Cụt đầu
Julio Cortázar
Julio Cortázar (1914-1984)
Julio Cortázar - tiểu thuyết gia, thi sĩ, phê bình gia, nhà viết truyện ngắn, và nhạc sĩ - sinh tại Brussels, nước Bỉ, năm 1914. Song thân là người Á-căn-đình. Sau Thế Chiến thứ Nhất, gia đình ông hồi hương, và ông lớn lên tại Á-căn-đình. Cortázar tốt nghiệp đại học sư phạm văn chương tại Buenos Aires vào năm 1935. Từ 1935 đến 1945, ông dạy học tại nhiều trường trung học khác nhau, và từ 1945 đến 1951, ông làm dịch giả cho một số nhà xuất bản. Trong thời gian đó, ông dịch trọn vẹn tác phẩm văn xuôi của Edgar Allan Poe, và nhiều tác phẩm của André Gide, Walter de la Mare, G.K. Chesterton, Daniel Defoe, và Jean Giono. Viện Đại Học Buenos Aires mời ông vào chức vụ Giáo Sư văn chương, nhưng ông từ chối vì chống lại chế độ độc tài Perón. Năm 1951, ông di cư sang Pháp và sống ở đó cho đến khi lìa đời vào năm 1984.
Năm 1981, tổng thống Mitterand trao tặng quốc tịch Pháp cho Julio Cortázar, và ông nhận vinh dự này, nhưng nhất quyết không từ bỏ quốc tịch Á-căn-đình. Song song với sự nghiệp văn chương, Cortázar còn là một nhà vận động chính trị. Ông viếng Cuba năm 1961 và Nicaragua năm 1983. Tiểu thuyết Libro de Manuel (1973) của ông đoạt giải văn học Prix Médicis năm 1974 và ông trao tặng tất cả tiền thưởng cho Mặt Trận Thống Nhất Chi-lê.
Trong hơn 30 năm sống ở Pháp, mỗi năm ông dành bốn tháng để làm việc như một dịch giả cho UNESCO (dịch từ tiếng Pháp và Anh sang tiếng Tây-ban-nha), và tám tháng còn lại để viết văn, làm thơ và chơi nhạc (ông còn là một nhạc sĩ jazz, chuyên chơi kèn trumpet!).
Julio Cortázar bắt đầu làm thơ và viết kịch bản từ những năm 1930, nhưng bắt đầu nổi tiếng vào năm 1951 với tập truyện ngắn Bestiario. Năm 1963, tiểu thuyết Rayuela đưa ông vào địa vị hàng đầu trong văn đàn quốc tế. Số lượng tác phẩm ông đã xuất bản hết sức đồ sộ, trong đó có những cuốn lẫy lừng như Final de juego (1956), Las armas secretas (1959), Los premios (1960), Historias de cronopios y famas (1962), Todos los fuegos el fuego (1966), La vuelta al día en ochenta mundos (1967), Último round (1968), 62/ Modelo para armar (1968), Libro de Manuel (1973), Octaedro (1974), Alguien que anda por ahí (1977), Un tal Lucas (1979), Queremos tanto a Glenda (1980), Deshoras (1982), vân vân.
Ông đoạt rất nhiều giải thưởng quan trọng, trong đó có "Prix Médicis" (như đã nêu trên) và "Orden de la Independencia Cultural Rubén Darío" (1984) - chính nhà thơ Ernesto Cardinal (1925~), khi ấy đang là Bộ trưởng Văn Hoá của Nicaragua, đã tận tay trao giải thưởng này cho Julio Cortázar.
Pablo Neruda (1904-1973) - nhà thơ Chi-lê đoạt giải Nobel Văn Chương 1971 - có lần nói: "Người nào chưa từng đọc Cortázar, người ấy là kẻ mắc đoạ".
***
CỤT ĐẦU
Họ đã cắt đứt lìa cái đầu của người đàn ông này, nhưng vì lúc ấy có cuộc đình công của phu đào huyệt và họ không thể chôn y được, nên y phải tiếp tục sống không có đầu và cố gắng vận dụng hết khả năng mình.
Y lập tức nhận ra rằng, cùng với cái đầu của y, bốn trong năm giác quan của y đã biến mất. Chỉ còn xúc giác, nhưng lại tràn đầy niềm yêu đời, người đàn ông đặt thân thể mình ngồi xuống trên một băng ghế trong quảng trường Lavalle và sờ mó từng chiếc lá cây, cố gắng phân biệt chiếc này với chiếc kia rồi định danh chúng. Vì thế, sau vài ngày, y tin chắc một cách hữu lý rằng y đã nhặt được và đặt lên đùi mình một lá khuynh diệp, một lá mã đề, một lá mộc lan dại, và một hòn cuội nho nhỏ màu lục.
Khi người đàn ông phát giác rằng vật thể ấy là một hòn cuội màu lục, y hết sức băn khoăn suốt mấy ngày liền. Sỏi thì đúng rồi và có lẽ xúc giác nhận ra được, nhưng màu lục, thì không. Để trắc nghiệm, y thử tưởng tượng hòn sỏi màu đỏ và ngay lúc ấy chợt cảm thấy một sự khó chịu ghê gớm, một phản ứng chối từ đối với điều sai lầm tệ hại này, đối với hòn sỏi màu đỏ giả tạo này, bởi hòn sỏi thì hoàn toàn màu lục và có hình đĩa, rất ngọt ngào cho xúc giác.
Hơn thế nữa, khi người đàn ông nhận ra rằng hòn sỏi thì ngọt ngào, y quá đỗi kinh ngạc một hồi lâu. Rồi y tự nhủ nên vui sướng, vì vui sướng thì lúc nào cũng tốt hơn, bởi giờ đây y thấy chính mình giống như những loài côn trùng nào đó có khả năng hồi phục những phần cơ thể bị đứt mất, y phát hiện y có thể cảm nhận bằng nhiều cách khác nhau. Phấn khích với kết luận ấy, y rời khỏi băng ghế nơi quảng trường và đi ngang qua đường Libertad đến đại lộ Mayo nơi, như mọi người đều biết, ngập ngụa mùi thức ăn xào từ những quán ăn Tây-ban-nha. Sau khi đã khẳng định chi tiết này, và lấy lại được thêm một giác quan nữa, người đàn ông đi lang thang dường như về hướng tây - hay hướng đông - y cũng không chắc là hướng nào, và y dấn bước không mệt mỏi, từng chặp rồi từng chặp mong đợi mình có thể nghe được một điều gì đó, bởi giờ đây thính giác là giác quan duy nhất mà y còn thiếu. Điều y thực sự trông thấy là một bầu trời, nhợt nhạt như lúc tảng sáng, lúc ấy y đang sờ đôi bàn tay của mình bằng những ngón tay đẫm mồ hôi, những cái móng tay nhấn vào thịt của hai lòng bàn tay, và y ngửi ra một mùi gì như mùi mô hôi, và trong miệng y có vị kim loại và rượu cognac. Giác quan duy nhất còn thiếu là thính giác, và ngay lúc ấy y nghe, như nghe lại từ trong ký ức, vì những gì y nghe là những lời nói của ông linh mục tuyên uý ở nhà giam, những lời tự chúng mang đầy hy vọng và niềm an ủi, thậm chí rất đẹp đẽ, nhưng thảm hại thay, chúng mang một vẻ gì đó như đã bị sử dụng, bị nói đi nói lại quá nhiều lần, cũ nát vì đã bị lải nhải mãi, lải nhải không ngừng.
Dịch từ nguyên tác tiếng Tây-ban-nha:"Acefalía", trong Historias de cronopios y de famas (1962) (Madrid: Ediciones Punto de Lectura, 2004).