Lời mở đầu
Tất cả những vấn đề trình bày ở đây có thể được gọi một cách đơn giản là “những niềm tin của tôi”. Đây chỉ là ý nghĩ từ cách suy luận riêng, kết hợp với những kiến thức và dữ kiện rời rạc mà tôi đã thu lượm từ sách vở và thảo luận với nhiều người. Đây là phương pháp riêng để tôi hệ thống hóa phần nào những tư tưởng nằm riêng lẻ. Tôi gọi chúng là “giả thuyết” vì chúng chưa bao giờ được chứng minh bằng phương cách khoa học nào hết.
Tôi cũng coi những tư tưởng nầy là “lối sống” của mình vì chúng có ảnh hưởng đáng kể đến cách hành xử của tôi trong đời sống hàng ngày. Ở đây tôi không cố ý chỉ trích phê bình một chủ thuyết nào, và nhất là không có ý định khuyến dụ bất cứ ai.
Sinh lực (Life force)
Tất cả mọi vật đều có thể được coi là tập hợp của năng lượng và có thể được phân tích hay giải thích theo ý nghĩa của năng lượng.
Mỗi người chúng ta đều có một cơ thể vật chất và một cơ thể phi vật chất. Ý niệm về cơ thể phi vật chất nầy cũng tương tự, nhưng có thể không hoàn toàn giống, với ý niệm “linh hồn” thông thường trong dân gian. Cả hai cơ thể vật chất và phi vật chất nầy là sự biểu hiện của một “sinh lực” trong mỗi cá thể. Trong bài nầy, từ “sinh lực” nên được hiểu trong nghĩa là “lực mang lại và chứa đựng sự sống”. Sinh lực nầy hiện hữu trong mỗi người, riêng biệt và có tính cá thể. Sinh lực của mỗi người biến đổi không ngừng từ hình dạng, cường độ đến tính chất, nhưng không thể được tạo thành từ sự trống rỗng và không thể bị tiêu hủy hoàn toàn. Theo định luật bảo toàn năng lượng, “năng lượng chỉ có thể bị biến cải từ dạng nầy sang dạng khác chứ không bao giờ bị tiêu hủy”.
Sinh lực hiện diện trong tất cả sinh vật. Nói chung, sinh lực của một con người mạnh hơn sinh lực của một con thú, và sinh lực của một con thú mạnh hơn nhiều so với sinh lực của thực vật. Cơ thể phi vật chất trong một con người được hình thành bởi phần sinh lực lớn hơn nhiều so với phần sinh lực cơ thể vật chất. Có nghĩa là về phương diện năng lượng thì phần cơ thể phi vật chất của một người quan trọng gấp nhiều lần so với phần cơ thể vật chất. Phần cơ thể phi vật chất của thú vật cũng quan trọng hơn phần cơ thể vật chất, tuy nhiên tỉ lệ khác biệt giữa hai thành phần nầy không lớn bằng trường hợp trong con người. Hầu hết sinh lực của thực vật nằm trong phần cơ thể vật chất của chúng. Phần cơ thể phi vật chất của thực vật có thể được coi là không đáng kể.
Phần lượng sinh lực trong cơ thể phi vật chất của mỗi người đều khác nhau. Một người càng tiến bộ về phương diện tâm linh thì phần sinh lực trong cơ thể phi vật chất của người nầy càng lớn. Trong thú vật, phần sinh lực của cơ thể phi vật chất cũng khác nhau tùy theo loài thú. Đây là do sự khác nhau ở trình độ phát triển tiến hóa tâm linh nói chung của mỗi loài thú.
Vật vô sinh (thí dụ như đất đá) có những dạng năng lượng khác nhau (thí dụ như từ trường) với phẩm chất thấp kém hơn nhiều so với trong sinh vật nên không được coi là có sinh lực.
Sinh thể có thể được định nghĩa là mỗi đơn vị nguyên vẹn với đầy đủ cá tính của sự sống. Trong thế giới nầy, thí dụ như mỗi con người, mỗi con thú, mỗi cây cỏ là một sinh thể.
Sinh dạng (life form)
Tôi cho rằng sự sống hiện hữu trong nhiều dạng. Có bao nhiêu dạng khác ngoài cái dạng thể mà chúng ta cảm nhận được thì ta không biết. Nhưng tôi nghĩ rằng có vô số dạng thể khác nhau của sự sống mà ở đây tôi xin gọi là “sinh dạng”. Những sinh dạng nầy, đối với loài người chúng ta, được chia làm hai nhóm: sinh dạng trong những thế giới vật chất và sinh dạng trong những thế giới phi vật chất.
Sinh dạng trong thế giới vật chất gồm có sự sống ở trên địa cầu cũng như tất cả các sự sống khác ở trên những thái dương hệ hay thiên hà khác trong vũ trụ. Những thế giới nầy là “thế giới vật chất” vì chúng ta có thể cảm nhận được chúng bằng ngũ quan. Sinh dạng trong thế giới vật chất chịu ảnh hưởng bởi những quy luật vật lý hoặc quen thuộc hoặc không quen thuộc với loài người. Cho đến nay chúng ta chưa có đủ bằng chứng chắc chắn về sự hiện hữu của những sự sống khác trong vũ trụ; tuy nhiên xác xuất nầy rất lớn. Những ai nhìn lên bầu trời đầy sao ban đêm và nghĩ rằng giữa tỉ tỉ thiên thể trong vũ trụ chỉ có một hạt bụi nhỏ bé gọi là địa cầu nầy mới có sự sống thì người ấy vừa ngây thơ vừa kiêu ngạo. Đó là chưa kể đến việc vũ trụ nầy có thể chỉ là một trong vô số những vũ trụ khác đang hiện hữu.
Dạng vật thể mà chúng ta cảm nhận được hàng ngày trong thế giới của chúng ta có thể được giải thích bằng những hạt cơ bản vô cùng bé mệnh danh là điện tử, hạt nhân hay các hạt hạ nguyên tử (subatomic). Tuy nhiên vật thể cũng hiện diện dưới nhiều dạng khác nữa. Những dạng vật thể khác nầy tạo thành những thế giới mà tôi xin gọi là thế giới phi vật chất. Các cấu trúc cơ bản của những loại vật thể nầy khác hẳn với loại vật thể trong thế giới chúng ta. Ở trạng thái thông thường các loại vật thể nầy và loại vật thể trong thế giới của chúng ta không cảm nhận sự hiện diện lẫn nhau được. Nói cách khác, trong điều kiện bình thường thì những thế giới phi vật chất nầy hoàn toàn không hiện hữu đối với chúng ta, và ngược lại.
Con người không thể dùng ngũ quan để cảm nhận những vật thể trong những thế giới phi vật chất nầy. Tuy vậy cần nhớ rằng con người cũng không thể cảm nhận được từ trường của trái đất, tia cực tím của mặt trời, vi khuẩn, vi sinh vật v.v. nhưng tất cả chúng ta đều công nhận rằng chúng hiện hữu. Khoa học kỹ thuật ngày nay đã sáng chế ra những dụng cụ để cho phép con người xác định và đo lường được những hiện tượng nầy. Vài trăm năm trước khi những dụng cụ nầy chưa được phát minh thì những hiện tượng nói trên vẫn đã hiện hữu bất kể con người biết đến chúng hay không.
Sự sống hiện diện trong những thế giới phi vật chất nầy cũng tương tự như sự sống hiện diện ở trong những thế giới vật chất. Ta hãy gọi những dạng thể khác nhau của sự sống trong những thế giới phi vật chất là “sinh dạng phi vật chất”, cũng như những dạng thể khác nhau của sự sống trong những thế giới vật chất là “sinh dạng vật chất”. Mỗi thế giới vật chất hay phi vật chất đều có thể có liên hệ bằng cách nầy hay cách khác với những thế giới vật chất hay phi vật chất khác.
Những sinh dạng trong không gian
Như đã nói ở trên, vô số những sinh dạng vật chất tương tự như sinh dạng trên địa cầu có thể hiện hữu trong hay ngoài thái dương hệ của chúng ta. Một trong những giả định về những sinh dạng trong không gian là những sinh thể được gọi là “người không gian” hay “người hành tinh” mà nhiều người tin rằng thỉnh thoảng đến thăm viếng địa cầu.
Có nhiều cách giải thích tại sao cho đến nay chúng ta vẫn chưa có bằng chứng vững chắc hay xác nhận được bằng khoa học về những sinh dạng trong không gian nầy.
Cách giải thích thứ nhất là lịch sử của nhân loại chỉ bao trùm một khoảng thời gian vài chục ngàn năm gần đây. Khoảng thời gian nầy chỉ là một cái chớp mắt so với các diễn biến khác trong vũ trụ. Ngay cả lịch sử chính thức của loài người cũng rất chủ quan và thiếu chính xác đến đỗi những nhà khảo cứu ngày nay chỉ có thể ước đoán một cách mơ hồ về nhiều sự kiện xảy ra trước công nguyên. Nhiều sự kiện quan trọng chắc chắn đã xảy ra mà không hề được ghi chép lại. Nếu lần cuối cùng mà những sinh dạng từ không gian đến thăm viếng địa cầu đã xảy ra khoảng hai mươi ngàn năm về trước thì sao? Như đã nói, hai mươi ngàn năm cũng chỉ là một khoảnh khắc rất ngắn trong vũ trụ. Loài người ở thời điểm đó chưa hề có khái niệm gì về “lịch sử” cả thì làm sao các cuộc thăm viếng nầy, nếu đã xảy ra, có thể được ghi nhận và thông tin lại cho thế hệ tương lai?
Cách giải thích thứ hai là khoa học kỹ thuật ngày nay của loài người có thể vẫn còn rất thô sơ và kém hiệu quả để phát hiện và xác định những chuyến thăm viếng địa cầu của người không gian. Điều có thể xảy ra là tuy vẫn đến thăm viếng thường xuyên nhưng vì lý do nào đó mà họ không muốn liên lạc trực tiếp hay ra mặt công khai với người địa cầu.
Một cách giải thích khác là ngay cả hiện nay, loài người cũng chưa thám hiểm, kiểm soát hay quan sát được hết tất cả nơi chốn trên trái đất nầy. Nếu những cuộc thăm viếng của người không gian chỉ xảy ra một cách lặng lẽ và ngắn ngủi trong những khu vực chưa biết đến nầy thì làm sao chúng ta có thể ghi nhận được?
Một điểm khả dĩ khác nữa là có thể hiện tượng người không gian đến trên địa cầu đã được xác định bởi một số tổ chức nào đó trên thế giới, tuy nhiên có thể là mọi dữ kiện đều được giữ kín vì lý do bí mật quân sự hay an ninh quốc phòng?
Những sinh dạng phi vật chất
Xác định sự hiện diện của những sinh dạng vật chất khác trong vũ trụ đã phức tạp, nhưng xác định sự hiện hữu của những thế giới phi vật chất còn khó khăn hơn nữa.
Một số tập hợp, thí dụ như nhóm “Kỷ nguyên mới” (New Age), gọi những thế giới nầy bằng những từ như “mặt phẳng” (plans) hay “kích thước” (dimensions) khác. Vài tôn giáo tin rằng thế giới vật chất của chúng ta nối liền đến hai thế giới phi vật chất mà họ gọi bằng một số tên tuy khác nhau nhưng cụ thể là “thiên đàng” và “địa ngục”.
Nếu đã chấp nhận khái niệm “thiên đàng, địa ngục” nầy rồi thì chúng ta chỉ cần bước thêm một bước ngắn nữa là sẽ đến với quan niệm là có vô số các thế giới phi vật chất khác, chúng cũng có liên hệ phần nào đến thế giới chúng ta. Như vậy thì cũng có thể là sự sống trong những thế giới nầy cũng có tương tác phần nào đến sự sống trên địa cầu? Phải chăng có nhiều sự sống (hay sinh dạng) từ nhiều thế giới khác nhau, chúng cũng chia sẻ một khoảng không gian và thời gian chung với nhau, hiện hữu chồng chất lên nhau, nhưng trong điều kiện bình thường thì những sinh dạng nầy không hề cảm nhận được nhau.
Nơi đây người ta dễ liên tưởng đến quan niệm về cái “chết”. Ta có thể xem cái chết là điểm chấm dứt của sự sống trong thế giới vật chất nầy. Nhiều người tin rằng khi chết thì phần cơ thể phi vật chất (thường được gọi là “linh hồn”) của cá thể sẽ hoặc tự nguyện hoặc bị bắt buộc thoát ra khỏi cái vỏ, tức là cái cơ thể vật chất của cá thể đó. Đồng ý là cho đến nay chưa hề có bằng chứng khoa học nào thừa nhận điều này, nhưng nếu chấp nhận nguyên lý bảo toàn năng lượng thì chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng sau khi cơ thể của một người mất sự sống và lần hồi tan rã đi thì cái thể tính đã tạo ra sự khác biệt giữa một người sống và một xác chết phải được biến đổi ra một cái gì khác. Tất cả những năng lượng trong tình cảm của một con người không thể chỉ tiêu tan mà không biến đổi ra thành một dạng năng lượng khác. Những thứ khác trong một con người như khả năng và mức độ cảm nhận, kiến thức, suy luận, thông minh, v.v. cũng có thể như vậy.
Có những tôn giáo quan niệm về tiền kiếp, hậu kiếp, sự tái sinh, sự sống trường cửu, v.v. Có thể là sau khi một cá nhân chết đi, cơ thể phi vật chất của người ấy vẫn còn giữ được tương đối nguyên vẹn trong khi biến đổi qua thành một hay nhiều những sinh dạng khác hiện hữu trong một hay nhiều những thế giới phi vật chất. Cái cơ thể phi vật chất nầy có thể vẫn chứa đựng một phần những cá tính đặc thù của cá nhân đó mặc dù nó đã chuyển hoán qua một hay nhiều dạng khác trong thế giới khác. Một cách nói khác là mỗi người có thể đều có một “linh hồn”, và linh hồn nầy có cùng một bản thể cá biệt trong đời sống nầy cũng như những đời sống khác. Dĩ nhiên liệu nó có nhận biết hoàn toàn được cái bản thể nầy hay không là một chuyện khác.
Những hiện tượng siêu nhiên
Tâm trí (the mind) của con người có thể là một trong những dụng cụ tinh vi nhất mà chúng ta có thể có. Ngay cả ngày nay, khoa học chỉ có thể hiểu được một phần rất nhỏ về khả năng của tâm trí. Một trong những điều mà có người tin là tâm trí có thể cho phép con người “liên lạc” được với những thế giới phi vật chất. Nó hơi giống như một loại radio, nếu vặn đúng băng tần thì sẽ cho phép chủ nhân nghe hay thấy những thứ mà trong điều kiện bình thường người nầy sẽ không bao giờ nghe thấy được. Ta có thể giải thích sự hiện tượng “gặp ma” bằng cách tương tự.
Tâm trí có thể được so sánh với một cánh “cổng” nối liền thế giới nầy với những thế giới phi vật chất. Cánh cổng nầy có thể mở ra được trong một số trường hợp nhất định.
Trường hợp thứ nhất là khi tâm thần, tình cảm bị chấn động dữ dội. Thí dụ như khi một cá nhân vừa mới mất người thân thường xúc động và thương tiếc mãnh liệt và điều này có thể sinh ra khả năng cảm nhận được linh hồn của người thân vừa chết. Hiện tượng nầy, nếu xảy ra, thường nằm ngoài chủ ý hay sự điều khiển của cá nhân.
Trường hợp thứ hai là bằng một sự cố gắng có chủ ý, như qua một quá trình tập trung tư tưởng cao độ của các thiền giả (trong một số phương pháp thiền) hay của đồng cốt. Đây là điều gây ra rất nhiều nghi vấn. Liệu những người nầy có thật sự liên lạc được với thế giới khác hay không; và nếu có thật thì chính họ có thể điều khiển được bao nhiêu phần trong những thứ mà họ có thể nghe hay thấy?
Có khi cánh cổng đó được mở ra bởi ngoại lực. Đây là khi có một số điều kiện thiên nhiên mạnh mẽ nào đó dự phần vào. Thí dụ như ở những địa điểm trên mặt đất mà địa từ trường (hay có thể những loại “trường năng lượng” khác) tập trung hay dao động một cách khác thường. Đây có thể là lý do mà ở một số địa điểm người ta thường có thể cảm nhận hay chứng kiến những hiện tượng “ma quỷ”, “vong hồn”, v.v. hiện ra. Những môi trường năng lượng đặc biệt nầy không cố định; cường độ, tính chất của chúng có thể thay đổi theo thời gian. Những loại trường năng lượng nầy cũng tác động lên mỗi người một cách khác nhau; vì thế có người có thể cảm nhận được những hiện tượng “ma quỷ” dễ dàng hơn những người khác cũng cùng đang hiện diện.
Có khi cánh cổng của một người có thể bị mở ra bởi một sinh dạng từ thế giới khác. Sinh thể từ một thế giới khác có thể vô tình hay cố ý mở khóa được cái cổng của một người và làm cho người nầy cảm nhận được sự hiện diện của nó. Một thí dụ trong trường hợp nầy có thể thường được gọi là “quỷ nhập”.
Như đã nói ở trên, sinh thể trong thế giới nầy, người và thú, thường không cảm nhận được sự hiện diện của những sinh thể trong những thế giới khác. Trong điều kiện bình thường, chúng không giao thoa, không gặp gỡ. Ta không rõ sinh thể, sinh dạng ở những thế giới khác hiểu biết bao nhiêu về sự hiện diện của chúng ta trong thế giới nầy. Tuy nhiên, không thể loại bỏ khả năng trong đó một số thế giới có thể rất tiến bộ so với những thế giới khác kể cả của chúng ta, và do đó có nhiều kiến thức rất sâu rộng hơn chúng ta về sự liên hệ giữa những thế giới với nhau.
Luật nhân quả hay Nghiệp lực (Karma)
Phần lớn những suy luận dưới đây dựa vào nguyên lý bảo toàn năng lượng. Từ “năng lượng” bao gồm tất cả mọi dạng, từ vật chất đến phi vật chất trong thế giới nầy và những thế giới khác. Trong bất cứ thể lượng lớn nhỏ của tất cả mọi vật thể, từ một viên đá đến một cành cây, đều có chứa đựng một khối năng lượng. Một cảm xúc, yêu thương hay ganh ghét, đều là một dạng năng lượng. Một ý nghĩ hay một hành động (có thể được gọi là một “biến cố”) – hiền từ hay ác độc, cố ý hay vô tình – đều mang một khối năng lượng. Tính chất của loại năng lượng nầy có thể được gọi là “thiện tính” hay “ác tính” tùy theo tính chất của năng lượng chủ yếu, hiền lành hay độc ác. Ta chưa biết cách đo lường các năng lượng loại nầy nhưng điều này không cần thiết ở đây.
Hãy thử liên tưởng đến qui luật “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Một sinh lực mang thiện tính có khuynh hướng thu hút cùng một thứ năng lượng cũng có thiện tính. Hạnh phúc, yêu thương, hòa đồng, v.v. là vài thí dụ của loại diễn biến thiện tính nầy. Ngược lại, một người gây ra nhiều diễn biến mang ác tính sẽ cho làm sinh lực của mình mang nhiều ác tính và từ đó sẽ thu hút nhiều diễn biến có ác tính xảy ra cho mình.
Bất cứ một biến cố xảy ra ở bất cứ thời điểm nào cũng đều có thể được coi là hậu quả của một hay nhiều diễn biến xảy ra ở một hay nhiều thời điểm khác. Nếu mở rộng lối lý luận vừa rồi thêm thì mỗi biến cố xảy ra ở bất cứ thời điểm nào cũng có ảnh hưởng đến một hay nhiều diễn biến xảy ra ở một hay nhiều thời điểm khác. Lý thuyết nầy chính là thuyết “Nhân quả” và là một nguyên lý nền tảng trong Phật giáo.
Xin lưu ý là trong những đoạn văn trên, tôi đã cố ý không dùng những từ như “quá khứ”, “hiện tại” hay “tương lai”. Trong thế giới của chúng ta, thời gian được coi là có một chiều và một hướng nhất định; có nghĩa là chúng ta chỉ thấy là thời gian luôn luôn đi tới theo đường thẳng. Đối với chúng ta, quá khứ xảy ra trước hiện tại và hiện tại xảy ra trước tương lai. Có thể là trong những thế giới khác, thời gian có nhiều chiều hướng hơn. Có nghĩa là thời gian không “chạy” theo một đường thẳng nữa mà có thể đi theo nhiều đường cong khác nhau. Diễn biến xảy ra trong quá khứ, hiện tại và tương lai không nhất thiết xảy ra theo một thứ tự nào cả. Sự áp dụng của khái niệm nầy vào thế giới của loài người sẽ trở thành cực kỳ phức tạp và vượt xa hẳn khỏi tầm hiểu biết của phần lớn chúng ta.
Như vừa nói, khi một người làm bất cứ một điều gì ở một thời điểm thì điều đó sẽ có ảnh hưởng ít nhiều đến tương lai của người ấy. Điều gì xảy ra đến một người ngày hôm nay có thể được coi là bị ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp bởi một hay nhiều diễn biến liên can đến cũng người đó trong kiếp sống nầy hay kiếp sống khác, trong thế giới nầy hay trong thế giới khác. “Gieo hạt nào thì hái quả ấy”. Tuy nhiên, vấn đề không phải thô sơ như là khi bạn hãm hại một người hôm nay thì bạn sẽ bị người ấy, hay ai khác, hãm hại lại giống như vậy trong tương lai. Sự vận hành của những thiện tính hay ác tính trong hành động và ý nghĩ của chúng ta luôn luôn tuân theo nguyên lý bảo toàn năng lượng, nghĩa là một diễn biến ác tính chỉ có thể được hóa giải bởi những diễn biến thiện tính bằng hay lớn hơn, và ngược lại. Đây là một cách giải thích về khái niệm “âm đức” trong dân gian Việt Nam; “đức lành” tương ứng với năng lượng thiện tính gây ra hay tích lũy trong sinh lực của một người, “nghiệp dữ” tương ứng với năng lượng ác tính. Tuy vậy, chi tiết chính xác về phương cách và công thức để ứng dụng sự vận hành nầy có thể quá phức tạp cho tư duy con người chúng ta.
Vận mạng
Rất có thể là mỗi người chúng ta sinh vào cõi đời nầy với một số lượng “đức lành” hay “nghiệp dữ”. Những nghiệp lực (năng lượng lành hay dữ) nầy là kết quả của những diễn biến trong quá khứ ở những kiếp (hay thế giới) khác. Tương lai suốt cuộc đời của người nầy có thể được tiên đoán khá chính xác dựa lên những nghiệp lực nầy, nếu không có diễn biến nào khác xảy ra. Tuy nhiên, vì hầu như luôn luôn là sẽ có nhiều sự việc, hành động, ý nghĩ, quyết định, v.v. xảy ra trong cuộc đời mỗi người từ giây phút được sinh ra, tương lai của người nầy sẽ tiếp tục biến hóa và thay đổi không ngừng. Tương lai, hay vận mạng, tuy thay đổi vô tận nhưng luôn luôn chịu ảnh hưởng bởi ý nghĩ và hành động của người đó. Do đó, ta có thể nói rằng tương lai hay vận mạng của một người nằm trong tay của chính người đó.
Tuy vậy, một người không thể nào điều khiển hoàn toàn được vận mạng của mình. Những nghiệp lực lành hay dữ trong cuộc đời của một người cũng chịu ảnh hưởng bởi nghiệp lực của những sinh thể đã từng có liên hệ trực tiếp hay gián tiếp với người nầy ở kiếp nầy hay những kiếp khác. Khái niệm nầy thường được gọi là “cộng nghiệp”, để phân biệt với “biệt nghiệp” của mỗi cá nhân. Bởi vì cuộc đời của mỗi sinh thể luôn luôn đã, đang và sẽ dính dáng đến vô số cuộc đời của vô số những sinh thể khác, một người không thể nào hoàn toàn tách rời vận mạng của mình ra khỏi vận mạng của toàn khối của vô số những sinh dạng khác. Tuy vậy như đã nói ở trên, một người thường có thể quyết định một phần lớn vận mạng của mình.
Mỗi người chúng ta phải tự làm việc để tăng trưởng trên bậc thang tâm linh. Nói chung là không có ngoại lực gì, dù cao cả đến mấy, có thể thay đổi vận mạng toàn diện của một người. Nhiều tôn giáo truyền giảng rằng nếu người ta cầu nguyện và tôn thờ một đấng thiêng liêng hay vị thần thánh nào đó thì sẽ được cứu rỗi. Lối rao truyền nầy rất hấp dẫn đối với nhiều người vì theo đó thì cá nhân không còn cần phải gánh vác trách nhiệm đối với tâm linh mình nữa.
Đầu thai, tái sinh
Như đã nói ở trên, có hằng hà sa số sinh dạng trong hằng hà vô số thế giới, vật chất và phi vật chất. Mỗi sinh dạng có hằng hà sa số sinh thể (hay sinh lực cá nhân). Thí dụ, mỗi giống loại sinh vật trên địa cầu nầy có thể được coi là một sinh dạng, và mỗi cá thể, người ta hay thú vật, có thể được coi là một sinh thể (hay sinh lực riêng biệt).
Mỗi sinh dạng nầy (nghĩa là tất cả các sinh thể vật chất sống trên hành tinh nầy hay trên bất cứ tinh tú nào khác, cũng như tất cả sinh thể trong tất cả những thế giới phi vật chất) có thể được coi là có một trình độ phát triển khác nhau trong quá trình tiến hóa. Mỗi cá nhân của loài người có một trình độ tiến hóa tuy tương tự nhưng khác nhau ít nhiều so với những cá nhân khác. Cũng có trường hợp một cá nhân trong loài người có thể mang trình độ tiến hóa thấp hơn trình độ tiến hóa của một con vật nhất định.
Xin chú ý là từ “trình độ phát triển khác nhau trong quá trình tiến hóa” ở đây không những nói về lãnh vực vật chất mà quan trọng hơn là lãnh vực phi vật chất của một cá thể. Trong trường hợp của một con người, đây là sự tiến triển về phương diện tâm linh cũng như toàn bộ những năng lượng tích trữ trong sinh lực của họ. Vì vậy, từ “sự phát triển tâm linh” và từ “sự phát triển qua quá trình tiến hóa” ở đây có khi được dùng tương đương nhau.
Khi một người trên địa cầu vừa chết đi, tùy vào tình trạng tiến hóa tâm linh của họ ở thời điểm đó mà phần phi vật chất, hay “linh hồn”, của họ có thể được hoán đổi thành một trong nhóm loại những sinh dạng nào đó. Nhóm loại những sinh dạng nầy có trình độ tiến hóa tương đương với trình độ tiến hóa của người nầy trước khi họ chết. Chỉ có những người đã đạt được sự tiến hóa tâm linh cao mới có thể hoán chuyển thành những sinh dạng hay di nhập vào những thế giới có trình độ tiến hóa cao. Những người có trình độ tiến hóa thấp chỉ có thể hoán chuyển thành những sinh dạng thấp tương tự.
Một sinh thể tuy không thể nào hoán chuyển thành một sinh dạng tiến bộ hơn, có thể vì lý do gì đó, lựa chọn để hoán chuyển thành một sinh dạng hơi thấp hơn trình độ tiến hóa của mình. Có thể đây là cách giải thích tại sao một vài cá thể có vẻ được sinh ra với những đặc tính (vật chất cũng như tâm linh) ưu việt so với những cá thể cùng loại khác.
Tôi thiết nghĩ rằng sau khi chết, hầu hết linh hồn con người đang sở hữu một trình độ tiến hóa tương đương với trình độ của một con người bình thường sẽ có khuynh hướng lựa chọn được hoán chuyển trở lại thành loài người.
Trong khi xem luật Nhân quả là lực tác động chính trong quá trình nầy, Phật giáo cho rằng lý do để con người luôn muốn hoán chuyển trở lại thành sinh dạng cũ là vì lòng lưu luyến của họ đến những cám dỗ vật chất và tình cảm trong cái thế giới không hoàn hảo nầy. Sự phát triển tâm linh đưa đến giác ngộ có thể giải thoát một cá nhân ra khỏi cái vòng khổ lụy vô tận nầy. Một người đã giác ngộ là một người đã đạt được trình độ tiến hóa tâm linh cao và không còn mong muốn trở lại sinh dạng kém hoàn hảo nầy nữa.
Một nhận xét lý thú là trong truyền thống Á Đông, ý niệm rất phổ thông gọi là “tiền duyên” chẳng qua là một chuyển biến tình cảm của luật Nhân quả. Người ta tin rằng những người yêu nhau khi đã nhất tâm chung sống với nhau nhưng vì lý do gì đó mà không thực hiện được ước vọng trong kiếp sống nầy sẽ có thể tái sinh lại trong những kiếp sống trong tương lai để gặp gỡ lại và cố gắng thực hiện điều họ đã mơ ước.
Nguồn gốc của thần linh
Đại đa số người ta trong thế giới nầy sinh ra với một “tôn giáo”. Từ giây phút mới sinh ra, họ thường đã theo gia đình hay xã hội sống trong một tôn giáo nhất định. Nhiều người lớn lên, sống hết cuộc đời họ và sau cùng chết đi cũng với cái tôn giáo nầy. Nhiều người hết lòng bảo vệ tôn giáo và có khi sẵn sàng hy sinh mạng mình để chiến đấu cho nó nhưng có thể chưa hề tự hỏi là mình có thật sự hiểu biết về nó. Nhiều người tự cho mình theo quan niệm “bất khả tri” vì không muốn bị lôi kéo vào một thứ mà họ không hiểu rõ. Nhiều người tự mình họ là “vô thần” vì họ không thể chấp nhận cách trả lời quá đơn giản về nguồn gốc sự sống của nhiều giáo phái đang lan tràn trên thế giới.
Khác với loài vật, chỉ có con người mới có tôn giáo. Khi phải đối diện với những hiện tượng “siêu nhiên” đáng sợ không thể giải thích được, chỉ có loài người mới có tư duy sáng tạo ra những câu trả lời nhằm trấn an chính mình. Có thể con người cần thấy họ phải có một thủ lãnh để bảo vệ họ và để cho họ tuân phục. Đây là nguyên cớ và lý do hình thành vị thần linh đầu tiên và dần dần tôn giáo phát sinh. Rồi càng lúc càng nhiều thần linh và tôn giáo khác được phát minh ra thêm để cung ứng những giải đáp thỏa đáng hơn cho những câu hỏi càng ngày càng phức tạp khi con người càng lúc càng phát triển hơn.
Đến nay, chưa hề có một tôn giáo nào có thể đáp ứng được cho tất cả mọi người trên hành tinh nầy. Lý do chính là vì chưa hề có một giáo điều của bất cứ tôn giáo nào có thể được chấp nhận và minh chứng bằng phương cách khoa học.
Tiến hóa hay Sinh tạo?
Người theo thuyết Tiến hóa quan sát những sinh vật hiện tại trên địa cầu và cho rằng tập hợp vĩ đại của vô số những giống loài nầy hẳn phải là kết quả của một quá trình tuyển chọn và tiến hóa trong thiên nhiên. Người theo thuyết Sinh tạo tin rằng nếu sự sống của mọi vật kỳ diệu như thế nầy thì chúng chắc phải được sinh tạo ra bởi một siêu thể toàn trí.
Khoảng 30 năm về trước xuất hiện tác phẩm “Mã xa của Thượng đế” (Chariots of the Gods) của Erich Von Däniken. Tác giả nầy đưa ra giả thuyết rằng người không gian đã đến thăm viếng địa cầu trong quá khứ, và rất có thể là loài người chúng ta xuất xứ từ những người không gian nầy. Tác phẩm này chứa đầy những “bằng chứng khoa học” cùng với nhiều cách lý luận có vẻ khá đáng tin để hỗ trợ giả thuyết của tác giả. Sau đó Von Däniken còn viết thêm nhiều cuốn nữa. Nhiều “dữ kiện” và “bằng chứng khoa học” nữa được đưa ra. Tất cả đều có vẻ khá đáng tin và vững chắc. Sau đó lại xuất hiện tác phẩm “Quá khứ là từ Con người” (The Past is Human) của Peter White, người chống đối kịch liệt lại giả thuyết cho rằng nhân loại xuất xứ từ người không gian. Những tác phẩm loại này, cũng với đầy đủ những “bằng chứng khoa học” đáng tin không kém, đều lý luận và kết luận ngược hẳn lại chiều hướng của Von Däniken. Điều lý thú nhất mà ta nhận thấy là cả Von Däniken và những tác giả chống đối ông nhiều khi sử dụng cùng những dữ kiện và quan sát giống nhau nhưng lại đi đến những cách diễn giải hoàn toàn đối nghịch nhau.
Bài học mà ta gặt hái được từ kinh nghiệm trên là bất cứ một sự khảo sát nào cũng có thể được diễn giải, và hỗ trợ bởi một số những “bằng chứng khoa học”, theo phương hướng hoàn toàn khác nhau. Những cách diễn giải nầy tuy có thể thành tâm, nhưng chúng ta phải nhớ rằng con người lúc nào cũng có khuynh hướng chỉ có thể thấy được những gì mình muốn thấy.
Thuyết Tiến hóa có thể vẫn còn có nhiều lỗ hổng và hiện nay vẫn chưa được tất cả mọi người chấp nhận. Địa tầng học và tài liệu về vật hóa thạch ngày nay vẫn chưa cung cấp đầy đủ bằng cớ để chứng minh rõ ràng những gì Darwin giả định. Một số khoen xích vẫn còn đang thất lạc và có thể đây là nhược điểm lớn nhất của giả thuyết nầy. Tuy vậy, thuyết Sinh tạo đang ở một vị thế yếu kém hơn nhiều vì những người theo chủ thuyết nầy chỉ có thể đưa ra những câu trả lời quá đơn giản đến độ ngây ngô dựa trên những tiền đề chưa hề được minh chứng, được gọi là “đức tin”.
Để kết luận
Tôi tự cho mình là một "Phật tử vô thần". "Phật tử" vì cách suy nghĩ của tôi chịu nhiều ảnh hưởng bởi một vài trường phái trong Phật giáo, và "vô thần" vì tôi không tin ở một Thượng đế có nhân tính.
Tôi tin rằng tất cả mọi vật đều có liên hệ tương quan lẫn nhau. Tôi tin rằng không có gì có thể tồn tại hay hiện hữu mà không chịu ảnh hưởng hay liên hệ cách nầy hay cách khác với những sự vật khác. Mỗi diễn biến, mỗi vật thể đều ảnh hưởng đến sự hiện hữu và tiến hóa của các diễn biến và vật thể khác. Mối liên hệ tương quan nầy tuân theo những định luật vũ trụ, và chi tiết về đặc tính của những định luật nầy thật ra quá phức tạp để khả năng kiến thức hiện tại của loài người có thể hiểu được.
Tôi tin ở sự "luân hồi" trong vạn vật. Nghĩa là mỗi diễn biến, mỗi vật thể đều thành hình, phát triển, hoại diệt hoặc là thành một thể dạng khác (mà thể dạng mới nầy cũng phát triển, hoại diệt một cách tương tự), hoặc là thành tạo trở lại dưới cùng thể dạng cũ và bắt đầu lại lần nữa. Trong mỗi chu kỳ nầy, sự vật luôn luôn thay đổi không ngừng từ giây phút thành hình cho đến giây phút tan rã. Chúng ta có thể thấy điều nầy xảy ra trong sự sống của một con người từ sinh đến tử. Chúng ta có thể thấy được điều nầy ở vạn vật trên trái đất trong khoảng thời gian 24 giờ của một ngày. Chúng ta có thể thấy được điều nầy ở những nền văn minh, những đế quốc từ lúc lập thành cho đến khi sụp đổ. Tôi tin rằng ngay cả tình cảm và mối liên hệ giữa con người với nhau cũng tuân theo định luật nầy.
Tôi lớn lên trong một gia đình đạo Phật “bình thường”. Trong gia đình tôi, Phật Thích-ca được tôn thờ như là một vị Thượng đế có nhân tính, thấu hiểu mọi điều, bảo vệ, ban bố lợi lộc cho tín đồ thành tâm cúng bái, thắp nhang, tụng kinh. Đây là cách tôn thờ Phật Thích-ca phổ biến rất rộng rãi ở Châu Á xưa và nay. Bây giờ nhìn lại, tôi thấy đây không gì khác hơn là một sự kết hợp giữa những ngộ nhận về lời dạy của Thích-ca Mâu-ni và những hình thái mê tín dị đoan. Tôi đã trải qua một thời gian dài trước khi tự giải thoát ra khỏi loại Phật giáo nầy. Đây là một quá trình diễn tiến chậm chạp qua nhiều giai đoạn. Tôi nghĩ tôi thật sự cắt đứt mình hẳn ra khỏi lối tín ngưỡng nầy khi tôi tình cờ gặp một tăng sĩ người Anh. Nguyên tắc tu hành của ông là “hãy tự kiểm nghiệm cho chính mình chớ đừng bao giờ tin lời của ai khác hết”. Từ đó tôi ứng dụng nguyên tắc nầy vào mọi phương diện sống của tôi. Cái sức mạnh trong niềm tin rằng vận mạng của mỗi người hầu hết nằm trong tay người đó đem đến nguồn giải thoát tâm linh lẫn mầm hy vọng đối trị được nỗi sợ hãi của sự chết.
Sự kiện tôi tin vào luật Nhân quả không làm cho tôi luôn luôn chọn con đường nhiều thiện tính nhất trong đời sống của mình. Tuy thế, mỗi khi tôi quyết định một việc gì thì tôi biết rằng chính tôi và chỉ có tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm tâm linh về quyết định đó. Niềm tin nầy an ủi tôi khi phải đương đầu với nghịch cảnh và đem đến sức mạnh khi tôi biết rằng vận mạng của tôi hầu hết tùy thuộc ở chính mình. Tôi không thể tin rằng một người dù đang ở trong một trạng thái tâm linh bần cùng cách mấy, nếu đem lòng yêu thương và tôn thờ một vị thần linh nào đó thì sẽ có thể được ban bố phước lành lập tức. Nếu thật sự là có một đấng Chí tôn muốn nhân loại cần phải “bán thân” trong phương diện tâm linh như thế, thì tôi thà xin làm một con thú hoang đứng tách rời ra càng xa khỏi đàn cừu của ông ta càng tốt.
Theo tôi, khăng khăng bảo thủ và nhất định không tìm hiểu về những quan điểm khác là dấu hiệu của sự ngạo mạn và ngu dốt. Tôi chủ trương cởi mở trong con đường tìm hiểu để đi đến một câu trả lời có thể chấp nhận được về ý nghĩa của sự sống. Tôn giáo như chúng ta biết chỉ là một cách giải thích gượng ép để cố gắng trả lời những câu hỏi hoàn toàn nằm ngoài tầm hiểu biết của nền văn minh con người. Nếu sự sống trên hành tinh nầy không gì khác hơn là một dĩa cấy vi khuẩn mà một vài siêu thể nào đó đang làm thí nghiệm thì sao? Nếu, bất kể các điều gì tôi vừa nói ở trên, sự sống của tất cả chúng ta chỉ là sự ngẫu nhiên trong vũ trụ và chúng ta chỉ được tạo thành một cách vô tình và rồi sẽ từ từ tiêu tan đi vĩnh viễn thì sao?
Cho đến ngày chúng ta biết rõ ràng về Sự thật, tôi nghĩ là một chút kính trọng và yêu thương lẫn nhau giữa mọi sinh vật, con người cũng như tất cả động vật thực vật khác, sẽ có nhiều ý nghĩa hơn bất cứ lễ nghi tôn giáo hay niềm tín ngưỡng nhiệt tình nào.