-Giỏi, giỏi lắm. Vợ rứa mới là vợ chứ.
Nói xong tuôn một hơi về nhà báo cho mọi người biết niềm hạnh phúc của mình.
Chưa chịu dừng lại ở đây. Khi thằng con sau vừa mới hai tuổi, sau một chầu nhậu sương cùng với “đối tác” trở về liêu xiêu, Lý đến bên vợ thủ thỉ:
-Vợ ơi! Nhà mình sao mà buồn quá. Em có cách nào cho anh bớt buồn không?
Lựu đang vo mớ áo quần trong thau, dừng tay lại, ngước mắt lên nhìn chồng:
-Có gì buồn vậy anh?
Lý sà xuống bên cạnh vờ, bóp nhẹ bờ vai gầy của Lựu:
-Đời anh đen thui, may mà gặp được em cho anh chút ánh sáng cuối đường hầm nên cũng đở tủi thân. Đẻ đứa nữa đi em!
Lựu đứng bật dậy:
-Thôi, thôi. Ông nhậu say về rồi nói toàn chuyện chi chi không.
Lý thò tay vào thau áo quần, vò tiếp mấy bộ đồ còn dở dang:
-Anh nói thiệt mà vợ. Yêu anh đi.
-Tui lạy ông. Gìa rồi mà còn trửng mở.
-Bộ em thấy anh già lắm sao em? Vậy mà hôm qua mấy em ở dưới quán bia nói anh còn trẻ lắm, đẹp trai sung mãn nữa vậy mà bà vợ ở nhà không biết “cưng”. Anh nghe mà tức .
-Chừ ông có chịu đi chổ khác cho tui làm việc không?
-Không.
-Rứa thì ông ngồi đó “ăn” cho hết đống áo quần đó đi, tui đi ngủ.
Nói xong. Lựu quay ngoắt vô nhà. Lý ôm thau đồ giặt trối chết, cả tiếng đồng hồ sau mới xong.
Mà lý còn sung mãn thật.
Một hôm nghe lời bạn rủ đi ăn ba ba, hôm sau hai mắt cá chân sưng vù như hai trái táo dính toòng teng, bước khập khiểng , không uống mà say.
Lựu ngủ riêng phòng cùng hai đứa con, còn Lý mỗi đêm chỉ biết âm thầm ôm gối ngủ phòng riêng, nữa đêm mơ màng thức dậy, thèm chút hơi ấm của vợ mà “nghiến răng”, không rục rịch chi được. Tức lắm, không biết tỏ tâm sự cùng ai.
Một tuần suy nghĩ, nhờ bạn bè tư vấn, Lý thuyết phục Lựu rồi cùng quyết định cho hai thằng con vô nhà trẻ. Vậy là thêm một khoảng tiền không nhỏ nữa bỏ ra. Nhưng bù lại. Lựu có thêm thời gian để nghỉ ngơi, mở lại quán cà phê, thỉnh thoảng chạy vào trong nựng chồng tí xíu..
Cô con gái xinh đẹp chào đời hai năm sau.
Khi nghe báo tin vợ sinh đứa con gái út, đang ngồi dựa tường trước phòng hộ sinh, Sáu Lý đứng bật dậy cười hề hề:
-Qúa đã, nhứt vợ tui.
Nữa năm sau, khi nhậu tưng tưng về nhìn thấy Lựu đang ôm con gái đùa dỡn, Lý nghiêng ngã đến bên vợ:
-Đó, bà thấy chưa? Sau này mà nhờ nó đấy.
Nói rồi ông chạy đến nựng con:
-U, cha cha. Con gái của Ba. Công chúa của Ba. May mà Mẹ con biết đẻ, chứ không thôi Ba già rồi biết ai kiếm tiền nuôi Ba.
Lý là một người chồng, người cha tốt, biết chăm lo cho tổ ấm của mình. Thỉnh thoảng cũng “dại dột” nghe theo lời rủ rê của bạn bè, nhất là đám khách hàng trong nam ra, đi mây mưa tí chút nhưng rồi cũng quay về với vợ con. Anh rất siêng năng, tháo vát nên mới có một gia đình hạnh phúc như bây giờ.
Vợ chồng Lý hiền lành nên sinh ra những đứa con ngoan.
Cô con gái nay đã lớn rồi, cũng đã đến tuổi cặp kê yêu đương nhưng Lựu vẫn chưa thấy cô bé yêu thương ai, cũng hơi lo chop tương lai con gái mình. Mong sao đời nó gặp được người chồng như Ba nó, hiền lành, biết chăm lo cho vợ con và nhất là không bao giờ, to tiếng, quát tháo hay lăng nhăng, làm mất hạnh phúc gia đình.
Cô con gái ngoan hiền, đi làm về là quấn quýt bên Mẹ. Đoi khi Lựu phải nhắc nhở:
-Con phải đi chơi với bạn bè chứ. Ở nhà hoài biết khi mô lấy chông?
Con bé nũng nịu:
-Thôi, con không lấy chồng đâu. Ở với Mẹ suốt đời thôi.
Lựu cốc lên đầu con gái:
-Con khỉ! Nói tầm bậy. Lấy chồng cho Mẹ yên tâm.
Hai cậu con trai là niềm hy vọng của Lý. Hy vọng một ngày mai tốt đẹp , chúng nó sẽ là những con người hoàn chỉnh hơn Ba nó, cộng thêm đức tính hiền lành, trung thực nên luôn được mọi người quý mến, đó là con đường mở rộng cho hai con trai của Lý bước đi.
Sáu Lý mong muốn cho con không đi lại con đường mình , chúng sẽ tiến xa trên đường đời gập ghềnh, đầy sỏi đá chông gai này. Thoát được cảnh khó khăn và tự xây dựng cho mình một gia đình hạnh phúc, một tương lai rực rở.
Sáu Lý luôn hy vọng như vậy.
Đó là chuyện ngày mai, còn bây giờ thì cười cho sướng cái đã. Ha ha ha.
Cuộc sống muôn màu sắc, thú vị lắm phải không Sáu Lý.
BÙI THANH XUÂN
(*) Thơ LÊ HÙNG THÂN
(**) Thơ anh PHAN NHƯ THỊNH
v