Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Người không bao giờ bắt tay ai

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 1117 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Người không bao giờ bắt tay ai
King, Stephen

Phần 1

Gió buốt giá thổi ngoài cửa sổ, đồng hồ điểm tám tiếng, chúng tôi vội vàng chuyển sang phòng thư viện, mang theo những ly rượu mà Stevens đã kịp rót thêm vào. Một lúc lâu chỉ có tiếng củi cháy nổ lách tách trong lò sưởi, tiếng va chạm của những hòn bi-a ở căn phòng xa xa nào đó và tiếng gió hú quấy rầy sự tĩnh lặng. Nhưng trong căn nhà câu lạc bộ số 249B này là không khí ấm áp. Tôi vẫn còn nhớ trong buổi tối hôm đó ngồi bên phải tôi là David Adley, còn bên trái là Amleen Mac Carron, người đã có lần dọa chúng tôi bằng câu chuyện kể về một người phụ nữ sinh ra trong những điều kiện không thể tưởng tượng được. Ngồi đối diện tôi là Johanson với tờ Wall Street Magazine đặt trên đầu gối.
Stevens bước vào trao cho George Gregson một gói giấy không đề tên người nhận. Stevens là một quản gia lý tưởng - bất chấp cái giọng thổ âm Brooklyn của anh ta (hay là chính nhờ cái giọng đó) -, ưu điểm nổi bật của anh là luôn đoán chính xác phải trao gói hàng cho ai dù không có tên đề trên đó. George cầm lấy gói giấy ngồi lặng đi vài phút trong chiếc ghế bành lưng cao có giá tựa đầu, chăm chăm nhìn ngọn lửa cháy trong lò sưởi nơi mà nếu muốn ta có thể quay cả một con bò. Tôi nhìn thấy trong mắt ông lóe lên một tia gì đó, khi ánh mắt ông hướng vào câu châm ngôn khắc trên thành lò sưởi: Bí mật nằm trong chính câu chuyện chứ không phải ở người kể.
Ông xé gói giấy bằng những ngón tay run rẩy vẻ già nua và ném những thứ trong đó vào đống lửa. Một quầng lửa cầu vồng rực rỡ bùng lên làm cho vẻ mặt của những người trong phòng hơi sống động lại. Tôi quay về phía Stevens vẫn đứng khuất trong bóng tối của khung cửa. Tay chắp sau lưng, vẻ mặt anh vô cảm.
Đột nhiên sự im lặng bị phá vỡ bởi cái giọng rin rít hơi the thé của George và tất cả chúng tôi rùng mình. Chí ít thì điều đó xảy ra với tôi.
- Có lần tôi đã chứng kiến một người bị giết trong bóng tối của căn phòng này, - George Gregson nói, - mặc dù không một tòa án nào tuyên án đúng kẻ giết người. Nhưng vụ việc đã kết thúc bằng việc hắn tự tuyên án mình và tự thi hành án. - Một quãng lặng trong khi ông mồi tẩu thuốc.
Khuôn mặt đầy nếp nhăn của ông chìm trong làn khói thuốc xanh, ông dụi que diêm một cách chậm chạp như thường thấy ở người mắc bệnh phong thấp rồi ném nó vào lớp tro nóng còn lại của khối giấy vừa đốt và chầm chậm nhìn nó cháy thành tàn đỏ lụi dần. Cặp mắt màu xanh sắc sảo thể hiện sự đăm chiêu ẩn dưới đôi lông mày rậm rạp đã loáng thoáng những sợi bạc. Chiếc mũi khoằm lớn, làn môi mỏng khắc khổ, đầu thụt vào giữa hai vai.
- Đừng đùa chúng tôi nữa George, - Peter Andrew kêu lên. - Kể đi nào.
- Tôi kể ngay đây. Hãy kiên nhẫn một chút.
Chúng tôi chờ trong khi ông ta thoải mái rít cho tẩu thuốc cháy hết. Sau khi cẩn thận đổ chỗ tàn thuốc còn cháy đỏ vào chiếc chén sâu làm bằng gốc cây dương. George đặt đôi tay run rẩy lên đầu gối và bắt đầu:
- Chuyện là thế này. Bây giờ tôi đã 85 tuổi, còn câu chuyện mà tôi định kể cho các bạn đã xảy ra khi mới 20 tuổi gì đó. Nói chính xác là vào năm 1919, lúc đấy tôi vừa từ cuộc đại chiến trở về. Trước đó năm tháng, cô vợ chưa cưới của tôi vừa mất vì bệnh dịch. Cô ta lúc đó mới xấp xỉ 19 tuổi. Phải thú nhận rằng lúc đó tôi đã quá ham hố rượu chè và cờ bạc. Các bạn biết không, cô ta đã chờ tôi suốt hai năm, không một tuần nào tôi không nhận được thư của cô. Phải, tôi đã ham chơi và mất hẳn ý thức điều độ; có thể các bạn sẽ thông cảm cho tôi khi biết rằng hồi ấy tôi không còn một chỗ dựa nào trong gia đình và ở đức tin - các bạn biết đấy, ngoài chiến hào, mọi giáo lý Cơ đốc giáo đều có vẻ nực cười. Nhưng thực ra tôi có thể nói là những người bạn tốt đã cùng với tôi trong những ngày khó khăn ấy đã không bỏ rơi tôi. Tôi có tất cả 53 người bạn (mấy ai có thể khoe con số đó nhỉ?): Đó là 52 quân bài trong bộ bài và chai rượu Whisky “Cutty Sark”, hơn nữa, tôi lại ở trong khu nhà trên phố Brennan. Thật ra hồi đó mấy thứ này tương đối rẻ thôi. Và những tháng ngày tôi đã trải qua ở đó có lẽ cũng dài như trong câu lạc bộ 249B này, thời ấy lại rất dễ tụ tập một nhóm chơi bài poker.
Đúng lúc đó David Adley ngắt lời ông, dù trên môi anh ta nở một nụ cười nhưng câu hỏi vẫn đặt ra với vẻ nghiêm túc:
- Thế còn Stevens? Hồi đó anh ấy đã làm cho ông chưa, George?
Gregson quay về phía người quản gia.
- Stevens, lúc ấy anh giúp việc cho tôi hay là bố của anh nhỉ?
Câu đáp kèm theo một vẻ còn lâu mới được coi là nụ cười.
- Con nghĩ rằng sáu mươi năm trước người hầu ông có thể là ông của con, thưa ông.
- Dù sao anh có được chỗ làm này là nhờ thừa kế đấy nhỉ, - Adley nói một cách triết lý.
- Đúng như ông nghĩ đấy ạ, - Stevens lịch sự đáp lại.
- Đúng là giờ đây tôi đã nhớ ra, - George lại cất tiếng - vì anh biết không, anh giống ông ấy, người mà anh nói là ông nội ấy, một cách kỳ lạ.
- Đúng như vậy, thưa ông.
- Nếu như anh đứng cạnh ông ấy, có lẽ tôi rất khó phân biệt ai với ai... vả lại giờ cũng không thể thử được nữa, đúng không?
- Vâng, thưa ông.
- Thế đấy, tôi ngồi trong phòng chơi bài, sau cánh cửa kia kìa, và đang xếp bài thì nhìn thấy Henry Brower... lần đầu và cũng là lần cuối. Chúng tôi có bốn người, chuẩn bị ngồi chơi một ván poker. Chúng tôi đang chờ người thứ năm. Lúc đó Jason Davidson báo với tôi rằng George Oscaley, người bạn chơi bài thứ năm của chúng tôi bị tai nạn gãy chân, đang nằm bó bột treo chân trên một cái giá ngu ngốc. Hỡi ôi, tôi đã nghĩ chắc là hội bài của chúng tôi hôm nay hỏng rồi. Phía trước là một buổi tối dài dằng dặc và chẳng có gì xua nổi những ý nghĩ buồn bã, chỉ còn cách ngồi xếp bài và đầu độc bản thân bằng mấy cốc vại whisky mà thôi. Bất chợt từ một góc phòng phía xa vang lên một giọng trầm tĩnh lịch sự.
- Thưa quí vị, có lẽ các anh đang đợi một ván bài poker. Tôi rất vui lòng được vào hội với các vị, dĩ nhiên, nếu các vị không phản đối.
Cho đến lúc đó vị khách này vẫn ngồi vùi mặt vào tờ World, vì thế đến bây giờ tôi mới nhìn kỹ được anh ta. Tôi thấy một người trẻ tuổi với khuôn mặt già nua... các bạn hiểu tôi nói gì không? Sau cái chết của Rosaly trên mặt tôi cũng xuất hiện những vết đồi mồi đó, chỉ có điều ít hơn nhiều. Con người trẻ tuổi đó, suy theo mái tóc của anh ta, không quá hai tám tuổi, nhưng sự từng trải đã kịp in dấu vết trên mặt anh ta, trong cặp mắt tối sẫm ẩn chứa không phải là nỗi buồn mà là một nét tuyệt vọng gì đó. Anh ta có vẻ ngoài dễ ưa - bộ ria ngắn xén tỉa kỹ, mớ tóc mầu nâu sẫm. Chiếc nút cổ áo trên cùng của bộ âu phục nâu đỏm dáng không cài.
- Tôi là Henry Brower, - anh ta tự giới thiệu.
Davidson ngay lập tức lao về phía anh ta với bàn tay chìa sẵn, vì vui mừng, anh như sẵn sàng dùng sức chộp lấy bàn tay con người trẻ tuổi đương để yên trên đầu gối. Và ngay lúc đó một điều lạ lùng đã xảy ra: Brower buông rơi tờ báo, đột ngột giơ cả hai tay lên khiến chúng nằm ngoài tầm với. Trên mặt anh ta lộ vẻ hoảng sợ.
Davidson dừng lại ngỡ ngàng, có vẻ ngượng ngùng hơn là giận dữ. Anh mới có hai mươi hai tuổi. Lạy chúa, lúc đó chúng tôi chỉ là lũ nghé con.
- Xin lỗi - Brower nói vẻ nghiêm túc, - tôi chưa bao giờ bắt tay ai!
Davidson chớp chớp hàng mi:
- Chưa bao giờ? Thật lạ. Nhưng vì sao thế?
Các bạn đã biết anh đúng là một chú nghé non. Brower cố giải thích cho anh một cách cặn kẽ, với một nụ cười cởi mở (dù trông rất đau khổ):
- Tôi vừa từ Bombay trở về. Một chốn kỳ lạ... chật chội, bẩn thỉu... dịch bệnh. Lũ kền kền đậu ồn ào trên các bức tường của thành phố. Tôi ở đó hai năm trong một cơ quan thương vụ, và cái tập tục trao đổi bắt tay nhau của phương Tây chúng ta bỗng nhiên gợi cho tôi một nỗi sợ hãi thiêng liêng. Bản thân tôi hiểu rõ là tôi cư xử như thế thật ngu ngốc và bất lịch sự nhưng không sao ép mình được. Vậy mong các anh hãy bỏ quá cho tôi mà không bực bội trong lòng...
- Chỉ với một điều kiện, - Davidson mỉm cười.
- Điều kiện thế nào?
- Mời anh ngồi vào bàn và nhấp một ly whisky của anh bạn George của tôi, trong khi tôi đi gọi các anh Baker, French và Jake Wailden.
Brower trịnh trọng gật đầu và bỏ tờ báo sang bên. Davidson quay ngoắt người chạy đi gọi các bạn chơi khác. Tôi cùng với Brower ngồi vào chiếc bàn phủ dạ xanh, tôi mời anh ta một ly nhưng anh ta lịch sự từ chối và tự mình gọi một chai. Qua đó tôi lại thấy một bằng chứng về nỗi sợ hãi lạ lùng của anh ta, nhưng tôi lặng thinh. Tôi từng biết nhiều người khiếp sợ trước vi trùng và dịch bệnh cũng tương tự như Brower, nếu không nói là còn hơn thế. Có lẽ các bạn cũng đã thấy những trường hợp tương tự.
Chúng tôi gật đầu xác nhận, còn George tiếp tục:
- Ở đây thật dễ chịu, - Brower trầm ngâm nói, - kể từ khi tôi thôi làm việc ở Ấn Độ, tôi tránh những chỗ đông người. Cô độc một mình thật chẳng dễ chịu gì. Tôi nghĩ rằng ngay cả đối với những người tự chủ kiên cường nhất, sự tự tách biệt cũng là một trong những cực hình tồi tệ nhất!
Anh ta nói điều đó với vẻ nhấn mạnh đặc biệt, tôi lặng thinh đồng ý. Tôi đã cảm thấy rất rõ sự cô đơn đặc biệt trong chiến hào vào ban đêm. Nỗi cô đơn đó nặng nề hơn sau cái chết của Rozali. Tôi bắt đầu cảm thấy có cảm tình với Brower, không ngại đến thái độ tự kỷ quá lộ liễu của anh ta.
- Bombay chắc là một thành phố thú vị, - tôi nhận xét.
- Thú vị... và kinh tởm, theo quan điểm của tôi, nhiều điều trong cuộc sống của thành phố không thể chấp nhận được. Ví dụ phản ứng của họ đối với xe ôtô; lũ trẻ dạt ra tránh xe, sau đó lại chạy theo xe suốt mấy dãy phố. Máy bay trong mắt người dân bản địa là một con quái vật siêu nhiên. Điều mà chúng ta tiếp nhận một cách hoàn toàn thản nhiên và vui vẻ tự hào thì đối với họ là phép màu; nhưng nói thật với anh, tôi cũng sợ như thế khi lần đầu tiên nhìn thấy một tay xiếc rong nuốt cả một nắm kim thép rồi lôi hết chiếc nọ đến chiếc kia ra qua những các nhọt há miệng ở đầu ngón tay. Đối với dân ở đấy việc này là bình thường.
- Anh thấy đấy, - anh ta tiếp tục với vẻ hơi trang trọng, - có thể hai nền văn hóa này lẽ ra không được hòa trộn với nhau mà phải tồn tại biệt lập, mỗi nền với những nét kỳ diệu riêng của mình. Anh với tôi cứ thử nuốt gói kim ấy xem, chắc chắn chúng ta không tránh khỏi cái chết chậm rãi và đau đớn. Còn về ôtô... - anh ta đột ngột im bặt với vẻ mặt bất cần.
Tôi định nói gì đó, nhưng ngay lúc đó Stevens-ông-nội xuất hiện với một chai Whisky Scotland cho Brower, sau đó là Davidson và những người còn lại.
Trước khi giới thiệu những người bạn của mình, Davidson nói với Brower:
- Henry, tôi đã nói trước với họ về cái thói quen nho nhỏ ngồ ngộ của anh, vì thế anh không cần lo lắng điều gì. Cho phép tôi giới thiệu: Darrel Baker... Người đàn ông rậm râu nghiêm khắc này là Andrew French...và cuối cùng Jake Wailden. George Gregson thì ông biết rồi.
Brower với nụ cười trịnh trọng cúi đầu chào từng người như muốn thay cho cái bắt tay. Ngay sau đó ba cọc bài được bầy ra, tiền được đổi thành các thẻ và cuộc chơi bắt đầu.
Chúng tôi chơi suốt sáu tiếng. Tôi được gần hai trăm đô la, Baker chơi tương đối yếu: thua mất khoảng tám trăm đô nhưng không hề máy mắt (bố anh ta là chủ của ba xưởng giấy lớn nhất bang New England). French và Wailden chia nhau mỗi người khoảng một nửa sáu trăm đô còn lại. Davidson thắng được một ít còn Brower cũng thua từng ấy, nhưng đối với anh ta còn được chừng ấy có thể coi là chiến công: suốt buổi tối bài của anh ta rất xấu. Anh ta lúc nào cũng cảm thấy thoải mái, khi chơi lối bài truyền thống với năm quân bài trên tay, cũng như trong lối chơi mốt mới với bảy quân bài, và theo tôi, anh ta đã mấy lần vơ cả đống tiền đặt bằng cách tố khống mà điều này tôi chắc chắn là không dám làm.
Tôi để ý anh ta uống khá khỏe: tới lượt chia bài cuối cùng anh ta đã một mình uống hết cả chai whisky nhưng không hề líu lưỡi mà vẫn chơi rất chính xác, hơn nữa lại luôn cảnh giác nếu ngón tay ai đó thình lình xuất hiện ở vùng gần một cách nguy hiểm so với tay anh ta. Trong trường hợp thắng, anh ta không vơ lấy đống tiền đặt chừng nào cái thẻ cuối cùng chưa được đổi ra tiền mặt, hoặc nếu có ai đó vì đãng trí không đặt cọc đúng lúc. Một lần Davidson đặt chiếc cốc của mình sát cùi tay anh ta, thế là Brower né tránh vội đến nỗi suýt nữa đánh đổ cốc rượu của mình. Baker nhướn mày ngạc nhiên nhưng Davidson đã giải tỏa sự nghi ngờ.
Trước ván bài, Jake Wailden tuyên bố là anh sắp phải đi một đoạn đường không ngắn đến Albany và tốt nhất là nên hạn chế đánh một vòng cuối cùng. Vòng đánh kết thúc ở French, anh này tuyên bố sẽ chia cho mỗi người bẩy quân.
Tôi nhớ lần chia bài cuối cùng đó một cách hết sức rõ ràng như tên của mình vậy, chứ nếu ai hỏi tôi là hôm qua tôi ăn trưa với ai và có những món gì, tôi có lẽ chịu không trả lời được. Nghịch lý của tuổi già là thế đấy. Nói chung nếu như các bạn có mặt ở chỗ tôi lúc ấy các bạn cũng sẽ không quên được.
Tôi được chia hai quân cơ bài sấp và một con cơ nữa bài ngửa; về bài của Wailden và French tôi không biết gì, Davidson có con át cơ còn Brower là con mười bích. Davidson tố 2 đôla, 5 đô là giới hạn một lần tố, tất cả còn được nhận một quân bài ngửa nữa. Tôi có thêm một quân cơ thứ tư thêm vào ba con có trước, Brower thì có con bồi bích kèm với con mười. Davidson được một con ba và mặc dù khó mà có thể làm cho bài mình tốt hơn, anh vẫn tố thêm 3 đôla. “Ván cuối cùng, - anh vui vẻ nói. - Đừng hà tiện, các cậu bé! Ngày mai tớ còn phải mời cơm một quý bà”.
Nếu có ai dự đoán cho tôi rằng câu nói đó sẽ đeo đuổi tôi suốt đời tôi cũng chẳng tin.
Lần thứ ba French chia cho mỗi người một quân bài ngửa nữa. Bài chia cho tôi vẫn không đổi màu, còn Baker, người xui nhất trong hội, được một cặp, hình như là quân vua. Brower nhận được quân hai rô, lá bài này chẳng giúp anh ta điều gì. Baker dựa vào bộ đôi của mình tố thêm 5 đôla, mức tối đa, Davidson không nghĩ ngợi lâu la tố thêm 5 nữa. Những người còn lại cũng theo, và French chia lần cuối cùng quân bài ngửa. Tôi được thêm một quân K nhép và có được một bộ cùng hoa. Baker được thêm một quân vua thứ ba cho bộ đôi của mình. Davidson được con át thứ hai, mắt anh ta rực sáng. Brower được một con đầm nhép và vì thế anh ta không úp bài ngay. Chúa ơi, tôi không thể nào hiểu được: hình như lại một lần nữa trong buổi tối hôm nay bài anh ta không có một bộ nào.
Tiền đặt tăng vọt. Baker đặt 5 đôla, Davidson thêm 5 đô nữa, Brower nộp ra 10. Jake Wailden úp bài và nói thêm: “Hừ, với bộ đôi của tôi, bài tôi chẳng ra gì rồi”. Tôi đặt 10 và tố thêm 5 nữa. Baker cũng buộc phải nộp ra từng ấy.
Tôi không muốn làm cái bạn mệt thêm về các chi tiết chán ngắt như thế nữa. Tôi chỉ lưu ý rằng mỗi người trong ván bài có thể tố ba lần ở mức trần và ba chúng tôi - Baker, Davidson và tôi - đã tận dụng cái quyền đó. Brower, người mà lần nào khi nộp tiền theo cũng chờ một lúc cho đến khi tất cả đã rút tay khỏi đống tiền - lúc đó không còn ít nữa - đã lên tới hơn 200 đô. Chính lúc đó French chia nốt quân bài cuối cùng, quân bài sấp.
Im lặng, tất cả đều ngó bài của mình mặc dù riêng tôi thì không cần ngó làm gì, bài tôi đã có một bộ mà suy đoán theo tình hình bài chia thì là mạnh. Baker tố thêm 5, Davidson tố thêm, và tất cả chúng tôi nhìn Brower. Anh ta đã tháo cravat từ lâu, bật cái cúc cổ thứ hai, chai whisky uống hết làm máu dồn lên gò má nhưng anh ta vẫn tỏ vẻ bình thản như trước. “10.... và 5 nữa đây ”, anh ta nói.
Tôi chớp mắt ngạc nhiên: tôi đã nghĩ rằng anh ta sẽ bỏ không theo. Còn với bài của mình, tất nhiên chắc chắn tôi sẽ thắng vì vậy tôi tố thêm 5 đôla nữa. Chúng tôi tố chẳng cần giới hạn nữa và đống thẻ lớn vọt lên như nấm gặp mưa. Tôi dừng lại đầu tiên, hài lòng vì chắc chắn mình sẽ lột sạch một tay nào đó. Theo gương tôi là Baker, người đang nhìn một cách nghi ngờ sang phía Davidson với bộ đôi con át, lúc thì sang phía Brower với vẻ mặt khó dò. Như đã nói, Baker là một tay chơi non nhưng anh ta cũng đủ kinh nghiệm để đánh hơi thấy mối nguy hiểm treo lơ lửng. Davidson và Brower lần lượt nâng số tiền đặt thêm 10 nữa, mà có thể là hơn. Tôi với Baker buộc phải theo - tiền đặt đã quá nhiều rồi, thẻ bài của tất cả mọi người đã dùng hết và phía trên đống thẻ nhựa tròn đã mọc lên một núi tiền giấy.
- Thôi được, - Davidson nói, sau khi Brower đến lượt mình đã làm nâng cao đống tiền đặt lên, - có lẽ tôi lật bài đây. Nếu là tố khống, Henry ạ, thì có lợi cho anh đấy. Và tôi sẽ phải kiểm tra anh, mà Jake còn phải đi một quãng đường dài... - nói xong những lời ấy, Davidson ném ra năm đô la và nhắc lại. - Chúng ta mở bài nào.
Tôi không biết những người khác thế nào nhưng tôi cảm thấy nhẹ người khi thấy rất may là mình không có quan hệ gì tới số tiền đặt đó. Ván bài đã đến mức sống chết và nếu như thu nhập của Baker có thể cho phép anh ta thua thì đối với Davidson đó là vấn đề sống còn. Anh sẽ không thể thoát khỏi nợ nần vì chỉ có nguồn thu nhập là một khoản thừa kế còm cõi do bà cô để lại. Còn Brower - liệu anh ta có đủ lực để chịu nổi ván thua này không? Quý vị ạ, đừng quên rằng tiền đặt đã lên hơn một ngàn đôla.
George ngừng lại. Tẩu thuốc của ông đã tắt.
- Sau thế nào? - Adley nhô cả người về phía trước - Đừng bắt chúng tôi đợi nữa George. Ông thấy đấy, chúng tôi sốt cả ruột lên đây này. Hãy cho chúng tôi giật mình trước cái kết cục bất ngờ đi hoặc làm yên lòng chúng tôi.
- Gắng thêm tí nữa, ông bạn, - George bình thản trả lời. Ông quẹt que diêm vào đế giày và bắt đầu rít tẩu thuốc. Chúng tôi im lặng chờ đợi căng thẳng. Ngoài cửa bầu trời đêm vẫn rú rít.
Và câu chuyện lại theo dòng, tẩu thuốc bốc khói và George lại tiếp tục: - Các bạn biết rồi đấy, luật chơi bài poker quy định người nào đề nghị lật bài thì người đó lật bài mình đầu tiên. Nhưng Baker không thể chịu đựng sự căng thẳng lâu hơn nữa, anh ta lật một quân trong đám lá bài sấp mặt của mình và tất cả đều nhìn thấy đó là một bộ vua (bộ K).
- Bài tôi kém hơn, - tôi nói.- Thua về hoa.
- Tiền cọc của tớ rồi, - Davidson nói với Baker và lật hai quân bài. Anh ta có một bộ át. - Bài được đấy chứ các ngài. - Và anh bắt đầu cào đống tiền.
- Đợi đã! - Brower ngăn anh ta lại. Anh ta không nắm lấy tay Davidson như mỗi người trong số chúng sẽ làm trong trường hợp đó, nhưng riêng một câu đó cũng đã đủ. Davidson chết lặng, quai hàm trễ xuống - dường như những cơ mặt của anh ta đột nhiên bị liệt. Còn Brower lật tất cả ba quân bài và để lộ ra một bộ đồng hoa từ con tám đến con đầm. - Tôi nghĩ rằng bộ này sẽ đè bốn con át của anh.
Mặt Davidson bừng đỏ sau đó lại tái nhợt.
- Phải, - anh nói ra những lời đó một cách thiếu tự tin, dường như thứ tự sắp xếp bộ bài đó anh mới thấy lần đầu tiên. - Phải, nó đè được.
Tôi sẵn sàng chịu mất tất cả để hiểu được vì sao mà Davidson lại có một cử chỉ tiếp theo như thế. Anh biết rất rõ rằng Brower không thể chịu được khi người khác chạm vào tay anh ta ; điều này đã được chứng tỏ rất nhiều lần trong buổi tối hôm đó. Có thể Davidson đã lú lẫn hoặc là anh ta rất muốn tỏ ra cho Brower thấy (và cả chúng tôi nữa) rằng thua số tiền như vậy anh vẫn còn đủ lực và anh có thể chịu đựng cú đòn chết người này như một quý ông chân chính. Tôi đã kể cho các bạn biết Davidson là một con nghé non và vì thế hành động ấy hoàn toàn phù hợp với tính cách của anh. Nhưng chúng ta cũng không quên: nếu chọc giận nghé non nó có thể húc. Tất nhiên không chết người, không xổ ruột, nhưng có thể trả giá bằng một hai vết sẹo. Hành động đấy là nằm trong tính cách của Davidson.
Phải, tôi sẵn sàng mất tất cả để biết nguyên nhân... nhưng cuối cùng điều chính yếu là kết cục.
Khi Davidson rút tay khỏi đống tiền cọc, Brower chìa tay ra để lấy tiền. Trên mặt Davidson đột nhiên bộc lộ một vẻ thân tình tươi vui, anh chộp lấy tay Brower xiết chặt nó và nói: “Chơi tuyệt lắm, thật là tuyệt. Henry này, lần đầu tiên tớ thấy... ”. Một tiếng rú chói lói nghe như giọng phụ nữ vang lên, nó thật xé ruột xé gan trong cảnh tĩnh lặng của cuộc chơi bài. Brower giật tay về, loạng choạng bước sang bên, suýt xô đổ chiếc bàn, những chiếc thẻ bài và tiền mặt bay văng tứ tung.
Tất cả chúng tôi đứng đờ người như hóa đá. Brower loạng choạng bước thêm vài bước, tay giơ về phía trước tựa như phu nhân Macbeth trong lốt đàn ông. Mặt anh ta trắng bệch như vôi, một nỗi sợ hãi không diễn đạt nổi trong ánh mắt. Một cảm giác khủng khiếp bao trùm lấy tôi: trước đó và ngay cả sau này tôi chưa bao giờ trải qua một nỗi sợ như vậy, thậm chí ngay cả khi nhận được bức điện về cái chết của Rosaly. Anh ta bắt đầu rên rỉ. Tiếng rên như phát xuất từ một vực sâu không đáy, âm âm như không phải tiếng người, làm lạnh buốt xương sống. Còn nhớ lúc đó tôi đã nghĩ: “Thằng cha này điên thật rồi!”. Và ngay lúc đó anh ta thốt ra một tràng những từ rối rắm gì đó: “Chìa khóa, tôi vẫn bật chìa khóa điện... Chúa ơi! Tôi đâu muốn thế!” và anh ta lao ra chỗ cầu thang dẫn xuống sảnh chính. Tôi là người đầu tiên tỉnh lại, nhảy phắt khỏi ghế bành và lao theo anh ta, còn Baker, Wailden và Davidson vẫn không nhúc nhích, họ trông giống như những bức tượng thần của người Inca tạc bằng đá để canh giữ kho báu của bộ lạc. Tấm cánh cửa lớn của sảnh vẫn còn đu đưa trên bản lề, tôi chạy ra phố và lập tức nhìn thấy Brower đang đứng bên lề đường cố gắng một cách tuyệt vọng để bắt taxi. Nhìn thấy tôi anh ta à lên một cách cay đắng và tôi không biết là mình thương hại anh ta hay là ngạc nhiên nữa.
- Xin đợi một chút! - tôi kêu lên, - hãy cho tôi xin lỗi thay cho Davidson, mặc dù tôi tin rằng anh ấy không cố ý làm như thế, nhưng nếu vì thế buộc anh rời bỏ chúng tôi thì tôi không dám giữ anh lại. Nhưng trước mắt anh cần phải lấy chỗ tiền được bạc của mình, tiền không ít đâu.
- Tôi lẽ ra không nên đến đây, - anh ta rên rỉ. - Đôi chân tự nó đưa tôi đến chỗ mọi người, và thế là... thế là xảy ra....
Tôi bất giác chìa tay về phía anh ta - cử chỉ tự nhiên của một người đang muốn giúp đỡ một kẻ bất hạnh. Brower nhảy tránh xa và hét lên:
- Đừng động tới tôi! Một người chưa đủ với anh sao? Chúa ơi, lẽ ra tôi nên chết đi mới phải! - Đột nhiên ánh mắt hừng hực của anh ta dừng lại trên một con chó hoang có cái bụng giơ xương trễ xuống và đám lông xơ xác rụng nham nhở. Lưỡi thè lè, bằng ba chân nó lê sang phía bên kia con phố vắng tanh không bóng người vào cái giờ rạng sáng này. Có lẽ nó đang xục xạo một cái thùng rác, muốn lật đổ xuống và rúc mõm đào bới đống rác.
- Đấy, tôi cũng giống như nó vậy, - Brower nói, vẻ trầm ngâm như với chính mình. - Bị mọi người xa lánh, chịu số phận cô đơn, chỉ dám đi ra phố khi mà tất cả những người khác đã êm ấm trong căn nhà của họ. Thật khốn khổ!.
- Hãy nghe tôi này, - tôi nói một giọng cương quyết hơn, tỏ ý không muốn nghe thêm những lời thổ lộ tâm sự bi đát ướt át nữa. - Tôi chắc là anh đã trải qua một biến cố mạnh và nó đã làm suy nhược hệ thần kinh của anh; nhưng hãy tin rằng trong chiến tranh tôi cùng đã nhìn thấy vô số những điều như vậy...
- Nghĩa là anh không tin tôi? Anh cho là tôi đã mất trí...?
- Anh bạn, tôi không biết là anh đã mất lý trí hay nó đã rời bỏ anh, nhưng tôi biết chắc là nếu tôi với anh còn đứng đây mà hít thở cái không khí ẩm uốt này thì chắc chắn chúng ta sẽ mất giọng đấy. Vì thế xin làm ơn vào trong nhà đi, dù chỉ là vào sảnh và tôi sẽ gọi Stevens....
Tôi chợt câm bặt trước cái nhìn của một kẻ mất trí, trong ánh mắt đó không còn một ánh tỉnh táo nào. Tôi chợt nhớ lại những người lính đã phát điên sau những trận đánh đã rút cạn hết sức lực họ và được những chiếc xe ngựa chở từ tiền tuyến về: họ chỉ còn da bọc xương, những cặp mắt hoảng hốt thất thần, mồm lảm nhảm những câu vô nghĩa.
- Liệu ông có muốn xem một con chó ghẻ bị vứt ra lề đường đáp lại tiếng gọi của một con khác không? - anh ta hỏi, lờ đi câu đề nghị của tôi. - Xem này, tôi đã học được gì ở các bến cảng xa lạ nơi xứ người! - anh ta cao giọng và kêu lên như ra lệnh: - Này, lại đây, đồ chó hoang!
Con chó ngẩng đầu và nhìn anh ta bằng đôi mắt nhỏ đảo nhanh cảnh giác (một con mắt ánh lên một nét dữ tợn, con mắt kia phủ đầy ghèn), rồi miễn cưỡng đổi hướng đi, khập khễnh bước lại chỗ Brower đang đứng. Con chó làm việc đó không theo ý của nó, điều này không còn phải nghi ngờ gì nữa. Nó gầm gừ, hực hực, đuôi quặp xuống trông giống như một đống giẻ bẩn thỉu, còn bốn chân tự đưa nó sang phía bên kia đường. Nó nằm dài ngay dưới chân Brower, toàn thân run rẩy và rít lên khe khẽ. Cái bụng ỏng phập phồng, con mắt lành có vẻ như chực nhảy ra khỏi tròng. Brower phá lên cười man rợ, tiếng cười đó cho đến bây giờ vẫn làm tôi rùng mình trong giấc ngủ.
- Thế nào? Anh đã tin chưa? - anh ta hỏi rồi ngồi xổm xuống. - Nó đã nhận ra tôi là người của mình... và hiểu điều gì đang đe dọa nó.
Brower chìa tay ra - con chó nhe nanh, sủa vang đe dọa.
- Thôi đi! - tôi kêu lên. - Nó đớp anh bây giờ!
Brower thậm chí không thèm nhíu mày. Dưới ánh đèn đường, khuôn mặt anh ta với những nét méo mó trở nên xám xanh; đôi con ngươi tối sẫm như hai đốm tàn than trên miếng da cũ.
- Còn nữa, - anh ta ngâm nga. - Ngớ ngẩn làm sao. Tôi với anh bạn này sẽ trao đổi cái bắt tay ngay bây giờ đây... giống như đã làm với bạn ông mới đây.
Anh ta nhanh nhẹn tóm lấy một cẳng của con chó và lắc lắc. Con chó tru lên tuyệt vọng nhưng thậm chí không có cử động muốn cắn anh ta. Brower đứng phắt dậy. Ánh mắt của anh ta đã trong hơn, chỉ còn vẻ nhợt nhạt kỳ lạ trong giây phút này là làm anh ta khác với vẻ của một quý ông lịch sự đồng ý làm bạn chơi với chúng tôi trong ván bài.
- Tôi phải đi rồi, - anh ta điềm tĩnh nói, -xin hãy chuyển lời xin lỗi của tôi vì cử chỉ thô lỗ vừa rồi tới các bạn của anh, có thể tôi sẽ còn có dịp... chuộc lại lỗi của mình.
- Chúng tôi phải nói lời xin lỗi mới đúng, - tôi nói. - Đừng quên món tiền anh đã được bạc. Một nghìn đôla không phải là thứ vương vãi trên đường.
- À phải! Tiền mà! - Đôi môi anh ta méo xệch thành một nụ cười đau khổ.
- Anh không phải quay vào sảnh đâu. Nếu như anh hứa đợi tôi ở đấy, tôi sẽ mang tiền cho anh. Anh hứa chứ?
- Vâng, nếu như ông thấy tiện, - anh ta trầm ngâm nhìn con chó đang gừ gừ dưới chân mình. - Thế nào chú mày, chú mày không được mời nhưng chú mày có muốn một lần trong đời được ăn một bữa ra trò không? - Lại cái nụ cười đau khổ ấy.
Tôi để anh ta ở đó trong khi anh ta chưa kịp thay đổi quyết định, và vội vã vào nhà. Ai đó - có lẽ là Jaker Wailden, người tỉnh táo nhất - đã kịp đổi các thẻ bài ra các tờ “xanh” và xếp các tập tiền thành một cọc ở giữa bàn chơi bài. Không ai thốt lên một tiếng nào khi tôi vơ lấy tiền. Baker và Wailden hút thuốc, còn Davidson ngồi ủ rũ như một chú gà bị nhúng nước đang tự giày vò mình với nỗi đau ân hận. Trước khi ra cửa tôi đặt tay lên vai anh và anh tiễn tôi bằng ánh mắt biết ơn. Khi tôi ra đến phố, ngoài đó không một bóng người. Brower đã biến mất. Tôi đứng, mỗi tay nắm chặt một tập tiền, xoay đầu nhìn các hướng một cách vô vọng. Tôi gọi tên anh ta với hy vọng anh ta đang nấp trong bóng tối đâu đấy gần đó, nhưng không có tiếng đáp lại. Ánh mắt tôi nhìn xuống phía duới. Con chó hoang vẫn nằm ở chỗ cũ, nhưng ngay lập tức tôi hiểu rằng nó sẽ không bao giờ còn bới mõm trong đống rác được nữa. Trước mắt tôi chỉ là cái xác chó. Lũ rận và bọ chét đang tuần tự rời bỏ cái xác đang cứng dần. Tôi lùi lại với một cảm giác ghê tởm... và cảm thấy một nỗi hoảng sợ mơ hồ. Cái gì đó mách bảo tôi: Henry Brower không biến khỏi cuộc đời tôi. Và điều đó đã diễn ra mặc dù số phận không cho tôi gặp lại anh ta.


Hiếu Trang dịch từ bản tiếng Nga
 

<< Phần 2 |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 373

Return to top