Chú Được
Nhất phượng
Vợ tôi báo tin:
- Ông Được lại có vợ mới!
Tôi sửng sốt:
- Sao em biết?
Vợ tôi trề môi:
- Chả về rồi, dẫn theo một bà Miên bụng chửa. Cha này hết nước nói...
Được là chú họ xa của tôi, chỉ lớn hơn tôi vài tuổi, nhà ở cùng xóm. Chưa tới bốn mươi, chú Được đã có đến ba đời vợ. Người vợ đầu tiên khá đẹp, cưới hỏi đàng hoàng nhưng mới về nhà chồng hơn sáu tháng đã đẻ. Đứa bé chết ngay sau đó ít ngày, mẹ nó cũng trốn viện dông mất, nghe nói đi theo bồ cũ. Vợ kế là một bà góa chồng, lớn hơn chú Được vài tuổi, chuyên nghề chủ hụi. ở với nhau được vài tháng, vợ chú Được than quê chồng buồn, chịu không thấu, xin về nhà ít bữa rồi ở luôn bên mẹ ruột. Chú Được đi rước năm bảy lần không được, chán không lui tới nữa.
Vợ thứ ba là dân phụ hồ - cùng nghề với chú Được, quê đâu tận Bến Củi, vừa thôi chồng, một hôm xách giỏ theo chú Được về nhà. Êm ấm cũng được vài năm, bà vợ đẻ ra một thằng nhóc, đặt tên là Bờm. Thằng Bờm lên ba tuổi thì bỗng một hôm ông chồng cũ của vợ chú Được lù lù đến... đòi con. Nhìn kỹ mặt thằng Bờm giống mặt gã nọ như khuôn đúc - kể cả hai cái tai giảo, chú Được nổi khùng vác rựa rượt đôi gian phu dâm phụ ra khỏi nhà. Mấy tháng sau, bà vợ mới dám quay lại, quỳ tạ lỗi với chú Được, khóc lóc xin được đem thằng Bờm về với chồng cũ.
Chú Được say xỉn, cười khóc, chửi bới suốt ba ngày ba đêm. Ông Năm - cha chú cứ phải lò dò theo sau giữ, phòng khi chú té ngã còn kịp lôi về nhà. Những lúc chú Được khóc khóc cười cười, ông Năm hết rầy rà lại dỗ dành như dỗ con nít.
Từ từ chú Được cũng thôi, không chửi nữa, nhưng né tránh gặp mặt hàng xóm láng giềng. Chú đi làm từ sáng sớm, mãi chiều tối nhá nhem mặt người mới về nhà. Thỉnh thoảng, tôi có ghé qua nhà chú, nhờ làm ít việc vặt, bao giờ cũng bắt gặp cảnh ông Năm nằm trên chiếc võng bố rách, đưa cót két, miệng huyên thuyên gì đó. Ông vốn là người hay nói. Chú Được cứ nằm sấp trên giường tre, để nguyên cả đôi dép mang đi làm hồ về chưa rửa, không ừ không hữ tiếng nào. ánh điện vàng ệch câu nhờ nhà hàng xóm hắt lên vách đất, càng tô thêm vẻ hắt hiu cho ngôi nhà chỉ có hai người đàn ông.
Vợ tôi luôn tỏ ra ác cảm với chú Được, chỉ bởi cái tội chú ưa chửi thề, ưa nói năng bặm trợn, bỗ bã, đã vậy còn rượu chè. Nhưng cái làm cho nàng ghét nhất là: "Đàn ông gì cứ hết vợ này đến vợ khác. Mà phải quý giá chi cho cam, toàn đổ vỏ cho thiên hạ".
Rồi chú Được bỗng tếch qua Cam-pu-chia. Chú nói ở xứ Miên thợ hồ kiếm ăn được. Đi mất bốn năm tháng liền, về dẫn theo một bà quấn xà rông, đen như lọ chảo, tóc xoăn tít đỏ hoe hoét vì cháy nắng, bụng to đùng.
Mấy bữa sau, chú Được ghé nhà tôi dặn:
- Nè gì thì gì, ngày mốt hai đứa bây nhớ qua dự đám cưới tao nghe. Bữa nay tao đích thân qua mời, không đi tao giận.
ý chừng chú vừa đi quán về. Tay xách chai nước mắm, tay kéo lưng quần xà lỏn lận thành cục bên hông, chú cười hà hà:
- Tao cưới vợ lại, được hôn Tính?
Vợ tôi hớt lời:
- Lấy vợ hoài không sợ người ta nói sao ông?
Chú Được trợn mắt, giọng sừng sộ:
- Vợ thằng Tính bây nói sao khó nghe. Tao lấy vợ chớ ăn hết của ai mà sợ thiên hạ nói? Mấy vụ trước, tao coi như xí bỏ. Nói thiệt với bây kỳ này tao không thèm cưới vợ xứ mình nữa. Thà tao lấy con Miên này, nó xấu xí, nghèo khổ, khờ khạo nhưng mà nó hiền lành, thật thà. Tao là tao chán thứ đàn bà khôn lanh, xảo trá lắm rồi!
Chú phủi chân phành phạch ngồi bệt xuống hiên nhà, gãi đùi sồn sột, hạ giọng:
- Mà bây biết hôn. Con nhỏ này tội nghiệp lắm. Cha mẹ nó chết hết, ở bển, nó phải đi ở đợ cho người ta từ hồi nhỏ. Khờ quá mới bị chúng lừa, nó dút cho một bụng rồi nó bỏ.
Đoạn chú vỗ vỗ vào ngực, cười hề hề:
- Thôi kệ, trời cho sao hứng vậy. Tao coi vậy chớ không thèm nhỏ mọn, tiểu nhân. Con ai không cần biết, nó về với tao thì là con tao.
Chú xách chai nước mắm, vẻ hả hê, xăng xái đi về. Vợ tôi nhìn theo, lắc đầu dài giọng:
- Khi khổng khi không rước của thừa về nhà. Cha này muốn vợ đến mức lú lẫn.
Đám cưới chú Được coi vậy mà đông. Nói là đám cưới cho sang, thật ra chỉ là bữa cơm ra mắt bà con hàng xóm. Người ta tới dự chủ yếu là để thỏa mãn sự tò mò về bà vợ mới - tên là Cà Nọi của chú Được. Đó là một người đàn bà gầy ốm, nhỏ tuổi hơn chú Được nguyên cả con giáp, vận xà rông đen, hai tay lúc nào cũng lúng ta lúng túng như cố che cái bụng bầu có vẻ quá khổ so với thân hình nhỏ nhắn, đèo đẹt. Ai tới, thím Cà Nọi cũng chấp tay trước ngực, khom người cúi thấp đầu chào, vẻ rụt vè, khép nép, hỏi gì cũng chỉ cười ngượng nghịu. Thím không biết một tiếng Việt nào, vốn tiếng Miên của chú Được thì lại quá tệ. Chú Được cứ ngồi tì tì uống rượu với khách, thỉnh thoảng lại ngoắc vợ, vừa gọi vừa ra dấu: "Ê! Ê! Lấy thêm cho lít rượu, Cà Nọi à". Lần nào thím Cà Nọi cũng đưa chai cho chồng bằng cả hai tay, đầu cúi thật thấp, xong lại rón rén lùi vào phía cửa bếp.
Ông Năm tỏ vẻ hài lòng khi thấy người láng giềng có mặt đông đủ. Ông bưng ly rượu vỗ vai người này, nắm tay người nọ, cười hề hà:
- Phải vậy chớ, phải vậy chớ! Tưởng tụi bây chê cha con tao nghèo không thèm tới là tao giận đó nghen!
Ông khoát tay lia lịa, nhất định không chịu nhận tiền mừng cưới, hỏi:
- Thôi thôi! Lần này cha con tui làm tiệc mọn mời bà con tới đặng bà con chứng giám giùm cho vợ chồng thằng Được nó ăn ở với nhau cho đàng hoàng, chớ tiền bạc thì không dám nhận đâu. Đừng để thằng Được nó mắc nợ bà con nhiều quá, tội chết.
Đoạn, ông cười ha hả:
- Nó cưới vợ một tỷ lần rồi, mặt mũi nào mà nhận tiền mừng của bà con nữa.
Ông quay mặt vào cửa buồng, nơi thím Cà Nọi đang đứng lấp ló, ngoắc bảo:
- Vợ thằng Được ra đây.
Thím Cà Nọi rụt rè bước lại giữa nhà, cúi đầu nhìn xuống đất, hai tay chắp trước ngực. Ông Năm vỗ vỗ đầu con dâu, bảo khách:
- Con nhỏ này coi vậy chớ mà được. Nó hiền lành, lễ phép, biết lo lắm. May ra nó mới chịu nổi tánh khí kỳ khôi của thằng Được.
Chuyện chú Được lấy vợ được mấy bà rỗi việc xóm tôi chụm đầu bàn tán suốt cả tháng trời. Có người chép miệng đoán: chú Được ăn phải bùa ngải của thím Cà Nọi, nếu không làm gì có chuyện tự dưng đi rước của thừa thiên hạ về nhà. Có người khen thím Cà Nọi hiền hậu, chịu khó, ăn ở phải phép.
Từ ngày có thím Cà Nọi, nhà cửa chú Được sạch sẽ, ngăn nắp hơn. Chẳng mấy khi thím Cà Nọi bước chân ra khỏi nhà. Ngày nào hàng xóm cũng thấy thím ì ạch vác cái bụng bầu ra sân giẫy cỏ.
Chú Được vẫn đi làm hồ, nhưng không đi Miên nữa. Chiều chiều, chú đạp xe về, người ngà ngà men rượu. Có hôm hứng chí, chú ghé rủ tôi tới nhà lai rai vài xị. Lần nào từ chối, tôi cũng bị chú chửi văng mạng.
- Mầy chê thằng chú mầy thất học, không xứng uống rượu với hạng công chức như mầy chớ gì? Đù má, mai mốt chó nó chơi với mầy nữa.
Sợ chú tự ái, lâu lâu có dịp đi ngang, tôi đều ghé thăm nhà chú. Lần nào cũng thấy thím Cà Nọi đang bận bịu gì đó. Chẳng bao giờ thấy thím ngồi ăn cơm chung với chồng và cha chồng. Đến bữa, thím bưng cơm canh đặt lên bàn, chắp tay xá từng người rồi ngồi lùi vào một góc. Chờ hai người ăn xong, thím dọn dẹp đâu đó rồi mới xuống bếp ăn một mình. Ông Năm bảo:
- Rầy hoài mà thím mầy không nghe. Bảo ăn một lượt cứ không chịu. Thôi kệ nó muốn sao thì muốn, từ từ rồi quen.
Có lúc tôi đến, thấy chú Được đánh trần, nằm lim dim ngủ trên võng, thím Cà Nọi ngồi một bên, chăm chỉ nặn mụn cho chồng. Trong nhà tịnh không tiếng động.
Chú Được làm ăn có vẻ khấm khá, ngày nào cũng có người gọi đi làm. Vợ tôi bảo chú mới sắm quần áo mới cho cả nhà. "Coi vậy mà ổng hạp với bà Miên này. Thôi cũng cầu như vậy?" - giọng nàng đã bớt vẻ ngoa ngoắt.
Vừa thấy tôi về, vợ tôi liền bảo:
- Ông Năm qua kiếm anh nãy giờ ba bốn bận. Bà Cà Nọi bỏ đi mất rồi!
Tôi chưng hửng:
- Sao vậy?
- Cũng tại ông Được chớ ai. Đã nói rồi, cha này xài hổng vô. Đang yên ổn không muốn, bày đặt đứng núi nầy trông núi nọ cho sanh chuyện. Đúng là vợ chồng cũ không rủ cũng tới.
Tôi chưa kịp hỏi, đã thấy ông Năm hớt hải chạy tới:
- Hai Tính à! Bây có xe hon đa làm ơn chạy liền ra thị xã, kêu thằng Được về giùm ông. Nghe nói nó đương xây cái nhà lầu ngay dốc cầu quan. Biểu nó xin nghỉ, về liền đặng đi kiếm con Cà Nọi. Tao chạy tìm cả tiếng đồng hồ rồi không thấy nó đâu hết. Trời đất ơi! Bụng dạ như vậy mà đi đâu không biết.
Tôi lật đật chạy đi, dù không kịp hiểu đầu đuôi. Chú Được nghe báo, vội vã phóng lên xe cho tôi chở về. Dọc đường, chú vò đầu bứt tóc:
- Cũng tại ông già không hà. Thằng Tính mày coi, chuyện không có gì mà làm rùm beng, bảo sao thím mày nó không sợ. Để tao kể cho mày nghe. Chẳng là hôm trước tao gặp lại hai mẹ con thằng Bờm ở chợ Trường Lưu. Hai mẹ con nó đi bán vé số. Thằng chồng cũ của bả nó giở chứng, toàn ăn không ngồi rồi, bắt hai mẹ con bả đi làm nuôi, còn hành hạ, đánh đập bả tới mang bịnh, bây giờ đi làm nặng không nổi nữa. Gặp tao, bả mắc cỡ, cúi mặt xuống khóc ròng. Còn thằng Bờm...
Giọng chú bỗng nghẹn lại:
- Mầy ơi! Tội nghiệp thằng nhỏ quá chừng. Hồi còn ở với tao, tao cưng như vàng như ngọc, tao nghèo chứ có khi nào để nói đói khát, rách rưới đâu, vậy mà bây giờ mình mẩy nó tèm hem túa hụa, ghẻ lở tùm lum. Thấy tao, nó ôm cổ tao cứng ngắc, nước mắt rưng rưng, thấy mà đứt ruột. Tao có gửi tiền cho má con nó mấy lần. Thì thấy khổ quá không đành lòng, nhất là thằng nhỏ, nó con nít, biết gì, chớ nào tao có tơ tưởng gì chuyện cũ. Vậy mà hổng biết ai học tới học lui, ông già tao nghe được. Mới hồi tối này, ông hạch hỏi, rồi quần tao một trận te tua. Ông chửi tao vuốt mặt không kịp. Tức quá, tao cự lại, ông vác chổi phang tao, rượt tao chạy khắp nhà, chịu nổi hôn?
Chú Được bảo tôi ngừng ở ngã ba quốc lộ, chú đón xe ôm đi lên cửa khẩu. Chú đoán thím Cà Nọi chắc đã tìm đường về quê cũ ở bên kia biên giới, bên này thím đâu có quen ai.
Buổi chiều, đi làm về, tôi định chạy vội lại nhà chú Được xem sự thể ra sao thì ông Năm lọ mọ tới, mặt mày tươi tỉnh:
- Về rồi, con vợ thằng Được về rồi.
Ông đón ly nước tôi đưa, lắc đầu:
- Chà! Con nhỏ gan cóc tía, bụng dạ như vậy mà giữa trưa nắng chang chang dám lội bộ ra đường cái, năm sáu cây số chớ ít ỏi gì. May mà thằng Được lên tới cửa khẩu còn gặp nó xớ rớ ở đó.
Ông Năm nói tiếp như phân trần:
- Tối hôm qua, tao la rầy thằng Được, chớ có nói gì nó đâu nà. Chắc nó thấy tao la lối rồi chỉ chỉ nó - là tao biểu thằng Được thôi không được dính dấp tới con vợ cũ nữa, lo mà nuôi vợ sắp đẻ đây nè, nó tưởng tao xúi thằng Được đuổi nó đi hay sao nên cứ chắp tay xá tao lia lịa, rồi ngồi khóc cả đêm. Tao rán sức làm cho nó hiểu là tao không có đuổi nó. Tưởng nó hiểu ra rồi, ai dè, mới này tao đi xóm về mới hay nó bỏ đi mất tiêu. Thằng Được nó cự tao quá xá.
Ông cười xòa:
- Kỳ này, chắc tao phải bắt thằng Được qua bển học nói tiếng Miên quá.
Thấy trời tối, tôi đưa ông Năm về. Trong lúc đi bộ dọc theo đường, ông rù rì kể cho tôi nghe:
- Nói cho ngay, cái chuyện với mẹ thằng Bờm, tao biết thằng Được nó không có ý gì đâu, nhưng mà nghe tụi nó gặp lại nhau, tao phải rầy chằng chằng trước. Ngừa bịnh hơn trị bịnh chớ mầy. Tao cố ý làm dữ một lần cho nó tởn, kẻo có ngày nó sanh tâm, quay về mối cũ, có phải tội nghiệp cho con Cà Nọi hôn hè? Bây giờ nghĩ coi, con người ta cô thân cô thế, bụng mang dạ chửa, theo nó trôi giạt về đây... Thà không thương thì thôi, đã thương thì thương cho trót, đâu phải dẫn về rồi bỏ nó bơ vơ. Tao là tao không chịu vậy.
Tôi ngập ngừng mãi, tới cửa ngõ nhà ông Năm mới dám bật lên điều ngấm ngầm bấy lâu không dám hỏi:
- Ông Năm nè, con hỏi thiệt... Mai mốt con của thím đẻ ra, ông có chắc coi nó như cháu nội ruột không?
Ông Năm dừng chân, vỗ vai tôi cười khà khà:
- Chà! Thằng hỏi kỳ khôi thiệt nghen.
Ông lại đổi giọng nghiêm nghị.
- Tao biết, có nhiều người đàm tiếu, dị nghị, chê cười cha con tao là dại, khi khổng khi không đi rước của thừa về nuôi. Ai nói gì kệ họ, tao không màng. ở đời biết sao là khôn, là dại. Của thừa, cũng năm bảy đường của thừa. Mình thương nó ắt nó thương mình. Tao không lo cái cóc khô gì hết.
Ông nín lặng giây lát, rồi bỗng ghé sát tai tôi, nói nhỏ:
- Nè, chớ bộ mày tưởng thằng Được nó là con ruột của tao sao?!