Thằng Đúa
Lê Mỹ Ý
Lâu lắm, tôi mới về thăm nhà. Vừa đặt chiếc xe mi ni cà tàng gửi trong toa tàu bê bết phân trâu xuống đất, tôi đã ráng hơi vén sức cố đạp trên con đường lăm nhăm đá sỏi, vừa thở hồng hộc và tưởng tượng ra giây phút gặp lại mẹ mình.
Con đường nhỏ chênh vênh đã hiện ra phía trước. Bên này là hàng rào gỗ mục của một gia đình có con đi Đức, bên kia là hố sâu nham nhở những mũi ngoạm của chiếc xe xúc ủi mở đường. Nhà tôi nằm hun hút giữa đồi cao, mùa này trơ vơ giữa gió Lào và nắng xối. Tôi về nhà đúng lúc mẹ đang lượm củi lau nhau để đun nồi cám lợn ở góc vườn. Chị Hiên đang ngủ. Ngủ mà mắt vẫn mở, nhìn đâu xa vắng. Mẹ không nói gì, cũng không tỏ thái độ. Người giận tôi về nghỉ hè muộn mấy ngày.
Tôi theo mẹ ra lượm củi dưới cây ổi sẻ giờ đã già xơ xác. Cây ổi nằm ngay trên con đường mòn dẫn ra ngoài đồi, lấp đầy lá rụng, dường như rất hiếm những bàn chân. Nghĩa trang của xã cách nhà tôi mấy bước cũng bị người ta hạ đất dời dở nhở nham khắp chốn. Vườn khoai nhà bà Lan thì như một mảnh đất hoang ngập ngầy cỏ úa. Mẹ gọi giật, cấm tôi ra vườn đồi. ở ngoài đó, mẹ bảo, bây giờ chắc vẫn còn thằng Đúa.
Thằng Đúa... Trong trí nhớ tôi vụt hiện lên một cái đầu tròn trĩnh, trọc lóc, trơn bóng mà lại xanh mờ như quả dưa non chín héo. Một gương mặt lồi lõm trứng cá, hai con mắt kéo khít gần nhau vừa gian gian lại vừa ngây ngô, ngờ nghệch. Đi kèm là nụ cười ngớ ngẩn một cách đáng sợ, khoe hàm răng trắng ởn dính đầy bựa vàng, không bao giờ thiếu vắng cái bầm bập, chèm chẹp tứa nước miếng thành dòng của điếu thuốc sâu kèn to tổ bố. Thằng Đúa... Hóa ra trong ký ức của mình, tôi chưa bao giờ quên hắn.
***
Đúa bị bệnh tâm thần bẩm sinh. Nghe đâu, mẹ hắn cũng tâm thần. Mẹ hắn đi lang thang khắp phường trên xã dưới, lê lết ở xóm chợ Mỹ Đức không biết đã bao năm. Chẳng hiểu một gã vô lương nào đã cưỡng hiếp người đàn bà điên bẩn thỉu chỉ biết bịt cái ấy của mình bằng hai mảnh giẻ buộc dây chuối, hay cũng có thể một gã có lương tâm nào đó đã ra ơn mưa móc cho người đàn bà bất hạnh ấy một vài giây sung sướng rồi cao chạy xa bay.
Mẹ Đúa sinh hắn trong một đêm đông rét mướt sau khi mang thai mười ba tháng một ngày. Chào đời, cái đầu hắn đã trọc lông lốc như quả bóng nhựa trẻ con đá. Hắn có lẽ được thừa hưởng nhiều nhất từ mẹ là đôi mắt. Đôi mắt vừa gian giảo như thằng lưu manh, lại ngây ngô, dài dại đáng thương của một kẻ bất bình thường. Nhiều người bảo hắn hủi. Hủi gì mà hủi! Có mà hủi cái miệng lu loa của ai hồ đồ!
Đúa dẫu có bị chốc ghẻ đầy mình cũng không giấu đi đâu được những ngón tay chuối mắn núc ních đầy khát sống. Mẹ hắn bớt điên, lê lết qua nghề lùng măng vầu, tre nứa để bẻ trộm những mầm non đem về cân cho hàng măng chua cuối chợ. Hắn lớn lên, vừa lẫm chẫm biết đi biết chạy thì trong một lần đi ăn trộm măng tre, mẹ hắn đã bị một cặp rắn trắng đang giao hoan quấn tít trên đọt tre bổ nhào xuống phun nọc phì phì vào mặt. Về nhà chưa được nửa ngày đã sưng vù nửa người rồi lăn đùng ra chết. Đúa được lão Sung, lão già có tuổi đời cao nhất làng, chuyên gia nhặt phế liệu về tái chế nhận làm con nuôi. Ông lão mới giải nghệ, không vợ không con nên thương Đúa như con đẻ. Nhưng chỉ được mấy năm. Ông lão qua đời để lại hắn một mình với ngôi nhà rách nát ghép toàn bằng phế liệu nhặt được. Đúa trở thành đứa cầu bơ cầu bất.
Hắn lớn lên ở làng như con chó, con mèo, ăn dăm ba miếng cơm thừa canh cặn, củ sắn củ khoai mọi người thương tình bố thí. Khi bắt đầu mạnh tay, mạnh chân, cái tuổi ăn tuổi ngủ giục giã dạ dày hắn, bắt hắn phải làm liều. Hắn rình trộm gà, khoai sắn, chuối chăng... tất tật những thứ ăn được. Một hai lần thành quen, hắn ngày càng liều lĩnh. Lúc đó nhà nhà trong làng đều nghèo, chỉ biết mùi rơm rạ, chưa biết đến xi măng, sắt thép. Càng nghèo người ta càng chăm cúng giỗ lễ bái từ ông cụ kỵ đời nảo đời nao đến ông bà ông cử. Đúa chỉ việc chờ nhà nào cúng giỗ, rình sẵn đầu chái, đợi người ta sắp đồ, thắp hương là vạch liếp chui vô, lẹ làng chén sạch rồi chuồn, để lại hàng hàng chén đĩa trên bàn thờ. Người làng bắt được đôi ba lần, bận nào cũng đánh cho hắn nát thịt nhừ xương mà chẳng chừa. Đúa vẫn chứng nào tật nấy, vẫn sống nhơn nhơn trong con mắt ghẻ lạnh của người đời.
Có lẽ cuộc đời hắn sẽ còn mãi quẩn quanh nơi xó làng nghèo hèn, chật hẹp ấy, chẳng long đong trôi dạt đến tận đất Phú Mỹ này, nếu không có sự xuất hiện của bà chủ hàng buôn gạo. Một lần về thăm làng, đang giữa buổi cúng chạp họ, ông trưởng họ Nguyễn nhà bà Lan bắt được thằng Đúa đến chén lộc. Bà Lan đứng ra xin, cứu thoát hắn khỏi một trận đòn, bảo lãnh Đúa rời khỏi làng, cũng là để đỡ phí của giời cái sức lực sĩ của hắn. Bà làm giấy tờ xin xã cho bà nhận Đúa làm con nuôi. Đúa còn được cấp giấy chứng nhận là người mồ côi tàn tật không nơi nương tựa, mỗi tháng được nhận tiền trợ cấp theo chế độ hai linh hai của nhà nước. Dĩ nhiên, hắn chẳng biết cầm tờ giấy đọc ngang hay dọc. Tiền nhận về, bà Lan chỉ cần đổi năm trăm đồng thành mấy tờ hai trăm, một trăm con hay tờ một nghìn thành mấy xu bạc hai trăm trắng giao cho hắn là hắn đủ mừng quýnh. Nghiễm nhiên, số tiền còn lại phải về tay bà chủ.
***
Chân ướt chân ráo vừa nhập tịch đất Phú Mỹ, Đúa được phân công chăn dắt đàn bò một đực ba cái. Ngoài ra, hắn còn thêm nhiệm vụ chăm vườn khoai nho nhỏ cỡ chừng một héc-ta rưỡi. Đất hoang không làm cũng phí. Khoai ruộng lạ càng tốt, càng cho dây mập, củ to. Ban đêm, Đúa được đặc cách đi đón bà chủ ngoài ga tàu, đón luôn chiếc xe bò chở đầy gạo về nhà. Công việc và cái nắng rút người trên đồi Phú Mỹ chẳng hề làm suy suyển sức trai của hắn. Ngược lại, Đúa càng ngày càng khoẻ. Sức ăn của hắn cũng tợn như công bỏ ra. Đến bữa, hắn cắm đầu ngồi ăn, mắt không nhìn vào đâu ngoài nồi cơm đại và chậu canh rau đầy ắp. Hắn có thể lùa một lúc bảy bát cơm, hụp một chậu canh và ăn thêm được rổ khoai lang tú hụ không cần bóc vỏ.
Ăn nhiều, làm nhiều, hắn vẫn mau đói. Thi thoảng, làng lại mất con gà con qué. Nhà tôi ở gần đồi, đôi khi thấy khói lá sim, lá mua bay lên là đã thấy thoang thoảng mùi thịt nướng thơm đến túa nước dãi. Thằng Đúa cứ mỗi lần dỡ khoai lang lại vào nhà tôi mượn nồi bắc trộm. Mẹ tôi vốn hay thương người, thôi thì đành tặc lưỡi. Đôi khi, còn nấu cơm đột xuất nhiều hơn ngày thường, ủ một tô đầy ắp, thấy hắn lảng vảng góc vườn là gọi vào cho ăn. Tôi ghét cay ghét đắng cái trò đó. Ai đời cái mặt nham nhở như gò mả của hắn, ăn thì một thúng uống thì một thùng mà lại vục vào tô sứ Hàng Châu quý giá, nom đã thấy tơm tởm. Nhưng tôi ghét cứ ghét, mẹ vẫn thương hắn, vẫn cho hắn ăn, rồi lại lụi cụi đi rửa chén. Nhà không có đàn ông, có lúc mẹ cũng nhờ được hắn bổ cho vài thanh củi, kéo cho vài gàu nước từ cái giếng sâu hun hút mười lăm mét. Mà hắn cũng chỉ biết làm mấy việc đó. Chẳng bù cho mấy lần bốn con ba đực một cái của hắn xông vào tàn phá vườn rau. Hắn cười khì mà trừ. Mẹ tôi đố đòi hắn đền được nửa đồng xu mẻ.
Làng tôi từ mất con gà con qué lâu dần chuyển sang mất mít, mất chuối, đến cả xoong nồi thau chậu. Cả làng nhao nhao như sôi lửa. Người ghét thằng Đúa không mấy nhưng căm bà chủ hàng gạo thì nhiều. Con người đẫy đà trơn mượt như chạch ấy mồm năm miệng mười cũng gớm. Bà cứ bem bẻm nhai trầu, nhổ trét trẹt xuống đất rồi xỉa năm ngón tay vào không khí, xia xía cặp môi dày đỏ choét mà rằng: Bắt được tay day được trán, ừ thì bà cho hắn ăn trộm, bà cho hắn chết đói, bà làm giàu nhà bà, ai làm gì được bà...Thế là làng đành chịu, chỉ biết canh chừng cẩn thận hơn.
Thằng Đúa được thể làm già. Đến nhà tôi hắn cũng chả từ. Cửa nhà bếp vừa bị hư chốt hai ngày chưa kịp sửa, hắn vào xin nước uống chiều hôm trước hôm sau đã bốc hơi hai cái nồi đồng. Mẹ tiếc của cứ đi ra đi vào lẩm bẩm mỗi một câu: "Chẳng biết hàng đồng nát có trả cho hắn được nhiều tiền không?". Trời đất! Tôi phát cáu lên suýt nữa thì chạy bay xuống nhà bà Lan chửi cho hắn một trận. May mà sực nhớ sáu giờ sáng thằng Đúa đang dong ruổi một mình trên khe đá trong rừng với hai con bò đực để kéo về một xe củi đầy chất ngất.
***
Ngày tháng cứ dần trôi đi. Lại sắp đến mùa dỡ khoai. Thích nhất là được ngồi sắp những lớp khoai bùi bùi trong trong lên cái mủng lớn, đem phơi cho kịp nắng rồi bỏ vào hũ hoặc tiềm, nút kỹ lá chuối tránh mốc để mùa đông có cái độn cơm hay làm lương khô, quà vặt gặm dần. Làng bỗng dưng thôi mất trộm. Tất cả đều như lắng lại để bước vào vụ khoai tới. Tôi phát giác ra một điều khủng khiếp: ngày nào chị Hiên cũng luộc giùm một rổ đầy khoai cho thằng Đúa. Trời ơi! Chị Hiên, người con gái đẹp nhất làng mà nhà nào có con trai đến tuổi dựng vợ gả chồng cũng đều gấm ghé, xa gần với mẹ tôi để xin rước chị về làm dâu. Nhìn mái tóc bồng bềnh đen như mây đổ đầy bờ vai đang rủ xuống bên rổ khoai nghi ngút, lại lột vỏ từng củ khoai đưa cho thằng Đúa, tôi thấy lạnh cả người. Tôi chạy về mách mẹ. Không ngờ mẹ chẳng những đã biết trước tôi từ lâu mà lại còn đồng tình với việc làm của chị Hiên. Thật ngu ngốc và nực cười. Tôi không tìm được câu gì để bẻ lại lý lẽ của mẹ. Con người ta ở đời có phúc có phần, huống chi chị Hiên lại giúp thằng Đúa là người tàn tật... Tôi để bụng chuyện đó mãi, chờ cơ hội để chứng minh cho mẹ thấy không phải lúc nào có phúc cũng sẽ có phần.
Đầu năm mới ở làng tôi có quan niệm gia đình nào được người không bình thường đến xông đất thì gia đình ấy trong năm sẽ đầy may mắn. Tôi thì tôi nhổ vào quan niệm đó. Chẳng nhẽ cứ với người không bình thường là họ sẽ rước cái xui, cái xấu đi? Chỉ cần nhìn những dị tật và bộ mặt của họ đầu năm cũng đã là một sự xui xẻo rồi. Nhiều gia đình trong làng đã ươm ướm nhờ Đúa đến xông đất song hắn chỉ ngoác cái miệng có hàm răng trắng ởn dính đầy bựa vàng của mình ra cười. Trời xui đất khiến, mới mở mắt sáng mồng một, tôi đã thấy nụ cười ngô nghê với cái đầu trơn bóng thấp thó đầu ngõ. A ha! Dịp may! Tôi phóng vào bếp, rồi ào ra cửa, vốc từng đùm muối ớt rải theo dấu chân Đúa để xông vía thằng điên. Nụ cười trên môi hắn vụt tắt. Cùng lúc, tôi lãnh cái tát cháy mặt. Chị Hiên! Tôi sững sờ đứng lặng. Rồi òa khóc bỏ chạy vào nhà. Càng muốn nổ đom đóm mắt vì ngay lúc ấy, mẹ đã ra tận cửa kéo thằng Đúa vào, còn chị Hiên thì lấy từ trong thùng gỗ của mình ra một bộ áo quần mới tinh màu cỏ úa lì xì cho hắn. Tôi khóc tấm tức suốt cả ngày. Thằng Đúa là kẻ thù của tôi, kẻ thù, không thể nào khác được.
***
Sau cái Tết đó, Đúa chăm đến nhà tôi nhiều hơn. Có khi hắn lò dò vào xin ngụm nước, thấy mẹ tôi bổ củi thì không cần nhờ cũng lao vào bổ giúp, thấy chị Hiên kéo nước cũng mau mắn đến kéo giùm. Chị Hiên càng ân cần với hắn bao nhiêu, tôi càng ghét hắn bấy nhiêu. Đôi lúc tôi tự hỏi mình và hoảng hồn với câu hỏi đó: hay là chị Hiên... yêu thằng Đúa? Yêu! Tôi dài môi rồi bật cười. Mình rõ khéo cầm đèn chạy trước ô tô. Có mà khùng! Đồ cái mặt điên như hắn, thuê cũng chẳng ai dám yêu.
Một buổi tối thằng Đúa đến chơi. Mẹ đi họp phụ nữ xóm, chị Hiên ngồi trò chuyện và rót nước cho hắn. Tôi hong hóng nhìn rồi gai con mắt hỏi hắn thế Đúa bao giờ định cưới vợ. Hắn di di những ngón chân đầy ghét trên nền nhà, cười bẽn lẽn nói ai thèm lấy Đúa bây giờ mà cưới hả Liên.
- Thế mà có đấy, chỉ sợ Đúa không bằng lòng thôi!
Bạn chị Hiên nghịch ngợm vừa mới đến đã xen vào. Thằng Đúa mặt đỏ tận mang tai, lúng búng:
- Nhưng... nhưng Đúa không có lợn.
Ô hô! Bạn chị và tôi cười phá lên sặc sụa. Cười đến chảy mũi nước. Bạn chị Hiên nhìn chị rồi quay qua Đúa, cố làm bộ nghiêm túc:
- Đúa này, người ta không cần nhiều đầu lợn đâu, chỉ cần ba cái thôi. Mà... Đúa đã có một cái rồi đấy!
Ôi trời ơi, tôi cười muốn nứt bụng. Cha mẹ ơi, đời thưở nào thằng điên lại đòi có lợn cưới vợ. Mãi khi chị Hiên quắc mắt lên, tôi mới cụt hứng, nhưng vẫn còn hích hích mãi chẳng nguôi cơn cười được. Thằng Đúa nhìn chị rồi đứng dậy, vò vò cái mũ bước ra ngoài. Tôi nói với theo:
- Không cần ba đầu lợn đâu, chỉ cần mười lăm cái thủ chó là được!...
***
Làng tôi dạo ấy như có ma, đi đâu cũng nơm nớp sợ. Nhà ông Thư hai đêm liên tiếp mất hai con chó khoang dữ tợn nhất làng. Nhà bà cả Khánh, bà Tuấn... cũng lần lượt mất trộm chó. Mẹ tôi giữ rịt hai con cún vừa mới xin ngoại về, sợ cũng mất thì thương lắm.
Một đêm trăng, trong vườn nhà tôi có tiếng rào rào rậm rịch. Mẹ sợ, vì vườn bạch đàn nằm sát nghĩa trang. Tôi lắng tai nghe rõ tiếng lá gãy roàn roạt rồi im bặt, đồ rằng một đôi trai gái nào đó đi chơi khuya, đang "lót ổ" dừng chân. Dạo trước, tôi cùng mấy tụi nhóc trong làng rình được mấy vụ liên tiếp. Thu cả áo quần bắt phải cho tiền mua kẹo mới cho xin lại. Vui đáo để! Tiếc là chị Hiên nhúng mũi vào. Tôi bị mẹ đánh đòn, cấm tiệt không cho ra ngoài buổi tối. Cái bà Hiên đúng là đồ tẩm, dở hơi biết bơi, chả trách lại chơi thân với thằng Đúa. Không thì tôi và tụi trẻ con giờ này đang nằm trên cỏ căng mắt ra mà bấm nháy nhau cười rinh rích rồi.
Sáng hôm sau tỉnh dậy, tôi phi ra vườn, bàng hoàng trước cả vườn bạch đàn bị chặt nát tan hoang. Mẹ lần theo vết quét của cây kéo lê trên mặt đất, băng qua vườn khoai đến ngõ nhà bà Lan thì mất dấu. Mẹ bực mình định quay lên, chị Hiên đã hổn hển gọi thằng Đúa. Thằng Đúa đang đứng trong chuồng bò, giữa một đống lá bạch đàn xanh roi rói. Thấy chị Hiên, hắn tái mặt. Bà Lan trong nhà cũng rục rịch vần ra. "Bốp! Bốp!". Đúa bị xơi hai bạt tai vào mặt. Bà Lan mắng xối xả: "Tổ sư thằng thối thây không cha không mẹ. Mày ăn trộm của người ta để người ta đến bắt đền. Cha tiên nhân thằng ăn báo ăn hại...".
Bà Lan mắng chán rồi nhảy cẫng lên, xông vào đám lá. Này thì bạch đàn! Này thì ăn trộm! Bà thì đốt hết, vứt hết!
Đột nhiên, đôi vai thằng Đúa run bắn. Hắn quỳ thụp xuống chân chị Hiên:
- Hiên! Đúa... Đúa... dì Lan bảo Đúa chặt... chặt để làm nhà... nhà cho Hiên và Đúa...
Tôi há hốc mồm. Mẹ tôi cũng há hốc mồm. Cùng lúc, chị Hiên bưng mặt rú lên: Trong đám lá bạch đàn, chín cái đầu chó nằm phô phang, lông lốc.
Suốt một tuần lễ, bà Lan giam thằng Đúa không cho hắn ăn, bắt hắn làm việc gấp đôi bình thường và nhiếc mắng không tiếc lời tiếc sức. Rồi sau khi bà đuổi, thằng Đúa bỏ làng đi biệt.
***
Một năm trôi qua, tôi rời làng đi học. Chị Hiên vẫn chẳng lấy chồng. Thời thế đổi thay. Dường như từ dạo thằng Đúa đi, làng có nhiều sự biến. Đứa con út nhà bà Lan ra sông tắm bị nước cuốn trôi, ông chồng già thì nằm viện mấy tháng trời không tìm ra bệnh. Nhà bà Lan đổ vàng đổ bạc như gió đổ vào nhà trống mà vẫn tuynh huynh, toàng hoàng. Bao vườn tược cây cỏ hạn hán hanh hao chẳng được nửa đồng lại vốn. Bò bê bán tháo. Không còn bóng dáng một bà chủ nuột nà lẻm bẻm nhai trầu xênh xang gấm lụa, quen xỉa xỉa mấy ngón tay lóng lánh vòng vàng vào không khí. Nhiều người chép miệng: " Ở đời... có vay có trả. Chỉ thương cho thằng Đúa không biết giờ đang lưu lạc chốn nào...".
Rồi đột nhiên chị Hiên có bầu. Mẹ tôi vật nài van xin khóc lóc, chị vẫn không hé răng nửa lời về cha đứa bé, cũng không chịu nhấc chân khỏi nhà đi đến bệnh viện phá thai hay khám thai. Ngày chị chuyển dạ, trời đổ mưa tầm. Chị sinh một đứa con trai đỏ hỏn như cục thịt tròn lông lốc. Cả nhà đều sợ, không ai dám nhìn. Chị nằm trong phòng tối, khóc suốt cả tuần mưa. Một đêm thăm thẳm, giữa tiếng mưa rền rĩ, gió rít lạnh buốt và tiếng chó gầm gào, chị Hiên dựng cả nhà dậy bằng những tràng cười. Mẹ tôi vào. Trong phòng không còn đứa trẻ. Chỉ có chiếc dép đàn ông đứt tung rơi bên ngưỡng cửa. Chị Hiên ngồi trên giường, cái đầu tóc rụng trốc trơ lắc lư theo cơn cười man dại.
***
Mỗi lần đi trên đường, trong mưa, dường như tôi vẫn còn nghe âm âm tiếng cười của chị. Và mỗi lần bước qua những vũng nước mưa nông choèn, tôi lại giật mình nhớ lời người làng bảo... Bảo rằng: Ai giẫm phải nước đái của thằng Đúa, người ấy sẽ thành điên!