Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Bão rớt

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 4534 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Bão rớt
Nguyễn Mộng Giác

Tiếng đàn thầm

Vợ chồng ông Tâm và lũ con lếch thếch đi bộ từ phố về nhà. Con Lan và thằng Vũ hí hửng chạy theo ba mẹ, mừng quá quên cả đoạn đường dài. Con Lan mím môi cố giữ không cho cái mũ ni lông mới bay xuống đường cái lầy lội. Còn thằng Vũ tay xách đôi dép Nhật cũ, cứ chạy một đoạn phải dừng để sửa lại đôi tất mới và đôi giày da hơi rộng. Bà Tâm cười thật tươi, khoe với chồng rằng ký mực bà vừa mua rẻ hơn hôm qua đến ba trăm đồng, bù lại gói bột dưa đắt hơn hôm qua một trăm đồng. Cuối cùng vẫn còn lợi hai trăm, đủ mua hai hộp sữa cho thằng Út. Chỉ có một mình ông Tâm không được vui:
"Lợi đâu không thấy, chỉ thấy cái cảnh cuốc bộ hộc xì dầu mà thôi. Em bắt anh ôm xách đủ thứ lỉnh kỉnh, không còn thấy đường mà đi nữa. Em coi thử có chiếc cyclo nào không, kêu lại chở một lượt về thẳng nhà cho khỏe".
Con Lan mau miệng:
"Có một chiếc kia kìa ba. Để con kêu cho".
Bà Tâm chưa kịp ngăn, con bé đã gọi lảnh lói:
"Cyclo, lại đây mau".
Nhưng bác phu xe cứ cắm cổ đạp xe đi thẳng. Ông Tâm thất vọng, còn bà vợ có vẻ thích thú, nhẹ nhàng giải thích cho chồng:
"Bây giờ đã sáu giờ chiều ba mươi rồi. Người ta còn lo về dọn dẹp rước ông bà, ai đâu làm thuê chở mướn nữa mà gọi cho mất công".
Ông Tâm không biết giải toả nỗi bực dọc bằng cách nào, ngập ngừng một lúc, rồi sừng sộ với vợ:
"Phải. Bây giờ đã chiều ba mươi rồi. Chỉ còn mấy giờ nữa là giao thừa. Nhưng đã biết vậy, thì sao không lo mua sắm mọi thứ cho xong hôm qua hôm kia đi. Chờ đến phút chót, lúc người ta đóng cửa dẹp hàng, mới chụp giật hối hả rước toàn đồ dư đồ thừa về".
Bà Tâm phụng phịu nét mặt. Bà muốn trả lời liền, nhưng nghĩ thế nào lại thôi. Ông Tâm hơi ngạc nhiên không nghe vợ nói gì, liếc nhìn bà Tâm một chút rồi tiếp tục bước. Ông e dè liếc nhìn lần nữa, bảo nhỏ:
"Đôi giày em mua cho thằng Vũ đẹp lắm. Vừa chắc chắn lại vừa nhã".
Bà Tâm giữ yên lặng. Ông Tâm nói:
"Trông con Lan nó đội cái mũ đỏ có dễ thương không. Má nó hây hây. Con nít nó khác, chỉ biết cười đùa không biết lo lắng gì".
Bấy giờ bà Tâm mới bảo chồng:
"Đâu phải chỉ có con nít mới vô tâm. Đàn ông cũng vậy. Em ráng tiết kiệm từng đồng, làm sao cho khỏi mang nợ, anh không chịu hiểu. Lại còn dằn vặt em nữa".
Ông Tâm biết mình có lỗi, không dám nói gì thêm, lặng lẽ bước bên vợ. Từ đó về nhà, ông có cố ý làm hoà với vợ đôi ba lần, nhưng lần nào cũng thất bại. Bà Tâm thản nhiên bước, làm như không hề biết đến sự có mặt của người phu khuân vác cần cù bên cạnh. Cả đến lúc con Lan thằng Vũ bỏ ba mẹ chạy nhanh vào ngõ reo lớn:
"Về mau khoe đồ mới với ông nội. Bước nhanh lên mẹ".
Bà Tân vẫn không trả lời. Thấy nguy hiểm, ông Tâm cố gắng giảng hoà lần cuối cùng:
"Vô nhà để việc xếp đặt bàn ghế anh lo. Chừng nửa giờ là xong ngay. Mình lấy tạm cái bàn học con Lan làm bàn thờ. Em chê cái bàn dính mực cùng khắp phải không? Khỏi lo. Chỉ việc lấy tấm drap xanh phủ lên là xong ngay. Mình dẹp bớt mấy cái ghế, cái giường bố, khiêng thùng đồ giặt bỏ sau bếp, là đủ chỗ kê bộ sa lông mây. Dĩa mứt, bình nước trà, chai rượu Anis, gói thuốc Mélia, bao diêm, bấy nhiêu đó là đủ tươm tất. Em thấy không, anh có khiếu mỹ thuật và óc tháo vát nhanh nhẹn trời sinh. Phòng khách dã chiến của mình không thua thiên hạ bao nhiêu đâś.
Vào phía trong cổng, bà Tâm mới hỏi chồng:
"Còn cái đàn anh định dẹp đi đâu?"
Ông Tâm khựng lại, không biết trả lời thế nào, hỏi vợ lần nữa:
"Em nói cái gì?"
"Em hỏi anh định dẹp cái đàn đi đâu?"
"Cái dương cầm của ông cụ hả?"
"Còn cái đàn nào nữa. Thùng đồ giặt bỏ sau lưng cái đàn. Dẹp thùng đồ giặt vào bếp, còn cái đàn có dẹp vào bếp không?"
Ông Tâm không trả lời, yên lặng theo vợ vào nhà. Cửa trước chỉ khép hờ, tiếng con Lan tíu tít:
"Ông nội, con có cái mũ mới. Con quăng cái mũ cũ vào thùng rác rồi. Nội thấy cái mũ của con có đẹp không?"
Rồi tiếng thằng Vũ:
"Còn con thì có đôi giày. Với đôi tất nữa".
Ông Tâm vào nhà, thấy cha vẫn ngồi ở chỗ cái dương cầm hư như thường lệ. Hai bàn tay gầy guộc của ông cụ còn trải đều trên hàng phím trắng. Ông nội ngừng đàn, nghiêng người hỏi hai cháu:
"Ờ, bài đó hay lắm. Của ông nội với một người bạn hợp soạn đó. Để ông nội đàn cho cháu nghe nhé".
Con Lan nhanh nhẩu cải chính:
"Không. Nội nghe sai rồi. Tụi con hỏi nội có thấy cái mũ, đôi giày ba me mua cho tụi con đẹp không".
Giọng ông nội vẫn đều đều, như vọng từ một thế giới khác:
"Ờ, bài này hơi khó hát một chút. Thời đó chỉ có cô Bích Liên hát nổi bài này của nội mà thôi. Nhất là chỗ láy ở cuối bài. Khó diễn tả cho đúng lắm. Này, cháu nghe đây".
Rồi ông cụ xoay người lại, ngồi ngay ngắn trước cái dương cầm, hai bàn tay xương xẩu lượn lờ trên phím. Đầu ông cụ gật gật theo nhịp đều, đôi vai xuôi rung động, nhưng từ cái dương cầm, không có âm thanh nào phát ra cả. Ông Tâm thấy thương cha tràn trề, đứng lặng chỗ cửa ra vào quên cả việc đặt mấy gói đồ kềnh càng xuống sân nhà. Bà Tâm thúc hông chồng hỏi nhỏ:
"Anh thấy không? Ông cụ đâu có chịu rời cái dương cầm. Đố anh dẹp đi được. Chỗ đâu mà đặt bộ sa lông mâyś
Thằng Vũ chạy lại phân trần với me:
"Mua đôi giày khác đi me. Nội chê đôi giày xấu, con hỏi có đẹp không, nội lắc đầu không nói".
Bà Tâm tìm cách giải thích cho đứa con cưng:
"Nội đâu có chê. Nội công nhận đôi giày của con đẹp, đẹp lắm. Nhưng nội giận Vũ, vì hôm trước Vũ phá cái đàn cưng của ông nội, nên nội lắc đầu không trả lời".
Thằng Vũ cãi lại:
"Đâu phải con phá. Chị Lan bảo làm vậy cho bớt ồn, đâu phải một mình con làm".
Con Lan cũng không vừa:
"Đâu phải con bảo. Tại me..."
Nói đến đó, con bé chợt nhớ điều gì, ngừng lại kịp thời. Con Lan liếc nhìn ông Tâm, ánh mắt giả vờ sợ sệt một cách ranh mãnh. Bà Tâm cười xoà, nói với chồng:
"Ba nặng tai không nghe gì đâu. Cái dương cầm hư, kêu ột ệt chẳng ra làm sao cả. Thế mà ba cứ tưởng đàn vẫn còn tốt, ngồi đánh say sưa. Em không chịu nổi, có bảo con Lan nó chêm giấy cho khỏi kêu. Anh đừng giận, ba có nghe gì đâu mà biết".
Bây giờ ông Tâm mới hiểu vì sao từ một tuần nay, chiếc dương cầm không còn phát âm được nữa. Ông nhận rằng vợ đã làm đúng. Ông nội bị điếc nặng không nghe được gì. Căn nhà thuê lại quá chật. Trưa tối sau buổi làm về, cả hai vợ chồng ông Tâm đều cần chút yên tĩnh nghỉ ngơi. Thằng bé Út lại hay sảy thức, mỗi lần ông nội đưa tay lên phím cái dương cầm cũ là thằng bé giật mình khóc thét.
Khốn nỗi ông Tâm không có can đảm nói cho cha hiểu. Ông cụ trước kia là một nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng. Cây đàn là người bạn đời thân nhất trong cuộc đời nhọc nhằn cay đắng, từ khi người bạn đời xinh đẹp hiền hoà khác mất đi, bỏ lại cho ông cụ ba đứa con nheo nhóc. Bà nội vốn giỏi chuyện buôn bán tảo tần, một mình quán xuyến hết mọi việc gia đình. Thủa đó, nhờ thừa hưởng một gia tài khá đồ sộ và nhờ tài nội trợ của người vợ hiền, cả ngày ông nội chỉ lo chuyện đàn hát với bạn bè. Bà nội mất, đột nhiên ông nội cảm thấy đời sống bấp bênh, mất hẳn sự quân bình. Ông nội tiếp tục sống cuộc sống cũ, trong lo âu. Tiếng đàn của ông nội có vẻ hối hả, ray rứt. Không còn những âm thanh khoan thai trong sáng thời xưa. Rồi cái gì phải đến, đã đến. Gia tài khánh kiệt, thực tế cơm áo trước mắt không còn có cách nào quay mặt trốn tránh. Ông nội phải bán rẻ tiếng đàn nuôi con. Tính tình ông nội đổi khác, trầm ngâm ít nói, nét mặt u uất ưu tư. Ông nội luôn giữ khoảng cách lạnh lùng với mấy đứa nhỏ. Trong trí nhớ, ông Tâm chỉ thấy cha mình ngồi hàng giờ trước dương cầm, miệng hát khe khẽ, hết đưa tay lên hàng phím lại ghi ghi chép chép.
Cả ông Tâm lẫn hai người em trai không ai thích tiếp nối cái nghiệp dĩ nặng trĩu của cha già, nên kẻ làm công chức, kẻ đi lính, kẻ đi buôn.
Vì thế, ông nội chỉ còn một người bạn già: chiếc dương cầm. Khốn nỗi tuổi ông nội càng cao, đôi tay càng run, tiếng đàn càng rời rạc mệt mỏi thì chiếc dương cầm càng cũ kỹ, hư hao. Dây đàn chùng, thùng đàn vỡ, tiếng nghe không còn đúng nữa. Khi ông Tâm tìm được việc làm nuôi em thì ông nội cũng vừa bị cho thôi việc. Không biết làm gì qua ngày, ông nội cứ ôm lấy cây đàn cũ. Hai ba lần ông Tâm bị đuổi nhà, mỗi lần dọn đến chỗ ở mới, ông nội chỉ lo chở cái đàn của mình đi theo. Lần dọn nhà cuối cùng vào mùa thu năm trước, tuy căn nhà thật chật chội, ông cụ vẫn bắt buộc con cái dành chỗ tốt nhất cho chiếc dương cầm. Bà Tâm bực bội, nhiều khi nói nhiều câu quá nặng. Ông Tâm xót xa, nhưng chỉ biết làm ngơ. Ông ở vào cái thế khó xử. Ông khổ sở, đôi lúc phải mắng át cho vợ khỏi nói nữa. Ngay lúc này, ông biết sợ lại sắp đề cập đến chuyện dương cầm.
Ông sợ, đành cam chịu, chờ đợi. Rồi điều ông đợi đã đến. Bà Tâm nhắc chồng:
"Kìa, anh làm gì mà đứng như trời trồng vậy. Tìm chỗ đặt mấy cái gói xuống chứ. Anh nhìn quanh xem, còn chỗ nào đặt xuống không?"
Ông Tâm còn đang phân vân, thì bà vợ nói tiếp:
"Thôi anh bỏ tạm đằng cái giường con Lan, rồi đem cái bàn mây vào xem sao. Không có chỗ cho khách ngồi, thì mời họ ngồi lên cái ghế dương cầm cũng được".
Ông Tâm sợ sệt bảo vợ:
"Em để mặc anh lo. Ra phòng sau xem thử thằng Út thức dậy chưa. Con ở đi đâu không thấy coi nhà?"
Con Lan nhanh miệng mét:
"Lúc con về, con thấy chị ở đứng nói chuyện với thím Tư".
Thằng Vũ thì đòi mở gói hột dưa:
"Cho con nắm hột dưa đi ba. Con biết cắn hột dưa rồi".
Bà Tâm mắng:
"Vũ, không được hỗn. Hột dưa chưa cúng, chưa được ăn. Hỗn mang tội".
Rồi bà quay về phía chồng:
"Anh liệu xếp bàn thờ chỗ nào? Hẹp thế này, kê bàn học của con Lan làm sao vừa. Hay là... hay là lập bàn thờ trên cái đàn dương cầm?"
Ông Tâm bị chạm vào chỗ nhột, phản ứng một cách gay gắt:
"Em cứ nói thẳng là muốn vất quách cái đàn lên xe rác, chứ đừng nói quanh co nữa. Đừng có dằn vặt mãi, anh không chịu nổi đâu".
Bà Tâm cũng không vừa:
"Trong nhà này, ai dằn vặt ai? Ai làm khổ sở ai? Anh hay là tôi? Mình không có tiền thì chờ chợ tàn đi mua đồ thừa, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy. Tôi đàn bà yếu ớt còn chịu khó đi bộ cho đỡ tiền xe. Ai cằn nhằn càm ràm từ chiều đến giờ? Mình nghèo thì chịu ở chật. Nhà chật thì phải khéo xếp đặt. Ai đặt chương ướng..."
Ông Tâm cắt ngang lời vợ:
"Em không được nói động đến ba. Mình làm con, đã không đủ điều kiện phụng dưỡng đầy đủ thì phải..."
Bà Tâm cũng cắt lời chồng:
"Nhưng các chú làm ăn phát đạt, nhà cao cửa rộng sao không rước ba về phụng dưỡng, chỉ để mặc một mình anh lo. Các chú không phải là con à?"
"Em nói gì lạ vậy. Mình là con trưởng, phải..."
Bà Tâm lắc đầu chán nản:
"Bao giờ anh cũng chỉ nhắc lại có bấy nhiêu. Mà thôi. Để tôi lo dọn thứ gì ăn qua quít cho lũ trẻ đi ngủ. Lan, con qua kêu chị ở về cho me. Còn thằng Vũ cởi giày ra đi. Để cho mới mai còn đi lại các chú xin lì xì".
Chờ cho vợ dẫn con đi khuất sau tấm vách ngăn, ông Tâm mới đi về phía cha. Kề sát miệng vào tai ông cụ, ông Tâm nói lớn:
"Thưa ba, đi nằm một lát cho khỏe rồi còn dùng cơm".
Ông cụ gật đầu, nhưng vẫn cứ ngồi trước cái dương cầm, không chịu đứng dậy. Ông Tâm nhắc lại:
"Ba nghỉ một lát, ăn cơm tối rồi còn đón giao thừa. Chỉ còn bốn giờ nữa là hết năm Tí, ba có nhớ hay không?"
Ông cụ ngừng đưa tay trên phím, ngước nhìn con trả lời:
"Được lắm chứ. Bài này hay lắm. Âm thanh cuồn cuộn, như thác lũ. Hồi còn trẻ, ba chơi bản này, xúc động đến muốn khóc. Ba..."
Ông Tâm không để cho cha già nhắc lại điệp khúc cũ, nâng hẳn người ông cụ lên. Ông cụ không nói nữa, để mặc cho đứa con trai trưởng dẫn ra phòng sau. Bà Tâm và chị ở đã dọn cơm xong. Hai đứa nhỏ đòi me bỏ thức ăn đầy đủ vào chén ra ngồi trước cửa vừa ăn vừa nhìn xe cộ qua lại. Chỉ còn ba người lớn ngồi ăn lặng lẽ dưới ánh đèn điện vàng lù mù. Gần chỗ cửa sổ, chị ở nắm tay nôi đong đưa cho thằng nhỏ thôi ậm ọe cựa quậy. Lũ trẻ xem xe cộ chán, quay trở vào tíu tít hỏi me chừng nào cúng tết để chờ. Bà Tâm nhìn đồng hồ bảo còn hơn ba giờ nữa. Con Lan cương quyết bảo là con sẽ đợi. Thằng Vũ bắt chước bảo con cũng đợi. Nhưng hai đứa trẻ đều ngủ lăn quay trên giường bố trước khi ông Tâm và chị ở lôi được cái đàn dương cầm vào sát vách để khoảng nền nhà còn lại đủ rộng mà đặt bàn thờ. Bà Tâm liếc dò gương mặt chồng, mỉm cười xin lỗi. Ông Tâm nhếch mép cười lại, gương mặt ngậm ngùi. Bên kia vách, ông cụ húng hắng ho. Hình như tiếng chân dương cầm kéo lê trên nền xi măng đã đánh thức ông cụ dậy. Hai vợ chồng ông Tâm nín thở nghe ngóng một lúc, rồi tiếp tục xếp đặt cho xong hương án và bộ sa lông để mai tiếp khách. Chị ở có ý muốn chờ giao thừa với ông bà chủ, nhưng đến mười một giờ khuya thì chịu thua con ma ngủ.
Hai vợ chồng ông Tâm lặng lẽ chuẩn bị đón năm Sửu, lòng lâng lâng không phân biệt được là niềm vui mới nhú hay là nỗi buồn còn lại. Ông Tâm bỏ áo sơ mi vào trong quần, định lấy cái cà vạt xanh thẫm mang vào nhưng sau nghĩ sao lại mở tủ lấy cái áo lương mặc choàng bên ngoài. Bà Tâm chải lại tóc, mặc cái áo dài nâu may tháng trước, bưng ba đĩa bánh mứt lên bàn thờ, gắn cặp đèn sáp hai bên lư hương, đặt sẵn bao diêm bên bì nhang loại rẻ tiền. Sửa soạn xong đâu đó, bà thì thào hỏi chồng:
"Còn bao lâu nữa mình?"
Ông Tâm xem đồng hồ bảo:
"Còn mười phút nữa".
"Có nên thức ba dậy cho ba cúng giao thừa không?"
Ông Tâm suy nghĩ một lúc, rồi trả lời:
"Thôi. Khỏi cần. Để cho ba nghỉ. Năm ngoái chính ba nhắc anh thức ba dậy để cúng rước. Năm nay ba không nhắc. Tai ba nặng thêm. Anh hơi buồn, vì ba không còn được như năm trước. Ba đã lẫn".
"Còn mấy phút nữa, mình?"
"Còn sáu phút nữa. Em lo rót nước sôi trong tẹt-mốt vào bình trà đi. Cho anh bao diêm để đốt nhang".
"Bao diêm em để sẵn đó rồi".
"Nhưng cắm nhang vào đâu? Lư hương chỉ làm cảnh mà thôi".
Bà Tâm cuống quít:
"Em quên mất. Còn mấy phút nữa? Ba phút à? Em chạy xuống bếp lấy cái ly đựng gạo lên liền, chắc kịp".
Lúc bà Tâm trở lên, đồng hồ vừa chỉ đúng mười hai giờ. Ông Tâm thì thào:
"Giao thừa. Lắng chờ thử năm nay họ có bắn súng thay pháo không".
Hai vợ chồng lắng nghe một lúc không thấy gì. Ông Tâm nhớ đến phận sự trước, vội bật diêm thắp nến, đốt nhang lầm rầm khấn khứa trước bàn thờ. Lạy xong, ông đứng sang một bên nhường chỗ cho vợ. Bà Tâm cầu nguyện tham lam hơn chồng, đôi mắt say sưa, thành kính. Ông Tâm hơi nóng ruột, chờ vợ lạy xong đến gần thì thào:
"Sang năm Sửu rồi. Thêm một tuổi nữa, em có buồn không?"
Bà Tâm xúc động, không trả lời ngay. Một lúc sau, bà ngước nhìn chồng nói nhỏ:
"Em không buồn. Em già thêm một tuổi, thì anh cũng già thêm một tuổi".
Ông Tâm không ngờ vợ nói được một câu dí dỏm đúng lúc như vậy, định nói một câu thật tếu, thì giật mình vì tiếng súng nổ ngay bên cạnh nhà. Bà Tâm hốt hoảng nép sát vào chồng hỏi:
"Cái gì vậy mình?"
Ông Tâm trấn an:
"Không có gì đâu. Chú Tư thiệt gan cùng mình. Đã có lệnh cấm, vẫn ngứa tay bóp đại một phát cho đã. Mai chắc chắn lôi thôi với cảnh sát, không tránh khỏi đâu..."
Nói đến đây, ông Tâm đột ngột ngưng lại. Ông đưa mắt ra dấu cho vợ. Bà Tâm nhìn theo hướng nhìn của chồng, thấy ông nội bước qua cửa ngăn, đi ra phòng trước như một người mộng du, ông cụ nhìn bàn thờ, nhìn hai con khẽ gật đầu, tỏ dấu tán thưởng. Rồi ông cụ đi thẳng về phía cái dương cầm. Ông Tâm lo sợ, nói thầm với vợ:
"Chắc ba sắp nổi cơn lôi đình, hỏi tại sao dám đẩy cái đàn của ba đi chỗ khác".
Bà Tâm trong sợ hãi cũng quên là ông cụ bị điếc nặng, thì thào:
"Chứ biết làm sao. Không đẩy vào sát vách, chỗ đâu lập hương án. Ba phải hiểu nhà mình chật chội".
Nhưng ông nội không quở mắng gì. Ông cụ đến ngồi trước đàn, yên lặng suy nghĩ một chút rồi đưa tay lướt trên phím. Đầu ông cụ gật gật đánh nhịp.
Ông Tâm thấy lòng xót xa, rơm rớm nước mắt bảo vợ:
"Năm Sửu chắc ba lẫn hơn. Khuya khoắt mà còn dậy đánh đàn".
Bà Tâm không nói gì, nên căn phòng yên lặng hoàn toàn. Tiếng đàn lặng lẽ vẫn tiếp tục làm đau nhói tâm hồn ông Tâm. Ông không thấy gì khác hơn là một đêm tối mênh mông trước mặt. Ánh sáng nơi bàn thờ nhoè qua nước mắt. Hình dáng người vợ chao qua chao lại, như một ảo ảnh. Rồi ông nghe vợ bảo:
"Mình, hình như ba đang nói gì đó. Hãy lắng nghe xem".
Ông Tâm lấy ống tay áo chùi nước mắt, đăm đăm nhìn cha. Ông lắng nghe.
Bà Tâm thì thào:
"Hình như ba vừa đàn vừa hát, phải không?"
Ông Tâm chú ý hơn nữa. Vợ ông đã nói đúng, ông cụ vừa đưa tay lướt trên phím đàn câm, vừa hát theo. Phải mất một lúc lâu, ông Tâm mới nghe thoang thoáng được vài câu hát của cha mình. Bà Tâm lại hỏi:
"Ba hát bài gì nghe quen quen".
Ông Tâm ra dấu cho vợ im lặng, lắng nghe tiếp giọng hát khàn khàn của cha già. Bà vợ không nhịn được tò mò nữa, hỏi:
"Ba hát bài gì mà say sưa vậy, mình?"
Ông Tâm nắm tay vợ, ngậm ngùi làm run tiếng nói:
"Anh không biết chắc. Hình như bài XuânTuổi trẻ của La Hối".

Vách đá cheo leo
Cu Tý chờ không được nữa, lên tiếng giục:
"Mặt trời sắp lặn rồi nội. Mình về thôi".
Ông lão không trả lời đứa cháu nhỏ, cố nheo mắt nhìn vào lùm cây rậm bên bờ suối. Thằng bé không chịu thua:
"Nội không chịu về thì con về trước. Mai con không theo nội nữa đâu".
Ông lão gắt:
"Mày đi theo chỉ làm rối ông chứ được ích gì. Để yên cho ông tìm sợi mây cột bó củi đã. Nội mới tìm được có một sợi thôi.
Cu Tý chộp được cơ hội chứng tỏ mình cũng là người hữu ích, chạy đến lay tay ông nội:
"Để con chỉ cho. Chỗ lùm cây này không có sợi nào đâu. Chỗ phía trên gành có nhiều mây lắm".
Ông lão gật gù, lầm bầm điều gì trong mồm, vui vẻ theo chân đứa cháu nhỏ. Hai ông cháu vừa làm việc vừa kháo nhau chuyện bán củi hôm qua. Cu Tý bảo:
"Mình bán đủ củi cho lò bánh xong, thì đi chặt bổi bán cho lò gạch".
Ông lão nhận xét:
"Ừ, tao chặt trụi hết cả rừng dày, mà chưa lấp nổi mấy cái lò háu ăn".
Cu Tý không hiểu, hỏi lại:
"Nội nói cái gì?"
"Tao nói mấy cái lò háu ăn, hiểu không?"
Vừa nói ông lão vừa chỉ vào miệng cu Tý đang há hốc ra kinh nhạc. Ông lão giải thích thêm:
"Tụi bay ăn dữ quá, một bữa năm sáu chén cơm đầy, làm cho nội chặt trụi cả cây rừng đem bán vẫn chưa đủ tiền mua gạo".
Rồi ông lão trầm ngâm, lời nói giống như một tiếng thở dài:
"Đáng lẽ tới tuổi này, tao chỉ ngồi vuốt râu uống nước trà, chờ cha tụi bay nuôi. Nhưng Trời không chiều lòng người, biết làm sao giờ".
Cu Tý mãi nghe, không chịu kéo mạnh dây mây để siết chặt lưng bó củi. Ông lão nhắc:
"Con kéo mạnh cho nội chứ. Miệng nói, tai nghe, nhưng tay đừng quên làm".
Cu Tý cười, giúp ông nội bó củi còn lại. Để chữa lỗi, nó lăng xăng chạy lấy cây đòn xóc đem lại cho nội, phụ với ông cắm mạnh đầu nhọn cây đòn vào phía dưới dây buộc. Hai ông cháu vừa làm việc vừa cười đùa. Xong đâu đấy, ông lão hỏi cháu:
"Bây giờ cháu muốn gì? Vác rựa cho ông, hay là đi tay không để nhặt đá cuội về chơi ô làng?"
Cu Tý phụng phịu:
"Hôm qua con mất công đem về, tụi nó khóc la giành hết của con. Bữa nay con không thèm nhặt nữa. Để con vác rựa cho nội".
"Vậy càng tốt. Đem về bỏ lăn lóc thêm dơ nhà. Nào, chúng mình về".
Ông lão chậm chạp khom lưng xuống, kề vai vào dưới đòn xóc, bậm môi lấy gân nhấc gánh củi đứng dậy. Sức nặng đè lên đôi vai già làm cho ông lão xiểng tảng một chút, nhưng ông gắng gượng giữ được thăng bằng. Ông đứng yên một chỗ nhún nhún vài cái cho quen vai, rồi vịn một tay vào bờ đá bắt đầu bước.
Cu Tý chạy trước ông nội, đôi chân nhỏ chuyền liếng thoắng trên các mỏm đá như con sơn dương hí hửng. Tự nhiên nó thấy hồn rộn rã. Nó quên mất gánh nặng của nội. Đến lúc nhớ lại thực tế, nó hốt hoảng khi quay nhìn sau lưng không thấy cái dáng chậm chạp khắc khổ của nội đâu cả. Cu Tý chạy ngược trở lại, qua khỏi một khoảng truông rậm quanh co, mới thấy ông nội đang ngồi bệt bên đường, gánh củi đặt sát bờ đá. Cu Tý hỏi:
"Nặng quá phải không nội?"
Ông lão chưa kịp trả lời, đứa bé đã nói tiếp:
"Con đã bảo bấy nhiêu đủ rồi, không cần chặt thêm nữa. Nội không nghe. Nội cứ sợ người ta chê ít, mai không mua của mình. Gánh củi của bác Ba ít chứ đâu có nhiều như gánh củi mình. Mà lò bánh họ có nói gì đâu. Con..."
Ông lão ngắt lời:
"Không phải đâu. Đừng lải nhải nội bực lắm. Gánh củi này thấm gì. Nhưng mắt nội hơi yếu. Nội vấp hòn đá. Sợ móng chân cái tróc ra mất".
Cu Tý sợ hãi ngồi sà xuống trước mặt ông nội. Ông nội đã nói thật. Ngón chân cái bên phải của ông lão đầy cả máu, và mỗi lần ông lão ấn ngón trỏ vào móng, thì máu lại trào ra. Cu Tý cuống quít không biết làm gì, cứ hỏi:
"Làm sao hở nội? Làm gì bây giờ hở nội?"
Ông lão hơi bực gắt đứa cháu:
"Mày làm gì mà la nhặng lên thế? Đi rừng vấp chân chảy máu là thường chứ có gì đâu. Vạch quần đái lên chân ông nội cho sát trùng, rồi chờ cầm máu mình lại gánh củi về".
Cu Tý không dám nói gì thêm, vâng lời ông lão, đi tiểu lên chỗ bị thương. Thấy bụi đường văng lên chỗ lở, nó nhắc:
"Ông để chân lên hòn đá cho sạch".
Ông lão thấy cháu nói có lý, dời bàn chân đau lên chỗ mặt đường có tảng đá phẳng. Cu Tý hơi khom người xuống để nước tiểu rơi nhẹ lên ngón chân, cho nội khỏi đau. Ông lão thấy cháu có ý tứ, cảm động, vỗ vỗ lên vai cu Tý:
"Sao con biết nội bị vấp mà quay lại?"
Cu Tý nói dối:
"Con cứ chạy một quãng lại nhìn trông chừng, sợ nội theo không kịp".
Khi cu Tý tiểu xong, ông lão bảo:
"Thôi, được rồi. Để nội ngồi yên một chút cho máu hết chảy, mình lại bắt đầu đi. Con không thích lượm đá cuội nữa sao? Ông nói đùa, ông không la đâu. Lại chỗ lòng suối kia tìm mấy viên nhỏ và tròn đem về chia bớt cho mấy em".
Cu Tý đi rồi, ông lão nhìn lại ngón chân cái của mình. Tuy hơi rát, nhưng máu đã bớt chảy. Đầu móng chân bị vẹt đi một chút, để lộ mảng thịt hồng. Ông lão dáo dác nhìn quanh, tìm lại viên đá đã làm cho chân ông đau. Nó nằm cách đó không xa. Ông lão nghiêng mình với tay nhặt lên. Viên đá nhỏ xù xì, đầy góc nhọc sắc chẳng kém mũi dao. Lòng tự nhiên tức giận, ông lão cầm viên đá giơ lên cao, lấy đà, định ném thật xa cho rơi tõm xuống khúc suối nước đục. Nhưng vào phút cuối, ông lão dừng lại. Ông nhìn hòn đá chăm chú một lần nữa. Viên đá mầu mỡ gà, nhưng chằng chịt những đường chỉ đỏ như gân mái trong lòng mắt người già. Ông lão nghĩ: Trong thân thể mình, chắc cũng có những đường máu chằng chịt như thế này. Nhờ thế khi bị vấp, máu chỉ rịn dần dần chứ không tuôn xối xả. Ông lão tự nhiên thấy viên đá trở thành quyến luyến. Ông cảm thấy, mơ hồ, trên cái dáng xù xì lồi lõm, bằng những mầu sắc hỗn tạp chỗ vàng chỗ trắng chỗ xám chỗ đỏ, một gương mặt chập chờn. Chỗ nhô ra này có thể giống với chóp mũi con chó nhỏ, nhưng chỗ lõm này lại giống cái miệng người. Ông tìm đôi mắt. Tuyệt nhiên không thấy đâu. Chỉ thấy các đường gân máu trên má trắng. Ông chợt nhớ viên đá đã làm cho ông chảy máu chân, nên săm soi tìm kiếm xem còn dính đâu đây không. Vẫn tuyệt nhiên không thấy đâu. Hay là mình lầm với một viên đá khác. Mình có vấp vào một viên đá, nhưng có thể viên đá này vô tội. Tay ông mân mê viên đá xù xì, dần dần cảm thấy hơi ấm mặt trời chuyền từ viên đá qua tay mình. Khám phá ấy làm cho ông lão xúc động, ngồi lặng trầm ngâm. Sức sống của mặt trời truyền vào tấm thân tàn tạ này, giữa lúc hoạn nạn và trong bóng chiều ủ dột khiến ông nôn nao. Ông nhìn thẳng trước mặt, chỉ thấy màu lục chập chờn, không khi gió lay động chòm râu bạc, từng sợi từng sợi phất phơ. Nếu đứa cháu không trở lại, chắc ông lão còn ngồi trân như vậy lâu lắm. Cu Tý khoe:
"Con chọn được 25 viên cuội trắng. Mỗi đứa được năm viên. Con chỉ sợ thằng Mãnh lại đòi phần của con Lý".
Thấy ông nội vẫn còn ngơ ngác, cu Tý hỏi:
"Đau lắm phải không nội? Đã hết chảy máu chưa nội?"
Ông lão giật mình, trả lời lấy có:
"Hết rồi con".
"Nội vấp vào chỗ nào đâu?"
Ông lão nghe cháu hỏi, vội giấu viên đá đang cầm nơi tay trái vào lòng.
Cu Tý không chú ý, tiếp tục hỏi:
"Đã hết chảy máu chưa nội. Để con coi thử. À, hết rồi. Máu đã khô. Nhưng sao tay nội còn dính đầy máu thế này?"
Ông lão cuống quít định đưa tay trái lên xem, nhưng cu Tý đã chụp lấy bàn tay phải của ông. Cháu ông nói đúng. Mấy ngón tay phải của ông còn dính đầy máu. Từ nãy đến giờ mãi lo săn sóc cái chân, ông quên cái tay. Ông đưa tay lên chùi vào vạt trước, nhưng sợ giặt không đi, nên ngập ngừng dừng lại ở khoảng lưng chừng. Ông nhìn quanh quất. Cu Tý hốt hoảng:
"Tay của nội cũng bị thương nữa sao nội?"
Ông lão trấn an đứa bé:
"Không phải đâu. Đừng lo. Ông lấy tay nặn cho máu bầm chảy ra hết, nên bị dính phải. Để nội chùi sạch cho con coi. Không bị thương chỗ nào hết".
Ông lão vừa nói vừa tiếp tục tìm thứ gì chùi máu trên bàn tay. Chợt ông chú ý đến lớp rêu khô bám trên mặt đá vệ đường. Mặt đá quay về hướng bắc, và lớp rêu một mùa gió mưa năm trước bây giờ chỉ còn lại một mảng khô mầu thẫm. Ông lão đứng dậy, tiến về phía mặt rêu:
"Nội chùi vào đây cho sạch tay, rồi mình còn về".
Lớp rêu khô mịn như mặt nhung. Máu dính lên lớp rêu, để lộ lớp da nhăn chai đá trong lòng bàn tay lão tiều. Nhưng một vài cọng rêu héo bám theo bàn tay, nằm rải rác trên năm ngón gầy. Ông lão tìm khoảng rêu khác chùi mạnh tay một lần nữa, cẩn thận lau sạch máu bầm trên từng ngón đen đúa. Chính lúc đó ông mới chú ý dưới lớp rêu khô héo còn có một lớp rêu non mới nhú. Ông lão thích thú lấy ngón tay trỏ rẽ nhẹ khắp mặt rêu. Đâu đâu cũng có một tầng rêu xanh ẩn nấp, chờ sẵn sương đêm. Cu Tý giục:
"Đã xong chưa ông nội. Trời tối qua mương không kịp đâu".
Ông lão quay lại nhìn cháu, thấy mái tóc dài phủ gần kín vầng trán thơ ấu, trong khi đôi mắt cu Tý mở lớn một vùng trời hy vọng, mơ ước. Ông lão chợt nghĩ đến việc so sánh cọng rêu xanh và đôi mắt đen láy này, lòng xôn xao khác thường. Bấy giờ nắng chiếu qua ngọn cây, tung tăng bên bờ đá phía bên kia suối. Côn trùng chim chóc bắt đầu hoạt động trong các bụi rậm, nhộn nhịp ríu rít. Ông lão muốn ôm cháu vào lòng để tỏ niềm trìu mến, nhưng khi đưa hai bàn tay lên ông mới nhớ mình còn cầm viên đá xù xì ở tay trái. Cu Tý tò mò:
"Nội cũng lượm đá về chơi ô làng hở nội?"
Ông lão vội vã cải chính:
"Tao chừng này tuổi đầu mà còn chơi ô làng hay sao? Đem về cho mẹ tụi bay đằng thạp dưa cải".
Cu Tý cũng không vừa:
"Nội lầm rồi. Đằng dưa cải thì phải chọn mấy hòn đá tròn láng mới được. Hôm trước con cũng đem về một viên đá lớn cho mẹ, nhưng mẹ chê xù xì quăng đi. Mẹ muốn nhờ nội tìm cho một viên thật lớn, nhưng sợ nội yếu nội mệt..."
Lời đứa cháu làm ông lão suy nghĩ. Ừ, ông chưa yếu, nhưng không còn mạnh mẽ. Không biết bao giờ ông yếu đến độ không thể đi củi được nữa, và đến lúc đó, liệu gánh dưa cải của người dâu nhỏ ốm có đủ nuôi cả gia đình? Vợ ông mất từ lâu. Từ hồi thằng Đình mới có mười tuổi. Một cha một con sống âm thầm bên rẫy, ngày hai lần nhìn mặt trời mọc lên từ bên kia đỉnh Chóp Vàng và lặng mất đằng sau đỉnh Chóp Vung. Thằng Đình lớn lên như cây cối, cho đến lúc ông lão thấy phải dời nhà xuống đồng cho con lập gia đình, ông nhớ núi, ngày ngày ngồi bó gối nhìn ngọn cao sừng sững bên kia đồng lúa trì. Nhưng ông còn nhiều việc để làm cho tạm nguôi nhớ. Cu Tý ra đời. Rồi lần lượt con Lý, thằng Sư, thằng Mãnh, con Miên. Đình mạnh khỏe và tháo vát, ngược xuôi chu cấp cho cả gia đình đông đúc. Lúc Đình phải nhập ngũ, ông lão tưởng đời sống sẽ bị hoàn toàn đảo lộn, nhưng lúc nào Đình cũng lanh như con sóc. Nó xin làm việc ngay tại chi khu, gần gũi gia đình. Sự đảo lộn chỉ thật sự bắt đầu lúc cây cầu bắc ngang qua suối do Đình canh giữ bị giật sập. Ông lão không còn có quyền ngồi bó gối gửi nhớ nhung về đỉnh Chóp Vàng. Ông phải trở lại nghề cũ nuôi cháu. Ông biết sức khỏe mình ngày càng kém. Gối đã run, tay đã yếu. Mắt đã hấp hem trên bước chân nam chân xiêu khó nhọc. Nhưng ông lão còn rán được. Ông tin mình còn đủ sức kéo lết cuộc đời qua ngày đoạn tháng. Cơn ho trở mùa chưa tới, đó là một điềm lành.
Nghĩ tới đó, tự nhiên cổ ông ngứa, và dù cố gằn, cơn ho dữ dội vẫn ào ạt ập đến. Ông lão ngồi rũ bên gánh củi, gập người lại cố lấy hết ý chí cưỡng lại bệnh tật. Cu Tú quăng cả mấy viên cuội đẹp trên tay, chạy đến vuốt ngực ông:
"Nội ho trở lại phải không nội? Chắc sương chiều đã xuống rồi. Khí núi lạnh lắm. Mẹ nói hơi núi độc hơn cả gió bấc. Mình về nhanh lên nội".
Lời thằng bé giúp ông lão nhận thức được hoàn cảnh. Phải, có lẽ khí núi lạnh khi mặt trời đã lặn bên kia Chóp Vung làm cho phổi ông lão yếu đi. Phải về gấp, ông bước đến gần gánh củi, khom lưng kê vai vào đòn xóc. Ông lấy hết sức đứng dậy, nhưng sức lực ông tiêu tan đâu mất hết. Ông không nâng nổi gánh củi lên khỏi mặt đất. Thấy Cu Tý theo dõi mình, ông lão giả vờ bảo:
"Trời còn sáng mà cháu. Để ông ngồi một chút cho hạ đàm, rồi về cũng không muộn. Khi nào nắng hết chiếu trên đỉnh Chóp Vàng, mình mới sợ".
Cu Tý không biết nội quá yếu phải ngồi dưỡng thương, vui mừng đề nghị:
"Nếu thế nội chờ con đi nhặt lại mấy hòn cuội. Lúc nội ho rũ, con sợ quá, quăng đi mất hết".
"Ừ, con đi nhặt đi, nội chờ".
Lúc cu Tý chạy đi rồi, ông lão thử bậm môi nhấc gánh củi lần nữa. Nhưng nước mắt ông tự nhiên trào ra, đầu gối run lẩy bẩy. Ông ngồi phệt lên mặt sỏi, lo lắng, rồi sợ hãi. Chắc cơn ho làm cho mình yếu đi, hoặc máu chảy nhiều làm cho gân cốt mềm lại. Hãy chờ một chốc nữa. Có tiếng sột soạt trong bụi rậm gần đó. Một con rắn mối ló đầu ra khỏi mớ cây dại thấp, dáo dác nhìn quanh, rồi đăm đăm nhìn ông lão. Bốn chân rắn bám vào mặt đất, trong khi cái đầu không thôi ngơ ngác. Ông lão nhặt một hòn đá nhỏ, quăng vào bụi rậm để gây tiếng động. Còn rắn sợ hãi quay đầu chạy trở lại đường cũ. Cu Tý nghe tiếng đá rơi, chạy lại hỏi:
"Cái gì vậy nội?"
"Không có gì đâu. Nội nhát con rắn mối".
"Nó đâu rồi, để con quăng cục đá cho bẹp đầu quách".
"Không nên. Nó chạy mất rồi. Bốn cái chân lăng quăng lê cái mình nặng. Tội nghiệp".
Cu Tý cười:
"Nó có bốn chân mà thua mình hai chân. Mình nhảy vài cái, là về tới nhà liền".
Câu nói của cu Tý làm ông lão suy nghĩ. Viên đá nằm lơ đễnh bất động trên lối đi. Mảng rêu bám vào vách núi, chờ gió chờ sương của mùa đông cũ. Con rắn mối khó nhọc bám chặt mặt đất lồi lõm. Gánh nặng cuộc đời đè nặng lên đôi vai, cũng dán chặt đời ông thân ông vào đồng lầy, sườn non, luống rẫy. Nhưng ông còn hai chân bước. Đầu gối ông chỉ cần khẽ gấp, là bàn chân có thể nhổ lên khỏi mặt đất. Và bàn chân này đặt xuống là bàn chân khác lại nhấc lên, bước tới. Đất không đủ sức chôn chặt chân ông. Và thân hình ông đứng thẳng, mắt ông nhìn xa. Ông chưa đến nỗi nào. Trừ khi cuộc đời và tháng năm bẻ cong lưng ông xuống, trừ khi cái chết ép sát thân ông vào mặt đất, ông vẫn còn có thể tiến tới. Ông còn đứng dậy được. Ông muốn tự đặt mình trước một sự đã rồi. Ông bảo cu Tý:
"Thôi. Ông cháu mình về".
Cu Tý đồng ý:
"Phải đó nội. Nắng đã hết chiếu trên đỉnh Chóp Vàng rồi".
Lão tiều khom người xuống, hai chân dạng ra theo thế tấn. Ông nghiêng vai. Đôi vai hơi mỏi. Ông bậm môi nhấc gánh củi lên. Gánh củi không nhúc nhích. Ông lão hít mạnh một lần nữa, trí nghĩ đến cái nhục của loài bò sát. Miệng ông bảo cháu:
"Nó bốn chân, nhất định phải thua mình hai chân. Mình vươn vai một cái, đã đứng thẳng lên ngay".
Trong khi lấy gân đứng dậy, ông lão đứng dậy được. Gánh củi hơi chòng chành. Nhưng tay ông lão kịp giữ lại cho nguyên thế thăng bằng.
Rồi cu Tý đi trước, bước chân nhảy nhót như chân sóc. Và lão tiều theo sau, bước chân đằm vững theo nhịp thở. Hai ông cháu về tới nhà, thì trời mới tối hẳn.


Ghi chú: Vì lý do kỷ thuật, truyện Đêm hoang (giữa truyện Nước cạn, hoa lauTiếng đàn thầm) không in được nên số trang không liên tục, mong độc giả thông cảm – Trí Đăng.


 

Nguồn: Bão rớt, Nguyễn Mộng Giác, in tại Trí Đăng, 21/1/1 Nguyễn Thiện Thuật, Sài Gòn 3, số lượng ấn bản 1500 cuốn. Giấy phép xuất bản số 2267/PTUDV/KBCNT/KSALP cấp ngày 25-6-1973. Phát hành ngày 15-9-1973. Bản điện tử do talawas thực hiện.

<< Nước cạn, hoa lau |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 590

Return to top