Cây số 42
Dũng Hà
Sân bay Tân Sơn Nhất một buổi chiều. Những ngọn gió nam không bị vật gì kìm hãm, rít vù vù trong cuộc đuổi nhau bất tận cuốn tung những ngọn cờ trên nóc nhà ga, và bên cạnh tôi những tà áo dài của các chị em trong đoàn đi đón khách bay vờn lên như những cánh bướm.
Chiếc máy bay TU.134A lăn những vòng bánh cuối cùng rồi dừng lại ở vị trí quy định. Mấy phút sau chiếc cầu thang đã được đặt xong và cửa máy bay mở rộng. Các vị khách quốc tế xuất hiện trên khung cửa giơ tay vẫy chào đáp lại những cánh tay và những lời reo vui nồng nhiệt của chúng tôi, những người đón khách. Đó là những vị khách đến dự một cuộc họp quốc tế quan trọng được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng với các bạn trong đoàn ra đón, tôi lần lượt bắt tay các vị khách quý, những nhân vật có tên tuổi, nam và nữ của hai lục địa. Họ đều cao lớn, khỏe mạnh với những gương mặt cởi mở, trang nghiêm, hoặc bỡ ngỡ với những mầu da trắng hồng hoặc nâu và đen.
Tôi siết chặt tay một người mặc âu phục xám, dáng cao và mảnh khảnh, có hàng ria đen khá đậm để theo kiểu người ả Rập và chào anh bằng tiếng Pháp:
- Chúc mừng đồng chí đã đến thăm đất nước chúng tôi.
Người khách nắm chặt tay tôi và thật bất ngờ, anh đáp lại bằng tiếng Việt khá sõi:
- Chào đồng chí! Rất cảm ơn đồng chí đã ra đón chúng tôi. Đồng chí có mạnh khỏe không?
Ngạc nhiên, tôi ôm lấy người bạn quốc tế mà ngay từ câu nói đầu tiên đã tỏ ra am hiểu phong tục Việt Nam. Anh đã chẳng hỏi thăm ngay sức khỏe của tôi như một người bạn thật lâu ngày mới gặp lại đó sao?
- Anh nói được tiếng Việt? - Hay quá! Anh nói được nhiều không?
- Tàm tạm - Anh bạn nhã nhặn gật đầu, miệng tủm tỉm, lộ vẻ hóm hỉnh - Tôi nói còn xoàng hơn mấy cha kia!
Anh hất hàm về phía những người bạn quốc tế đang tíu tít bên những cô phiên dịch và những bạn bè quen thuộc ra đón.
"Chà! Vớ được anh Tây mắm tôm". Tôi hết sức hứng thú trước sự bất ngờ này, nghĩ thầm trong bụng rồi lần lượt bắt tay những người bạn khác. Sau đó, tất cả, chủ và khách cùng nắm tay chào nhau đi vào phòng khách của nhà ga.
Anh bạn mà tôi vừa quen, đi trước cùng các đồng chí trong ban chấp hành ra đón. Tôi nhìn anh từ phía sau. Lưng anh hơi còng và lệch vai bên phải. Nhìn kỹ thấy bước chân anh hơi tập tễnh, dường như chân trái có tật. Mái tóc đen dài và xoăn của anh đã bạc trắng ở hai bên thái dương. Tôi bỗng mơ hồ như đã gặp anh ở đâu. Nhưng nghĩ mãi không nhớ ra.
Đêm hôm ấy, trong căn phòng nhỏ trên tầng lầu ba của một khách sạn bên sông Sài Gòn, tôi cứ trăn trở mãi không ngủ được, bâng khuâng nhớ lại cảnh tượng ban chiều. Cùng phòng với tôi, là một anh bạn ở Hà Nội vào. Chúng tôi trao đổi với nhau những nhận xét, những cảm nghĩ và ấn tượng ban đầu trong cuộc tiếp đón những người bạn quốc tế. Tôi kể lại cho anh bạn Hà Nội nghe về người khách nói tiếng Việt rồi phàn nàn:
- Trí nhớ mình tồi quá! Hình như mình đã gặp ông ấy ở đâu một lần.
Anh bạn đã ngái ngủ nhưng cũng gắng tỏ ra lịch sử trả lời:
- Ông thử nhớ lại những lần ông đi họp ở Liên Xô, ở Đức, ở Tiệp, ở Mông Cổ hay đi thăm ấn Độ, Cu-ba xem?
- Cái gương mặt ấy, kiểu tóc ấy, bộ ria mép ấy, rõ ràng là người ả Rập.
Anh bạn Hà Nội cười phá lên:
- Nói như thế cũng chẳng khó gì! Nhưng họ là người nước nào? Thôi ngủ đi! Mai hỏi khắc biết!
Chỉ mươi phút sau, tôi đã nghe tiếng ngáy đều đều của anh bạn Hà Nội. Thế mà tôi vẫn không sao ngủ ngay được. Kỳ lạ! Hình ảnh người bạn quốc tế cứ xoắn lấy tôi. Tôi lặng lẽ ngồi dậy đốt một điếu thuốc rồi đến bên song cửa nhìn ra. Đêm đã về khuya. Từng cơn gió mát lạnh từ sông Sài Gòn thổi vào vuốt ve da thịt khiến tôi thấy tỉnh táo hẳn lên. Ngoài đường Tôn Đức Thắng chạy dọc bờ sông, lúc này xe cộ đã thưa thớt hẳn, không còn nghe thấy tiếng nổ phành phạch đến nhức tai của những chiếc xe lam hay xích lô máy, cũng như không còn phải hít cái mùi khói dầu khét lẹt do những chiếc xe đó phun ra. Không gian thoảng mùi êm dịu của hoa dạ hương từ một vườn hoa hay một dã thự nào đưa tới, lẫn mùi tanh nhàn nhạt của mặt sông xao động dưới những ánh đèn xa và hương vị ngọt ngào trong vắt lúc này của gió. Thỉnh thoảng, có tiếng vọng ì ầm từ bên kia bến phà Thủ Thiêm hay mãi bên Khánh Hội hòa với tiếng còi xa xăm của vài chiếc tàu nhỏ đang rời hay cập bến. Dọc bến Bạch Đằng hàng trăm ngọn đèn lung linh mờ tỏ trên những con tàu đại dương sơn màu trắng, vàng hay nâu, giăng hàng, trang nghiêm, im lìm như một hạm đội đang chuẩn bị chiến đấu. Bầu trời cao thẳm đen sẫm. ức triệu vì sao lung linh trải ra tít tận chân trời.
Tôi lục tìm trong trí nhớ, hồi tưởng lại tất cả những chặng đường đã đi qua ở nước ngoài, những hội nghị, những cuộc viếng thăm, những ngày tắm nắng ở bờ Hắc Hải, những buổi tọa đàm ở Niu Đê-li... Nhưng hoài công. Tôi đã không thể nhớ lại được một gương mặt nào như thế, với dáng đi tập tễnh, đôi vai lệch và tấm lưng dài hơi còng như thế.
Tôi lại trôi theo dòng hồi tưởng ngược về những năm tháng xa xưa, trong những ngày gian nan chống Mỹ, dọc đường khu Bốn, khu Năm, theo đường Trường Sơn vào tận các bưng biền miền nam, đến khi tôi trở về thành thị và những ngày sôi động ở Sài Gòn. Không! Tôi đã không gặp một người nào như thế.
Tôi đốt một điếu thuốc "475" thứ ba, tiếp tục lần ngược dòng ký ức về tận những ngày xưa cũ, quãng thời gian chống Pháp, tiếp quản thủ đô đuổi giặc ở đồng bằng Bắc Bộ, ngược về chiến dịch Điện Biên Phủ. Tính tôi vốn như vậy: đã vương vấn nghi hoặc một điều gì là tự tìm cách lý giải đến cùng cho đến khi sáng tỏ mới thôi.
Bỗng như tia chớp lóe: một kỷ niệm vụt hiện lên trong trí nhớ tôi. Rồi nó cứ xoắn xuýt mãi, lúc đầu còn mơ hồ mỏng manh như khói sương, sau dần dần tụ hội lại ngày càng rõ nét, càng hoàn chỉnh. Tôi bàng hoàng vui sướng kêu lên: "Đúng rồi!". Nhưng ngay sau đó, cảm giác hoài nghi khi nghĩ về thực tại lại lập tức chế ngự đầu óc. Tôi tự nhủ: "Không làm gì có chuyện như thế! Người đó đâu còn nữa! ở đời thiếu gì người giống nhau!".
Tôi bồi hồi trở về giường, khẽ khàng đặt lưng để khỏi làm anh bạn Hà Nội thức giấc. Tôi đặt cho mình một nhiệm vụ là sáng mai phải tìm gặp anh bạn ban chiều và hỏi cho ra ngành ngọn. Yên tâm, tôi ngủ thiếp đi.
Hôm sau, cuộc họp được tiến hành trong một hội trường tráng lệ của thành phố. Tôi ngồi ở chỗ dành cho các nhà báo trong nước được mời. Cả buổi sáng, cả buổi chiều, tôi nhìn lên phía đoàn chủ tịch, tai lắng nghe những lời phát biểu qua máy phiên dịch, mắt lại luôn nhìn anh bạn chiều qua. Rõ ràng anh là một nhân vật quan trọng trong cái tổ chức quốc tế á - Phi này. Người ta gọi anh một cách trọng vọng là ápđun Môhamét.
Tôi cũng nhận thấy một điều khác lạ. ápđun ngồi trên ghế đoàn chủ tịch, thường đưa mắt nhìn về phía chúng tôi. Cặp mắt nâu hơi sâu và trầm tĩnh của anh như tìm kiếm và khi anh phát hiện ra tôi, dường như cặp mắt ấy ánh lên một nét bỡ ngỡ lẫn mừng vui. Khi anh bước lên diễn đàn, giọng nói của anh trầm, ấm và kiên nghị:
- ... Trong cuộc chiến tranh thần thánh chống bọn xâm lược Mỹ, nhân dân Việt Nam anh hùng đã giành được sự đồng tình, ủng hộ của cả loài người tiến bộ. Bằng những cống hiến của mình, những bạn bè của các đồng chí ở khắp năm châu đã góp phần tích cực vào việc lên án bọn xâm lược, ca ngợi và cổ vũ cuộc chiến đấu chính nghĩa của Việt Nam. Chúng tôi vui mừng và tự hào trước sự đánh giá của các bạn về phần cống hiến nhỏ bé này. Ngày nay trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước của Việt Nam, chúng tôi cũng dành toàn bộ tình cảm và sự ủng hộ của mình. Chúng tôi đoàn kết với Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh chống đế quốc, giữ gìn độc lập dân tộc và bảo vệ hòa bình...
Phiên họp cuối cùng chấm dứt, mọi người ùa ra hành lang sân nghỉ ngơi trong lúc chờ đi dự buổi chiêu đãi của ủy ban Nhân dân thành phố.
Tôi đến ngồi trên chiếc xôpha, cạnh một chiếc bồn lớn bằng sứ tráng men xanh, trồng một cây bông sứ đẹp mê hồn, chờ cho Môhamét dứt khỏi những bạn bè. Thì chính anh bạn ấy đã bước đến bên tôi với dáng quả quyết đáng mến:
- Xin lỗi! Tôi muốn được nói chuyện với anh, được chứ?
Tôi vội đứng dậy, nắm lấy tay anh, không giấu được vẻ mừng vui:
- Tôi rất mừng là lại được nói chuyện với anh. Mấy ngày qua anh bận quá. Tôi có một băn khoăn muốn hỏi anh...
ápđun ôm lấy vai tôi nồng nhiệt nói:
- Trời ơi! Chính tôi cũng đang muốn được gặp anh. Tôi cảm thấy rất quen anh, như là đã được gặp anh ở đâu rồi.
Tôi khẽ nắm tay anh:
- Anh cho phép tôi hỏi, trước đây anh đã sang Việt Nam lần nào chưa? Anh học tiếng Việt từ bao giờ mà nói khá thế?
- Tôi sang đây lần này là thứ ba.
- Lần thứ nhất là bao giờ? Hồi chiến tranh chống Pháp, anh có ở đây không? ápđun nhìn chằm chằm vào mặt tôi, mặt đỏ lên vì xúc động:
- Lần thứ nhất là cuộc chiến tranh Pháp - Việt. Lúc ấy tôi là lính trong quân đội Liên hiệp Pháp.
Tôi hồi hộp hỏi dồn:
- Anh có dự trận Điện Biên Phủ không?
- Tôi có dự. Tôi là lính của tiểu đoàn lê dương trên đồi Anne Marie.
- Anh có ở trong đoàn tù binh về Thanh Hóa không?
- Có!
- Anh có nhớ vụ trực thăng ở cây số 42 không?
- Trực thăng? Không bao giờ tôi quên được việc ấy!
- Anh còn nhớ một commăngdăng và một cô gái thanh niên xung phong không?
ápđun nắm chặt cánh tay tôi. Nét mặt xúc động tràn ngập ánh mắt anh:
- Tôi có nhớ! Làm sao có thể quên được!
- Thế anh có phải là người lính đó không?
- Chính tôi đấy!
- Trời ơi! Hóa ra anh đấy ư? Anh có nhận ra tôi không?
ápđun Môhamét bỗng run lên. ánh mắt nóng bỏng của anh như cắm sâu vào mắt tôi. Trong một thoáng, hình như anh đang cố hình dung ra một bóng dáng xa vời của dĩ vãng. Cặp môi anh mấp máy, rồi anh ôm chầm lấy tôi, hoan hỉ kêu lên:
- Mon commandant! (Ngài thiếu tá)
- Benla!
Bỗng chốc, tôi bật nhớ ra tên anh.
II
Lúc ấy, vào khoảng 3 giờ chiều ngày 7 tháng 5. Tiểu đoàn chúng tôi đã đánh chiếm hoàn toàn cứ điểm A1 mà tướng Đờ Cát gọi bằng cái tên mỹ miều là Anne Marie, sau một tháng giằng co ác liệt.
Các đại đội, với số quân vơi đi quá nửa, chia nhau chiếm giữ các vị trí, các ụ súng, các giao thông hào, sẵn sàng đánh địch phản kích từ trung tâm Mường Thanh lên. Sở chỉ huy tiểu đoàn đặt trong một công sự đắp nổi bằng bao cát mà trong sơ đồ tác chiến, chúng tôi gọi là ụ Thằng Người vì nó ở ngay một bên gốc cây cụt, trông xa như một người bước lom khom.
Tù binh đã được đưa ra hết phía sau từ buổi sáng, nhưng đó đây, từ các hầm bí mật, bọn lê dương, có vài tên sỹ quan chỉ huy vẫn ngoan cố chống cự. Chúng luồn lỏi trong những đoạn đường hào lấp kín, bất ngờ ném lựu đạn vào những ụ súng có bộ đội ta chốt giữ. Công việc tiễu trừ bọn tàn quân kéo dài đến tận chiều và đến lúc này mấy tên tù binh cuối cùng đã bị dồn vào một lô cốt không mái che. Một chiến sĩ cắp khẩu tiểu liên "Tuyn" đứng gác.
Tôi đứng trên ụ Thằng Người chiếu ống nhòm nhìn xuống khu Mường Thanh. Chiều tháng 5, trong khu lòng chảo rất oi bức. Trời trong xanh không gợn một đám mây. Hai chiếc Đakota bay khá cao đang cố lượn những vòng tuyệt vọng, thả dù xuống khu trung tâm. Những chiếc dù trắng tung ra, lủng lẳng những chùm đạn đại bác 105 ly, những hòm thực phẩm. Còn những cuộn dây thép gai thì chúng cứ đẩy thẳng xuống, gây nên khủng khiếp cho bọn lính đang lúc nhúc dưới các hầm hào. Tiếng súng lớn nhỏ dội lên khắp nơi. Mấy chiếc xe tăng T.18 cuối cùng đang cuống cuồng chạy đi chạy lại. Nhưng toàn bộ khu trung tâm đã lộ ra một quang cảnh nhốn nháo hỗn loạn khác thường. Dọc những mép hào giao thông nối liền các vị trí còn lại của địch, trông xa giống như trăm ngàn tổ kiến, những tên lính Pháp đang lũ lượt chạy dồn vào khu trung tâm. Rất nhiều tên đã bỏ súng nhảy lên ngồi trên mép hào. Xa xa, về phía tây và nam, bỗng xuất hiện những lá cờ trắng.
Đại đội trưởng Thụy giương ống nhòm quan sát một lúc, bỗng hét to:
- Anh Vũ ! Địch đầu hàng rồi!
Khắp đồi A1 vang động những tiếng reo hò. Các chiến sĩ cực kỳ phấn khởi, nhảy cả lên nóc lô cốt. Giờ cáo chung của tập đoàn cứ điểm đã đến rồi!
Đúng lúc đó hàng loạt tiếng đề-pa của súng cối 120 ly từ Hồng Cúm vèo vèo rít gió, hướng về phía chúng tôi. Tôi chỉ kịp thét:
- Nó bắn đấy! Nằm xuống!
Hàng chục quả đạn cối 120 ly đã ầm ầm quật xuống đồi A1. Tiếng nổ chát chúa như xé tai. Khói đen đặc trùm kín nơi chúng tôi đang đứng. Tiếng kêu thét "Mon Dieu!" (Lạy chúa) của mấy tên tù binh lẫn trong tiếng kêu thất thanh của đại đội trưởng Thụy:
- Tôi bị rồi anh Vũ ơi!
Chúng tôi lao vào lô cốt giam tù binh giữa làn khói bụi sặc sụa khét lẹt. Chiếc lô cốt đã vỡ tung. Một quả đạn rơi đúng giữa căn hầm lộ thiên, giết chết tươi ba tên tù binh. Tên còn lại máu me đầy mặt đang run bắn, nép vào góc tường, giương cặp mắt nâu đờ dại nhìn chúng tôi, miệng lắp bắp:
- Mon Dieu! Mon Dieu!
Tôi ôm đại đội trưởng Thụy trên tay. Một mảnh đạn đã làm đùi trái anh bị gãy nát và trên bụng anh, máu trào ra ướt đẫm bàn tay tôi. Gương mặt Thụy tái xanh, nhưng Thụy nói vẫn bình tĩnh:
- Anh Vũ! Nó chỉ có thể phản kích bằng hỏa lực được thôi! Cho anh em sơ tán rộng ra.
Đưa Thụy sang căn hầm khác cấp cứu và tổ chức cáng thương đưa anh về phía sau xong, y tá tiểu đoàn băng bó cho tên tù binh còn sống sót. Nó có vẻ chịu đựng, tự tay xé rộng ống quần để lộ vết thương đỏ lòm. Cặp môi dày của nó mấp máy:
- "Merci! Merci bien mon caporal!" (Cảm ơn! Rất cảm ơn thầy cai)
Tôi đang cay đắng vì tổn thất bất ngờ xảy ra trước giờ toàn thắng, không khỏi mỉm cười trước câu nói "cầu tài" của tên lê dương. Tôi dằn giọng bảo nó:
- Thấy rõ bộ mặt Đờ Cát chưa? Đứa nào giết chúng mày?
Tên tù binh ngước cặp mắt thảm hại nhìn xác mấy tên đồng bọn lẩm bẩm: "Khủng khiếp quá! Khủng khiếp quá!". Tiểu đoàn trưởng Dũng bắn trọn một băng đại liên quét sườn một toán địch đang lò dò lên chiếm lại đồi Châu ún chi viện cho đơn vị bạn. Anh vứt súng, nện đôi giày đinh chiến lợi phẩm cồm cộp đi vào. Tay đặt lên khẩu Brôninh Canada, anh nói rít trong kẽ răng.
Anh nói tiếng Pháp rất thạo:
- Chúng mày phải chết.
Nhìn nòng súng chĩa vào ngực mình mỗi lúc một gần, tên tù binh bật dậy:
- Mon commandant! Tôi không có tội!
- Không có tội! Mày? Một tên lê dương?
- Thưa ông, tôi đã phản chiến! Tôi đã chạy sang hàng ngũ các ông.
Tiểu đoàn trưởng phì cười:
- Chúng tao bắt mày tại trận mà mày lại là hàng binh à?
Tên tù binh vẫn đứng theo tư thế nghiêm:
- Xin phép ngài thiếu tá được báo cáo!
- Nói đi!
- Thưa ngài thiếu tá! Cách đây ba ngày tôi đã rời khỏi căn cứ này chạy ra rừng để tìm đến hàng quân đội Việt Nam - Hắn lóng ngóng lần túi trong chiếc áo "bắt gà" rộng lùng thùng rút ra một tờ giấy trắng gấp cẩn thận:
- Thưa ngài thiếu tá! Tôi nhặt được tờ truyền đơn của các ngài cách đây một tuần. Tôi liền đào ngũ chạy ra rừng. Nhưng loanh quanh ba ngày không gặp bộ đội Việt Nam. Tôi lại bị quân tuần tiễu bắt gặp, trả về đại đội. Tôi bị phạt giam ba ngày. Khi các ngài đánh vào, Capitaine (Ông đại úy), buộc tôi cầm súng chống cự. Tôi chỉ bắn lên trời, cầu Chúa che chở cho. Đúng lúc ấy các ông tràn vào...
Tôi để ý nhìn kỹ tên tù binh: mái tóc đen xoăn tít rối bù, gương mặt đen sạm gầy guộc, cặp mắt nâu trũng sâu, một hàng ria mép đen và chiếc lưng hơi còng. Trông hắn có vẻ thành thật bên trong nỗi mệt mỏi cực độ về thể xác. Tôi hỏi:
- Tên anh là gì? Cấp bậc?
Lập tức, tên tù binh rập gót giầy.
- Benla, binh nhất, thưa ngài thiếu tá!
- Bao nhiêu tuổi?
- Thưa ngài thiếu tá, hai mươi tám.
Tôi ngạc nhiên nhìn hắn. Tôi tưởng hắn phải đến bốn mươi nhăm.
Tiểu đoàn trưởng Dũng phẩy tay làm một cử chỉ cắt ngang:
- Không thể tin anh được. Anh bị bắt tại trận với vũ khí trong tay. Anh là tù binh chiến tranh. Ra chỗ kia tập trung. Tên tù binh chớp cặp mắt mệt mỏi, cúi đầu bước theo một chiến sĩ, dáng đi lộ vẻ nhẫn nhục.
Ba ngày sau, tiểu đoàn chúng tôi nhận được một lệnh khá đặc biệt "áp tải hai nghìn tù binh Pháp về hậu phương Thanh Hóa". Cấp trên còn đề ra yêu cầu phải bảo đảm đầy đủ số tù binh không được để hao hụt đào ngũ dọc đường. Để giữ bí mật an toàn, tránh máy bay địch phát hiện bắn phá, các đơn vị áp tải tù binh đều phải hành quân đêm. Chúng tôi chia số tù binh đồng đều về cho các đại đội. Các đơn vị tổ chức lại thành từng toán, chừng ba chục tên. Cứ mười tên thành một tổ, chỉ định một tên có cấp bậc cao nhất làm tổ trưởng. Mỗi tổ tù binh do một tổ ba người của ta trông nom đôn đốc. Gay go nhất là vấn đề lương thực dọc đường. Chúng tôi ăn thế nào thì cấp cho tù binh như thế. Nghĩa là chỉ có gạo và muối trắng. Đôi khi có ít lạc và vừng. Tù binh đựng gạo bằng tất cả những thứ gì mà chúng có: ống quần, bít tất, áo sơ mi, quần đùi, vỏ hộp.
Chiến dịch áp tải tù binh mới đầu tưởng cũng đơn giản nhẹ nhàng. "Có gì lắm đâu? Chỉ là việc dắt những tên lính bại trận đã bị tước vũ khí về hậu phương trình diện với đồng bào như dắt một đàn bò thôi mà". Cánh tiểu đội trưởng trẻ măng bảo nhau thế.
Hóa ra đó lại là một công việc hết sức phức tạp và vô cùng gian khổ. Đội quân viễn chinh lê dương thất trận, trong nỗi vui sướng vô biên lộ ra trên cửa miệng từng đứa "finit la guierre" (Hết chiến tranh rồi) đã chơi cho chúng tôi một vố, khiến chúng tôi, những người thắng trận phải một phen điêu đứng suốt chặng đường dài dằng dặc trong hơn một tháng trời.
Một buổi chiều, từ chỗ trú quân ven đường gần ngã ba Tuần Giáo, chúng tôi dẫn tù binh vượt đèo Pha Đin. Đó là một cái đèo nổi tiếng vì độ cao, độ dài và khó đi, là nỗi gờm sợ của những chàng lái xe kéo pháo.
Tôi cùng cậu liên lạc vượt lên trước. Từ chỗ đứng trên cao, nhìn xuống đoàn tù binh trải thành một hàng dài vô tận. Sương buông xuống, phả những hạt lạnh li ti lên mặt khiến tôi thấy tỉnh táo hẳn lên. Tôi ngắm nhìn cái dòng người rồng rắn loang lổ ở dưới kia, ngẫm nghĩ và thấy thấm thía ý nghĩa của hai chữ chiến thắng và độc lập.
Những tên lính hung hãn kia chẳng đã một thời là nỗi khiếp đảm đối với mọi người dân ta đó sao? Trước ngày Cách mạng Tháng Tám, đừng nói một tên lính Pháp, mà chỉ một tên lính khố xanh bản xứ, thậm chí một tên lính cơ, lính lệ ở cái xó huyện đường cũng là nỗi sợ hãi ngày đêm với từng người đàn bà, ông già hay em nhỏ, nhất là với dân quê. Thế mà nay, trải qua một cuộc đổi đời, trời long đất lở, những thiên lôi, quan lớn, phượng hoàng... với thân xác to lớn, cồng kềnh chỉ còn là một lũ quân ô hợp, cực kỳ bạc nhược, chỉ trong một hai ngày đã phơi bày ra tất cả những gì xấu xa hèn yếu.
Trông chúng mới thảm hại làm sao! Chúng đội trên đầu những cái gọi là mũ: mũ sắt kiêm nồi nấu xúp, mũ vải, calô và cả nồi nhôm. Quá nửa trong bọn chúng là đầu trần, chân đất, quần đùi, áo cộc. Lại có đứa chỉ có độc cái quần tắm trên người, phơi ra cái thân hình đỏ ửng như tôm luộc. Đứa nào cũng râu ria, lông lá. Cũng có đứa mang đủ các thứ linh tinh trên người từ chiếc ba lô nặng trịch những đồ hộp đến đôi giày đinh mới nguyên đeo trên cổ, chắc là mới khoắng được trong kho trước phút đầu hàng. Có đứa chỉ đi người không, hai tay đút túi quần, vẻ mặt lì lợm hoặc phớt đời. Có đứa chỉ xách trên tay một chiếc vỏ hộp cát-cút.
Đi bên cạnh cái dòng người hỗn tạp, hôi hám ấy, là từng tốp chiến sĩ ta với vóc dáng bé nhỏ, với súng ống đạn dược trang bị theo cơ số chiến đấu và một chiếc ba lô mỏng tang sau lưng.
III
Vượt qua mấy đoạn đèo, đoàn tù binh đuổi kịp một đơn vị nữ thanh niên xung phong cũng trên đường trở ra. Các cô đều mặc quần đen, áo sơ mi xanh màu lá, dép lốp, mũ nan, gài lá ngụy trang. Nhiều cô khoác tấm vải dù hoa, một kỷ niệm kiêu hãnh của người ở chiến trường trở về. Cô nào cũng gồng gánh nhưng xem ra chẳng có gì là nặng. Khác hẳn những ngày trước đây, các cô nhìn toán tù binh dài dằng dặc vượt qua bằng ánh mắt thản nhiên, tò mò, thích thú và khinh thị. Những tiếng nói lao xao trong trẻo cất lên giữa lưng đèo lạnh ngắt:
- Khiếp, trông chúng nó kinh kinh là! Bây giờ em mới nhìn thấy tận mắt đấy. - Các cậu ơi! Thằng râu đỏ kia có cái bụng to như bụng Đổng Trác.
- Eo ơi! Chúng nó hôi quá.
- Các anh ơi! Chúng em mỗi đứa một thằng về kéo cày nhé. Trâu nhà em tàu bay nó bắn chết rồi.
- Ơ hò... Bộ đội mà gặp dân công... Ai đi hò lờ.
Như anh gặp chị... ai đi hò lờ.
Như ông gặp bà... Hò lơ ới lơ, lắng tai nghe chúng tôi hò lờ.
Tiếng ồm ồm của một cậu nào bỗng cất lên nghịch ngợm khiến quang cảnh trở nên nhộn nhạo. Khắp hàng quân ran ran tiếng cười nói, tiếng đùa cợt, tán tỉnh của các chàng lính trẻ. Các cô gái cười như nắc nẻ, giúi đẩy nhau, đấm vai nhau thùm thụp.
Bọn tù binh cũng giương những cặp mắt mèo hau háu nhìn các cô gái. Chúng trao đổi với nhau những cái hất hàm, nháy mắt, những câu bình phẩm tục tĩu và cười hô hố, vài tên còn khụm những ngón tay bóp bóp vào không khí.
Thấy thế, đại đội trưởng Lâm hầm hầm vỗ bao súng quát:
- Cu xoong tù binh! Đứa nào động tới chị em tau bắn tại chỗ!
Bọn tù binh như hiểu ý qua dáng điệu của người mà chúng gọi một cách kính cẩn là "mon capitaine" (Ngài đại úy) liền im bặt lấm lét bước nhanh.
Một cô gái đi sau, sát vệ đường lấy sức bước lên một hòn đá. Bất ngờ cô trượt chân ngã quỵ xuống. Chiếc ba lô mắc ở phía sau đòn gánh bật ra, lăn xuống dốc núi dựng đứng. Cô gái kêu lên một tiếng hoảng hốt, đứng ngẩn nhìn theo chiếc ba lô, chưa biết xử trí ra sao... Giữa lúc mọi người đi trước chưa biết làm gì thì trong đoàn tù binh, một người đã tự động tách khỏi hàng và lao theo chiếc ba lô. Chỉ một phút sau anh ta đã leo lên và đặt chiếc ba lô trước mặt cô gái, miệng lúng búng:
- Của cô... Xin chào! Cám ơn...
Trước vẻ bỡ ngỡ và có chiều ngượng ngập của cô gái, anh ta chạy vội về hàng của mình.
Việc nhỏ đó cũng đủ là đề tài câu chuyện kéo dài trong chặng vượt đèo. Khi cậu liên lạc láu táu kể chuyện đó cho tôi nghe, tôi nảy ra ý tò mò muốn biết mặt người tù binh đó. Tuy trời đã nhá nhem tối nhưng tôi cũng còn nhận ra một dáng hơi quen. Vừa đi bên cạnh anh ta, tôi hỏi:
- Anh đã giúp đỡ một người của chúng tôi. Thế là tốt.
Người tù binh ưỡn ngực những vẫn bước:
- Xin cảm ơn ngài thiếu tá!
- Tôi trông anh hơi quen.
- Thưa ngài thiếu tá! Tôi đã được hân hạnh gặp ngài trên đồi Anne Marie sau khi pháo của quân đội Liên hiệp Pháp đã giết hại mấy đồng đội của tôi.
- à! Tôi nhớ, Benla, đúng tên anh vậy không?
Mấy tên tù binh đi bên cạnh Benla nhìn anh ta bằng cặp mắt ghen tị. Benla lộ vẻ vui sướng nhưng giọng vẫn điềm đạm:
- Rất cảm ơn ngài thiếu tá.
*
* *
Một tuần sau, ngày nghỉ đêm đi, chúng tôi vẫn hành quân trên trục đường 41 về hậu phương. Bọn tù binh xuống sức trông thấy. Chúng không quen đi bộ, lại nhiều đứa không có giày, phải xé quần áo quấn lấy bàn chân mà đi trong khi nhiều đứa khác thường là bọn sĩ quan lại có đôi giày dự bị đeo trên cổ... Chúng không biết nấu xúp nên bao giờ cũng phải ăn cháo sống. Còn ngủ thì cũng gần giống như bộ đội ta, đã có những đệm lá khô trong rừng. Sau một đêm hành quân, sáng ra điểm danh lại thiếu hụt dăm bảy đứa. Nhiều tên, nhất là bọn quê ở Bắc Âu, Trung Âu tỏ ra bạc nhược và vô kỷ luật hơn cả. Chúng cứ tụt dần về cuối hàng và chờ dịp chiến sĩ ta sơ ý, liền tạt ngang vào rừng, chui sâu vào những lùm cây rậm rạp và lăn ra ngủ. Chúng sợ hoặc lười đi đêm. Sáng dậy, chúng mới đủng đỉnh lên đường tìm theo đơn vị mà chúng biết chắc thế nào cũng phải cắm biển đón. Gặp dân bản, chúng lén lút mò vào, vơ vét tất cả những gì chúng có thể vơ vét được: hàng sọt lá khoai lang khô dành nuôi lợn, chúng nhét đầy túi, làm thuốc lá hút dần, mấy quả muỗm xanh, mấy quả trứng gà trên ổ, con chó con còn đang bú mẹ.
Một buổi sáng sớm, khi chúng tôi vừa thức dậy sau một hai giờ chợp mắt vội vàng, một dân quân người Thái, tay cắp súng, đã áp tải một tên lê dương đến trả. Anh lôi trong túi quần "bắt gà" của nó một vốc hành khô, mấy chiếc men lá dùng để nấu rượu và một con lợn sữa đã chết cứng. Đại đội trưởng Lâm quắc mắt: đơn vị anh bị mất nhiều tù binh nhất.
- Mi lấy những thứ ni ở mô? Ai cho mi bỏ hàng ngũ? Tên tù binh, người Tây Đức vẫn nhơn nhơn:
- Thưa ngài đại úy! Có một "lơ nhà quê" cho tôi.
- Cho mi, răng người ta đến tận ban chỉ huy báo cáo?
Tên tù binh giương cặp mắt ốc nhồi lấc láo nhìn đi chỗ khác nhún vai vẻ phớt đời.
- Mẹec! Cu Xoong! - Đại đội trưởng Lâm, cáu tiết cho luôn nó một cái đá đít, quát:
- Về hàng! Mi còn phạm kỷ luật lần nữa, tau bắn đó!
Tên lê dương vẫn lấc láo, nghênh ngang tìm về "grúp" của mình giữa những tiếng cười hô hố của đồng bọn.
IV
Một đêm đã khuya, bọn tù binh được lệnh nghỉ chân tại ven đường, trăng rừng hắt ánh sáng xanh xao lên mọi người khiến mọi khuôn mặt đều trở nên gầy võ. Tôi ngồi trên một thân cây đổ, tình cờ lại ở ngay cạnh người tù binh có tên là Benla. Đến nay, anh ta vẫn nhận mình là hàng binh.
Khi tôi châm một điếu thuốc Cẩm Thủy và rít một hơi, qua ánh lửa, tôi nhìn thấy vẻ thèm thuồng trên ánh mắt Benla đang nhìn chằm chặp vào điếu thuốc. Nhưng Benla không xin. Tôi biết anh ta đang phải chịu đựng sự dày vò ghê gớm. Tôi chỉ còn điếu ấy là cuối cùng, liền đưa cho anh ta:
- Anh cầm lấy mà hút.
Người tù binh gần như vồ lấy điếu thuốc, miệng nói:
- Rất cảm ơn ngài thiếu tá!
Anh ta mới rít được một hơi, lập tức đã có mấy bàn tay chìa ra. Anh ta cố rít thêm được một hơi nữa rồi đành tiếc rẻ chuyển điếu thuốc cho người khác một cách miễn cưỡng. Im lìm độ vài phút, bỗng người tù binh lên tiếng, giọng rụt rè:
- Xin phép ngài thiếu tá!
- Anh muốn hỏi gì?
Giọng anh ta đắn đo:
- Tôi xin được ngài thiếu tá giải thích cho về hội nghị Giơnevơ hiện nay đến đâu rồi? Liệu có thể chấm dứt chiến tranh được không?
Tôi ngạc nhiên về những câu hỏi của người tù binh và bỗng thấy có cảm tình với anh ta. Tôi nói vắn tắt diễn biến mới nhất của hội nghị mà tôi nghe được qua bản tin của sư đoàn, nói rõ lập trường của phái đoàn ta và quan điểm phản động của Bidault, ngoại trưởng Pháp. Nghe xong, người tù binh thở dài:
- Bidault là một con lừa! Ông ta muốn tiếp tục chiến tranh bằng máu của chúng tôi, những binh lính thuộc địa.
- Anh là người nước nào?
- Thưa, tôi là người Angiêri.
- Trước kia, anh làm nghề gì?
- Thưa, tôi dạy học. Tôi dạy văn tại một trường trung học ở Orăng.
- Tại sao anh lại vào lính lê dương?
- Đó là bi kịch lớn nhất của đời tôi, thưa ngài. Tôi là con cả trong một gia đình đông con. Cha tôi có nợ lần, quá hạn không trả được, bị người ta đưa ra tòa. Nước Pháp mộ lính lê dương, hứa hẹn rất nhiều quyền lợi, ba hoa những điều hấp dẫn "đấy chỉ là một cuộc du lịch sang xứ nhiệt đới châu á không mất tiền". Và điều quan trọng là họ ứng trước một khoản tiền. Tôi lại bị sa thải vì bị coi là có những quan điểm quốc gia quá khích. Vì thế, tôi đánh canh bạc liều. Kết quả thật là bi đát. Chúa đã trừng phạt tôi. Tôi còn giải thích thêm cho anh ta về hoàn cảnh của tổ quốc anh và nói về chỗ đứng của anh đáng lẽ phải có ở chỗ nào. Anh ta chỉ im lặng ngồi nghe. Một lát, anh đứng lên, tư thế nghiêm trước mặt tôi:
- Thưa ngài thiếu tá! Cho phép tôi được hân hạnh biết tên tuổi của ngài.
- ồ! Anh hỏi để làm gì?
- Thưa ngài, tôi đã có sự ngộ nhận về những sĩ quan Việt Nam. Bộ chỉ huy quân đội liên hiệp Pháp tuyên truyền rằng, cán bộ Việt Minh là những người nhà quê, không biết chữ và hoàn toàn dốt nát về tri thức quân sự. Tôi phì cười, châm biếm:
- Như đã được chứng minh ở Điện Biên Phủ phải không?
Người tù hàng binh không cười:
- Thưa ngài thiếu ta. Coócnây đã viết "la valeurIn attend poin le nombre des anne é" (Tài năng chẳng cần phải đợi chờ năm tháng). Các ngài đã chứng minh hùng hồn như vậy.
- Anh thuộc Le Cid (Bi kịch cổ điển của Coócnây (1606-1684)) đấy nhỉ ?
Benla lại rập gót giày:
- Rất cảm ơn ngài thiếu tá về lời khen. Tôi là giáo viên dạy văn học cổ điển Pháp.
- Thế mà anh lại đi cầm súng đánh thuê. Tôi mong rằng lần này thoát chết được về quê hương, anh sẽ lại có chỗ đứng trên bục giảng.
Người tù hàng binh cúi đầu:
- Rất cảm ơn ngài thiếu tá.
Cuộc hành quân của chúng tôi mỗi ngày một trở nên khó khăn. Đêm nào, tù binh cũng đào ngũ hàng chục đứa, mặc dù chúng tôi đã nát óc tìm mọi biện pháp ngăn ngừa. Cứ khoảng mười, mười một giờ đêm là bọn tù binh giở trò. Chúng lén đổ gạo đi để khỏi phải mang, chui vào rừng đánh một giấc, để rồi sáng mai, leo lên những ngọn núi phía tây, tìm đường trốn sang Lào. Chúng mò vào nhà dân, bắt gà lợn, hiếp phụ nữ, đã có tên bị dân quân trong bản Mèo bắn chết.
Một đêm đại đội phó đại đội Ba lên tìm tôi, nhăn nhó:
- Báo cáo tiểu đoàn, đơn vị tôi có một thằng tù binh chết.
- Tại sao? Tên nó là gì?
- Thằng Gavrini, lê dương người Nam Tư. Nó đang đi, bỗng loạng choạng ngã vật ra, người cứng đờ. Cấp cứu xoa bóp chẳng ăn thua. Theo quy định của sư đoàn, nếu đang hành quân, có tù binh nào chết thì báo cho đội chôn cất của trung đoàn đi phía sau, còn đơn vị vẫn tiếp tục hành quân để bảo đảm kế hoạch. Chúng tôi cũng làm như thế.
Nhưng sáng hôm sau, khoảng mười giờ đã thấy đại đội phó đại đội Ba lên, miệng cười ngoác tận mang tai:
- Nó chết quái đâu! Mẹ cụ cái thằng Gavrini! Nó lười đi đêm, chơi xỏ mình, giả vờ chết để được tự do nằm ngủ. Đến lúc đội tải thương mang cuốc xẻng đến, đào xong hố, khiêng nó đi chôn, nó mới chồm dậy, chạy bán sống bán chết. Tôi cho nó cái bạt tai.
Tôi đã quan sát đoàn tù binh, phát hiện ra có một trung đội toàn người Bắc Phi là tỏ ra khá nhất. Sau mười lăm ngày hành quân, số quân của trung đội này vẫn đầy đủ. Họ ít nói, có ý thức giúp đỡ nhau, ở mỗi nơi trú quân, thường đóng riêng ra một chỗ. Tôi biết ý chí hồi hương của họ rất mãnh liệt. Trong trung đội đó có người tù hàng binh Benla.
Một đêm đi qua Mộc Châu. Đêm cuối tháng đã tối, lại càng tối thêm bởi những vách đá sừng sững hai bên đổ bóng xuống mặt đường. Trời về sáng. Sương mù lạnh ngắt rắc dày như mưa bụi, rỏ lộp bộp trên những tàu lá chuối rừng. Tôi có việc bận họp ở trung đoàn nên phải đuổi theo đơn vị. Trên khúc đường quạnh quẽ thấp thoáng trong sương lạnh một bóng người cao lênh khênh, hai tay chống hai chiếc gậy dài, đang tập tễnh dò dẫm lê từng bước chân nặng nề với dáng vẻ hết sức nhẫn nại. Trong cái vắng vẻ đến rợn người, tôi nhận ra một tù binh, liền bước lên ngang anh ta hỏi.
- Anh ở "công voa" nào? Sao lại tách ra khỏi hàng?
Giọng người tù binh bỗng có vẻ mừng rỡ:
- Thưa ngài thiếu tá, tôi bị ốm quá nên không theo kịp "công voa". Tôi đã được ông đại úy cho phép đi chậm suốt đêm.
Hóa ra Benla. Chạnh lòng, tôi hỏi:
- Sao anh không nhờ đồng đội dìu đi hay nằm cáng một đoạn đường. Tôi đã ra lệnh cho tù binh phải mang theo băng ca kia mà? Benla lắc đầu quầy quậy, giọng đầy bi thảm:
- Thưa ngài thiếu tá, tôi ốm đã ba ngày nay nhưng tôi quyết không bỏ "công voa". Bởi vì tôi phải sống, phải về được tổ quốc tôi, dù có phải bò đi nữa. Đồng đội cũng có giúp đỡ tôi, nhưng họ cũng đã quá mệt nên tôi quyết định tự mình phải cố gắng là chính. Đêm qua, thấy tôi đi tụt lại sau, một ông đại úy thương tình chỉ định mấy đứa dìu di. Nhưng khi vắng mặt săngtinen (Lính gác), mấy thằng người ý này chửi rủa, đấm đá tôi thậm tệ. Tôi đã phải van lạy chúng nó để cho tôi đi một mình. Vâng, thưa ngài thiếu tá, tôi thấy khổ quá, nhiều lúc muốn chết cho đỡ cực. Nhưng rồi tôi lại cố đến kiệt sức. Tôi phải sống bằng mọi giá. Dù có què quặt về được đến quê nhà, gặp lại những người thân và nếu có thể thì đem hết sức còn lại làm được một việc gì có lợi cho sự giải phóng của Tổ quốc tôi. Sáng nay, tôi lại đi vượt qua cả "công voa" vì không tìm thấy biển cắm. Những thằng nằm lại đêm qua, sáng dậy đã đi trước tôi. Chúng lột hết biển cắm, cuộn hút thuốc lá, thành ra tôi cứ lê từng bước đi suốt ngày, mãi chiều nay mới gặp lại công voa. Rồi Benla kể lại cảnh mấy thằng tù binh người Tây Ban Nha và Anh khiêng cáng anh ta hồi đêm.
Khi thấy Benla quá ốm, hai chân sưng vù, quấn đầy giẻ rách mà vẫn tập tễnh cố bám theo đoàn, đại đội trưởng Lâm liền giữ hai tên tù binh cao lớn còn khá khỏe mạnh, đang vác chung một chiếc băng ca bằng nứa, do bộ đội ta làm cho:
- Các anh hãy khiêng người này!
Hai thằng làu bàu trong cổ họng, tỏ ý không muốn làm. Một thằng gân cổ lý sự:
- Nhưng thưa ông đại úy! Tôi phải khiêng nó thì khi tôi ốm có đứa nào khiêng tôi không?
Đã biết đặc tính chúng, đại đội trưởng Lâm xẵng giọng:
- Chấp hành mệnh lệnh!
Miễn cưỡng hai thằng đặt chiếc băng ca xuống. Benla lập cập nằm vào cáng, miệng lẩm bẩm: "Merci! Merci bien camarades" (Cảm ơn! Rất cảm ơn các bạn).
Đại đội trưởng Lâm đi kèm chúng một quãng rồi vượt lên đầu hàng quân.
Hai tên tù binh khiêng cáng cố ý trùng trình đi chậm rồi tụt lại sau cùng. Khi đường đã vắng không còn bóng người, hai thằng bắt đầu xỉ vả người nằm trong cáng:
- Thằng chó đẻ! Mày là thằng mọi đen mà dám bắt chúng tao phải hầu hạ à?
- Chết mẹ mày đi! Đồ giòi bọ! Mày không đáng sống!
Chúng trao đổi với nhau bằng thứ tiếng lóng mà Benla không hiểu được. Đến một lùm cây rậm bên đường, hai thằng dừng lại cùng hô: hai... ba rồi thẳng tay, quăng luôn cả cáng lẫn người xuống khe núi. Xong việc, chúng thản nhiên cười hềnh hệch, xoa tay đi thẳng.
Phúc cho Benla! Chiếc cáng rơi trúng bụi cây sim mua rậm rạp nên vướng lại. Benla bị hắt văng xuống đất. Choáng váng, anh cố hết sức thu tàn lực bò dậy, quờ quạng tìm hai cái gậy của mình và bò lên đường, người ướt đẫm nước khe và nước mắt. Anh lại tập tễnh bước đi với đôi chân sưng phù quấn giẻ rách, rát bỏng như kim châm.
-... Thưa ngài thiếu tá, tôi căm thù chúng nó. Chúng nó là lũ lang sói không có một chút tính người.
- Tôi sẽ tìm ra hai tên ấy và sẽ trừng phạt chúng. Tôi sẽ ra lệnh cho chúng phải khiêng anh.
- Xin đa tạ ngài thiếu tá. Nhưng xin ngài đừng ra lệnh cho chúng. Nhất định chúng sẽ giết tôi.
Người tù hàng binh đã bình tĩnh trở lại, nói với tôi bằng một giọng van lơn và cả quyết.
Tôi bảo anh ta dừng lại, tìm chỗ ngủ đêm nay, rồi bấm đèn pin, xé một tờ giấy trong quyển sổ tay, viết nhanh:
"Ban chỉ huy tiểu đoàn... cho phép tù binh này được đi riêng ban ngày trên đường 41. Đề nghị các đơn vị không bắt giữ anh ta."
Tôi ghi rõ họ tên, chức vụ của mình, ký tên rồi đưa cho anh ta:
- Cầm giấy này mà đi. Mệt quá thì cứ nghỉ. Buổi sáng thì cố tìm về đơn vị còn có cái mà ăn. Hôm nay, anh nhịn cả ngày à?
Tôi bảo cậu liên lạc đưa cho anh ta gói xôi lạc, suất ăn của cả hai người.
V
Máy bay trinh sát của Pháp bắt đầu sục sạo tìm kiếm dấu vết tù binh Pháp. Từ mấy ngày nay, một chiếc Michel cứ bay dọc đường 41. Chúng đã đánh hơi thấy bọn tù binh, do những tên đào ngũ đã leo lên núi, nhìn thấy máy bay của chúng bay qua thì đốt lửa, vẫy khăn làm hiệu.
Bộ tư lệnh sư đoàn lệnh xuống: "Phải đặc biệt đề phòng khả năng bị ném bom vào đội hình quân ta và đổ trực thăng đánh cướp tù binh, nhất là bọn sĩ quan. Nghiêm trị bọn phá rối".
Sự phiền phức đã xảy ra ở cây số 42, trên đường từ Mộc Châu về Suối Rút.
Trưa hôm ấy, đoàn tù binh trú quân trong một cánh rừng rậm, bằng phẳng phía tây đường. Tù binh đã nấu nướng, cơm nước xong. Nhiều tên đã lăn ra ngáy khò khò. Nhiều đứa đi tắm dưới con suối trong vắt. Trên mặt đường ở khu vực các đại đội đều có cắm những tấm giấy nhỏ ghi địa chỉ: "ler công voa" - "2ème công voa"... lác đác vẫn còn những tên tù binh đến chậm. Đã quen lệ, chúng nhòm vào từng tờ giấy, nhận ra đơn vị của mình liền phởn phơ tìm đến nơi.
Đại đội nữ thanh niên xung phong cũng trú quân gần đấy, phía đầu dòng suối.
Khoảng 1 giờ trưa, có tiếng máy bay từ hướng đông nam vẳng lại nghe mỗi lúc một gần. Trong nháy mắt, chiếc Michel bay sạt ngọn cây, to như một chiếc phà, phơi cái bụng xám mốc. Một phút sau, nó bay quành trở lại và lượn những vòng rất thấp gần chạm ngọn cây quanh khu vực trú quân. Tiếng rít rú của động cơ dội vào vách núi gây nên một không khí hết sức căng thẳng... Thật không thể tưởng tượng được! Hàng trăm tên tù binh, như có ma lực hấp dẫn, bỗng chồm dậy la hét, reo hò loạn xạ. Chúng leo lên cây, chạy lên mặt đường cái tung khăn, vẫy mũ. Những đám khói từ đâu ùn ùn bốc lên cao. Bọn tù binh có nguy cơ nổi loạn!
Tiểu đoàn trưởng Dũng tay lăm lăm khẩu Brôning Canada đã lên đạn, quát lớn:
- Bọn tù binh ngồi im không được nhúc nhích! Các đại đội dàn lực lượng vây tròn chúng lại! Súng trường, lắp lưỡi lê! Trung liên vận động lên chiếm núi cao bên phải đường! Sẵn sàng bắn máy bay!
Tiếng thét oai nghiêm, cùng vẻ mặt sắt đá của anh đã có hiệu lực. Các chiến sĩ lập tức lắp lưỡi lê lên nòng súng và lên đạn các khẩu tiểu liên. Bọn tù binh dần dần bị đẩy sâu vào rừng.
Chiếc Michel như đã phát hiện ra mục tiêu, lượn những vòng rất hẹp chung quanh nơi trú quân. Bỗng từ bụng nó, tung ra hai chiếc dù trắng treo lủng lẳng mấy chiếc hòm nhỏ. Rồi nó cất lên cao, bay mất hút về phía đông nam.
Tôi cùng một tổ trung liên chạy lên mặt đường 41 và vận động lên một quả núi trọc cao nhất gần đấy ở phía đông đường. Giữa lúc ấy, lại thấy một chiếc trực thăng từ đâu phành phạch bay tới. Nó lượn quanh ngọn núi mà chúng tôi đang vận động lên, gần như treo tại chỗ rồi hạ thấp dần. Một chiếc thang dây tung ra, lủng lẳng. Trong khoang chiếc trực thăng, mấy cái đầu thò ra ngoài, nhìn xuống.
Gần tới đỉnh đồi, tôi đã nhìn thấy một cảnh tượng gay cấn diễn ra: bốn tên tù binh lao vào một chiến sĩ ta đang cầm một con dao trong tay. Tôi nhận ra một chiến sĩ nuôi quân ở tiểu đoàn bộ. Hai tên xông vào giằng được con dao và thẳng cánh đâm vào bụng anh chiến sĩ. Cậu này tránh được mấy đòn ác hiểm, nhưng nhát đâm cuối cùng đã làm anh ngã xuống. Đúng lúc tên tù binh giơ cao con dao định đâm bổ xuống thì khẩu trung liên đã rít lên. Chiếc trực thăng tròng trành rồi hốt hoảng vụt lên cao, kéo theo chiếc thang dây đung đưa, bỏ lại dưới bụng nó mấy tên tù binh với khoảng cách chừng vài ba mét.
Ba tên tù binh thấy nguy, liền lao đầu chạy tuột xuống sườn núi phía tây, thoát khỏi tầm đạn và nhanh chóng mất hút trong rừng rậm bạt ngàn.
Cũng lúc ấy, từ sườn núi, có hai người nữa chạy lên, tay xách súng cabin. Đó là hai cô ở đội thanh niên xung phong. Tôi nhận ra, một trong hai người con gái ấy là người đã bị ngã ở đèo Pha Đin và được người tù binh nhặt giúp chiếc balô đưa trả với vẻ lịch thiệp. Từ xa, các cô đã hỏi gấp:
- Các anh ơi! Cho chúng em chiến đấu với!
Ngẫu nhiên, hai tốp chúng tôi cùng lao tới tên tù binh còn lại đang đứng đờ ra như một xác chết. Cô gái có mái tóc cắt ngắn vội chạy tới đỡ người chiến sĩ dậy. Máu loang ra thấm đỏ tay cô.
Bừng bừng nổi giận, tôi chạy tới sau lưng tên tù binh túm cổ áo nó lắc mạnh rồi xoay mặt nó quay lại. Tôi sững sờ:
- Benla! Té ra lại là mày à! Mày trả ơn chúng tao như thế này phải không? Thằng chó chết!
Tên tù binh Benla rũ ra như con gà bị cắt tiết, chân tay run lẩy bẩy, hai chiếc gậy rơi xuống đất.
- Thưa ngài thiếu tá! Xin tha tội cho tôi. Chúng nó rủ rê, cưỡng ép tôi. Nếu không, chúng giết...
Tôi cười gằn:
- Rốt cuộc, mày vẫn là một thằng lê dương mạt hạng! Tao phải bắn mày vì tội phá rối cuộc hành quân và hành hung chiến sĩ của chúng tao.
Tên tù binh ngã quỵ xuống, òa lên khóc:
- Thưa ngài thiếu tá! Ngài cứ bắn tôi đi! Vâng! Vâng! Tôi là kẻ đào ngũ! Tôi đã theo chúng nó. Trời ơi! Tôi chỉ muốn sống được trở về quê hương sớm ngày nào hay ngày ấy. Tôi đã nghe chúng nó. Tôi có tội với các ngài. Vâng! Xin ngài cứ bắn tôi đi!
Những giọt nước mắt đùng đục chảy trên khuôn mặt hốc hác của hắn lúc này không làm tôi động tâm. Tôi nhìn cậu chiến sĩ nuôi quân. Cô gái đã băng bó cho anh xong và đặt anh nằm nghiêng trên vạt cỏ. Cảm giác vừa phẫn uất, vừa cay đắng nghẹn ứ trong lòng tôi. Tôi đã bị tên tù binh phản bội. Tôi thật quá ngây thơ khi tin rằng ở trong trái tim một tên lê dương, lại có một ngọn lửa khát khao chính nghĩa đang bùng cháy. Chung quy chó sói vẫn là chó sói. Tôi rút khẩu súng ngắn ra, lạnh lùng:
- Cầu chúa đi!
Tên tù binh ngước nhìn tôi với vẻ tuyệt vọng nhưng không khóc nữa. Nó quỳ xuống, tay làm dấu thánh giá.
Hồng - cô gái có mái tóc cắt ngắn - rụt rè lên tiếng:
- Em có ý kiến! Xử nó thế nào thì tùy các anh. Nhưng thằng này, em thấy nó ốm quá, mà suốt tuần qua, ngày nào chúng em cũng thấy nó chống gậy lần đi. Cái thằng đâm anh bộ đội là thằng có râu quai nón mầu râu ngô kia! Nó chạy thoát rồi.
- Làm sao cô biết? Không chạy trốn mà nó ở đây à?
- Cách đây một giờ, em trông thấy mấy đứa dưới đường. Thấy chúng nó đông, em vội nấp vào bụi. Em thấy ba thằng kia xì xồ gì với thằng này như chúng nó cãi nhau, rồi chúng kéo thằng này lên núi. Khi nghe có tiếng trực thăng, em gọi được cái Soan chạy lên, chính mắt em nhìn thấy thằng râu xồm xông vào đâm anh bộ đội.
Trong lòng tôi lúc này có sự giằng co dữ dội. Một mặt là những tên tù binh cực kỳ ngoan cố đã cố tình phá hoại cuộc hành quân, chỉ điểm cho máy bay địch và nghiêm trọng hơn là chúng dám hành hung cả chiến sĩ ta. Tội ấy đáng phải xử bắn để răn đe những đứa khác. Tên tù binh này phải đền tội, chẳng qua cũng giống như hàng ngàn những tên giặc đã bỏ mạng trong chiến trường Điện Biên Phủ. Chẳng có gì đặc biệt.
Tôi bỗng nhớ lại tất cả những gì nó đã nói với tôi trong suốt chặng đường. Tôi hình dung vẻ mừng rỡ của bố mẹ nó khi thấy nó đột nhiên bước vào nhà, thấy sự hoan hỉ của những đứa học trò trong một lớp học nào đó ở trường trung học Orăng xa xôi khi thấy nó xuất hiện trên bục giảng. Biết đâu, nó chẳng có thể trở thành người cầm súng trong vùng chiến khu nào đấy của tổ quốc nó. Nó có thể trở thành người có ích cho đất nước đang còn nô vong của nó chăng? Bắn hay tha!
Y tá tiểu đoàn đã chạy lên và cùng mấy chiến sĩ dìu cậu anh nuôi lần xuống núi. Thở dài, tôi nhét khẩu súng vào bao:
- Tạm tha cho mày! Tội trạng sẽ xét sau. Về ngay công voa.
Tên tù binh đứng nghiêm chào tôi, rồi tần ngần một giây hắn bước đến trước mặt Hồng, cô gái vừa lên tiếng xin tha cho nó, cúi rạp đầu, cung kính nói bằng tiếng Việt:
- Merci bien! cam ơn cô... cam ơn lăm lăm!
Khi tên tù binh ngước lên nhìn cô gái, tôi cảm thấy ánh mắt anh ta trở nên hiền dịu, ấm áp khác thường, khiến cô gái bắt gặp cái nhìn ấy, cũng phải ngượng ngập, quay mặt đi...
Khi đoàn tù binh vượt qua sông Suối Rút, đi vào địa phận Thanh Hóa, thì điều kiện sinh hoạt của bộ đội và tù binh được cải thiện khá hẳn lên. Tù binh được phát thuốc lá Cẩm Thủy và cả thịt trâu. Lại là trâu còn sống. Hai tên phi công chân sưng vù, được ưu tiên cưỡi trên lưng trâu. Hai tên khác vào loại lười đi đêm, xung phong cầm thừng dắt trâu đằng trước. Lại hai tên nữa kiếm được một cớ chính đáng là cầm roi đuổi trâu đi phía sau. Quang cảnh hài hước đó diễu qua các thị trấn dọc đường, gây nên những trận cười râm ran khắp nơi, nhưng bọn tù binh cứ điềm nhiên phớt lờ. Chúng bắt đầu hiểu rằng chúng đã về đến căn cứ an toàn, chắc chắn sống sót và ngày trở về quê hương không còn xa nữa. Sức khỏe chúng khá dần lên. Kỷ luật cũng tiến bộ hẳn. Không còn tên nào đào ngũ nữa.
Đại đội nữ thanh niên xung phong cũng cùng về nơi tập kết tù binh và tổ chức lại thành những tiểu đội cấp dưỡng, với nhiệm vụ nuôi bọn tù binh, chờ ngày trao trả cho đối phương.
Tiểu đội nữ do Hồng, cô thanh niên xung phong làm tiểu đội trưởng được phân công nấu ăn cho hai trăm tù binh. Nhà ở, nhà ăn, đều là nhà dân. Vì thế, nỗi vất vả của chúng tôi và ban quản lý tù binh tăng lên gấp đôi.
Tù binh được cắt phiên nhau xuống giúp nhà bếp. Chúng vui sướng như điên với công việc này vì được nhìn các cô gái, được ăn vụng thực phẩm các cô mua về như cá, đậu và nhất là thịt trâu, thịt bò. Chúng rút dao găm lén cắt từng miếng thịt sống đút vào túi quần "bắt gà", rồi lỉnh ra một chỗ xé thành từng miếng nhai ngấu nghiến.
Một buổi sáng, tôi xuống kiểm tra nhà bếp của đại đội Hai. Mấy tên tù binh đang huỳnh huỵch bổ củi. Bên cái giếng to giữa sân đình, Benla đang thả gầu múc nước. Anh ta không múc bằng cái khau mo cau mà bằng cả chiếc thùng gánh nước, kéo lên một cách nhẹ nhàng. Bên cạnh anh ta, Hồng, tay áo xắn đến khuyu, đang vùi hai cánh tay vào chiếc chậu gỗ cực lớn vo gạo. Dáng điệu anh tù hàng binh từ tốn và rõ ràng tỏ ra ngoan ngoãn mỗi khi cô gái lắc đầu, hất mái tóc xõa che lấp khuôn mặt rám nắng. Họ nói chuyện với nhau bằng tiếng nói của mỗi người, bằng những cử chỉ và cả bằng mắt. Thỉnh thoảng, cô gái lại cười như nắc nẻ.
Tôi bước tới, lên tiếng:
- Chào cô Hồng! Thế nào, Benla, anh khỏe chứ?
Benla buông thùng, ưỡn ngực đứng nghiêm:
- Xin chào thiếu tá! Rất cám ơn ngài.
- Cô nói chuyện gì với anh ta thế?
Cô gái bỗng đỏ mặt, ngượng nghịu bê thúng gạo ướt sũng đứng lên:
- Em đang tranh thủ dạy anh ta học nói đấy!
Cô gái đi rồi, Benla vẫn đứng nghiêm bên giếng nước nhưng ánh mắt đuổi theo cô gái. Mỉm cười, tôi bảo:
- Benla, nghỉ! Cho phép anh ngồi xuống đây. Anh thấy cô gái Việt Nam của chúng tôi thế nào?
Benla xin phép rồi ngồi bệt xuống sân gạch. Giọng anh ta trầm trồ:
- Tuyệt vời! Thưa ngài thiếu tá! Cô gái này đã cứu tôi thoát khỏi tử hình - Anh ta ngượng ngập - Tôi suốt đời biết ơn cô ấy.
- Anh thấy cô ấy thế nào?
- Một cô gái vị tha, hiền dịu và xinh đẹp, thưa ngài thiếu tá. Phụ nữ Việt Nam rất đẹp. Cô ấy giống như những cô gái đẹp nhất xứ tôi.
Cặp mắt anh ta phút chốc trở nên mơ màng và đượm buồn.
- Thưa ngài thiếu tá, cô ấy cũng có cuộc đời éo le.
Ngạc nhiên, tôi hỏi:
- Anh biết cô ấy ư? Do đâu vậy?
- Thưa thiếu tá, tôi đã mạn phép hỏi cô ấy.
- Cô ấy nghe sao được?
- Thưa, cô ấy nghe và nói được tiếng Pháp, tuy không thật chuẩn xác lắm.
Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
- ...?
- Thưa ngài thiếu tá! Cô ấy là con một viên chức ở tỉnh, đã học qua tiểu học trước chiến tranh nên biết ít nhiều tiếng Pháp. Gia đình cô ấy sơ tán về Nho Quan, chẳng may bị quân Pháp giết hại trong trận càn năm năm hai, chỉ còn có một cô ấy sống sót.
Tôi hoàn toàn bất ngờ trước câu chuyện, lại thấy ân hận mình thật vô tâm. Hóa ra trong bước đường kháng chiến, cũng có lắm chuyện lạ kỳ. Có những số phận lạ lùng ở ngay bên cạnh mà mình chẳng hề biết tới.
Hơn một tháng sau, thực hiện hiệp định Giơnevơ, chúng tôi đưa đoàn tù binh lúc này đã lại sức ra bãi biển Sầm Sơn. Hải Thôn là địa điểm được hai bên thỏa thuận để nhận người của mình.
Một chiếc cầu phao dài được bắc từ bờ cát ra biển, dùng làm cầu tàu. Hàng chục cổng chào kết lá dừa được dựng lên. Những lá cờ màu cùng những cờ Tổ quốc bay phần phật trong gió lộng như vẫy chào những con người ưu tú trở về. Nhân dân địa phương, đông đến mấy ngàn người, mặc quần áo ngày hội, tay cầm cờ xếp thành hàng dọc lối đi. Những giây phút cực kỳ xúc động. Giữa những tiếng hò reo của trẻ em, tiếng hô khẩu hiệu của thanh niên, là tiếng nức nở của mẹ già. Nhân dân ôm lấy những con em mình áo nâu, đầu trọc, vừa cười vừa khóc.
Những cảnh tượng thiêng liêng ấy đập vào mắt những tù binh đang tập trung gần đấy, chờ đến lượt xuống thuyền ra tàu. Nhiều tên thẫn thờ, mắt đỏ hoe. Họ ăn mặc giống nhau: chiếc mũ lá rộng vành, bộ quần áo màu xanh lá cây, đôi dép cao su và một cái túi xách nhỏ đựng những vật dùng thường ngày.
Tôi đi dọc hàng tù binh, nói chuyện, khích lệ và tiễn biệt họ. Bỗng thấy Benla chạy tới, giọng hồi hộp trong hơi thở gấp:
- Kính chào ngài thiếu tá!
- Benla! Chúc anh lên đường may mắn! Hãy chấm dứt cuộc đời lính đánh thuê, về chiến đấu cho tổ quốc anh.
Benla xúc động thật sự, rơm rớm nước mắt:
- Cho phép tôi được bày tỏ lòng biết ơn chính phủ Bác Hồ, các sĩ quan và binh sĩ quân đội Việt Nam về lòng nhân đạo này. Cho phép tôi được bày tỏ lòng biết ơn ngài thiếu tá. Xin cho phép được hân hạnh bắt tay ngài.
Anh nắm chặt tay tôi bằng cả hai bàn tay cứng cáp rồi đưa lên môi hôn một cách kính cẩn.
Khi tôi bắt tay anh lần nữa và định quay đi, Benla ngập ngừng nói với theo:
- Thưa thiếu tá, tôi có thể nhờ ngài giúp cho một việc được không?
- Sẵn sàng lắm? Anh có việc gì cần.
Benla rút trong túi ngực ra một phong thư, vuốt ngay ngắn rồi trân trọng đưa cho tôi bằng cả hai tay:
- Xin ngài làm ơn đưa giúp bức thư này cho cô Hồng. Sáng nay vì đi vội nên tôi chưa kịp gửi.
- Tôi rất vui lòng chuyển giúp anh bức thư này đến tận tay cô ấy.
- Thưa thiếu tá, bức thư để ngỏ, xin ngài xem cho và nếu ngài không cho là xấu, xin ngài chuyển giúp cho.
- Anh cứ yên tâm.
Tiếng còi tàu rít lên. Đoàn tù binh xếp hàng lần lượt bước xuống cầu phao. Tôi xắn quần đứng dưới mép nước, vẫy chào họ. Tù binh reo lên:
- Finit la guerre
- Rapatriement!
Tiếng của Benla chìm đi trong những đợt sóng ập vào bờ:
- Mong có ngày được gặp lại ngài thiếu tá!
Trên đường về, tôi mở bức thư của Benla ra xem, theo yêu cầu của anh. Nét chữ đẹp, cứng cáp, viết bằng tiếng Pháp:
Thưa cô Hồng.
Tôi là người chịu ơn cô cứu sống. Suốt đời, tôi biết ơn và thờ phụng cô. Rồi đây, tôi sẽ trở về chiến đấu cho Tổ quốc tôi, cũng giống như cô đang chiến đấu cho Tổ quốc Việt Nam. Hình ảnh cô mãi mãi ngự trị trong trái tim tôi. Sau này tôi sẽ nên người một khi đất nước tôi được hoàn toàn giải phóng. Tôi nhất quyết xin trở lại đây để được gặp cô và xin Chính phủ Việt Nam được đón cô về. Tôi tha thiết hy vọng ngày ấy cũng không quá lâu và cô cũng chưa quên kẻ bất hạnh nhưng hết sức trung thành với cô.
Môhamét Benla
Cuộc gặp gỡ quốc tế của chúng tôi tại thành phố Hồ Chí Minh đã kết thúc. Chúng tôi bay ra Hà Nội, trái tim đất nước. Sau mấy ngày hoạt động thăm viếng, hôm nay, tôi lại được cùng các bạn đồng nghiệp tiễn những người bạn quốc tế về nước.
Vì cương vị giao thiệp, tôi không được ngồi cùng xe với ápđun Môhamét. Mãi đến sân bay Nội Bài, tôi mới lại được gặp anh. Chúng tôi uống cạn ly cà phê trên tầng hai của nhà ga sân bay, rồi không hẹn mà nên, hai chúng tôi cùng đứng dậy xuống cầu thang dạo quanh vườn cây mới trồng. Những hàng bạch đàn và trắc bạch điệp non tơ ướt đẫm sương mai, đung đưa thân hình gầy guộc, cố gắng tỏa ra một bóng mát nhỏ nhoi và nhân hậu đổ xuống nền xi măng lát lối đi. Gió sớm, thơm ngát mùi lúa chín và hương hoa đồng nội Chiếc Bôing 707 sừng sững trên sân đậu như tương phản với đàn trâu lưng bết bùn đất đang kéo những chiếc xe quệt ra đồng.
- Thế là tình bạn của chúng ta đã được thử thách qua nửa đời người chứ không phải chỉ có mấy ngày. Anh có cho phép tôi nghĩ thế không?
- Hoàn toàn đồng ý! - Tôi rất mừng là anh đã thực hiện xuất sắc lời hứa đối với Tổ quốc anh. Cũng như tôi, anh đã cầm súng chống kẻ xâm lược và sau đó đã phục vụ Tổ quốc theo khả năng phát triển của mình.
Môhamét thân thiết ôm lấy vai tôi. Một nụ cười hóm hỉnh hiện trên khuôn mặt cương nghị của anh:
- Bây giờ đã đến lúc tôi giới thiệu với anh về vợ con tôi. Hôm nọ anh có hỏi nhưng vì chuyện cũng dài nên thú thật tôi cũng định để đến lúc này mới nói với anh.
Môhamét rút ví lấy ra một tấm ảnh cỡ 9x13 đưa cho tôi. Nhìn qua cũng thấy ngay ảnh của gia đình anh: anh mặc bộ âu phục đứng giữa, bên một thiếu phụ và hai bên là cậu con trai và cô con gái cũng đã lớn. Tôi khen xã giao:
- Đẹp lắm!
Nhưng Môhamét theo đuổi một ý nghĩ khác:
- Anh nhìn kỹ nhà tôi xem.
Tôi nhìn lại tấm ảnh. Người thiếu phụ uốn tóc cao, mặc áo xanh, váy trắng, nét mặt đầy đặn, xinh đẹp và thùy mị. Tôi mơ hồ thấy một gương mặt hơi quen. Bỗng tôi reo lên:
- Cô Hồng phải không?
Vẻ mặt Môhamét rạng rỡ hẳn lên:
- Trí nhớ anh thật tuyệt vời! Chính cô ấy đấy!
- Anh nói nhanh lên tôi nghe nào?
Môhamét như trẻ lại mấy tuổi:
- Ngày ấy, vào đến Sài Gòn là tôi đấu tranh đòi hồi hương. Về đến nước nhà, tôi tìm tham gia Mặt trận Giải phóng và chiến đấu với cương vị đại đội trưởng. Năm 57, sau khi nước tôi giành được độc lập, qua đường ngoại giao, tôi xin trở lại Việt Nam để tìm cô ấy. Nhà Hồng ở gần thị trấn Nho Quan. Hồng vẫn chưa lấy chồng. Khi tôi và một cán bộ của Bộ Ngoại giao Việt Nam tìm đến, cô ấy đã khóc và đưa cho xem bức thư tôi gửi anh ngày ấy. Tôi được phép Chính phủ Việt Nam đưa Hồng về nước. Bố mẹ cô ấy đã mất sớm, họ hàng cũng không còn ai. Thành ra, ngót ba mươi năm xa Tổ quốc, Hồng vẫn nhớ nước mà chưa về được. Thỉnh thoảng, cô ấy vẫn ôn lại kỷ niệm cũ cho các cháu nghe.
Tôi hết sức cảm động, nhìn kỹ tấm ảnh và thầm liên tưởng lại quãng ngày gian khổ chúng tôi hành quân trên đường 41 và cảnh tượng đã xẩy ra tại cây số 42. Thấm thoắt mà đã ba chục năm trời!
Môhamét cầm lấy tấm ảnh, rút bút ghi mấy chữ nắn nót ở mặt sau rồi đưa cho tôi:
- Xin tặng anh tấm ảnh này với tất cả ý nghĩa của nó. Sang bên ấy, Hồng có thêm tên là Rôdơ Mari. Hai cháu cũng có tên Việt Nam, cháu trai tên là Hùng Cường, còn cháu gái là ái Việt...
Tôi chỉ nắm chặt tay anh không nói rồi trân trọng cất tấm ảnh vào chiếc ví trên túi ngực.
Tôi tiễn anh đến tận chân cầu thang máy bay. Anh ôm hôn tôi thắm thiết nhiều lần, rồi trước con mắt ngạc nhiên của các bạn quốc tế và trong nước, anh bỗng đứng nghiêm giơ tay lên vành mũ, giọng trang nghiêm:
- Merci bien mono commandant! (Rất cảm ơn ngài thiếu tá)
DH