Điệu Ca Về Biển
Hàn Song Tường
Thơ đưa tôi ra xe, buổi sáng mưa nhẹ, gió không thổi và mây thì trong biếc, chiếc dù Thơ cầm che mưa thấy điệu, tôi ngắm cô, nét mặt cô gái nhu mì, hơi buồn, màu đỏ của dù làm ửng hồng đôi má, ngày mới làm việc với tôi, cô ít nói, giờ đã quen, cô bảo nếu không nói, tôi cũng không, TV không mở, ông nghĩ xem, càng thêm ảm đạm... lúc Thơ mới đến nhận việc, bà y tá có chỉ dẫn cho Thơ thế nào để trông nom một người tàn tật, tôi nghĩ? Thơ cũng như bao người khác, chỉ làm được vài tháng rồi thôi, nhưng không, cô đã ở đây gần một năm rồi, tôi cảm ơn cô vì có vài người họ không chịu ở lại ban đêm, với Thơ, cô nói khác, cô cần một chỗ ở, một việc làm... một giờ sáng tôi mới lo xong một số giấy tờ thật gấp cho sở, Thơ đã ngủ, cô ngủ quên trên ghế ở phòng khách, tay đang cầm viên đá màu đỏ thật chặt, cô kể lúc nhà cô đào giếng, sâu cả mười thước, không có nước, chỉ thấy viên đá màu đỏ này, mẹ cô nhờ người đánh bóng rồi cho cô, viên đá lớn bằng quả chanh, cô cho tôi xem, sáng ngời người ta có thể soi gương, cô đã quen cầm nó khi đi ngủ, nếu không thấy nó cô ngủ không được, tôi ngồi yên trên xe, ngại không dám đánh thức cô, gần sáng Thơ đỡ tôi lên giường, cô nói, ông tệ thật, sao ông không gọi tôi dậy, lại ngủ trên xe thế này, cái còi tôi đưa cho ông đâu, ông cứ thổi lên là tôi tỉnh liền, tôi bật cười nhớ đến cái còi bằng sắt Thơ đưa, thấy nó trẻ con, ngộ nghĩnh...
... Mười năm trước lúc tôi mới ra trường, thân thể còn toàn vẹn, tôi đưa tập ảnh cũ cho Thơ xem, chỉ từng người thân một, cô chăm chú nhìn, lúc đó tôi là một người khác, tất cả đã thay đổi, những tấm ảnh trên tay cô như run rẫy, tôi nhắc xem xong cô cất kỹ dùm, ngày mai An về, tôi biết, cô nói, có tiếng gió đập mạnh vào cửa sổ, tiếng gió đã thay mùa, cơn lạnh sẽ đến vào đêm nay, đêm nay tôi lại chờ đợi An... đúng một tháng An trở lại với tôi hai ngày, nàng bảo để trả thù, để thấy tôi với chiếc xe lăn, nét mặt nàng dửng dưng, đôi mắt thông tuyệt của nàng nhíu lại, môi cắn chặt, cảnh tình này tôi đã quen, cả nhà ai chẳng biết, nàng đã từng nói, nếu được nàng trả thù cho đến chết, nhiều lần tôi kêu tôi vô tội, nhưng An không tin, nàng quả quyết tôi cố tình giết Phách, tôi đã làm chết em tôi, tôi sợ hãi câu kết tội của An, tôi chạy trốn mọi người, nhưng An cứ tìm về khơi động lại, tôi hỏi, em muốn tôi chết? không, An chưa muốn, nàng bảo, ông què ông đừng hòng chết vội, ông phải chết từ từ, mới hợp với ông, tôi chịu, chấp nhận từng lời An nói, tôi bảo tôi giao hẳn tôi cho An, khi nào muốn tôi xéo khỏi đời này, chỉ cần An cho biết... tôi lại chờ đợi An hết một tuần đầu tháng, An không đến, nghe đâu nàng đang đi chơi xa với một lũ bạn mới, nàng vui vẻ với ai kìa, không phải chuyện của tôi, An bảo vậy, khi nàng khoe với Thơ về bạn bè của nàng, tôi nghe im lặng, tính nết An mỗi ngày mỗi khác, lời nói càng ác độc, tôi phê bình như vậy, An nhổ nước bọt, cũng không bằng anh, nàng nguyền rủa tôi, rồi úp mặt vào tường...
... Khi An bỏ tôi, sống với Phách, tôi gọi em trai, tôi biết sẽ có ngày hôm nay, em tôi đã khóc nhưng nó không thể rời xa An, buổi chiều tôi lăn xe về phía cửa sổ, nhìn ra sân, ngó cảnh lá vàng bay tơi tả như mưa, trút vội xuống sân cỏ úa, tôi nhìn mãi cho đến lúc khu vườn đen thẫm không thể nhìn ra bất cứ vật gì, kể cả khóm hoa bất tử Thơ trồng vừa mới trổ bông, Thơ đến đứng sau lưng tôi, cô bảo, bà y tá sẽ đến trễ, nếu ông không ngại tôi sẽ giúp ông đi tắm, tôi từ chối, tôi muốn chờ bà ta thêm một chút, Thơ đi ra bếp pha trà, rồi mang cho tôi, ly trà nóng bốc khói làm ẩm một bên má, bên ngoài, trong vũng tối man dã ấy, có tiếng gió sầm sập như đuổi chạy, tiếng rít u uất hẳn như một điệu nhạc có lẫn trong tiếng đàn của An, tiếng đàn nàng đánh ra phủ xuống một đời người, Thơ kéo tấm chăn đắp lên ngực tôi rồi đi ra, tôi thao thức khó ngủ, bàn tay đặt lên trái tim, tập ngưng thở một lát, có khi nào người ta ngưng thở vì muốn thế...
... Ngày qua ngày tôi vẫn đi làm, qua lại trên con đường này, tất cả cảnh vật quen thuộc đến nhàm chán, chỉ có cái xe mới hơn, đặc biệt thắng đạp đều xử dụng bằng tay, ngày mới tập làm quen với nó, tôi có gục xuống thành xe mà buồn, tôi nhớ em trai tôi, đau khổ không kể xiết, tại sao tôi có thể để chiếc xe lật sang bên đường, tai họa ghê gớm quá, An bảo tôi cố ý, cố ý giết Phách, mẹ tôi khóc âm thầm đến chảy máu mắt, tôi mặc mọi người bàn tán, để mặc An trừng phạt tôi, bây giờ An cho tôi là kẻ thù duy nhất của nàng, một lần tôi hỏi An một câu ngu xuẩn, xin nàng bỏ qua, An cau mặt, những ngón tay đập mạnh lên phím đàn, bản nhạc bỗng ụa ra một âm thanh rẫy rụa bất chợt, nàng cắn môi, nét mặt như hoa ấy lạnh, không xúc động, tôi lăn xe vào phòng... khi đi làm về, Thơ chờ tôi ở sân, cô bảo một thân chủ muốn gặp tôi gấp, họ đang ở nhà thương, tiếng người bên kia phôn thưa luật sư... khi Thơ và tôi ra khỏi bệnh viện, người ấy đã chết, với một mớ giấy tờ nhờ tìm kiếm người con trai mất tích, cả một tài sản được niêm phong, từ văn phòng của chúng tôi với ngân hàng, cái chết nhanh quá, tôi bàng hoàng, Thơ đẩy xe đi về phía cửa sau, nắng thoi thóp, đập nhẹ lên từng phiến đá, vuông gạch, chập choạng trên lối đi, tôi gọi Thơ, cô không trả lời, hình như cô đang xúc động.
Thứ ba, tiếng dương cầm vọng ra từ phòng sách, tiếng đàn diễn tả một vùng biển nào rất xa, An đang ở nhà, tôi nhớ ra bản nhạc này An đã phổ theo một bài thơ của Phách, có câu như giòng sông vượt vào biển tri kỷ, khi An ra gặp tôi, trông nàng hơi mệt mỏi, đôi mắt chăm chú nhìn chào " ê, kẻ tàn phế" nàng đi từng bước, nhìn quanh mọi chỗ, chậm rãi, rồi hỏi tôi về bức tranh mang nhiều màu xanh, " tôi muốn anh dấu bức tranh này đi" " không, Phách vẽ cho em, một giòng sông mà em nói đã vượt qua" " vượt, tôi chết đuối rồi" nàng ôm mặt, nức nở...
... Sáng hôm sau, An mặc bộ áo ngủ màu trắng thêu ở ngực cánh hoa tím, mái tóc cuốn lên cao còn ẩm nước, tôi hỏi " tháng trước em không về" , những giọt cà phế tiếp tục rơi tả tơi xuống chiếc bình thủy tinh, sáng mùa thu, bắt đầu chợt lạnh, Thơ sửa soạn một ít điểm tâm, hai người đàn bà rất ít nói chuyện với nhau, khi An về, Thơ làm bất cứ cái gì cũng nhanh, rồi cô vội vào phòng, tôi biết Thơ không muốn tôi ngại ngùng, cô đã rõ mọi chuyện, chắc thế, tôi lại hỏi An " con có khỏe không em?" " việc gì đến anh" " nghe nói em đã dẫn mẹ và nó đi chơi xa vào đầu mùa hè" " ừ, ông muốn nghe về nó không?" tôi im lặng, tôi biết nàng sẽ nói thêm bao lời tàn nhẫn, cho dù tôi biết trước, An cố tình đày đọa tôi " nếu nó biết anh giết Phách" " em đừng nói bậy" An gào hét, rồi bỏ đi...
.. Đây là tháng hạnh phúc của tôi, tôi được nhìn thấy An, được nghe tiếng đàn, lời mắng nhiếc và tiếng khóc, Thơ mở cửa ra ngoài, cô kể giấc mơ của cô đêm qua, cô đi lạc và được tôi cứu ra khỏi rừng, tôi thành hiệp sĩ sao? chắc vậy, cô cười, xếp dọn thuốc men cho tôi, rồi rủ tôi cùng xem cuốn phim cô mới thuê, cuốn phim nổi tiếng, người đàn bà cuối cùng tự vận bằng cách treo cổ, nàng muốn chạy trốn một xã hội con phải tố cha, vợ tố chồng, cái chết của nàng kiêu hãnh như con phượng hoàng bay qua núi biếc, người đàn ông chết theo ấy, hắn không chết vì nàng mà chết vì người nàng yêu, hắn không chịu nổi cái cảnh người chồng đau xót, mất mát tất cả, hắn đã yêu người sư huynh của hắn đến chết, Thơ kêu, trời ơi, phim buồn quá, cô gục lên đùi tôi, tình yêu ghê sợ quá, tôi phải bỏ đi đây, tôi cũng phải đi thôi, tôi ôm vai cô, muốn giữ lại trong lòng những giọt lệ, câu bất ngờ nói ra của Thơ quả là sự thật, cô không phải là biển, để chứa cả một biển sầu, đời tôi là một mối buồn, cô còn trẻ quá, cô không thể nhìn mãi cảnh này, nâng khuôn mặt Thơ, tôi nhìn đôi mắt sâu lấp loáng ướt, tôi hứa, tôi sẽ tìm cho cô một việc khác...
... Buổi tối sáng rực những ngọn đèn Thơ bật khắp nơi để mừng một buổi tối trung thu, tôi gọi phôn cho mẹ, cho con trai, thằng bé đọc cho tôi một câu thơ mà An dậy I love the fond, the faithful, young and true, tôi khóc âm thầm, con tôi thơ ngây quá, khi Phách chết nó mới bốn tuổi và đến ở hẳn với bà nội, tôi cũng không ngờ được rằng tình thương trong gia đình dành cho tôi không hề giảm mất, đứa bé nói lớn, bà nội nhớ dađy, tôi mang âm thanh bé bỏng từ lời nói của con như nỗi cứu chuộc, thuở xưa lúc mới gặp An, cái ngày xanh đẹp biết bao, lúc về thăm Việt Nam với mẹ, người bạn mẹ dặn dò, con nhớ đừng quen con gái bên ấy, họ khác bên này nhiều lắm, họ dùng bùa, tôi nói không tin, nhưng khi gặp An quả thật tôi muốn nàng bùa tôi, khi tôi đến nghe nàng đánh đàn ở một quán cà phê, cái dáng thanh nhã đó quyện theo tôi từng phố đường dài, tôi đi miệt mài giữa lòng quê hương rất lạ và câu An nói với tôi, nàng muốn rời khỏi nơi này, dĩ nhiên tôi biết nàng chưa kịp yêu tôi, tôi bất cần, một ngày An sẽ yêu tôi, tuổi trẻ tự tin như vậy đó, mẹ tôi im lặng, cau mày, khi thấy An đẹp khó tả, và cũng như tôi bà cũng khó lòng để rời xa cái đẹp...
... Sau này những ngày làm vợ tôi, người vợ rất cô đơn, tôi nhận ra sự lãnh đạm của vợ, nàng ở một nơi nào đó, tôi không thể biết, cho đến lúc tôi thấy An nhìn Phách đứng bên ngưỡng cửa, Phách cười, nụ cười rất trẻ, dáng điệu thoải mái, họ đã yêu nhau từ lúc ấy phải không, tôi hỏi, cả hai chẳng cần trả lời.
... Tháng mười một, An bước từng bước trên nền nhà, dấu giày dậm xuống đay nghiến, ông liệt dương ở đâu, nàng độc như thế, tiếng chân đi về phía phòng ăn, cái sắc tay vất xuống đất, tôi hỏi, em mới về, An đã đứng trước mặt tôi, ném cái nhìn vào tôi như đốt, chào ông què, chắc hôm nay ông biết là ngày gì chứ, anh nhớ, giỏi, nàng khen rồi cởi giày quăng vào góc nhà, nói tiếp ba năm Phách chết, ba năm ông ngồi xe, chỉ còn vài tiếng nữa là đúng ngày giờ ông giết người, em đừng ác quá như vậy, An nghe tôi nói rồi phá lên cười, thân thể nàng chập chờn, cái áo khoác cởi ra cầm trên tay, tung lên xuống, tôi nhắm mắt, An đã ngồi bên chiếc đàn, ngày giỗ Phách, An sẽ đánh lại những bản nhạc mà Phách thích, khi hồi tưởng lại những lúc hạnh phúc của họ, và niềm đau khổ của tôi, bây giờ vẫn làm tôi đau đớn, nhưng đã khác đi nhiều, nó ghê gớm hơn nữa, tôi áp mặt vào cánh cửa, tiếng đàn dội ra run rẩy, một bản của Brahms, một đoạn của Mozart, một đoạn của Bach, vài bản nhạc thời trang, hình như An biết tôi đang nghe, nàng cầm một vật ném vào cánh cửa phòng đóng kín, tôi lăn xe ra ngoài, Thơ đang nấu cơm, cơn mưa vẫn xối xả, ào nước vào mặt kính quanh nhà, tiếng sấm sét hòa lẫn tiếng đàn mỗi lúc một rất nhỏ, khi cơn mưa chưa dứt An đã bỏ về, nàng đến rồi đi, cố tình cho lòng tôi bật máu, thì đã sao, tôi vẫn chống chế và bênh vực sự tàn nhẫn của nàng, tôi nói với Thơ, An đến để đánh thức sự cô tịch trong tôi, làm ồn lên cái thế giới của tôi đã quá tuyệt vọng, An là một đợt sóng đổ cuồng lên nỗi khắc khổ, Thơ kêu trong thảng thốt, ông H., trời ơi...
Tất cả rồi cũng thay đổi, thêm một năm sau, thêm hai năm sau, An gọi, ông què, tôi không muốn ông nhắn mẹ kiếm tôi, em không muốn về sao, ừ, tôi chán, tôi mong em cứ về, tôi đã nói tôi chán, nàng cúp phôn, tôi gục mặt xuống bàn ăn, rất lâu. Thơ đã đi lấy chồng, cô gởi viên ngọc màu đỏ cho tôi giữ hộ trong tủ kính, căn nhà này chỉ còn tôi và người đàn bà vừa mới nhận việc, bà ta không biết An, cũng chẳng biết Thơ, tất cả đã qua như một vở kịch đóng màn, nhưng sau bức màn khép tôi vẫn chờ đợi cái khuôn mặt trăng rằm, lời nói trả thù, tôi chờ đợi từng giờ, thời gian như ngọn hải triều thốc lên quét sạch dấu chân ai, bài ca về biển Thơ tập đàn theo An dẫy chết, Thơ tập bài khác, bài khác nữa, An đã bỏ lại tất cả, như nàng vất vào mặt tôi nắm đất vỡ tan tác, ngày nào nàng bảo đã chết đuối trong bài thơ của Phách, không, người chết đuối xin để là tôi, An cứ vượt qua tới bờ, Thơ mang những bản nhạc của An xếp vào hành lý, một hành trang quá nặng cho cô khi làm vợ, cô bảo cô muốn vậy, tôi xin lỗi đã lỡ để tuổi trẻ của cô nhìn thấy một bi kịch, Thơ khóc khi hôn lên trán tôi...
... Ngày mỗi ngày một vắng, thành phố không còn ai quen, mọi người đã dọn sạch, người cũ không còn, An sinh sống bên nước Pháp, nàng ở một tỉnh nhỏ, đánh đàn cho một quán nhạc, An gọi cho mẹ, nàng hứa một ngày nàng sẽ sống bên con trai, An cứ hứa, thằng bé đã lớn, đã vào trường trung học, đôi mắt nó quả thật nhìn tinh anh nhưng không u uất như mẹ, An bảo nó không phải của tôi, tôi chẳng màng đến lời nói ấy, mỗi tháng nó theo bà nội ở với tôi hai ngày, mẹ kể tất cả? các suối nguồn rồi cũng trôi vào biển, tôi ôm con khi nó ngồi sát bên tôi cho bà nội chụp ảnh, những tấm ảnh phóng lớn, treo lên thay thế các tranh ảnh cũ trên tường, nhìn ngắm con, lòng tôi bỗng rộn một niềm vui, nó thật khôn ngoan quá, nó chọn hết các vẻ đẹp của An, của Phách và của tôi để thành con người nó, có phải chuyến xe tốc hành của cuộc đời rồi cũng vượt qua mọi chông gai, để đến một bến an toàn, như những con nước có chung một suối nguồn, tôi vẫn mong từng bước ai về, mong nghe lại bản nhạc và bàn tay ai đập xuống phím đàn, run theo một điệu ca về biển.
Hết