Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Đời Như Cuộc Lãng Du

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 499 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đời Như Cuộc Lãng Du
Đặng Hà Nội

 30 năm nhìn lại -
Đời Như Cuộc Lãng Du


 Tôi sinh ra đời ở Hà Nội trong một gia đình đông đúc giống như gia đình Việt Nam hồi xưa, mười hai anh chị em, nhưng bây giờ chỉ còn chín người vì chiến tranh hay bệnh tật mà mất đi ba. Tôi là con trai áp út, dưới tôi là thằng em trai. Có lần còn nhỏ tôi hỏi mẹ tôi:  " Làm sao mà mợ đẻ lắm thế?  " Bà trả lời tỉnh bơ :  " Tại mợ tuổi gà nên đẻ như gà. " Rồi tôi hỏi cắc cớ :  " Con sinh ra ở đâu?  " , " Sinh ra ờ nách cùa mợ chứ ở đâu! " . Bà trả lờì rồi chuyển sang chuyện khác. Trí óc ngây thơ của tôi nghe mẹ nói là tin ngay.
Gia đình tôi thuộc vào hạng trung lưu. Ba tôi làm thanh tra Bưu Điện. Hai anh chị lớn của tôi được bố mẹ tôi cho đi du học ở Paris khi tôi còn nhỏ lắm. Gia đình tôi sống ở ngôi nhà villa lớn gấn hồ Halais, bây giờ được đổi tên là Thuyền Quang. Ngôi nhà vẫn còn đó khi gia đình tôi ghé qua thăm Hà Nội năm 2000 nhưng chúng tôi sợ không dám vào vì có bao gia đình lạ hoắc ở trong đó. Nhà đã bị chính phủ trưng dụng từ 1954. Dáng nhà villa vẫn còn đẹp nhưng tường mốc xanh xao như chưa bao giờ được sơn phết từ ngày gia đình tôi di cư vào Nam.
Người mà tôi gần nhất không phải là mẹ tôi mà là u Được. Bà là bà vú 24/7 của tôi. U yêu tôi lắm. U vấn khăn mỏ quạ, răng đen huyền, trông rất quê mùa mộc mạc nhưng tôi yêu u như mẹ ruột của mình. Lâu lâu tôi được u bế về quê của u, tôi được chiều chuộng như ông hoàng con.Tôi lúc nhỏ hay mắc bệnh cứ cười nhiều hay khóc ngất là mặt tái xanh, mắt trợn chừng rồi xỉu . Thế là bà u la toáng lên:  " Ba hồn bảy viá cậu ở đâu thì về! " rồi đặt tôi xuống cái thảm chùi chân trước cửa nhà vừa vái vừa cầu. Nhưng rôi một hồi tôi lại tỉnh lại và đùa chơi như cũ. Có lần lúc tôi hai tuổi, gia đình tôi ra bờ hồ Halais để đi chơi thuyền. Tôi bước hụt rơi tõm xuồng hồ. U tôi nhanh tay nằm xuồng chân cầu kéo tóc tôi lên. Hú hồn! Bây giờ tôi vẫn coi u là vị cứu tinh của tôi.
 Năm 1954 chia đôi đất nước, gia đình tôi phải bỏ ngôi nhà thân yêu để vào Nam vì sở Bưu Điện của bố tôi đổi vào Sàigòn. Lúc đó mới lên năm tuổi có biết gì đâu, đi máy bay lần đấu tiên, tiếng máy bay ù ù tôi ngủ một giấc đến lúc u Được đánh thức thì mới biết máy bay đã hạ cánh.
Đây là cuộc đổi đời l ần thứ nhất cho gia đính chúng tôi. Không còn nhà cao cửa rộng mà sống chật chội trong khu nhân viên Bưu Điện gần Sở Thú. Gia đình tôi đông như vậy mà còn chứa thêm cả mấy người họ mới di cư chưa có nhà ở. Chúng tôi phải ngủ gường sắt lớn ba tầng. Sau đó ba tôi lên chức nên dược ở nhà lớn hơn ngay sau sở Bưu Điện Trung Ương đường Hai Bà Trưng.
Cuộc sống gia đình tôi dần dần cũng thích ứng được đời sống mới. Mổi ngày mấy tụi tôi được chở đi học bằng xe xích lô đến trường tiểu học Đa Kao, lúc về xe xích lô lại đưa chúng tôi đến Cercle Sportif đề bơi với bố tôi. Sau đó về nhà bằng taxi với bố. U Được không còn ờ với tụi tôi nữa vì sở bố tôi phái một người làm công đến làm cho gia đình tôi. Anh này cũng là người cùng làng của bố tôi. Lúc đó tôi đã lớn rồi nên không còn nhớ đến u nhiều nữa.
Ngay lúc còn tiểu học ba tôi thường dạy chúng tôi Pháp Văn ở nhà. Ba tôi dữ lắm đứa nào chia động từ sai là ăn roi nên khi nào đang học mà có khách dền chơi là chúng tôi mừng hú. Do đó tiếng Pháp của tôi chả khá mấy. Dần dà tiếng Pháp bị tiếng Anh lấn chiếm. Ba tôi nhường chức dạy sinh ngữ cho giáo sư Anh Văn trường Khải Minh gần chợ Tân Định. Đây là quyết định tốt của bố tôi vì nó sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của tôi trong tưong lai. Sau khi học xong ở trường Nguyễn Trãi trên đưòng Phan Đình Phùng, tôi lấy xe buýt đi học tại Khải Minh. Lớp tôi đông lắm, con nít như tôi thì ít nhưng người lớn đi học để làm cho sở Mỹ rất nhiều. Tôi ngồi ngay bàn đầu. Vừa học vừa ăn lén quà vặt. Tiếng Anh của tôi khá hơn các bạn học ban ngày. Mấy chị em tôi ai cũng đi học thêm Anh Văn nên nói với nhau sí sa si sô bố mẹ tôi chả hiểu gì cả. Hai chị tôi thì làm sở Mỹ. Bà chị khác đi du học ở tiểu bang Washington năm lớp đệ nhất. Không những học tư thêm tiếng Anh mà thằng em và tôi còn đi nghe thính thị tại thư viện Abraham Lincoln, lúc đó hãy còn đường Lê Lợi. Học xong còn được coi ciné tài liệu nước Mỹ.
Hai ông anh tôi học giỏi đậu vào trường y khoa nhưng lại không thich ở nhà nên vào ký túc xá trên đường Minh Mạng để được tự do hơn dù rằng nhà rộng rãi khang trang.. Thành ra lúc lớn lên tôi không đươc gần mấy ông anh của tôi do đó tôi bị ảnh hưởng của các bà chị nhiều hơn.
Mùa hè năm 1963 gia đình bị một cú shock lớn. Thằng em út khôi ngô của tôi tức tưởi qua đời sau cơn bạo bệnh của sốt xuất huyết. Chả còn cảnh thảm nào bằng cảnh lá vàng khóc lá xanh rơi. Tôi mất đi một người em và một người bạn.
Sau đó nhà tôi được dọn nhà ngay góc đường Phan Đình Phùng và Đinh Tiên Hoàng. Ngày Cách Mạng 1-11-63 nhà chúng tôi được lính cách mạng chiếm đóng phòng trên lầu vì là điểm chiến lược gần Đài Phát Thanh và Thành Cộng Hoà.
Rồi sau đó tình hình chính trị rối loạn. Bố tôi về hưu phải trả nhà cho sở, mua nhà riêng gần cầu Kiệu. Mẹ tôi không chịu về ở chung vì nghe nói ba tôi có ‘phòng nhì’. Bà ở với chị tôi ở Đa Kao. Tôi sống với bố nhưng ngày nào mẹ tôi cũng làm cơm và chị em tôi thay phiên nhau xách gà mên lái solex đưa cơm về cho bố. Sau đó hai ông bà làm hòa. Bố tôi bán nhà và về chung sống với mẹ tôi ở đường Hiền Vưong.
Hai anh lớn của tôi đi lính quân y. Sau ngày ra trường phải đi xa. Bỗng đùng được tin một anh bị tai nạn xe trong công vụ tại Quảng Trị, được đưa ra Đệ Thất Hạm Đội để chữa trị. Nhưng số mệnh đã an bài. Anh ra đi để lại bà vợ trẻ và đứa con chưa tới một tuổi.
Tôi thi Tú tài 1 nhưng rớt vì yếu Toán. Tới tuổi động viên nhưng đuợc miễn vì lý do gia cảnh. Tôi phải đổi sang ban A và đậu bình thứ hai bằng Tú Tài. Bố tôi muốn tôi học y khoa như hai anh của tôi nhưng tôi không theo được năm dự bị Khoa học. Đành đổi sang Văn khoa ban Anh Văn, thiệt là gãi đúng chỗ ngứa. Đậu xong năm dự bị, tôi thi tuyển vào trường Đại Học Sư Phạm. Tôi không dám nói cho nhà biết vì nếu thi rớt thì quê lắm. May mắn tôi được trúng tuyển. Đi học Sư Phạm thật khỏe vì lớp ít người, không giống như cá hộp ở Văn Khoa. Mỗi ba tháng lại được lãnh lương (ba nghìn đồng một tháng). Ngày lãnh lương là ngày vui vẻ nhộn nhịp nhất trong đời sinh viên Sư Phạm.
Khi tôi đang thi cuối năm thứ hai thì bố tôi qua đời vì bị stroke bất thình lình. Sáng sớm tôi đi thi thì vẫn thầy bố tôi tập thể dục. Nhưng trưa đi về thì anh tôi đã đưa bố vào bệnh viện Cộng Hòa. Hai ngày sau bố tôi ra đi không một lời chăn trối. Lại một lần nữa chúng tôi vấn khăn tang trắng xụt xùi.
*
Tình hình chính trị càng ngày càng khẩn trương vào đầu năm 1975. Chúng tôi học thì ít nhưng ngồi bàn luận chính trị thì nhiều. Dù năm nay chúng tôi sẽ thi tốt nghiệp và ra trường vào tháng 6. Gia đình tôi muốn đi ngoại quốc, nhưng mà đi đâu? Chúng tôi bèn nghĩ đến bà chị tôi bên Hawaii. Chả vì bà này sau khi đi du học ở tiểu bang Washington, về lại Sàigòn rồi năm sau lại trở lại Mỹ, du học ở Utah, ra trường, lấy chồng Mỹ và đang làm tiềp đãi viên Pan Am đóng đô ở Hawaìi.
Ông chồng chị rất đặc biệt vì nói tiếng Việt giọng Bắc rất sõi. Anh là người gốc Lithuania, hồi xưa là quốc gia chư hầu của Nga Sô. Hai người quen biết nhau khi chị tôi đến Tòa Lãnh Sự Việt Nam ở San Fransisco làm giấy tờ và anh đến đó trước khi được bổ nhiệm đi sang Okinawa làm cho Không Quân Hoa Kỳ. Anh nói tiếng Việt rất giỏi. Ngoài ra anh còn biết tiếng Nhật và tiếng Tầu nữa. Anh viết cho bố mẹ tôi xin phép cưới bằng tiếng Việt đọc rất buồn cười vì anh không phải là chuyên viên về bộ môn này. Lúc đầu bố mẹ tôi không bằng lòng vì hai văn hóa khác nhau nhưng sau một hồi bố mẹ tôi cũng thỏa thuận. Sau khi cưới anh chị có về trình diện gia dình và họ hàng. Anh là người rộng lượng và vui tính nhưng cũng hay để ý giống như người Việt.
Bà chị làm cho USAID gọi điện thoại cho chị này ở Hawaì cầu cứu. Chị cho biết Pan Am có kế hoạch tản cư nhân viên và gia đình nên ráng đợi. Lúc này u Được của tôi làm u cho con ông anh. Chúng tôi rủ u đi Mỹ nhưng u từ chối vì còn con cái. U khóc quá chừng.
Ngày 24-4 tôi lên văn phòng bán vé Pan Am nằm trên đường Nguyễn Huệ để xem tình hình dù rằng lớp tôi đang khám sức khỏe ở y viện Thanh Quan trước khi ra trường nhận nhiệm sở. Thật ngạc nhiên khi thấy bao nhiêu dân Việt Nam đã hành trang sẵn sàng ở văn phòng.. Tôi hỏi ông supervisor người Mỹ:  " Chị tôi làm cho hãng, vậy làm sao chúng tôi có thể rời Sàigòn? " Cha này đốp chát:  " Mày có passport không mà đòi đi? " . Thế là tôi tiu ngỉu đi về. Sáng hôm sau trở lại thì thấy bà con đang leo lên xe buýt ra phi trường. Tôi hớt hãi về nhà thì biết tin anh rể Mỹ đã về tới Tân Sơn Nhất bằng chuyền bay Pan Am cuối cùng và mẹ tôi và một ngườì chị đã vào phi trường. Bà chị cả có gia đình báo tôi như vậy. Tôi phải nhờ người bà con chở Honda vào phi trường. Anh này làm trong phi trường nên tôi được vào trót lọt chứ bao nhiêu xe bị ngừng ngay cổng vì quân cảnh không cho vào. Tôi gặp anh rể và một bà chị khác ở đây. Nhưng mà làm sao qua được hàng rào hải quan. Một cô tiếp đãi viên Pan Am kéo tay tôi qua hải quan nhưng tụi lính không cho. Thiếu điều cô này muốn mi anh lính này. Nhưng rồi cô ta cũng dẫn chúng tôi vào một phòng nhỏ. Hai chị em tôi thấy mấy người khác đang đợi xe shuttle chở ra phi cơ. Chưa bao giờ tôi lại sợ hãi đến như vậy. Nhưng khó mà qua nổi vì lính đã đứng trực ngay cổng ra. Nhanh trí cô hostess đưa cho cho chị tôi một bộ đồ đồng phục xanh lơ để thay. Chị tôi mặc bộ đồ, đeo kính đen lên xe shuttle tỉnh bơ trước mặt bao nhiêu chàng lính phi trường! Sau đó anh rể tôi nói thôi chắc không đi được rồi vì máy bay đang báo hiệu sắp cất cánh.
Chúng tôi lái Honda sang phi trường DAO của Mỹ bên cạnh Tân Sơn Nhất. Cảnh tượng náo nhiệt hỗn độn. Thiên hạ điền đơn affidavit trong một cái trailer để xin đi Mỹ. Anh rể tôi ngồi đánh máy danh sách người đi. Trong giấy chỉ có tên gia đình tôi thôi. Sau đó chúng tôi vào văn phòng tình nguyện thông dịch giúp cho các nhân viên Hoa Kỳ. Người nào chứng minh có liên hệ với Mỹ là được cho đi, có ông mang thư chữ Việt có chữ John, Michael là được cho đi, có người mang chúc thư có tên Mỹ cũng Ô Kê nhưng cũng có trường hợp bị bác rất thảm thương. Tôi ráng phải dịch lướt cho nhanh vì đông quá. Thiên hạ xô đẩy làm ông Mỹ nổ xùng dơ súng hăm dọa thiên hạ mới thôi.
Một hồi chúng tôi ra ngoài. Anh rể tôi quay về Sàigòn đón thêm anh chị của tôi. Tôi lang thang trong phi trường. Thiên hạ càng ngày đến càng đông. May trong va li nhỏ tôi có đồ hộp bà chị gửi từ Mỹ sang ăn cầm chừng. Thiên hạ kháo nhau lính Bắc Việt chính qui đã quay về Bắc vậy di tản làm gì. Sàigòn nổi tiếng lúc đó là thành phố của tin đồn.
Sáng sớm 25-4 đã thấy anh rể tôi tới theo sau một đám rất đông. Bà chị cả mang theo cả gia đình chồng, gia dình ông anh bác sĩ củng mang theo gia đình vợ và thêm bà chị họ. Lúc đầu ông anh không chịu đi vì đang có phòng mạch ăn nên làm ra nhưng anh rể phải thuyết phục mãi anh mới chịu. Cả thẩy 28 mạng già cả lớn bé. Anh rể tôi giống như ông thánh Moses cầm đấu đoàn người nô lệ đi tìm đất hứa.
 Có một bà làm công sở Mỹ, được chính phủ trả tiền lương cuối bằng đô la đến chỗ chúng tôi ngồi đợi gạ đổi tiền. Em ông anh rể tôi là bác sĩ đổi cả triệu được hơn hai trăm đô la, còn tôi có xúng xính 16 ngàn tiền lương sư phạm dành dụm đổi được vỏn vẹn bốn đô la xanh rờn!
Chúng tôi phải đợi đến sáng sớm 26 mới tới chuyến bay. Mọi người đều kêu ồ lên khi thấy phái đoàn tị nạn 28 mống của chúng tôi lên xe buýt ra phi đạo. Lên máy bay vận tải C-130 tôi thấy lính phi trường đứng đầy nhưng họ có lệnh trên không làm khó dễ chi cả. Nhưng máy bay bị hư phải sửa cho đến giữa trưa mới được bay. Trong lúc đợi chúng tôi không ai dám rời máy bay cả. Sau đó máy bay cất cánh. Cửa đằng sau máy bay mở rộng, hai người lính Marines chĩa súng xuống đất phòng ngờ bị tấn công. Chúng tôi nhìn Sàigòn lần cuối. Lòng buồn vời vợi vì phải xa quê hương, vui vì thoát được cơn hiểm nghèo. Chúng tôi như những chiếc lá mùa thu bay theo chiều gió.
Chúng tôi bay tạt đến Clark Air Base của Phi Luật Tân trước tiên. Anh rể tôi ra trước chọc người xuống máy bay bằng tiếng Việt:  " Chào mọi người đến Hà Nội " ! Nơi đây chúng tôi được ăn uống thả cửa 24/24 và ngủ trong lều. Anh rể tôi lại dỡn ăn mặc quần áo bà ba đen nói tiếng Việt đi khắp trại.
Đến chiều ngày 29-4 chúng tôi lên máy bay C-140 trực chỉ đảo Wake nằm giữa Thái Bình Dương. Trước khi đi chúng tôi thấy cảnh trên TV máy bay trực thăng Việt Nam bay tới chiến hạm bị đẩy xuống biển. Sáng 30-4 đến Wake thì được tin Sàigòn đã thất thủ. Ai cũng thở dài ngao ngán.
Nhóm chúng tôi được chỉ định ở trong một trường học. Họ còn phát cho chúng tôi dụng cụ làm vườn. Chúng tôi tưởng rằng họ sẽ cho chúng tôi ở đây luôn. Nơi đây chúng tôi làm thủ tục vào Mỹ. Mỗi ngày ăn cơm chiều xong ra ngắm biển, nghe tiếng sóng vỗ rất thơ mộng nhưng tưong lai sẽ ra sao? Que sera, sera!
Anh rể tôi gọi điện thoại cho vợ thì biết rằng mẹ tôi và hai người chị đang ở dảo Guam. Anh rể tôi xong phận sự bay về Hawaìi trước. Sau khi làm giấy tờ xong thì chúng tôi được hỏi muốn sang trại tị nạn nào, California hay Florida? Sau khi bàn tán chúng tôi chọn Florida vì nghĩ dân Việt ai cũng về California thì khó có việc làm!. Đến ngày 5-5 chúng tôi lên đường sang đất hứa. Bay nửa chừng tôi hỏi ông phi công phụ:  " Ông đưa chúng tôi đi đâu vậy? "  " Arkansas "  " Where? "  " Fort Chaffee, Arkansas. " Thế là chúng tôi được chở tới tiểu bang miệt vườn Arkansas mà chúng tôi không được nghe đến bao giờ.
Máy bay hạ cánh xuống Ft.Smith và được chở đến trại lính Ft.Chaffee trong đêm tối. Về sau tôi mới biết máy bay đến đêm vì ban ngày dân chúng đứng cổng trại biểu tình chống dân tị nạn.
Chúng tôi may mắn được ở trong barrack ấm cúng. Mỗi ngày sắp hàng lãnh cơm. Lúc đầu chưa có ngân khoản và lính Mỹ đâu biết nấu đồ ăn cho tị nạn Việt Nam nên xuốt ngày chỉ có cơm sấy, cá tuna, tàu vị yểu và tương ớt! Tha hồ mà táo bón! Sau đó đồ ăn tương đối khá hơn. Hôm nào có gà rô ti là trại náo nhiệt hẳn lên.
Gia đình tôi ai cũng lớn nên ai muốn đi tiểu bang nào thì cứ việc đi. Tôi ra trại sớm vì có ngườì Mỹ quen bảo trợ tôi đến tiểu bang Utah và đi học đại học. Hai bà chị đi Michigan và ông anh đi Kansas City. Tôi đành bỏ dở mộng gõ đầu trẻ và học ngành quản trị kinh doanh. Sau khi tốt nghiệp tôi đi làm cho nhà thờ ở San Diego. Mẹ tôi sống ở với bà chị tiếp đãi viên ở Hawaii chán rồi bay sang ở với ông anh cả bên Paris. Sống một hồi nhớ con cái bên Mỹ lại đòi quay về. Tuy không biết một chữ tiếng Anh, mẹ tôi bay đi bay về chả lạc đi đâu cả. Bà chị độc thân ở Michigan kiếm được việc ở Minneapolis nên kêu chúng tôi về ở chung cho vui. Thế là mẹ tôi, hai bà chị và tôi thuê hai apartment cạnh nhau sống vui vẻ.
Tôi đến Minneapolis vào tháng 11-77 đã thấy tuyết rơi. Rôì mùa đông khủng khiếp tới. Một hôm tôi lên phố chơi dù ăn mặc đầy đủ mà vẫn thấy lạnh thấu xương. Làm sao mà có sức về nhà được đây? Thế là tôi vào tiệm Woolworth mua một bộ đồ thermal underwear thật dầy đi vào cầu tiêu thay và thơ thới hân hoan đi ra! Mùa đông Minnesota có khi lạnh gấp mấy lần nhiệt độ trong tủ đá nên phải thận trọng. Lái xe trên tuyết và băng đá là cả một nghệ thuật!
Tôi bắt đầu đi kiếm việc làm. Job Service giới thiệu tôi đến hãng bánh mì. Phỏng vấn xong mà mãi không thấy kêu. Họ chỉ tôi đến làm tutor cho học sinh Việt Nam trong chương trình song ngữ song văn hoá tại một trường trung học. Lúc đầu thiệt là bỡ ngỡ. Nhưng có ông thầy lead teacher Việt Nam chỉ bảo nên tôi thấy dễ dàng. Tôi vào lớp regular giảng cho học sinh bằng tiếng Việt. Ông thấy tôi dạy hay quá nên cho tôi dạy lớp riêng, dù rằng lương tutor chỉ có $3.75/giờ. Nhưng chương trình có qũy cho tôi đi học thêm nên cũng đỡ. Tôi muốn trở thành giáo sư thực thụ theo như nghiệp chướng đã an bài.
Tới năm 1980 thì thuyền nhân ồ ạt sang. Trường không đủ lớp cho học sinh. Nhóm học sinh Việt Nam gồm đủ loại: 100% Việt, Việt gốc Hoa, con lai, vị thành niên sang không thân nhân và còn thêm nhóm học sinh Hmong, Lào, và Căm Bốt. Học sinh chưa hiểu nhau lúc đầu hiềm khích đánh nhau hoài. Tới Tết chúng tôi tổ chức văn nghệ múa lân dể cho học sinh Việt Nam giới thiệu văn hóa cho học sinh bản xứ và cũng để nâng cao lòng tự hào của học sinh Việt. Trường tổ chức trại thân hữu để học sinh biết nhau nhiều hơn.
Chiều nào tôi đi dạy học xong là đi học thêm trên đại học. Thế rối cũng ra trường với bằng cử nhân Social Studies vài năm sau cao học giáo dục về Second Languages and Cultures. Nghề giáo Hoa Kỳ không được trọng dụng mấy. Tôi khổ sở với ba năm đầu vì chưa được thâm niên sẽ có thể bị lay-off. Nhưng may mắn chưa bị lần nào. Nhưng mỗi năm vào tháng Hai tháng Ba là các giáo sư lo lắng xem budget năm tới có xém job họ hay không. Nhưng tôi đã dạy hơn 25 năm nên vững hơn và có quyền tự ý đổi trường khác nếu không thích trường đang dạy. Càng ngày thấy chính phủ liên bang hay tiểu bang không tài trợ đầy đủ so với vật giá leo thang vùn vụt mà bắt khu học chính phải theo đúng tiêu chuẩn không sẽ bị giảm funding! Luật No Child Left Behind đưa ra làm khu học chính và giáo sư khóc dở mếu dở.
Nhưng nhà giáo có điều lợi là chỉ làm chin tháng một năm cộng thêm nghỉ các ngày lễ lớn. Một năm nhà giáo làm việc khoảng 195 ngày mà thôi. Hồi còn độc thân, chiều ngày cuối cùng dạy học là thấy tôi ở phi trường bay đi Âu Châu. Hawaii lấy cớ thăm anh chị hay California gặp bạn bè. Khi đã lập gia đình thì mùa hè cả nhà chui vào xe minivan đi sang miền Tây thăm ông bà ngoại các cháu hay miền Đông thăm Washington DC và New York. Chúng tôi hè nào cũng đi du lịch đó đây. Vườn tược mùa hè nhà tôi trông rất thảm! Đây cũng là cơ hội cho các con tôi học hỏi như là một lớp học không tường. Có làn tôi đọc được câu:  " Thế giới như là một quyển sách, nếu bạn không đi đâu, bạn chỉ biết có một trang sách mà thôi " . Vì tài chánh giáo sư cố định, tôi viết grant xin tài trợ đi Syracuse University học hè, dẫn cả gia đình về Việt Nam hai lần, mang gia đình sang Xian, Trung Hoa tình nguyện dạy ESL, hay đi Nhật Bản thăm trường qua chương trình Fulbright. Niên học tới tôi xin nghỉ sabbatical nửa năm mà vẫn có full-pay để viết sách, tính ra tôi sẽ nghỉ ở nhà bẩy tháng liền! Sau khi dạy bảy năm liên tiếp, giáo sư có thể xin nghỉ dể làm project hay du lịch mà vẫn có lương.
Nghề giáo có cái vinh có cái nhục. Vinh là khi thấy học sinh cũ của mình thành tài, và hãy còn kính trọng thầy. Nhục là có đứa hỗn láo không chịu học có khi choảng cả thầy. Có một lần tôi đi thăm chùa Việt Nam ở Washington DC thấy một đứa trông quen quen ăn mặc lem luốc. Nó ra chổ tôi nói:  " Thầy nhớ em không thầy, em là Quốc " . Hỏi ra thì em là đứa bé đánh giầy, vô gia cư, chủ nhật nào cũng lên ăn đây ăn cơm chùa.
 Tôi không biết tụi con tôi sẽ theo nghề giáo giống bố hay không. Chúng tôi sẽ để cho chúng chọn lựa. Nghề nào cũng có vinh có nhục, không có nghề nào hoàn toàn cả, miễn là nghề đó lương thiện, hợp khả năng và hữu ích cho xã hội.
Để kỷ niệm 30 năm ly hương, tôi viết bài hồi ký này để ghi lại những buồn vui, để nhớ lại thời gian huy hoàng xa xưa, vớt vát vài hình ảnh quí giá, gợi lại kỷ niệm thân yêu nếu không dần dần sẽ đi vào quên lãng và cuộc sống sẽ trở nên vô vị nhàm chán trên đất khách quê người này. Hẹn gặp lại quí vị trên một chuyến bay rong ruổi hay chuyến đi xuyên bang nào đó.


Đặng Hà Nội


Đặng Hà Nội tên thật là Đặng Thống Nhất, hiện đang sống với vợ và ba con tại Brooklyn Park, Minnesota-giáo sư ESL tại Minneapolis Public Schools và giáo sư Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota. Ông cũng dạy tình nguyện trong chương trình Việt Ngữ tại Chùa Phật Ân, Roseville, Minnesota.)
 



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 470

Return to top