Rơi Trái Ấu Thơ
Nguyễn Nam An
N guyên một khu đất rộng mọc toàn cỏ lau. Bên này là đường Nguyễn Du, bên kia Lý Thường Kiệt. Nơi đường Đống Đa, dọc theo đường rầy xe lửa người ta họp lại mua bán và biến thành chợ từ lúc nào. Buổi sáng có những gánh hàng rong, gánh chè, xôi bắp, bún mắm. Khoảng gần 9:00 giờ sáng, những người bán cá biển mới đánh về mang đến những cá những tôm còn tươi rói lên từ hải cảng. Bốn năm giờ lại có cá chợ chiều. Thế đó chợ họp suốt ngày. Thế đó chợ có tên là chợ Đống Đa từ hồi nào.
Nhà ba mẹ tôi ở xóm Thuận Lập B, gồm những gia đình nằm trong khu vực bao bởi đường Nguyễn Du, Đống Đa, Gia Long, và Lê Lợi. Vào trong xóm có mấy con hẽm, nối liền đường này với đường kia. Hẽm lại chia những ngõ cụt. Nhà bác tôi ở cuối cùng một ngõ cụt như thế bên cạnh nhà ba mẹ tôi.
Có hôm đang học bài, bác bảo chị Út sang kêu tôi ra giúp ai đó. Tôi đi ra thì bác chỉ hai cô nhỏ, mặc áo dài trắng, đang cố nổ máy chiếc xe Honda. Hai cô đi lộn đường nên dính vào cái ngõ cụt. Chiếc xe gắn máy không thương lại dỡ chứng. Thế là hết cô này đến cô kia thay nhau mà trị chiếc xe.
Bác tôi chỉ hai người đó, nói tôi ra giúp. Tôi đâu biết gì về xe với cộ nên gọi tôi làm cho chiếc xe nổ máy là trật đường rầy. Tôi đứng ngó hai cô. Họ đứng ngó tôi. Tuổi mới lớn tôi cù lần thế đó.
Một lần ai đó chạy xe sang nhà tôi. Cũng xe gắn máy nhưng chiếc xe này ngoan. Nó không nằm vạ làm khổ chủ nhân. Chủ nhân đây là cô nhỏ có mái tóc demie-garcon, từ lớp sáu đã nổi tiếng xinh. Hôm nay người đã học lớp chín. Người dừng xe trước sân, hỏi có em người sang chơi. Tôi ngu như gì. Gặp người mừng lắm nên quên hết mỗi ngày mình vẫn chạy ngang con đường nhà người ở để mong gặp mặt. Dì tôi thấy tôi đứng ngớ ra, nhắc nhỏ con mời bạn vào chơi. Tôi bỏ vở bước ra hiên nhà. Vừa đi vừa trả lời câu hỏi của người : “Cu không có ở đây”. Nghe xong người cám ơn rồi quay đầu xe đi về.
Tôi đứng ngó theo mong sao cho xe tắt máy như chiếc Honda của hai cô nhỏ đi lạc. Nhưng không, xe của người chạy ngon ơ. Mới vài phút đã khuất khỏi căn nhà cuối ngõ cụt.
“Ai vậy con ?”
Dì tôi hỏi dò.
“Dạ bạn con.”
“Dễ thương quá hí.”
Điều này tôi biết mà. Đi học trên trường tôi nghe tụi nó to nhỏ hoài.
Thuở trung học miệng tôi như bị ai dán băng keo. Thường ngày tôi vốn ít nói nay lại càng nói ít những khi có dịp gặp cô nhỏ. Tôi biết người học lớp nào, biết thời khóa biểu, và biết để không có cảm tình mấy với những tên học lớp lớn hơn vẫn theo người. Tôi cù lần tập tểnh làm thơ, phải vần phải luật loạn cả lên nhưng chẳng là gì cả. Những bài thơ mà nay đọc lại chính tôi cũng chẳng hiểu nổi tôi muốn nói gì lúc đó. Cũng may tôi không ở trong thi văn đoàn nào để bạn bè xúm lại khen nhau. Nghe khen mãi rồi tưởng thật để coi trời bằng cái cốc cà phê! Thuở đó nếu tôi dám gởi cho người đọc những gì viết nắn nót trên giấy mà chữ không được đẹp, không biết số phận những bài thơ quờ quạng đó cũng như tác giả sẽ đi về đâu. Đi về đâu cũng được nhưng lạy trời đừng bị chuyền tay đám con gái trong lớp học. Tụi nó mà đọc rồi ghi chú là tôi hết đường “đi vào văn học sử”. Mà vào đó để làm gì à sao người ta quan trọng đến thế.
Nơi tôi sinh ra: “Thành phố có con sông không chạy vòng mà thẳng. Có nắng đoản hậu mùa hè, gió bấc lạnh thấu... mùa đông. Đạp xe vòng vòng mười lăm phút hết. Nhưng anh theo em về xưa cũng mệt quá chừng. Em đạp xe mini chiều đi đâu chỡ gió. Cho áo lộng đôi tà thiên hạ rớt xa xa. Em tóc demie-garcon của thời anh rất lạ...” giờ chắc đổi rồi như trường trên đường Lê Lợi, trường bên kia Thống Nhất.
Thuở đó người đâu biết người là số một. Kết quả bầu cử ngầm của đám mới lớn. Thế nào đó tụi trường nam biết rồi chuyền tai nhau. Tôi nghe và biết đường mình theo dài cả dặm. Số một ở trường nữ kéo sau lưng thêm những hàng dài áo trắng. Số một đúng nghĩa chứ không phải số một mà đàng sau chẳng có ai là số hai!
Thi lục cá nguyệt xong, thầy giao cho đứa đứng đầu đem kết quả về làm vị thứ. Tôi bị dính. Thằng nhỏ trịnh trọng mang xấp bài thi Lý Hóa của thầy Nguyễn Tòng cùng Thành Tích Biểu cả lớp về nhà. Trước khi sắp hạng tôi sẽ khoe với mẹ và dì tôi để vòi tiền thưởng. Rạp Kinh Đô đang chiếu Đường Sơn Đại Huynh. Được tiền tôi sẽ rủ bạn bè đi coi thằng Lý Tiểu Long. Có “chai mặt” lắm tôi cũng không dám mở miệng hỏi người vì đối với đám con gái, lúc đó Lý Tiểu Long hay Lý Tam Cước đâu là cái quái gì. Ham chơi bóng rổ tôi gởi thằng Cu em người xấp học bạ và bài thi của lớp. Nó có cái cặp to chứa không hết đồ lẩm ca lẩm cẩm của tuổi mới lớn. Không biết sao thằng này lại khoái để trái cây dầm chua và ô mai trong cặp. Chắc chắn không dành cho nó rồi mà để cho người nào đó. Mục này tôi chưa biết vì... của mình chưa đến mức đó. Đi học về mới thấy bóng dáng người bên kia đường là tôi mừng. Mừng lắm! Chuyện khác... thằng nhỏ chưa dám nghĩ đến. Tôi lại ngại nhờ bạn bè thân làm quân sư. Biết đâu có thằng cũng thương thầm trộm nhớ người thì “ô hô ai tai.”
Chơi xong bóng rỗ thằng em người quên gởi lại tôi xấp học bạ. Nó mang luôn về nhà. Thế đó có người tò mò coi thử cái lớp này nó ra sao? Kéo nhau đi đánh lộn thì bên Phan Chu Trinh thầy giám thị đã nhẵn mặt. Thôi để coi hình, coi vị thứ và coi luôn lời phê của giáo sư phụ trách môn học. Cái hình chụp từ những ngày bắt đầu thi đệ thất tôi còn dùng cho bốn niên học sau! Tôi nhìn thấy ngố lắm nhưng kệ miễn sao thầy phê ngon lành trong thành tích biểu là ăn tiền... của mẹ và dì! Tiểu sử học đường của đám lớp tôi và những tên hay qua lại trước ngõ nhà người vì thế được soi dưới kiếng hiển vi của đôi mắt đẹp. Có đứa con nhà giàu, đẹp trai, học giỏi và không giỏi. Có đứa “thông minh” nhưng không chăm chỉ. Có đứa sao nhìn hình không giống bên ngoài. Hy vọng tôi không bị phán “hắn hay theo... hoài”.
Về sau tôi để ý đến Việt Văn hơn toán. Tên người bắt đầu bằng chữ B. Tên tôi là A. Ngày nào tôi viết được thư, trong đó có đoạn “a cọng b bình phương thành... [ (a + b)2 = a2 + 2ab + b2 ] có lẽ tôi chọn ban văn chương khi lên trung học đệ nhị cấp. Tôi sẽ gởi bài cho Tuổi Hoa hay Tuổi Ngọc rồi thừa thắng xông lên lập luôn thi văn đoàn xóm nhỏ! Cũng may, thầy dạy Việt Văn của lớp, một nhà thơ nhà văn có bài đăng ở các tạp chí Sài Gòn đã “dìm” tôi xuống, để hôm nay tôi mới “nổi” lên được với cái truyện chẳng ra đầu ra đuôi này! Thầy cũ của tôi mà đọc được bài viết hôm nay chắc tôi ăn hai con “trứng vịt” tròn vo.
Miền Trung đã có những tháng mưa dầm mưa dề. Đứng dưới mái hiên lợp bằng tôn, nghe mưa dồn dập tôi chẳng muốn đi đâu; chẳng muốn làm gì mà cầu sao cho mưa ướt hết đầu tóc được hớt ba phân để làm ... thi sĩ. “Chiều mưa bay nghiêng chút niềm riêng đây đó...” hay “Có con chim sẻ trên đầu ngọn cây. Vỗ cánh chim bay qua cái nóc nhà. Mái thấp lợp tôn mưa ồn thức giấc. Có gì tràn đầy như đất nước xa...” Qua nhà người tìm mượn cuốn tập chỉ là cái cớ. Tôi đứng dưới mái hiên nhìn mưa và nói gì đâu. “Mưa Sài gòn, Mưa Hà Nội” không biết sao chứ mưa thành phố tôi lúc đó vui lắm. Ít ra khi mưa trúng ngay bữa lang thang mà không biết đi đâu. Qua lại con đường quen, tìm cớ ghé vào để mong gặp mặt... Em người cho mượn cái áo che mưa của ai đó trong gia đình. Cái áo màu trắng, chắc chắn không phải của nó vì tôi bận vào ngắn trên đầu gối, hai tay áo bám sát lấy tay mình. Áo của con gái rồi. Về đến nhà cởi ra mới biết áo của người. Tôi mừng run, mất ăn mất ngủ rồi nấn ná không muốn mang trả áo sớm như dự định. Đến khi em người sang đòi áo “để chị đi học” tôi định nói mất rồi. Để mua đền cái khác nghe! Cái áo đó có gì đâu mà theo tôi đi gần hết vòng trái đất sau này dầu rời trường rời lớp rời thành phố chưa lần trở lại. Có gì mà khi “Áo ai cho mượn không đủ che hạt nước trời nên rét lạnh ngày sau.”
Chiến trận đã xoay chiều. Lệnh đôn quân được thông báo hàng ngày trên đài phát thanh. Tôi gần đi rồi. Đi lính! Lần cuối qua thăm người đứng ở cửa sau hỏi nhỏ.”... Học như rứa mà răng phải đi!” Thì ra người biết hết. Thằng Cu là gián điệp. Học bạ gởi nó ngày nào là bằng chứng. Tự nhiên tôi nghe nao nao trong lòng. Tôi đứng nhìn con bé. Aùnh điện vàng phía sau không soi rõ mặt nó nhưng tôi tìm được đôi mắt sáng, đẹp nhưng buồn. Tôi không trả lời được câu hỏi. Xa xa là cánh đồng cỏ lau tôi từng lăn lộn những ngày ấu thời. Khi đó người còn ở đâu ngoài Huế, chưa thả những giọt nắng vàng nhẹ xuống hồn tôi. “Gọi em là mưa trên đầu ngọn núi. Nước mát lòng khe uống nhé yêu thương. Gọi trên Trường Sơn tên trong trí tưởng. Nay núi mai rừng đi giữ quê hương...”
Thằng bạn còn ở nhà báo tin người chết! Thư còn nhiều nữa những trách móc thân tình nhưng tôi không can đảm đọc hết. Đôi lần có phép trở lại thành phố cũ, ở tuổi mười chín, tôi thấy mình lạ hẳn với đời sống. Gia đình còn lại của người cũng xuôi về Nam. Mấy đứa trong đám bạn càng ngày càng xa. Tôi ở tác chiến chỉ có một đường về như thơ của người thầy dạy Việt Văn: “Thưa me, thưa me con đã trở về. Nằm trên xe lăn từng vòng xót xa. Thưa me, thưa me con đã về gần. Dầu chẳng còn đôi chân. Thưa me, thưa me con đã về thăm. Xin giữa quê hương một chỗ yên nằm. Xin một bóng cây lên trên phần mộ. Một lần là trăm năm.”* Cũng may không chết.
Thôi chào xa thành phố thân yêu chào xa nơi người yên nghỉ. Ngày em đi xe tang chạy ngang đường Thống Nhất, chết máy trước cổng trường. Người ta nói em nuối thầy cô bạn cũ. Em đâu biết tôi nuối em những ngày nắng núi mưa rừng. Những tối nhìn xa xa thấy đèn vàng thành phố. Những lần bâng khuâng nghe ai nhắc đến Nam Ô. “Đà Nẵng nhớ về thấp thoáng có người hỏi lần cuối bên hiên. Sao bỏ mà đi, bỏ lớp, bỏ trường, bỏ ngày nắng mới.”
Thôi chào căn nhà có ai tóc ngắn nơi tôi một lần rơi trái ấu thơ.
Tháng Giêng, 2001
(*) Thơ Đông Trình