Chinh Phụ Ngâm nguyên văn chữ Hán do Đặng Trần Côn sáng tác. Sau đó bà Đoàn Thị Điểm đem diễn Nôm điệu song thất lục bát. Đặng Trần Côn: Người làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông. Ông sinh đời Lê Dụ Tông, trong buổi Trịnh Côn xưng chúa, cầm quyền. Vào đầu niên hiệu Cảnh Hưng (1740 - 1786) đời Hậu Lê, gặp buổi binh cách, lính thú đi chinh chiến nhiều nơi, gây nên bao cảnh gia đình ly biệt, Đặng Trần Côn cảm xúc làm bài Chinh Phụ Ngâm, theo thể thơ xưa, âm điệu thanh tao và lâm ly thể hiện nỗi lòng người chinh phụ nơi chốn cô phòng.
Bà Đoàn Thị Điểm: Người làng Hiếu Phạm, huyện Văn Giàng, tỉnh Bắc Ninh, em gái ông Giám sinh Đoàn Luân. Bà rất thông minh, năm lên sáu tuổi đã làu thông Tứ Thư Ngũ Kinh. Bà có soạn tập Tục Truyền Kỳ và diễn Nôm bài Chinh Phụ Ngâm này.
Tác Phẩm
Chinh Phụ Ngâm là một thể cách giáo huấn, lấy chinh phụ làm phần khách quan, lấy giáo huấn làm phần chủ quan để dạy kẻ mày râu khăn yếm, lấy nghĩa tu nhân xử thế cho xứng với phận sự làm người. Trước hết dạy người ỡ đời có sinh phải có tử. Cái chết ai cũng phải có, nhưng chết hoặc nặng tày non cũng có khi nhẹ tựa lông hồng, mà đã là đấng nam nhi thì thường giữ chí "tang bồng hồ thỉ". Lại dạy kẻ nữ nhi khi đã thành gia thất phải lo nội trợ tề gia, khi chồng đi chinh chiến, ở nhà phải lo nuôi già dạy trẻ, hiếu nghĩa trọn phần. Lời giáo huấn phận sự làm trai làm gái đều có ý nghĩa chính đáng, lời lẽ ôn hòa. Tác giả mượn người chinh phụ để viết bài Chinh Phụ Ngâm, trong đó có hai ý tưởng: Một là cảm xúc nỗi chinh chiến và biệt ly đã diễn nên nhiều đau khổ và mong được hòa bình. Hai là phấn chí anh hùng, giục lòng quyết thắng, giữ dạ trung kiên, đem lòng hứa quốc.