Đêm qua, tôi đã thức suốt đêm để viết tiếp vở kịch về tên bạo chúa Lê Long Đĩnh. Sau đó tôi ngủ vùi gần 11 giờ sáng mới thức dậy.
Tôi mở toang các cửa phòng cho nắng ùa vào rồi đi làm vệ sinh cá nhân. Tôi đang cắm bếp điện, nấu một ấm nước sôi để pha trà thì bác quản gia bước vào phòng. Bác đặt một tách cà phê đen trên bàn:
- Con tôi mới cho một ít cà phê đặc biệt. Tôi pha cho cậu uống thử. Tôi đợi mãi mới thấy cậu thức dậy.
- Cám ơn bác. Tối qua tôi thức làm việc quá khuya.
Rồi tôi kéo ghế mời bác ngồi. Bác xua tay:
- Thôi, tôi xuống nhà dưới để cậu tiếp tục làm việc.
- Bây giờ tôi rảnh rỗi. Bác cứ ngồi nói chuyện cho vui.
Bác quản gia ngồi xuống ghế. Tôi mời bác hút thuốc rồi hỏi:
- Chắc bác cũng biết bà chủ sắp bán nhà. Rồi vợ chồng bác sẽ đi đâu?
- Bà chủ có hứa sẽ cho vợ chồng tôi một số vốn để làm ăn. Chúng tôi sẽ về Tùng Nghĩa làm vườn với thằng con trai. Còn cậu bao giờ về Saigon?
Tôi nhấp một hớp cà phê đen. Mùi cà phê thơm ngon tuyệt vời. Tôi nói:
- Tối thứ bảy này sẽ trình diễn vở kịch của tôi ở đây. Có thể sáng chủ nhật tôi sẽ trở về Saigon sớm. Bác có thích xem kịch không? Tôi sẽ tặng bác một giấy mời.
Bác quản gia vuốt râu cằm:
- Cám ơn cậu. Buổi tối tôi chỉ thích làm vài ly rượu rồi ngủ cho khỏe.
Tôi cười nói:
- Tôi cũng muốn vậy mà không được.
- Chỉ có uống rượu rồi ngủ. Dễ vậy mà cậu cũng không làm được?
Tôi lắc đầu:
- Tôi bắt buộc thức khuya viết kịch để kiếm ăn.
- Vậy cậu giống con vạc chuyên đi kiếm ăn đêm.
- Tôi còn khổ hơn con vạc vì phải lo kiếm ăn cả ban ngày nữa.
Bác quản gia mỉm cười:
- Lo kiếm ăn như cậu, chẳng bao lâu sẽ giàu như ông chủ.
Tôi hớp một hớp cà phê rồi cười theo:
- Giàu rồi chết thê thảm như ông chủ, tôi không ham. À, hôm ông chủ chết, bác có chứng kiến?
Bác quản gia lim dim đôi mắt để nhớ lại chuyện đã qua.
- Tôi cũng sắp chia tay bà chủ và rời khỏi ngôi nhà này. Vậy tôi kể lại cho cậu rõ:
Buổi sáng hôm ấy tôi đang ngồi uống trà. Bên ngoài cửa sổ trời còn tối mờ và sương giăng đầy. Hình như mới hơn 5 giờ sáng. Chợt có tiếng súng nổ làm tôi giật mình, mở cửa đi ra ngoài vườn. Tôi cứ nghĩ tiếng súng nổ ở ngoài đường. Rồi có tiếng la hét "Ba ơi, ba ơi" của con bé Lan Hương, tôi hốt hoảng chạy băng qua sân lên nhà ông chủ rồi leo lên lầu.
Cửa phòng ông chủ mở toang. Đèn trong phòng còn bật sáng. Ông chủ nằm sấp trên tấm thảm xanh, đầu đầy máu. Khẩu súng săn nằm dưới chân ông. Con bé nằm ôm vai người cha, đã bất tỉnh. Tôi bủn rủn tay chân, đứng bất động một lúc rồi chạy đi gọi công an.
Họ đến đem con bé Lan Hương vào nhà thương cấp cứu. Ông chủ chết ngay tại chỗ vì đã ngậm đầu súng trong miệng rồi tự bóp cò.
Tôi gật đầu nói:
- Đúng là chết giống như Hemingway!
- Cậu nói ông chủ chết giống ai?
- Giống một nhà văn nổi giếng trên thế giới mà ông chủ rất yêu thích.
Bác quản gia nhíu mày suy nghĩ.
- Đã giàu có rồi, không lẽ ông chủ còn muốn được "nổi tiếng"?
- Thì cái chết của ông ấy đã "nổi tiếng" khắp thành phố này rồi. Hôm ông chủ chết, bà chủ đang ở Saigon à?
- Bà chủ có công chuyện đã đi xuống Saigon trước đó hai ngày. Tôi phải gọi điện thoại cho bà về làm đám tang cho ông.
- Theo bác, hai người sống với nhau có hạnh phúc không?
Bác quản gia trầm ngâm:
- Trước kia, vợ chồng ông chủ sống với nhau rất hạnh phúc. Cho đến khi ông chủ bị tai nạn. Trong một buổi đi săn, ông bị cọp vồ vào hạ bộ khiến ông bị bất lực. Bà chủ đang tuổi hồi xuân nên đã có tình nhân mới. Ông chủ muốn ly dị nhưng lại sợ theo luật pháp người mẹ có quyền giữ cô con gái. Đã nhiều lần tôi thấy ông chủ chĩa súng ngắm vào bông hồng trong vườn, rồi ông lắc đầu, bỏ súng xuống. Có lẽ để khỏi giết người khác, ông đã phải tự giết mình.
- Trước khi ông chủ mất, cô bé sống có bình thường?
- Nó sống cũng như những đứa trẻ khác cùng lứa tuổi. Đi học, vui chơi, nghịch ngợm. Cái chết thê thảm của người cha khiến nó hoàn toàn thay đổi tính nết. Đầu óc nó có vẻ bất bình thường. Nó sống lầm lũi như bà già. Thỉnh thoảng người ta thấy nó đứng khoa chân múa tay nói chuyện với cái bóng của nó. Ngay với bà chủ, nó cũng thường ngồi lặng im và chăm chú quan sát bà. Gần hai năm rồi cô bé chưa về lại ngôi nhà này, nơi nó đã sinh ra. Chắc bà chủ ngăn cấm không cho nó về. Nhiều lúc tôi nhớ con bé cũng như nhớ một đứa cháu ngoan ở xa. Vì tánh nó rất thương người, không kiêu kỳ như những đứa con nhà giàu khác.
Tiếng máy xe Vespa nổ dòn từ ngoài cổng và Đăng lái xe chạy dến ngay trước cửa phòng tôi. Anh dựng xe rồi bước nhanh vào phòng. Giọng hớt hải:
- Cậu biết tin gì chưa?
Tôi đứng dậy hỏi lại:
- Buổi diễn ra mắt vở kịch bị trục trặc à?
Đăng lắc đầu:
- Con gái bà chủ đã bị tai nạn.
Bác quản gia kêu lên:
- Trời ơi! Con bé có sao không?
Tôi hốt hoảng hỏi Đăng:
- Cậu biết tin khi nào?
- Mới sáng nay. Tôi đem giấy mời xem kịch đến nhà bà chủ ở với người em. Bà chủ không có nhà. Người giúp việc cho biết bà chủ đã vào nhà thương lo cấp cứu cho con gái.
- Tôi mới nói chuyện với cô bé tối qua mà. Em bị đụng xe sáng nay à?
- Người giúp việc không nói nên tôi không biết. Tôi đến để chở cậu cùng vào nhà thương hỏi thăm.
Tôi quay qua nói với bác quản gia:
- Nhờ bác đóng cửa phòng giúp. Tôi đi về sẽ kể lại mọi chuyện cho bác rõ.
Bác quản gia đôi mắt đỏ hoe:
- Tội nghiệp con bé. Mong sao nó đừng đi theo ông chủ quá sớm.
Tôi không biết nhà thương của thành phố nằm ở đâu nên ngồi im cho Đăng lái xe chở đi. Qua khu trung tâm thành phố, Đăng phóng xe thật nhanh về hướng thác Cam Ly. Đến một ngã ba, anh quẹo mặt rồi từ từ chạy lên đồi dốc.
Bệnh viện trắng xóa nằm trên đỉnh đồi, giữa những cây thông xanh. Đăng gửi xe.
Chúng tôi đi bộ đến phòng cấp cứu để hỏi thăm tin tức. Cô y tá trực đang ngồi đọc báo ở bàn. Khi tôi nói tên cô bé, cô y tá mở sổ ra xem rồi hỏi lại:
- Cô bé bị chết đuối à?
- Sao lại chết đuối? Cô bé bị tai nạn xe cộ hay bị trúng gió gì đó.
- Vậy không có cô đó ở đây.
Tôi năn nỉ:
- Nhờ cô xem kỹ lại trong sổ.
Cô y ta nhìn vào sổ trực một lần nữa rồi nói:
- Chỉ có cô bé bị chết đuối. Đã chuyển xuống nhà xác lúc bảy giờ. Ông hãy xuống nhà xác xem có đúng không?
- Xin lỗi cô, nhà xác nằm ở đâu?
- Ông đi vòng qua phía sau dãy lầu này rồi đi thẳng về phía tay trái.
- Cám ơn cô.
Tôi cúi gầm mặt bước đi, lòng phân vân tự hỏi. Tại sao cô bé lại bị chết đuối? Ở đây làm gì có sông ngòi để em đi bơi? Đăng im lặng bước theo tôi, chắc anh cũng không biết nhà xác nằm ở đâu để dẫn đường.
Tôi hỏi thăm ông y tá mặc áo blouse trắng đi ngang qua. Ông chỉ một dãy nhà trệt nằm phía lưng chừng đồi. Tôi đi như chạy xuống dưới đó. Tôi hy vọng đấy chỉ là một sự nhầm lẫn vì trùng tên. Cô bé vẫn còn sống, chắc thế. Và em đang nằm điều trị trong một phòng nào đó trên dãy lầu cao kia.
Người ta đang chuyển một quan tài từ nhà xác ra chiếc xe tang màu đen đậu ở trước cửa. Tôi thấy bà vú đang ngồi lấy khăn tay lau nước mắt ở bên ngoài nhà xác. Tôi chạy vội đến hỏi:
- Cô bé đâu?
Bà ngước lên nhìn tôi rồi òa khóc:
- Nó nằm ở trong đó.
Tôi và Đăng cùng bước vào nhà xác. Các cửa sổ đều đóng kín. Những bóng đèn tròn có chóa, buông thõng từ trần nhà xuống, tỏa ánh sáng vàng đục. Trên một dãy giường sắp hàng dài có khoảng bốn, năm người nằm, tấm ra trắng phủ kín đầu. Tôi hỏi thăm người trực, ông mở sổ ra xem và chỉ giường số 6.
Tôi run run vén tấm ra phủ kín đầu người nằm trên giường. Tôi ứa nước mắt khi nhìn thấy mặt cô bé xanh như một nhánh rêu. Tóc em chải ngược về sau để lộ cái trán vồ bướng bỉnh. Đôi mắt em nhắm nghiền. Tôi khẽ vuốt đôi mắt ấy và cảm thấy da em lành lạnh. Đấy không phải là khuôn mặt thường ngày của cô bé. Đấy là chiếc mặt nạ bằng sáp của những người dự hội hóa trang ở cõi chết. Tội nghiệp cô bé chưa đến tuổi để dự dạ hội đó. Vậy mà em vẫn phải nhận giấy mời.
Tôi kéo tấm ra lên che kín mặt cô bé rồi lấy tay chùi những giọt nướt mắt trên má mình. Đăng ôm vai tôi dìu đi. Ra ngoài nhà xác, Đăng hỏi bà vú:
- Bà chủ đâu?
- Bà ấy đang lo thủ tục xin chôn cất.
Đăng quay qua nói với tôi:
- Cậu ngồi đây. Tôi lên văn phòng xem có giúp được gì cho bà ấy.
Đăng bước đi. Tôi ngồi xuống ghế gỗ bên cạnh bà vú.
- Cô bé chết đuối khi nào vậy bà?
- Ngay tôi qua.
- Tối qua? Tôi còn gặp bà vú và cô bé ở nhà hàng Thủy Tạ mà?
Bà vú sụt sùi lau nước mắt rồi kể:
- Tối qua khi cậu dắt cô bạn gái ra về, con bé đã bặm môi nhìn theo cậu chăm chăm. Nó bỏ mặc ly kem chưa ăn, bắt tôi dắt nó đi theo cậu. Ra ngoài đường chúng tôi không thấy bóng dáng cô cậu ở đâu. Đến một ngã ba, tôi không biết cô cậu đi về hướng nào để dắt con bé đi theo. Sau cùng nó đổi ý bắt tôi dắt đến chỗ cầu gỗ, nơi nó đã gặp cậu lần đầu.
Đến nơi vì mỏi chân, tôi đã ngồi tựa lưng vào một gốc thông để nghỉ trong khi chờ xe đến đón. Tôi nghĩ chắc con bé chỉ đi loanh quanh ở chổ mấy bụi cỏ, để tìm cái nó muốn tìm như mấy bữa trước. Và tôi đã mệt mỏi ngủ thiếp đi.
Tiếng còi xe hơi đến đón kêu vang làm tôi tỉnh dậy. Tôi vội đi tìm con bé để bắt nó về nhưng chẳng thấy nó đâu. Tôi hốt hoảng đi dọc theo bờ hồ tìm kiếm cũng không thấy. Tôi nói người tài xế lái xe về báo cho bà chủ biết. Xe chạy đi. Tôi lại tiếp tục tìm kiếm con bé trên bờ hồ.
Khi bà chủ đến, bà nhìn thấy chiếc pédalo trôi lềnh bềnh ở giữa hồ. Bà hỏi tôi có thuê chiếc pédalo đó cho con bé đi? Tôi trả lời không. Bà đi tìm anh bảo vệ hồ, nhờ anh chèo thuyền ra xem có con bé trên chiếc pédalo.
Anh bảo vệ lấy thuyền chèo đi, một lúc sau anh kéo chiếc pédalo vào bờ. Không có nó mà chỉ có một chiếc dép màu xanh của nó nằm trên sàn pédalo . Bà chủ đi gọi điện cho công an cấp cứu. Họ có đến nhưng chẳng làm được gì. Lúc đó đã quá khuya. Các hàng quán trên bờ hồ đã tắt đèn. Mặt hồ tối đen không nhìn thấy gì.
Gần 6 giờ sáng, xác con bé nổi lên trên mặt hồ. Người ta nhìn thấy nhờ chiếc áo thun đỏ nó mặc. Công an đã chèo thuyền ra vớt con bé đem lên bờ rồi chở vào nhà thương cấp cứu. Nhưng đã quá trễ.
Trời ơi! Tất cả lỗi đều do tôi đã ngủ quên không canh chừng con bé, để nó lấy pédalo đạp ra giữa hồ rồi sẩy chân ngã xuống nước mà không hay biết. Tôi biết sống làm sao đây với bà chủ?
Bà vú già lại sụt sịt khóc. Trong khi tôi rùng mình nhớ lại câu nói của cô bé tối qua, khi tôi đi ngang qua bàn em ngồi.
- Này ông, em đã biết "nó" ở đâu rồi.
Như vậy cô bé đã tin cái em đánh mất nằm ở đáy hồ nên em nhảy xuống đó tìm kiếm?
Nếu tôi không dắt em đi chơi pédalo ở trên hồ, chắc chẳng bao giờ em nghĩ ra "nó" nằm ở dưới đó.
Nếu tối qua tôi chịu khó ngồi uống nước với em, đừng giận dỗi bỏ về với Hạnh, chắc tôi đã ngăn cản được em bỏ ý định tìm kiếm "nó" ở dưới đáy hồ.
Nếu...
Như vậy cái chết của em là do lỗi tại tôi chứ không phải tại bà vú. Tôi muốn nói cho bà biết để bà đỡ bị dằn vặt. Nhưng không hiểu sao, tôi chẳng thốt lên lời trước tình yêu cũng như trước cái chết.
Cô bé được chôn cất vội vã ngay trong buổi chiều hôm ấy. Đối với người chết đuối người ta ngại để lâu và ngại đem xác về nhà tẩm liệm. Chiếc xe tang đã chở em từ nhà xác đến thẳng nghĩa trang.
Rất đông người đã đi theo xe tang với những vòng hoa phúng điếu. Tôi nghĩ họ muốn chia buồn với bà chủ hơn là muốn tiễn đưa cô bé đến nơi an nghỉ cuối cùng. Bởi tất cả đều đã lớn tuổi. Trong số đó tôi tin chẳng ai là bạn của em. Thật đáng buồn ở lứa tuổi em mà lại không có một người bạn.
Tôi có thoáng thấy bà chủ hai ba lần. Bà mặc bộ đồ đen và đôi mắt thâm quần. Tôi muốn đến chia buồn với bà một đôi lời nhưng nghĩ chẳng ích gì. Tôi muốn giúp bà làm cho cô bé trở lại đời sống bình thường nhưng rồi tôi đã vô tình đẩy em đến cái chết.
Tôi nhớ có lần bà chủ nói: "thân thiết với cậu cũng có cái hại cho nó". Lúc đó tôi đã cãi lại và bây giờ mới biết bà đã nói đúng. Vậy thì tôi đáng bị nguyền rủa, còn bày đặt làm mặt nghiêm trang chia buồn với ai!
Nhóm kịch chúng tôi đi đưa đám tang có Đăng, tôi và Hạnh. Nàng mặc áo dài trắng và cầm theo một bó hoa marguerite trắng. Thấy tôi đi tay không, nàng chia nửa bó hoa đưa cho tôi. Tôi lắc đầu nói cám ơn. Nàng nói:
- Anh muốn tặng cô bé một bó hồng bạch?
- Không. Tôi đã tặng cô bé một trái tim bằng đất sét.
- Anh lúc nào cũng giễu cợt được.
- Tôi nói đứng đắn mà. Chính cô bé đã gọi trái tim tôi như vậy. Nó đã bị vỡ và bụi bay tứ tung.
Hạnh lắc đầu:
- Anh đã bị lây bệnh "mát" của cô bé rồi.
Đám tang kết thúc vào buổi chạng vạng. Mọi người vội vã ra về. Không ai còn nhìn rõ mặt ai. Thế cũng hay. Người ta không còn phải e ngại là mình đã không khóc. Mà tại sao lại phải khóc như tôi, cho một cô bé "mát" nhỉ? Hãy để dành nước mắt cho những người xứng đáng hơn.
Tôi lẳng lặng một mình rời khỏi nghĩa trang. Lần đầu tiên trong đời, một ngày không ăn mà tôi không cảm thấy đói bụng. Nỗi buồn cũng có cái hay vì nó đã giúp tôi no.