Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Cuộc chạy

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 447 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cuộc chạy
Nguyễn Trí Thông

1. Tôi tham gia vào cuộc chạy kỳ lạ và vĩ đại này hình như từ cột mốc mang số thứ tự một ngàn chín trăm bảy mươi chín. Cũng không rõ xuất phát điểm nằm ở nơi nào. Nghe nói đâu ở một nơi xa, xa lắm. Và cả một quãng rất dài người ta đã chỉ đi, lầm lụi đi, mò mẫm đi, con đường trước mặt hãy còn u tối. Khi bầu trời đã trở nên quang quẽ hơn, những người tham gia cuộc chạy chợt nhận thấy mình đang chuyển theo một hướng nhất định - thế là những cột mốc 1, 2, 3… đều nhau chằn chặn ra đời. Nhưng đường chạy thì vẫn thế, nghĩa là… không có. Người chạy phải vừa chạy vừa tự đắp một con đường cho chính mình. Con đường cứ thế theo hướng dốc đứng lên. Không ai biết điểm đích nằm ở đâu. Mà cũng chẳng ai quan tâm. Ở đây không có vấn đề người chạy trước kẻ chạy sau: tất cả đều chạy qua các mốc cùng một lúc. Người ta chỉ quan tâm đến việc cốt chạy sao cho thật hoàn hảo chặng đường của mình, nghĩa là làm sao cho đường chạy thật vững chải, cao ráo và đẹp đẽ. Rồi sao đó sẽ có người thay phiên chạy tiếp. Hệt như một cuộc chạy tiếp sức…
Những tháng ngày đầu tiên tham gia vào cuộc chạy, tôi nằm trên lưng ba tôi, đôi bàn tay bé nhỏ ôm chặt cái cổ to tướng và chắc khoẻ của ông, hai con mắt non nớt mở tròn lạ lẫm với những bài học đầu tiên về cách đắp đường chạy. Ba tôi đắp đường không được khoa học cho lắm, nhưng có lẽ nhờ cần cù, chăm chỉ nên đường chạy của ông cũng dốc khá cao và rộng thênh, so với nhiều người khác có lẽ còn tốt hơn nhiều. Ba tôi vẫn sải những bước chân dài, vững chắc song nhìn chung vẫn có vẻ nhởn nhơ, nhàn hạ thế nào. Ba tôi dạy: “Không có gì phải vội vã đâu con!”. Tôi đưa mắt nhìn xung quanh. Quả thật, đoàn người chạy cùng với ba tôi trông có vẻ rất ung dung. Những toán khác không rõ thế nào, chứ ở đây bao trùm lên tất cả là một bầu không khí nhàn hạ.
Chạy được khoảng sáu cột số, ba tôi bắt đầu bỏ tôi xuống đất để tôi thực hiện những bước chạy đầu tiên của mình. Không biết nói thế nào để tả cho hết những cảm xúc kỳ lạ lan toả hai gan bàn chân của tôi lúc ấy. Tôi bi bô chạy, chốc chốc ngước lên nhìn ba tôi. Dáng ba tôi cao lớn. Những trưa nắng đổ, bóng người toả xuống dềnh dàng. Tôi yên bình và hạnh phúc đi dưới bóng mát đầy yêu thương đó.
Cứ thế dung dăng khoảng bảy cột số nữa, hai cha con tôi bỗng giật bắn mình khi nghe từ phía xa có một tiếng nổ rất to. Ba tôi nói đó là do có một sự biến đổi đột ngột nào đó tạo ra. Rồi sau đó là những tiếng trống nện liên hồi như trống trận, chằng mấy chốc đã ập tới ngay sau lưng chúng tôi, càng lúc càng hối hả, càng lúc càng thúc giục mãnh liệt. Ba tôi vội xốc tôi lên lưng, ra sức đắp tiếp con đường và cố chạy thật nhanh lên cao. Mọi việc diễn ra hết sức bất ngờ. Định thần lại, tôi đưa mắt nhìn xung quanh, thấy đoàn người chạy cùng ba tôi trước kia dạo bước thong dong giờ cũng rùng rùng chuyển động. Hệt như một đàn hươu đang thẩn thờ dạo chơi trong một chiều đông tĩnh mịch nơi khu rừng vắng, bỗng choàng tỉnh bởi một tiếng súng nổ chát chúa. Tôi ôm ghì lấy cổ ba tôi, như ngày nào đã từng làm thế. Xung quanh tôi, những nắm đất hối hả tung lên. Những đường chạy mới mau chóng hình thành, thẳng thớm và chắc chắn. Vẻ nhàn du, uể oải đang ngự trị bỗng dưng biến đâu mất. Giờ đây ai ai cũng đều tỏ vẻ rất khẩn trương. Tôi như miên man, như say đi trong mùi đất tươi…
Vậy mà trong thời khắc mới mẻ mang tính quyết định đó, ba tôi bỗng trượt té. Một cú té khá nặng khiến ông không thể gượng dậy được. Tôi hoảng sợ nắm chặt lấy tay ba tôi, cố dùng sức mạnh trong cái thân hình bé nhỏ của mình để lôi ông dậy. Nhưng vô ích! Ba tôi tuyệt vọng nhìn sang hai bên vệ đường. Đoàn người vẫn rùng rùng chạy và bắt đầu vượt lên trên chúng tôi. Ba tôi chợt ẩy tôi ngã dúi về phía trước: “Chạy đi con!” – ba tôi kêu lên trong vẻ bất lực khôn cùng. “Không, ba ơi! Con chờ ba đứng dậy nè!” “ Ba không chạy được nữa đâu! Chạy đi con! Chạy mau!”.
Rồi cũng không hiểu vì sao tôi vùng chạy về phía trước vừa chạy vừa khóc nức nở. Hai bàn tay non nớt của tôi run rẩy vốc từng vốc đất đắp lên con đường chạy cho chính mình. Nước mắt tôi ướt đầm khuôn mặt, bền bệt những sình đất. Trước mắt tôi chỉ thấy nhạt nhoà mà bên tai còn nghe rất rõ lời ba tôi gọi với theo: “Con ơ… ơi!!!”.
2. Tôi phải thực sự chạy một mình, cô đơn và trống trải ghê gớm từ cột mốc mang số thứ tự một ngàn chín trăm chín mươi tư. Ba tôi đã không còn bên tôi nữa. Ông đã không hoàn thành trọn vẹn phần đường chạy của mình. Vì thế, tôi phải chạy nốt phần đường còn dang dở của ông, cũng như phải chạy tiếp chặng đường của chính bản thân tôi. Tôi lùi lũi đắp lấy con đường của mình, đầu cắm xuống đất, không dám nhìn đi đâu. Tôi biết, quanh tôi những bạn bè đồng trang lứa đều còn cha bên cạnh. Cha con họ cùng đắp đường, cùng nhau chạy rất vui vẻ và phấn khởi. Người cha nhiều kinh nghiệm còn người con thì tràn trề sức trẻ. Kinh nghiệm cộng với sức trẻ đã làm cho đường chạy của họ thật bằng phẳng, vững chắc, và đẹp nữa. Hai bên vệ đường họ trồng hoa, những loài hoa đủ mọi sắc hương. Tôi ngoái cổ lại nhìn con đường của mình, chỉ thấy một màu đất nâu câm lặng, trùi trũi và nhiều vẻ cam chịu. Tôi buồn muốn khóc.
Nhưng rồi trên đường chạy của mình, tôi tình cờ gặp Mạnh. Mạnh cũng có hoàn cảnh như tôi, nghĩa là nó cũng phải tự chạy một mình. Ba của Mạnh đã kiệt sức và bỏ cuộc từ lâu. Nhưng mà cái cách chạy, cách đắp đường của Mạnh trông còn gian nan, khổ nhọc hơn tôi nhiều. Gặp người đồng cảnh ngộ, tôi thấy vơi đi biết bao nỗi buồn tủi trong lòng. Mạnh đã đem đến cho tôi một niềm tin, tin rằng với sức trẻ của mình, một ngày nào đó tôi cũng sẽ có thể lát gạch cho đường chạy của mình, và còn trồng hoa hai bên nữa.
Đó là năm học lớp mười. Tôi – cậu học trò mới đặt chân vào ngưỡng cửa cấp ba với ít nhiều bỡ ngỡ - hiêng hiếng mắt dòm đứa bạn ngồi chung bàn. Đó là một thằng con trai tóc dài thậm thượt, dáng vẻ gầy gò ngồi tư lự. Rồi tôi ngước nhìn lên bảng, nghe cô chủ nhiệm thông báo một vài điều gì đấy, lúc quay sang đã thấy thằng nọ úp mặt xuống bàn….ngủ gục. Tôi khều: “Nè ông, cô giáo gọi đóng tiền quỹ đầu năm kìa!”. Thằng ấy choàng tỉnh, vẻ lúng túng hiện rõ trên mặt: “Ông… ông có tiền đóng giùm tôi đi, mai tôi trả!”. Tân thủ quỹ mới được bầu trờ xuống. Tôi vét túi đóng cho cả hai thằng, bụng nghĩ: “Cũng ngộ, lời làm quen đầu tiên lại là một lời… mượn tiền!”.
Thằng tóc dài gầy đét ấy có một cái tên rất tương phản với cái thân hình là Mạnh. Mà gọi “thằng tóc dài” quả tình cũng chưa chính xác lắm, vì Mạnh chỉ để tóc dài độ khoảng hai tháng, hai tháng rưỡi rồi cho ủi tông-đơ lên “sát ván”. Rồi lại để dài thậm thượt. Rồi lại ủi tông-đơ. Sau này chơi thân với Mạnh, tôi cũng bắt chước cái model ấy, và nhận thấy tiết kiệm được khối tiền hớt tóc.
Hai tháng đầu tiên của năm học lớp mười tôi mới nhận ra Mạnh học Anh văn rất kém. Điểm kiểm tra toàn 1, 2… Tôi nói với Mạnh: “Muốn khá tiếng Anh phải siêng, mày ạ!”. Mạnh chợt buột miệng: “Thật tình là từ trước đến giờ tao… chưa hề học qua Anh văn!”. Tôi mới té ngửa trước câu trả lời của Mạnh. Thì ra hồi học cấp hai ngoài Vũng Tàu Mạnnh không được học Anh văn. Đến khi chuyển vào đây học, những từ vựng nước ngoài xa xôi và lạ lùng kia gây cho nó nhiều nỗi kinh hoàng nhất. Tôi nói: “Sao mày không trình bày hoàn cảnh với Ban giám hiệu?”. Mạnh nhướng mắt nhìn tôi, vẻ mệt mỏi: “Trình bày? Rồi người ta sẽ đẩy cái thằng học trò tỉnh lẻ là tao xuống hệ bán công, hoặc ra dân lập vì cái tội không biết tiếng Anh mà cố đèo bồng thi vô cái lớp chọn này. Không, tao không muốn vậy đâu. Những món học phí khổng lồ sẽ đè bẹp tao ngay tức khắc, mày có hiểu không?”. Vậy là từ bữa đó, tôi bắt đầu dạy những bài Anh văn vỡ lòng đầu đời cho Mạnh. Cứ thế ì ạch hết học kỳ một, điểm tiếng Anh của Mạnh bắt đầu nhích dần lên. Học hết lớp mười, Mạnh bất ngờ chìa tấm bằng B của trường đại học Sư phạm ra khoe tôi. Tôi ngạc nhiên quá thể, lòng thầm cảm phục cái ý chí học hành của Mạnh. Rồi chúng tôi, với hai bàn tay trắng, cùng nhau thi vào ngành Ngoại thương – cái ngành “sang trọng”, từ lâu vốn mang tiếng là chỉ thích hợp với dân nhà giàu, dân có quyền, nhưng đồng thời cũng là cái ngành có tiếng chỉ dành cho những người học giỏi.
Vào Đại học, tôi đi dạy kèm để kiếm thêm tiền đóng học phí. Mạnh thì vẫn “trung thành” với công việc ở một xưởng in lụa từ hồi cấp ba. Tuần làm bảy ngày, từ một giờ chiều đến sáu giờ tối và lương thì như bèo như bọt. Nhưng Mạnh không buồn vì điều đó. Được làm việc và còn tồn tại, với Mạnh như vậy là tốt rồi. Tôi nhớ hồi học cấp ba, mỗi lần sinh hoạt chủ nhiệm Mạnh là thằng bị “tố” nhiều nhất, chỉ với một tật là ngủ gật triền miên trong các tiết học. Vậy mà vẫn học giỏi mới kỳ! Dường như Mạnh chỉ ngủ một nửa người, nửa còn lại thì nghe giảng. Và trong những giấc mơ chập chờn đó, tôi tự hỏi có khi nào Mạnh mơ thấy cái máy dập cổ lỗ ở xưởng in lụa đã suýt một lần tiện phăng ngón tay cái của nó hay không?
3. Chúng tôi đã cùng nhau chạy được một quãng dài. Tôi ngước nhìn lên, thấy đã đi qua cột mốc mang số thứ tự một ngàn chín trăm chín mươi chín. Mạnh phấn khởi kêu to: “Sắp tới cột mốc thứ hai ngàn rồi!”.
Tôi băn khoăn nói với Mạnh: “Đêm qua tao mơ thấy một giấc mơ rất kỳ lạ”. “Sao?” “Có một ông già đến nói với tao rằng thôi đừng chạy nữa, vì phía sau cái mốc đánh số hai ngàn là một vực thẳm. Những ai vượt qua cái mốc đó đều… hấp… lọt tỏm xuống vực thẳm rồi mất hút luôn!”. Mạnh phá ra cười: “Vậy mày có tin không?” “Dĩ nhiên là tao không tin, nhưng những lời ông già đó nói chợt làm tao băn khoăn ghê gớm. Phải, đằng sau cái mốc mang số hai ngàn kia tao linh cảm sẽ có một cái gì đó rất đặc biệt; ít ra thì nó cũng sẽ mở ra một chặng đường mới, với những cách chạy mới. Vậy mà nhìn lại mày với tao, thấy cho tới thời khắc này vẫn chưa có một dấu hiệu khả dĩ nào nói lên được sự thay đổi đó. Trong khi thiên hạ thì…” – tôi chỉ tay sang phía bên kia đường. Một đám thanh niên ăn mặc có vẻ rất dân chơi đang lướt đi như gió. Chúng có những ông bố đầy quyền năng chạy kè kè bên. Những ông bố này chỉ tay đến đâu đường chạy hiện ra đến đó, thênh thênh và bằng phẳng. Một thằng còn ngoái xuống con đường thâm thấp của chúng tôi vẻ ngạo nghễ. Tôi tỏ ra chán nản: “Theo mày thì tụi mình có cơ hội đuổi kịp bọn nó không?”. Mạnh chợt gắt gỏng: “Tao cho là có! Rồi mày sẽ thấy, tụi nó đang chạy rất nhanh, nhưng là chạy trên con đường không phải của chính mình, nên trước sau gì cũng sẽ té ngã mà thôi!”. Tôi hoang mang hỏi: “Thật không?”, rồi mắm môi bổ một nhát cuốc nháng lửa vào tảng đá xanh gồ lên giữa lối đi.
Càng lúc trên đường chạy của chúng tôi xuất hiện càng nhiều những rừng hoa mang tên Phù phiếm – cái loài hoa mang vẻ đẹp ma quái mà mùi hương thì ngây ngây ngàn ngạt đầy quyến rũ. Tôi bắt gặp không ít kẻ đã rẽ ngang vào, không thấy trở ra. Mạnh lạnh lùng nói với tôi: “Họ không chết đâu mà sợ! Đa số những người lạc vào rừng hoa Phù phiếm đều có thể tìm được lối ra, nhưng lối ra của nó sẽ dẫn họ về tít dưới kia kìa, nơi mà họ đã từng chạy qua rất lâu rồi! Thật vậy, mày nên nhớ, lối đi trong rừng hoa Phù phiếm luôn ngược chiều với đường chạy của mày!”.
Chúng tôi không nói gì nữa, lẳng lặng mở một con đường chạy băng qua rừng hoa Phù phiếm, bỏ lại sau lưng cái mùi hương ngây ngây ngàn ngạt đầy quyến rũ kia. Chợt nghe phía trước có tiếng la hét thất thanh. Mạnh giật lấy tay tôi chạy về phía ấy. Trước mắt chúng tôi hiện ra một cảnh tượng thật kinh hoàng. Ba đứa trong số đám thanh niên ăn mặc diêm dúa mà chúng tôi đã gặp lúc trước đang điên cuồng đào những chiếc hố sâu, rồi nhảy xuống, miệng hố tự động lấp lại. Những ông bố đầy quyền lực vì lướt đi quá nhanh không thể kìm lại được, vừa băng băng lên phía trước vừa quay đầu tuyệt vọng về phía sau, kêu lên những tiếng kêu muộn màng.
Mạnh siết chặt tay tôi. Tôi hiểu. Phải, trong những lúc chợt thấy yếu lòng, yếm thế, tôi luôn có Mạnh bên cạnh. Mạnh không hay bi quan và tự ti như tôi. Nó luôn nhìn mọi sự bằng con mắt lạnh lùng mà lí trí. Và với cách nhìn đó, không ít lần Mạnh đã giúp tôi vượt qua những khó khăn trên đường chạy, vững tin vào lối đi phía trước của mình.
4. Cột mốc số hai ngàn dần dần hiện ra trước mắt. Xung quanh chúng tôi bỗng dậy lên nhiều tiếng hát, tiếng reo hò phấn khởi. Mọi người đang lao nhanh về phía trước. Mạnh vỗ vai tôi: “Chạy đi!”. Lời của Mạnh như một phát súng lệnh. Thế là tôi gồng chân chạy. Vừa qua khỏi mốc hai ngàn, tôi liền trông thấy ông già mà tôi đã từng gặp trong giấc mơ kỳ lạ của mình. Ông nhìn tôi nheo mắt cười vẻ tinh quái, đoạn giơ hai tay lên trời nói to: “Nào, mọi người hãy nhắm mắt lại và đếm ba tiếng đi, sẽ có điều thú vị bất ngờ đấy!”. Tôi làm theo. Chợt thấy như mê đi, thân hình bỗng dưng nhẹ hẫng…
Mở mắt ra, tôi thấy mình cùng mọi người đang đứng trên một cái đỉnh rất cao, ngó xuống có thể nhìn bao quát toàn bộ những con đường từ khởi thủy cho đến giờ. Thì ra không phải mọi nẻo đường đều thẳng đứng lên như tôi nghĩ. Có nhiều đoạn khúc khuỷu vòng vèo, thậm chí còn quành ngược trở xuống, và có nhiều đoạn thì bị xới nát bởi sự phá hoại vô tâm.
Nhưng cuộc chạy này là trường chinh và không có đích. Rồi chúng tôi sẽ tiếp tục chạy, trên những con đường mới, với những cách chạy mới. Đường chạy của chúng tôi nhất định rồi sẽ phẳng chắc. Và chứa đầy những khát vọng đi lên.

Sài Gòn, tháng 1 năm 2000



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 938

Return to top